Quang Dương


Mảnh Đời Ngây Thơ

(Truyện Ngắn)



Mảnh Đời Ngây Thơ

(truyện ngắn)


Để tưởng nhớ về anh Trần Ngọc Toàn với những ngày xưa thân ái



“Tay trắng tay đen,

Tay Ma-Rốc cốc keng

Ăn chè đậu đen nấu đường cát trắng

Bỏ con rắn vô nồi nước sôi”



Ba cái miệng cùng hát bài “Tay trắng tay đen”, đồng điệu với ba bàn tay nhỏ bé, ngửa lên úp xuống nhịp nhàng, cho đến tiếng “sôi” thì ngừng lại. Anh Toàn reo lên:


- A! anh được đi trước nhé.


- Không được, anh Toàn ngừng tay chậm, không công bằng. - Chị Mai phản đối.


- Mai với Quang ra tay đen, anh ra tay trắng cùng một lúc mà. - Anh Toàn chống chế.


- Không đâu, em thấy anh tính ra tay đen mà. - Tôi về phe với chị Mai dù không rõ lắm anh Toàn có ăn gian hay không.


- Thôi được, mình tay trắng tay đen lại nghe. - Anh Toàn đành đề nghị.


- Ừ, làm lại. - Chị Mai và tôi đương nhiên cùng chấp thuận.


Ba cái miệng lại đồng ca bài hát trẻ con vui nhộn, để quyết định xem ai được đi nhất trong ba đứa. Lần này thì không ai bắt bẻ ai được. Người thắng vẫn là anh Toàn. Anh ra tay đen còn chị Mai và tôi ra tay trắng. Anh nói:


- Đó, thấy chưa, trước sau gì thì cũng vậy thôi. Mai và Quang oẳn tù tì đi, xem ai đi nhì.


Hai chị em tôi đành phải chịu, và sau khi “Oẳn tù tì, ra cái gì, ra cái này”, chị Mai được đi nhì, còn tôi tất nhiên đi chót. Anh Toàn nói:


- Cho Quang được đi hai lần như mọi khi nghe.



- Không được. - Chị Mai lắc đầu phản đối. - Một lần rưỡi thôi. Quang nó nhảy lò cò đâu có vụng như giải gianh, banh đũa.

- Em nhảy dở ẹc à. Cho hai lần đi. - Tôi nài nỉ.

- Thôi cho Quang nó đi hai lần đi. Lần trước nó đi hai lần cũng chỉ ngang với Mai thôi.

- Được rồi, cho đi hai lần. Nhưng mà giao hẹn là cấm ăn gian đó nghe. Chạm phấn một tí là phải ra đấy. - Chị Mai chấp nhận nhưng cũng răn đe điều kiện với tôi.


Anh Toàn đứng ở một đầu bàn lò cò, được vẽ bằng phấn trên sân xi măng trước nhà tôi, tay phải cầm hòn chàm, là miếng gạch ngói dẹp bằng ba ngón tay, thảy nhẹ vào ô số 1 ngay dưới chân. Anh co chân trái lên, nhún chân phải, nhảy ngang qua và chạm bàn chân vào ô số 2. Anh nhảy tiếp, hạ hai chân vào ô số 3 và 4 được vẽ nằm ngang. Qua ô số 5, anh lại chỉ cò bằng chân phải và cuối cùng, nhảy vào ô số 6 và 7 cũng vẽ ngang, giống ô số 3 và 4. Khi đang đứng dạng hai chân trong ô số 6 và 7, anh nhảy lên xoay người trở lại, đổi vị trí hai chân, rồi tiếp tục nhảy lò cò qua các ô trở ngược về ô số 2. Tại ô này, anh vẫn đứng một chân, cúi người xuống nhặt hòn chàm trong ô số 1, rồi nhỏm người lên nhảy vào ô này, xong nhảy ra ngoài. Anh đã đi lò cò xong cho ô đầu tiên, và sẽ tiếp tục đợt lò cò cho ô số 2 và các ô còn lại.


Anh Toàn là con út của bác Giao gái. Bác là chị của mẹ tôi. Hôm nay Chủ Nhật, bác ghé thăm bố mẹ tôi và cho anh theo để anh chơi đùa với chúng tôi. Bố anh mất sớm từ ngày chưa di cư vào Nam. Bác Giao ở vậy nuôi các anh chị khôn lớn. Anh có hai anh và hai chị: anh Chung, là anh cả, xong đến chị Duyên, chị kế, rồi đến anh Hoàng, và chị Huyền, rồi đến anh. Anh Toàn hơn tôi hai tuổi và bằng tuổi với chị Mai tôi. Nhà bác Giao ở khu Bàn Cờ, không xa nhà bố mẹ tôi bao nhiêu. Chúng tôi rất thân với nhau vì độ tuổi gần ngang nhau, và vì anh rất hòa đồng với hai chị em tôi. Tính anh nho nhã, nói năng nhỏ nhẹ, có khiếu thẩm mỹ, hát hay, và rất khéo chân khéo tay. Ngoài những trò chơi cho con trai, anh có thể chơi rành rẽ cả những môn chơi dành cho con gái hơn là cho con trai như lò cò, nhảy dây, giải gianh, banh đũa…. Trong khi chị Mai, tuy là con gái, cũng không khéo hơn được anh. Còn tôi thì khỏi cần nói, tôi rất vụng về với những loại trò chơi vốn dành cho con gái đó. Chỉ có nhảy lò cò là tôi còn có thể chơi tàm tạm. Thường khi đến nửa cuộc chơi, phần thắng cuộc đã nghiêng rõ về anh, xong đến chị Mai. Riêng tôi luôn lẹt đẹt về chót, dù trong khi chơi, anh Toàn và chị Mai vẫn có ý nhân nhượng, cho tôi được đi hơn một lần, hoặc làm ngơ để tôi có thể ăn gian chút đỉnh.


Lò cò là món giải trí bình dân nhưng lành mạnh của trẻ con. Nó như một môn thể dục nhẹ, tập luyện sự dẻo dang và khéo léo tay chân. Anh Toàn, chị Mai thường hay rủ tôi chơi lò cò mỗi khi anh theo người lớn đến thăm bố mẹ tôi, hoặc ngược lại, khi chị Mai và tôi được đến thăm nhà bác Giao. Vừa rồi, chúng tôi đã trải qua trò chơi bịt mắt đi tìm hào hứng, và bây giờ đang chơi lò cò để thay đổi không khí.


Trong lúc anh Toàn đang lò cò, chị Mai và tôi vẫn chú ý nhìn từng bước chân của anh để bắt lỗi. Chúng tôi chỉ chờ khi thấy mép chân hay ngón chân anh hơi chạm vào vạch phấn vẽ ô lò cò là sẽ không cho anh đi nữa. Nhưng anh nhảy thật khéo. Cử động thân người nhịp nhàng và thăng bằng. Bàn chân anh ít khi nào lệch qua một bên. Khi anh đi được hết bảy ô lò cò, thì chỉ còn phải làm một động tác nữa trước khi “cất nhà”. Anh thảy hòn chàm quá ra ngoài phía trên hai ô số 6 và số 7 một khoảng trống. Chị Mai đi đến gần hòn chàm nhìn rồi nói:


- Trên, dưới, bằng, ngang, dọc.


Đó là mệnh lệnh của người đang chờ, chưa tới lượt chơi, được quyền ra lệnh cho người đang chơi phải thi hành. Tùy theo vị trí hòn chàm nằm ở đâu so với vạch phấn của ô trên cùng mà đưa mệnh lệnh. Mệnh lệnh của chị Mai đưa ra là đòi hỏi khó nhất, bắt người chủ hòn chàm phải thực hiện đến năm động tác nhảy quanh hòn chàm, mà không được chạm chân vào vạch phấn hay hòn chàm. Anh Toàn nghe chị Mai nói xong liền co chân nhảy ngay. Từ ô số 1 anh nhảy cò nhanh đến ô số 6 và 7 xong anh búng hai chân nhảy vượt qua hòn chàm. Vừa hạ chân xuống, anh nhảy lui về đằng sau, nhảy ngang và sau hết, anh nhảy bắt chéo hình chữ thập hai lần hai bên hòn chàm. Nhờ khéo tay thảy hòn chàm rơi xuống ở điểm thuận lợi, anh đã thi hành điều đòi hỏi một cách ngon lành. Bây giờ đến lúc anh “cất nhà”. Anh đứng xoay người lại rồi tung hòn chàm qua khỏi đầu. Anh không gặp may, hòn chàm không rơi hẳn vào ô nào mà nằm giữa đường vạch phấn của hai ô. Như vậy anh phải tạm đứng chơi bên ngoài, chờ chị Mai và tôi đi xong rồi mới được “cất nhà” lại. Chị Mai cầm hòn chàm của chị và chuẩn bị thảy vào ô số 1.


Chị Mai tuy là con gái nhưng tính tình và cử chỉ lại như con trai. Người chị lúc nào cũng gầy như que củi, vậy mà mấy đứa bạn trai gái hàng xóm không đứa nào dám trêu chọc chị. Có lần thằng Tí con bà Năm, một đứa tiếng là hay nghịch ngợm phá phách, không biết vô tình hay cố ý, đá trái banh nhựa lăn trúng ngay chân chị, lúc chị đang chơi nhảy dây, làm chị nhảy sai nhịp phải ra ngoài. Chị đã nổi giận, xắn quần xắn áo, cãi nhau với nó một trận, cho đến lúc người lớn phải ra can. Mẹ tôi thường nói: “Con này lớn lên đi đánh giặc được”. Và mẹ cắt tóc cho chị theo kiểu “đờ-mi gạc-sông”, làm chị trông càng giống con trai hơn.


Nhìn chị Mai nhảy, tôi biết tôi không phải chờ lâu mới đến lượt so với những lần tôi phải đi sau anh Toàn. Không phải vì chị nhảy dở, mà vì một phần chị không chịu để ý lắm đến những điều lệ nhỏ nhặt của môn chơi, và cũng vì phần khác, không nỡ để tôi phải đợi lâu hơn, khi chị đã đạt đến một điểm mức kha khá trong lần nhảy của chị. Tuy vậy, tôi vẫn chú ý theo dõi chị để bắt lỗi. Chị Mai đã lò cò xong năm ô và đang đứng thảy hòn chàm vào ô thứ sáu. Khi tay chị vừa vung ra thì anh Toàn kêu lên:


- Mai bị rồi, chân chạm phấn kìa.


Chị Mai và tôi cùng nhìn xuống, thì ra lúc đứng ở đầu bàn lò cò, chị không để ý, hai ngón chân trỏ và ngón giữa bên phải của chị đã lấn vào vạch phấn vẽ ô số 1. Chính tôi dù đang để ý những cử động của chị, cũng không kịp nhận ra lỗi đó. Biết là đã phạm luật chơi nhưng chị vẫn cãi trong lúc kéo rụt bàn chân về phía sau:


- Đâu có!

- Rõ ràng Mai chạm phấn rồi. Có Quang làm chứng nhé. - Anh Toàn không chịu tha.


Vì cũng đang nóng lòng đợi đến phiên mình nên tôi được dịp về phe với anh Toàn:


- Đúng rồi! chị Mai chỉ mới rụt chân lại thôi. Lúc nãy, ngón chân chị chạm phấn rồi.


Biết không cãi lại hai cái miệng, chị chấp nhận nhường cho tôi đi. Chị đặt hòn chàm của chị vào ô số 6 rồi ra ngoài đứng.


Tôi thảy hòn chàm vào ô số 1 và bắt đầu nhún chân phải, lóng nga lóng ngóng nhảy. Đã bảo tôi là thằng con trai nhảy lò cò thuộc loại dở mà. Chị Mai lúc nãy bảo là tôi nhảy không vụng như chơi giải gianh, banh đũa là vì chị không muốn cho tôi được đi hai lần như anh Toàn đề nghị, sợ tôi có thể lấn lướt hơn chị thôi. Bảo tôi bắn bi, đánh đáo, tạt lon, đá bóng thì tôi chắc chắn chơi hay hơn chị và một số bạn trong xóm, chứ nhảy lò cò thì tôi thua xa anh Toàn với chị. Đứng một chân, tôi còn nghiêng ngả như người say rượu, nói gì đến chuyện phải vừa cò một chân, cúi xuống, nhặt hòn chàm nữa. Vì thế, trong lúc tôi đang nhảy, anh Toàn không để ý gì mấy. Chỉ có chị Mai theo dõi nhìn theo những động tác loi choi của tôi, thỉnh thoảng nói vài câu bâng quơ với anh. Tôi hiểu cả hai anh chị đều biết là thế nào chỉ một hai phút thôi là tôi cũng phạm lỗi.

Mà có khi lỗi rất nặng, rõ rành rành ra đó, không cãi vào đâu được. Quả

nhiên y như rằng. Khi cúi xuống, cố với tay nhặt hòn chàm, nằm sát vạch vôi phía xa của ô số 3, trong lúc cò một chân ở ô số 4, ngón chân tôi đã đạp lấn vào vạch phấn vẽ đến nửa đốt, và không những thế, vì mất thăng bằng, tôi còn ngã lăn chiêng ra, quần áo dính đầy bụi phấn và bụi đất. Anh Toàn chỉ nhún vai nhoẻn miệng, còn chị Mai không nén được tiếng cười khanh khách. Anh lấy phấn vẽ lại những chỗ bị mờ rồi cầm hòn chàm của tôi đặt vào giữa ô số 4. Anh đã giúp ăn gian hộ tôi một ô cò, trong khi tôi lo phủi bụi trên người đằng trước, chị Mai giúp phủi cho tôi đằng sau. Tôi được đi tiếp thêm một lần nữa như đã thoả thuận. Đang sắp sửa cúi xuống nhặt hòn chàm ở ô số 4 trên đường nhảy cò về, thì bỗng chị Mai kêu to:


- Ơ, không được! Quang chưa đi hết ô số 3 mà. Phải đi lại ô số 3 đã chứ.


Tôi không nghe lời chị, cứ tiếp tục nhặt hòn chàm rồi cò ra ngoài.


- Không được, em phải đi lại ô số 3. - Chị Mai chưa chịu tha, chị hơi to tiếng.


Tiếc công đã cò xong ô số 4, tôi cãi chày cãi cối, tin rằng sẽ có anh Toàn về phe tôi:


- Em bị ngã ở ngay ô số 3 trên đường về thì coi như đã cò xong ô số 3 rồi. Với lại em được đi thêm một lần thì phải được bỏ qua lỗi ở lần trước, giống như thảy chàm không trúng ô, thì trước khi ra, được đặt hòn chàm vào ô đó vậy. Tại chị không bắt lỗi ngay thì chị phải chịu.


PART 2


Chị Mai chưa kịp nói gì thì anh Toàn đã lên tiếng ngay:


- Thôi, cứ cho Quang nó đi tiếp đi. Mai nhảy hay hơn Quang mà.


- Ừ.., thì đi tiếp đi. Cấm ăn gian nữa đó nghe. - Chị Mai ngúng nguẩy đưa ngón tay trỏ lên dứ dứ về phía tôi kèm với lời cảnh cáo.


Tôi hí hửng đứng thảy hòn chàm vào ô số 5. Xui cho tôi, hòn chàm đi hơi quá. Nó không rơi vào trong ô mà trượt ra ngoài vạch phấn trên. Chị Mai khoái chí ra mặt, reo lên ngay:


- Thấy chưa! Ăn gian nó giàn ra đấy, biết ngay mà.


Tôi tiu nghỉu, nhặt hòn chàm đặt vào ô số 5 rồi ra ngoài đứng. Cuộc chơi lại tiếp tục đến phiên anh Toàn. Anh cất được nhà ở ô số 2 và dần về sau, ô số 4, trong lúc chị Mai cất được nhà ở ô số 5 và sắp cất thêm nhà thứ nhì, còn tôi thì vẫn “vô gia cư”, vì cất mãi mà hòn chàm cứ rơi ra ngoài hoặc rơi đúng vào nhà của người khác. Khi tôi đã có vẻ chán trò chơi vì càng về sau, khi đã có nhà được cất lên của người khác, nhảy cò càng khó hơn nhiều, thì cũng vừa lúc có tiếng gọi của mẹ tôi:


- Toàn, Mai, Quang, vào rửa chân tay mặt mũi, ăn chè này.


Tôi vội quăng ngay hòn chàm, chạy vào nhà. Chị Mai gượm lại chưa vào ngay, trong lúc anh Toàn còn đang cò những ô còn lại.


Vào trong nhà, tôi thấy bác Giao và mẹ cùng cô Hồng đang ngồi trên “đi-văng” nói chuyện, tay mỗi người cầm một bát chè đậu đen và cái thìa nhôm. Mẹ tôi nói:


- Con đi rửa tay chân mặt mũi rồi lấy một bát trên bàn mà ăn. Nguội rồi đấy. Bảo anh Toàn với chị Mai nữa.


Tôi ngóng ra sân gọi to một lần cho anh Toàn và chị Mai hay, rồi đi ngay lại cái bàn gỗ tròn gần đó, là nơi cả nhà vẫn ăn cơm trưa và tối, lấy một bát chè với cái thìa. Tôi vừa dợm bước đi thì mẹ tôi đã gọi giật lại:


- Này! mẹ đã bảo phải rửa tay trước khi ăn mà sao không nghe. Muốn bị ốm rồi đi ông Đức tiêm thuốc hả?


Chị Mai và anh Toàn vừa vào tới, thấy tôi chạy ra sàn nước cũng ra theo. Tôi rửa ráy qua loa cho có lệ rồi chạy ngay vào cầm một bát chè, được múc đầy hơn những bát khác, với cái thìa. Tôi nghe tiếng bác Giao:


- Cháu Quang nó chóng nhớn nhỉ. Mới ngày nào mà bây giờ đã cao gần bằng thằng Toàn rồi.

-Thằng này nó dễ ăn chị ạ, cứ cơm trộn chảo một bát to đầy là xong. Chỉ cái ham chơi với ở bẩn lắm, thỉnh thoảng lại giở sốt ra phải lôi đi khám bệnh. -Tiếng mẹ tôi nói về tôi.

- Ấy! Nó thế mà được việc lắm. Không có nó thì không biết nhờ ai. - Cô Hồng vừa đặt bát chè đã ăn xong xuống mặt “đi-văng” vừa góp ý.


Cô Hồng là em kế của mẹ tôi. Cô không lập gia đình, người gầy xương, nay đau mai ốm. Cô ăn kiêng, tu tại gia, và ở chung nhà với bố mẹ tôi. Tuy là em của mẹ nhưng chúng tôi không gọi là dì mà gọi là cô. Bà Ngoại tôi sinh ra năm người con gái, không có con trai. Chỉ có bác Chánh Hội ở lại ngoài Bắc. Bốn người di cư vào Nam năm 54 là bác Thi, bác Giao, mẹ tôi và cô Hồng. Bác Thi nhà ở tận Phú Nhuận, tôi ít được đến thăm. Các anh chị con của bác đều đã lớn, thỉnh thoảng có đến chơi thì hay nói chuyện với bố mẹ tôi, cô Hồng hoặc chị Vân, anh Minh, là chị cả và anh hai thôi, ít khi nào nói đến chị Mai và tôi.


Nghe mẹ tôi và cô Hồng nói, tôi thấy ngượng, vội giục anh Toàn và chị Mai đem bát chè ra ngoài chái nhà, chỗ giàn hoa thiên lý ngồi ăn. Tiếng ba người lớn nói chuyện còn vang vọng nhưng tôi không nghe rõ, loáng thoáng hình như cũng là chuyện về ba đứa chúng tôi.


Nhà tôi có giàn hoa thiên lý ở chái nhà vừa để có bóng mát, vừa để lấy hoa và lá nấu canh ăn thay rau. Đến mùa ra hoa nhiều, mùi hương tỏa ra thơm khắp nhà. Dưới giàn thiên lý, có để một băng ghế gỗ. Anh Toàn ngồi một đầu, chị Mai ngồi đầu kia, còn tôi ngồi giữa. Cả ba cái miệng cùng xùy xụp, vừa múc vừa húp, những thìa nước và hạt đậu đen óng, thơm tho và ngọt lịm.


- Đã thật. Chơi lò cò xong, mệt mà được ăn chè đậu đen đường cát thế này thì nhất rồi. - Anh Toàn nói, sau khi vừa nuốt xong một ngụm to cuối cùng.

- Anh Toàn, ăn xong mình chơi làm nhà rồi bán đồ hàng đi. - Tôi nhìn anh gợi ý khi cũng vừa húp xong bát chè trên tay.

- Chơi bán đồ hàng thì được, nhưng làm nhà không được đâu. Lần trước chơi làm gẫy hai cái chiếu rồi, bị mẹ với cô Hồng mắng không sợ sao? - Anh Toàn lắc đầu nhắc tôi.

- Chơi bán đồ hàng mà không có nhà không thích. Hay là mình chơi nhảy dây. - Chị Mai quay sang đề nghị.


- Thôi, em không chơi nhảy dây đâu. Em nhảy dở lắm. Phải quay dây hoài. - Tôi phản đối vì đã có kinh nghiệm đứng quay dây mỏi cả tay cho người khác nhảy mà mình thì mới vào lọng cọng, cà tưng, cà tưng vài lần đã đạp lên cả dây, dù được cho đứng sẵn ở vị trí nhảy, chứ không phải chạy vào lúc dây đang quay.


- Hay là chơi banh đũa. - Chị Mai lại đề nghị.

-Banh đũa cũng không được. Chị với anh Toàn chơi giỏi hơn em nhiều. - Tôi vẫn không chấp nhận, mặt phụng phịu.

- Cái gì cũng không chịu. Vậy thích chơi cái gì. - Chị Mai hơi to tiếng.

- Em thích chơi bắn bi. Anh Toàn chơi bắn bi nhe. - Tôi trả lời chị dù biết thế nào chị cũng phản đối.

- Bắn bi thì anh Toàn với Quang chơi đi, chị không chơi. Chị không biết bắn bi. - Chị Mai ngúng ngoẳng nói.

- Tại chị không chịu tập. Em chỉ chị hoài mà mới bắn được vài lần chị đã nản rồi.


- Chỉ gì sao bắn mãi không trúng. Bắn gì phải dùng hai tay khó quá à.

- Tại chị chưa quen. Phải tập cho nhiều vào. Bắn hai tay theo kiểu người Nam nó mới mạnh. Chị biết chị Hường nhà thằng Hưng, chị ấy bắn bi giỏi lắm. Tụi em chơi bắn bi với chị ấy, bị chị ấy “hầm” hoài chứ đâu.

- Ai bì được với nó. Thôi, đã nói rồi, không bắn bi là không bắn bi.

- Thôi, hay là mình tạm chơi “Xỉa cá mè đè cá chép” đi đã. - Anh Toàn vội xua tay giảng hoà.

- Ừ, chơi “Xỉa cá mè đè cá chép”. - Cả chị Mai và tôi cùng đồng ý.


Anh Toàn bảo chị Mai và tôi đặt bát, thìa đã ăn xong sang một bên rồi nói:


- Ngồi lại đàng hoàng nghe. Xếp chân cho đều.


Anh bắt đầu vừa đọc to chữ đầu tiên trong bài vè “Xỉa cá mè đè cá chép”, vừa dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải chấm vào đầu gối ngoài cùng của mình, rồi cứ đọc mỗi chữ trong bài, ngón tay anh lại nhảy sang chấm vào đầu gối bên cạnh, khi đến cái đầu gối cuối cùng là đầu gối bên phải của chị Mai, thì chấm giật lùi trở lại:


“Xỉa cá mè, đè cá chép,

Chân anh nào đẹp thì đi buôn men

Chân anh nào đen, thì ở nhà làm chó, làm mèo.”



Trong trò chơi này, khi chân người nào bị chấm và đọc trùng với chữ “chó” hay “mèo” là phải làm dấu bằng cách duỗi thẳng ra, để người đọc vè không cần phải chấm ngón tay vào nữa. Sau khi đọc hết một bài, thì đã biết chân ai phải “làm chó” và “làm mèo”. Người có nhiệm vụ đọc sẽ tiếp tục đọc lại bài vè và chấm đầu gối những cái chân còn lại cho đến khi chỉ còn một cái chân cuối cùng không phải làm chó hoặc mèo. Người có cái chân đó là người thắng cuộc, tức là được “làm người”. Nếu đã chơi quen, nhất là khi chỉ còn vài cái đầu gối, ai tinh ý sẽ biết trước chân người nào bị chấm “làm chó”, “làm mèo” và ai được “làm người”, vì bài vè và cách chạm tay không thay đổi. Trò chơi này sẽ được lâu và vui hơn nếu có nhiều người chơi. Nhưng tạm thời, để giải quyết sự bất đồng ý kiến của chị em tôi trong việc chọn một trò chơi chung, anh Toàn đã dùng nó để kéo dài thời gian suy nghĩ.



Chị Mai và tôi hồi hộp, thích thú theo dõi ngón tay anh Toàn lên xuống nhịp nhàng di chuyển qua từng cái đầu gối. Sau khi đọc và chấm tay vào sáu đầu gối hết ba bài vè, không biết anh Toàn có chủ ý để cho tôi thắng hay không, mà cuối cùng, tôi là người có cái đầu gối “sạch sẽ” nhất, tức là được “làm người”. Tôi reo lên:


- A, em thắng rồi nha. Hoan hô! Anh Toàn phải kêu vừa “gâu gâu” vừa “meo meo”, còn chị Mai phải kêu “meo meo”


Quang Dương

May 2022