Nguyễn Văn Hảo, tỷ phú Saigon

Nguyễn Văn Hảo, tỷ phú Saigon

Biệt thự 'huyền thoại' 4 mặt tiền của đại gia ô tô ở Sài Gòn Web

Người vợ thuở nghèo khó phía sau tỷ phú ô tô ở Sài Gòn Web

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào? Web

Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn Web

Biệt thự 'huyền thoại' 4 mặt tiền của đại gia ô tô ở Sài Gòn

Có lẽ đến nay, ít người còn nhớ đến một ngôi nhà có diện tích sàn lên đến 800m2 với 4 mặt tiền ngay

giữa trung tâm Sài Gòn. Ngôi nhà này hiện nay đã bị chia nhỏ thành nhiều căn hộ nhưng vết tích về

một thời xa xưa vẫn còn hiện diện...

80 năm vẫn còn tốt

Những ngày sau Tết Nguyên Đán, chúng tôi có dịp đi trên đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM). Ngang qua một cây xăng nhỏ bất chợt nhìn lên phía sau, trên chính diện tòa nhà ở mỗi tầng lầu vẫn còn một logo mang dòng chữ NG.V.HAO.

Quan sát kỹ, tòa nhà thật lớn, thật rộng được bao bọc bởi 4 con đường. Mặt trước là đường Trần Hưng Đạo. Mặt hậu là đường Lê Thị Hồng Gấm. Hai bên hông, đường Ký Con và Yersin (P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM).

Ngôi nhà đã cũ. Tường đầy rêu. Ở tầng trệt chia nhỏ nhiều hộ kinh doanh. Trên 2 tầng lầu dùng để ở.

Chúng tôi cố gắng tìm hiểu gốc tích của ngôi nhà thì được biết, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1933 và hoàn thành năm 1937. Chủ nhân ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia chuyên về ngành xe hơi vào những năm đầu thế kỷ 20.

Như vậy, kể từ ngày hoàn thành đến nay, ngôi nhà đã trụ vững được 80 năm. Vậy mà, nhà thì có cũ, kiểu cách cổ xưa, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào để gọi là xuống cấp. Nhìn lên từng mảng tường, vẫn bền vững không một vết nứt.

Bà con hiện cư ngụ tại đây cho biết, tòa nhà xây dựng theo kiến trúc Pháp. Vì thời ấy chưa có xi măng nên vật liệu để xây dựng là một hợp chất gồm nhựa cây trộn với vôi, cát, nước đường. Tuy đơn giản như thế nhưng chắc chắn còn hơn cả xi măng. Toàn bộ vật liệu được mua từ Pháp đưa sang như gạch bông và các vật dụng trang bị trong nhà. Tuy chỉ có 2 tầng lầu nhưng trong tòa nhà vẫn có thang máy.

Tầng trên cùng của tòa nhà có một hồ bơi nhỏ. Ở tầng trệt, phía trước nhà, ông Hảo mở một cây xăng. Còn lại bên trong bán phụ tùng xe hơi. Phía sau là garage xe hơi. Dãy lầu trên garage có thêm 6 căn được cho thuê. Còn phía trên của dãy trước để toàn bộ đại gia đình ông ở.

Vào thời điểm ấy, xây dựng được một tòa nhà như thế không phải là người tầm thường. Ít ai biết được, chủ nhân tòa nhà cũng chỉ là một người lam lũ lao động, nhưng nhờ có chí tiến thủ, ông đã tạo dựng được cho mình một cơ ngơi mà đến nay có người mơ cũng chẳng được.

Hiện nay, tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn. Logo NG.V.HAO tuy đã lu mờ nhưng cũng đánh dấu được một thời hoàng kim. Những người chủ mới, có thể không biết ông là ai nhưng không ai có thể phủ nhận, ngôi nhà này cũng đã giúp họ tạo nên cơ nghiệp.

Từ nhà nông thành nhà buôn

Xuất thân là con nhà nông, ông Nguyễn Văn Hảo chào đời tại Càng Long (Trà Vinh) vào năm 1890. Cha mẹ ông làm nông, có nhiều con. Khi ông lớn lên được người anh là chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn An Ninh, xin phép cha đưa ông lên Sài Gòn phụ kinh doanh.

Vốn rất thông minh, lanh lợi nên chẳng bao lâu ông học được nhiều điều từ người anh. Mặc dù không qua trường lớp cơ khí nào nhưng nhờ vào tìm tòi tự học, chẳng bao lâu ông trở thành thợ chính tại tiệm. Được một thời gian, ông đưa vợ lên cùng làm và sinh người con trai đầu. Ông Hảo xin phép anh ra lập nghiệp riêng.

Ông thuê căn nhà số 21 - 23 đường Trần Hưng Đạo để mở tiệm buôn bán phụ tùng. Căn nhà này là của gia đình chú Hỏa, người giàu có nhất nhì Sài Gòn. Ngoài buôn bán phụ tùng, ông Hảo còn mở thêm một cây xăng bơm tay để bán xăng và dầu nhớt.

Khởi nghiệp của ông Hảo là như thế. Thuở ấy, công nghiệp sản xuất xe hơi và phụ tùng ở Việt Nam chưa phát triển. Người Việt sử dụng xe hơi cũng không nhiều. Nhưng ông Hảo vẫn thắng, vẫn làm giàu được ở lĩnh vực này nhờ vào sự thông minh và óc sáng tạo của mình.

Có vốn liếng tiếng Pháp khá dồi dào, ông giao dịch với họ để mua phụ tùng về bán lại cho người Việt. Nguyên tắc kinh doanh của ông là làm sao vừa có lãi, vừa có thể giúp người dân được việc. Cửa hàng ông phục vụ không kể giờ giấc. Một tài xế hư xe nửa đêm có thể gọi cửa tiệm ông để mua phụ tùng. Ông vui vẻ phục vụ và không hề lợi dụng để lấy giá cao.

Được vài năm như thế, công việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt. Đến năm 1933, ông mua miếng đất với 4 mặt tiền - như đã nói ở phần trên - gây dựng cơ ngơi.

Từ đó, ông Hảo tiếp tục phát triển sự nghiệp bằng phương pháp làm ăn chân chính. Bài học thành công của ông sau này được nhiều người bắt chước áp dụng cũng đã thành công vượt bậc...

Người vợ thuở nghèo khó phía sau tỷ phú ô tô ở Sài Gòn

Công cuộc làm ăn của ông bà Hảo ngày càng phát đạt. Ông cho mở thêm một cửa hàng tại Trà Vinh. Lợi nhuận cũng từ đó tăng dần biến ông trở thành một tỉ phú lúc nào không hay.

Từ một thanh niên quê mùa ở Càng Long (Trà Vinh), ông Nguyễn Văn Hảo lên Sài Gòn, làm việc với người anh khác mẹ ở một tiệm sửa xe hơi và bán phụ tùng trên đường Nguyễn An Ninh. Từ đó, cuộc đời ông bước sang trang mới.

Người vợ "đồng cam cộng khổ" phía sau tỷ phú ô tô

Làm với anh trai một thời gian, tích lũy được chút vốn liếng, ông xin phép ra làm riêng. Ông thuê căn nhà số 21- 23 đường Trần Hưng Đạo rồi đưa vợ con lên cùng sinh sống.

Tiệm bán phụ tùng và cây xăng ông giao cho vợ phụ trách. Nhờ vốn tiếng Pháp, ông chỉ chuyên lo về giao dịch, mua bán hàng. Vợ ông tuy là một phụ nữ ở nông thôn nhưng rất tháo vát. Bà không nề hà bất cứ việc gì miễn phục vụ tốt cho công việc làm ăn của chồng và gia đình.

Những khách hàng là tài xế đến mua hàng thường được bà hỏi thăm, rằng mua cho chủ hay mua cho chính mình. Bà luôn dành một khoản tiền nho nhỏ để gọi là phụ vào tiền xe, tiền uống nước cho những anh tài xế mua phụ tùng về cho chủ.

Nhờ vậy mà tiếng đồn lan dần. Sức bán tăng cao và dĩ nhiên lợi nhuận cũng tăng theo. Bà Hảo không nề hà giờ giấc dù là nửa đêm. Bà cũng không ham lãi nhiều mà chỉ vừa đủ lấy công làm lời. Theo quan điểm của bà, lãi ít mà bán được nhiều còn hơn lãi nhiều mà không có người mua.

Công cuộc làm ăn của ông bà Hảo ngày càng phát đạt. Ông cho mở thêm một cửa hàng tại Trà Vinh. Lợi nhuận cũng từ đó tăng dần biến ông trở thành một tỉ phú lúc nào không hay.

Mặc dù đã quá giàu nhưng ông Hảo không hề xao nhãng chuyện bán buôn. Những nhân viên ông thuê đều phải thuộc nằm lòng những điều ông căn dặn. Ông nói, phải xem khách hàng là người đã nuôi sống mình và phải biết ơn họ để có cách đối xử cho phải đạo.

Ông bà Hảo đều xuất thân từ vùng quê. Cả hai ông bà đều không qua một trường lớp đào tạo kinh doanh nào. Nhưng, từ việc tặng cho khách chút tiền xe tiền nước, đến những cử chỉ nhiệt tình, thái độ ân cần cho thấy ông bà có tầm nhìn rất xa trong kinh doanh. Dường như những cung cách làm ăn như thế đến nay vẫn chưa lỗi thời mà đã có nhiều doanh nghiệp phát huy rất tốt để có lợi nhuận cao.

Bẽ mặt nhà buôn Pháp

Ông Hảo tiếp tục phát triển việc kinh doanh. Ông xây tòa nhà với 4 mặt tiền. Tại đây, ông dùng phía sau nơi tiếp giáp với đường Lê Thị Hồng Gấm làm garage buôn bán xe hơi.

Một buổi sáng nọ, có một người khách quê mùa bước vào. Anh nhân viên bước ra hỏi, "Bác cần mua gì?". Ông ta bình thản trả lời, "Tôi mua xe".

Anh nhân viên đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông mà mua nổi chiếc xe hơi sao? Nhìn ông mặc áo dài đen đội khăn đóng. Tất cả đã cũ kỹ. Chân ông mang đôi dép đã sờn, thế mà đòi mua xe.

Anh nhân viên không muốn mời vào nhưng ở góc phòng ông Hảo đang ngồi làm việc. Đôi mắt ông theo dõi mọi việc nên anh không dám có một thái độ nào làm mất lòng khách.

Anh dẫn ông đi khắp garage. Cuối cùng ông chỉ vào chiếc xe du lịch 4 chỗ ngồi rồi nói: "Anh lên đề tôi xem thử". Bất đắc dĩ anh leo lên và nổ máy. Tiếng máy nổ giòn. Ông hài lòng rồi leo lên xe ngồi. Nhún vài cái, ông nói: "thêm mỡ bò vào nhíp nhé. Còn kêu lắm. Bao nhiều tiền chiếc xe này ?". Dạ 3000đ (tiền lúc đó 1đ = 17 Franc Pháp).

Ông ngồi bệt xuống đất rút từ phía sau lưng chiếc mo cau và mở bạch ra. Anh nhân viên tái mặt. Trong mo cau là một đống tiền. Ông đếm đủ và giao cho anh ta ...

Ông Hảo từ xa bước tới bắt tay và cám ơn ông. Hỏi thăm, thì ra ông là bạn với ông hội đồng Trạch (hội đồng Trạch là cha của công tử Bạc Liêu). Ông Hảo ngỏ ý muốn tặng ông một bình xăng đầy để chạy về nhưng ông khoát tay từ chối. Ông chỉ xin 5 lít để đến một nơi cần đến.

Ông lên xe chay một mạch tới garage Scama trên đường Bonard (Lê Lợi bây giờ). Tại đây cũng có một cây xăng. Ông vào đổ xăng và nói với ông chủ người Pháp bằng tiếng Pháp: "Lúc nãy tôi vào garage của anh để mua chiếc xe Ford tôi thích nhưng bị các anh đuổi. Các anh nhìn bề ngoài chê tôi nghèo hèn. Tôi qua garage ông Hảo mua chiếc xe Nash này. Tôi được đối xử rất tốt".

Ông chủ người Pháp trơ mặt không nói nên lời. Ngay sau đó, ông cho ngay viên quản lý và anh bán hàng nghỉ việc. Trong khi đó, ở cơ sở của ông Hảo, bán được chiếc xe Nash vợ chồng ông lãi được 600đ, một số tiền không nhỏ.

Không mưu mô xảo quyệt, cách kinh doanh của ông Hảo rất lành mạnh và trong sáng. Ông không nhìn người bằng hình thức bên ngoài và cho dù có mua hay không với ông điều đó không quan trọng. Quan trọng là gây được ấn tượng để mọi người luôn nhớ đến rồi cũng sẽ có ngày họ tìm đến ông.

Đúng là tầm nhìn của một người kinh doanh chuyên nghiệp.

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ mang tên mình: Rạp Nguyễn Văn Hảo.

Nằm cách tòa nhà 4 mặt tiền không xa, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, rạp Công Nhân được xem là 1 trong những rạp cải lương lâu đời nhất ở miền Nam. Trước khi mang tên Công Nhân, rạp mang tên chính chủ nhân của nó, rạp Nguyễn Văn Hảo...

Quá mê nghệ thuật cải lương, năm 1905 thầy năm Tú, một nhà giáo ở Mỹ Tho đã bỏ tiền ra lập nên gánh hát và xây dựng rạp hát Thầy Năm Tú. 35 năm sau, năm 1940 ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo - một thương gia - tỷ phú ô tô ở Sài Gòn cũng đã tìm được một miếng đất rộng để xây dựng nên rạp hát mang tên mình - rạp Nguyễn Văn Hảo.

Ông Hảo cũng như thầy năm Tú và bao người dân miền Nam khác, rất mê nghệ thuật cải lương. Dường như cải lương đã đi vào máu thịt của từng người. Họ không hề bỏ một vở diễn nào. Vì thế, rạp Nguyễn Văn Hảo mở cửa đã đáp ứng được sự mong muốn của khán giả và của chính người trong cuộc, ông Hảo.

Rạp khá rộng. Mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo và mặt hậu giáp với đường Bùi Viện. Qui mô của rạp khá lớn với tổng cộng 1200 chỗ ngồi chính thức. Ngoài ra trên các lối đi còn có những hàng ghế phụ dành cho những khách không mua đươc vé chính thức.

Rạp có 3 tầng. Tầng trệt dành cho người có vé hạng nhất với 500 ghế bọc nệm da màu đỏ. Tiếp đến lầu 2 có 400 ghế dành cho khách có vé hạng nhì. Cả tầng trệt và lầu 2 đều có ghế dựa và bọc nệm. Riêng tầng 3, ghế được đóng bằng ván dài xếp thành nhiều tầng có thể chứa khoảng 300 người, dành cho những vé rẻ tiền hơn.

Với sức chứa lớn cùng với sân khấu rộng và thoáng nên khi rạp Nguyễn Văn Hảo bắt đầu hoạt động, một lượng khá giả đến ủng hộ. Những rạp hát cùng thời như rạp Aristo trên đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đakao đều là những rạp dành cho cải lương nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu của khán giả.

Các đoàn cải lương ở khắp 3 miền, gánh nào cũng muốn được trình diễn trên sân khấu Nguyễn Văn Hảo. Vì ở đó có những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.

Có thể nói, trong suốt một thời gian khá dài nhờ có rạp Nguyễn Văn Hảo với những tiện nghi vào bậc nhất thời bấy giờ, nghệ thuật cải lương càng có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao.

Từ khi thành lập đến trước 1954, nhiều đoàn hát với những vở tuồng rất ấn tượng được trình diễn tại đây. Người mê cải lương không thể quên "Tây Thi gái nước Việt" do đoàn Năm Châu biểu diễn, "Đoàn chim sắt" của đoàn Hoa Sen...

Chuyện kể về những đoàn hát đến rạp biểu diễn thì nhiêu vô kể. Trong số đó, câu chuyện về đêm khai trương vở tuồng "Đoàn chim sắt" thật ấn tượng. Ngoài 1200 chỗ ngồi chính thức, khán giả còn đứng đông nghẹt ở hai bên vách tường, chật cả lối đi ở giữa. Thậm chí, có một số khán giả còn đứng trước sân khấu che cả tầm nhìn của khách có vé thượng hạng khiến nhiều người lên tiếng phản đối...

Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo.

Bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại đây là "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" rồi đến "Thích Ca đắc đạo". Đây là những bộ phim gây được ấn tượng và có tiếng vang lúc bấy giờ.

Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành rạp Công Nhân đến bây giờ...

Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn

Năm 1960, tỷ phú Nguyễn Văn Hảo tròn 70 tuổi. Ở giai đoạn này mọi công việc ông làm đều diễn ra suôn sẻ và thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng vào tuổi về chiều, dường như ông muốn tìm đến sự yên tĩnh để có thời gian chiêm nghiệm lại những gì đã qua.

"Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự

Giao lại hết mọi việc kinh doanh cho vợ con, ông Hảo trở về quê nhà ở Càng Long (Trà Vinh) mua một miếng đất rộng 15ha để xây dựng một ngôi chùa. "Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự có từ đó.

Chùa ông Hảo được xây dựng theo thiết kế của kỹ sư Phan Hiếu Kỉnh, trên khuôn viên đất rộng 8000m2. Đây là một ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nửa tây nửa ta. Chùa có ngôi tháp 9 tầng, có phù điêu rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chiếc du thuyền của ông.

Việc xây dựng chùa diễn ra khá chậm bởi vật liệu mua từ Pháp được chuyển từ xa đến trong khi giao thông khó khăn. Phải mất 8 năm ngôi chùa mới hoàn thành.

Gần chùa, ông còn cho xây thêm một dãy phố lầu và một ngôi chợ để người dân địa phương lui tới mua bán, tạo điều kiện để bà con sinh sống. Chùa xây xong cũng là lúc chiến sự đến hồi ác liệt. Người dân bỏ cả ruộng vườn tìm nơi lánh nạn. Họ đã tìm đến chùa được ông cho tá túc và giúp đỡ lương thực, thuốc men.

Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện bằng cách cho bà con mượn đất quanh chùa để trồng trọt, cấy hái phụ vào miếng ăn hàng ngày. Những người có tuổi ở Càng Long hiện nay không ai có thể quên được thiện tâm của ông. Ông rất giàu nhưng biết sẻ chia cho bà con cùng khổ.

Ngôi chùa được ông ủy nhiệm lại cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Dài đứng ra chăm sóc nhang khói thờ tự sau khi ông mất. Hết đời bà Dài, ông Nguyễn Tâm Thạnh, con ông Hảo sẽ kế tiếp, tiếp tục chăm sóc ngôi chùa. Ý nguyện này được ông Hảo đã cho khắc chúc thư bằng đá trắng để tại chùa.

Ngày nay trở lại nơi đây, ngôi chùa đã trở thành phế tích. Thế nhưng, hình ảnh ông Hảo vẫn còn phảng phất đâu đây. Rõ nét nhất có lẽ là trên búc phù điêu còn sót lại hình ảnh rạp hát Nguyễn Văn Hảo, chiếc du thuyền của ông dùng rong ruổi từ Sài Gòn về Càng Long, dãy biệt thự hương thôn...

Tâm sáng, lòng son

Ông Hảo mất năm 1971. Năm 1975, chính quyền tiếp quản ngôi chùa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dài tiếp tục ở chùa cho đến năm 1979 bà mất. Huyện Càng Long thu lại toàn bộ khu vực này.

Bên cạnh chùa hiện nay vẫn còn một khu đất được xem như nghĩa trang gia tộc của ông Hảo. Ở nghĩa trang nhỏ này có 6 phần mộ trong đó có vợ chồng ông cùng mẹ ruột, mẹ vợ. Cả 6 ngôi mộ này đều xây dựng giống nhau. Trên mộ có hình quyển sách và 4 góc đều có sư tử đá.

Năm 1996, cháu nội ông Hảo nghe lời cha trở về nơi đây cất một cái chòi ở cạnh chùa để sinh sống và có điều kiện sớm hôm nhang khói. Về sau, khu vực này được chính quyền sử dụng làm bệnh viện, rồi thư viện, sau cùng là khu vui chơi cho trẻ em.

Ngẫm lại, cả cuộc đời ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có chí thú làm ăn. Đồng tiền ông kiếm được phải trả bằng những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt. Về cuối đời, ông còn xây chùa, tạo điều kiện giúp người cơ nhỡ.

Khác với những đại gia khác, khi đạt được những thành quả tốt đẹp đôi khi sa ngã vào những tệ nạn. Với ông Hảo, từ một thanh niên tay trắng, ông làm nên một sản nghiệp lớn lao. Ông không để lại một điều tiếng gì ảnh hưởng đến thanh danh và sự nghiệp.

Tâm ông trong sáng. Tấm lòng ông son sắt. Một doanh nhân như thế thực rất đáng để cho mọi người học hỏi và noi gương.