Sài Gòn chuyện đời của phố

Sài Gòn chuyện đời của phố

Hoài vọng Tân Định - Đa Kao

Sáu cây cầu gắn với lịch sử Sài Gòn

Hoài vọng Tân Định - Đa Kao

Từ Phú Nhuận đi qua cầu Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn.

Chợ Tân Định thập niên 1950 - 1960 - Ảnh: T.L

Con đường Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng cả sang trọng như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ

Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đường Trần Quý Khoách vẫn nhắc tới Giáo sư - nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên chiếc xích lô đạp, đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có hơn 90 học sinh, ngồi chen chúc như cá mòi hộp.

Ông Dương Hữu Đạt hồi nhỏ sống trên con đường Albert Premier, nay là Đinh Tiên Hoàng, đoạn Q.1. Ông cho rằng người Sài Gòn thời đó sống chân chất, hiền lành hơn, mâu thuẫn giữa người Việt và Pháp cũng không gay gắt. Những người dân nghèo từ lục tỉnh lên sống lang thang trên đường phố khu Đa Kao, đánh giày hay bán sách dạo in bằng tiếng Pháp cho những bà đầm, anh lính hay viên công chức người Pháp. Họ kiếm sống từng bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn tiện và không tham lam. Nhiều lần ông thấy những người lính Tây say rượu nằm lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp bên lề đường. Mấy người đánh giày hay bán sách dạo dựng xe của họ lên, đạp mấy vòng phố xá chơi cho biết rồi đem đặt trở lại chỗ cũ. Những người đạp xích lô đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường này chờ khách. Họ thích uống cà phê bít tất, đổ ra dĩa cho mau nguội, uống nhanh để còn lo chạy mối. Trong khi chờ khách, họ nằm khểnh đọc báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu Lăng Quân, Phi Long… Ông Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên Pháp.

Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm - tên thường gọi phụ nữ người Hoa. Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây. Bù lại, họ trung thành với chủ, sạch sẽ, nấu ăn ngon, dạy dỗ và thương yêu đám con nít. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon Vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà xẩm bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà xẩm thắt cổ tự tử để chứng minh sự trong sạch.

Người dân ở đây sống lâu với người Pháp nên hiểu họ khá rõ. Với tâm trạng tha hương, những anh lính hay giới công chức Pháp thích hưởng thụ xả láng cuộc sống vui chơi ở thuộc địa, nhiều người chìm đắm trong men rượu hòng quên đi nỗi nhớ quê hương và những nỗi căng thẳng khác. Đồng lương của họ được xài phung phí, chỉ sau vài ngày lãnh lương là gần cạn. Thỉnh thoảng lại có những trận đánh nhau giữa phu xích lô, thợ đánh giày với những người Pháp say rượu trước mấy cái nhà hàng khúc đường trước rạp hát Casino.

Sau khi tin tức về trận Điện Biên Phủ lan về Sài Gòn, người Pháp khu Đa Kao buồn và thu mình lại.

Có dạo tôi thường ghé nhà một anh chuyên rửa ảnh đen trắng thủ công trên con đường này. Trong lúc chờ đợi in ảnh, tôi đi bộ quanh khu Tân Định, hỏi dò vài người sống quanh đó về một quán cà phê mở sau 1975 của đôi vợ chồng nghệ sĩ Từ Dung - Từ Công Phụng mang tên “Từ Dung”, có chiếc piano trắng nhưng không ai biết quán đã từng đặt ở đâu. Tôi đi ngó đồ bán “xôn” trên lề đường, đi tràn sang phía bên khu xóm Vạn Chài và dọc đường thơ thẩn, tôi phát hiện có quá nhiều cái đình chỉ trong một khoảnh đất không lớn. Đình Nam Chơn, rồi đình Phú Hòa từng là nơi có quán cà phê của nghệ sĩ nổi tiếng Bảy Nhiêu, thân phụ của các nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan. Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh. Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là đình Tân An. Đình Nghĩa Hòa cũng trên đường Trần Quang Khải.

Sau này đọc sách mới biết xóm Vạn Chài ở vùng Đa Kao này là xóm của những người dân chài từ miền Nam Trung bộ di dân vào. Khi đã ổn định, họ lập ra tới bảy ngôi đình để tiếp tục thờ Thành hoàng của làng đánh cá ở quê cũ, mà họ gọi là vạn.

Bác Hai, chủ tiệm rửa ảnh kể tôi nghe về những hàng quán ngon lành mà giới công chức cao cấp thời trước 1975 thích ghé như nhà hàng Casino Đa Kao, có món độc đáo nhất là món tôm hùm đút lò. Nhà hàng cơm Tây La Cigale (Con ve sầu) trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) có món tôm cua ốc.

Ở đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao - Tân Định có thể nói tập trung nhiều tinh hoa của thành phố này nhất. Đó là vùng đất tụ hội những người tài hoa, cá tính, sành điệu... thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn cũ.

Phạm Công Luận

(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)

Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/sai-gon-chuyen-doi-cua-pho-hoai-vong-tan-dinh-da-kao-668000.html

Sáu cây cầu gắn với lịch sử Sài Gòn

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Sài Gòn đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Trong đó, những cây cầu đã gắn liền với thời gian, ký ức của người Sài Gòn và đã tạo nên những nét độc đáo, tiêu biểu về hình ảnh của người Sài Gòn từ xưa đến nay.

VietNamNet xin giới thiệu hình ảnh 6 cây cầu tiêu biểu đã gắn liền với người dân Sài Gòn từ qua nhiều năm xây dựng và phát triển.

1. Cầu Mống

“Cầu Mống” là tên tiếng Việt của cây cầu “Messageries Maritimes Company Bridge” theo thời Pháp thuộc đặt. Nằm ở trung tâm với khung cảnh rất lãng mạn, từ thời Pháp thuộc cầu Mống ở Sài Gòn đã trở thành nơi hẹn hò của các bạn trẻ.

Vào giai đoạn năm 1893 – 1894, cây cầu được hoàn thành có chiều dài 128 mét, rộng 5.2 mét và 0.5 mét lề đường.

Vào những năm 2000, khi công trình đại lộ Đông Tây và đường hầm sông Sài Gòn được thi công, Cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn. Sau khi công trình hoàn tất, Cầu Mống được lắp ghép lại đúng nguyên bản. Điểm khác biệt duy nhất chính là các đường dẫn lên cầu đã được phá bỏ và thay thế bằng bậc tam cấp dành cho người đi bộ.

Những ai sống ở Sài Gòn, chắc hẳn sẽ không ai lấy làm xa lạ với cây cầu nổi bật một màu xanh ngọc bích, bắc qua kênh Bến Nghé nối liền giữa quận 1 và quận 4. Được xây dựng hơn trăm năm nay từ thời Pháp thuộc, Cầu Mống ngày nay đã trở thành địa điểm hẹn hò lý tưởng của các bạn trẻ, là điểm tham quan của du khách thích đi loanh quanh khám phá thành phố.

2. Cầu Thị Nghè

Cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè được cho là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây vào thế kỷ 18 (khoảng năm 1725-1750) để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè, nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè.

Theo sử sách, vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh…

3. Cầu Bông

Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, (khoảng năm 1736). Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu Bông được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn – Gia Định. Ban đầu cầu có tên là Cao Miên vì có một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc cầu qua sông để tiện việc đi lại...

Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết, nhưng giả thiết được nhắc đến nhiều nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn). Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí cũ. Bởi đây là cây cầu huyết mạch nối liền hai vùng thị tứ của vùng đất Sài Gòn xưa. Trước 1975, cầu Bông được xem là giao thông trọng yếu nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định (khu vực chợ Bà Chiểu ngày nay).

Tháng 10/2013, cầu Bông xây dựng từ trước năm 1975 được tháo dỡ để xây dựng mới. Cầu Bông mới được thông xe vào tháng 6/2014 với độ tỉnh không được nâng cao thêm tạo thuận lợi cho các phương tiện đi trên đường Hoàng Sa và Trường Sa được lưu thông thông suốt dưới dạ cầu

4.Cầu Bình Lợi

Bình Lợi là cây cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa.

Sau 113 năm khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu.

Bộ GTVT đã xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới (nay gọi là cầu Bình Lợi 2) trên đường Phạm Văn Đồng. Cầu Bình Lợi mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Sau khi hoàn thành sẽ giúp vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi đạt 100 km/h.

5. Cầu Chữ Y

Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối quận 5 và quận 8 với ba nhánh giống như hình một chữ Y lớn: nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m; nhánh Hưng Phú dài 137 m. Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m tính luôn đoạn cầu dẫn dài 913 m. Khu vực lồng cầu (ở giữa) có ba nhánh rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Toàn bộ công trình khi xây dựng tiêu tốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bê tông.

Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Ngày 30/9/2006, trong chương trình cải tạo về giao thông của thành phố, nhánh cầu chữ Y phía quận 5 được hạn chế xe để tháo dỡ và xây lại cầu mới để đảm bảo độ cao dưới đường Đại lộ Đông – Tây.

6. Cầu Nhị Thiên Đường

Cùng thời với những cây cầu nổi tiếng của Sài Gòn xưa như cầu Chà Và, cầu Chữ Y...cầu Nhị Thiên Đường (còn được gọi là Cầu Mới) là một trong những công trình tiêu biểu của Sài Gòn xưa. Cầu bắc ngang qua một nhánh kênh đôi Tàu Hũ, nối liền nội đô quận 8 với vùng phụ cận, với huyện Cần Đước (Long An) qua Gò Công về các tỉnh miền Tây.

Cây cầu xây dựng năm 1925, dài khoảng 1km, được đổ bê tông chắc chắn và thiết kế theo lối kiến trúc cổ của Pháp.

Theo thời gian, cây cầu Nhị Thiên Đường đã gần 100 tuổi. Hiện nay, cây cầu đang xuống cấp nặng, những cột đèn, trụ lan can, đường dẫn điện... không còn sử dụng được nữa.Nhiều người dân ở khu vực này thấy tiếc nuối khi hay tin cây cầu sắp phải bị phá đi để xây cầu mới.

Mới đây, UBND Saigon đã cho phép Sở GTVT thực hiện phương án xây dựng, xây dựng cầu Nhị Thiên Đường mới với kinh phí 163 tỷ đồng. Cây cầu mới sẽ được dịch chuyển về phía cây cầu Nhị Thiên Đường 2. Cầu mới sẽ có nghiên cứu thiết kế để khôi phục (lan can, đèn chiếu sáng trang trí...) nhằm gợi nhớ một số nét kiến trúc của cây cầu Nhị Thiên Đường hiện hữu.

* Tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn.

Đinh Quang Tuấn (lược ghi)

Sài Gòn chuyện đời của phố