Vai Phụ, Nguyễn đức Nam

Vai Phụ, Nguyễn đức Nam

*** Gửi Ca Sĩ Loan Châu, người đã hát bài “ Vai Phụ “.

Mẫn biết rõ là Mỵ không yêu Mẫn. Những lúc Mỵ nằm trong tay Mẫn, mắt nhắm nghiền , đôi môi run nhè nhẹ, thì thầm gọi tên Huỳnh, Mẫn hiểu ngay là nàng đang nhớ Huỳnh, đang tưởng-tượng nằm trong vòng tay thằng bạn thân của Mẫn.

Huỳnh hơn Mẫn một tuổi, học hơn Mẫn một lớp ở trường trung học Chu Văn An. Huỳnh lại đẹp trai, nhà không giầu nhưng khá giả, đủ để Huỳnh may mặc cho đúng thời trang. Cả trường, đứa nào cũng phải công nhận Huỳnh ăn mặc rất "chic". Nguy hiểm cho các cô gái mới lớn hơn nữa là Huỳnh làm thơ tình rất bay bướm. Những bài thơ của Huỳnh, một khi đã được đăng báo, là các cô đua nhau chép. Có những cô đã học thuộc lòng thơ của Huỳnh, thuộc còn hơn cả bài học ở trường.

Thú thật, Mẫn cũng là kẻ phục tài Huỳnh sát đất và có khi đã lượm một bài thơ bỏ quên của Huỳnh, chép lại cho sạch sẽ, ký tên Mẫn để gửi tặng cô hàng xóm mà Mẫn mê như điên từ hồi học lớp đệ Tứ trường Nguyễn Trãi.

Huỳnh có tật làm thơ bất cứ lúc nào hứng, viết lên bất cứ chỗ nào có thể viết được : bìa sách, bìa truyện, giấy học trò, tờ lịch, napkin , sau đó chắc chắn là bỏ quên, không tiếc nuối. Vì vậy, Mẫn mới có dịp để ăn cắp thơ của Huỳnh mà Huỳnh không nhớ gì cả.

Nhưng tai hại thay, cô hàng xóm của Mẫn, ngoài sự thích thơ thẩn ra, lại còn thích nhiều thứ khác nữa như : quần áo mới, nước hoa, nữ trang v.v.., những thứ ngoài khả năng của một tên học trò nghèo và ngoài trí tưởng tượng của một cậu trai vừa mới lớn; Và cô láng giềng - người tình đầu của Mẫn - chẳng cần kèn trống, chẳng đấm cũng chẳng đá, đi theo một chàng tóc chải đít vịt, mặt mày nhà quê, nhưng có chiếc Vespa Italie bóng loáng, để lại trong lòng Mẫn một vết thương rướm máu.. trắng. Từ đó, Mẫn không thích ăn cắp thơ của Huỳnh nữa.

Mẫn không còn hy vọng là thơ thẩn sẽ mang lại tình yêu cho mình . Nhưng ngạc nhiên thay, Huỳnh vẫn ăn khách như thường, vẫn có các em mầm non văn-nghệ đến thăm nom, yêu đương tưng bừng. Nghệ sĩ chân chánh khác nghệ sĩ thuổng ở chỗ đó? Mẫn như tỉnh ngộ và bắt đầu tập tành sáng tác.

Trong số các mầm non văn nghệ của Huỳnh, có Mỵ là xinh đep, dễ thương và được Huỳnh để ý nâng đỡ hơn cả. Mỵ không những chỉ đẹp mà ăn nói còn dịu dàng nữa. Mẫn không rõ hai đứa quen nhau trong dịp nào, chỉ biết rằng hôm Nhóm Văn-Nghệ Lạc Việt tổ chức buổi họp mặt Tất Niên ở Câu Lạc Bộ Văn-Học & Nghệ-Thuật thì Huỳnh dẫn Mỵ tới và hai đứa là một cặp nổi nhất. Chúng nó vừa nổi vì đẹp, lại còn nổi vì danh nữa. Thành thật mà nói, Mẫn rất muốn có một người yêu như Mỵ và Mẫn đã ghen thầm với Huỳnh suốt buổi đó. Huỳnh ngồi trong đám đông, bên người đẹp, lại còn được bao nhiêu người xưng tụng, tưởng như nói với Huỳnh được một câu là hãnh diện lắm rồi.

Mẫn đứng trên sân khấu, làm bổn phận xướng-ngôn-viên, muốn gây được sự chú ý của khán-giả, đã bắt buộc phải khen tặng Huỳnh, đề cao Huỳnh bằng những lời lẽ thật rực rỡ, nhưng lòng đau như cắt vì Mẫn thấy rõ Mỵ âu yếm nhìn Huỳnh, cấu khẽ tay Huỳnh ra vẻ sung sướng được làm em gái văn nghệ của Huỳnh. Rồi theo lời mời mọc của Mẫn, Huỳnh lên ngâm thơ, một bài thơ của Huỳnh sáng tác, lấy đối tượng là tình yêu và mùa xuân, rất được khen thưởng. Tiếng vỗ tay tưởng như không dứt được. Trong lúc đó, Mẫn thấy Huỳnh cao quá. Ðôi mắt kính trắng gọng đồi mồi làm cho khuôn mặt trái soan, trắng trẻo của Huỳnh đẹp một cách rất trí thức. Chiếc sơ-mi trắng may bằng vải pích-kê và chiếc quần nhung đen của Huỳnh sao mà lịch sự quá. Huỳnh đi trong những âm thanh của vỗ tay và trong những ánh mắt thán phục. Rồi Mỵ của Huỳnh cũng lên sân khấu giúp vui bằng một bài hát ngoại quốc. Nàng hát hãy còn non lắm nhưng người ta vỗ tay như điên vì sắc đẹp của nàng và vì nàng là người đi cùng với Huỳnh, phải vỗ tay để làm đẹp lòng Huỳnh.

Như tất cả những người nổi tiếng khác trên thế giới này, Huỳnh dẫn Mỵ về sớm. Từ lúc Huỳnh đưa Mỵ về, Mẫn không thiết nói năng gì nữa và trao công tác điều khiển chương trình cho một tên đàn em rồi ngồi vào đám đông, tìm an ủi trong những nụ cười, những điệu bộ nũng nịu khác. Tuy thế Mẫn không tài nào quên được bóng hình Mỵ với nụ cười tươi, giọng nói ngọt ngào và khuôn mặt thiên-thần.

Sau một đêm không ngủ, vì nhớ, vì mê, sáng hôm sau, Mẫn đến nhà Huỳnh trong lúc Huỳnh còn đang ngủ. Mẫn phải lay Huỳnh dậy và mời Huỳnh đi ăn sáng. Huỳnh cho hay sáng nay Huỳnh có hẹn đi chơi với Mỵ. Mẫn hoan hỉ bảo Huỳnh rủ Mỵ đi ăn sáng luôn cho vui. Dĩ nhiên là Mẫn xin hân hạnh được mời hai người.

Mẫn quen Mỵ sau buổi đi chơi đó và dần dần thân với Mỵ . Ðối với Mẫn, Mỵ không còn là một vật bất khả xâm phạm như Mẫn đã nghĩ trong buổi dạ hội nào. Nhưng, với Mẫn, My vẫn là Mỵ- của- Huỳnh, vẫn ôm ấp Huỳnh, nắm tay Huỳnh, hôn hít Huỳnh ngay cả trong những lần đi chơi chung; Và, Mẫn luôn luôn nghĩ rằng mình chỉ là một “ Vai Phụ” trong vở kịch “Tay Ba” hoặc chẳng khác gì một khán giả coi Huỳnh và Mỵ đóng phim ái-tình .

Vào những ngày đầu Xuân năm đó, Mẫn thường đến nhà Mỵ, ăn cơm, nghe Mỵ hát, chuyện gẫu với Mỵ hoặc nghe Mỵ tâm sự về Huỳnh. Có một buổi tối, Huỳnh hẹn mà không đến, Mỵ đã đưa nhật ký cho Mẫn xem. Qua những trang nhật-ký, Mẫn thấy Mỵ yêu Huỳnh điên cuồng. Huỳnh là nguồn sống, Huỳnh là thần-tượng, Huỳnh là tất cả. Chỉ cần coi sức của một trong hai đối thủ, Mẫn biết chắc kẻ sẽ thắng trong trận giặc ái tình này là Huỳnh. Mẫn không hiểu trong những lúc Mỵ mong đợi sự có mặt của Huỳnh thì Huỳnh đi đâu, làm gì, nhưng Mẫn chắc chắn rằng Huỳnh sẽ không cô đơn như người con gái này. Trước kia, Mẫn phục Huỳnh bao nhiêu thì nay Mẫn ghen ghét Huỳnh bấy nhiêu. Từ đó, tình yêu nhiệt thành của Mẫn dành cho Mỵ lại có thêm một chút tình thương nữa.

Có những đêm, Mẫn ở lại nhà Mỵ đến nửa khuya, đàn cho Mỵ hát những khúc nhạc sầu. Mẫn đàn không hay cho lắm nhưng nhờ thuộc những ca khúc mà Mỵ thích nên tiếng đàn của Mẫn cũng khá ngọt nên nhiều đêm, Mỵ bắt Mẫn đàn cho Mỵ ngủ. Những lúc nhìn đôi mắt Mỵ khép lại, hai làn mi cong cong và đôi môi hé mở, rung động như bướm buổi sáng, Mẫn muốn đặt một nụ hôn lên đôi môi ấy vô cùng. Nhưng, còn Huỳnh, thằng bạn thân của Mẫn ? Lỡ Mỵ không chịu, mách lại Huỳnh thì sao? Tình bạn giữa Mẫn và Huỳnh còn ra thế nào nữa?

Và Mẫn đã yêu Mỵ trong đau khổ, âm thầm. Trong khi Mẫn đau khổ thì Mỵ cũng không vui sướng gì vì Huỳnh lúc nào cũng có những người con gái xinh đẹp sẵn sàng đi vào con đường tình yêu với Huỳnh . Huỳnh đã có những dấu hiệu ngoại tình, bỏ rơi Mỵ. Mỵ lại viết nhật ký, lại khóc từng đêm, lại đưa cho Mẫn đọc, lại bắt Mẫn đàn ru nàng ngủ, lại bắt Mẫn an ủi nàng và vô tình, bắt Mẫn yêu nàng hơn. Nhưng Mẫn vẫn chưa dám tấn công vì không muốn lợi dụng lúc nàng đang đau khổ. Mẫn vẫn nhẫn nhục đóng Vai Phụï và quyết tâm đợi chờ.

Dịp may hiếm có tới với Mẫn : Huỳnh được học bổng đi du học. Ngày Huỳnh đi, Mỵ khóc hết nước mắt trong khi Mẫn mởû cờ trong bụng. Mẫn cũng giả vờ bắt tay Huỳnh ra vẻ bùi ngùi nhưng chỉ muốn hét to lên, đuổi Huỳnh đi khuất mắt để Mẫn được gần gũi Mỵ sớm hơn. “ Cái thằng trông đẹp trai, thông minh như vậy mà cũng ngu gớm”, Mẫn thầm nghĩ khi Huỳnh cầm tay Mẫn ân cần nhờ Mẫn săn sóc Mỵ dùm trong bốn năm Mẫn du-học.

Từ khi Huỳnh đi, Mẫn năng lui tới Mỵ hơn, thứ nhất là để làm tròn lời gửi gấm của Huỳnh và thứ nhì là an ủi Mỵ trong lúc nàng đang buồn. Mẫn và Mỵ bắt đầu thấy cần nhau, nhớ nhau. Có những buổi tối không lại Mỵ, tâm thần Mẫn không yên, không làm gì được. Mỵ cũng vậy: độ vài tối, Mẫn không tới là nàng kêu buồn và trách móc liền.

Mẫn và Mỵ thỉnh thoảng đi ăn, đi ciné. Nhưng trong tất cả những cuộc gần gũi đó, Mẫn đối với nàng vẫn hoàn toàn trong sạch. Không phải là Mẫn muốn vậy nhưng thật ra Mẫn là thằng chết nhát, chỉ sợ nàng cự tuyệt thì ê mặt.

Mỵ bắt đầu để ý nhiều đến Mẫn. Có lúc nàng khen Mẫn đẹp trai. Có lúc nàng khen bộ quần áo Mẫn mặc may khéo và nàng nhắc Mẫn những modes quần áo của Huỳnh, nhắc Mẫn lối nói chuyện của Huỳnh, nhắc Mẫn những thói quen của Huỳnh, những bài thơ tình ướt át của Huỳnh.

Ðể vừa lòng Mỵ, Mẫn cố-gắng thay đổi từ cách ăn mặc, cử chỉ, ngôn ngữ, tác phong, kiểu tóc, kiểu kính trắng, kiểu xe đến cách làm thơ và cả nội-dung của những bài thơ nữa. Chỉ trong một thời gian ngắn mà Mẫn đã hoàn toàn biến đổi. Mẫn đã giống Huỳnh hoàn toàn.

Một buổi sáng thật sớm, Mẫn đến Mỵ. Nàng còn đang ngủ nhưng vì người nhà đã quá quen biết Mẫn nên để Mẫn tự nhiên vào phòng nàng. Mỵ ngủ, không đắp chăn, bộ đồ ngủ mỏng không che đậy được những đường nét cần che đậy. Ðôi môi mọng của nàng hé mở như sẵn sàng đợi một nụ hôn. Mẫn đứng ngắm nàng ngủ rất lâu và cuối cùng để xua đuổi những ý nghĩ đen tối đang cuồn cuộn dâng lên trong đầu. Mẫn đặt nhẹ tay lên vai thon của nàng và khẽ lay.

Mỵ mở mắt, kêu lên kinh ngạc: “Anh Huỳnh !”. Khuôn mặt Mỵ thật rạng rỡ. Rồi Mỵ kéo tay Mẫn, vòng tay lên cổ Mẫn ghì đầu Mẫn xuống, lẹ làng hôn lên môi Mẫn một nụ hôn nồng nàn. Mẫn tưởng như trời đất vừa sụp đổ. Tính sợ sệt e dè biến mất hết. Mẫn ghì lấy Mỵ... Ðôi môi Mỵ ướt mềm, ngọt và mát như một miếng xu-xoa. Vòng tay con gái như con rắn quấn chặt cần cổ Mẫn. Thân thể Mỵ trong bộ quần áo ngủ mỏng, nằm gọn trong đôi tay điên dại của Mẫn. Bao nhiêu yêu đương âm thầm, bao nhiêu thèm khát dấu kín được dịp tung ra như trái bong bóng quá đầy hơi. Làm sao tả nổi những xúc cảm cuồng nhiệt của Mẫn lúc bấy giờ! Làm sao Mẫn có thể tách rời khỏi bản thể để ngó mình trong những động tác ấy? Bởi vậy, Mẫn không nhớ mình đã làm những gì và những gì đã xẩy ra...

À thì ra Mỵ tưởng Mẫn là Huỳnh, giả vờ như không biết đến con người hiện thực của Mẫn. Ðiều ấy làm Mẫn hơi bất mãn trong vài giây của cuộc tình tự, nhưng sau vì xúc động quá, Mẫn cũng chả cần. Miễn là Mẫn được gần gũi nàng, nói rõ hơn là được làm chủ thân xác kiều diễm ấy trong ít phút, còn nàng muốn tưởng tượng Mẫn là ai thì điều ấy cũng chả có gì là quan trọng. Mẫn đã cố gắng, đã sung sướng làm tròn bộn phận của Huỳnh, của một người tình lý-tưởng.

Sau những phút biến động của tình cảm, Mẫn và Mỵ tách rời nhau. Một chút thẹn thùng hiện trong đôi mắt, trên khuôn mặt Mỵ. Cô bé cười nụ:

- Sáng nay anh đẹp quá, trông anh y như Huỳnh vậy, không khác tí nào. Lúc đầu em cứ tưởng Huỳnh tới với em như những buổi sáng ngày xưa.

“ Ô, tôi mà giống Huỳnh, đẹp trai như Huỳnh sao? Huỳnh, tự thuở nào tới giờ vẫn là thần-tượng của tôi, mà ngày nay tôi ngang hàng với nó rồi ư ?”. Mẫn sung sướng quá, không biết nói gì nữa. Quen thói, Mẫn hôn lên môi Mỵ. Mỵ hưởng ứng, không một mảy may phản đối. Mẫn liền mang một chút hãnh diện trong lòng. Bây giờ, Mỵ đã biết rõ Mẫn là ai rồi mà Mỵ vẫn chấp-nhận tức là Mẫn cũng hiện-hữu. Mẫn muốn là người yêu thực sự của Mỵ. Mẫn chán đóng Vai Phụ rồi. Mẫn phải là Vai Chính mới được. Mẫn không thấy sợ sệt gì nữa. Mẫn như đang tiến dần đến thế chủ động. “Tôi muốn là người yêu thực sự của Mỵ, không phải núp dưới bóng thằng Huỳnh, cái bóng dáng ma quái đó, đã ám ảnh Mỵ bao lâu nay.”.

Mẫn hy vọng tràn trề. Mẫn xử sự như một người được yêu chính cống. Mẫn vứt bỏ những mặc cảm xấu trai, nghèo nàn, kém cỏi. Mẫn cố xoay sở để có chút tiền còm, đưa Mỵ đi ăn chơi, đến những nơi mà trước đây, Huỳnh đã từng dẫn nàng đi. Cuộc sống của Mẫn vì thế mà biến đổi hẳn. Trước đây, khi chưa quen Mỵ, Mẫn là một thằng đại cù-lần, chăm chỉ hạt bột, một đứa con ngoan trong gia đình, một học sinh chăm chỉ ở học đường. Bây giờ, mọi sự đã khác hẳn. Bây giờ, Mẫn ăn chơi lêu lổng và dưới những con mắt của gia đình, Mẫn là một thằng hư hỏng. Không còn ai có thiện cảm với Mẫn, kể cả mấy đứa em nhỏ vì chúng có bao nhiêu tiền, Mẫn cũng vay hết và không bao giờ trả. Nhưng biết làm sao hơn khi mà Mẫn phải tới Mỵ, phải dẫn Mỵ đi chơi để Mỵ khỏi buồn. Mỵ đang buồn lắm, buồn khủng khiếp vì Huỳnh đã thưa thư từ cho Mỵ và một người quen của Mỵ đang học cùng trường vơí Huỳnh, ở Mỹ, viết thư về cho Mỵ, báo tin cho Mỵ biết là Huỳnh đang say mê, theo đuổi một cô gái cùng lớp, con của một tỷ phú Huê Kỳ.

Có những đêm buồn, My tới nhà Mẫn, bắt Mẫn lái xe lang thang suốt đêm. Có những đêm, Mẫn và Mỵ ngồi đến hai, ba giờ sáng ở hè đường, nhìn phố khuya vắng tanh và lũ chó chạy dông. Có những buổi chiều Mẫn bỏ học, cùng Mỵ chui vào rạp ciné máy lạnh nào đó, coi lại mấy xuất cho hết một buổi chiều. Có những buổi sáng, Mẫn tới đón Mỵ ở cổng trường rồi phóng xe đi Thủ Ðức, Biên Hòa, hoặc ghé vào một bóng mát, một quán giải khát nào bên xa lộ ngồi than dài với nhau.

Trong thời gian ấy, Mẫn có làm một vài bài thơ tình và được đăng trên báo, trong mục "Thơ Bạn Trẻ". Mẫn tưởng Mẫn là một thi sĩ rồi nên chẳng thèm học nữa. Kết quả kỳ thi Tú-tài năm đó, Mẫn rớt ngay keo đầu. Dĩ nhiên là Mẫn buồn lắm. Mẫn cảm thấy tự ái bị thương tổn nặng. Thi sĩ mà thi Tú-tài ban C không xong thì còn gì nhục bằng. Thế là, không kèn không trống, Mẫn bỏ thành phố, bỏ những nơi chốn yêu đương, đầy kỷ niệm, trốn về một ngôi nhà thuộc vùng ngoại ô, học đêm, học ngày suốt ba tháng hè để dự thi lần thứ hai.

Mẫn đỗ kỳ thứ hai, ban Văn Chương, hạng Thứ. Với cái thân thể gầy còm, sau những đêm ngày học gấp rút, với bộ quần áo không vừa vặn như xưa, Mẫn mò đến nhà Mỵ, trước là để báo tin thi đỗ, sau là rủ Mỵ đi chơi. “Tội nghiệp Mỵ, Huỳnh đã bỏ Mỵ, tôi lại không tới Mỵ cả tháng nay, chắc cô bé nhớ tôi, chắc cô bé cô đơn lắm?”

Quen như mọi lần, Mẫn đi lên gác và bước vào phòng Mỵ. Phòng Mỵ vắng tanh, chỉ có những đồ vật, những quần áo của Mỵ im lìm trưởc mắt Mẫn. Nhìn chiếc giường xinh, trải khăn hoa mà thân thể thơm tho của Mỵ đã từng nằm lên, lòng Mẫn thấy bồi-hồi, ngẩn ngơ. Kỷ niệm những ngày yêu đương còn đó, đang có mặt trong căn phòng nhỏ bé, ấm cúng này. Mẫn rời căn phòng đầy kỷ niệm ấy với nỗi sầu mênh mang. Không buồn hỏi chị người làm là Mỵ đi đâu, Mẫn gọi Taxi ra trung-tâm thành phố.

Khi xe chạy qua hè đường Lê Lợi, Mẫn thấy Mỵ và một tên giống hệt Mẫn dung dăng dung dẻ như đôi chim non. Ðó là hình ảnh Huỳnh-Mỵ thuở xưa, là hình ảnh Mỵ và Mẫn trong mấy tháng qua. Gã con trai giống Huỳnh và Mẫn từ dáng người, từ mái tóc, khuôn mặt tới cặp kính trắng, bộ quần áo và đôi giầy.

Mỵ đã cấu tạo được một thằng Huỳnh thứ ba để thay thế thằng Huỳnh thứ nhất, thằng Huỳnh thứ hai( là Mẫn.) Mẫn không còn lý do gì để đóng vai trò của một cái bóng trong cuộc đời tình ái của Mỵ nữa. Mẫn đã trở nên dư thừa rồi. Mẫn mỉm cười chua chát và nghĩ rằng đã đến lúc vai trò diễn viên phụ nên chấm dứt từ đây.

Mẫn không hiểu đến khi nào thì thằng Huỳnh thứ ba bị phế thải và trong tương lai, không biết sẽ còn bao nhiêu thằng Huỳnh nữa. Mẫn không ghét Mỵ, không giận Mỵ vì biết nàng làm thế chỉ vì yêu Huỳnh quá. Không ai có thể thay thế nổi bóng dáng người tình thứ nhất của Mỵ được. Người con gái khi yêu, còn có thể làm nhiều chuyện tầy trời khác, chuyện biến đổi cá-thể của một người có gì là đáng trách móc đâu?!

“Dù sao, tôi cũng không thể là Huỳnh, vì ngoài những phút là Huỳnh, tôi còn phải là tôi. Theo như thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre Tôi hiện-hữu, Tôi phải trở về với bản thể, bản ngã. Tôi xin trả lại em cái Vai Phụ đó để em trao cho những người con trai khác.”

Mẫn xa Mỵ hoàn toàn. Ðã bao nhiêu mùa Xuân qua, Mẫn không có tin tức gì về Mỵ cả. Tuy nhiên, mỗi khi Xuân đến, Mẫn đều nhớ nàng, dù Mẫn chỉ được nàng yêu chưa đầy một mùa Xuân. Mẫn vẫn cho rằng : dù chỉ được yêu trong một mùa Xuân và được yêu qua hình bóng một kẻ khác nhưng thân xác trần tục, xấu xí này mà được gần gũi vóc dáng Tiên-Nga trong cả một mùa Xuân thì cũng đủ mãn-nguyện lắm rồi.

Nguyễn đức Nam

Tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Saigon 58 năm trước

số 3 là bé Mai ( Khánh Ly ),

số 4 là Đinh Tiến Dũng,

số 5 = Ngọc Hoài Phương,

số 6= Nguyễn Đức Nam

Thân gửi bạn Vũ An Thanh và các bạn thân mến,

Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến và lời bàn của nhiều người sau khi đọc truyện ngắn tựa đề "VAI PHỤ" của nhà văn"nghèo nhất nước NGUYỄN ĐƯC NAM" trên e mail và facebook..,nhưng mãi đến hôm nay tôi mới lên tiếng là:"Đây không phải là một truyện ngắn văn chương,mà là một chuyện có thật 100% của chính tác giả ghi lại sự thật đã xảy ra cách đây đúng 60 năm trước tại Sài gòn(1957),mà chính cá nhân tôi đã được chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối!",từ lúc tôi và Nguyễn đúc Nam là hai thằng bạn thân học cùng lớp,cùng Trường Nguyễn Trãi(Sài gòn,1954-1958),rồi sau đó lại tiếp tục lên học Trường Chu Văn An(Sài gon,1959-1961).

Thời gian này chúng tôi ngoài việc học hành để đạt chức "Cậu Tú" như mọi người,hai thằng tôi còn làm Biên Tập Viên cho Phụ Trang Học Sinh Nhật báo NGÔN LUẬN,tờ báo dành riêng cho học sinh Miền Nam VNCH do nhà văn trinh thám Kỳ Phát PHẠM CAO CỦNG phụ trách,gồm có các cây viết toàn học trò Chu văn An,Nguyễn Trãi,Trưng Vương,Gia Long..v..v...như Y-Dịch(CVA Lê đình Điểu),CVA Nguyễn Đức Nam,CVA Hoài Phi và tôi(CVA Đinh tiến Dũng,bút hiệu Đinh-Lang),và các cây bút học trò nữ sinh như Bích Huyền,Hồng Thuỷ,Hương Kiều Loan(Trưng Vương),Song Hà(Gia Long),va Lệ Mai...,Hoạ sĩ Văn Hiếu và hoạ sĩ Huy Tường là những hoạ sĩ của phụ trang học sinh Ngôn Luận,đã sáng tác truyện tranh (cartoon) "BÉ NGÔN,BÉ LUẬN",gồm các nhân vật lấy các cây viết trong BBT như Chị Huyền(Bích Huyền),em Lệ Mai(tức cây viết nữ sinh Lệ Mai,học trường Thánh Mẫu SG,bây giờ là ca sĩ Khánh Ly),riêng Bé Ngôn là hình tượng của Đinh Lang,và Bé Luận là Nguyễn Đức Nam(tác giả truyện ngắn VAI PHỤ đính kèm).

Câu chuyện này là có thật ngoài đời,và các nhân vật Mỵ,Mẫn,và Huỳnh là thật(chỉ đổi tên bằng cách viết đảo chữ hay bớt chữ,nhưng nếu tinh ý thì sẽ biết tên ai?).Và các nhân vật trong truyện Vai Phụ hiện nay vẫn hiện diện trên đất Mỹ lưu vong,mà tôi biết rõ nhưng chưa tiện nói ra khi chưa có sự chấp thuận của bạn tôi Nguyễn đức Nam,mặc dù đã trên 60 năm qua rồi!

Vậy,đố các bạn đoán thử xem nhé:

1/- Ai là Mẫn???

2/- Ai là Mỵ???

3/- Ai là Huỳnh????

Thân kính và chúc tất cả vui vẻ,trẻ trung,khoẻ mạnh,

CVA ĐINH TIẾN DŨNG tự Đinh-Lang

Dallas,Texas,USA.

Mosky