Nguyễn Văn Thành

1- Đêm Giao Thừa

2- Hổ Trong Ca Dao, Tục Ngữ

3 - Hoa Trong Sa Mạc





Hoa Trong Sa Mạc

Phần 1

Từ miền tuyết băng đến nơi công tác xa xôi, tôi cần tới 3 chuyến bay và một đoạn đường lái xe khoảng 35 dặm đi vào vùng sa mạc.

Thủ tục mướn xe xong, tôi hướng thẳng về bãi đậu lộ thiên để lấy xe trong lô đã định sẵn. Ở sa mạc, hầu hết các xe đậu ngoài trời đều được chủ nhân bao phủ kín mít dưới cơn nắng 110°F mỗi ngày. Xe sơn màu đỏ ít thấy hơn các màu khác vì màu đỏ phản chiếu được ánh sáng nhiều nhất nên dễ bị bạc màu. Xe sơn các màu khác lâu bạc màu hơn. Xe đậm màu như màu đen chẳng hạn chiếm đa số vì màu đen hấp thụ được ánh sáng nhiều hơn là phản chiếu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là người mướn xe phải tự kiểm soát xe của mình xem có rắn và bò cạp bò vào xe hay không ? Có lần rắn đã len vào trong xe của một bạn đồng nghiệp, nằm khoanh tròn hong mát dưới tấm kính chắn gió…Anh bạn đã phải khó nhọc khử trừ con rắn.

Lấy xe xong, tôi nắm chặt tay lái chạy trên con lộ nhỏ dọc theo biên giới giữa Mễ và Mỹ. Vừa lái tôi vừa bắt theo giọng hát của Ngọc Lan hát bài "Ru Ta Ngậm Ngùi", tưởng nhớ đến cô ca sĩ tài sắc bạc mệnh, đã từng sống tại miền băng tuyết cũng như miền quê hương cát trắng.

... Không còn không còn ai

Ta trôi trong cuộc đời

Không chờ không chờ ai

Em về hãy về đi

Ta phiêu du một đời

Hương trầm có còn đây...

Cái nắng thật là chói chang và khô khốc vì thiếu độ ẩm thấp. Cảnh vật xung quanh sao lạ hoắc lạ huơ sau hơn 3 năm tôi trở lại. Sự thay đổi như thế ở một vùng hoang vu hiếm người đi tới sẽ không thường xảy ra .....

Lần đi này tôi cảm thấy mình mạnh mẽ như một Batman hay một hiệp sĩ dũng mãnh, hay cũng có thể giả một gã hoang sống ở sa mạc lâu năm mà không mảy may sợ các sinh vật bò sát như rắn, rít, bò cạp,… và ngay cả cái khí hậu khắc nghiệt hăm dọa.

Lái được khoảng 20 dặm vừa lúc mặt trời đã lặn xuống phân nửa ở cuối sa mạc. Lúc ấy gần 20 giờ đêm. Trời dịu bớt sức nóng. Xe giảm tốc độ. Máy lạnh vẫn tiếp tục quay đều kêu kịt kịt rè rè mỗi chu kỳ quay, thổi ra hơi lạnh. Những năm tôi mới tới Mỹ, nghe nói máy xe chạy xuyên qua sa mạc ở bang Arizona không cần bộ phận điều nhiệt, tức là cái Van đóng mở nước giảm nhiệt máy trước khi nước luân lưu về bộ phận tản nhiệt.

Phố nhỏ phút chốc đã trước mặt. Từ đây chỉ còn 15 dặm nữa là tới phòng thử nghiệm; đó là nơi tôi trình diện làm việc trong 10 ngày. Suốt quãng đường đi, tôi mệt lả cả người nên muốn qua đêm tại một phòng ngủ trong khu phố Ciudad Juarez, Mễ Tây Cơ. Phòng trên lầu 2 như tôi yêu cầu cũng tạm an toàn, tuy nhiên tôi đã cẩn thận để giày vớ, va-li, áo quần và dụng cụ cá nhân trên cao để tránh bò cạp và rít bò vào trong ấn núp.

Đi tắm xong. ăn ổ bánh mì mang theo, tôi đánh một giấc mơ hoa tới sáng....

Một giấc mơ đến với tôi trong giấc ngủ. Lại một giấc mơ ư ? Lành hay dữ ? Tôi đã thấy gì và làm gì ở vùng sa mạc cằn cỗi này nhỉ ? Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Hoảng sợ giấc mơ kia chưa xong thì giấc mơ này lại đến.

Trong giấc mơ ấy có ai đó xuất hiện với một giọng phụ nữ báo cho tôi biết có một loài hoa trong sa mạc. Nghe lạ tai, tôi tấp xe bên đường hỏi lại:

-Hoa gì vậy, thưa bà ? Lạ thật đó nghen ! Hoa độc hay hoa hiền... trong sa mạc. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ nghe cả.

-Từ đây lên đó còn bao xa nữa ? Tôi hỏi tiếp.

-Độ chừng 10 dặm đường, nhưng ông phải lái xe nhanh lên kẻo muộn. Đường đi rất hiểm trở và có nhiều rắn.

-Bây giờ tôi không sợ rắn nữa rồi. Tôi có đem theo dây thòng lọng điện tử bắt rắn tinh vi. Bắt được, tôi sẽ siết cổ và cho điện giật nó nhiều lần tới chết. Bà xem đây này, cái bị của tôi to lớn, nhốt bà vào trong cũng vừa mà. Ngoài ra trong bị cũng có đầy đủ dụng cụ có cả “Đồ xịt ớt cực cay - Extremely hot spray” nè…Còn nữa, tôi mặc quần ống loa kiểu thời đại của đầu thập niên 1960, giày ống cao cổ, dây bút nịt to bản của một Hippy choi choi…có thể dùng làm vũ khí tự vệ.

-Nhưng ông còn thiếu thuốc trị nọc rắn...nếu bị cắn thì sao? Sẵn đây cũng cho ông biết là rắn ở đây biết bay khi cần trả thù !

-Ghê nhỉ! Nhưng xin lỗi bà, còn khuya mới đấu được với tôi...Tôi sẽ giết nó trước các hành động khác!

-Ông chắc từ Mỹ qua ? Mà ông có nghe rắn rung chuông sống gần biên giới Mễ Tây Cơ và miền Nam Arizona, New Mexico, Texas gọi là Rattle Snake chưa vậy ?

Giọng bà oang oang:

-Ở xứ Châu Á của ông có Cobra Snake (rắn hổ mang) ở vùng nhiệt đới, thì ở đây có Rattle Snake ở trong sa mạc. Loài rắn này cũng độc không kém nếu ông không cẩn thận đề phòng là nó sẽ tấn công ông đó nghen. Trước khi tấn công, nó rung những vẩy đuôi tạo thành tiếng chuông để áp đảo tinh thần và hăm dọa ông đó. Nó không cần biết đầu đuôi như thế nào, không nể nang ai, chỉ cần ông đụng vào những gì của nó là nó cắn bừa bãi lắm.

-Ngộ thật, sao bà nói vậy nhỉ. Tôi tự nghĩ.

-Tôi cóc sợ. Môi trường ác quỉ tạo ra ác quỉ mà, quả đúng như vậy. Cái thứ rắn này chỉ có tài khoe mình. Vũ khí duy nhất là cái đuôi lắc lắc, quất qua quật lại, là có thể khống chế được tôi sao.

Tôi chấp đó !

-Ừ để xem !

Nói xong, giọng của bà nhỏ nhẹ bảo tôi quay xe về phía đồi:

- Ông cứ đi theo con đường này, qua khỏi cái ẹo rồi cứ đi thẳng lên đồi. Đi miết, đi miết ông sẽ đi đến chỗ tôi chỉ ông. Ở đây không có mặt nước hồ thu, không có hoa đào, hoa lan, hoa hồng,…mà chỉ có loài hoa trong hoang mạc tỏa mùi hương làm phiền người phiêu bạt giang hồ như ông. Chúc ông nhiều may mắn !

Nói xong, giọng cười thật thoải mái của người phụ nữ vô hình đó giảm dần cường độ rồi biến mất trong không gian….

Lái xe đi mải đến trưa mà chẳng thấy hoa đâu giữa sa mạc mênh mông vô tận. Bao tử bắt đầu cồn cào. Tôi mở cái ba-lô lấy thức ăn ăn thật no. Hai con mắt nặng nề khép chặt lại rồi làm một giấc trong lúc xe khóa cửa, vẫn nổ và chiếc máy lạnh cứ khè hơi lạnh đều đều hắt vào mặt tôi.

Tôi tỉnh dậy người khỏe hẳn và nhớ lại giọng nói vừa rồi: “Qua cái ẹo, đi thẳng... rồi đi miết…tới chỗ”. Kiểm điểm chỉ thiếu “…đi miết….tới chỗ”, như vậy mình chưa tới đích.

Hèn chi !

Tôi tiếp tục lên đường "...đi miết...tới chỗ", cố tìm cho được loài hoa ấy...

Phần 2


- Lạ thật, người phụ nữ đó bảo tôi lái xe khoảng 10 dặm mới thấy hoa trong sa mạc. Nhưng tôi đã đi gần gấp đôi đoạn đường rồi mà hoa vẫn biền biệt nơi mô.

Tôi mong mỏi tìm được loài hoa ấy. Biết đâu giữa chốn sa mạc nắng cháy này, loài hoa hi hữu ấy có gì bí ẩn khiến tôi phải tò mò tìm hiểu.

Trời càng về chiều, gian nguy càng trước mặt. Con đường càng dài hun hút lại càng hiểm trở càng xuất hiện loài rắn độc băng qua đường để tìm mồi trước khi hoàng hôn bắt đầu phủ xuống. Rắn ở đây mạnh thật, xe tôi cán qua nhưng chúng vẫn sống, vẫn bò, vẫn lắc lư cái đầu ngạo mạn.

Bóng xe dần ngã đậm màu đen trong hình vị tự mà tâm điểm là ánh mặt trời xa xa ở cuối sa mạc. Trời về chiều, nhiệt độ bên ngoài giảm dần. Tôi bớt máy lạnh và ấn nút quay cửa kính xuống để vừa hít thở không khí "trong lành" của sa mạc buồn tênh, và vừa thả hồn theo bản nhạc “Ru Ta Ngậm Ngùi”.

Giọng hát của Ngọc Lan buồn phảng phất…. một người !


Không gian sẽ rộng ra nhưng

Không còn không còn ai

Ta trôi trong cuộc đời

Không chờ không chờ ai..

Em về hãy về đi

Ta phiêu du một đời

Hương trầm có còn đây... (TCS)




Mênh mông trước mặt là sỏi đá khô cằn, là bầu trời chạng vạng tối. Cảm giác của tôi lúc bấy giờ như đi lạc vào miền cổ tích tận cùng không lối thoát.

***

- Cái mụ này điêu ngoa thật, chắc chắn tôi bị mụ gạt rồi ? Đúng là mụ phù thủy sa mạc mà!

Tôi lầm bầm mụ.

Bỗng đâu giọng mụ hườm hườm bên tai làm tôi giật bắn cả người, suýt chút nữa là lạc tay lái.

- Linh thiêng thật!

- Ông nguôi nóng mà kiên nhẫn quay xe lại đi. Vài dặm nữa, hoa ông tìm sẽ ở bên tay phải của ông đấy. Ông đã đi huốt rồi.


Mụ phù thủy tiếp:

- Hoa ông tìm nằm lặng lẽ bên đường nhưng vì xe ông đóng kín mít và ông cứ mải mê nghe nhạc mà không để mắt tới thôi.


Mụ hắng giọng:

- Bộ ông đi một mình à ? Tôi tưởng là ông đi hai mình ? Ông cần một người bạn nữ đồng hành để nhắc đường cho ông.


Tôi bực mình, nói một hơi:

- Mụ ám chỉ đàn bà à. Cho tôi can đi. Tôi chỉ thích phiêu du một mình. Không cần đâu. Cảm ơn mụ bà..bà. Phương châm sống của tôi kể từ đây là đừng bao giờ đụng tới phụ nữ.

- Sao vậy ông ?

- Bởi vì họ cực kỳ rắc rối và khó hiểu.

- Sao lại rắc rối và khó hiểu chứ ? Ông thật quá đáng.

- Vì họ có thể thương nhiều người, yêu một người ghét một người hay ghen một người, hoặc thương một người đi với một người chẳng hạn. Có thể họ không thực hiện những điều họ hứa mà lại chẳng muốn đền bù. Tôi chưa có một phụ nữ nào yêu tôi thật tình và sẵn sàng lăn xả cho tình yêu với tôi…

- Cái ông này...vô duyên !

- Không lẽ tất cả mọi phụ nữ đều như vậy.

- Đúng, phụ nữ có thể dễ thương, hiền thục, siêng năng, giỏi giang, xinh đẹp mà đồng thời ở người phụ nữ ẩn chứa đằng sau… đó là những cái rắc rối mà không ai có thể tưởng tượng được.

- Tui là phụ nữ nè ông ạ. Đụng chạm rồi đấy. Có thể ông đã đụng vào một loại hoa hồng nào đó có gai khiến phiền phức đến ông, nhưng riêng tui có ý xấu với ông đâu ? Giúp ông đường đi để tìm loài hoa mộng nơi hoang mạc. Chẳng phải tui tốt với ông sao ? Tui có làm ông rắc rối đâu nào. Tui chỉ đường cho ông rõ như ban ngày nhưng tại ông mát dây mát nhợ, mát dương mát âm không lưu ý đó thôi.

- Không, tuyệt đối không.

- Sao kỳ vậy ?

- Tại tôi chưa đụng vào chính bà đó thôi.

- Phụ nữ chỉ trở nên rắc rối khi có ai đó đụng tới họ. Bà cũng không ngoại hạng.

- Xí, bộ ông tưởng ông ngon lắm sao. Ai cho phép ông đụng tới tôi ?



Giọng mụ từ tốn trở lại:

- Xét cho cùng ông nói cũng có cái lý của ông há, nhưng mà đến giờ ông có đụng vào người phụ nữ nào chưa ?

- Đụng vô phụ nữ là ôm bom tự sát. Chỉ có một cơ hội duy nhất là đừng có đụng vô họ. Tui không dám mạo hiểm nữa.

Mụ bắt đầu nổi cáu:

- Ông quơ đũa cả nắm rồi. Đàn ông của mấy ông cũng có thói trăng hoa mà.

- Tôi thì khác, yêu ai là yêu tới chết...

- Người nào đó làm ông rắc rối là khác, còn tui lại khác. Xin ông hãy nhớ đó ! Nhưng mà thôi, ông đi nhanh lên kẻo trời sụp tối…Đêm đen có thể không dung tha đến mạng sống của ông đâu.

Nghe mụ dọa, tôi cảm thấy lạnh lạnh đôi chân.

Đột nhiên, mụ biến mất trong bụi cát mờ mờ trước mặt.

****

Xe tôi bắt đầu đổ lên con dốc cao ngoằn ngoèo. Quẹo trái cua phải vài bận rồi qua cái ẹo, tôi chuẩn bị tuột xuống con dốc. Một mùi hương thơm thoang thoảng dưới con dốc bốc lên. Mùi hương thật quyến rũ, tôi hít một hơi thật dài vào tận buồng phổi. Ôi, hương phiền muộn kẻ phiêu du. Hai mí mắt tôi trở nên nằng nặng như bị ngấm thuốc á phiện, lim dim và đờ đẫn…

- Thôi chết, lại phiền kẻ phiêu du lãng tử nữa rồi….


3

Trong cái lâng lâng như say ấy tôi vẫn còn nhận ra cái tâm điểm vị tự xa xa cuối sa mạc đã bị hoàng hôn đuổi mất. Chỉ còn ánh đèn xe soi đường phía trước.

Giống như bị thôi miên tôi cứ cho xe bon bon giữa ngàn hương đang lan tỏa ngào ngạt. Có hương thơm đích thị là phải từ hoa mà ra rồi. Vậy là người phụ nữ vô hình kia nói đúng. Chắc là quanh quẩn đâu đây thôi.

Giảm tốc độ từ từ, chầm chậm rồi dừng xe suy nghĩ. Xong, quay đầu xe qua phải, quét một lượt, mênh mông cát với sỏi.

Bắt đầu se lạnh, rồi lạnh dần lên. Nhiệt độ về đêm ở sa mạc bao giờ cũng một trời một vực với nhiệt độ ban ngày.

Bất giác tôi sờ má, sờ mũi để kiểm tra... độ dày của da mặt mình cỡ nào mà mình có thể thích nghi tốt với môi trường có nhiệt độ thay đổi khắc nghiệt thế này.

Quay đầu xe, tôi quyết định chạy ngược lại một đoạn ướp đầy hương.

Giữa một vùng bao la cát, bạt ngàn sỏi thế này mà tìm được hoa thì quả thật là mơ!

Nhưng tôi tin là sẽ tìm thấy. Bằng chứng là khứu giác của tôi đang bị hương thơm làm phiền đấy thôi.

Cứ chạy một chút tôi lại dừng xe, hướng đầu xe sang phải.

Lần này mắt chạm vào một "bức tranh" độc đáo của sa mạc. Những cây xương rồng cao lớn sừng sững như một hàng gươm tuốt vỏ in hình lên nền trời hoàng hôn màu tím hồng.

Không gian im ắng, hoang vu và ngút ngàn có lúc khiến tôi rùng mình. Nhưng dù thế nào đi nữa thì sở thích phiêu lưu, tìm tòi, khám phá trong tôi không hề suy giảm.

Kỳ quái thật, sao khúc này mùi hương lại biến mất nhỉ? Quyết định quay xe trở lại hướng cũ chạy tiếp tìm khu vực tỏa ra hương thơm.

Tôi có một tật không biết lúc nào gọi là tốt khi nào cho là xấu, đó là đã làm gì là nhất quyết làm đến kỳ cùng.

Đấy, ngay lúc này ai biết sẽ bảo tôi... khùng. Không khùng sao lại cố gắng lặn lội đi tìm hoa vào thời khắc chạng vạng như vầy? Thêm nữa, khi màn đêm buông xuống ở sa mạc những loài động vật ăn thịt bắt đầu chuyển mình sau một ngày dài trú ẩn cái nắng như thiêu như đốt, đêm tối là thời gian đi săn mồi thích hợp nhất đối với chúng và cuộc sống về đêm ở nơi đây mới thực sự bắt đầu khi mặt trời lặn.

Nhưng mà cứ tưởng tượng giữa muôn trùng cát sỏi này mà nhìn thấy được một đóa hoa là tôi sướng run người, xem như một kỳ công. Kỳ công ấy nhất định tôi sẽ đặt tên để đánh dấu rằng tôi là người đầu tiên đã tìm thấy hoa trong sa mạc, kiểu như...Kha Luân Bố đã tìm ra Mỹ Châu hồi thế kỷ 15 vậy! Nghĩ đến đây cảm hứng đi tìm hoa trong đêm đen lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hương thơm chợt xuất hiện trở lại.

Mừng quá, tôi dáo dác ngó nhanh như thể nếu không thì nó sẽ biến mất lần nữa.

Ngộ nhỡ cây hoa thấp bé thì sao nên tôi chăm chú nhìn xuống sát mặt cát, từ gần ra xa, từ bên phải sang bên trái.

Mùi thơm lan rộng thế này chắc phải là hương của cả một vạt hay một dải không ít.

Còn đang lâng lâng tưởng tượng ra cảnh mình bỗng bắt gặp một đóa hoa hình dáng có lẽ sẽ khác thường thì... ”bộp"! Âm thanh ấy quá gần tai nên theo phản xạ tự nhiên tôi nhìn ngay lên kính xe.


4

Chạy được vài dặm tôi bấm nút hạ kính xe xuống một chút để hít thở không khí đêm. Chỉ dám chừa mỗi cửa một khe đủ cho không khí có chỗ vào và thoát ra thông thoáng chứ chẳng dám hở nhiều.

Yên tĩnh tuyệt đối.

Lúc này cái mùi thơm ma mị không biết xuất phát từ đâu lại tung hoành khắp lòng xe. Thứ hương thơm phiền muộn thoang thoảng, dìu dịu làm ngất ngây khứu giác ấy có một sức quyến rũ liêu trai.

Không gian chợt tĩnh lặng quá đỗi.

Không khí lại dường như hơi ngột ngạt chứ không còn dễ chịu nữa. Mà cái hương thơm liêu trai cũng bay đi phương nào rồi nhỉ? Không sao, gió đem nó đi rồi gió lại đem nó đến thôi.

Tôi đang tận hưởng đêm sa mạc. Tôi đang thưởng thức hương đêm sa mạc. Ai biết chừng sau này khi tìm ra hoa, tôi sẽ… viết văn. Viết kể lại đêm sa mạc mà tôi đã trải qua. Chà chà, hấp dẫn lắm đây. Vì nào phải dễ ai cũng được một mình giữa đêm sa mạc như tôi.

Còn đang mơ màng lâng lâng với điều thú vị có một không hai này thì bỗng tôi nghe có tiếng ù.. ù.. ù.. xa xăm…. lớn dần… lớn dần…và tôi mở to mắt nhìn sững trước mặt.

Cách mũi xe khoảng hơn nửa dặm là một “bức tường"!

Lẽ nào …

Những gì tôi tìm hiểu về sa mạc trước khi đi nhận công tác nhanh chóng hiện ra trong trí nhớ khi cái “bức tường" kia đang mỗi lúc một gần về phía tôi hơn.

Dừng xe nhưng không tắt máy và bấm nút quay nhanh kín cửa xe.

Cảm giác bất an vì tôi chỉ đọc các tài liệu nói về “nó” chứ chưa hề đối diện với “nó”. Giờ đây, bỗng dưng có “diễm phúc” mặt đối mặt, tôi mới thấm thía những lý thuyết khi mình xem trong sách vở thấy chẳng có gì nghiêm trọng thật khác xa thực tế.

Giông bão thường di chuyển từ địa hình cao đến sa mạc thấp hơn. Trong quá trình di chuyển ấy nó tiêu hao hết năng lượng. Mưa làm mát không khí thoát ra từ cơn bão, nó gợn sóng trên mặt đất, khuấy động cát và bụi sa mạc. Cát bị dồn nén tạo thành đám mây lớn di chuyển và có xu hướng nhận thêm cát. Ước tính bức tường cát cao hơn 1 dặm và trải dài chừng 150 dặm!

Vâng, “nó" chính là bão cát, là cái “bức tường" di động hướng về phía tôi. Nó đang di chuyển với tốc độ từ 93 đến 125 dặm một giờ.

Có bao giờ tôi ngờ có một ngày tôi sẽ phải hứng chịu thiên tai một mình thế này đâu!

Âm thanh từ muôn triệu hạt bụi hạt cát bay với tốc độ chóng mặt đập vào kính xe rào rào. Giờ thì tôi hết nhìn thấy đường sa mạc. Toàn bộ kính xe mờ câm. Tôi biết “nó" vẫn đang bay là do âm thanh. Áng chừng phải vài tiếng đồng hồ nữa nó mới đi khỏi. Lúc này tôi lại nhớ đến ngài Einstein trả lời dí dỏm khi một sinh viên muốn biết về tính tương đối: Khi anh ngồi cạnh một cô gái đẹp, một giờ chỉ như một phút. Nhưng khi anh ngồi bên cái lò nóng thì một phút sẽ dài như một giờ. Trời, vậy thì tôi sẽ chịu đựng trận bão cát này dài… một tuần sao?! Trong xe chỉ còn một chai nước. Kiểu này chết đói trước khi thấy hoa. À, mà không, không cầu thấy hoa hoét gì nữa. Điều mong mỏi hiện nay là cái đám bụi cát kia chấm dứt càng sớm càng tốt. Tự dưng đang yên đang lành lại nghe lời cái mụ vô hình xúi dại để cho bây giờ chuốc họa vào thân!

6

Nguyễn Văn Thành





&&&



Hổ Trong Ca Dao,

Tục Ngữ

Năm mới Nhâm Dần nhắc người ta về con hổ - một loài thú dữ ở núi rừng - có nhiều tên gọi khác như chúa sơn lâm, ông ba mươi, ông kễnh, ông hùm, ông bị, con khái, con cọp, …


Hổ thuộc loài động vật có vú, ăn thịt sống, tuổi thọ cỡ 20 năm. Đa phần các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn chính của chúng là những động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu,.. ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các động vật to hay bé hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27kg/ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hay 3 ngày.

Loài hổ thường thấy ở nước ta là hổ Đông Dương, tuy nhiên gần ¾ lượng hổ đã bị giết. Năm 2010 số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 300 con.

Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20.

Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5000-7000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

Trong 12 con giáp, hổ là một con vật “tướng mạo" oai hùng đại diện cho sức mạnh, dù được người xưa xếp thứ ba trong 12 cung hoàng đạo (không biết vì sao).

Trong ngôn ngữ văn học nghệ thuật, người ta vẫn dùng đến hình ảnh con hổ. Trong một số lĩnh vực khác như quân sự, kinh tế, văn hóa... người ta cũng sử dụng hình tượng, biểu tượng, biểu trưng, phù hiệu, nhãn hiệu con hổ.

Nhân dịp xuân Nhâm Dần - năm con hổ, xin sưu tầm một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về hổ vẫn thường được lưu truyền trong dân gian.

Người xưa khuyên không nên đi vào chỗ nguy hiểm bằng câu: "Đừng vuốt râu hùm" hoặc "Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu / Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn".

Để chê thói bất công: "Mèo tha miếng thịt thì gào / hùm tha con lợn thì nào thấy ai", chê thói dựa dẫm: "Cáo mượn oai hùm", tính keo kiệt: "Ki ca ki cóp cho cọp nó xơi", lên án thói giả dối: "Bán chó, buôn hùm", phê phán những kẻ chỉ mạnh mồm nhưng nhát gan: "Miệng hùm gan sứa", bài bác tính chủ quan, nối giáo cho giặc: "Thả hồ về rừng", chê bai cử chỉ xấu: "Mặt nhăn như hổ cù", ca ngợi lòng dũng cảm, trí thông minh: "Vào hang bắt cọp", "Điệu hổ ly sơn", cổ vũ tinh thần đoàn kết: "Cọp dữ không chống được sói bầy", khen ngợi sống có tình nghĩa: "Hùm dữ chẳng ăn thịt con", sống có trước có sau: "Hùm chết để da, người chết để tiếng ", biết ân hận với tội lỗi: "Hùm giết người hùm ngủ, người giết người thức năm canh", có cả câu thành ngữ ý ngược lại: "Hùm nằm cho lợn liếm lông".

Ngoài ra một số thành ngữ, tục ngữ gốc Hán - Việt cũng nói về hổ như ca ngợi trí dũng cảm, thông minh: "Bất nhập hổ huyệt yên đắc hổ tử" (không vào hang hổ làm sao bắt được hổ con), sự liều lĩnh: "Bạo hổ bằng hà" (tay không đánh hổ, tay không vượt sông), lòng trắc ẩn, khó lường: "Hoạ hổ họa hình nan họa cốt/Tri nhân tri diện bất tri tâm" (vẽ con hổ thì dễ, vẽ xương hổ mới khó/nhìn thấy người, nhìn thấy mặt nhưng không hiểu được lương tâm người ta), thói cơ hội: "Tọa sơn quan hổ đấu" (Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau chờ cơ trục lợi), nối được chí cha ông: "Hổ phụ sinh hổ tử" (hổ bố đẻ hổ con), tính cách ăn uống của đàn ông và phụ nữ: "Nam thực như hổ, nữ thực như miêu" (đàn ông ăn khỏe như hổ, phụ nữ ăn yếu như mèo).

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã dùng nhiều câu có từ "hùm" như: "Trướng hùm mở giữa trung quân", "Râu hùm, hàm én, mày ngài", "Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn", "Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này", "Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi".

Hổ là loài thú dữ ăn thịt và chẳng bao giờ sống chung được với người nhưng trong đời sống tinh thần của con người nó lại rất gần gũi. Người ta thường sống trong lời ăn tiếng nói của dân gian mượn chuyện con hổ để răn mình và nhắc nhở người.

Ngoài ra người ta kể chuyện, vẽ tranh, tạc tượng về con hổ rất nhiều và khiến cho nó trở thành những nhân vật trung tâm của một số tác phẩm văn học nghệ thuật.



Nguyễn Văn Thành


April 2022






Cung Chúc Tân Xuân

Đêm Giao Thừa


Nga mở tờ giấy ghi các việc cần làm lướt nhìn lần chót trước khi đi ngủ.

Bánh chưng ép xong lớp đem biếu ông bà, lớp tặng bạn bè, phần nhà còn hai cặp.

Giò chả làm sáng sớm nay xếp cạnh bánh.

Gà đặt ở chợ hai con đã lấy về.

Giò thủ mới ép hồi trưa vẫn còn nẹp tre buộc, mai thức sẽ gỡ ra.

Hoa tươi đã cắm vào các lọ đặt lên bàn thờ tổ tiên, còn một lọ chốc cúng giao thừa.

Trái cây cũng đã bày lên, chừa một đĩa nhỏ cúng lát nữa,..

Danh sách dài như một lá sớ, đọc đến dòng nào nàng quay đầu quanh bếp nhìn kiểm tra rồi mới hạ ngón tay xuống dòng kế tiếp. Chỉ kiểm lại mà cũng hoa cả mắt, bước lên gác xem bàn thờ bày biện đủ chưa, chạy ra sân ngó mâm hoa quả sửa soạn cúng giao thừa.

- Yên tâm. Mệt phờ. Thôi xem như hoàn tất.

- Nguyên khấn tạ trời đất rồi bê mâm cúng vào nhà cất, Nga đi một lượt đóng cửa sổ vì gió lùa nhiều quá.

- Tiếng pháo hoa đã im từ lâu, các chúc tụng trên TV đã hết, ca nhạc chào Xuân mới cũng dứt.

- Tất cả những gì Nga chờ đợi bây giờ là lọt thỏm giữa lớp chăn ấm áp và ngủ. Ngủ là việc vui sướng nhất để bắt đầu một năm mới. Ngủ là tiền thân của thức. Ngủ yên rồi thức mới vui được.

- Nguyên với tay tắt đèn rồi trườn vào chăn, dùng mũi vẽ một đường dọc gáy nàng. Tất cả những gì anh chờ đợi bây giờ là thức. Thức là khởi đầu ngọt ngào cho việc ngủ. Tay anh vuốt dọc sống lưng rồi vòng ra trước, lướt trên những vết rạn trên bụng nàng. Tay anh nhắc nàng nhớ ra bọn trẻ con đang ngủ say ở phòng bên cạnh, sẽ thức dậy vào sáng mai và háo hức chờ điều mà ai cũng biết. Nga thì thầm: mình đã để riêng phong bao lì xì cho các con chưa nhỉ.

- Rồi chẳng đợi Nguyên trả lời, nàng trườn ra khỏi chăn, đến chiếc bàn kiểm lại, phần nào mừng tuổi ông bà, phần nào của các con, phần nào cho các cháu và trẻ con hàng xóm. Xong xuôi Nga mới yên tâm chui lại vào chăn.

- Chăn ấm nồng một hơi ấm thân thuộc. Anh ôm lấy mặt nàng thật gần, từ tốn dùng đầu mũi cọ nhè nhẹ như người Eskimo. Hơi thở nàng ấm áp mềm mại. Anh kéo hơi ấm của anh lướt qua má, chạm đến tai nàng, mở môi thì nghe nàng thì thầm: anh, anh ơi… thật dịu dàng rồi đưa môi sát hơn nữa, lại nghe nàng thì thầm tiếp: anh, em vừa nghe tiếng lịch kịch dưới bếp, chắc có chuột, để em xuống cất cái giò thủ.

- Nga lại ra khỏi chăn khi Nguyên chưa kịp nói thêm tiếng nào, khoác thêm chiếc áo. Nguyên nằm quay lưng lại mà cũng thấy được đèn cầu thang hắt vào thứ ánh sáng phá đám, tiếng chân nàng đi nhẹ như mèo, tiếng mở đóng tủ lạnh như trêu ngươi.

- Một hồi sau Nga lên, cho anh hay là con gà cúng anh quên chưa cho vào tủ lạnh nhé, để trên bàn nhỡ chuột ăn mất thì sao.

- Nguyên ậm ừ chỉ mong kéo Nga lại thật nhanh và thật gần. Khi không khí bên ngoài đang lạnh như thế kia, đến cây cối còn tự ủ ấm để mà đâm chồi nảy lộc, thì con người lại càng phải mau mau sưởi cho nhau/

Anh ôm nàng thật chặt và bảo phong bao lì xì đủ hết rồi, gà cất rồi, giò thủ cất rồi, chỉ còn người cần cất vào nhau thôi. Nàng cười nhẹ như hơi thở, rúc vào ngực anh.

- Trong ánh đèn mờ ảo, những nếp nhăn nhè nhẹ trên đuôi mắt không còn nữa, nhưng những vết rạn trên cơ thể người phụ nữ sau khi sinh vẫn thấy rõ trên những đầu ngón tay. Nguyên đã quen với từng vết rạn ấy như quen với từng nốt ruồi trên cơ thể nàng, người ta thậm chí sẽ yêu từng vết sẹo của nhau cơ mà. Hơi thở của nàng gấp gáp, trong khi anh đã biến mất hẳn dưới lớp chăn.

- Tay nàng đưa vào chăn lần tìm đầu anh, kéo lại gần môi, rồi thì thầm vào tai: anh, xuống đậy bánh chưng kẻo chuột nó ra cắn là mai không có bánh cúng đầu năm.

- Nguyên rơi từ lưng chừng núi ngã phịch xuống bãi bùn. Sao không để anh lên tới đỉnh rồi đẩy anh xuống luôn một thể. Nga nhìn anh, khuôn mặt này nàng đã quen từng nét nhăn nhó, từng cái cau mày, nàng ôm thật gần khuôn mặt ấy rồi thầm thì xin lỗi.

- Nguyên uể oải ra khỏi chăn, bật đèn sáng tưng bừng, vùng vằng như một đứa trẻ, bước ra khỏi phòng. Nga với theo khoác lên anh chiếc áo, chẳng nói gì, giờ mà lên tiếng chỉ có cãi nhau.

- Nguyên nện chân như khoan cắt bê tông trên từng bậc thang, lấy chiếc lồng bàn chụp lên mấy cặp bánh. Lên phòng cầm xấp phong bao xuống nhà, đặt trên bàn salon. Rồi anh lại đi lên phòng, trong ánh đèn sáng trưng, hỏi Nga: còn sợ gì, quên gì nữa không, hay thức luôn chuẩn bị cho ngày mai. Chuột, chuột, nhà này lúc nào cũng có chuột, biết rồi mà cứ quên với nhớ. Bước qua năm Tý rồi nhớ không, tha hồ gặp chuột cả năm.

- Nga nhìn những sợi bạc lún phún giữa những sợi đen, khoác tay nhau đứng trên đầu Nguyên, tủm tỉm cười. Người ta lại cứ phải già đi một phần với những lo toan đâu đó, trong khi đứa trẻ con vùng vằng thì ngự mãi trong một phần khác, chẳng chịu lớn lên. Nàng nhoài ra khỏi chăn, tắt bớt đèn, váy ngủ mỏng như cái chớp mắt, run rẩy vì lạnh, kéo anh vào thì thầm: giờ sẽ thức để rồi ngủ cho ngon.

- Hai lông mày của anh vẫn đứng cái cao cái thấp, cách nhau cả mét, môi trên môi dưới mím chặt như đang đấm đá nhau, sưng sỉa cả mặt. Anh nhìn nàng như nhìn bảng thông báo công tác tuần, chăm chú đếm xem còn dòng nào bỏ sót không. Rồi chợt nhận ra sao cái cơ thể bé xíu kia mà phải gánh bao nhiêu lo toan việc nhà thế, anh dịu lại. Hai lông mày sắp thẳng băng, hai bờ môi dịu dàng hướng về phía bảng thông báo công tác.

- Anh nghĩ ánh sáng dễ làm con người ta tỉnh táo hơn, rồi lại nhớ ra những gì nữa không biết, thế nên anh đưa tay tắt nốt cả chiếc đèn ngủ tờ mờ.

- Căn phòng dường như đã hoàn toàn tối, chỉ có ánh đèn đường luồn qua khe cửa chớp vẽ thành những đường vàng ấm chạm vào nhau trên tường nhà. Nhưng không ai còn nhìn thấy gì nữa, vì họ đã hoàn toàn biến mất ở trong chăn.

Nguyễn Văn Thành

JAN 2022