Giày SAUT (Giày Trận)


Giày Saut

(Giày Trận)


Giày saut cởi bỏ nằm lăn lóc

Chất cao thành núi, khóc bên đường

Mong chờ cậu chủ tiếc thương

Quay về tiếp tục dặm trường hành quân

*

Ngày nào đó quây quần chùi bóng

Vội mang vào lội, phóng qua sông

Băng rừng trèo núi xung phong

Kề vai chiến hữu một lòng dọc ngang

*

Đời trai trẻ chẳng màng tên tuổi

Chí tang bồng giong ruổi đó đây

Giày saut chung thủy chân mây

Nắng mưa dầm dãi đêm ngày vẫn vui

*

Giày saut chớ ngậm ngùi buồn tủi

Tại dòng đời hất hủi chúng ta

Tim tan nát, lệ chan hòa

Kiếp sau xin hẹn xông pha chiến trường



Dòng thời gian vút bay. Thế nhân lẩn quẩn trong mười hai nấc thang thời gian. Nếu nhìn vào từng bậc đá trân mình, nằm lăn lóc trên con đường đi, ta cứ ngỡ, viên đá nào cũng như nhau. Nghĩa là, mỗi viên đá vô hồn này chỉ có bổn phận gồng gánh biết bao bàn chân người dẫm bước.


Mười hai tháng thời gian được tôi tạm ví như những dấu mốc xoay tròn một năm, trải dài bốn mùa đong đưa. Nhưng sao, mỗi khi tháng tư đen quay về, lòng người uẩn khuất một nỗi đau - gợi nhớ một trang sử buồn tím ruột - khóc cho vận nước khép lại. Những ngày cuối tháng tư kinh hoàng bao trùm thành phố Sài Gòn, với những diễn biến náo loạn.


Bầu trời an bình không còn trong xanh nữa mà loang xám mù mịt từng góc trời. Đạn bay ầm-ì. Khu dân cư thay nhau chìm trong khói lửa do các trận pháo kích vô tâm .Từng cụm khói đen bốc cao ngút, vút lên chín tầng mây. Nhà cháy ! Lòng người tan nát ! Người dân hớt ha hớt hải tìm cách di tản. Đầu óc khủng hoảng hoang mang, không biết khi nào dãy nhà của mình bị trúng đạn.


Không khí Sài Gòn ồn ào náo loạn. Mùi thuốc súng, chen lẫn tiếng nổ long trời lở đất. Người dân biết làm sao để tránh đạn bây giờ ? Chỉ có viên đạn từ bi tránh người dân mà thôi. Mọi người hốt hoảng như đàn chim vỡ tổ, rủ nhau chạy ra các địa điểm quân sự để được di tản. Những tuyến đường dẫn đến nơi nào có máy bay trực thăng lên xuống, hoặc bến cảng có nhiều tàu bè ra khơi.

***

Ngã tư Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Thoại kẹt cứng. Xe cộ dồn đống, nối đuôi nhau giành từng tấc đất để xê dịch bánh xe của mình. Ngã tư này là giao lộ, là hu‎yết mạch dẫn đến phi trường Tân Sơn Nhất. Ai cũng nuôi hy vọng, mình sẽ được leo lên máy bay, đào thoát ra khỏi Sài Gòn. Với ước mơ mình sẽ được mang ra hàng không mẫu hạm đang chờ đợi ngoài khơi.

Triệu người dấn thân, mưu tìm tương lai ở xứ người. Hỡi ôi, có bao nhiêu người may mắn trốn thoát cái bóng đen tăm tối này đâu. Người có số mệnh xuất ngoại mới được an toàn leo lên chiến hạm Hoa Kỳ, nằm chờ đợi ngoài biển Đông.

Tất cả những ai lỡ bị tử vi chấm số phận xui rủi, đành hẩm hiu ở lại, chấp nhận dòng đời cay nghiệt.



· Đầu óc đảo điên trong ngày đổi tiền. Gia đình dù bao nhiêu người cũng chỉ được vỏn vẹn hai trăm đồng mới mà thôi. Đói no tự lo !

· Hồn vía lên mây trong ngày Sài Gòn bị đánh tư sản mại bản. Tinh thần sa sút tột cùng đến điên loạn vì mất trắng tay.

· Có nhiều gia đình chứng kiến người thân của mình tự vận. Khi mà họ mất hết vàng và tiền. Gia tài cắc củm bao năm nhọc nhằn dành dụm bỗng dưng mất trắng.


Đây chỉ là vài chứng tích trong hàng ngàn đau khổ. Những người tốt số được bay ra vùng trời tự do, không nhìn thấy tận mắt‎ cảnh lầm than, điêu đứng của biết bao người bi kẹt ở lại. Họ đành cắn răng im tiếng, phải hứng chịu mọi đổi thay trong xã hội.


Trên nhiều con đường rút quân vào giờ thứ hai mươi lăm. Toàn quân miền Nam ngỡ ngàng buông súng. Hàng ngàn đôi giày saut bị vất bỏ sau lưng, rải đầy trên các nẻo đường. Không ai muốn mình bị rơi vào cảnh bị bắt bớ, khi mà cuộc chiến bỗng dưng chấm dứt trong tức tưởi.


Vài hàng chữ đơn sơ ghi lại khoảnh khắc chưa quên. Khúc rẽ buồn của một sự phân kỳ lịch sử thê thảm. Một thời đại sang trang, mà người dân hiền lành vô tội vạ phải cúi đầu chấp nhận. Họ không còn lời nào để trách móc ai, vì có ai lắng nghe đâu ?


Thôi thì, mình phải tự tìm tia hy vọng dù mong manh mờ nhạt.


Hoặc một giọt sáng le lói rơi rụng ở cuối con đường hầm tuyệt vọng.



Đó là vượt biển.


MAY 2022