Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Ngày đăng: 14:36:44 22-04-2020

Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất là vấn đề được nhiều người quan tâm khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. Vậy, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số chỉ dẫn hữu ích.

Người sử dụng đất có thể góp vốn vào doanh nghiệp hoặc vào dự án sản xuất, kinh doanh

1. Quy định chung về góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm:

· Góp vốn để thành lập doanh nghiệp;

· Góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Ngoài việc góp vốn vào doanh nghiệp, người sử dụng đất cũng có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện hợp tác sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật đất đai 2013.

Phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất

2. Điều kiện để được góp vốn

Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

· Có Giấy chứng nhận;

· Đất không có tranh chấp;

· Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

· Còn trong thời hạn sử dụng đất.

Lưu ý, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận góp vốn để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nếu có đủ các điều kiện như sau:

· Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận góp vốn để thực hiện dự án;

· Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận góp vốn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

· Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì phải phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Việc góp vốn phải thực hiện theo trình tự luật định

3. Thủ tục góp vốn

3.1. Trình tự thực hiện

1. Định giá tài sản góp vốn. Các bên có thể thỏa thuận và nhất trí về giá trị tài sản góp vốn. Tuy nhiên, để tránh rủi ro và tranh chấp pháp lý không đáng có, các bên nên nhờ tổ chức định giá chuyên ngiệp thực hiện việc thẩm định.

2. Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng phải được các bên lập thành văn bản và công chứng, chứng thực.

3. Nộp hồ sơ về việc góp vốn cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có tài sản được dùng để góp vốn.

4. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành thẩm định hồ sơ và xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp nếu hồ sơ đạt yêu cầu.

5. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất.

6. Việc góp vốn bằng quyền sủ dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

3.2. Hồ sơ nộp cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2, điều 7 thông tư 33/2017/TT- BTNMT), hồ sơ nộp cho Chi nhánh Văn phòng phải có những tài liệu sau:

· Đơn đăng ký biến động đất đai;

· Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

· Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất;

· Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư của tổ chức nhận chuyển nhượng;

· Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;

· Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất;

· Trích lục bản đồ địa chính.

Trên đây là nội dung tư vấn thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu quý khách hàng có điều gì vướng mắc khi giao kết và thực hiện hợp đồng xin vui lòng liên hệ cho Luật sư của chúng tôi thông qua hotline để được hỗ trợ giải đáp miễn phí. Xin cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm: