Quang Dương

Dưới Giàn Thiên Lý

Dưới Giàn Thiên Lý

“Huấn ơi! Huấn! về mẹ bảo.”

Tiếng của chị Trang gọi vọng đến từ phía cửa sau nhà làm tôi hơi giật mình. Tôi không trả lời chị, vẫn chăm chú đưa mấy ngón tay phải đang cầm hòn bi có vân quả khế màu vàng cam, áp lên đầu ngón tay giữa của bàn tay trái, ngón cái tì xuống mặt đất, cúi đầu nhắm. Tôi bật mạnh ngón tay giữa, bắn hòn bi bay ra trúng phóc ngay đầu viên bi ve của thằng Hùng, được nó đặt nấp trong gờ đá cách cái “lò” khoảng hơn ba gang tay. Tôi hể hả bưóc đến nhặt viên bi của mình lăn ra gần đó, trong khi thằng Hùng đau khổ chạy theo viên bi ve, vừa bị bắn văng ra ba bốn bước chân, gần lọt vào rãnh cống thoát nước bên cạnh vách tường giậu. Tôi và nó đang chơi bắn bi ngoài đường hẻm và nó đang bị “hầm”.


- Huấn! về ngay. Mẹ đang chờ. - Tiếng chị Trang lại vọng đến, to và gắt hơn.


- Chị mày gọi kìa, thôi về đi. - Thằng Hùng láu lỉnh dụ khị tôi. Nó còn chần chừ chưa chịu tìm chỗ nấp cho viên bi của nó. Tôi khoác tay ra hiệu bất cần:

- Kệ, mày cứ lo thân mày đi.


Tôi đang được sung sướng ngự tọa canh cái “lò” - là một chỗ đất lõm xuống được đào bằng cách lấy đồng năm cắc ngoáy tới ngoáy lui vài lần - và bắn viên bi của Hùng, thằng bạn cùng xóm, trong khi nó phải tìm cách đưa hòn bi thoát khỏi tầm bắn của tôi, để về được lò. Điều này không phải là dễ cho nó, vì tuy Hùng là thằng chơi bắn bi khá, nhưng tôi cũng đâu phải là đứa mà nó có thể coi thường. Hai đứa tôi có tiếng là bắn bi giỏi trong xóm, bi nằm xa cả ba bốn bước chân vẫn có thể bắn trúng. Vừa rồi, tôi đã phải vất vả mới hạ được nó sau nhiều phút vờn nhau, tính toán. Nhờ một sự sơ ý của nó, và cũng là may mắn cho tôi, hòn bi của nó đã bị vướng vào một mô gạch nhỏ ngay chỗ viên bi của tôi đang nấp, khi nó quyết định bắn viên bi của tôi mà không trúng. Viên bi của nó lăn ra một bên, chỉ cách viên bi của tôi có hơn ba gang tay.


Từ đó, tôi đã dễ dàng thực hiện thủ thuật “bung xoáy”, vừa bắn trúng bi nó ba lần liên tiếp vừa dồn cả hai hòn bi về gần “lò”. Cuối cùng, tôi chỉ cần đưa nhẹ viên bi của tôi vào “lò” ngay đó, và gang tay ra, bắn viên bi của nó một phát thật mạnh là nó đã bị “hầm”. Tôi mới “hầm” nó không bao lâu. Tôi còn luyến tiếc chưa muốn chạy về nhà ngay xem mẹ tôi gọi chuyện gì. Mẹ mà gọi giờ này thì chỉ có sai vặt, đi mua cái gì ngoài chợ hay ở tiệm tạp hoá gần nhà thôi. Về trễ một tí cũng không sao. Bố gọi mới lo. Bây giờ mà bỏ về thì thằng Hùng sẽ có lý do xí xóa hình phạt của nó. Nhưng tôi chưa kịp bắn viên bi của nó thêm một phát nào nữa, thì chị Trang đã đứng ngay cạnh lúc nào. Chị chống nạnh nạt to:


- Này! gọi rát cả cổ họng sao không về?

- Chị về trước đi, em về. -Tôi dùng dằng.

- Không! mẹ bảo về ngay. Chơi gì chơi lắm thế.

- Em mới chơi đây mà, còn đang “hầm” thằng Hùng. Để “hầm” nó xong đã. - Tuy đã rong chơi ngoài đường hẻm sau nhà có đến hai giờ đồng hồ nhưng tôi cũng nói láo hy vọng chị buông tha.

- Mới cái gì, chơi từ sáng đến giờ mà còn chưa chán hả. Về ngay không mẹ cho ăn roi mây bây giờ.


Chị Trang là chị kế, chỉ hơn tôi có hai tuổi và không cao hơn tôi bao nhiêu. Tuy người chị gầy và hay ốm đau nhưng tính chị lại nóng nẩy, cứng cỏi và bướng bỉnh như con trai. Khi chị đã phải đích thân ra tận nơi để bắt tôi về, thì chắc mẹ tôi có chuyện gì quan trọng lắm mới phải bảo chị như thế. Tôi đành tiếc rẻ nhặt hòn bi, nhét vào túi quần soọc rồi theo chị đi về, không quên quay đầu nói với thằng Hùng: “Tha cho mày đấy. Không có chị tao thì mày còn bị hầm dài dài.” Tôi quay đi, thằng Hùng còn nói với theo: “Mày về xong việc thì ra liền nghe. Tao qua nhà thằng Hưng đó.”


Về đến nhà đã thấy mẹ đứng ở sân sau, đang chăm chú nhìn một cái gói gì đấy bọc ny-lông bên ngoài, đặt trên mặt xi-măng của bể nước, trông bè bè mà có một hai sợi dây màu nâu đen chạy lằng ngoằng ở trên. Thấy tôi, mẹ ngước lên, nghiêm nét mặt:

- Sao mẹ bảo chị Trang gọi mãi mà không về? Đi chơi mất mặt từ sáng đến giờ. Lần sau là cho roi mây nghe chưa. Gớm, chân tay, đất với cát kìa. Bây giờ ra chái nhà phụ với mẹ.


Không biết mẹ tôi bắt tôi làm chuyện gì, nhưng không thấy mẹ rút roi mây là tôi yên chí rồi. Thật ra, mẹ tôi tuy nóng tính, hay la mắng, và hễ một tí là đem cái roi mây ra đe nẹt, nhưng mẹ cũng mau hạ hỏa. Nếu có đánh thì thường chỉ vút cho một hai cái rồi thôi. Trong nhà, không kể Duy là em trai tôi, thua tôi chín tuổi, mới sanh được bốn tháng, chỉ có tôi và chị Hạnh, chị cả, lớn hơn tôi mười tuổi, hồi chị chưa lấy chồng ra ở riêng, là ít khi nào bị mẹ đánh đòn. Chị Hạnh ít hay không bị đòn thì cũng đúng, vì chị là con cả, lại đã lớn. Riêng anh Huy, là anh hai, hơn tôi sáu tuổi, và chị Trang là hay bị đòn.


Anh Huy thì rất thông minh, học giỏi, khéo tay khéo chân, hay bày ra nhiều trò chơi vui và thích trêu đùa, chọc ghẹo mọi người. Anh cũng rất láu lỉnh, hay đi chơi với bạn và ít để ý đến lời mẹ dặn. Mẹ sai hay nhờ gì thì anh chỉ làm những việc anh thích thôi, còn những gì không thích, anh làm nửa chừng, hay tìm cách tránh né, hoặc cứ lờ đi không làm. Thời gian vài năm trước là thời kỳ anh hay bị đòn nhất. Tôi nhớ có những lần tức quá, mẹ không nói không rằng, anh vừa đi đâu về mẹ đã cầm sẵn roi mây vút cho mấy cái trước rồi mới hỏi tội. Bị đòn vậy mà anh không sợ, không khóc.

Mẹ mắng mãi rồi cũng chán cho đến bây giờ anh đã lớn, mẹ thôi không dùng đòn vọt nữa. Mẹ than với bố: “Con với cái gì nói không nghe, đánh cũng không chừa. Mà đánh nó, nó không đau, lại còn giựt mất cả roi nữa. Chỉ tổ đau tay mình.” Bố tôi an ủi mẹ: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nó lớn rồi. Cái nết như vậy không thay đổi được đâu. Được cái nó thông minh, học giỏi cũng đỡ lo. Sau này ra đời tất sẽ tự thay đổi.”


Phần chị Trang thì chỉ vì tính tình bướng bỉnh như con trai, hay cãi lại, làm mẹ bực mình mà cho chị ăn đòn. Mỗi khi chị bị đánh, cô An lại can thì mẹ bảo: “Con gái con đứa gì mà bướng với lì hơn con trai. Nói không bao giờ chịu nghe lời.” Mẹ giận thì nói vậy có phần oan cho chị, vì không phải lúc nào chị cũng không nghe lời. Chị chỉ không thích bị uốn nắn theo kiểu “tứ đức” cổ xưa: công dung ngôn hạnh, mà mẹ với cô An chăm chú huấn luyện cho chị. Cô An là em của mẹ, thua mẹ mấy tuổi. Anh chị em chúng tôi quen gọi bằng cô theo kiểu người Bắc chứ không gọi bằng dì như ở trong Nam.


Cô theo bố mẹ di cư và ở chung luôn trong nhà. Người cô gầy xương và hay ốm đau bệnh tật, ăn uống thì kiêng khem đủ thứ, giống như người ăn chay. Có lẽ vì vậy nên cô không lập gia đình. Nhờ có cô can, những trận đòn của anh chị em chúng tôi đôi lúc được hoãn lại rồi quên hoặc chấm dứt nhanh chóng hơn.

Tôi theo mẹ ra chỗ chái nhà, tâm trí còn để cả vào mấy viên bi có vân trái khế xanh đỏ vàng đủ màu đang nằm trong túi quần soọc.


Nhà tôi có một dải đất rộng chừng bốn bước chân, chạy dọc theo tường nhà và hàng rào ngăn chia với nhà cụ Tấn hàng xóm gọi là cái chái nhà. Nếu đứng từ sân trước nhìn vào, cái chái nằm ở bên phải và thông từ đằng trước ra đằng sau nhà. Ở khoảng tường giữa nhà, có mở ra một cái cửa để có thể đi ra, đi vào giữa chái nhà và các buồng trong nhà, mà không phải dùng lối cửa trước hoặc sau. Ngày ấy, cái chái còn là nền đất, chỉ lót gạch một bên tường làm lối đi và mái che thì chỗ có chỗ không. Hàng rào với nhà cụ Tấn, khúc thì làm bằng những miếng gỗ tạp vá víu, khúc thì bằng những hàng cây dâm bụt chen lẫn mấy cây gì giống như cây khoai mì, và ngoài cùng, gần với dãy rào ngang đằng trước nhà là một giậu mồng tơi không biết có từ thời nào.


Sâu bên trong chái, gần nhà bếp, nơi có mái lợp bằng tôn nhìn tương đối tử tế nhất, là chỗ để ba chiếc xe: Xe đạp của chị Hạnh - chị đã đi lấy chồng nhưng xe đạp vẫn để lại nhà cho chị Mai và tôi tập đi - xe đạp của anh Huy và cái xe gắn máy hiệu “Mô-bi-lét” của bố tôi. Dần ra phía giữa chái, bố mẹ tôi kê một cái xích-đông cũ - là cái kệ gỗ nhiều ngăn, trống hai đầu - để đựng những thứ đồ đạc mà mẹ tôi thường bảo là “bỏ thì thương mà vương thì tội.” Tôi chẳng hiểu câu đó nghĩa là gì, đã thương thì sao lại còn tội?


Chỉ biết có thứ mà cả mấy năm không thấy ai đụng chân đụng tay đến. Những lúc rỗi rảnh, mẹ sai tôi cùng soạn lại đống đồ đó cho gọn ghẽ nhưng sau khi mất cả giờ đồng hồ, cái xích-đông không những không bớt đi được món nào mà lại còn phải chất thêm vài ba thứ lỉnh kỉnh mà mẹ và cô An thu thập từ bao giờ. Bố tôi mỗi lần nhìn cái xích-đông lại ngán ngẩm nói: “Không biết mẹ mày với cô An làm gì mà giữ mấy cái đồ tám tật từ thời cố hoắng này lắm thế? Sao không quăng chúng nó đi cho rảnh nợ.” Từ giữa chái trở ra đằng trước, là khoảnh đất hầu như lộ thiên dùng để trồng cây.


Mẹ và cô An trồng đủ các loại rau và cây ăn quả, hoặc cây có củ, dọc theo hàng rào như: húng quế, tía tô, kinh giới, giặc mùng, cải bẹ trắng, cải bẹ xanh, bí ngô, cà chua, cà pháo, đậu que, đậu ván, ớt, hành, gừng, nghệ…Có cả một giàn trồng bầu chung với mướp mà dây leo chằng chịt đan lẫn vào nhau, đến mùa đơm hoa, đậu quả thì dù đã được chỉ cho nhiều lần, hoa nào vào với quả nào tôi chẳng nhớ. Có lần thấy chị Hạnh phụ với mẹ cắt nhỏ nửa quả bầu và một quả mướp thành từng khoanh để xào chung với nhau làm món bầu mướp xào trứng, anh Huy tôi đã mượn câu ca dao để tức cảnh thành vè như sau:


“Bầu ơi thương lấy mướp cùng,

Xưa chung giàn giáo, nay chung nồi xào.”


Mẹ dẫu đang tức anh vì chuyện anh không chịu buộc lại mấy chỗ lỏng lẻo của giàn bầu mướp theo như lời mẹ dặn, cũng phải phì cười.


Ra đến chái nhà, mẹ tôi ngước mặt nhìn lên trời chỗ khoảng trống còn lại giữa đầu cái giàn bầu mướp và cái xích đông. Mẹ chép miệng:

- Cũng tạm được lúc ban đầu. Sau này mà nó lan ra nhiều thì phải bớt một trong hai cây kia.


Mẹ bảo tôi nhặt nhạnh thu dọn những thứ lặt vặt chung quanh chỗ mẹ đang đứng, nhổ bớt những cây đã già ở một khoảng đất cạnh hàng rào, rồi dùng cuốc nhỏ đào cho mẹ một cái hố cỡ bằng cái tĩn nước mắm to. Với sức con trai lên chín, tôi chỉ cần cuốc trong vài phút là xong. Tôi đoán mẹ tôi sắp sửa trồng cây gì nữa đây. Tôi ngừng tay, ngước nhìn mặt trời đã lên cao. Ánh nắng chói chang tỏa chan hòa xuống khu đất chỗ chái nhà. Tuy vậy thời tiết đang giữa mùa Xuân nên không nóng lắm. Những cây rau thơm, cải bẹ, bí ngô, đậu que, đậu ván sau khi được gieo hạt lại, đã lên mầm, ra búp, và đang trổ những lá non xanh như ngọc.

Bầu, mướp cũng trồi cao mấy ngọn non ngồng, vươn những sợi râu xanh mướt óng ả như cánh tay bạch tuộc nhỏ quấn chặt lấy khung, dây dẫn của giàn, vững chắc đẩy ngọn chồi vượt lên, cao cỡ ngang tầm mặt tôi đang đứng. Vài con chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn ngô chao qua lượn lại trên mấy ngọn cây, một con đứng yên giữa không trung, đập rung tít cánh, rồi lại bay đi mất.


Mẹ bảo tôi:

- Được rồi, con đánh cho tơi đất ở trên ra, rồi vào rửa chân tay mặt mũi, sửa soạn ăn cơm. Ăn cơm xong nhớ đừng đi đâu. Ở nhà phụ bố đóng giàn.

- Mẹ định trồng cây gì hả mẹ? Nhà mình nhiều cây rồi mà mẹ.

- Ừ, bố mẹ trồng cây thiên lý. Nhà mình chưa có cây này.

- Cây gì nghe lạ vậy mẹ? Cây thiên lý là cây gì?

-Ờ, là.. cây thiên lý. Người ta gọi vậy. Thôi con đi rửa tay chân mặt mũi đi. Mẹ phải xuống dọn cơm. Bố sắp về rồi đấy.


Mẹ tôi đi nhanh xuống bếp, còn tôi ra sàn nước. Vừa rồi, nghe mẹ nói ăn cơm xong phải ở nhà phụ bố đóng giàn, tôi đã thấy chán. Như vậy là không được chạy đi chơi cũng đến hai tiếng là ít. Đó là không biết sau khi đóng giàn, bố hay mẹ có bắt tôi làm thêm việc gì nữa không? Hôm nay Chủ Nhật mà không được ra đường chơi với các bạn nhiều thì chán thật.


Sau bữa cơm trưa, nhân khi thấy bố tôi đang đứng cầm tách nước trà, mắt nhìn về phía giàn bầu, mướp, nét mặt vui vẻ, tôi tò mò hỏi:

- Bố, bố sắp đóng giàn cho cây thiên lý hả bố?

- Ừ, mẹ nói rồi phải không? - Bố tôi không nhìn tôi, trả lời.

-Vâng, mẹ nói hồi sáng. Mẹ bảo con đào một cái hố to thế này. - Tôi vòng hai bàn tay ra.


- Ừ, bố thấy rồi. Nhớ ở nhà, khi nào bố gọi thì ra phụ với bố đóng cái giàn.

- Đóng cạnh giàn bầu với giàn mướp hả bố?

- Ừ. - Bố đáp sau khi vừa uống xong một ngụm nước trà. Tôi có đà hỏi tiếp:

- Cây thiên lý có quả như cây bầu, cây mướp không bố?

- Không, có không có quả, chỉ có hoa và lá thôi.

- Ơ, vậy bố mẹ trồng làm gì. Mà tại sao người ta gọi là cây thiên lý hả bố?

- Người ta gọi thế từ ngày xưa đến giờ. Có sự tích về cây này nhưng để lúc nào thư thả bố kể cho. Mẹ thích hoa thiên lý lắm.


Bố tôi chỉ nói thế rồi bố đi đến chỗ cái bể chứa nước mưa ở cạnh bếp.


2


Bố tôi là một nhà giáo. Bố dạy học từ những ngày còn ở ngoài Bắc khi chưa lấy mẹ tôi. Sau khi đưa cả nhà di cư vào Nam năm 54 vì không thể sống trong chế độ Cộng Sản độc tài sắt máu, bố vừa dạy học vừa viết sách giáo khoa, viết truyện. Bố có tên trong ban biên tập báo “Tuổi Xanh”, là tờ tuần san dành cho thiếu nhi mà bố cùng một số bạn đồng nghiệp sáng lập. Tính bố nghiêm và khó trong việc học của con cái. Với chị Trang và tôi, bố chưa để ý gắt gao lắm tuy vẫn thường xuyên hỏi han bài vở, chắc vì hai chị em tôi còn nhỏ, nhưng với chị Hạnh và anh Huy, bố theo dõi chuyện trường lớp của anh chị, nhất là anh Huy, rất chặt chẽ.

Bố thường nói: “Các con muốn có tương lai, sự nghiệp cao cả hay những vật chất đời thường như tiền của, danh vọng, địa vị, bằng cấp, xe hơi, nhà lầu, chồng hiền, vợ ngoan, con thảo, thức ăn ngon, quần áo đẹp, nói chung là mọi thứ trên đời này thì chỉ cần mở quyển sách ra mà tìm. Tất cả nằm trong đó chứ không cần đi tìm đâu cho xa xôi.” Bố còn răn dạy nhiều điều nữa cũng về chuyện phải chăm chỉ học hành. Tôi chưa nghiệm được hết ý nghĩa câu nói trên, nhưng cũng láng máng hiểu là phải cố gắng học nếu còn muốn “ngóc đầu lên với người ta” như bố kết luận trước khi chấm dứt lời giáo huấn.

Đôi lúc mở quyển sách Toán ra, tôi cố tưởng tượng xem những điều tốt đẹp bố nói đang nằm ở đâu trong những trang giấy, nhưng chẳng thấy gì hấp dẫn mà chỉ thấy hoa mắt và nhức đầu. Tuy đặc biệt quan tâm đến việc học như vậy, nhưng bố vẫn dành thì giờ chú ý đến những nhu cầu giải trí, vui chơi lành mạnh cho cả gia đình trong những ngày nghỉ. Bố còn chú ý tu bổ nhà cửa, mua sắm đồ đạc cần thiết cho nơi ăn chốn ở. Ngoài những việc ấy ra, bố để mẹ toàn quyền quyết định những thứ chi tiêu về chợ búa, quà cáp, giao tế, điện, nước, tiền học, tiền sách vở, tiền tuần, tiền quần áo…của anh chị em chúng tôi. Bố cũng không xen vào việc dạy dỗ con cái của mẹ, trừ những việc có dính dáng đến bố hoặc những trường hợp quan trọng, mẹ nói lại cho bố nghe.

Nói chung, bố là nguồn chủ lực kiếm tiền nuôi gia đình, mẹ tôi thì chỉ quán xuyến việc tề gia nội trợ thôi. Các bác tôi những lúc đến chơi, không có bố, thường bảo: “Bố các cháu cưng mẹ các cháu lắm đấy. Không bắt mẹ các cháu phải làm việc gì bên ngoài đâu, chỉ ở nhà làm cơm thôi. Ngày xưa, mẹ các cháu cũng được ông bà ngoại cưng chiều như vậy. Mà mẹ các cháu lấy được bố thì cũng có phước đấy chứ. Cái chân anh giáo là người ta quý lắm.” Nghe kể lại, ngày ấy bố đã phải lòng mẹ khi trong một lần, vào dịp nghỉ Hè, bố cùng người bạn đồng hương, cưỡi ngựa dạo chơi thăm phong cảnh hữu tình của một tỉnh làng bên cạnh nơi bố dạy học, nằm xuôi theo dòng sông Nhị. Bố bắt gặp hình dáng mẹ, cô thôn nữ mười bảy trong chiếc áo tứ thân, đang cùng các bác và cô tôi ngồi trên thuyền dưới chân cầu Lam, chuẩn bị đi lễ chùa. Bước chân du sơn ngoạn cảnh của bố đã quay lại nơi bến đò làng Lam Cầu không chỉ vài lần trong những tháng ngày sau đó. Bố tìm cách dò hỏi gốc gác, nhà cửa, gia đình của mẹ qua một vị đồng nghiệp tại huyện lỵ Lý Nhân. May mắn vị nhà giáo này lại là chỗ thân tình quen biết với nhà ông bà ngoại.

Từ đó bố đã nhờ đánh tiếng, xưng danh, và rồi dần dần mới được ông bà ngoại chấp thuận cho làm quen với mẹ. Ông bà ngoại tôi vốn nhà gia giáo, nổi tiếng là dạy con rất nghiêm. Các bác và cô tôi đều kể lại là chị em trong nhà không ai dám tự tiện nói chuyện, hay nhận bất cứ món quà nào của người đàn ông con trai không quen biết. Mỗi lần cần ra ngoài là phải đi thưa về trình, và đi với chị với em hoặc với bà ngoại. Sau này khi vui câu chuyện, bố tôi thường nói với chúng tôi: “ Bố lấy được mẹ chúng mày thì còn vất vả hơn xin cưới tiểu thơ con quan đại thần, hay công chúa hoàng cung.” Mẹ tôi nghe chỉ tủm tỉm cười. Lúc không có bố, mẹ bảo anh chị em chúng tôi: “Bố các con nói quá đấy.

Ngày xưa, ông bà ngoại chỉ khó với mẹ, và các bác các cô thôi. Khi thấy bố bảo là bố làm giáo học, lại có bác Quỳnh giới thiệu, thì ông bà đã chấp nhận rồi. Đâu có mà bắt khoan bắt nhặt gì nữa.” Mấy anh chị em tôi cứ ngớ ra không hiểu bố với mẹ, ai đúng ai sai. Về sau, trong một lần, không hiểu vì chuyện gì, mẹ giận bố, nhất định không đi chợ làm cơm, chỉ ở trong phòng. Bố lo lắng đi ra đi vào, mặt buồn xo không nói một lời. Khi đã năn nỉ làm hòa được với mẹ, bố đưa cả nhà đi ăn tối để mừng cho không khí gia đình đã vui vẻ trở lại.

Bố mới cho chúng tôi biết thêm sự thật: “Bố thì chỉ sợ có mẹ mày thôi. Mẹ mày thế chứ mà khó lắm, hơi một chút là giận, bắt bẻ từng li từng tí một. Ngày bố mới quen làm sao, thì bây giờ vẫn y như vậy.” Rồi bố quay sang nhìn mẹ cười cười, âu yếm hỏi: “Có phải thế không mình?” Mẹ tôi chỉ biết đỏ mặt không nói câu nào. Bình thường, bố mẹ tôi vẫn dùng tiếng “mình” để gọi nhau như vậy.



- Mình tưới cho nó chưa vậy? - Bố vừa nói vừa nhìn vào cái gói có mấy sợi dây nâu đen đang đặt trên mặt bể nước, mà tôi đã thấy trên tay mẹ, khi vừa theo chị Trang bước vào nhà.



- Em tưới lúc nãy rồi. Mình đừng tưới thêm nữa nó ủng. - Mẹ tôi đang xếp bát đĩa vào cái giá cạnh đấy, ngẩng lên nhìn bố tôi rồi trả lời.



- Ừ, sáng mai mình nhớ trồng nó sớm. Nhớ đừng cho nhiều phân bón quá. Mùa này trồng cây được rồi. Anh phải nhờ anh giáo Thái có người quen ở Lục tỉnh chiết hộ cho một nhánh. Cái thân nó chắc thế này là lên khỏe lắm đây.



Thấy bố mẹ tôi nói chuyện, tôi chạy đến cạnh bố, ghé mắt nhìn. Bố đang cầm cái sợi dây nâu đen lằng ngoằng, to gần bằng cái đũa xếp tròn lại cho gọn vào trong cái gói ny-lông trong có đất mùn. Tôi đoán có lẽ đó là cái nhánh cây thiên lý, nhưng sao không thấy có mầm, có lá gì hết. Tôi thắc mắc hỏi:



- Bố, cái dây này là cây thiên lý đó hả bố?



- Ừ, dây thiên lý đấy, nhưng nó là nhánh được chiết ra từ một cây đã trưởng thành, người ta gọi là “hom”. Trồng thiên lý thì phải trồng bằng “hom”.



- Sao nó không có mầm hay lá gì vậy bố.


- Ờ, khi nào hom mọc rễ nhiều thì nó sẽ ra mầm, ra lá.


- Sao bố mẹ không trồng nó ngay đi. Lúc nãy con đào xong hố đất cho nó rồi.


- À, con không biết. Đất mới đào chưa trồng cây ngay được, nhất là những loại dây leo còn mỏng manh yếu ớt như cái hom thiên lý này. Mình phải để ít nhất qua đêm cho đất nó ải ra đã. Bây giờ theo bố ra làm cái giàn.



Bố tôi nói rồi đi ngay ra chái nhà. Tôi lót tót theo sau. Bố bảo tôi phụ bố đem những cây gỗ to nhỏ dài ngắn lẫn lộn ở trước sân nhà mà bố đã mua sẵn từ mấy ngày qua, đem vào ngay chỗ hố đất sẽ trồng cây thiên lý. Bố dùng rìu vát cho nhọn một đầu của bốn cây gỗ to và dài nhất, xong bảo tôi cầm dựng đứng một cây, đầu nhọn xuống dưới cho bố dùng thang đứng lên, lấy búa tạ đóng ở đầu trên cho cây gỗ cắm sâu xuống đất. Lần lượt bốn cây gỗ to đã được dựng lên ở bốn góc của cái giàn hình chữ nhật dọc theo chái nhà. Bố đóng thêm hai cây nhỏ hơn ở giữa hai chiều dài.

Mỗi lần đóng một cây gỗ đứng, bố lại bảo tôi nhắm xem cây đó có thẳng không, để bố kịp thời sửa lại nếu nó bị nghiêng. Sau khi đóng xong sáu cây gỗ đứng, là đến phần những thanh gỗ ngang. Những thanh gỗ này tiết diện nhỏ hơn cây gỗ đứng và dài ngắn đủ cỡ. Bố đo rồi cưa chúng, xong bảo tôi đứng lên ghế đẩu, cầm từng thanh giơ lên cao, tựa vào những cây gỗ đứng, cho bố dùng dây thép buộc chúng chặt vào nhau. Hai bố con tôi làm việc chừng hai giờ đồng hồ thì hoàn thành cái giàn. Một đầu giàn nối tiếp vào giàn bầu mướp, còn đầu kia ghé sát vào mái tôn, chỗ có để cái xích-đông.

Cạnh nơi hố đất đã đào, bố cũng đóng hai cây gỗ cao đến đỉnh giàn để dây hoa thiên lý bám vào mà leo lên. Chiều cao của giàn, so như tôi, thì phải đứng trên cái ghế đẩu, giơ tay lên thì mới chạm được vào đỉnh giàn, nơi có những thanh gỗ mỏng, đan dọc ngang thành hình những ô vuông nhỏ. Ánh nắng xế chiều chiếu xiên qua giàn, in những ô bóng hình thoi trên người và trên mặt đất trông giống như hai bố con tôi đang bị bao trong một cái lưới hữu hình vô thực.


Khi hai bố con dọn dẹp xong đồ đạc, mẹ tôi tưới nhiều nước vào cái hố, đợi cho nước thấm vào hết xuống đất xong lại dùng cái cào nhỏ cời đất lên rồi tưới lần nữa. Mẹ bảo tôi lấy cái xô cũ giúp mẹ xúc nửa xô hỗn hợp phân bón làm bằng cỏ và lá cây mục trộn lẫn với phân gà lấy từ cái chuồng gà cạnh bếp, ủ trong cái thùng gỗ để gần giậu mồng tơi. Một mùi nồng nồng ai ai bốc ra từ thùng phân ủ nhưng không hôi. Mẹ nói:


- Cái này “hoai” rồi đây. Bón cây được rồi.


- “Hoai” là gì vậy mẹ. -Tôi thắc mắc hỏi.


- À, là hết nóng rồi, bón được rồi, không làm cây chết.



Câu trả lời của mẹ chẳng làm tôi hiểu rõ thêm ý nghĩa của chữ “hoai” mẹ vừa nói. Tại sao lại có nóng với lạnh ở đây? Có thấy đốt lửa gì đâu mà bảo nóng với hết nóng. Trước đây, tôi thấy mẹ hoặc cô An sau khi quét lá, nhổ cỏ cứ đổ vào cái thùng gỗ rồi đậy lại. Rồi mỗi lần hót phân gà từ cái khay nhôm, có rắc mạt cưa ở cái chuồng gà gần nhà bếp, đều đem trút vào đó. Thỉnh thoảng lại dùng cào, cào bới cho lá, cỏ, phân gà và mạt cưa trộn lẫn vào nhau. Khi tôi xách xô vào chỗ cái hố đất, mẹ dùng cái xẻng nhỏ xúc phân ủ, trộn lẫn vào đống đất đã đánh tơi nằm chung quanh miệng hố và cả dưới hố.

Công việc chuẩn bị để trồng cây thiên lý đã xong. Mẹ nói: “Xong rồi. Con tắm rửa thay quần áo đi.” Mẹ tôi không nói thêm nữa, còn bố tôi cũng đã vào nhà từ lúc nãy, tôi biết là đã được tự do muốn làm gì thì làm. Thường thì khi đã thực hiện xong một hai công việc quan trọng mà bố hay mẹ sai bảo, tôi không lo bị la rầy hay đánh đòn, khi bỏ nhà chạy sang hàng xóm, hoặc lê la ngoài đường hẻm sau nhà chơi với chúng bạn.


3

Tôi áng chừng giờ này mới khoảng gần bốn giờ chiều. Tụi bạn có thể hãy còn tụ tập chơi bắn bi, đánh cù, đánh đáo, tạt lon, hay kẹt quá tấp vào chơi lò cò, nhảy dây, ô quan, giải gianh với cả mấy đứa con gái. Tôi quyết định không nghe lời mẹ đi tắm, mà chỉ rửa tay chân rồi chạy ngay vào phòng, lục thùng đựng đồ chơi, lấy một con cù và sợi dây dù bỏ vào túi quần. Kiểm tra lại, thấy ba hòn bi và mấy đồng tiền cắc mười xu, hai mươi xu hãy còn lạo xạo trong túi quần bên kia, tôi yên chí chờ lúc mẹ không để ý, mở cửa sau chạy ra ngoài đường hẻm.

Tôi biết bố tôi nếu không có mục cho anh chị em tôi đi xem xi-nê vào chiều Chủ Nhật, hay đi chơi đâu đó, thì thường hay ngồi đọc sách, viết bài, viết truyện, nên không sợ bố bất ngờ hỏi tới. Bố mà đang viết sách hay viết truyện thì liệu mà tránh xa, đừng đến gần hay hỏi bố cái gì. Bố có thể ngồi yên lặng viết đến mấy tiếng đồng hồ, quên cả giờ ăn cơm tối. Những lúc ấy đến cả mẹ tôi cũng phải “né” bố. Mẹ tôi răn đe anh chị em tôi: “Bố mà đang viết bài thì cấm có đứa nào đến gần nghe chưa. Đừng có mà làm bố mất câu chuyện rồi chỉ làm khổ mẹ.”


Mẹ nói vậy chắc có đứa nào lỡ dại làm “mất câu chuyện” của bố, bị bố bực mình la mắng thì ít, mà mẹ chịu sự cằn nhằn khó chịu của bố vì không bảo được con cái thì nhiều. Cô An thì từ ngày mẹ sinh em Duy, cô nhận làm chân mẹ nuôi, lúc nào cũng bận rộn bế ẵm, cho bú sữa, thay tã, tắm rửa cho em. Anh Huy thì đã lấy xe đạp chạy sang nhà bạn anh ấy từ sau lúc ăn cơm. Còn chị Trang thì tôi không phải để ý. Chị cũng lo đi chơi đằng chị, và giả sử chị có thấy tôi lẻn ra cửa thì chị cũng chẳng quan tâm mà mách bố mách mẹ. Chỉ khi nào người lớn gặng hỏi quá thì chị mới nói thôi.


Bước chân ra đường hẻm, tôi nhớ thằng Hùng ban sáng, lúc chia tay, nói nó sẽ qua nhà thằng Hưng chơi cái gì đó và rủ tôi khi nào xong việc thì qua. Nhưng từ bấy đến giờ lâu quá rồi, chắc nó không còn ở nhà thằng Hưng nữa. Hùng là đứa bạn cùng xóm với tôi. Nó bằng tuổi tôi và học cùng lớp. Nhà nó cách nhà tôi có ba căn. Bố nó mất sớm, mẹ nó còn ở vậy đi làm nuôi ba anh em nó ăn học. Tôi với nó rất hạp nhau về các trò chơi của trẻ con. Cái trò gì tôi biết, nó cũng biết và chơi ngang ngửa tôi. Ngoài thằng Hùng, thằng Hưng nhà ở đầu hẻm, con ông Bá làm sở điện lực, cũng là đứa ham chơi như Hùng và tôi nhưng thằng này chỉ chơi giỏi một số trò.


Tôi đứng ra giữa hẻm, hướng mắt nhìn về cuối đường, không thấy mấy thằng bạn quen nào, chỉ có vài người lớn đang đứng nói chuyện gì đó. Chắc chúng nó phải ở trong nhà hoặc đã theo bố mẹ, anh chị chúng nó đi chơi đâu rồi. Tôi quyết định rảo bước đi tới cửa sau nhà thằng Hùng. Đến nơi tôi kiễng chân ghé mắt nhìn qua hàng rào vào sân sau nhà nó, hy vọng bắt gặp nó đang làm gì trong đó. Không thấy ai, chắc nó ở trong phòng. Tôi đưa tay lên làm loa nói to vọng vào nhà: “Hùng ơi! Có nhà không?” Không có tiếng trả lời. Tôi gọi thêm hai tiếng nữa cũng không động dạng gì. Đang tính bỏ đi qua nhà thằng Hưng thì chợt có tiếng cười hiền từ đằng sau lưng: “Huấn đấy à, Hùng nó đang chơi bên nhà ông Bá đấy cháu. Cháu tìm nó có việc gì thế?” Tôi quay lại và không cần nhìn cũng biết ngay đó là bác Mẫn, mẹ của Hùng. Không biết bác vừa đi đâu về. Chắc bác đi chợ hay từ mấy nhà hàng xóm nói chuyện xong quay về đây.


Tôi vội trả lời: “ Thưa bác, cháu tìm Hùng chỉ rủ chơi thôi. Để cháu qua bên đó. Cháu chào bác.” Nói xong tôi chạy đi ngay không đợi bác Mẫn kịp nói thêm câu nào. Kinh nghiệm cho tôi biết, nếu còn chần chừ đứng lại là thế nào cũng bị bác hỏi han rỉ rả đủ thứ chuyện, không dứt ra được. Mà toàn những chuyện đã nghe hoặc trả lời từ nhiều lần trước rồi. Không biết tại bác rảnh rỗi quá, thì giờ vào những ngày giờ nghỉ không biết làm gì, hay tại cái tính của bác có sẵn như thế, gặp bất cứ ai không có can đảm cắt đứt câu chuyện, là bác có thể nói hàng giờ không mỏi miệng. Nhiều người lớn ngại gặp bác đã đành, cả mấy đứa con nít như tôi cũng phải tránh bác luôn. Được cái bác rất tốt với hàng xóm láng giềng và quý trẻ con nên không ai ghét bác. Người ta chỉ sợ cái tật nói dai nói dài, nói không dứt của bác thôi.


Để vào nhà ông bà Bá, ba má của Hưng, tôi phải đi bằng cửa trước. Nhà ông bà ở đầu đường, rộng chiều ngang nhưng lại ngắn chiều dài và không có cửa sau. Bên hông nhà cũng có cái cửa nhỏ nhưng lúc nào cũng khoá trái bên trong, chẳng bao giờ thấy mở. Đến gần cổng nhà, tôi đã nghe thấy tiếng thằng Hưng oang oang:


- Rồi! chết lăn quay rồi. Cho vào nướng luôn.

- Ê! tao còn sống mà, đâu đã chết. - Tiếng thằng Thành phản đối. Thành cũng là bạn trong xóm, nhà nó ở ngay cạnh nhà thằng Hưng.

- Mày chết ngắc rồi, quay được có một vòng rồi lăn cù lèo ra mà còn cãi. Có thằng Hùng làm chứng nè.

- Ê Hưng! mở cổng cho tao vào. – Tôi đập vào cánh cổng gọi to.


Mấy thằng bạn ngưng cãi vã. Hưng ra mở cổng, nó reo lên:

- Mày làm gì mà giờ này mới tới. Bộ ba má mày không cho đi chơi hả?


Tôi chưa kịp trả lời thì thằng Hùng hỏi tiếp theo, tay đang đu đưa sợi dây :

-Bộ mày bị đòn hả? Bị ăn mấy con lươn?

-Tao biết thế nào nó cũng tới. Thấy chưa. - Thằng Thành vừa nói vừa nhặt con cù của nó lên.

Tôi không trả lời chúng nó. Cái trò trẻ con cỡ tuổi tôi với chúng nó, gặp nhau thường ngày thì hỏi những câu thông thường, vớ vẩn ấy chỉ là thói quen bật ra từ cửa miệng làm cho bầu không khí ồn ào sôi động tự nhiên thôi. Đứa nói không mong có câu trả lời mà đứa nghe cũng không cần phải để ý đến. Lúc nãy, không cần nhìn mà chỉ nghe chúng nó nói chuyện lúc chưa vào sân nhà, tôi cũng biết chúng nó đang chơi đánh cù. Trong sân nhà thằng Hưng có khoảng đất trống ở góc vườn, gần gốc cây phi lao trồng sát hàng rào. Đây là chỗ bọn trẻ con chúng tôi hay rủ nhau chơi bắn bi, đánh đáo, tạt nút phéng, đánh cù… Tôi lấy con cù trong túi ra nói:

- Chơi lại từ đầu đi. Tao chơi với.

-Ê, đâu được. Mày mới tới thì phải cho vào lò nướng chớ. - Thằng Hưng xua tay.


Lò nướng đây là một cái vòng tròn,vẽ bằng cách lấy cái que kem vạch trên mặt đất, to cỡ bằng cái vòng nhảy “hu-la-húp” của trẻ con. Theo lệ, khi đang chơi, có đứa nào muốn tham gia thì phải đặt con cù của nó vào cái vòng tròn đó chung với những con cù “chết”, tức là cù của những đứa đánh dở, hay xui xẻo, khi đánh ra bị va vào gạch, tường, hàng rào… mà không đứng quay được vài vòng trở lên. Những đứa đang “sống’ sẽ được “bổ” con cù của nó xuống những con cù “chết” cho đến khi nào nhờ những cú đánh đó, con cù “chết” văng ra ngoài cái “lò nướng” thì mới được “sống’ trở lại. Thường thì trước khi được cứu sống, con cù chết cũng bị ăn vài “vố” trở lên.


“Vố” đây là dấu vết đinh ở con cù sống, khi “bổ” xuống, cắm vào thớ gỗ trên thân thể con cù chết. Nhiều đứa chơi ác, mài cho cái đinh thành hình dẹp như cái đục gỗ thợ mộc để khi đánh xuống sẽ cắm sâu vào, xé thớ thịt gỗ trên thân thể con cù chết cho tơi tả nhanh hơn. Mỗi khi một đứa nào đưa tay lên chuẩn bị quất cù của nó xuống thì những đứa khác đều tránh không đứng gần hướng mà con cù sẽ rơi xuống và văng ra. Vì chơi đánh cù khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên các bậc cha mẹ thường cấm không cho chơi. Với trẻ lớn hơn thì phải chơi ở những nơi tương đối vắng người qua lại và không cho con nít lẩn quẩn chung quanh.


Nhà ông bà Bá không có trẻ nhỏ, Hưng là con út, lại có sân rộng nên là nơi lý tưởng để trẻ con chúng tôi bày trò chơi đánh cù và có khi chơi phóng phi tiêu, bắn cung nữa. Tuy nhiên, không phải bất cứ đứa nào cũng có thể vào sân nhà ông bà Bá. Thằng Hưng nói ba nó tuy không cấm nó chơi với bạn hàng xóm nhưng ông “chọn mặt gửi vàng”, nghĩa là nó chỉ được cho vào sân nhà những đứa mà ông đã biết rõ mặt mũi người ngợm và tông tích gia phả. Tôi và vài đứa nữa may mắn nằm trong danh sách được tuyển lựa gắt gao đó.

-Thôi, chơi lại từ đầu đi. - Thằng Hùng cúi nhặt con cù của nó đang nằm trong “lò nướng” lên, đồng ý với tôi, ý chừng có lẽ vì con cù của nó bị nướng nãy giờ hơi lâu.

-Ừ, chơi từ đầu đi. Hưng, mày không muốn thi thì cho mày sống, còn thằng Huấn, thằng Hùng và tao thi. - Thằng Thành nhìn Hưng đề nghị.

- Rồi, tụi bây thi đi. Tao khỏi thi.


Hùng, Thành và tôi cùng quấn dây quanh con cù của mỗi đứa từ chỗ chấu đinh vòng lên trên. Thằng Hưng đứng ngoài hô to: “Một, hai, ba”. Cả ba con cù cùng được ba cánh tay giơ lên cao rồi quất mạnh xuống theo chiều hơi xiên qua một bên. Con cù của thằng Hùng, được nó tô màu mực xanh, đứng xoay tít sau khi chạm đất, nảy lên một lần và hơi uốn thân mình lượn một vòng. Hai con cù của thằng Thành và tôi cũng biểu diễn những động tác điêu luyện không kém, nhất là con “Hủ lô” của thằng Thành. Con cù này, anh thằng Thành nhân một chuyến đi Chợ Lớn thấy lạ nên mua về cho nó.


Con này không giống như những con cù bán ở tiệm tạp hóa hay chợ gần nhà. Nó to hơn và được làm bằng loại gỗ gì màu đen, rất khó bị trầy trụa. Trên đầu có chạm khắc những hình nổi lạ mắt. Cái đinh gắn bên dưới cũng dài và cứng hơn. Con này nếu được đánh bởi những đứa chơi cù thành thạo thì sẽ là một khí cụ lợi hại so với những con cù thông thường. Thằng Thành rất thích con cù của nó. Mỗi lần chơi đánh cù, nó đều đem theo và mấy đứa chúng tôi đã tặng cho con cù này cái hỗn danh là “Hủ lô”.


4


Khi ba con cù bắt đầu quay chậm lại thì con của thằng Hùng vì đứng nhằm ngay chỗ đất mềm nên mau chóng ngắc ngoải rồi nằm lăn ra trên đất. Con cù của tôi, chỉ là loại thường, bằng gỗ tạp, nhưng may chọn được chỗ đất cứng nên tiếp tục ganh đua sức quay với con thằng Thành. Con “Hủ lô” tuy bị lạc vào vùng đất vừa lồi lõm vừa có sạn gạch nhưng nhờ cái chân cao và động lực tích tụ lớn nên vẫn hùng dũng vừa quay tít, vừa lắc lư rung động, vừa di chuyển điệu nghệ, xoáy chân đinh xuống mặt đất, hất tung lên những mảng cát bụi ra chung quanh như một cơn lốc tí hon.


Cuối cùng thì con cù của tôi cũng phải chịu thua con “Hủ lô”. Theo thông lệ khi ba người thi, con cù nào ngừng quay sau cùng được sống còn hai con kia phải chết và cho vào lò nướng. Thằng Hùng và tôi đặt cù của mỗi đứa vào giữa cái vòng tròn trong khi thằng Thành quấn dây con “Hủ lô”. Thằng Hưng thì vẫn đang sốt ruột nãy giờ. Bàn tay nó cầm con cù, đã quấn sẵn sợi dây dù, kẹp chấu đuôi vào giữa hai ngón tay áp út và ngón út, cứ đưa lên đưa xuống, nhắm tới nhắm lui vào giữa cái lò nướng. Tôi và thằng Hùng vừa đứng lên lùi ra bên ngoài thì thằng Hưng đã vung tay quất con cù của nó xuống thật mạnh, miệng hể hả:


- Mổ cho tụi bây một “dzố” nè!

- Hụt rồi Hưng. Coi tao nè. Cho tụi bây nếm mùi “Hủ lô” nè! - Thằng Thành cũng vừa quất con “Hủ lô” nối theo, vừa dương dương cái mặt.


Hai con cù đang nằm giữa cái vòng tròn bị sức va chạm với con “Hủ lô” văng ra ngoài chu vi. Thằng Thành khoái chí reo lên:

-Hai ra hai dzô. Tụi bây cho dzô lại lẹ lên.


Vì không còn con nào trong lò nướng, tôi và thằng Hùng đều phải nhặt cù lên đặt lại vào giữa vòng. Cả hai đứa đều nóng ruột chỉ mong con cù của mình mau được “sống” lại trước khi bị ăn thêm nhiều “vố”, nhất là “vố” của con “Hủ lô”.


Cuộc chơi đánh cù của chúng tôi diễn ra sôi nổi và hào hứng với những lúc con “Hủ lô” của thằng Thành bị nướng một mình. Tức là dù được con cù của đứa khác đánh văng ra ngoài lò, nó vẫn không được “sống” lại. Nó phải chờ khi nào có thêm một con nữa “chết”, nằm chung trong lò mới được tính. Đây là cơ hội tốt để mấy đứa còn lại trả thù những lúc bị con “hủ lô” cho ăn “vố”. Trò chơi lẽ ra còn kéo dài hơn nữa nếu như không có tiếng của bà Bá gọi thằng Hưng vào chuẩn bị ăn cơm. Nghe nói đến ăn, tôi mới nhớ là phải về nhà kẻo bố hoặc mẹ lại đang muốn tìm tôi. Bình thường, khi có việc cần gấp, thế nào mẹ cũng bảo chị Trang chạy đi tìm.


Chị biết hết những nơi tôi hay tấp vào chơi với các bạn. Nhưng cũng không cứ là như vậy. Có khi không thấy chị đi tìm mà khi về đến nhà lại bị mẹ mắng cho tơi bời, chẳng hiểu tại sao. Tôi và hai thằng Hùng, Thành cùng đi ra khỏi cổng nhà thằng Hưng, tay cầm con cù của mỗi đứa, xuýt xoa đau đớn cho những vết thương trầy sơn, tróc gỗ trên thân mình. Chúng nó chắc cũng như tôi, đầu óc tuy còn vương vất những pha đánh cù hấp dẫn, nhưng trong lòng đã bắt đầu rầu rĩ nghĩ đến bài vở ở trường, như bài Việt sử dài thoòng phải học thuộc hoặc mấy bài toán đố hóc búa chưa làm. Lát nữa đây sau giờ ăn tối, lại phải ngồi ra rả ra mà đọc hay vắt óc ra mà tính.


Về đến nhà, may quá, không thấy bố mẹ đâu, chị Trang đang lấy bát đũa bày biện trên bàn ăn ở mái hiên sân sau nhà, không đả động gì đến tôi. Chị mà không nói năng gì là điềm tốt rồi. Chứ vừa chạy chơi đâu về mà chị lên tiếng thì phải coi chừng. Những lời nói vào lúc đó của chị thường sẽ là những lời cảnh cáo về một nỗi bực mình khó chịu của bố hay mẹ đã dành cho tôi trong lúc tôi vắng nhà. Tôi rón rén bước nhanh vào phòng lấy quần áo sạch đi tắm. Có tiếng người và tiếng cười ở phòng khách. Hình như tiếng bác Mẫn đang nói chuyện với mẹ tôi và cô An thì phải.

Chắc bác lại sang lấy cớ hỏi thăm về em Duy để có dịp nói chuyện đây. Từ ngày mẹ sanh em Duy, bác Mẫn là khách thường trực của mẹ với cô An. Trước đây khi chưa có em. Bác cũng đã hay ghé vào nhà nhưng ít hơn. Đã hơn một lần tôi nghe mẹ nói với bố: “Gớm, cái bà Mẫn bà ấy nhiều chuyện quá. Mà sao chuyện gì của ai bà ấy cũng biết.” Cô An thì không than phiền về cái tật nói nhiều, biết nhiều chuyện của bác Mẫn nhưng cô có nhận xét riêng của cô: “Bà ấy nói một lúc rồi thể nào cũng hỏi thăm về thằng Huy nhà mình. Không biết có định làm mối cho đám nào không đây? Con Chiêu nhà bà ấy thì còn nhỏ quá, chắc không phải, nhưng biết đâu?” Tôi nhủ thầm: “Không cần để ý, chuyện của người lớn.” Mẹ tôi vẫn thường bảo như thế mỗi lần tôi tình cờ đứng hay ngồi gần chỗ mẹ và các bà hàng xóm đang nói chuyện với nhau.


Mẹ vẫn bắt tôi phải đi chỗ khác chơi cho người lớn nói chuyện. Thật ra, mẹ chẳng cần phải nói tôi cũng chẳng muốn ở gần làm gì cho mất tự do. Mà kẹt quá không đi chỗ khác được thì với cái tuổi con nít vô tư, bản tính ham chơi, đầu óc tối ngày chỉ nghĩ đến những trò nghịch ngợm trẻ con thì dù người lớn có ngồi ngay bên cạnh mà nói rót vào tai cũng đừng lo là tôi có nhớ lấy một lời. Tôi vào phòng tắm xối ào ào, chà xà phòng qua loa, giội nước, lau người, mặc quần áo sạch rồi đi vào nhà chuẩn bị ăn cơm, quên cả chải đầu.


Vừa đến cửa phòng, bác Mẫn, mẹ tôi và cô An cũng từ phòng trong bước ra. Cô An tay bế em Duy bọc trong cái khăn bông to màu xanh da trời có hình mấy con gấu nhỏ ở một góc. Một vạt khăn đã quấn vào bên trong còn vạt kia bắt chéo ra ngoài, vòng xuống dưới lưng, vắt ngược lên trên bụng. Cái khăn che kín cả người em chỉ chừa phần đầu có chùm cái mũ len mỏng màu mỡ gà, cúp xuống hai bên tai, hai mắt mở to, miệng đang chúp chíp ngậm cái núm vú giả . Bác Mẫn vừa thấy tôi đã lên tiếng, miệng cười cười:


- Này Huấn à, bác vừa nói với mẹ và cô An là nhà bác rộng, không có em bé, bác đang thèm em bé, cháu cho bác em bé để bác nuôi nhé? Cháu sang ở bên nhà bác với em luôn thể cho vui nhé.


Bác hỏi đùa mà như thật. Cái kiểu nói chuyện của bác vẫn hay như thế. Với đứa con trai ngốc nghếch như tôi làm sao nghĩ ra được câu trả lời cho xứng với câu hỏi văn vẻ này đây. Tôi chỉ biết ngượng mặt đứng yên không nói năng gì, hy vọng mẹ hoặc cô An sẽ lên tiếng đỡ lời.

- Sao đầu tóc rối như tổ quạ thế này? Tắm chưa mà người ngợm chân tay còn đầy ghét

thế kia. Xà phòng còn dính đằng sau đầu kìa. Đi tắm lại đi.


Người lên tiếng là mẹ tôi, đỡ được câu trả lời bác Mẫn nhưng lại làm tôi xấu hổ với bác.

Tôi vội quay lại nhà tắm, vừa đi vừa ngẫm nghĩ mẹ tôi sao mà khó tính quá, ở bẩn một tí đã chết ai đâu mà lúc nào thấy tôi, mẹ cũng nhìn ra những khuyết điểm vệ sinh trên thân thể của tôi được. Nói về việc vệ sinh thân thể thì không phải dấu giếm ai cả, tôi nhận là tôi ở bẩn nhất trong nhà. Sau tôi là chị Trang. Ngày nào tôi hoặc đôi khi chị Trang mà không phải nghe những lời la mắng hay bực bội nhắc nhở về chuyện ăn ở sạch sẽ, giữ vệ sinh thì ngày đó là ba ngày Tết, hoặc nhà đang có khách đông và bận rộn đến độ người lớn không có thì giờ ngó ngàng gì đến hai chị em tôi.


Những lời răn đe từ ngày còn năm sáu tuổi như: “Này, ở bẩn rồi ruồi nhặng nó bâu vào người, đêm nằm kiến nó tha đi mất, không biết đường về thì đừng có mà khóc nhé.” Hay là: “ Tắm mà không gội đầu xà phòng hay không kỳ ghét là cây nó mọc rễ trên đầu, trên người đấy, rồi chấy rận lại sinh ra. Đi ra ngoài đường người ta tưởng là ở trên rừng mới về, không xấu hổ à?” Có khi mẹ dọa: “Không giữ gìn người ngợm sạch sẽ, phát bệnh ra phải đi ông Đức chích thì đừng có trốn nhé.” Tôi công nhận tôi ở bẩn, bẩn tự nhiên chứ không phải tôi lười hay cố ý, nhưng không hiểu sao người lớn lại quan trọng hóa cái chuyện ở bẩn với ở sạch như vậy.


Hình như có người nói ở bẩn sống lâu mà. Những lời đe dọa nghe mãi hóa nhàm, chẳng làm tôi e ngại. Chỉ có cái vụ chích thuốc là tôi hơi ngán một chút. Thỉnh thoảng nóng sốt nhức đầu, chóng mặt, bị lôi đi bác sĩ là tôi lại than thầm. Ông bác sĩ mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, không cần biết tôi bệnh gì, cứ bắt phải è mông ra nhận hai mũi chích đau nhói. Thuốc gì chẳng rõ mà khi chích vào vừa buốt vừa ê hết hai mông đến cả giờ đồng hồ, vừa bước vừa lết. Ấy vậy đến khi hết bệnh thì tôi vẫn chứng nào tật nấy, không ở sạch được.

5

Tắm rửa lại, mặc quần áo, chải đầu xong ra ngoài thì bác Mẫn đã về lúc nào. Khi tôi đi ngang qua sàn nước để vào bàn ăn, mẹ tôi liếc nhìn thoáng qua không nói gì. Chắc mẹ yên tâm là khi đã bắt tôi tắm lại lần nữa, thì cũng gột thêm được một số đất cát còn bám trên người tôi, nhất là thấy tôi đã chải đầu đàng hoàng. Trời đã bắt đầu xẩm tối. Theo lời mẹ, tôi chạy vào phòng khách cũng là phòng làm việc của bố tôi mời bố ra xơi cơm. Cô An thì ăn kiêng theo lối riêng của cô nên ít khi ngồi chung bàn. Anh Huy hãy còn đi chơi ở nhà bạn chưa về.


Ngày Chủ Nhật anh hay về trễ, ăn cơm sau, hoặc ăn ở đâu rồi đã thành thói quen, bố mẹ tôi nói mãi không được cũng thôi. Chị Trang thì tôi không cần phải mời. Nếu không thấy chị đang phụ mẹ dọn cơm thì tôi chỉ cần hô to một tiếng: “Chị Trang! Ra ăn cơm.” Chị đang ở bất cứ đâu trong nhà tất phải nghe thấy. Chỉ khi nào biết là chị không có nhà, đang ở đâu đó bên hàng xóm nói chuyện với bạn của chị, thì tôi phải chạy đi tìm. Những lần như thế chị khó tránh khỏi mấy lời la mắng của mẹ, vì cái tội đến giờ cơm mà không nhớ về nhà. Chuyện trẻ con ham chơi như chị em tôi hay mấy đứa bạn hàng xóm, bị ông bà, cha mẹ hay anh chị rầy la đánh mắng là chuyện thường như cơm bữa. Đứa nào không bị đòn hay mắng chửi mới là chuyện lạ. Cả thày giáo ở trường cũng đã bảo: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mà.


Hôm sau đi học về tôi đã thấy cái hom dây thiên lý được trồng xuống chỗ hố đất mẹ sai tôi đào hôm qua. Hai phần ba chiều dài của hai nhánh dây được vùi lấp dưới đất, chỉ một phần chừng bằng ba gang tay của tôi nằm ở trên mặt đất. Khoảng đất chung quanh hom hãy còn ẩm nước chắc mẹ tôi hay cô An vừa tưới cho nó mới đây. Đang còn chú ý nhìn thì chị Trang cũng vừa từ cửa sau đi học về. Chị chẳng màng chú ý đến cái dây thiên lý vừa trồng, đi nhanh vào trong nhà. Tôi biết chị mỗi lần đi học hay đi đâu chừng vài tiếng đồng hồ về là chỉ thích vào ngay trong phòng nằm trên giường hay trên cái võng treo vắt ngang hai trụ cột gỗ ở hai bên tường đối diện. Có khi chị lấy sách vở hay truyện thiếu nhi ra xem, có khi chỉ nằm không.


Những lúc ấy thì đừng hỏi gì đến chị nếu không muốn nghe những lời nói gấm gẳng khó chịu như: “Đang mệt đứ đừ đây, chút nữa đã.” Đấy là vì cơ thể chị không được khỏe như những bạn đồng lứa khác. Mẹ và cô An thường nói hồi có bầu chị, mẹ hay bị đau ốm luôn nên có thể đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chị. Năm đầu sau khi ra đời, chị cũng oặt oẹo khó nuôi, hay khóc. Có lần không biết vì lý do gì chị khóc ba ngày ba đêm liên tiếp, không biết mẹ và cô có nói quá không. Khi chị lớn dần lên thì tạng người vẫn dong dỏng, gầy gầy. Một lúc sau, khi thấy chị đi lấy nước lọc uống tôi vẫy tay gọi chị:


- Chị Trang, ra xem cây thiên lý mẹ trồng kìa.

- Biết rồi. - Chị trả lời sau khi nuốt xong ngụm nước.

- Ủa, chị xem hồi nào vậy?

- Chưa xem nhưng có gì mà xem. Nó đã ra cái gì đâu.


Tôi hơi chưng hửng nhưng thấy chị nói đúng. Có lẽ chị đã trông thấy cái hom thiên lý hôm qua, lúc chưa trồng xuống đất, nên chẳng cần để ý đến nó nữa.

- Chị thấy cây thiên lý có hoa có lá bao giờ chưa vậy? - Tôi lại hỏi.

- Chưa, nhưng có lần có đứa bạn chị đem vào lớp một chùm hoa thiên lý thơm lắm, có cả lá nữa.

- Hoa thiên lý nó ra làm sao vậy chị? Có to không? Màu gì? Lá nó hình gì?


Thấy tôi tò mò hỏi nhiều quá, chị gắt:

- Làm gì mà hỏi nhắng lên thế. Nó màu vàng vàng, không to, như cái ngôi sao vậy.

- Nó thơm ra làm sao vậy chị? Có giống mùi thơm hoa ngọc lan không?


Nhà tôi có cây hoa ngọc lan mẹ mua giống ở chợ về trồng ở sân đằng trước từ mấy năm nay. Mỗi lần ra hoa, những búp trắng ngà như ngọn bút lông viết chữ Tàu còn mới, nở he hé những cánh hoa, theo gió tỏa hương thơm ngát sân nhà. Mẹ và cô An hay hái vào cái bát nhỏ đem để trong các phòng cho “thơm cửa thơm nhà”, mẹ nói vậy.


- Ờ, nó thơm.. nhưng không giống hoa ngọc lan. Mỗi cái một khác. Nhưng ngửi có một lần, chị không nhớ rõ.

- Còn lá nó giống lá gì vậy?

- Chị không để ý, hình như giống lá cây hoa giấy. Thôi đừng hỏi nữa, đợi khi nào cái cây nhà mình nó ra lá ra hoa thì khắc biết.


Biết chị đã chán không muốn nói chuyện về hoa thiên lý nữa, tôi rủ chị vào phòng thăm em Duy. Vào phòng không thấy em trên giường, hai chị em tôi ra phòng khách thì thấy cô An đang đứng bên cạnh cái nôi bằng sắt sơn màu trắng ngà đang có em Duy nằm trong đó, đầu cô gật gù, miệng vừa tặc lưỡi vừa nói: “Tặc âuuu.., tặc âuuu…” Trước đây cái nôi này vẫn thường để ở trong phòng bố mẹ tôi nhưng từ khi em Duy được ba tháng thì nó được kê ra phòng khách, sát cạnh tường ngăn với phòng của bố mẹ. Bố bảo: “Để cho có không khí thoáng mát tốt cho em bé hơn.” Ban ngày, cái nôi là nơi nằm ngủ và nằm chơi đập chân đập tay, tập lẫy của em.


Còn tiếp

Quang Dương

April 2022