Hắc công tử

Hắc công tử

Tintuconline

Chàng Công tử Bạc Liêu ngày nào đốt tiền đốt bạc cuối cùng cũng chết trong đơn độc và nghèo khó.

Hắc công tử hay Công tử Bạc Liêu có tên khai sinh là Trần Trinh Huy, còn gọi là Ba Huy. Công tử là kẻ ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Cũng giống như nhiều con cái của các bậc vương giả thời bấy giờ, Ba Huy được cho đi du học ở Pháp. Là người có tiền, sang kinh đô ánh sáng, Ba Huy dường như chỉ học được đúng những gì gọi là ánh sáng, tức là sự ăn chơi của chốn đô hội.

Chân dung công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy

Vung tiền không biết mỏi tay

Sau khi “du học” ở Pháp về, Trần Trinh Huy được ba mở lễ đón rước không thua gì vua Bảo Đại. Tất cả những gì gọi là xa hoa nhất thời bấy giờ đều được thực hiện trong ngày hôm ấy, đưa cái tên Ba Huy trở thành giai thoại trong giới ăn chơi Nam Kỳ.

Niềm đam mê với động cơ biết đi

Ba Huy rất thích ô tô, ca nô và thậm chí là cả máy bay. Được cha giao cho việc trông coi điền sản, Huy thường dùng ô tô riêng để thăm các sở điền. Mỗi lần công tử ghé qua là đám người làm, tá điền lại vây quanh như kiến vì tò mò. Thêm vào đó, khi đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.

Vào thời điểm ấy, chỉ có vua Bảo Đại là có đủ tiền từ ngân khố quốc gia để tậu máy bay nhưng Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng không hề kém cạnh khi dùng chính đồng tiền của gia đình mình để tậu phi cơ và sân bay riêng. Sự bốc đồng của Ba Huy đã phải trả giá đắt bằng khoản phạt khi lỡ bay vào lãnh thổ nước Xiêm.

Chiếc ô tô còn lưu lại cho đến thời nay

Đó là một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí tranh lái với phi công Pháp, bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quí tử về.

Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân

Người của chủ nghĩa xê dịch và quá sanh chảnh

Theo các tài liệu còn ghi lại, Ba Huy đã ra đường là phải xa hoa bằng veston và những phụ kiện đắt tiền. Ba Huy ăn sáng kiểu Tây, ăn trưa kiểu Tàu và cuối ngày lại trở về với Tây. Mỗi lần chu du, Huy đều ở những khách sạn sang trọng và có đoàn xe cộ đưa rước linh đình. Thậm chí, có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ lặt vặt khác của công tử.

Chính vì thú mê chơi này của mình mà cuộc sống của Ba Huy hầu như lúc nào cũng ngập trong tiệc tùng, rượu thịt. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông đánh một cây bài trị giá bằng cả gia sản của một gia đình bình thường khác.

i

Cuộc cạnh tranh Hắc – Bạch công tử và giai thoại đốt tiền nấu đậu xanh

Như đã đề cập ở số trước, Bạch công tử cũng là cái tên khét tiếng ăn chơi ở Nam Kỳ cùng thời với Ba Huy. Hai người gần như trở thành kỳ phùng địch thủ trên mọi chiến tuyến, từ những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng đến chuyện tình cảm.

Có câu chuyện kể rằng hai người đã thi nhau đốt tiền để nấu chín một kg đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng nên mối thâm hận lại ngày càng dày hơn.

Chưa dừng lại ở đó, vì tranh giành nhau một người con gái tên là Ba Trà, người được mệnh danh là đệ nhất nhan sắc Nam Kỳ thời trước. Mặc dù Ba Trà khét tiếng ăn chơi và tiêu tiền không tiếc tay nhưng vì đam mê nhan sắc mà 2 công tử không ai chịu nhường cho ai. Dù vậy, Ba Trà không trao trái tim cho người nào mà tự nhận mình không là người tình của riêng ai.

Gã đàn ông tham lam, đa tình

Trước khi lấy vợ, công tử đã vướng phải bê bối tình ái với một cô gái người Pháp tên Marie lúc còn đi du học. Tình cảm của Ba Huy với cô gái ngoại quốc này là thật lòng và hai người đã có với nhau một đứa con trai. Khi cậu bé được 7 tháng, Ba Huy phải lên đường về nước, gần 6 năm sau, Marrie dẫn con trai về gặp cha. Công tử Bạc Liêu đã dẫn vợ con về ra mắt bố mẹ, nhưng 2 mẹ con Marie chỉ ở lại Bạc Liêu một thời gian rồi về lại Pháp vì lúc đó Ba Huy lại vừa kết hôn với người khác. Tương truyền bà thân sinh ra công tử Bạc Liêu đã cho mẹ con Marie đến vài chục ký vàng để nuôi dạy con trai đến tuổi trưởng thành.

Chinh phục Hoa hậu Đông Dương bằng 50 ký vàng

Dù đã có vợ rồi nhưng công tử Bạc Liêu vẫn say mê nhan sức của Trần Ngọc Trà, thường gọi là cô Ba Trà, thuở ấy được mệnh danh là "Hoa hậu Đông Dương" vì có nhan sắc khiến các ông phủ, ông huyện, các công tử, thầy thông, thầy ký đều nhìn cô thán phục, thèm thuồng... Công tử Bạc Liêu đã tiêu tốn khoảng chục triệu đồng Đông Dương, tương đương 40 - 50kg vàng để theo đuổi người đẹp bằng những món đồ quý đắt giá như dây chuyền, nhẫn hột xoàn, thậm chí cả nhà cửa, xe hơi.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cô Ba Trà không yêu Ba Huy mà sống cuộc đời ăn chơi sa đọa rồi cuối cùng cũng chết trong cô đơn, nghèo khó.

Suốt cuộc đời đa tình của mình, Ba Huy đã dùng nhiều cách để chinh phục các cô gái trẻ đẹp. Tư liệu còn ghi lại cho thấy công tử thậm chí đã bao trọn vẹn cả một nhà hàng bằng nửa ký vàng chỉ để được gặp mặt và uống rượu cùng một cô ca sĩ.

Dung mạo xinh đẹp của Ba Trà

Cuộc đời đa thê nhưng chết trong cô đơn

Người vợ đầu tiên chính thức của Ba Huy tên Ngô Thị Đen, sau đó, công tử có cưới thêm bàTrần Thị Hai. Bà Hai ở với công tử Bạc Liêu sinh được 2 người con trai. Người vợ cuối cùng được Ba Huy cưới hỏi đàng hoàng nhỏ hơn ông tới 40 tuổi. Bà tên Nguyễn Thị Ba, xuất thân trong gia đình nghèo, sống bằng nghề gánh nước mướn ở cạnh công viên Tao Đàn - Sài Gòn. Vào cuối thập niên 1960, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy về sống hẳn ở Sài Gòn với cô vợ cuối cùng và có 4 người con.

Vợ chồng công tử Bạc Liêu Ba Huy

Trải qua không biết bao nhiêu là chuyện tình, không đếm xuể những nhân tình qua tay công tử Bạc Liêu nhưng cuối đời ông Trần Trinh Huy chủ yếu sống trong bệnh viện, ở bên ngoài những đứa con, cháu của ông tiếp tục ăn chơi vô độ, tàn phá gia sản của gia đình. Đầu năm 1973, sức khỏe của Công tử Bạc Liêu càng suy sụp nặng nề. Ba Huy từ giã cõi đời trong cô độc, dù ông có hàng chục bà vợ, hàng trăm cô nhân tình, 4-5 dòng con.

Theo Anh Đào (aFamily.vn/Trí thức trẻ)

"Vua Bảo Đại có gì, Hắc công tử có nấy"

Phải đến những năm gần đây ở Việt Nam mới có người Việt sở hữu máy bay. Rất ít ai biết vào thập niên 1930 - 1940, tại Việt Nam, ngoài vua Bảo Đại còn có một người tuy không có quyền cao chức trọng nhưng lại có một chiếc máy bay để hàng ngày đi thăm ruộng. Người chủ chiếc máy bay ấy chính là công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy ...

Đi Pháp học nhảy đầm

Trần Trinh Huy (1900 - 1974) là con thứ 3 của ông hội đồng Trần Trinh Trạch một điền chủ giàu nhất Bạc Liêu. Ông Trạch có 7 người con gồm 3 trai - Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy, Trần Trinh Khương - và 4 gái. Cả 3 con trai đều là những tay ăn chơi khét tiếng nhưng nổi trội nhất vẫn là cậu ba Huy.

Cậu Ba Huy ra đời vào lúc gia sản của ông Hội đồng Trạch đang ở đỉnh điểm. Thuở ấu thơ và thuở thiếu thời của Ba Huy sống hoàn toàn trong nhung lụa. Suốt ngày cậu Ba được chìu chuộng, ăn chơi thỏa thích. Việc học không được cậu Ba quan tâm đến. Tuy nhiên, vào tuổi đang lớn gặp mốt thời thượng thanh niên phải đi du học Pháp mới là oai nên Ba Huy đã xin phép cha đi du học.

Với quan niệm, ruộng bề bề không bằng cho con một bồ chữ, ông hội đồng Trạch đã tìm mọi cách cho cậu Ba lên đường. Sau ba năm nơi đất khách cậu Ba hồi hương.

Để đón ngày về của con cho xứng với nếp gia đình danh gia vọng tộc, ông hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn tìm đến hãng xe góc đường Charner (Nguyễn Huệ) - Bonard (Lê Lợi) để mua một chiếc xe mới mặc dầu chiếc Ford cũ của gia đình vẫn còn sử dụng và là niềm ước mơ thèm thuồng của nhiều người.

Nhìn ông hội đồng với quần áo bà ba, với vẻ ... nhà quê thoang thoảng mùi lúa, những người bán xe tỏ vẻ xem thường. Bất chấp, ông hội đồng nói với người cùng đi lựa cho ông một chiếc sang trọng nhất, tốt nhất và giá cả đắt nhất. Ông ngồi lên chiếc xe đó. Êm ái, thoải mái. Hài lòng, ông hội đồng rút chiếc mo cau mở ra. Những xấp tiền đếm hoài không hết đã làm cho người bán xe tròn xoe đôi mắt. Mua xe xong, chiếc xe trực chỉ bến Nhà Rồng để chờ tàu chở đứa con trai từ Pháp trở về cập bến.

Cậu Ba Huy lên bờ lên chiếc xe mới cáu cạnh chở cha mẹ và người thân trở về Bạc Liêu. Chiếc xe do cậu Ba Huy cầm lái chạy với tốc độ khá cao làm những người ngồi trên xe run sợ. Ngồi trên xe ông hội đồng hỏi thăm về tình hình học tập của cậu ra sao, cậu thản nhiên trả lời cậu chỉ thích đi học lái máy bay, đi học nhảy đầm, học lái xe cũng như đi du lịch thăm thú cách làm nông của người Pháp.

Chiếc Austin Morris cũng được cho là của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Đây là loại xe cổ, được sản xuất vào đầu thế kỷ 20. (ảnh: dulichvietnam.com.vn)

Cậu cũng không hề nhắc đến chuyện cậu đã bỏ lại kinh đô ánh sáng một người vợ Pháp và một đứa con lai.

Khác với Bạch công tử do mê sân khấu nên khi sang Pháp ngoài ăn chơi ra còn tiếp cận với sân khấu phương Tây, Hắc công tử Ba Huy chỉ chuyên chú vào nông nghiệp. Cậu Ba tích cóp được chút ít vốn liếng về làm nông nên sau đó đã được ông hội đồng giao cho trông coi điền sản.

Thế nhưng, vốn không mặn mà với công việc cậu Ba thuê ngay một người Pháp đứng ra trông coi và quản lý đất đai ruộng vườn. Thời gian rảnh rỗi, cậu sa vào ăn chơi, ngả nghiêng với những cuộc tình, đảo điên với thú đỏ đen ...

So kè cả với vua

Đến Bạc Liêu gặp những người lớn tuổi, bạn có thể nghe được những giai thoại về công tử Bạc Liêu. Giai thoại này tiếp nối giai thoại thác khiến câu chuyện về cậu Ba Huy càng sinh động hơn.

Chuyện kể sau khi được cha giao quản lý điền sản, mỗi khi đi thăm ruộng cậu ba mặc veston thắt cravatte ngồi trên chiếc Ford vedette. Ở những khu vực phải di chuyển bằng đường thủy, cậu ba dùng ca nô. Thời bấy giờ các phương tiện trên sông đều chèo tay. Chiếc ca nô của cậu ba đi thăm ruộng chạy bằng máy quả là một hình ảnh hiếm hoi ở vùng quê Bạc Liêu.

Đã thế, mỗi khi chơi thể thao, cậu ba sử dụng chiếc Peugeot loại thể thao. Xe này ở miền Nam thời bấy giờ ngoài cậu ba ra chỉ con một người nữa sử dụng là vua Bảo Đại.

Tương truyền, trên đời này cậu Ba không chịu lép hơn bất cứ ai kể cả vua chúa. Vì thế hễ vua Bảo Đại có gì là Ba Huy có nấy, kể cả máy bay. Chiếc máy bay loại nhỏ được mua và đưa về Việt Nam. Nhờ trong thời gian ở Pháp có học lái nên cậu Ba là phi công điều khiển máy bay mỗi lần đi thăm ruộng. Máy bay của vua Bảo Đại được mua bằng công quĩ. Chỉ có công tử Bạc Liêu là người Việt Nam duy nhất sở hữu máy bay tư nhân.

Công tử Bạc Liêu từng gây chấn động cả nước khi đi thăm ruộng bằng máy bay.

Đó là chiếc Morane tối tân nhất trong các dòng máy bay nhỏ của Pháp thời bấy giờ

Tiếng tăm về cách sống, cách chơi của công tử Bạc Liêu vang dội cả vùng đất Nam Kỳ. Cậu sống chan hòa với nông dân, hiều được nỗi cơ cực của người làm ruộng. Cậu sẵn sàng giảm lúa, xóa nợ cho những hoàn cảnh đặc biệt.

Cậu chơi cũng thỏa thích. Có lần cậu lái máy bay đi thăm ruộng ở Rạch Giá, cậu lân la đến Hà Tiên. Phong cảnh Hà Tiên tuyệt đẹp nên cậu cứ mãi lòng vòng trên trời cho đến khi đồng hồ báo đã cạn xăng, cậu buột lòng phải đáp xuống một sân bay gần đó. Không may, sân bay đó nằm trong lãnh thổ của Thái Lan. Chính quyền Thái Lan tạm giữ máy bay và sau đó xử phạt một số tiền tương đương với 200.000 giạ lúa.

Ông hội đồng Trạch phải huy động một đoàn ghe khá dài chở lúa qua Thái Lan nộp phạt đón cậu quí tử trở về. Một tờ báo lúc bấy giờ có tên Le Courrier Saigonnais cũng có đăng tin về sự kiện mua máy bay này.

Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" ra đời vào đầu thế kỷ 20 để ám chỉ con những nhà giàu ham chơi hơn ham học ham làm. Ban đầu thành ngữ này chỉ để nói chung chung giới con nhà giàu ở Bạc Liêu nhưng về sau do thành tích ăn chơi của cậu Ba Huy quá nổi trội nên khi nhắc đến từ này ai cũng hiểu là nói đến cậu. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy một hiện tượng đặc biệt có lẽ khó tìm thấy người thứ 2 trên cõi đời này.

Công tử Bạc Liêu chơi ngông đốt tiền để nấu chín trứng

Sở hữu một gia tài đồ sộ, công tử Bạc Liêu có nếp sinh hoạt không ai có thể theo kịp. Dường như đây là hệ quả một người chưa từng tự tay làm ra một tài sản nào dù là nhỏ nhất nhưng lại có trong tay quá nhiều tiền. Vì thế ông vung tiền vào những cuộc chơi vô bổ và dù có mất đi cũng bình thản chẳng thấy xót xa ...

Cậu Ba Huy và những cuộc chơi

Một ngày bình thường, cậu Ba Huy vẫn giữ phong thái xa hoa và sang trọng. Một bộ complet đúng mốt bằng loại vải đắt tiền nhất, mắt kính gọng vàng, đầu chải bóng loáng ẩn bên trong chiếc nón Mossant, chân đi giày da Bậu, cậu bước vào tiệm ăn sáng. Thường thì cậu ăn sáng kiểu Tây rồi đi lanh quanh đến trưa ăn cơm Tàu rồi tối tiếp tục cơm Tây.

Khi đi đòi nợ các tỉnh, ông Huy dùng chiếc Ford Vedette.

Đây là loại ra đời vào năm 1948

Ở Bạc Liêu dăm ba bữa cậu lên Sài Gòn đổi gió. Ngồi trên chiếc xe mới tinh có tài xế lái cậu Ba Huy đi thẳng khi thì khách sạn Majestic, lúc thì Soái Kình Lâm, mặc dù cơ ngơi nhà cửa của dòng họ Trần Trinh tại Sài Gòn không phải là nhỏ. Có lúc cậu Ba chơi theo kiểu lập dị. Cậu lên ngồi trên một chiếc xe kéo dạo một vòng quanh Sài Gòn. Chiếc xe vừa được kéo đi cậu nhìn lại thấy còn khoảng hơn 20 chiếc chờ khách. Không do dự, cậu gọi hết các xe đó lại, mỗi xe chở cho cậu một thứ. Thế là một đoàn xe kéo dài thườn thượt mà trên mỗi xe chỉ chở một món đồ như cặp kính, cây gậy, chiếc nón... Những người phu xe mừng rỡ nhận được khoản tiền hậu hĩnh từ những chuyến đi như thế.

Cậu Ba không ở lâu một nơi nào. Cậu thường xuyên di chuyển khi thì Vũng Tàu, lúc lên Đà Lạt hoặc trở về Cần Thơ. Cậu luôn chìm đắm trong những cuộc truy hoan suốt sáng thâu đêm. Những chai rượu champagne đắt tiền nhập từ Pháp, những món ăn cầu kỳ lạ miệng đều được bày biện trong những tiệc rượu có cậu tham dự.

Sau những cuộc nhậu nhẹt ngút trời như thế, cờ bạc là thú vui không thể thiếu được với cậu ba Công tử Bạc Liêu. Cậu từng đánh bạc với quốc trưởng Bảo Đại, với Bảy Viễn - một tay giang hồ trùm sòng bạc Đại Thế Giới. Trong những lần đánh bạc như thế, có lần cậu thua đến 30.000đ. Thời điểm này lúa chỉ có 1,7đ/giạ và lương của Thống đốc Nam kỳ cũng chỉ 3000đ/tháng.

Trong công việc hàng ngày, cậu ba vốn đã đi Tây về tích lũy được chút kiến thức nên đầu óc lúc nào cũng muốn cách tân. Công tử Bạc Liêu đã thuê một người Pháp tên Henri giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình. Theo hợp đồng, người quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì được phần trăm hậu hĩnh, ông Henri ở hẳn lại Việt Nam để làm cho ba Huy đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.

Ngoài ra, công tử Bạc Liêu còn tổ chức các cuộc chơi trong dân gian như hội chợ đồng bằng và mở cuộc thi hoa hậu miệt vườn. Điều oái oăm thay, các hoa hậu, á hậu sau đó đều lọt vào tay ông.

Chuyện ăn chơi của công tử Bạc Liêu khó có ai có thể bì kịp. Nhưng cái quí ở công tử là tuy ăn chơi trác táng, phung phí tiền của như thế, một chút lòng nhân hậu, thương người vẫn còn tiềm tàng trong tâm thức chàng trai phong lưu này.

Ông quan hệ rộng, thân thiện với mọi người không phân biệt sang hèn. Những tá điền túng thiếu, khó khăn thường được ông xóa nợ. Ông cũng có những trợ giúp thiết thực đối với những người thuê ruộng ông không may lâm vào ngõ cụt.

Có đốt tiền nấu trứng không ?

"Bạc Liêu là xứ cơ cầu

Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu

Nghe danh Công Tử Bạc Liêu

Ðốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!"

4 câu trên là những câu dân gian truyền miệng. Hai câu đầu nói về sự hiện diện của người Hoa trên đất Bạc Liêu (vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) rất đông như cá chốt dưới sông. Riêng 2 câu sau nói về một giai thoại mà ai cũng biết, cũng nhắc đến, chuyện đốt tiền nấu trứng.

Đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người trong cuộc thậm chí cả những người gần gũi với họ cũng đã ra người thiên cổ. Câu chuyện vẫn cứ tiếp tục là một giai thoại, tiếp tục truyền miệng.

Phòng khách bên trong nhà Công tử Bạc Liêu

Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu sự việc này được ông Trần Trinh Đức là con thứ 4 của cậu Ba Huy cho biết : "Bây giờ nếu tôi nói không có thì dư luận bảo rằng "con bênh cha". Tôi đã lên tiếng đính chính nhiều lần nhưng không ai nghe và vẫn cứ truyền miệng. Trước đây tôi đã từng hỏi cha tôi về việc này thì ông nói chơi ngông thì cũng có lúc chơi ngông để cho thiên hạ chú ý tới mình. Tuy nhiên, khi chơi phải biết chơi tới đâu thì dừng lại. Mình đâu có dại dột gì mà đem tiền ra để đốt.

Theo nhà báo Mai Phong - báo Giađình.Net.VN, ông Đức đã đưa anh đến gặp bà Hồ Ngọc Sương (81 tuổi ngụ tai ấp Tân Tạo xã Châu Hưng H. Vĩnh Lợi Bạc Liêu). Bà Sương vốn là người làm trong nhà công tử Bạc Liêu từ lúc 15 tuổi. Bà Sương quả quyết, chuyện lấy tiền nấu trứng là chuyện đồn thổi. Bà nói : "Ngày đó lúc nghe chuyện cậu Ba “chơi ngông”, nhiều gia nhân trong nhà cũng đàm tiếu. Cậu Ba nghe chỉ cười rồi bảo: “Chuyện ngồi lê đôi mách là chuyện muôn đời, Đông - Tây đều có, mình làm mình phải biết, hơi đâu mà lưu ý những “miệng lằn lưỡi mối”.

Những câu chuyện như dùng tiền nấu trứng hay trong lúc xem hát cậu Ba Huy phải ngồi chồm hổm xuống nền xi măng tối thui để mò mẫm tìm lại tờ con công (năm đồng) vừa rớt và bị cậu Tư làm bẽ mặt bằng hành động móc tờ tiền "oảnh" (hai chục đồng) đốt làm đuốc soi sáng vốn đã trở thành giai thoại.

Lúc sinh thời, phát biểu với một nhà báo, NSND Phùng Há nói: "Những lúc nhàn nhã, tôi có hỏi cậu Tư (Bạch công tử - PV) về những giai thoại này. Cậu chỉ cười: “Đó chỉ là những chuyện thêu dệt. Tôi đâu có phí phạm tiền của để chơi ngông, chứng tỏ mình giàu có một cách vô học”. Sống với cậu Tư nhiều năm, tôi cũng biết cậu Tư là một người từng học trường Tây, tính tình điềm đạm, chắc chắn không thể nào hiếu thắng đến độ có thể tham gia một cuộc thi thố vô bổ, không trí tuệ như vậy được".

Câu chuyện xoay quanh 2 nhân vật Hắc - Bạch công tử. Cả 2 đều không còn và những người thân của 2 bên đều xác nhận đó chỉ là thêu dệt và hư cấ

Người đẹp Paris

Paris, thủ đô nước Pháp - được mệnh danh là kinh đô ánh sáng - nơi thu hút nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến vui chơi, học hành, làm việc ... Vào những năm đầu thập niên 1920, cậu Ba Huy đã có mặt tại đây với tư cách là một du học sinh.

Mang tiếng đi du học nhưng khi đặt chân đến Paris, cậu công tử con nhà giàu này ít chuyên tâm đến việc học. Cậu Ba Huy thường lê la quán rượu, vào các hộp đêm và dĩ nhiên không thiếu những nơi có nhiều ... hoa bướm.

Trong suốt 3 năm du học, công tử Bạc Liêu đã có tất cả 5 mối tình sâu đậm. Những người tình của cậu Ba Huy vào thời điểm này đều là những cô gái phương Tây, tóc vàng, mắt xanh.

Đối với những cô nhân tình này, cậu ba Huy sống đúng với tính cách già nhân ngãi non vợ chồng. Cũng thương yêu, cũng nhớ nhung, cũng chứa chan hạnh phúc. Sâu đậm nhất, lâu dài nhất là một cô gái Pháp có mái tóc vàng óng làm thu ngân cho một tiệm cà phê nổi tiếng cạnh bờ sông Seine mà cậu thường lui tới.

Từ ánh mắt đến nụ cười, từ mái tóc đến làn môi, cô thu ngân tiệm cà phê này đã hớp hồn công tử xứ Bạc Liêu. Từ đó, chàng luôn là người khách đầu tiên đến quán ...

Hắc công tử và bà Ngô Thị Đen, người vợ đầu tiên được cưới hỏi.

Cũng như 4 mối tình trước, cậu Ba dự tính cũng chỉ để vui chơi qua đường. Thế nhưng, sau khi chinh phục được cô thu ngân cậu đã có một cuộc tình rất lãng mạn. Cậu yêu Marie - tên cô thu ngân - như điên dại và kết quả, Richard con của 2 người chào đời. Lúc con trai Richard được 7 tháng, cậu Ba Huy trở về Việt Nam. Trước khi về cậu không quên điện cho gia đình gởi một khoản tiền khá lớn với lý do thanh toán chi phí học tập nhưng thật ra cậu giao hết cho Marie nuôi con.

6 năm sau. Một ngày đẹp trời đầu năm 1936, người vợ đầu tiên của Hắc công tử cùng đứa con lai xuất hiện ngay tại ngôi nhà bây giờ là khách sạn công tử Bạc Liêu. Hai người ôm lấy nhau trao cho nhau nụ hôn nồng nàn sau nhiều năm xa cách.

Cậu đưa cả 2 mẹ con vào ra mắt bên nội. Cậu Ba giới thiệu với ông bà hội đồng Trạch: "Thưa ba má, đây là Marie và Richard là vợ và con của con trong thời gian con sống ở Paris."

Đứa con trai 2 dòng máu của công tử Bạc Liêu

Cậu quay sang nói với thằng bé bằng tiếng Pháp, "con chào ông bà nội đi con". Bà hội đồng đưa tay ngoắc đứa bé. Nó chạy đến sà vào lòng bà. Trước tình thế này ông hội đồng đành phải "ngậm mà nghe".

Ở lại Bạc Liêu vài tháng, cậu ba tìm cách đưa 2 mẹ con trở về Paris vì dẫu sao cậu cũng mới lấy vợ không thể để mang tiếng với mọi người. Trong hành trang trở về Pháp, Marie được một số tiền có thể cho 2 mẹ con sống hết đời

Những người vợ của Hắc công tử

Người vợ thứ 2 nhưng lại là vợ chính thức của công tử Bạc Liêu là con của một ông bá hộ giàu có trong vùng. Bà là Ngô Thị Đen - con của bá hộ Mín. Đám cưới được diễn ra vào năm 1934 và cứ thế, hai vợ chồng sống với nhau. Mặc dù có vợ nhưng cái nết trăng hoa của cậu ba không hề suy giảm. Bà Đen âm thầm chịu đựng cho đến năm 1937 bà hạ sinh được cô con gái đặt tên là Trần Thị Lưỡng.

Vợ cả chính thức của công tử Bạc Liêu, bà Ngô Thị Đen

Không trông mong gì vào chồng, bà Đen dồn hết tâm trí vào việc nuôi dạy cô hai Lưỡng. Cô được cho ăn học hết tiểu học tại Bạc Liêu rồi sau đó lên Đà Lạt học trường nhà dòng. Trong những năm học hành ở xứ sở sương mù, cô hai phải lòng một học sinh ở trường khác.

Cuộc hôn nhân cô hai Lưỡng và anh học sinh - sau này được vua Bảo Đại chọn làm thư ký riêng - đã diễn ra nhưng họ sống với nhau không lâu. Cô hai Lưỡng bước thêm bước nữa với một quan chức người Pháp rồi theo chồng ở hẳn bên đó.

Sau khi cô hai Lưỡng theo chồng về Pháp, bà Đen tiếp tục sống lủi thủi một mình trong khi cậu ba Huy vẫn cứ bay bướm trăng hoa. Nhiều cô gái, nhiều mối tình chớp nhoáng vụng trộm của cậu ba Huy đã xảy ra đã đến tai bà nhưng bà vẫn bình tâm vì quá chán ngán.

Không thể kéo dài cuộc sống buồn thảm đó, năm 1955 bà Đen qua Pháp sống chung với vợ chồng con gái. Từ đó bà ít khi trở về Việt Nam ngoại trừ một đôi lần về dự đám tang của người thân hai bên.

Cô hai Lưỡng

Năm 1972, sau một cơn bạo bệnh bà mất tại Thụy Sĩ. Cô hai Lưỡng đưa thi

hài bà về Pháp khâm liệm rồi thuê hẳn một chiếc máy bay chở quan tài về Việt

Nam để an táng tại nghĩa trang gia tộc Trần Trinh.

Người vợ kế tiếp của công tử Bạc Liêu được cưới hỏi là một cô gái ở Sài Gòn. Người này hiện chưa rõ danh tánh đã hạ sinh 2 người con một trai một gái đặt tên Hiếu, Thảo.

Bà Trần Thị Hai, vợ kế của cậu ba Huy

Không dừng lại ở đây, công tử Bạc Liêu cưới thêm người vợ thứ ba, bà Trần Thị Hai, người Mỹ Tho. Bà Hai hạ sinh cho công tử hai người con là ông Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức. Như vậy, không tính người vợ Pháp, 2 bà vợ Việt Nam đã cho ông đủ Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức. Vậy mà qua biết bao thăng trầm dâu bể, hôm nay chỉ người con trai duy nhất còn lưu lại đất Bạc Liêu là ông Đức.Nhiều người ở Bạc Liêu cho biết đến giờ này vẫn chưa thể tính được công tử Bạc Liêu có bao nhiêu mối tình bao nhiêu đứa con rơi. Chỉ biết số tài sản mà trong đời công tử tiêu xài lên đến 5 tấn vàng mới thỏa mãn những cuộc vui chơi.

Thế nhưng, không phải trên đời này có tiền là có tất cả. Về những năm gần cuối đời, câu Ba Huy đã bỏ ra rất nhiều tiền để chinh phục một người con gái trẻ và xinh đẹp. Cô gái đã làm ngơ, quay lưng trước món tiền rất hời mà công tử đã bỏ ra. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Hắc công tử nhận quả đắng trong tình trường ...

Những ngày cuối đời

Sau nhiều năm ăn chơi, năm 1973 sức khỏe của công tử Bạc Liêu ngày càng yếu đi. Những ngày cuối đời ông sống trong sự cô đơn buồn thảm. 4 - 5 dòng con, hàng tá bà vợ, hàng trăm nhân tình nhưng ông ra đi trong trống vắng đến rợn người ...

Người vợ thứ 4

Ông lên Sài Gòn ở hẳn vào khoảng năm 1960. Lúc này ông đã già. Một mình ông suốt ngày thui thủi trong căn nhà đồ sộ trên đường Nguyễn Du. Một buổi sáng, ông đứng trên ban công nhìn bâng quơ xuống đường. Bỗng, từ xa xuất hiện một cô gái còn rất trẻ đang oằn lưng với gánh nước trên vai.

Càng lúc cô bé càng đến gần. Lúc này ông ngắm rõ dung nhan. Gương mặt lem luốc, áo quần xốc xếch bẩn thỉu nhưng làn da cô thật trắng. Đôi môi thật mọng và đôi mắt rất đa tình ...

Hắc công tử xuống lầu. Ông đợi cô trở lại. Ông nhìn cô từ xa. Lúc này trên vai cô đôi thùng nước đã trống. Cô bước đi tung tăng. Ông càng nhìn càng say đắm bởi cô còn trẻ nhưng ẩn chứa một dung nhan thật đẹp. Một người như thế đó mà lam lũ thì uổng quá. Ông ngẩn ngơ ...

Thế rồi ông tìm hiểu. Thì ra cô bé đó là con gái của người thợ sửa xe đạp trước cổng công viên Tao Đàn. Sài Gòn vào những năm 1960 hệ thống nước thủy cục chưa phủ rộng khắp. Tai các khu dân cư thường có những phông tên (vòi nước công cộng) ai cũng có thể đến lấy nước. Các nhà giàu thường thuê người gánh. Cô bé con người thợ sửa xe hàng ngày đi gánh nước thuê cho các gia đình ở gần đó...

Công tử Bạc Liêu lần mò đến nhà ông thợ sửa xe. Đó là một túp lều nhỏ, cả một gia đình tá túc. Ông nhỏ nhẹ: "Em nó còn trẻ mà làm việc cực nhọc quá. Nếu ông bằng lòng gả em nó cho tôi, tôi sẽ tặng ông căn nhà tôi đang ở và giúp vốn ông làm ăn". Trước khi từ biệt, Hắc công tử để lại danh thiếp và một số tiền có giá trị khoảng một lượng vàng.

Ông thợ sửa xe hết sức bất ngờ. Nhìn tấm danh thiếp ông biết cậu Ba Huy, công tử Bạc Liêu, một người giàu có nổi tiếng lâu nay. Ông phân vân trước lời đề nghị rất thật lòng của công tử. Hơn nữa, cả đời ông có bao giờ dám mơ tưởng đến ngôi nhà lầu ấy. Nhìn lại con mình, cô con gái cả một đời lam lũ. Phải thay đổi cuộc sống thôi...

Hai ngày sau, công tử Bạc Liêu trở lại. Ông thợ sửa xe đã đồng ý gả cô con gái Nguyễn Thị Ba chưa đầy 20 tuổi về làm vợ công tử Bạc Liêu. Một tháng sau, đám cưới được diễn ra tại một nhà hàng sang trọng. Đám cưới xong, giữ đúng lời hứa ông chuyển ngôi nhà số 117 đường Nguyễn Du có giá trị hơn 1000 lượng vàng cho cha vợ. Ông và cô vợ trẻ kém ông 40 tuổi dắt nhau về hưởng hạnh phúc trong căn nhà trên đường Nhất Linh.

Cô Ba về làm vợ ông cho đến ngày ông ra đi tính ra được hơn 10 năm. Ông mất năm 74 tuổi. Ở cái tuổi mà nhiều người đàn ông đã sức tàn lực kiệt nhưng công tử Bạc Liêu vẫn còn đủ khả năng cho ra đời thêm 4 đứa con : Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ.

Điều làm cho ông hài lòng nhất là cô Ba vẫn trọn một lòng với ông, lo toan cho ông chén cơm bát nước đến ngày trút hơi thở cuối cùng. Sau ngày ông mất đi, cô Ba vẫn ở vậy nuôi con cho đến khi chúng trưởng thành.

Tiền không mua được tình

Vào những năm cuối thập niên 1950 đầu 1960, Sài Gòn chưa có nhiều nhà hàng. Những nhà hàng có nhạc sống hát về đêm lại càng hiếm. Soái Kình Lâm là một nhà hàng trong số hiếm hoi ấy đang là tụ điểm ăn chơi của các đại gia thời bấy giờ.

Dạo ấy, Soái Kình Lâm vừa ký hợp đồng với một ca sĩ trẻ. Cô ca sĩ này có giọng ca rất đặc biệt. Mỗi khi cô trỗi lên một bản tình ca cả khán phòng im phăng phắc. Tiếng hát của cô đi vào tận đáy lòng người nghe.

Khán giả cũng hết sức ngất ngây trước nhan sắc trời cho của cô ca sĩ này. Trang điểm nhẹ nhưng nét đẹp rất quí phái. Mái tóc đen nhánh suôn mượt buông dài đến nửa lưng. Những đường cong rất chuẩn của cơ thể nàng khiến các chàng trai suýt xoa ...

Một đêm nọ, Hắc công tử và bạn bè kéo đến nhà hàng uống rượu. Chưa được nửa tiệc, cô ca sĩ trẻ xuất hiện. Lúc đầu, công tử Bạc Liêu không hề chú ý đến lời giới thiệu. Nhưng, khi tiếng hát bắt đầu cất lên, mọi người hướng mắt về sân khấu, cậu Ba Huy mới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tiếng hát hay quá. Con người xinh quá. Cậu Ba ngẩn ngơ ...

Màn trình diễn của cô ca sĩ vừa xong, cậu Ba Huy vẫy người hầu bàn đến. Nhét trong tay người hầu bàn một nắm tiền, cậu nói: "Anh đưa cho cô ca sĩ đó và nói có công tử Bạc Liêu muốn mời ly rượu làm quen".

Dõi mắt nhìn theo, cậu Ba Huy thấy cô ca sĩ chẳng màng đếm xỉa gì đến mình. Hắc công tử tự an ủi, chắc cô ta chưa hề nghe danh công tử Bạc Liêu.

Đêm sau, đi một mình, cậu Ba Huy tìm gặp ngay chủ nhà hàng giao một xấp tiền với yêu cầu nói rõ cho cô ta biết công tử Bạc Liêu là ai và mời đến uống rượu làm quen. Chủ nhà hàng ra sức thuyết phục cô ca sĩ trẻ nên sau buổi trình diễn, cô ta đã đến chào công tử, uống một chén rượu rồi từ biệt ra về.

Đến lúc này thì vượt quá sức kiên nhẫn của công tử Bạc Liêu. Ông đề nghị bao nguyên nhà hàng chỉ cần dọn một bàn thật sang với đầy đủ cao lương mỹ vị để một mình công tử ngồi uống rượu thưởng thức giọng ca của cô ca sĩ.

Ông chủ nhà hàng toát mồ hôi nhỏ nhẹ nói: "thưa công tử bao trọn nhà hàng phải mất 100.000đ đó. Câu nói của ông chủ nhà hàng vừa dứt, công tử Bạc Liêu đặt ngay số tiền xuống bàn và yêu cầu thực hiện. Được biết, 100.000đ thời bấy giờ có giá trị gần 0,5kg vàng.

Sau đêm đó, cô ca sĩ cũng xuống bàn ngồi uống với công tử ly rượu rồi đứng dậy chào tạm biệt.

Suốt mấy đêm liền như thế, mặc dù công tử Bạc Liêu bỏ ra rất nhiều tiền với hi vọng mua đứt giong ca và làm chủ thân thể cô ca sĩ trẻ tuổi kia nhưng kết quả chỉ là con số không.

Có lẽ đây là lần đầu tiên công tử Bạc Liêu thất bại và cũng là lần đầu tiên để cho ông thấy rằng đồng tiền có thể mua được tất cả nhưng không thể mua được một con người

Đám tang công tử Bạc Liêu

Chinh phục cô ca sĩ trẻ thất bại đã tạo cho công tử Bạc Liêu cú "sốc" nặng về tinh thần. Trước đây khi thích một cô gái nào công tử tìm mọi cách thu phục cho bằng được. Vũ khi chính của công tử là tiền vậy mà giờ đây, tiền không làm cô ca sĩ lóa mắt khiến cho công tư rơi vào trạng thái trầm uất. Bệnh thận lâu nay trong người có cơ hội vùng lên tái phát dữ dội.

Dãy nhà công tử Bạc Liêu

Cùng lúc đó, đứa con gái đầu Trần Thị Lưỡng đưa quan tài mẹ là bà Ngô Thị Đen từ Pháp về Bạc Liêu chôn cất. Ông phải trở về làm chủ tang. Sau khi chôn cất vợ xong ông nhanh chóng lên Sài Gòn tiếp tục nhập viện...

Từ lúc ấy cho đến khi qua đời hơn 1 năm trời công tử Bạc Liêu sống trong bệnh viện. Bà vợ trẻ phải chăm lo những đứa con Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ còn quá nhỏ ít có thời gian chăm sóc ông. Trong khi đó, những con cháu ông tiếp tục truyền thống của ông đắm chìm trong ăn chơi sa đọa. Gia sản ông ngày càng cạn kiệt.

Ngày 13/1/1974 công tử Bạc Liêu trút hơi thở cuối cùng chấm dứt chuỗi ngày rong chơi của một công tử hào hào hoa nhất vùng nam kỳ lục tỉnh.

Nhà mồ dòng họ Trần Trinh. Nơi đây có mộ hội đồng Trạch và cậu Ba Hu

Thi thể cậu ba Huy được tẩn liệm trong chiếc áo quan màu trắng. Theo ước

nguyện của công tử để lại trước lúc mất, ông muốn được dạo quanh Sài Gòn

trên chiếc xe song mã màu trắng với 2 con ngựa trắng. Cuộc dạo chơi cuối

cùng của công tử Bạc Liêu trên đất Sài Gòn đã gây một tiếng vang lớn

trong dư luận.

Sau đó từ xe song mã, quan tài công tử được chuyển lên xe trực chỉ Bạc Liêu. Sau khi vượt hơn 200km qua 2 bắc Mỹ Thuận và Cần Thơ, chiếc xe tang dừng lại trước căn nhà mà bây giờ là nhà trưng bày công tử Bạc Liêu.

Linh cữu công tử được đưa vào vị trí trang trọng trong nhà. Nhiều quan khách, người thân, bạn bè đến viếng chỉ trong vài giờ rồi tiếp tục đến Cái Dày để vĩnh viễn yên nghỉ trong nghĩa trang gia tộc.

Công tử Bạc Liêu mất đi, không lâu sau đó căn nhà thuộc nhà nước quản lý. Gia sản của dòng họ Trần Trinh chỉ còn lại một ít ruộng ở Cái Dầy, vài ngôi nhà ở Bạc Liêu và khoảng chục căn phố lầu ở Sài Gòn. Tất cả đã nhanh chóng tiêu tan trong tay con cháu Trần Trinh.

Thừa hưởng một gia tài quá lớn nhưng không làm mà chỉ có phá thì đến núi cũng lở. Bài học của Hắc - Bạch công tử vẫn còn mãi để lưu truyền đến các thế hệ đời sau xem đây là một kinh nghiệm sống quí báu nhất

Nát tan một dòng tộc lớn

Chúng tôi đến Bạc Liêu vào thăm khách sạn và khu trưng bày Công tử Bạc Liêu - nơi trước đây là nhà ở của dòng họ Trần Trinh. Tất cả còn nguyên vẹn. Tòa nhà vẫn sừng sững với nắng mưa. Những cổ vật, kỷ vật của gia đình còn đầy ắp. Người ra vào tấp nập nhưng tất cả đều là người xa lạ. Một dòng họ vang danh một thuở giờ đây chỉ còn lại những dấu vết vô hồn ...

Bên trong nhà trưng bày công tử Bạc Liêu

Chúng tôi rảo bước trong căn nhà. Những phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn rất cũ kỹ nhưng sang trọng. Ở tầng trệt, có phòng ngủ của cậu ba Huy. Bước lên tầng trên là nơi ông bà hội đồng nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.

Ở một nơi trang trọng nhất của căn nhà, bàn thờ ông bà hội đồng Trạch uy nghi với đôi tượng đồng. Qua phòng gần đó, di ảnh công tử Bạc Liêu và phu nhân Ngô Thị Đen. Chiếc gậy và mũ, vật trang điểm cho tính chất phong lưu của công tử được treo gần đó.

Bàn thờ với 2 bức tượng đồng ông bà hội đồng Trạch

Ở một góc của tầng trệt trên chiếc bàn nhỏ có ghi tên ông Trần Trinh Đức, con trai công tử Bạc Liêu. Ghế ngồi bỏ trống. Hỏi thăm những người làm việc tại đây được biết hôm nay trong người không khỏe nên ông không đến. Thường ngày ông có mặt đế bán sách, để giao lưu với khách tham quan kiếm tiền độ nhật.

Ngay sát cửa ra vào, chiếc xe của công tử được đặt trên bục cao. Tôi bước ra ngoài. Khuôn viên nhà quá rộng được trưng dụng cho nhiều công việc. Chúng tôi làm một vòng quanh sân. Bước chân trĩu nặng. Quanh đây dường như còn văng vẳng tiếng cười nói râm ran của những gia nhân ông hội đồng. Có tiếng hát của chiếc máy hát xưa từ phòng công tử vẳng ra. Có tiếng của trẻ con, của phụ nữ. Hoạt cảnh một gia đình phong lưu quyền quí thuở xưa như tái hiện trước mắt tôi. Buồn hiu hắt ...

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và phu nhân Ngô Thị Đen

Thuở ấy, không ai dám nghĩ sẽ có một ngày gia tộc Trần Trinh lâm vào hoàn cảnh bi đát. Diện tích ruộng của ông hội đồng được so sánh rộng hơn Singapore. Tài sản, tiền của ông hội đồng chất cao như núi. Thế mà sau vai chục năm kế nghiệp, đứa con thân yêu của ông đã làm tan hoang cả cơ nghiệp.

Dòng họ Trần Trinh là một dòng họ lớn ở Bạc Liêu. Vậy mà hiện nay chỉ còn duy nhất ông Trần Trinh Đức lui về cố xứ. 8 người con chính thức và vô số những đứa con rơi vẫn được thừa nhận đang tứ tán khắp nơi.

Ông Đức kể cho chúng tôi: "Anh Hiếu sống bên Áo nhưng không tin tức gì. Chị Thảo mất bên Anh. Anh Nhơn ở Sài Gòn nhưng đang bệnh rất nặng. Hoàn và Toàn vẫn ở Sài Gòn nhưng không liên lạc được. Trinh và Nữ bặt vô âm tín".

Cuộc sống của những người con của công tử Bạc Liêu thật vất vả. Theo lời ông Đức, sau khi bán căn nhà cuối cùng ở đường Nguyễn Huy Tưởng chia cho anh em mỗi người một ít thì mạnh ai nấy sống trôi dạt khắp nơi. Niềm hi vọng gặp lại chỉ còn chờ đến ngày thanh minh anh em tụ tập về viếng mộ cha mẹ ông bà nhưng rồi mấy năm nay chẳng còn ai đoái hoài tới.

Riêng với ông Đức, hai người con với người vợ trước mang họ mẹ một ở Đồng Tháp, một ở Đồng Nai cả chục năm rồi không liên lạc gì với ông. Đứa con trai với bà vợ hiện nay đang ở Sài Gòn cũng không về lại Bạc Liêu một lần nào. Gia tộc Trần Trinh bây giờ chỉ còn ông Đức kế thừa chăm sóc mồ mả ông bà và mai sau sẽ là người con gái Trần Thị Phượng nửa tỉnh nửa mê ...

Gia cảnh của con trai công tử giàu nhất Nam kỳ

Bên trong hàng rào sắt - trước cửa nhà - người phụ nữ đứng tuổi đang đăm chiêu. Trước mặt chị, tô cơm còn đầy. Trời đã trưa, cái nóng của miền Nam đang bốc lên hừng hực. Chị vẫn ngồi và chợt nhìn thấy tôi, chị mỉm cười. Rồi chị cuối xuống múc một muỗng cơm cho vào miệng nhai ngấu nghiến ...

Không phải chờ đợi lâu, từ trong nhà, một người đàn ông lớn tuổi bước ra mở cổng mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi vào phòng khách. Chiếc bàn thờ trang nghiêm đập vào mắt chúng tôi. Hai bức ảnh trên cùng chụp lại hai pho tượng. Bên dưới, ở giữa là ảnh người đàn ông. Hai bên, hai người phụ nữ. Tất cả ảnh đã cũ xưa ...

Người tiếp chúng tôi, ông Trần Trinh Đức (69 tuổi). Ông là con thứ trong chuỗi các người con của công tử Bạc Liêu gồm: Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ.

Ông Đức cho biết ông trở về Bạc Liêu, ngụ cư trong căn nhà này đã 3 năm nay. Hàng ngày, ông có mặt tại nhà trưng bày "Công tử Bạc Liêu" để bán sách của nhiều nhà văn viết về cha mình và chụp ảnh với khách tham quan để mưu sinh... Công việc cũng nhàn và có thu nhập khá hơn, không phải bươn chải vất vả như thời còn chạy xe ôm.

Ông bà Trần Trinh Đức và con gái Trần Thị Phượng

trước bàn thờ ông bà tại nhà riêng.

Tôi chợt liếc mắt lên bàn thờ. Như hiểu ý, ông nói: "Ông bà nội và cha mẹ tôi đó. Từ khi về nhà này, tôi đã lập bàn thờ để thờ phụng ông bà". Thì ra, 2 người trên cùng là ông bà hội đồng Trạch. Bên dưới là ông Trần Trinh Huy còn gọi là cậu Ba Huy, công tử Bạc Liêu (Hắc công tử) cùng 2 người vợ.

Ông Đức kể cho chúng tôi nghe về gia sản đồ sộ của dòng họ Trần Trinh. Thuở xưa, ông nội ông là ông hội đồng Trạch là người giàu có nức tiếng trong vùng. Sở hữu 145.000 mẫu ruộng lúa, 50.000 mẫu ruộng muối, hội đồng Trạch thuộc hàng đại diền chủ giàu có nhất miền Nam.

Sau khi ông nội ông mất đi, gia sản đó thuộc về tay cha ông là Trần Trinh Huy - công tử Bạc Liêu. Nhưng đến đời ông thì không còn gì và các con cháu của hội đồng Trạch, của công tử Bạc Liêu đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Nói tới đây, ông chợt nhớ tới người anh ruột, ông Trần Trinh Nhơn. Ông nói: "anh Nhơn hiện nay đang bị bệnh rất nặng. Anh thuê nhà ở trên đường Nguyễn Cửu Vân (TP.HCM). Hàng năm tới ngày Thanh minh chạp mả ông bà anh đều về nhưng năm nay đến giờ này vẫn chưa thấy bóng dáng anh.

Như có một chút gì nghèn nghẹn, giọng nói ông chùng xuống. Ông đưa mắt ra ngoài cũng vừa lúc người phụ nữ lúc nãy ăn cơm lết vào. Một chân chị giơ lên cao. Tay chị chống xuống đất đưa cả thân hình trĩu nặng chậm chậm vào bên trong.

Chị Trần Thị Phương, 39 tuổi con ông Đức -

cháu nội công tử Bạc Liêu bị tâm thần nhẹ

"Chào chú, Sài Gòn lúc này chắc vui lắm hả chú ?". Chị hỏi tôi. Tôi chưa kịp trả lời, ông Đức nói ngay : "Con gái tôi đó. Nó bị tâm thần nhẹ." Tôi trả lời cho qua chuyện và cũng không xoáy sâu vào nỗi đau của ông.

Anh trai như thế, con gái nửa tỉnh nửa mê và cuộc sống của gia đình ông cũng chỉ có thể tính từng ngày. Còn một đứa con trai, nói là ở Sài Gòn chứ cũng không biết trôi dạt về đâu. Nụ cười trên môi ông dường như gượng gạo. Đúng thế, nhìn ông mấy ai biết ông là con cháu của một đại phú gia, một đại điền chủ tiền rừng bạc biển giàu có nhất Nam kỳ lục tỉnh.

Trao nhà không giấy

Ông Đức kể tiếp, ông theo cha lên Sài Gòn, ban đầu ở tại 117 Nguyễn Du. Sau đó gia đình chuyển về 26/6 Nhất Linh (nay là Nguyễn Huy Tưởng). Năm 1974, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy qua đời. Anh em ông bán căn nhà ở đường Nhất Linh chia cho mỗi người một ít rồi mạnh ai nấy sống.

Ông Trần Trinh Đức (ảnh chụp tại tư gia ngày

Năm 1997, ông chuyển về sống bên vợ ở đường Huỳnh Tịnh Của bằng nghề buôn bán. Lúc này, con gái ông Trần Thị Phượng đã lớn. Ở vào tuổi đang yêu Phượng theo bạn bè sa vào cờ bạc bị lừa cả tình lẫn tiền. Quẫn trí, Phượng suy sụp lâm vào tình trạng tâm thần phân liệt.

Sau sự cố này, vợ chồng ông cùng cô con gái bán hết tài sản để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ. Cả nhà đành phải đùm dúm lên tận xứ chùa Tháp để lánh nợ. Trên đất Miên, ông sống bằng nghề sửa giày dép nhưng rồi cũng chỉ được vài năm, năm 2000 cả gia đình ông lại dắt díu trở về.

Trở về Sài Gòn lần này, ông Đức đành phải sống bằng nghề xe ôm. Cuộc mưu sinh vô cùng vất vả. 5h sáng ông đã phải có mặt ở vị trí quen thuộc đón khách. Phải gần nửa đêm ông mới trở về nhà nhưng thu nhập vẫn không bù đắp được nhu cầu cần thiết. Cái vòng xoáy mưu sinh đó kéo dài đến 7- 8 năm chịu hết xiết, năm 2009 gia đình ông lại quay về Bạc Liêu.

Ông Trần Trinh Đức lúc chạy xe ôm

Sở dĩ ông quay về Bạc Liêu - ông Đức kể tiếp - một doanh nghiệp ở đây nhận ông vào làm việc và có nhã ý cho một mượn một thửa đất rộng 300m2 nằm đối diện khu du lịch Hồ Nam trong thời hạn 50 năm để dựng nhà làm nơi tá túc. Cuối năm 2009, công trình được động thổ nhưng ... đến nay vẫn là miếng đất với lau sậy um tùm.

Mãi cho đến năm 2013, sở Xây dựng Bạc Liêu đưa ông về ngụ tại căn nhà này - 112 đường 15 khu dân cư phường 5 TP Bạc Liêu - nhưng chỉ bằng lời nói mà không có một mảnh giấy nào chứng minh sở hữu.

"Trước mắt có nơi chui ra chui vào, có nơi thờ tự ông bà là vui rồi". Ông Đức bày tỏ với chúng tôi như thế.

Trong 8 người con của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy chỉ còn mình ông Đức là quay về cố hương để lo phần thờ tự và chăm sóc mồ mả ông bà. Những người con khác, người còn người mất. Có người ở trong nước, người ở nước ngoài. Họ chỉ thỉnh thoảng gặp nhau qua điện thoại. Không một ai muốn trở về bởi nơi ấy có quá nhiều kỷ niệm đắng cay ..

Trần Chánh Nghĩa

(còn tiếp)