Quang Dương

Học Đạo


Học Đạo

(truyện ngắn)


Thầy Đăng Pháp là một vị sư già, bẳn tính và khá nghiêm nghị. Thầy trụ trì một ngôi chùa nhỏ và xưa trên triền núi, xa dân làng. Trong chùa chỉ có thêm một chú tiểu, chú Hiếu Tịnh, là pháp danh thầy đặt cho chú, chủ ý nhắc nhở chú phải tập bỏ cái tật láu ta láu táu và ham chơi. Một hôm hai thầy trò đang đứng ở sân chùa, thấy hai con chim trống và mái rất đẹp đang ríu rít đùa giỡn trên cành cây trước mặt, rồi lại còn bày trò yến oanh nữa, tiểu Tịnh không kìm được cảm xúc, reo lên:


- Bạch thầy, con chim đang…


Biết trước đệ tử sẽ nói gì, sư Đăng Pháp nghiêm mặt ngắt lời ngay:


- Ái dục là gốc tạo luân hồi nghiệp quả, sinh lão bệnh tử, khổ não triền miên. Con phải biết gạt bỏ khỏi tâm trí những cảnh luyến ái đời thường mới mong chuyên cần tu hành học đạo được. - Nói rồi thầy xua tay áo lam đuổi hai con chim bay đi.


Tiểu Tịnh cụt hứng lặng im.


Lại một lần, để dạy cho đệ tử ý nghĩa của hai chữ “tịnh” và “nhẫn”, sư Đăng Pháp cầm cây nến đang cháy đưa cho chú Hiếu Tịnh bảo cầm thẳng đứng trong tay, không được buông ra và cũng không được thổi tắt, rồi phải đứng yên tập trung tư tưởng trước bàn thờ vị tổ sư pháp môn cho đến khi nào nến cháy hết. Tiểu Tịnh dẫu đã cố gắng nhưng không sao định tâm được, do một phần sáp nến nóng chảy vào tay khiến chú phải xuýt xoa, loay hoay đổi hết tay này qua tay kia, phần lo lúc nến cháy sắp hết sẽ không biết phải làm sao để giữ cho lửa khỏi bén vào tay. Chú cố chịu đựng cho đến khi cây nến cháy chỉ còn đủ để cầm mím bằng hai ngón tay. Không còn giữ được bình tĩnh nữa, chú lo sợ thốt lên:


- Bạch thầy, lửa nến sắp…


Chú vừa nói đến đó thì chợt ngưng lại vì thấy ngọn lửa cũng vừa lụn xuống và tắt nhanh chóng vì đây là loại nến đặc biệt, bấc không dài hết thân nến, nhưng chỉ có sư phụ chú biết điều đó. Chú đang ngơ ngác thì nhà sư bước đến gần cau mày nghiêm nghị:


- Đường tu còn dài, tâm không bình, tánh không nhẫn thì không thành chánh quả đâu. Mới chịu nóng một chút mà đã cuống lên như vậy sao. Các vị cao tăng tiền bối còn để than nóng đỏ trên đầu, trong tay mà vẫn an nhiên tự tại như không. Con phải biết phá chấp, gạt bỏ ngoài tâm trí những vọng động, chuyên chú trì niệm, không để ý đến cảm xúc ngoại vật, thì mới định tâm học đạo đưọc.


Tiểu Tịnh ngán ngẩm đứng yên.


Rồi một hôm trong lúc đang quét lá sân chùa, chợt thấy sư phụ cầm vất con diều giấy và hộp đồ chơi bằng gỗ của mình vào đống lá khô đang cháy ở cuối sân, Chú vội quăng chổi chạy đến hoảng hốt:


- Bạch thầy, đồ chơi của…


Sư phụ chú lạnh lùng không trả lời mà chú cũng không dám nói thêm vì đã có kinh nghiệm hễ nói ra điều gì cũng bị thầy chỉnh sửa. Chú đành đau khổ đứng nhìn những món đồ thân yêu của mình đang bị thiêu thành tro bụi. Sau khi lửa tắt, sư Đăng Pháp mới thuyết giảng:


- Thế gian vạn sự giai không. Con phải biết mọi vật có hiện hữu thì phải có hủy diệt, có sinh thì phải có tử, có đấy mà cũng không đấy, vừa còn đã mất, không có gì là thường hằng vĩnh cửu. Con không nên để tâm quyến luyến bất cứ thứ gì. Ngay cả cái thân xác ta hay cái chùa này cũng sẽ đến lúc bị hủy diệt. Năm hay mười năm nữa thầy trở thành cát bụi thì mấy chục năm sau cái chùa này cũng sẽ là đống tro tàn hay gạch gỗ hoang phế. Phải tập gạt bỏ những vướng bận vật chất vào thân tâm thì mới trì chí học đạo được.


Tiểu ta ấm ức mím môi.


Hôm sau là ngày sư Đăng Pháp phải nhập thất, tọa thiền diện bích liên tục từ sáng đến chiều. Sư là người đã luyện được pháp tham thiền cao siêu, khi đã nhập định thì không còn bị những tác động bên ngoài quấy nhiễu. Trước khi rời chùa, sư dặn dò đệ tử:


- Hôm nay thầy sẽ nhập thiền liên tục cả ngày trong am, con không được đến quấy rầy. Nếu có khách tìm thì bảo là thầy đi vắng nghe chưa. Nhớ nhang đèn tụng kinh niệm Phật, thiền quán, tĩnh tâm như thường lệ và nhớ không được vọng động.


Nói rồi nhà sư đeo túi vải lên vai, cầm tràng hạt bước đi về phía cái am cũ nhỏ được cất lên ở vách núi khuất xa sau chùa, trong am chỉ vừa một người xoay sở.


Chú Hiếu Tịnh nghe lời thầy thi hành bổn phận đầy đủ. Gần giờ Ngọ, chú đói bụng lần xuống bếp nhúm lại lửa nấu cơm ăn. Không có sư phụ canh coi, chú làm một bụng no nê, dẫu cũng chỉ rau cà tương đậu, cho bõ những ngày bị ăn cầm chừng, vì ăn no cũng hại đường tu như lời sư phụ chú răn dạy. Ăn xong ngồi xem kinh một chút lại buồn ngủ, chú đi đóng cửa chùa rồi làm luôn một giấc trên võng. Đang thiu thiu bỗng có mùi khét bay vào mũi, chú mở mắt thì thấy khói đen đã bay khắp phòng. Giật mình choàng dậy, chú hoảng hốt thấy lửa đang bốc lên ngùn ngụt từ cái lò bếp nơi có mấy củ khoai lang chú bỏ vào nướng sau khi nấu cơm mà quên khuấy mất. Ngọn lửa đã bén vào vách gỗ và đang sắp sửa bốc lên đến nóc. Chú cố dùng mọi phương tiện để dập tắt lửa nhưng không xuể vì vách gỗ khô bắt lửa rất nhanh, và vì chú ở vào hoàn cảnh bất ngờ, không dự liệu trước nên không phản ứng có hiệu quả ngay từ đầu. Đám lửa đã sắp lan ra khắp bếp. Nhớ đến sư phụ đang ngồi thiền ở cái am sau chùa, chú vội chạy đến cấp báo, hy vọng thầy sẽ cùng về chữa lửa. Phải băng nhanh qua mấy hàng cây cao rậm rạp mới đến nơi, chú vội đập cửa am gọi lớn:


- Bạch thầy, chùa mình đang…


Chú vừa nói đến đó thì sư Đăng Pháp đã bực mình vì bị quấy rầy trong lúc đang ngồi tham thiền, sắp đến giai đoạn lâng lâng nhập định ngon lành, nên lớn giọng ngắt lời đứa đệ tử có tính lanh chanh, mặt thầy vẫn quay vào vách núi đá:


- Để yên cho ta nhập thiền. Cấm vọng động!


Sợ thầy mắng, chú Hiếu Tịnh không dám nói gì nữa, vội chạy trở về chùa, ra giếng kéo nước cứu hỏa. Nhưng một mình chú làm sao dập được ngọn lửa mỗi lúc một lớn, đang lan ra chính điện. Chẳng mấy chốc tất cả ngôi chùa nhỏ đã bị thiêu thành tro bụi…


Rời đống tro tàn đổ nát sau gần hai giờ đứng ngồi ngơ ngẩn như người mất hồn, chú Hiếu Tịnh mặt mũi lem luốc, ôm bọc quần áo và vài thứ vật dụng của hai thầy trò mà chú còn nhanh tay thu gom được, thất thểu lê bước đến am thiền. Bóng chú in dài xiên trên vách núi trong ánh nắng chiều tà. Lúc đó cũng đã hết giờ nhập định. Sư Đăng Pháp đang trong giai đoạn xả thiền. Chú bước đến cạnh am, ghé mắt vào khe cửa thấy thầy của chú ngồi xếp bằng kiết già, hai tay cử động xoa vào nhau, chú đập cửa nhè nhẹ, giọng nhát gừng:


- Bạch thầy.., chùa mình đã…


Nhà sư vừa đưa tay vuốt mặt thực hiện nốt những động tác xả thiền, mặt vẫn quay vào vách đá, vừa gấm gẳng lên tiếng:


- Chùa mình làm sao? Nên nhớ vạn sự giai không, có hiện hữu…


Không chờ sư phụ nói hết lời, Tiểu Tịnh đẩy nhanh cửa am, ghé đầu vào, miệng tuôn ra một tràng, như muốn trút bỏ những uất ức chất chứa trong lòng bao lâu nay:


- Bạch thầy, con hiểu có hiện hữu thì có hủy diệt nhưng con thiết nghĩ hủy diệt trễ vẫn tốt hơn thưa thầy. Trong lúc thầy nhập thiền, chùa mình không chịu chờ mà đã tự hủy diệt trước mình rồi. Tối nay… mình ở đâu thưa thầy?



Quang Dương

Feb 2022