Nỗi Buồn Sánh Bước Tự Do

nghìn trùng xa ...

nghìn trùng xa ...

giờ đây non nước sơn hà còn đâu ?

phong sương điểm bạc mái đầu

nghĩ về cố quốc lòng sầu chứa chan ...

mưa thu rơi,

giọt rượu tràn ...

mạch sầu cuồn cuộn ...

ngút ngàn nhớ thương !!!

Đã ba mươi tám năm qua rồi mà nỗi nhớ nhà, nỗi đau cho quê hương vẫn còn canh cánh trong lòng, vẫn âm ỉ, dằn vật tâm tư, nhất là vào dịp cuối năm khi mà những cơn gió heo may lành lạnh theo mùa thu trở về để thêm một chút buồn vào nỗi sầu viễn xứ.

Còn gì chán nản hơn cuộc sống đời lưu vong tỵ nạn, ngày hai buổi đi về, nhìn tuổi trẻ, mộng ước, hoài bão đã ôm ấp một thời như chiếc lá cuối thu, mỗi ngày mỗi úa tàn theo thời gian, theo mái tóc phai màu vì tuổi đời chồng chất chỉ chờ cơn gió mà rụng rơi. Lời thề ngày xưa còn vang vọng đâu đây mà đành lỗi hẹn, phó mặc cho nổi trôi đắm chìm theo vận nước.

Tôi may mắn không vướng thân tù tội nhưng đau xé lòng khi nghĩ đến bè bạn bị cùm gông, bị hành hạ, đày ải chết dần chết mòn nơi rừng thiêng nước độc bởi bọn người không còn nhân tánh, toan tính chuyện trả thù ngay cả với những người anh em cùng chung một tiếng nói, một màu da.

Hòa mình theo giòng người muốn trốn chạy khỏi cái "thiên đường cộng sản", một ngày gần cuối năm tôi đã xuống Rạch Giá để đi vượt biển cùng gia đình một người bạn.

Vì phía sau nhà là một con sông nên ghe đã được đậu sẵn ở đó, tuy vậy, chúng tôi cũng phải chờ đến đêm tối mới lần lượt lén lút xuống tàu.

Chiếc ghe nhỏ mong manh dùng để đi trong sông lạch giờ phải quăng mình ra đại dương đương đầu cùng với gió to sóng dữ để đưa chúng tôi đến bến bờ tự do.

Vì muốn tránh nạn cướp biển trên đường trốn chạy nên chúng tôi đã thảo luận và quyết định đi dọc theo bờ biển "vịnh Thái Lan", chiếc ghe của chúng tôi, có lẽ, cách đất liền không xa lắm vì về đêm thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy ánh sáng đèn của mấy thành phố nẳm ven biển.

Chúng tôi đi như trong gia đình nên trên ghe chỉ có khoảng độ hai mươi người. Trừ vài người có nhiệm vụ lèo lái con tàu tới lui đã quen mặt được ở trên "boong", tất cả chúng tôi đều bị nén dưới khoang tàu, bên trên thì ngụy trang nước đá như thể để dành ướp cá, mãi cho đến khi ra khỏi vùng biển Việt Nam, chúng tôi mới được lên trên để hít thở cái không khí mang mùi biển mặn.

Có lẽ chúng tôi được thần May Mắn phù trợ nên chỉ gặp vài trục trặc nho nhỏ, vì thế, vào khoảng chiều ngày thứ tư chúng tôi gặp nhiều ghe tàu đánh cá, hỏi thăm mới biết là đang đi ngang vùng biển Thái Lan. Ở đây có trại tỵ nạn Songkla. Lại nghe nói các phái đoàn Cao Ủy tỵ nạn không thường xuyên đến các trại này nên những hồ sơ đi định cư phải chờ đợi rất lâu.

Vì vậy, chúng tôi quyết định tiếp tục hành trình đi thẳng đến Mã Lai, có lúc cái hải trục trặc nên ghe chúng tôi bị nghịch hướng, một lần khác thì lại đánh một vòng cái đảo hoang nên phải mất nhiều tiếng đồng hồ để quay trở lại.

Sau cùng, nhờ một tàu đánh cá chỉ hướng đảo Pulau Bidong mà khoảng chiều ngày thứ năm, từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy hòn đảo hình chóp nón mơ ước của những chiếc ghe thuyền vượt biển.

Chiều dần dần tối thì hòn đảo chỉ còn là một vùng ánh sáng mờ xa phía chân trời, chúng tôi cứ nhắm theo hướng đó mà đi. Vài giờ sau thì hòn đảo và những ánh đèn hiện rõ ra trước cặp mắt vui mừng của tất cả mọi người. Nhưng bất ngờ mưa gió ập xuống, chiếc ghe nhỏ tròng-trành chao đảo, trồi lên hụp xuống theo những con sóng hung hãn và bị kéo dạt trở ra. May nhờ người tài công giỏi tính toán, vững tay lèo lái nên đến quá nửa đêm chiếc ghe cũng cặp được vào cây cầu của đảo dưới sự hướng dẫn của mấy người lính Mã Lai.

Sau này tôi mới biết đó là cây cầu Jetty, cây cầu duy nhất ở Pulau Bidong tiếp nhận và tiễn đưa những người tỵ nạn đi tìm đất sống.

Theo đoàn người lếch thếch, tôi đặt chân lên cây cầu hy vọng, bắt đầu cho một cuộc đời lưu vong biệt xứ ...

Tự Do đổi bằng sầu viễn xứ

Trời vào đông, người lữ thứ về đâu ?

Thời gian nhuộm bạc mái đầu

Mà hờn vong quốc vẫn hằn sâu vơi đầy !

datu-tieuvuparis

tháng mười, 2013