Lê Thiệp - Đỗ đình Quý

Lê Thiệp - Đỗ đình Quý

Ký sự nhân vật: Ðỗ Ðình Quý: Một tay ‘bê’ văn hóa

Tuesday, June 21, 2016 2:11:43 PM

Tưởng nhớ ký giả Lê Thiệp

Cho tới nay, cựu ký giả Lê Thiệp đã mất được 3 năm. Anh sinh năm 1944 tại Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh theo học lớp huấn luyện báo chí do Việt Nam Thông Tấn Xã tổ chức. Ra trường, anh làm phóng viên nghị trường và chiến trường cho nhật báo Chính Luận cho đến năm 1975.

Ký giả Lê Thiệp.

Lê Thiệp vượt biên sang Mỹ và làm cán sự xã hội cho USCC. Ðến năm 1982, anh được cựu Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh mời về giúp phụ trách tờ báo Kháng Chiến của mặt trận. Mấy năm sau, anh rời San Jose về lại Virginia, lo việc làm ăn. Tuy việc kinh doanh của anh phát triển tốt đẹp nhưng anh vẫn nhớ ngòi bút và đã cho ra đời nhiều tác phẩm: Chân Ướt Chân Ráo, Lững Thững Giữa Ðời, Ðỗ Lệnh Dũng. Riêng cuốn cuối cùng Ung Thư Ơi, Chào Mi được viết khi anh đang chiến đấu với bệnh tật.

Lê Thiệp ra đi để lại nhiều thương tiếc cho tất cả những người quen biết anh.

Ðể tưởng niệm 3 năm ngày anh ra đi, chúng tôi xin đăng lại một bài viết của anh trong loạt bài Ký Sự Nhân Vật đăng trên nhật báo Ðiện Tín 45 năm trước và bài thơ Nhớ Bạn của một người bạn học của anh.

Hoàng Dung

Ký sự nhân vật: Ðỗ Ðình Quý: Một tay ‘bê’ văn hóa

Lê Thiệp

Gã có một gương mặt rất đăm chiêu để gây được sự kính nể với hàm râu quai nón tuyệt đẹp. Ở nơi nào trông gã cũng rất chỉnh tề, mang phong thái của dân quý tộc. Bao giờ gã cũng bận đồ lớn bằng sạc kim trắng hay Mô he đen. Phụ tùng kèm theo gã là một chiếc Samsonite và một chiếc ba toong gỗ gụ lên nước bóng nhoáng, một đầu bịt sắt. Gã không bao giờ dại dột lên tiếng trước đám đông và lúc nào cũng giữ tư thế của một “học giả” thứ thiệt. Giọng gã nhỏ nhẹ, âm thanh của miền Trung lôi cuốn người đối thoại trong cái tha thiết của gã. Nơi đâu có hội hè, đình đám hay tranh đấu vô thưởng vô phạt là có mặt gã.

Con người đó đã được dư luận chú ý vì một vài hành động mang vẻ điên khùng nhưng thật sự gã chả điên một tí nào. Gã là “sử gia” Ðỗ Ðình Quý, chủ tịch “Hàn Lâm Viện Việt Nam.”

***

Khoác bộ mặt của một học giả, đôi khi giả vờ có những hành động điên điên, nhưng trong mọi trường hợp giả khôn hơn ai hết.

Trước tiên Ðỗ sử gia này có một chiến lược hẳn hòi là không bao giờ xía vào những gì dính líu đến chính trị nhất là những phong trào tranh đấu trực diện với cả guồng máy chế độ và cảnh sát như phong trào đòi quyền sống hay phản chiến, Ðỗ Ðình Quý cân nhắc rất kỹ để nên chường mặt ra trong trường hợp nào. Một vụ sinh viên tranh đấu có tính cách cục bộ là chỗ rất nên tới. Một cuộc hội thảo và cách thức để làm kỹ nghệ phát triển cũng là một chỗ nên ngồi được hàng đầu càng hay.

Chính do những đắn đo chín chắn đó, học giả i-tờ-rít Ðỗ Ðình Quý một lần đã chễm chệ ngồi tại phòng khánh tiết Thượng Viện để hội thảo về quy chế chánh đảng. Gã đeo kính trắng trầm ngâm ngồi đó, không nói không rằng.

Không rõ gã đã làm sao xoay xở để vào được Thượng Viện và chẳng ai rõ gã đại diện cho chính đảng nào. Những ký giả ngồi dự thính đã đưa ra nhận xét rằng, “Trông ông ta lại có mã nhất, mới đau chứ.”

Học giả Quý đã chỉ chọn văn hóa, một lãnh vực vô thưởng vô phạt lại được nhiều người chú ý để khua chuông trống. Hồi trường Văn Khoa mới bị đuổi khỏi nền khám lớn để lấy chỗ cho phủ Quốc Vụ Khanh và để xây thư việc quốc gia, một nhóm sinh viên giáo sư và những kẻ có lòng đã họp nhau lại lo việc xây quốc miếu. Nhiều buổi họp được triệu tập,và dù không ai mời mọc mà chỉ đánh hơi thấy, học giả Ðỗ Ðình Quý vẫn cứ thản nhiên vào ngồi dự.

Ban vận động không biết ăn làm sao, nói làm sao. Một công tác chung phải được sự đóng góp của mọi người thì tại sao không cho công dân Ðỗ Ðình Quý vào dự.

Rồi tên của học giả cũng được ghi vào trang danh sách ban vận động. Ðiều mà mọi người nghi ngờ là không rõ họ Ðỗ có nhờ vào chương trình này mà vồ được gì hay chăng? Gã cứ vậy đồ lớn nghiêm trang tham dự những lễ lạt, hội thảo nhưng có một điều dễ biết quan sát kỹ là gã rách, rách “như một cái mền lưu động.” Tứ thời phong cảnh gã chỉ có hai bộ quần áo, một đen đã sờn gấu, một đôi chỗ đã xỉn đi vì dơ. Một bộ sac-kin trắng, đôi chỗ bị ố mặc dù được săn sóc rất kỹ. Thế là hết. Bàng dân thiên hạ chưa ai thấy gã có được bộ thứ ba. Cả hai bộ này đều may theo kiểu xưa và đều là đồ mùa Ðông. Ðó là lý do tại sao giữa trời nắng Saigon Ðỗ Ðình Quý lại mặc đồ Môhe nỉ đi phố. Trước đây một năm gã xách chiếc cặp táp da màu nâu đã cũ một đôi nơi đã sứt sẹo nhưng sau này, gã vồ được một chiếc Samsonite trông rất hợp thời trang.

Ngất nga ngất ngư như vậy trong bộ mã quý tộc Anh Cát Lợi, Ðỗ Ðình Quý lọt vào mọi chỗ và được kính nể nếu ở nơi đó người ta không rõ “ông râu quai nón” đó là ai. Ðến nay chưa có một ai chính thức lật tẩy sất của học giả Ðỗ Ðình Quý nhưng đã có nhiều kẻ bị gã tháu cáy. Dư luận tưởng được một dạo đã xôn xao về một câu chuyện tình thật đẹp, kể cả nạn nhân cũng đẹp. Nàng là sinh viên dược, nàng chỉ có bà mẹ và gia đình chỉ trung lưu. Hai mẹ con hủ hỉ với nhau bà cụ buôn bán nuôi con theo đuổi nghề pha chế thuốc. Cuộc đời của họ có thể bình dị, hạnh phúc như mọi người khác nếu không có vị học giả đó xuất hiện, thật ra, chưa ai biết rõ nội tình và chỉ nhìn qua bên ngoài, thiên hạ kết luận có một vụ nhầm lẫn.

Câu chuyện sau đó không được theo dõi vì nó chắc sẽ không có một kết thúc vui.

Nhưng dư luận không chỉ xì xào về vụ này. Một lô tên tuổi các quả phụ giàu có, các bà sồn sồn nhờ thời cuộc trở nên có tiền được nhắc đến như là nạn nhân,... dẫu sao thì cũng chưa có một vụ thưa gửi chính thức nào cả và cũng chưa có nạn nhân nào lên tiếng. Dù chỉ là cảnh báo những người khác.

Sống trong một xã hội tự do, mọi người đều có thể làm những việc kỳ dị, miễn là không vi phạm đến quyền lợi của cá nhân và xã hội. Chính quan niệm đó đã giúp cho những kẻ có chút láu cá tháu cáy được nhiều áp phe lớn, tình cũng như tiền.

Ðỗ Ðình Quý hơn ai hết nắm vững quan niệm tự do này. Gã cũng hiểu rõ trong trường hợp nào thì việc làm của gã có thể bị kết tội là vi phạm quyền lợi của xã hội và sẽ bị cảnh sát hỏi thăm. Gã đã khôn ngoan né khỏi lãnh vực chính trị, né khỏi những cuộc tranh đấu nhất là tranh đấu hòa bình. Gã khoác cho mình bộ vó sử gia; và những người làm văn hóa vốn dễ tính, thấy một kẻ có vẻ điên điên thì họ chỉ cười tha thứ. Gã cũng chỉ chọn những đề tài vô thưởng vô phạt để le lói. Trong đó, việc lập một Hàn Lâm Viện Việt Nam vừa có vẻ ăn khách, được nhiều người lưu tâm lại quá vô hại. Ðỗ Ðình Quý đã làm ầm ỹ vụ này và chẳng rõ gã có quyên được tí tiền nào để xây trụ sở cho hội chăng.

Tự do, dân chủ còn đó. Những người tha thiết đến văn hóa vẫn còn nhiều, Ðỗ Ðình Quý vẫn còn áo lớn chống ba toong, vẻ mặt suy tư, đi chậm chạp trên vỉa hè Tự Do hay luẩn quất ở vùng nhà thờ Ðức Bà, trước Bưu Ðiện. Ðỗ Ðình Quý vẫn có quyền làm những việc gì đang làm, tiếp tục tháu cáy những tay mơ, tự nhận mình là sử gia, học giả để “bê” những con nai vàng ngây thơ.

Nhưng một cuộc sống như vậy sẽ kéo dài được bao lâu và sẽ kết thúc ra sao, ở đâu?

Có lẽ chỉ quan tòa mới có quyền tuyên phán những điều liên quan đến cả một đời người, nhất là người đó là một “sử gia” như Ðỗ Ðình Quý.

(Báo Ðiện Tín, tháng 3.1971)

Tưởng nhớ Lê Thiệp

Cung Vĩnh Viễn

Con đường ấy chắc xa xôi

Mày đi lững thững đến nơi nào rồi

Cuộc hành trình có gì vui?

Có gặp ai để nói cười ba hoa

Bọn tao vui hưởng tuổi già

Cũng bày cuộc rượu cũng xoa bàn cờ

Nửa chừng chợt thấy ngẩn ngơ

Nhìn ra chiếc ghế chỏng trơ góc phòng

Năm nào chẳng có mùa đông

Nhưng năm nay thấy lạnh lùng nhiều hơn

Tuyết dầy phủ kín mặt đường

Có con chim nhỏ kêu thương não nùng

Cuộc đời sắc sắc không không

Nói như con vẹt chẳng thông nghĩa gì

Cõi tao ở, cõi mày đi

Chiều nay nhớ cảnh chia ly não nùng

(Nguồn: hoangdung452000@yahoo.com)