Những tên phố cổ Hà Nội

Những tên phố cổ Hà Nội ít người hiểu nghĩa

VNExpress 1

VNExpress 2

Lò Sũ nghĩa là gì, Hàng Chĩnh, Hàng Đẫy bán gì - để giải thích cho lớp học sinh ngày nay không phải dễ dàng.

Hà Nội có trên 40 tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng". Gần trăm năm trước, mỗi phố "Hàng" bán một loại mặt hàng, một số phố vẫn còn truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Thiếc, Hàng Mã, Hàng Đào (bán quần áo), Thuốc Bắc…

Tuy nhiên, đa số phố cổ nay không chỉ kinh doanh một mặt hàng như ngày xưa nữa, hoặc đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Do đó, nhiều từ riêng trong các tên cổ không còn được dùng thường xuyên, khiến nhiều người, nhất là lớp trẻ, không hiểu được ý nghĩa.

Như phố Lò Sũ, ít người biết ý nghĩa của tên phố này là phố… bán quan tài. Chữ “sũ”, tiếng Việt cổ, nghĩa là áo quan. Thợ sũ ở phố này thờ ông tổ nghề mộc và nghề rèn, bởi những người thợ sũ đều xuất thân từ nghề mộc và nghề rèn. Trong khi đó, phố Hàng Hòm không phải là nơi bán quan tài mà chuyên bán các loại hòm gỗ đựng quần áo, đồ đạc, cũng như các loại tráp, đồ gỗ sơn khác.

Nhiều người trẻ chắc sẽ phải ngẫm nghĩ một lúc với tên phố Hàng Chĩnh. Chĩnh là một loại vật đựng bằng sành, miệng và đáy nhỏ, bụng phình to giống cái chum nhưng kích thước nhỏ hơn. Chĩnh thường dùng để đựng mắm, tương, cũng có thể đựng gạo giống cái hũ, như trong câu tục ngữ "chuột sa chĩnh gạo". Trong tryện cổ tích Tấm Cám, mẹ Cám có câu chê Tấm: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre”, thì mảnh chĩnh cũng như mảnh sành vậy, chỉ là đồ bỏ đi, không giá trị. Phố Hàng Chĩnh xưa vẫn bán đủ các loại vật đựng bằng sành khác như chum, vại, hũ, vò...

Phố Hàng Chĩnh xưa kia chuyên bán chĩnh

Phố Hàng Đẫy, nay được đặt tên là Nguyễn Thái Học, có sân vận động Hàng Đẫy trước kia lớn nhất Hà Nội, ngày xưa chuyên bán đẫy. Đẫy là một loại vật đựng, làm bằng vải như cái túi, cái bị, hoặc tay nải. Người Việt xưa đi xa thường đựng hành lý trong cái đẫy, khoác vào vai như ta đeo balô, túi bây giờ.

Còn Hàng Bồ, là phố ngày xưa bán những chiếc bồ đan bằng tre, hình trụ, trên miệng có nẹp tre, to thì đựng thóc trong kho, nhỏ thì đựng muối trong bếp. Xưa đơn vị đo không xác định hay được tính bằng bồ, như "ăn hết bồ muối mới hiểu lòng dạ nhau" hay "học hết ba bồ chữ của thầy". Sau này khi có các vật đựng bằng sành, sứ, thủy tinh, rồi đến bằng nhựa như hiện nay, thì những cái bồ dần biết mất khỏi cuộc sống người Việt.

Đoạn phố Thợ Nhuộm nối ra Bà Triệu xưa có tên là phố Hàng Lam, vốn cũng cùng nhóm với phố Thợ Nhuộm, vì nơi đây tập trung thợ chuyên nhuộm quần áo vải vóc sang màu lam.

Phố Mã Mây, nơi còn lưu giữ nhiều nhà cổ

Phố Hàng Chai có tên khá muộn, theo tài liệu của nhà giáo chuyên nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Văn Uẩn, thì thời gian những năm 1920-1930, dân trong ngõ đa số là người nghèo sinh sống về nghề “ve chai”, đi rong mua bán các thứ phế liệu, chai lọ, đem về tập kết ở phố mà khiến phố có tên như vậy.

Phố Mã Mây, nếu muốn suy ra chuyên bán đồ gì thì khá khó. Bởi phố có tên như vậy do ghép từ Hàng Mã Hàng Mây. Giải thích đến đây thì ai cũng hiểu xưa kia phố bán gì rồi.

Trong khi đó, đoạn Đường Thành rẽ ra Hàng Điếu có phố tên là Nhà Hỏa. Phố có tên này do có đền thờ Hỏa Thần, để cầu xin thần phù hộ tránh cho nhân dân khỏi các cơn hỏa hoạn. Đền được lập khoảng đầu triều Nguyễn, có ý kiến cho rằng đây là ngôi đền thờ thần lửa duy nhất tại Việt Nam. Ở đền này có quả chuông lớn để báo động khi có cháy. Do đó, con phố này được gọi là phố Nhà Hỏa.

Còn tên phố Hàng Bè cho ta biết, xưa kia nơi đây vẫn là bờ sông Hồng, tức là các phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Tre, Trần Quang Khải ngày xưa nằm dưới lòng sông hết. Nơi này là bến thuyền với nhiều bè tre, nứa, gỗ cập bờ để bán hàng nên cũng trở thành tên.

Phố Hàng Ngang, theo Từ điển Hà Nội địa danh của tác giả Bùi Thiết, do ở hai đầu phố trước đây có các bức tường chắn ngang, ở giữa là cổng gỗ, ban ngày mở ra, ban đêm đóng lại nên gọi là Hàng Ngang. Đây vốn là nơi buôn bán của người Hoa gốc Quảng Đông, họ làm cổng cho cả phố để đảm bảo an ninh. Thời Pháp thuộc, phố có tên là rue des Cantonnais (phố của người Quảng Đông).

Phố Hàng Ngang

Một bức tranh từ thời Pháp còn lưu lại hình ảnh bức tường và cánh cổng ngang phố này, với chú thích rõ ràng "Porte de la rue des Cantonnais” (Cổng phố của người Quảng Đông). Trước đây, phố này là nơi Hoa kiều bán các mặt hàng chè, thuốc, vải vóc.

Cùng với tên phố Hàng Ngang, ở cửa Nam thành cổ Hà Nội còn có phố Đình Ngang, với lý giải: Vào thời Lê, phố này có cái đình chắn ngang giữa đường, dân gian gọi là “Hoành Đình”. Sau này đình bị phá dỡ, nhiều người cho rằng, dấu tích của đình chính là bãi đất rộng ở đầu phố, hiện dùng làm bãi đỗ xe.

Còn phố Hàng Đào, nối liền phố Hàng Ngang xuống Hồ Hoàn Kiếm, là nơi chuyên bán lụa là vóc nhiễu của các thương nhân người Việt. Phố có tên như vậy, vì từ thời Lê, đây là khu vực chuyên nghề nhuộm màu cho vải, trong đó chủ yếu là nhuộm điều (tức màu hồng đào).

Phố Hàng Đào

Có thể nhiều người chưa biết, Phố Hàng Gai trước đây bán loại gai gì? Đó là các loại dây tước từ vỏ cây gai, cây đay để đan võng, bện thừng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, sau này, các cửa hàng bán gai đã chuyển về phố Bát Đàn.

Từ phố Hàng Gai đi ra Hàng Quạt, có phố Tố Tịch. Nhiều người nhầm tưởng phố đặt theo tên người. Thực ra Tố Tịch, chữ Hán nghĩa là chiếu trắng. Có lẽ, tên phố chỉ mặt hàng người dân ở đây buôn bán từ thời xưa.

Ở ngang phố Tạ Hiện, có ngõ Hài Tượng. Nghĩa chữ Hán thì hài là giày, tượng là thợ, Hài Tượng là phố của những người thợ làm giày. Đây là nơi tập trung của những người thợ làm nghề thuộc da, đóng giày, khâu hài gốc từ làng Chắm, xã Phong Lâm, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương di cư lên. Ngày xưa ngõ này thông sang phố Hàng Giầy, cũng là phố chung một nghề của những người thợ làng Chắm.

Một số tên phố cho biết về bộ máy hành chính của kinh thành Thăng Long xưa, như các phố Phủ Doãn, Ngõ Huyện, Thọ Xương.

Thời Lê, đứng đầu phủ Phụng Thiên là viên quan Phủ Doãn (tương đương UBND thành phố Hà Nội bây giờ) đặt trụ sở ở phố Phủ Doãn ngày nay.

Phủ Phụng Thiên gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Huyện Vĩnh Xương đến thời Nguyễn đổi tên thành huyện Thọ Xương, bao gồm phần đất của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Đống Đa. Khu vực đặt sở lỵ của huyện Thọ Xương sau này có tên là ngõ Thọ Xương. Con ngõ cạnh đó có tên Ngõ Huyện cùng lý do. Trước đây, cả hai ngõ này đều có tên là Ngõ Huyện.

Từ phố Phủ Doãn sang phố Nhà Chungphố Chân Cầm. Tên phố này ghép từ tên hai thôn ngày xưa là Chân Tiên và Minh Cầm.

Dọc phố Phủ Doãn ngược lên phía Bắc là phố Đường Thành. Đây là con đường nằm bên tường thành Hà Nội xưa. Theo “Từ điển đường phố Hà Nội” của tác giả Giang Quân, do phố chạy qua cửa Chính Đông thành cổ nên trước đây có tên là phố Cửa Thành. Thời Pháp thuộc gọi phố này là Rue de la Citadelle (phố Thành). Sau Cách mạng Tháng Tám, phố chính thức được đặt tên là Phố Đường Thành.

Trên phố Đường Thành có ngõ Tạm Thương. Tên ngõ này có khoảng đầu thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn. Ở đây có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Trạm Thương, sau nhân dân thấy thóc chứa ở đây mới là tạm thời nên gọi luôn là kho Tạm Thương rồi trở thành tên ngõ từ lúc nào không rõ.

Từ phố Đường Thành (cạnh chợ Hàng Da) đến phố Phùng Hưng có Ngõ Trạm. Đây là nơi có một trạm dịch, chuyên chuyển phát công văn từ trong thành Hà Nội đi các tỉnh.

Từ phố Hàng Mã thông sang Hàng Vải có phố Cổng Đục do đoạn tường thành ở đây bị đục ra làm cổng để đi lại.

Phố Lò Rèn.

Hà Nội còn có phố Hàng Rươi, nhiều người băn khoăn: Rươi mỗi năm chỉ có một mùa,

là hai tháng 9, 10 cuối mùa thu, vậy thời gian còn lại trong năm, các cửa hàng ở phố này

bán gì? Điều này được giải thích là: Những ngày còn lại trong năm, các nhà buôn trên phố

hay bán mắm rươi.