Nguồn gốc của tổ nghề sân khấu

Nguồn gốc của tổ nghề sân khấu

Tienphong.vn

GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc chia sẻ quan điểm xung quanh nguồn gốc của tổ nghề sân khấu

GS Hoàng Chương. Ảnh: Nguyễn Vũ

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân tộc, ông có thể cho biết nguồn gốc của tổ nghề sân khấu?

Theo truyền thuyết dân gian từ xa xưa, hát bội ra đời ở Bình Định do công của ông Đào Duy Từ. Có tài ca hát nhưng bị vua Lê cấm đi thi, cấm biểu diễn nên ông đã trốn vào Nam sống ở huyện Hoài Nhơn và dạy người dân ở đây múa hát kèm theo các động tác múa võ. Đó chính là khởi nguồn của nghệ thuật tuồng. Sau này, người ta nhớ đến ông như nhớ đến ông Tổ nghề hát bội nhưng không lập bàn thờ.

Lại có truyền thuyết nói rằng Tổ nghề sân khấu xuất thân từ ăn mày vì nghề hát xưa nay sống nhờ vào đồng tiền của khán giả, ngày xưa hát rong xin bố thí hoặc để cái bát, cái khay để khán giả thấy hay thì bỏ vào. Cũng vì vậy mà nghệ sĩ làm từ thiện ở đâu thì làm chứ không dám bố thí cho người ăn xin, vì như thế là phạm thượng với Tổ.

Tuy nhiên, khi nói đến thực hành lễ Tổ thì trên bàn thờ Tổ sân khấu thường thờ hai tượng em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất để tỏ lòng thành của mình. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham xem hát, thường xuyên trốn đi xem hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12/8 âm lịch. Người nghệ sĩ đã mượn hai vị hoàng tử này làm thần hộ mệnh cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ Tổ. Sau này nhiều nơi đặt ba tượng vì kiêng số chẵn.

Ban đầu ngày giỗ Tổ chỉ dành cho giới cải lương, hát bội, tuồng chèo. Nhưng về sau này giới tân nhạc cũng xem đây là ngày giỗ Tổ của mình. Năm 2010, Hội Sân khấu TPHCM cũng đã quyết định chọn ngày 12/8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam.