Bạch Công Tử

Bạch Công Tử

WEB

Trời nắng gắt. 5 ngôi mộ nằm im lìm dưới tán cây trong khu vườn hẹp sau căn nhà đơn sơ giản dị. Tôi đến và dừng lại trước ngôi mộ thứ 2. Đây rồi, tôi đã gặp được người tôi muốn tìm...

Bạch Công tử George Lê Công Phước ... chết không đất chôn

Người tôi muốn tìm là một người nổi tiếng. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Mỹ Tho. Khi mất ông được an táng tại ấp Thạnh Khiết (xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).

Bạch công tử George Lê Công Phước (1901 -1950)

Ông là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước (1901- 1950). Cuộc đời ngắn ngủi 49 năm đó, Bạch công tử - biệt danh dân gian thời bấy giờ đặt cho ông - đã để lại biết bao chuyện mà chúng ta cần chiêm nghiệm và suy gẫm.

Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, Bạch công tử sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3 TP. Mỹ Tho). Đốc phủ Sủng vốn người Bình Định được chính quyền Pháp thuộc điều vào làm quận trưởng quận Châu Thành rồi sau đó làm quận trưởng quận Chợ Gạo.

Đốc phủ Sủng không giàu, có nhiều vợ trong đó có bà Đào Thị Linh quốc tịch Pháp là người giàu có trong vùng. Bà Linh sống với đốc phủ Sủng được một thời gian có một đứa con chung là Lê Công Phước thì bị bệnh lao. Bệnh này lúc bấy giờ là bệnh nan y nên không chữa được và bà chết sớm để lại một gia tài đồ sộ.

Nhờ vào thế lực và vốn liếng được thừa hưởng, đốc phủ Sủng đã lao vào làm ăn kinh doanh nên chẳng mấy chốc, gia tài đồ sộ của vợ để lại càng đồ sộ hơn. Mức giàu có của đốc phủ Sủng đứng vào hàng nhất nhì của khu vực Mỹ Tho - Gò Công lúc bấy giờ.

Mộ Bạch công tử thứ 2 từ ngoài vào.

Trên bia chỉ vỏn vẹn mấy chữ :"Bạch công tử, George Lê Công Phước",

không ngày sinh ngày mất và tên người lập mộ.

Năm 1909, đốc phủ Sủng được đại diện cho tỉnh Mỹ Tho dự hội chợ ở Pháp. Tại kinh đô ánh sáng, đốc phủ Sủng đã tìm mọi cách để sau đó gởi gắm con trai Lê Công Phước sang Pháp du học.

Theo quan niệm của giới quan lại thời bấy giờ, có con qua Pháp du học là một vinh dự lớn. Ngày đi và ngày về luôn có những cuộc đưa đón rình rang long trọng. Vậy mà, trên đất Pháp, thay vì chuyên tâm học tập, George Phước lao vào ăn chơi trụy lạc. Sau mấy năm ở xứ người, Lê Công Phước trở về với bàn tay không khiến cho đốc phủ Sủng vô cùng thất vọng...

Hình phạt ông dành cho cậu quí tử là phải làm phụ hồ, gánh gạch khiêng đá cùng với nhóm thợ đang xây dựng căn nhà. Biết lỗi và chấp nhận hình phạt của cha, George Phước miệt mài lao động trong nhiều tháng cho đến khi xây dựng xong căn nhà. Nhờ vậy mà cha ông nguôi giận.

Đường đến mộ Bạch công tử ở ấp Thạnh Khiết

(xã An Thạnh Thủy – huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).

Ông đốc phủ Sủng không may qua đời khi cậu tư Phước còn quá trẻ. Tuổi đời chưa đến 20 với sản nghiệp quá lớn, sẵn máu ăn chơi trong người đã làm cho George Phước lao vào những cuộc chơi suốt sáng, trận cười thâu đêm.

Cái kết cục của những cuộc chơi hoang phí vô độ đó, gia tài của mẹ cha để lại sớm vơi dần đi đến chỗ khánh tận. Khi chưa được 50 tuổi cậu tư Phước phải sớm lìa đời vì ma túy. Thi hài Bạch công tử được một người quen đem về an táng trên miếng đất mà vốn là của ông nay đã đổi chủ.

Bạch công tử qua đời khi không còn một chút tài sản nào trong tay. Nấm mồ của người giàu có nhất vùng trong hàng chục năm qua vẫn là nấm mồ đất. Mãi cho đến 2005, ngôi mộ mới được xây lại.

Lấy cốt làm du lịch

"Mời anh vào nhà mình nói chuyện. Đứng ở đây trời nắng, nóng lắm", giọng nói từ phía sau vọng tới làm tôi quay người lại. Anh Võ Thành Sang, 42 tuổi hiện là người chủ mảnh đất này kiêm cả việc "quản trang" 5 ngôi mộ trong vườn.

Nhà của ông Nguyễn Hoàng Phi,

nơi Bạch công tử sống những ngày cuối đời và đã chết tại đây.

Ngày nay, ngôi nhà này thuộc ban Dân vận huyện ủy Chợ Gạo

Anh Sang cho biết, mấy năm trước năm nào cũng có người của ngành Thông tin văn hóa về đây viếng mộ Bạch công tử. Chỉ có 2 năm gần đây vắng bóng.

"Tôi thừa kế mảnh đất này trong đó có mộ Bạch công tử từ cha tôi. Tôi chỉ nghe loáng thoáng cũng không nhớ rõ, trước đây khu vực này nằm trong vùng đất cò bay thẳng cánh của Bạch công tử. Do ăn chơi quá trớn nên tài sản lần lượt đội nón ra đi và mảnh đất này chuyển sở hữu về cho ông Nguyễn Hoàng Phi - một điền chủ vùng Chợ Gạo.

Những năm tháng cuối đời, Bạch công tử nghiện ngập nặng sống lang thang ở vùng vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn ngày nay). Ông Nguyễn Hoàng Phi vốn trước đây được Bạch công tử giúp đỡ nên cảm ân đức đã đón Bạch công tử về nhà tá túc. Ngôi nhà đó bây giờ là ban Dân vận thuộc huyện ủy Chợ Gạo.

Sống ở đây được vài tháng, đầu năm 1950, Bạch công tử qua đời. được đưa về ấp Thạnh Khiết chôn cất. Ban đầu chỉ là nấm mộ đất. Ông Nguyễn Hoàng Phi sau đó cũng mất và con trai ông - ông Nguyễn Hoàng Lũy - thừa kế chăm sóc và bảo quản các mộ phần.

Mộ phần Bạch công tử

Tôi cũng không hiểu sao chỉ nghe cha tôi nói, ông Lũy sau đó đổi cho cha tôi thửa đất này và giờ đây tôi là người cư ngụ tại đây tiếp nối công việc bảo quản giữ gìn các ngôi mộ.

Tôi còn nhớ, năm 2005, ông Lũy cho biết có xin được tiền nhưng không nói rõ là xin của ai và xin được bao nhiêu, sửa sang lại ngôi mộ của Bạch công tử. Ngày xây mộ tôi có mặt chứng kiến khi đào huyệt làm móng có lộ ra quan tài bằng gỗ tốt. Điều này có thể xóa tan được sự đồn đãi, Bạch công tử chết không có hòm phải bó chiếu đem chôn.

Anh Võ Thành Sang,

người chăm sóc mộ Bạch công tử hiện nay, trước ngôi nhà của mình.

Có nhiều dư luận về ngôi mộ của Bạch công tử. Năm 1999, NSND Phùng Há, người vợ một thời của Bạch công tử có về gặp ông Lũy đặt vấn đề xin lấy cốt hỏa táng đem về thờ ở nghĩa trang nghệ sĩ. Ông Lũy không đồng ý vì theo ông Lũy hỏa táng là mất hết dấu vết không còn gì chứng minh khi nhắc đến Bạch công tử"

"Cách đây khoảng 3 năm" - anh Sang kể tiếp "có một người xưng là Thầy Đức có gặp anh đề nghị được lấy cốt đem về thị trấn cải táng xây mộ hoành tráng làm khu du lịch như khu du lịch công tử Bạc Liêu. Ông thầy Đức nói sẵn sàng chi 8 tỉ để lo cho công việc này. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng ý cho lấy cốt và nói nếu muốn làm như vậy sao không làm tại đây mà phải chuyển đi xa? Người chết đã chết không nên động mồ động mả.

Ý tưởng xây khu du lịch Bạch công tử của ông Thầy Đức không thành và từ đó đến nay, không còn ai trở lại lui tới viếng mộ Bạch công tử nữa.

Đã hơn 60 năm trôi qua, câu chuyện về Bạch công tử ở đất Chợ Gạo dần đi vào quên lãng. Cũng còn người nhớ đến và họ vẫn xem như đây là một bài học để răn dạy con cháu về phong cách sống và làm người. Sống xa hoa phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn vẫn luôn là lời cảnh tỉnh đến mọi người trong mọi thế hệ...

Hôn nhân bi thảm của NSND Phùng Há với Bạch Công Tử

Qua khỏi cổng nghĩa trang nghệ sĩ đi thêm vài bước nhìn về bên phải, cổng chào "phần mộ NSND Phùng Há" như chào đón mọi người đến viếng. Bước vào bên trong, nấm mồ hình lục giác nằm trước nhà bia với ảnh chân dung vừa trang nghiêm vừa rực rỡ.

Mê cải lương, mê cả đào hát

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (1911-2009). Sống gần trọn một thế kỷ, bà là người được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Cổng chào vào mộ NSND Phùng Há

Mộ phần NSND Phùng Há ở nghĩa trang nghệ sĩ

Bà đến với cải lương từ rất sớm. Năm 13 tuổi, gánh hát Tái Đồng Ban được thành lập và ông bầu gánh Hai Cu mời bà tham gia với vai trò đào chính cùng với kép chính Năm Châu.

Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của bà là đó là vai Giả Thị trong vở cải lương "Hoàng Phi Hổ quy Châu" của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Tiếp theo sau còn nhiều vở tuồng bà đóng cặp với Năm Châu rất được công chúng hoan nghênh và tán thưởng.

Năm 1926 cùng với Tư Chơi, Năm Châu về đầu quan cho gánh Trần Đắc. Cũng trong năm này bà kết hôn với Tư Chơi nhưng cuộc tình chóng vánh, chỉ 2 năm sau bà ly dị.

Mộ Bạch công tử (thứ 2 từ trái sang)

Vào một đêm diễn năm 1929, sau khi vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài do bà thủ vai Mạnh Lệ Quân kết thúc, bà Phùng Há ra cửa sau ra về bất ngờ gặp Bạch công tử đứng đợi tự bao giờ.

Bắt tay cô đào hát và làm quen để từ đó, cứ mỗi đêm ở hàng ghế đầu tiên chàng công tử hào hoa say sưa thưởng thức tài nghệ ca diễn của cô bảy Phùng Há.

Cũng xin nhắc lại, trong thời gian được cho qua Pháp du học, Bạch công tử vốn là người mê nghệ thuật đã theo học ngành sân khấu để rồi khi về nước ông đã cùng người bạn là Nguyễn Ngọc Cương lập ra gánh Phước Cương. Gánh hát Phước Cương quy tụ được rất nhiều đào kép nổi danh được mời đi lưu diễn khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng và thậm chí cả bên Pháp.

Gặp được bà Phùng Há, Bạch công tử quyết tâm đầu tư. Sau khi kết hôn với bà, Bạch công tử đã tách ra khỏi gánh hát Phước Cương để thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho vợ là bà Phùng Há làm bầu.

Bà Phùng Há thời còn trẻ (ảnh internet)

Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Bạch công tử cho xây dựng rạp hát lớn nhất trong vùng cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi biểu diễn thường xuyên.

Dưới sự điều hành của bà Phùng Há, vốn liếng tiền bạc dồi dào cùng với kiến thức có được từ những năm du học của Bạch công tử, chẳng bao lâu gánh hát Huỳnh Kỳ trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều khán giả.

Có thể nói vào thời điểm thập niên 1930, với sự đầu tư về kỹ thuật về vốn liếng và niềm đam mê nghệ thuật cải lương, Bạch công tử đã đưa gánh hát Huỳnh Kỳ và nhà hát Huỳnh Kỳ lên đến đỉnh cao của sự nghiệp.

Lúc về chiều (ảnh internet)

Ở miền Tây khi sự phát triển về giao thông chưa cao thì giao thông thủy là phương cách hữu hiệu nhất.

Theo các tài liệu còn ghi lại, trong khi các gánh hát khác di chuyển bằng ghe chèo Bạch công tử đã trang bị cho gánh hát Huỳnh Kỳ một lúc 3 chiếc ghe máy đồ sộ.

Mỗi lần di chuyển, đoàn ghe của gánh hát Huỳnh Kỳ xem không khác một đoàn du thuyền trên sông. Chiếc đầu tiên có lầu. Phía trước ghe có cột cờ trên đó có lá cờ vàng biểu tượng cho 2 chữ Huỳnh Kỳ. Bạch công tử và Phùng Há có mặt trên ghe này.

Ghe kế tiếp dành cho đào kép được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh. Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền địa phương.

Mang tiếng ăn chơi nhưng ít ra trong giai đoạn này ở lãnh vực nghệ thuật, Bạch công tử cũng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của cải lương trong thời kỳ phôi thai.

Kết cục thê thảm

Gánh hát Huỳnh Kỳ tiếp tục phát triển. Với thực lực hùng hậu không gánh hát nào bì kịp, Huỳnh Kỳ đi lưu diễn khắp nơi. Khán giả từ những nơi heo hút nhất hàng đêm đã bơi ghe đến xem. Ghe của khách neo chật cả bến.

Bà Phùng Há (ngồi) trong vở diễn cùng NS Năm Châu (ảnh internet)

Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn và các vùng lân cận.

Cuộc tình của Bạch công tử và cô bảy Phùng Há hạnh phúc được nhiều năm. Kết tinh của niềm hạnh phúc đó là sự ra đời của 2 mụn con kháu khỉnh: con trai Paul Lộc và con gái Suzane.

Thế nhưng dường như đó chỉ là giai đoạn tạm dừng của những cuộc ăn chơi. Sau 7 năm với những thành công có được từ sự miệt mài lao động, Bạch công tử lại trở về với những cờ bạc, rượu chè, gái gú không quan tâm chăm chút gánh hát như trước nữa.

Gánh Huỳnh Kỳ rơi vào tình trạng không người cai quản. Trong khi bà Phùng Há một nách 2 con còn phải lo về phần nghệ thuật biểu diễn thì công việc điều hành đoàn hát của Bạch công tử bị bỏ ngõ.

Như rắn mất đầu, mạnh ai nấy làm khiến gánh hát càng ngày càng suy sụp. Đào kép bỏ đi. Hàng ngày, bà Phùng Há ôm con nằm chơ vơ trên những chiếc ghe mà gánh hát neo gần cầu Ông Lãnh.

Hai con nhỏ bị bệnh. Tiền bạc không còn. Bà ôm con tìm chồng thì bất ngờ, bà chứng kiến Bạch công tử đang ôm ấp một cô gái đep trong khách sạn. Chẳng những không hối lỗi, Bạch công tử còn quát mắng bà. Đứa con trai Paul Lộc bệnh nhưng không có thuốc men nên đã chết sau đó. Vậy mà Bạch công tử vẫn cứ chìm đắm trong u mê.

Bà bảy Phùng Há quyết định ly dị với Bạch công tử sau 7 năm chung sống. Đứa con gái Suzane sau đó cũng chết. Theo như những người yếu đuối khác sẽ suy sụp và buông xuôi, bà Phùng Há mạnh mẽ gượng đứng lên gầy dựng lại từ đầu để đến hôm nay, hình ảnh bà luôn luôn ngự trị trong lòng khán giả ái mộ cải lương.

Với Bạch công tử, bản chất ăn chơi vô độ đã bán hết tài sản mình có được. 4 chiếc ghe, ngôi nhà ở Mỹ Tho, rạp hát Huỳnh Kỳ lần lượt đổi chủ. Rạp Huỳnh Kỳ sau đó thành rạp Lê Ngọc rồi rạp Mỹ Tho cuối cùng là rạp Viễn Trường.

Tài sản của ông đốc phủ Sủng cũng lần lượt ra đi để cuối cùng Bạch công tử chìm đắm trong nghèo đói và nghiện ngập.

Những ngày cuối đời Bạch công tử thường lang thang ở vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn ngày nay). Vẫn còn một chút tự trọng, ông kiên quyết không nhờ vả xin xỏ ai. Một người trước đây đã từng chịu ơn ông đã đưa ông về nhà ở Chợ Gạo nuôi dưỡng và chăm sóc. Chỉ vài tháng sau, đầu năm 1950, Bạch công tử qua đời.

Ông được an táng trên một khu đất mà trước đây ông từng là sở hữu chủ. Người chôn cất ông chỉ mới kịp làm một nấm mồ đất, không bia cho mãi đến năm 1999, bà Phùng Há nghĩ đến tình nghĩa cũ trở về tìm lại ngôi mộ của chồng và 2 con. Bà xin được lấy cốt Bạch công tử hỏa táng đem tro về thờ ở nghĩa trang nghệ sĩ nhưng không được đồng tình. Bà đành lấy cốt 2 con về để trong nghĩa trang nghệ sĩ.

Qua câu chuyện Bạch công tử, nhiều người tỏ ý tiếc. Giá như biết dừng đúng lúc thì cái kết cục của đời ông không thê thảm đến thế. Trần Chánh Nghĩa

Ăn chơi trên đất Pháp

Hầu như trong mọi cuộc chơi của những người đàn ông đều không thể vắng bóng phụ nữ. Bạch công tử là một tay chơi khét tiếng ở Nam kỳ vào những thập niên đầu 1900.

Dĩ nhiên những bóng hồng đã qua tay công tử hào hoa này không phải ít. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được ghi lại những nhân vật chính đã in đậm trong tâm thức chàng trai George Lê Công Phước

Người tình trên đất Pháp

Sau khi ông đốc phủ Sủng qua đời, gia tài kếch xù lọt vào tay Bạch công tử. Nhớ lại thuở còn đi học bên Pháp, mộng ước của công tử là muốn trở lại Paris để ăn chơi cho thỏa thích bởi trước đó khi còn đi học, mức độ tiêu pha vẫn còn hạn chế.

Công chúa Olga (ảnh internet)

Trước đây, trong thời gian ở Pháp, vốn là người rất mê cải lương, George Phước từng học về ngành sân khấu. Khi về nước, George Phước cùng ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương. Dịp may đã đến. Năm 1931, đoàn Phước Cương được mời sang Pháp biểu diễn và dĩ nhiên, Bạch công tử phải là người hướng dẫn.

Sang Pháp lần này trong vali của Bạch công tử đầy ắp tiền bạc. Thỏa sức ăn chơi, Bạch công tử kết thân với nhiều người trên đất Pháp trong đó có cả những nhà quí tộc để sau đó chính Bạch công tử được mang danh là quí tộc châu Âu.

Những ngày sống trên đất Pháp, buổi trưa Bạch công tử ăn ở khách sạn do một người đầu bếp mang theo từ Việt Nam nấu. Buổi chiều cho đến tối, là những cuộc chơi nghiêng ngả ở những điểm ăn chơi sang trọng nhất Paris.

Trong những lần ăn chơi đó, Bạch công tử đã tìm được cho mình một người tình tuyệt đẹp. Nàng là một cô gái Nga tuổi mới lớn thuộc dòng dõi Nga Hoàng đang tỵ nạn chính trị tại Pháp, công chúa Princesse Olga.

Đây là một dòng vua lớn nhất châu Âu nên mặc dù mất ngôi đi tỵ nạn, những người trong hoàng tộc vẫn giữ được nề nếp.

Chuyện Bạch công tử chiếm được trái tim của công chúa Nga đã làm nhiều dân chơi tại kinh đô ánh sáng vô cùng thán phục nên đã đặt cho chàng biệt danh là “ông hoàng xứ Galles”.

Những tước hiệu mà người đời đặt cho Bạch công tử như quí tộc châu Âu, ông hoàng xứ Galles, ông hoàng ăn chơi đã lấy đi khá nhiều tài sản tiền của mà ông đốc phủ Sủng đã dày công làm nên.

Đồng tiền không do chính mình làm ra thường được các tay công tử vung tay bạt mạng. Sau 2 năm 1931 - 1932 ăn chơi trên đất Pháp, Bạch công tử đã làm mất đi khá nhiều ruộng đất nhưng điều đó vẫn chưa làm ông chùn bước.

Ăn chơi thỏa thích

Kể từ khi có người tình, đêm nào cũng vậy Bạch công tử và công chúa Olga đều tay trong tay có mặt tại các tụ điểm ăn chơi nức tiếng tại các khu Montmartre, khu Saint Germain des Prés, khu Champs Élysée…. Thông thường Bạch công tử ăn nhậu cùng bạn bè tại các nhà hàng xong rồi mới đi nhảy đầm suốt sáng.

Bạch công tử George Phước (ảnh internet)

Theo các tài liệu còn lưu lại đến ngày nay, mỗi ngày Bạch công tử mặc một bộ đồ khác nhau. Đây là những kiểu trang phục mà chỉ có những tay quí tộc mới có điều kiện sử dụng. Ngoài ra, Bạch công tử còn đội nón Flécher, miệng ngậm xì-gà, tay cầm gậy bằng gỗ mun bịt vàng. Mùa đông đến, Bạch công tử mặc thêm áo khoác ngoài bằng da thú hoặc bằng loại vải đắt tiền nhất.

Trong bài viết "giai thoại về Bạch công tử Lê Công Phước" trên trang mạng Jianvip1112 có ghi rõ: "Trong những đêm dạ hội, George Phước đúng nghĩa là một ông hoàng, khi cùng “công chúa’ Olga, cây đinh của những buổi tiệc tùng sang trọng, khoác tay nhau trước bao cặp mắt thèm thuồng, ganh tị."

Trong gần 2 năm ăn chơi ở Âu Châu, “ông hoàng xứ Galles” George Phước có một lịch trình hưởng các lạc thú khắp nơi trên đất Pháp. Vào mùa hè, ông cùng các bạn tự lái xe xuống phía Nam, đón không khí trong lành tại các thành phố biển nổi tiếng của Pháp nằm bên bờ Địa Trung Hải như Cannes, Nice…

Ban ngày họ tắm biển, thuê du thuyền đi ra biển câu cá, có khi ngủ đêm trên biển. Họ cũng không bỏ qua các hộp đêm sang trọng ở các thành phố . Không chỉ “quậy phá” trên nước Pháp, để tăng thêm cảm giác, Goerge Phước còn cùng Pricesse Olga vượt rặng núi Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò hoặc khiêu vũ cùng những võ sĩ bò tót.

Đến mùa Đông, George Phước thích cùng Olga hưởng riêng lễ Giáng Sinh tại Paris, sau đó hai người đi trượt tuyết ở núi Alpes hoặc các khu du lịch, thể thao mùa đông nổi tiếng khác".

Trung tâm văn hóa P. 3 ở số 62 Đinh Bộ Lĩnh (P3 TP. Mỹ Tho)

trước đây là nhà của Bạch công tử.

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Sau 2 năm đắm chìm trong xa hoa, cuối năm 1932, Bạch công tử về nước. Cuộc tình giữa George Phước và công chúa Olga của Nga hoàng chấm dứt từ đó.

Khi về nước, những cuộc tình khác tiếp tục xuất hiện điểm tô thêm nhiều màu sắc trong cuộc sống trác táng của chàng công tử xứ Nam kỳ

Cuộc tình với đệ nhất mỹ nhân Nam kỳ

Trên chiếc xe hơi thuộc loại lộng lẫy nhất, Bạch công tử đưa người đẹp vào khách sạn Bungalow ở Cần Thơ. Trước khi vào phòng tắm, Bạch công tử lột chiếc nhẫn kim cương có giá trị hơn 3000đ để trên bàn. Tắm xong, từ phòng tắm bước ra, cậu tư Phước thấy người đẹp đang ướm thử chiếc nhẫn trong tay và ngắm nghía...

Tuổi thơ bất hạnh

"Vừa tay em quá. Em đeo luôn đi, anh tặng em đó", Bạch công tử lấy lòng người đẹp mà không một chút đắn đo. Thời ấy, vàng chỉ 60đ/lượng và chiếc nhẫn kim cương ấy có giá trị bằng 50 lượng vàng.

Người đẹp được Bạch công tử săn đón chiều chuộng kia là cô Ba Trần Ngọc Trà, một người được mệnh danh là hoa khôi của đất Nam kỳ.

Cô Ba Trần Ngọc Trà (ảnh Internet)

Cô Ba Trà sinh năm 1906, quê ở Cần Giuộc (Long An). Cô có một tuổi thơ bất hạnh, từ lúc lên 5 cô đã bị cha nghi ngờ là sản phẩm do sự thiếu chung thủy của người vợ nên đã giận dỗi đến thổ huyết mà chết. Cha cô vừa liệm xong, bà nội cô quá đau xót trước sự ra đi của con trai cũng đột ngột qua đời.

Từ đó, người bác của cô lấy cớ cô không phải là cháu ruột đã liên tục sỉ vả khiến mẹ cô chịu không nổi phải bế cô về bên ngoại. Từ những cú "sốc" đó, mẹ cô suy sụp tinh thần và nhiều lần trút giận lên con gái. Những trận đòn chí tử, những lời mắng nhiếc không thương tiếc đã hằn sâu vào ký ức tuổi thơ của cô để đến khi lớn lên cô nhìn đời bằng đôi mắt lạnh lùng.

Người chồng đầu tiên của cô Ba Trà khi cô bước vào tuổi 14 là một quan Ba (đại úy) người Pháp. Một năm sau, vị quan Ba này được lệnh về nước đã bỏ cô ở lại không đoái hoài tới. Cô trở về ở với mẹ, đi bán nước trên những chuyến tàu hỏa Sài Gòn - Phan Thiết.

Lúc này mặc dù lam lũ mưu sinh nhưng nhan sắc cô đã lộ hẳn ra khiến nhiều chàng trai ngẩn ngơ. Trong số các chàng trai đó, có con của một hào phú đất Phan Rang. Anh này không kiềm lòng được trước sắc đẹp của Ba Trà nên đã nhờ người hỏi cưới. Mẹ cô đồng ý. Như thế mới 15 tuổi cô Ba đã trải qua 2 đời chồng.

Sống với người chồng thứ 2 được chừng 2 năm, cô Ba phải bỏ đi vì tính lăng nhăng của chồng. Rồi cô đến với bác sĩ Trần Ngọc Án và làm vợ ông khi bước vào tuổi 18.

Qua các tài liệu còn lưu truyền, sắc đẹp của cô Ba thuộc vào hàng "nghiêng nước khuynh thành". Cô rất đẹp. Chỉ cần nhìn thấy cô, từ những chàng trai vốn là thiếu gia nhà giàu đến các văn nhân, chính khách đều mong muốn có được cô trong tay.

Cô Ba Trà và Công tử Bạc Liêu (ảnh Internet)

Làm vợ bác sĩ Án không lâu, cô Ba chấp nhận cuộc sống phóng khoáng. Không là vợ của riêng ai, cô Ba càng ngày càng giao du rộng, lấn sâu vào cờ bạc đỏ đen để rồi sau những cuộc tình được đặt trên nền tảng tiền bạc vật chất, cô trở về với bàn tay trắng lúc cuối đời.

Nhan sắc là nhất thời. Tiền bạc vốn là phù du. Giá trị vĩnh cửu vẫn là tình cảm chân thật của mỗi người. Thế nhưng nếu ai cũng hiểu được điều đơn giản này thì chắc không có những câu chuyện để đời ...

Tiền của như bụi đất – tình nghĩa mới thiên thu…

Bạch công tử gặp cô Ba Trà vào thời điểm cô đang ở đỉnh cao. Tiền bạc có người dâng, nhan sắc được trời cho, cô là nữ hoàng của các sòng bạc đỏ đen. Để được gần với cô, Bạch công tử đã đưa cô về Cần Thơ chơi và đã xảy ra câu chuyện chiếc nhẫn kim cương.

Chuyện chiếc nhẫn của Bạch công tử tặng cô Ba Trà đến tai Hắc công tử (Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy). Hắc công tử liền tặng cô một chiếc nhẫn tương tự nhưng có giá trị gấp đôi chiếc nhẫn của Bạch công tử.

Cả hai chiếc nhẫn có giá trị hàng trăm lượng vàng đó đều không nằm lâu trên tay cô Ba. Chúng đã được bán đi và tiền thu về cô Ba nướng vào cờ bạc đỏ đen. Nhiều lần cô phải phủi tay đứng lên. Rồi không lâu sau đó, những món quà của những tay hào hoa đa tình khác hiến dâng. Chúng cũng không trụ lâu ở cô và cũng thanh thản ra đi. Cô không vui khi thắng bạc vạn và cũng không buồn khi thua cháy túi.

Có thể nói, cô Ba Trà không là người tình của riêng ai mặc dù ai cũng tự nhận cô là người tình của mình trong đó có chàng Bạch công tử. Chuyện kể lại, chỉ nhờ vào sắc đẹp, cô Ba Trà đã làm nhiều người điên đảo.

Sau khi "thua cuộc" ở Đông Pháp lữ quán, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì các Hắc, Bạch công tử vì mê cô đã cùng nhà triệu phú trẻ tuổi họ Lương đã bỏ tiền ra để cô trả nợ. Một căn phố lầu sang trọng được họ xây dựng thành tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô mang tên Nguyệt Tiên cung.

Chính từ Nguyệt Tiên cung này, nhiều tay nhà giàu ở khắp nơi đổ về và chỉ trong chốc lát tất cả đều trở về tay không. Tiền cũng hết mà tình cũng chẳng có.

Cô Ba Trà qua hình vẽ (ảnh internet)

Cô Ba Trà không thể nhớ được mình đã "ban bố" chút tình cho bao nhiêu người đàn ông. Nhưng trong một lần tự bạch, cô xác nhận chỉ có một lần yêu. Đó là người chồng thứ 2 đã ăn ở với cô trong thời gian 2 năm trời. Nhưng vì tính lăng nhăng nên cô đã bỏ để rồi cô cũng lao vào con đường lăng nhăng còn khủng khiếp hơn.

Nhan sắc theo năm tháng cũng tàn phai. Các đại gia, các công tử dần dần lảng tránh cô và cuộc sống cô về cuối đời càng bi đát hơn. Về sau có người gặp cô làm công cho một tiệm ăn ở Chợ Lớn. Nhưng rồi, không còn ai nhớ ai biết đến cô nữa, thậm chí không biết cô mất vào năm nào. Gần đây, khi đọc những dòng nói về cô trên trang mạng Pháp Luật Xã hội chúng tôi mới biết cô Ba Trà chết ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn trong cô đơn và nghèo khổ.

Để kết luận, chúng tôi xin ghi lại nhận xét của học giả Vương Hồng Sển, người đã sống cùng thời, từng si mê nhan sắc của cô Ba Trà, đã viết trong cuốn "Sài Gòn tả pí lù" như sau: "... những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp… Cô Ba Trà, đệ nhất Huê (hoa-PV) khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc".

Và chính cô Ba Trà cũng đã từng nói: Tiền của như bụi đất – tình nghĩa mới thiên thu…"

Trần Chánh Nghĩa