Thanh Dương


1 - Phú "Heo Quay"

2 - Texas Nhõng Nhẽo

3 - Lộn Phòng

4 - Mẹ Đừng Yêu Con Quá

5 - Món Quà Ngày Valentin

6 - Đi Thăm Nước Mỹ

7- Từ Bắc Vào Nam

8 - Ơi Thời Gian !!

9 - Yêu Lính



YÊU LÍNH


Lớn lên trong thời buổi chiến tranh 16 tuổi mộng mơ tôi và Bích Hợp là hai đứa bạn thân cùng xóm, cùng say mê nghe nhạc lính đến nỗi yêu lính và ao ước được là người yêu của lính.

Nhưng biết tìm đâu ra chàng lính chiến để mà yêu? Trong xóm có vài anh đi lính mà tôi không quen, chỉ quen anh Phượng gần nhà, anh cũng vừa đi lính, anh ấy có bao giờ để ý đến tôi đâu và mẹ anh thì khó tính quá nên tôi chỉ dám mơ thầm..

Bích Hợp hát hay, nó thường hát cho tôi nghe bài “Hành trang tạ từ” và “Một người đi”. Hai đứa cùng bồi hồi thổn thức, chỉ mong có người yêu là lính để được…chia tay tiễn anh như lời trong bài hát “Đây gói hành trang xếp lại cho tròn để anh đi nhé…”.Hay là“Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm…”


Có những buổi chiều…buồn ( chẳng biết lý do buồn cái gì nữa?) tôi và Bích Hợp rủ nhau đạp xe đi…hái trộm xoài tại vườn nhà ông Trịnh Đình Thảo. Khu vườn xoài rộng lớn có ngôi biệt thự luôn kín cổng cao tường, chúng tôi biết thế mà vẫn cứ mơ có ngày vào được bên trong để hái trộm xoài. Không hái được xoài thì chúng tôi đứng ngoài cổng song sắt phóng tầm mắt vào ngắm những quả xoài xanh non treo lủng lẳng trên cành cũng thích lắm và tưởng tượng món xoài xanh chấm muối ớt.

Chiều nay cũng thế, ngắm vườn xoài xong tôi rủ Bích Hợp vào…nghĩa trang chơi. Nghĩa trang quân đội Gò Vấp nằm đối diện gần vườn xoài của ông luật sư Trinh Đình Thảo. Lần đầu tiên vào nghĩa trang cả hai đứa chúng tôi đều thích vì cảnh đẹp vắng lặng êm đềm với những con đường trải sỏi giữa những dãy mộ thẳng hàng. Tôi và Bích Hợp đã đi qua từng dãy mộ, tò mò đọc tên, đọc nguyên quán, đọc ngày sinh ngày tử và nhìn hình ảnh từng tử sĩ. Hai trái tim khờ của chúng tôi đều chạnh lòng thương cảm.


Bỗng Bích Hợp sáng kiến:

- Chúng mình có người yêu là lính đây rồi, những anh hùng đã hi sinh vì tổ quốc, mỗi đứa chọn một anh đi, có hình ảnh, có tên tuổi để mà…thương. Thỉnh thoảng chúng mình sẽ đến đây thăm các anh.

Tôi thấy cuộc chơi này cũng thú vị nên hí hửng nghe theo Bích Hợp.

Hai đứa vừa mới chạnh buồn lại vui vẻ ngay, ríu rít đi tìm “người yêu” cho mình. Tôi chọn anh Nghiêm văn Hải 21 tuổi, bằng tuổi anh Phượng và có nét mặt hiền hiền giống anh Phượng. Hình ảnh bán thân của anh Hải trong quân phục trên bia mộ thật hiên ngang và đẹp trai. Bích Hợp chọn anh Nguyễn văn Tùng vì thích mái tóc bồng bềnh của anh ấy. Cả hai anh đều độc thân chưa vợ con, do cha mẹ lập mộ.

Thế là nỗi buồn không tên của buổi chiều nay đã trở thành ý nghĩa, cả hai đứa đều vui và hãnh diện vì đã có người yêu là lính. Hai đứa bàn bạc từ nay nếu có dịp thì cứ khoe ra cho oai và dĩ nhiên phải nói là người yêu đang bận chiến chinh đâu đó, xa lắm, mai mốt anh mới về thăm.


16 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhiệm vụ trông em, trông đứa em 3 tuổi cho mẹ tôi bán hàng. Tôi thương em lắm, em cũng bám theo tôi không rời nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn…lừa nó ở nhà để đi chơi riêng với Bích Hợp. Chủ nhật tuần sau tôi và Bích Hợp sẽ đi thăm “người yêu”. Tôi dọa em tôi :

- Chị đến chỗ này có nhiều ma lắm, em đừng đi theo chị .

Lần này đến nghĩa trang có chủ đích, có hương hoa đàng hoàng. Đi ngang qua chợ Hạnh Thông Tây chúng tôi ghé vào mua bó hoa Vạn Thọ ( cho rẻ tiền) và một bó nhang. Đạp xe qua khỏi chợ một hồi, chúng tôi chằng màng tới vườn xoài bên kia nữa mà quẹo thẳng vào nghĩa trang quân đội, chia hoa và thắp nhang cho hai mộ anh Nghiêm Văn Hải và anh Nguyễn văn Tùng như đã thân thiết với các anh từ lâu lắm rồi.


Một hôm anh Phượng về phép thăm nhà, anh đi ngang qua nhà tôi thấy tôi đứng ngoài sân liền dừng chân hỏi thăm:

- Em Bông khỏe không?

Thấy “thần tượng” người lính bằng xương bằng thịt mà mình thầm mơ tôi bối rối vụng về không biết nói năng chi, liền vay mượn những câu trong bài hát “Trên bốn vùng chiến thuật” của Trúc Phương để hỏi anh :

- Chào anh Phượng. Anh thường đi đó đây trên bốn vùng chiến thuật, chắc anh đang đóng quân ở Pleime gió mưa mù hay Tây Ninh nắng nung người hay Đồng Tháp vắng bóng hồng phải không.?

Chẳng biết anh khen hay anh mỉa mai:

- Coi bộ em thuộc nhạc lính ghê nhỉ. Trật lất, đơn vị anh ở Phú Giáo Bình Dương.

Anh bây giờ là người lính, tác phong người lính rắn rỏi phong sương, không là anh Phượng thư sinh nữa càng làm tôi mến mộ. Tôi vừa muốn khoe vừa muốn thử lòng anh Phượng xem anh có “đau khổ” tí nào không:

- Em có người yêu là lính rồi.

Anh không lộ vẻ gì buồn cả mà ngạc nhiên:

- Ủa, lạ quá ta. Nãy anh gặp Bích Hợp và hỏi thăm, cô nàng cũng tự động khoe có người yêu là lính rồi. Không lẽ con gái xóm mình yêu lính dữ vậy?

Rồi anh bỏ đi không ý kiến gì thêm làm tôi tức cành hông.



Anh Phượng trở về đơn vị để lại lòng tôi bâng khuâng nhung nhớ. Tôi và Bích Hợp vẫn cùng nhau nghe những bài nhạc lính và vẫn thỉnh thoảng buổi chiều đến nghĩa trang quân đội Gò Vấp thăm “người yêu” trong những buổi chiều buồn vu vơ. Không biết gia đình anh Nghiêm Văn Hải ở đâu? có khi nào ghé thăm mộ anh không? Hay chỉ có tôi với những bông hoa Vạn Thọ và vài nén nhang đến thăm anh, một “người yêu” mà anh không biết mặt, chẳng biết tên. Anh Hải ơi vì quê hương chinh chiến anh đã hi sinh và yên nghỉ nơi nghĩa trang xóm em nên em mới “có duyên” gặp gỡ anh trong cảnh ngộ này.


Chiến sự càng ngày càng khốc liệt, những chuyến xe tang mang xác tử sĩ từ chiến trường về nghĩa trang quân đội Gò Vấp càng nhiều. Tôi và Bích Hợp đã một lần chứng kiến cảnh thê lương cùng với gia đình một người lính chết trận tại nhà quàn trong nghĩa trang. Hình ảnh thi thể bó gọn trong tấm poncho bốc mùi tử khí, mẹ anh và vợ anh ngất xỉu, hai đứa trẻ thơ ngơ ngác, tiếng khóc của thân nhân thảm thiết. Hai đứa tôi sợ lắm đứng co rúm vào nhau nhưng vẫn tò mò muốn xem, Chưa có buổi chiều nào u ám đến thế. Tôi và Bích Hợp ở lại nghĩa trang đến chiều dần tàn mới vội vàng đạp xe về nhà mà tưởng như những tiếng khóc từ nghĩa trang vẫn còn đuổi theo.

Hôm sau tôi bị cảm sốt nặng, nằm thiêm thiếp. Chắc vì chiều qua nghĩa trang nhiều gió và vì hơi lạnh tử khí ám vào người tôi. Mẹ tôi tra hỏi Bích Hợp chiều qua hai đứa đi đâu mà về muộn, Bích Hợp khai ra hết, mẹ la mắng cả hai đứa và cấm chỉ từ giờ không được đến nghĩa trang nữa kẻo ma…bắt hồn chúng tôi. Không được “đùa cợt” với người đã khuất, hãy để linh hồn họ yên nghỉ.


Sau vụ chứng kiến đám tang ấy chúng tôi đã bị ám ảnh trong nỗi sợ và nỗi buồn, khỏi cần mẹ cấm hai đứa cũng từ bỏ luôn.

Cuối năm anh Phượng về thăm nhà, gặp tôi đầu ngõ anh cười cười hỏi thăm:

- Sao, “người yêu của lính” khỏe không?

Tôi ỉu xìu:

- Em không còn là người yêu của lính nữa.

- Biết rồi, mẹ em kể cho mẹ anh nghe hết rồi, chuyện em và Bích Hợp “yêu lính”, yêu người tình thiên thu tại nghĩa trang quân đội Gò Vấp đã hạ màn sau một trận ốm kịch liệt.


Tôi quê quá vội bước đi, anh Phượng nói với theo:

- Cô bé 17 tuổi kia ơi, có bằng lòng làm người yêu của lính với…anh không?


Cho dù anh có nói đùa, cho dù anh “ trêu chọc” tôi, thì tim tôi vẫn đập loạn xạ, rộn ràng sung sướng. Nhưng tôi chợt… khựng lại không dám mừng vui nữa và tự hỏi anh Phượng có nói câu này với Bích Hợp không và giữa hai đứa chúng tôi, anh…yêu ai?



Ơi thời gian !!

Thấy vợ vừa xách giỏ chuẩn bị đi ra ngoài là anh Bông biết ngay:

– Bà đi shopping đấy hả?

– Em đi shopping vì tuần sau chúng ta sẽ đi ăn tiệc tân gia nhà chị Lý.

Anh Bông cẩn thận dặn dò:

– Bà có mua váy áo thì mua cho hợp người hợp cảnh. Tuần trước mình đi dự hội ngộ đồng hương tôi thấy mấy bà tuổi bắt đầu từ con số 6 số 7 mà bà thì diện váy ngắn cũn cỡn như thiếu vải của thời buổi bao cấp miền Nam Việt Nam sau 1975, bà thì chơi váy hai dây hay cổ yếm khoe vai trần hở cổ như người mẫu…

Chị Bông không để ý lời của chồng mà nũng nịu trách:

– Em đã nhắc anh bao nhiêu lần rồi đừng gọi em là “bà” và xưng “tôi” nghe vừa gìa vừa xa lạ, nha anh…

– Thôi, bà bớt nũng nịu cho tôi nhờ, bà không còn trẻ nữa, sắp 70 rồi..

Chị Bông vẫn nũng nịu:

– Anh gìa thì già mình anh đi. Em…chưa gìa !

– Bà chưa chịu gìa thì đúng hơn, các bà cố níu kéo tuổi thanh xuân, mỗi bà níu kéo mỗi kiểu. Nhưng bà cứ việc ảo tưởng đi, miễn là đừng có mặc những thứ tôi vừa kể trên. Ngứa mắt !

Chị Bông cãi:

– Thời buổi văn minh mà anh còn khó tính. Càng già càng phải diện đủ kiểu, phải sắc màu tung tóe cho nó trẻ trung lại chứ. Em cũng thích mặc những thứ ấy, chỉ tại em mập qúa mặc vào không đẹp thôi. Nhưng em sẽ ăn kiêng…

– Cho dù các bà có cố gắng ăn kiêng nhưng thân hình phụ nữ về gìa không săn chắc thon gọn như tuổi trẻ mà các bà cứ vác về mấy cái áo ôm eo, áo bó sát người để lộ cà mấy tầng mỡ chảy xệ sau làn áo càng tố cáo thêm cái tuổi gìa …

Chị Bông nhăn mặt:

– Sao anh nói ra sự thật bẽ bàng của phụ nữ em thế. Nhưng hôm nay em đi shopping không mua váy áo gì mà chỉ mua đôi giày cao gót.

– Hình như bà cũng có mấy đôi giày cao rồi mà?

– Đúng thế, nhưng em cần đôi giày cao hơn nữa, vì em mới mập thêm mấy pound, phải đi giày cao để cứu bồ cái bề ngang qúa khổ. Thôi em đi đây, ở nhà nói với anh thể nào cũng…cãi nhau, em sẽ gìa thật đấy.

Chị vội vàng đi ra xe.

Có lần trong tiệm quần áo chị Bông đang hí hởn ướm thử một chiếc váy màu sắc tươi rói lên người thì một bà Việt Nam tuổi như chị đứng chọn đồ gần đó không biết vì tò mò hay chỉ hỏi chuyện làm quen cho vui:

– Chị định mua váy này cho cháu nội hay cháu ngoại ?

Chị Bông nhìn bà ta với ánh mắt ác cảm nghi ngờ, bà ta muốn ám chỉ mình là bà nội bà ngoại của đứa cháu mặc chiếc váy này nghĩa là mình già chát chúa rồi đây. Chị lạnh lùng trả lời:

– Tôi chỉ…thử chơi thôi, chẳng mua cho cháu nào cả.

– Tôi cũng đang tìm một cái áo tươi sáng như thế cho cháu ngoại. Hôm nay hàng onsale rẻ qúa.

Người Việt Nam mình ăn mặc thường theo tuổi tác, càng về gìa càng đơn giản trong khi những bà Mỹ gìa thì diện váy áo xanh đỏ và tô son môi màu đỏ tươi, màu cam rực rỡ có sao đâu

Người Mỹ thật thoải mái, bà gìa nào có khoác áo thời trang lên người họ cũng chẳng dòm ngó phán xét, bao nhiêu tuổi gìa họ cũng xưng hô “you” và “me” không phân biệt ông gìa bà cả gì cả.

********

Chị Bông mặc chiếc váy dài khoác thêm chiếc áo khoác không tay bên ngoài để che bớt vòng eo không lý tưởng của mình và đi giày cao gót cho có vẻ trẻ trung thanh tao.

Chị Lý góa chồng ở chung với gia đình đứa con trai duy nhất, hai vợ chồng nó vừa gĩa từ căn nhà cũ, xây căn nhà mới và làm tiệc tân gia, mẹ mời bạn bè của mẹ, con mời bạn bè của con, nghĩa là số lượng khách mời đông, chị Lý nói đã xin phép hàng xóm trong khu phố cho đậu nhờ xe khách trước cửa nhà của họ.

Lần đầu tiên vợ chồng chị Bông đến thành phố này, chỉ 1 giờ lái xe là đến một thành phố xa lạ hẳn.

Khu phố nhà chị Lý thật nên thơ, là những con đường dốc, là những ngôi nhà cao thấp chập chùng đẹp lộng lẫy với kiểu dáng và sân cỏ hoa lá trước nhà.

Chị Bông trầm trồ ngắm khen khu nhà.trong khi anh Bông loanh quanh tìm ra địa chỉ thì suốt một đoạn đường xe cộ đã đậu nối đuôi nhau. Anh Bông cằn nhằn:

– Tại bà sửa soạn lâu qúa nên bây giờ xe phải đậu xa, đã tuổi già bà còn đi giày cao gót liệu có cuốc bộ nổi không?

Chị Bông nhìn khoảng cách từ đây đến nhà chị Lý, nhìn con đường dốc ngược mà ngao ngán nhưng vẫn làm bộ hăng hái:

– Sao lại không ! đi bộ càng khỏe chân khỏe người.

Chị Bông đếm hai vợ chồng phải đi bộ qua đúng 10 căn nhà mới đến nhà chị Lý, anh Bông biết điều khoác tay vợ nhờ thế chị Bông bước đi vững vàng tự tin hơn.

Căn nhà to lớn lộng lẫy của chị Lý nằm trên một qủa đồi nhỏ nhìn lên như một tòa lâu đài.

Đường driveway bên hông nhà dẫn vào garage dốc cao, chị Bông tưởng tượng nếu lỡ cái thắng xe mà hư hỏng thì nguy cơ chiếc xe đậu tại trước cửa garage sẽ thoải mái lăn xuống lòng đường ngay.

Chị Bông sẽ phải đi bộ lên đường driveway này đề quẹo phải gặp những bậc thềm dẫn đến trước cửa nhà, chị ái ngại lắm nhưng không dám cất tiếng than..

Từ dưới đường đi ngược lên đường driveway cũng là một cực hình cho chị Bông, đang đi chị bị trượt chân và vấp áo tí nữa thì chị sẽ thoải mái ngã lăn đùng xuống lòng đường như cái xe hư thằng mà chị vừa tưởng tượng

May mà anh Bông đã gồng tay đỡ kịp, chưa bao giờ chị Bông thấy anh Bông là điểm tựa vững chắc và hữu ích cho đời chị như lúc này.

Hai vợ chồng dìu nhau đến gần bậc thềm đầu tiên, ai nhìn vào tưởng anh chị Bông thân ái tình tứ lắm nhưng chị Bông đang thấp thỏm hỏi chồng:

– Anh ơi, làm ơn đếm giùm em có bao nhiêu bậc thềm.

Sau cú suýt bị ngã chị Bông hoa cả mắt không có thì giờ mà đếm nữa.

Anh Bông nhìn ngắm những bậc thềm và lẩm nhẩm:

– Có bốn dãy bậc thềm mỗi dãy cỡ chục bậc, đi hết dãy ngang đến cái sân rồi quẹo dãy dọc lại đến cái sân, rồi lại quẹo dãy ngang, dãy dọc lần nữa mới dẫn đến trước cửa tòa nhà..

Chị Bông cũng lẩm bẩm:

– Ối giời ! tổng cộng bốn chục bậc thềm quanh co để bước lên, thằng cha builder nào nghĩ ra kiểu nhà hắc búa này, em thề nếu có mua nhà lần nữa không bao giờ mua nhà của nó.

– Builder này nổi tiếng xây những khu sang trọng đẹp đẽ đấy bà ạ, chắc gì bà đã có tiền mua nhà của họ chưa mà chảnh chọe. Thời buổi này nhà cửa ở Texas cũng hot không thua gì nhà California, người ta tranh nhau mua trên cả gía rao bán và kẻ có tiền mặt sẽ ưu thế hơn những kẻ cả đời túng thiếu vay nợ như bà.

Chị Bông cụt hứng :

– Thì em …thí dụ thế thôi.

Đứng trước những bậc thềm anh Bông dọa nạt:

– Bà bước cẩn thận nha, đừng bắt chước ông cựu tổng thống Obama mỗi khi lên bậc thang máy bay nhanh nhẹn nhảy lên từng bậc một, ông ấy thì không sao còn bà có khi ngã xấp ngã ngửa đấy, không gãy chân gãy tay cũng bầm tím mặt mày, tuổi gìa thì vết bầm tím lâu tan lâu phai lắm.

– Ừ nhỉ, ông Obama nhảy lên bậc thang máy bay tung tăng chim sáo ghê. Tại em đi giày cao gót chứ đi giày bẹt như Obama thì cũng sẽ nhảy lên bậc thềm này có khó khăn gì.

– Thôi bà đừng ba hoa, hãy nhìn kỹ từng bậc thềm mà cất bước lên, không phải lúc nào tôi cũng đỡ bà kịp đâu, những thủ môn giỏi vẫn có lúc chụp hụt, để bóng lọt vào lưới bà hiểu chưa?

– Hiểu rồi !

Chị Bông cẩn thận dò dẫm bước lên từng bậc thềm dù anh Bông vẫn sát cánh bên chị. Đi qua hai dãy bậc thềm chị đã thấm mệt, phải nghỉ chân một lúc mới đi nốt hai dãy bậc thềm nữa để đến trước cánh cửa nhà, chưa kịp thở cho khỏe thì gặp chị Lý ra vồn vã chào:

– Mời anh chị Bông vào nhà chung vui với chúng tôi có ngôi nhà mới

Chị Bông vội nở nụ cười xã giao và một tràng hoa mỹ:

– Khu phố này đẹp qúa, chỉ thiếu sương mù là thành phố núi mơ màng, những căn nhà vươn lên trên đồi cao hay ẩn mình dưới những con đường dốc, những bậc thềm loanh quanh làm tôi ngẩn ngơ khi đến trước cửa nhà chị đấy..

Chị Lý thành thật:

– Cám ơn chị Bông đã khen đã thích ngôi nhà, cảnh đẹp nhà đẹp cách mấy nhưng tôi vẫn sợ những bậc thềm cao chị Bông ạ, mình gìa rồi không như con cháu mà sống với chúng thì phải theo chúng thôi, mỗi lần đi lên bước xuống những bậc thềm này tôi đều phải cẩn thận.

Anh Bông liếc nhìn chị Bông và mỉm cười đắc ý..

Vợ chồng chị Bông theo chân chị Lý vào nhà, chị Bông cố gắng giữ cho dáng điệu thoải mái dù hai bàn chân đã bị đau. Đi qua phòng khách mênh mông với cái cầu thang uốn khúc lên lầu cao chị Lý hãnh diện khoe:

– Lát nữa rảnh tôi sẽ mời anh chị qúa bước lên lầu, các phòng trên lầu đẹp lắm có cả phòng chiếu phim rộng rãi ngồi xem phim cảm giác như ở rạp chị Bông ạ.

Nghe chủ nhà mời lên lầu, chị Bông…giật cả mình nhìn cái cầu thang chị Bông đã thấy thấm mệt . Nhưng chị vẫn phải xã giao và hoa mỹ tiếp:

– Được bước lên những bậc thang này sẽ dẫn lên một khoảng không gian gia đình ấm cúng thật tuyệt vời.

Bàn tiệc bày ngoài vườn, khi anh chị Bông được sắp xếp chỗ ngồi là chị Bông buông mình ngồi xuống ngay, việc đầu tiên là chị tháo đôi giày cao gót ra, đôi giày mới mua đi lần đầu lại đi bộ khá vất vả da giày chưa giãn nở cọ vào chân chị đau rát cả chân..

Tháo giày ra chị Bông thấy nhẹ hai bàn chân, những ngón chân của chị cũng ngo ngoe vui mừng, cũng sung sướng được tự do thoát khỏi đôi giày tù túng.

Chị Bông bỗng ước gì được đi đôi dép bẹt và ở nhà, ước gì giờ này chỉ mặc bộ đồ bộ nằm ra ghế sofa nghênh ngang gác hai chân lên mà xem ti vi thì thoải mái và hạnh phúc biết mấy

Chị đã đi bộ một đoạn đường, chị đã leo bốn chục bậc thềm và chị đã mệt mỏi đến thế sao? Chị đã…gìa thật rồi sao?.

Những lúc đi hàng giờ trong shopping mall chị Bông đi dép bẹt mà còn mỏi cả chân hoa cả mắt, thỉnh thoảng chị phải ra dãy ghế phía sau quầy tính tiền ngồi nghỉ chân rồi mới đi lựa đồ tiếp. Những lúc đó chị vẫn chưa tin là tuổi gìa mệt mỏi, hay chị đang tự lừa dối mình?

Có lần ra phi trường sau khi kiểm tra an ninh chị Bông biết chuyến bay ghi trên vé của mình ở gate 23 vậy mà chị đi tìm gate 32, đến nơi mới biết là mình lầm lẫn. May mà chỉ đi ngược lại có 9 gate vẫn kịp giờ bay.

Thỉnh thoảng chị vẫn nhớ trước quên sau như thế. Chị biết đó là dấu hiệu của tuổi gìa.nên càng muốn trẻ trung hóa chính mình..

Chị tiếc đã uổng công “đầu tư” đôi giày cao gót mới để tạo dáng, chẳng thấy ai khen trẻ thêm tuổi nào mà mệt cả người, đau cả chân. Tối nay về chắc phải xoa bóp chân với dầu cù là hay dầu xanh con ó.

Chủ nhà đãi tiệc kiểu buffet, thức ăn bày đủ thứ trên dãy bàn dài khách tự ý tha hồ chọn món mình thích.

Chị Bông lại phải xỏ giày và đi lấy thức ăn. Vừa đến đầu bàn ăn thì một cô gái trẻ đứng đó đã lui bước lịch sự kính cẩn :

– Mời bác lấy thức ăn trước đi ạ, chúc bác vui vẻ và ăn ngon miệng.

“Nó gọi mình bằng bác, là mình già thật rồi” Chị Bông chua xót nghĩ thầm.

Hôm nay chị Bông đi dự tiệc với một tâm hồn trẻ trung, điệu bộ trẻ trung mà vẫn gìa dưới mắt người khác. Chị Bông không thể đứng đây mà phân bua “Em chưa gìa” như đã từng nói với chồng khi ở nhà được. Chị gượng mỉm nụ cười biết thân biết phận..

Sau bữa tiệc chị Lý đưa anh chị Bông lên lầu, chị Bông không xỏ giày để lên thang lầu cho thoải mái. Chị Lý tinh ý :

– Tôi cũng không dám đi giày cao gót lên lầu đâu chị Bông, tuổi gìa chúng ta cẩn thận vậy là tốt.

Thêm một người khẳng định chị Bông đã già trong buổi tiệc hôm nay.

Trước khi ra về anh Bông tế nhị bảo vợ:

– Bà đợi tôi ra ngoài lái xe đến trước cửa nhà cho tiện.

Anh lại dìu bước vợ xuống những bậc thềm trước cửa, lúc nãy bước ngược lên dốc thì mệt, bây giờ bước xuống dốc thì sợ đôi chân yếu không kềm giữ được sẽ ngã lao người xuống.

Chiếc xe đậu ngay dưới đường driveway chị Bông đỡ phải đi bộ thêm một đoạn đường, chị ngồi vào xe và bây giờ mới thật sự thấy riêng tư thoải mái, chỉ kéo thốc vạt áo lên cho đở vướng víu và tháo giày quăng dưới sàn xe, ruỗi đôi chân ra tận hưởng sự thoải mái này.

Anh Bông vừa lái xe vừa chuyện trò:

– Tôi lái xe chậm cho bà ngắm cảnh nghe, thành phố này có nhiều con đường đẹp qúa.

Chị Bông vội vàng giục gĩa:

– Thôi…thôi…thôi… anh chạy về nhà gấp cho em…

– Chuyện gì mà bà có vẻ thấm mệt nhanh thế?.

Chị Bông thành thật hơn bao giờ:

– Cái mệt vì đi bộ qua con đường dốc, qua những bậc thềm là chuyện nhỏ nhưng em phát giác ra dưới mắt người khác em đã gìa rồi, em chán lắm chẳng muốn ngắm nghía gì hết..

Anh Bông cũng thành thật hơn bao giờ:…

– Chuyện bình thường, khi nào bà tuổi còn xuân xanh mà người ta nói bà gìa mới bất ngờ, Tại bấy lâu nay bà cứ khư khư ôm ảo mộng “Em chưa già”, may hôm nay bà thức tỉnh nếu không bà còn đỏng đảnh đến bao giờ.

Chị Bông dịu giọng:

– Em sẽ không đỏng đảnh nữa. Ừ, thì em đã gìa rồi đấy

Anh Bông vui vẻ:

– Thế thì ngày mai trở đi tôi với bà cùng gìa, lại xứng đôi vừa lứa như thuở ban đầu.



Từ Bắc Vào Nam

Sau ngày 30 tháng Tư cuộc sống của cả miền nam Việt Nam đã đổi đời, đổi từ sướng sang khổ, đổi từ tự do sang kềm kẹp, đâu đâu cũng là những cuộc sống dè dặt và khó khăn, gia đình chị Bông cũng nằm trong cảnh ấy.

Món tiền của cha mẹ chị dành dụm gởi trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín kể như mất toi, món tiền của vợ chồng chị cũng gởi trong Việt Nam Thương Tín thì may mắn hơn, tháng 8 năm 1975 chị sinh thằng con thứ hai, chị đã viết đơn ra ủy ban phường xin xác nhận hoàn cảnh vừa mới sinh con nên ngân hàng Việt Nam Thương Tín lúc này do nhà nước quản lý đã cho chị lãnh 10 ngàn đồng. Tiền của mình bỗng bị cướp trắng trợn, phải nằm trong diện khó khăn, ma chay, sinh đẻ hay hoạn nạn gì đó mới được nhà nước cứu xét trả lại 10 ngàn đồng cho dù tổng số tiền gởi là bao nhiêu và rồi số tiền còn lại chết yểu, chết oan ức không bao giờ trở về với chủ.


Vài năm sau khi chị Bông đi thăm chồng tù cải tạo tại trại Z30C rừng lá Hàm Tân Thuận Hải, chị gặp bà vợ ông Nguyễn Văn Mão giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín cũng đi thăm chồng, người nổi tiếng đi đến đâu ai cũng biết. Ông giám đốc ngân hàng còn sa cơ thê thảm thế kia thì sá chi món tiền nhỏ nhoi của mình.


Với chế độ mới người ta phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói kẻo bị tù oan. Một thằng bé hàng xóm chị Bông trong lúc chơi đùa với các bạn ngoài đường nó hát nhại câu hát trong bài “Túp lều lý trưởng” là “Từ ngày giải phóng vô đây mình khổ thật nhiều” anh bộ đội đi đường nghe thấy, chẳng biết anh đang đi đâu vậy mà cũng mất thì giờ bắt nó đưa lên uỷ ban phường nhờ giáo dục lại, bố mẹ nó phải làm giấy cam kết dạy dỗ con để bảo lãnh nó về, cũng may nó tuổi vị thành niên, nếu lớn hơn chắc đi tù cải tạo vì tội phản động, xuyên tạc chế độ.


Có hôm chị Bông đi chợ đang mua bó rau muống, bà bán rau người miền Nam thấy hai anh bộ đội xách giỏ đến gần bà đã vồn vã mời chào:


– Mời hai đồng chí mua rau muống.


Hai anh đã không mua mà khó chịu gắt gỏng:


– Ai đồng chí với bà, ăn nói phải cẩn thận! Bà đã đi bộ đội đã chiến đấu với chúng tôi ngày nào chưa mà gọi chúng tôi là đồng chí, hả?


Hai anh bộ đội mặc quân phục đội nón cối chân đi dép râu làm từ lốp xe chắc là “anh nuôi” lo việc bếp núc cho đơn vị hay cơ quan tập thể nào đó, hình ảnh các bộ đội mặc quân phục đi chợ, hai ống quần xắn lên khỏi mắt cá chân cho gọn thật khôi hài, thật ngứa mắt trông như người đi cày đi cấy nhưng nhìn mãi thành quen mắt không ai còn ngạc nhiên nữa. Các anh đi chợ bằng xe đạp thồ, rau cỏ chất đầy, thời ấy bếp ăn tập thể hay tư nhân thì rau luôn là thức ăn chủ yếu.


Bà bán rau xưng hô hai từ “đồng chí” với hai anh bộ đội là bày tỏ sự thân thiết, tưởng lấy lòng họ lại bị họ mắng. Khi hai anh bộ đội đi xa bà bán rau buông câu nói hậm hực:


– Bộ tao ham làm đồng chí với mày sao, tao chỉ muốn bán cho mày mấy bó rau thôi, đừng có chảnh nghe con.


Người thắng cuộc miền Bắc vui mừng háo hức tràn vào miền Nam đủ mọi hình thức, làm việc, công tác, thăm thân nhân hay đi cho biết miền Nam, ngắm cảnh miền Nam để ăn mừng cho bao công lao của họ đã hy sinh chiến đấu. Nhưng người dân miền Nam chẳng mấy ai muốn ra thủ đô Hà Nội của bên thắng cuộc cả.


Bố chị Bông cũng không có ý định về thăm quê cũ, ông không lạ gì Việt Cộng, thời buổi sau 1975 tranh tối tranh sáng, trong miền Nam cũng đã có kẻ thời cơ hại người rồi, bố chị đã bị công an đến nhà “mời” lên ủy ban phường “làm việc”, cả nhà rất lo ngại không biết chuyện gì đã xảy ra và sẽ xảy ra. Từ phường bố chị bị chuyển lên ủy ban huyện và biệt tăm biệt tích hơn 1 tháng mới được tha về. Thì ra có kẻ hàng xóm nào đó đã tố với ủy ban quân quản bố chị là “mật vụ chìm”của “ngụy quân nguỵ quyền” trong khi ông chỉ là cảnh sát viên bình thường trong Phủ Thủ tướng.

Trong Nam đã thế nói gì đến miền Bắc của phe chiến thắng, những người di cư 1954 nay trở về thăm miền Bắc sẽ bị để ý, bị “nhân dân” khinh miệt trả thù. Bố chị chỉ gởi cầu may một lá thư về quê cũ cho người em họ để hỏi thăm họ hàng quyến thuộc, gọi là “cầu may” vì sau bao nhiêu năm ly tán kể từ 1954 chẳng biết thân nhân còn ở quê không. Thế mà lá thư vẫn có người nhận và người em họ của bố đã trả lời thư.


Ban đầu chị Bông không tin, một mực nói:


– Làm gì một lá thư không số nhà lại đến tay người nhận được? Có chắc đây là thư của chú Côi không?


Bố chị giải thích:


– Chú ấy đã kể về những họ hàng nội ngoại, bên nội và bên ngoại các con cùng quê mà, chú Côi còn kể về những kỷ niệm giữa bố và chú ngày xưa thì chính là chú còn ai vào đây nữa. Ở phố thì bố không biết chứ ở quê thì cả làng cả xã ai cũng biết nhau, lá thư gởi tên người nào thì sẽ đến đúng tay người ấy, chẳng cần số nhà ngoài tên làng tên xã.


– Nhưng lạ ở chỗ cả một thời gian dài từ 1954 đến giờ mà họ vẫn không rời khỏi làng quê.


– Vì tình quê cha đất tổ, vì luật lệ hành chính xã hội ràng buộc nên họ vẫn bám lấy làng quê. Biết đâu vài chục năm sau nữa chúng ta gởi thư về người thân ở làng quê này vẫn không cần số nhà, tên đường.


Sau lá thư của bố thì gia đình chị Bông nhận được những lá thư của các thân nhân khác, chắc chú Côi đã khoe thư của bố chị với mọi người. Thư viết trên trang giấy học trò, có thư chữ viết nắn nót, có thư chữ viết như gà bới nhưng thư nào cũng đầy ắp nhớ thương và không bao giờ thiếu câu mở đầu nghiêm chỉnh trên mỗi lá thư là: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập tự do hạnh phúc”, xong “thủ tục” với nhà nước rồi nhân dân mới viết riêng tư gì thì viết.


Chị Bông đã ngạc nhiên hỏi bố:


– Thân nhân của bố viết thư như viết tờ đơn, họ làm việc cho chính quyền nên quen tay chăng?


Bố chị chép miệng:


– Họ là nông dân thôi, nhưng là ai thì cũng là người của miền Bắc bao nhiêu năm sống với xã hội chủ nghĩa.


Không ngờ chỉ một lá thư bố chị gởi về hỏi thăm những thân nhân nội ngoại ấy mà đã nhận lại những tình cảm quá đỗi thắm thiết, sau những thư từ là những người khách không mời đã lần lượt từ Bắc vào Nam thăm gia đình chị Bông. Năm 1978 gia đình chị đón một khách đầu tiên từ miền Bắc vào. Lúc này xe lửa Thống Nhất Bắc Nam đã thông, giá vé bao cấp còn rẻ.


Một hai đứa trẻ con hàng xóm chạy xộc vào nhà chị Bông hí hửng báo tin:


– Chị Bông ơi, nhà chị có khách ngoài Bắc kìa, bà ấy gánh hai bao tải to lắm.


Chị Bông cũng vui mừng thông báo ngay với bố:


– Bố ơi khách Bắc này chắc giàu lắm, họ gánh hai bao tải quà vào cho nhà mình.


Bà cô ruột của chị Bông đã gồng gánh từ Bắc vào Nam, bà hỏi thăm từ đầu đường đến cuối xóm nên cả khu xóm ai cũng biết nhà chị đang có khách Bắc. Bố chị dặn dò:


– Đây là em ruột của bố, chúng ta “giấy rách phải giữ lấy lề” tiếp đãi cô hậu hĩ. Ngày xưa khi bố theo ông nội đi làm ăn xa quê cô Cam đã mấy lần dẫn mẹ các con từ làng quê đi Hà Nội đến Bắc Giang rồi Móng Cái thăm bố.

Thời điểm lương thực, nhu yếu phẩm đều phải mua bằng sổ hạn chế theo từng đầu người không đủ ăn đủ dùng nên bố chị đã cẩn thận dăn dò thế, kể lể ân tình thế để phòng xa vì đã từng có cảnh khách đến nhà người ta không muốn mời ăn ở sợ hao tốn. Miếng ăn cái mặc bỗng lên ngôi, gía trị tình cảm con người bị chà đạp xuống thấp.


Vào đến nhà cô Cam đòi thắp hương cho ông nội chị và chị dâu, cô nước mắt ngắn dài khóc thương người cha xa cách từ năm 1954 và bà chị dâu hiền lành vắn số. Mấy đứa em háo hức thì thầm với chị Bông:


– Chị ơi, cô Cam mua những gì mà nhiều thế?


Chị Bông sốt ruột:


– Không biết, đợi cô thắp hương xong sẽ mở quà.


Các em và hai con chị Bông tò mò và nao nức chờ cô Cam cho quà, không biết là những quà gì trong hai cái bao tải to tướng bằng vải ấy. Cô mở cái tay nải nhỏ trước, lấy ra mấy quả chuối tiêu chín nẫu đã nhũn mềm và tiếc rẻ:


– Chưa kịp ăn thì nó chín cả rồi, trong Nam nắng nóng quá, mấy quả chuối này cô mua ăn lúc đi đường, vẫn còn ăn được các cháu ăn đi.


Thấy chẳng đứa nào muốn nhận mấy quả chuối thâm đen cô Cam lại moi trong tay nải ra mấy bịch bỏng, mỗi nắm bỏng to tròn bằng nắm tay, cô Cam hớn hở mời mọc:


– Đây là quà cô mua cho các cháu, bỏng ở làng quê ta trẻ con nào cũng thích, gạo rang thành bỏng trộn với đường mật và gừng thơm ngon lắm.


Đứa em gái út của chị Bông thất vọng:


– Ở đây cũng có bỏng này, thế còn món gì trong hai cái bao kia hả cô?


Thằng Bi 3 tuổi con của chị Bông cũng bắt chước dì nó vòi vĩnh:


– Bi muốn cô mở cái bao to kia cho cháu quà.


– Này con, dì út gọi là cô Cam nhưng con phải gọi là bà Cam, từ từ bà Cam sẽ cho con quà mà.


Chị Bông mắng con đừng nóng lòng mà lòng chị vẫn chờ mong hai bao tải kia được mở ngay ra. Cô Cam trả lời con cháu út nhưng nhìn chị Bông để giải thích:


– Cái món này các cháu không ăn được, không phải quà cháu ạ, đây là tỏi vườn cô thu hoạch, năm nay tỏi ở quê ta được mùa nên mất giá, bán rẻ như cho mà người ta còn chê không muốn mua, nhân thể chuyến đi cô mang vào Nam may ra bán khá hơn, thu đồng vốn nào hay đồng vốn ấy.


Tội nghiệp cô Cam đã mang cả gánh tỏi từ Bắc vào Nam.


Chị Bông thất vọng thì ít nhưng các em và hai con chị thất vọng thì nhiều, chúng đành nhận mấy nắm bỏng đặc sản của làng quê cô Cam còn hơn không có món gì. Cô Cam bảo chị:


– Mai cháu dẫn cô ra chợ bán tỏi nhé, ở đây cô xứ lạ quê người.


Chị Bông bùi ngùi thương cô:


– Vâng, cô muốn chợ gần chợ xa gì cũng được.


Cô Cam đã gánh tỏi ra chợ tìm các bạn hàng và bán sỉ cho họ với giá rẻ bèo nhưng cô bảo cũng đỡ hơn giá ở quê rồi cô buồn rầu kể:


– Những mùa bội thu lại là mùa mất tiền cháu ạ, công sức mình như đổ sông đổ biển, có năm thu hoạch khoai tây giá quá rẻ, vừa bán đổ bán tháo vừa tranh thủ luộc khoai tây ăn trừ cơm ngao ngán đến tận cổ thế mà vẫn ăn không kịp, khoai tây mọc mầm tua tủa.


Thấy cô Cam tiêu thụ được gánh tỏi bố chị rất vui, chỉ sợ cô em nghèo khổ phen này mất hết vốn liếng trồng trọt. Những ngày cô ở chơi mấy chị em chị Bông đã đưa cô đi chơi Sài Gòn, đi sở thú và đến thăm vài nhà họ hàng hay người làng người nước, đến nơi nào cô Cam cũng thích. Cô cảm động nói:


– Cám ơn anh và các cháu đã cho em đi tham quan nhiều nơi, xưa nay em chỉ quanh quẩn bên ao làng, bên ruộng nương. Sao mà đường phố Sài Gòn hoành tráng thế cơ chứ.


Đời cô Cam là một bể khổ, lấy phải người chồng vũ phu lại phụ bạc, ăn ở với vợ có 3 con rồi bỏ đi lấy vợ bé, cô làm lụng ruộng vườn quần quật mà nuôi con vẫn bữa đói bữa no. Ông chồng bệnh chết, người vợ bé hiền lành nhu nhược chẳng biết nương tựa ai mang 2 con về nhà vợ cả xin ở chung. Hai bà vợ của ông chồng quá vãng cùng ở chung nhà thuận hòa như hai chị em ruột và nuôi 5 đứa con, nếu không biết thì chẳng ai phân biệt những đứa trẻ ấy là con bà nào vì hai bà đều thương yêu chúng như nhau, hai bà đều cật lực làm việc để nuôi chúng. Ông chồng thật tốt số, lấy hai bà vợ cùng hiền lành phúc hậu, hai bà vợ góa cùng yên phận thờ chồng, ông tha hồ sung sướng yên nghỉ nơi chín suối. Có lẽ giai đoạn cuộc đời cô Cam sống chung với “tình địch” lại bình yên hạnh phúc hơn khi sống với người chồng. Bà vợ bé cũng đoản mệnh như chồng, hiện 5 con vẫn sống với một bà mẹ là cô Cam.

Ngày cô trở về Bắc bố chị đã mua vé tàu cho cô và tặng cô món tiền nhỏ, cô đã rưng rưng nước mắt trách anh trai từng xông pha theo cha buôn bán khắp phương Bắc, giỏi giang nhanh nhẹn thế mà cái ngày di cư cha và anh đi thoát sao không dẫn cô theo để đời cô bao nhiêu năm nghèo khổ cho đến bây giờ.


Sau cô Cam những năm sau đó chị Bông không thể nhớ theo thứ tự những ai đã từ Bắc vào Nam thăm gia đình chị, họ hàng gần, họ hàng xa đều được bố chị tiếp đãi thân tình và cho tiền tàu xe lượt về quê, có người chỉ là người làng, họ đi buôn hàng vào Nam cũng “quá cảnh” nhà chị để có chỗ tạm trú ăn ở không mất tiền và ít nhiều cũng có quà mang về, những bộ ly tách đẹp ngày nào chị Bông đã mua trong các cửa hiệu trong thương xá Tax trưng bày trong tủ chè cũng mang ra tặng cho khách vì họ khen đẹp và khao khát được một bộ tách như thế, cả những tấm khăn lông to đẹp chị vẫn cất để dành trong tù chưa dám dùng đến cũng là món quà tặng cho khách để làm kỷ niệm. Cuối cùng tủ chè và tủ quần áo của nhà chị rỗng dần chẳng có gì đẹp hay đáng giá nữa.


Chị Bông lo xa::


– Bố ơi, nếu cứ cái đà này thì... cả làng sẽ vào thăm nhà mình, gạo mua theo sổ thì ít, gạo chợ đen thì đắt đỏ…


Bố chị luôn an ủi:


– Người ta có quý mình mới vào thăm. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, cao lắm mỗi người chỉ vào thăm một lần, đừng để bố mang tiếng cả đời.


Một hôm có chiếc xe xích lô máy đậu xịch ngay trước cửa nhà chị Bông, trên xe bước xuống là một bà Bắc kỳ mặc quần đen, ống quần ngắn lấc cấc, chân đi đôi dép nhựa màu trắng, tay xách một cái làn mây. Bà nhớn nhác nhìn số nhà chị rồi lao vào nhà gọi to:


– Anh ôi, các cháu ôi!


Bố chị chạy ra ngỡ ngàng:


– Chào chị, chị đây là ai nhỉ?


– Em là vợ Côi đây, Côi và anh hay chơi đùa với nhau ngày xưa ấy. Nhà em kể rằng hai anh em họ mà cứ thân thiết hơn cả anh em ruột.


Và thím Côi òa khóc như mưa :


– Ôi anh ôi, ối các cháu ôi!!!


Bố chị luống cuống:


– A, thím Côi đây hả? Nhưng chuyện gì thế thím Côi? Nhà quê có tin gì xấu chăng? Thím bình tĩnh kể tôi nghe.


Chị Bông cũng ái ngại hỏi thăm:


– Hay thím vừa bị kẻ cắp móc túi ở bến xe?


Thím vẫn nước mắt tuôn rơi:


– Ôi anh ôi, ôi các cháu ôi. Chẳng có việc gì xảy ra cả, em vào thăm anh và các cháu đây, chỉ vì cảm động quá kẻ Bắc người Nam găp nhau em không sao cầm được nước mắt.


Thì ra thế. Một bà thím họ xa cách cả không gian và thời gian thậm chí chưa biết mặt các cháu sao mà tình cảm tha thiết đến thế, làm chị Bông cũng cảm động theo. Thím Côi khác hẳn với cô Cam, thím mang cho các cháu nhiều quà bánh và luôn âu yếm xoa đầu nắm tay các em chị Bông và hai con chị Bông làm như chúng từng quen thuộc với thím, từng ở trong vòng tay của thím. Thím còn móc túi lấy ra những đồng tiền lẻ cho các cháu để muốn mua gì thì mua, trẻ con thích thím Côi ra mặt.


Khách Bắc nào cũng được gia đình chị Bông tiếp đón tương tự, dẫn đi thăm chợ Bến Thành, đi chơi sở thú và đi thăm họ hàng làng nước. Bố của bố chị và bố của chú Côi là hai anh em ruột, thím Côi đã tha thiết nói với bố chị:


– Anh cho em xin một tấm hình của ông để em mang về Bắc thờ cúng với ông em, bây giờ đất nước ta hòa bình nhà nhà đoàn tụ, hai anh em ông ấy cũng đoàn tụ trên bàn thờ hương khói anh nhá.


Thế là hình ông nội chị Bông được trao cho thím Côi, ông sẽ trở về quê cũ, ngồi trên bàn thờ với ông em ruột sau những thăng trầm bể dâu của thời cuộc, của cuộc đời.


Một tuần sau thím Côi bảo chị Bông:


– Thím vào Nam thăm gia đình cháu nhân thể muốn mua món đồ điện tử mang về nhà dùng, nghe nói hàng điện tử ở Sài Gòn có nhiều loại xịn lắm.


– Vậy thím muốn mua gì cháu sẽ dẫn thím ra đường Huỳnh Thúc Kháng bán đủ thứ hàng điện tử tha hồ cho thím chọn lựa.


– Chỉ còn 2 ngày nữa thím về Bắc mà còn bận đi thăm mấy người nhà bên thím ở Khánh Hội và đi mua sắm thêm nhiều món quần áo nên bận rộn lắm. Cháu là người thành phố rành rẽ hơn thím, cháu cứ mua hộ thím 1 cái đài cát sét loại nào hiện đại nhất là được, bao nhiêu tiền không thành vấn đề. Thế thôi, cháu nắm bắt được ý của thím chưa? Cháu quán triệt chưa?


– Vâng cháu hiểu rồi.


Thím Côi rộng rãi và xài sang quá, chị Bông ngầm nể nang thím. Như đọc được ý nghĩ của chị Bông, thím Côi khoe:


– Cháu ơi, nhà nước ta đang từng bước xóa đói giảm nghèo, chẳng mấy chốc mà ai cũng có điều kiện như thím mua đài nghe tin tức khỏi cần nghe loa từ ủy ban thông tin văn hoá xã nữa. Loa đọc ra rả rát cả tai.


Chị Bông vui vẻ vì được thím tin cậy:


– Cháu sẽ mua 1 cái đài cát sét bảo đảm thím sẽ vừa ý.


Thím Côi nói xong không đưa tiền hay nói năng gì thêm, chắc là thím quên, chị Bông không dám nhắc sợ thím buồn thím giận người nhà không tin cậy nhau trong khi thím đến nhà chị đã bộc lộ bao nhiêu là tình cảm, đã xin hình ông nội chị để thờ cúng, đã móc túi cho các em chị cho con chị tiền mua quà vặt.


Chị Bông bàn với bố:


– Thím đi cả ngày thăm họ hàng bên thím mà ngày về quê cận kề hay là con cứ bỏ tiền ra mua cái radio cassette rồi về thím trả sau bố nhỉ?


Bố chị gật gù:


– Phải đấy, chắc thím ấy bận rộn nên quên chưa đưa tiền hoặc là thím chẳng biết giá cả bao nhiêu mà đưa nên đợi con mua hàng về thím mới trả tiền sau.

Chị Bông đã đi đến mấy con đường nổi tiếng chuyên bán hàng điện tử để chọn mua 1 máy cassette ưng ý nhất giá tương đương 5 chỉ vàng, mang về nhà chị khoe thím món hàng đẹp nhưng thím chỉ nói cám ơn vẫn không đá động gì đến tiền bạc dù chị đã mấy lần nhấn mạnh cháu phải bán đi mấy chỉ vàng để mua cái máy này.


Ngày mai thím Côi sẽ ra ga Hòa Hưng về Bắc, chị Bông thấp tha thấp thỏm đợi chờ thím trả tiền từng giờ, từng phút, chị đã vờ nhắc nhở:


– Thím xem lại hành lý có quên gì không?


– Đủ cả cháu ạ.


Thím ngọt ngào như đường như mật:


– Các cháu có quên thím thì quên chứ thím chẳng bao giờ quên các cháu.


– Thế… thế… cái máy cát sét thím lên tàu phải cẩn thận đề phòng kẻ cắp nhé, những 5 chỉ vàng đấy.


– Cháu vô tư đi, kẻ cắp nào dám đụng đến thím? Thím từng đi buôn mạn ngược rừng xanh núi đỏ thím còn không sợ nữa là.


Cuối cùng chị Bông chịu đựng hết nổi bèn ngượng ngùng nói:


– Thím ơi, còn… tiền cái máy cát sét của cháu thím chưa đưa.


– Ấy chết thím quên chưa báo cáo với cháu là thím đã mua hàng hết tiền rồi, thím mua một mớ quần áo may sẵn về quê bán kiếm tí lời tí lãi bù lỗ tiền tiêu vặt chuyến đi này cháu ạ.


Chị Bông thót cả tim:


– Vậy là….?


– Thím cháu mình đi đâu mà mất, về quê thím sẽ gom tiền gởi trả cháu ngay, cháu muốn tính tiền lời thím cũng trả.


– Cháu mua bao nhiêu thím trả bấy nhiêu là được rồi.


Năm chỉ vàng thời điểm này và trong hoàn cảnh của chị Bông thật lớn lao vậy mà thím đã khơi khơi mượn nợ chị một cách nhẹ nhàng và tài tình quá.


Những gia đình Bắc kỳ di cư 1954 như gia đình chị Bông đều có khách từ Bắc vào thăm, phần nhiều chủ nhà đều phải tiếp đón và cho quà tùy theo hoàn cảnh gia đình. Nhà chị Mai bạn thân của chị Bông thì may mắn hơn, bà bác ở Hà Nội mang vào Nam rất nhiều quà cho em và các cháu, bà mang vải hợp tác xã, bát đũa và cái phích nước Trung Quốc thịnh hành thời đó. Vào đến Sài Gòn bà chị Hà Nội mới ngã ngửa khi thấy căn nhà 3 tầng lầu nguy nga của gia đình em ngay trên con đường lớn gần bệnh viện Từ Dũ. Bà Hà Nội nói với bà Sài Gòn:


– Chị nghe tuyên truyền trong miền Nam đói khổ thiếu ăn thiếu mặc nên chị đã mang vải và mua chợ đen mấy ký lương khô cho nhà em bồi dưỡng đây. Ai ngờ…


Bà em Sài Gòn thành thật:


– Vải hợp tác xã toàn mùi dầu mua về các con em không chịu may mặc em phải bán lại con buôn, còn lương khô thì có ngon lành gì đâu, ăn vào chỉ tổ khát nước.


– Ừ, nhưng lương khô tổng hợp nhiều chất bột bổ dưỡng, bộ đội chiến trường nếu mất nguồn liên lạc có lương khô và nước thì vẫn sống và chiến đấu đấy em.


Bà chị Hà Nội đi dạo khắp nhà và trầm trồ khen nhà em gái to lớn còn hơn cả cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Bà bùi ngùi:


– Chị cứ tưởng đời chị là yên ổn sung sướng hơn người, hai vợ chồng đều là cán bộ, chế độ tem phiếu đầy đủ, chính phủ cấp nhà ở ngay Hà Nội dù chật hẹp và chung hộ với gia đình khác nhưng khối kẻ mơ mà không có. Vào miền Nam thấy nhà em chị tủi thân quá, 3 tầng lầu có 3 cái chuồng xí, còn nhà chị phải dùng chuồng xí tập thể.


Để đáp lễ bà chị, mẹ Mai đã tặng chị nhiều hàng hóa gía trị gấp nhiều lần món quà bà đã nhận.

Gia đình chị Bông đã sang Mỹ định cư, không còn ai ở lại Việt Nam dĩ nhiên không kể những thân nhân miền Bắc. Mối liên hệ tình cảm vẫn tiếp tục, những người khách không mời năm xưa vẫn nhận quà mỗi cuối năm. Bố chị nói đúng, cho tới bây giờ gia đình chị vẫn gởi thư về thân nhân miền Bắc chỉ cần ghi tên người nhận và địa chỉ vẫn không có số nhà, vẫn là tên làng tên xã không hề thay đổi. Thật bền bỉ đến kinh ngạc và thán phục khi hơn 3/4 thế kỷ mà người ta vẫn ở yên một chỗ nếu tính những người cùng trang lứa với bố chị sinh từ năm 1927 tại làng quê này.


Sau vụ biến cố September 11, 2001 gia đình chị Bông nhận được lá thư từ miền Bắc của chú Côi, chữ chú vẫn gà bới như xưa, phần đầu thư vẫn trịnh trọng tuyên truyền giùm nhà nước như xưa:


“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập tự do hạnh phúc. Anh kính nhớ và các cháu luyến nhớ, trước tiên em có lời hỏi thăm sức khỏe cả nhà, được tin cả nhà ta bên ấy bình an không bị ảnh hưởng gì trong vụ khủng bố chúng em bên này vui mừng lắm…”


Và cuối thư chú Côi đã bày tỏ cảm tưởng:


“Nghe đài thấy vụ khủng bố toà nhà cao tầng ở Mỹ vào ngày mồng 11 tháng 9 chúng em cực kỳ kinh hãi. Em xin gởi lời chia buồn đến tất cả nhân dân Mỹ và chúc nhân dân Mỹ kiên cường phấn đấu vượt qua giai đoạn khó khăn này.”


Những câu văn này chắc là chú Côi bắt chước những bài viết trên báo, trên đài, sặc mùi nhà nước. Bây giờ những thân nhân ngoài Bắc của gia đình chị Bông có muốn đến thăm nhà chị cũng không được, ai bán vé xe lửa cho họ từ Bắc… sang nước Mỹ như ngày nào họ mua vé xe lửa từ Bắc vào Nam.


Từ Bắc vào Nam năm 1975 những đoàn quân miền Bắc đã vơ vét bao nhiêu “chiến lợi phẩm” nhà cửa, đất đai ruộng vườn, của cải của dân miền Nam bỏ lại hay bị cưỡng chế.


Từ Bắc vào Nam những người dân miền Bắc dù bất cứ thành phần nào, thăm thân nhân họ hàng sau bao nhiêu năm xa cách cũng nhặt nhạnh xin quà, xin của mang về.


Người bên thua cuộc là kẻ cho và người bên thắng cuộc là người nhận. Điều nghịch lý lại là sự thật, thế nên trong thời điểm đó nhân gian miền Nam đã có câu “Người miền Bắc thích ‘cua bể’* miền Nam.”

* Cua bể , bể cua




Đi Thăm Nước Mỹ


Phòng locker của hãng cũng là phòng break, phòng này rộng, những chiếc ghế dài kê giữa hai dãy locker toàn là người Việt Nam. Chỉ nghỉ có 15 phút mà sôi động đủ thứ chuyện vặt, về chồng con, hàng xóm và nói xấu lẫn nhau.


Tôi đang ngồi say sưa hóng hớt chuyện nói xấu kẻ khác, thỉnh thoảng không quên đóng góp thêm mắm thêm muối vào vài câu cho thêm phần hấp dẫn thì có người khều vai:


- Ê, nhờ chút coi!


Chị Lộc xà đến, mặt nhăn nhó:


- Đau mình đau mẩy quá, cạo gió giùm tao để còn lấy sức vô làm tiếp.


Dù đang “bận” tham gia vào câu chuyện đang đến lúc dầu sôi lửa bỏng, tôi vẫn xăng xái:


- Có ngay, để em lấy đồ nghề.


Locker của tôi ngay cạnh đó, bên trong luôn có sẵn một giỏ đựng đủ thứ đồ nghề “cấp cứu”: mấy viên thuốc nhức đầu, thuốc giảm đau, và chai dầu gió. Dần dần bà con coi tôi như “bác sĩ gia đình” hồi nào không hay, ai có đau nhức gì đều hỏi xin thuốc hay nhờ cạo gió.


Công việc trong hãng khá vất vả nên đau tay, mỏi vai là chuyện mỗi ngày, tụi Mỹ đen, Mỹ trắng vào làm và nghỉ làm thường xuyên như đi chợ, vì chán, không chịu nổi, nhưng hầu như chẳng người Việt Nam nào có ý định bỏ việc cả, mà ngược lại, càng ngày càng đông, họ cần cù, chịu khó, biết người biết ta, để kiếm tiền, để cuộc sống ổn định. Cho nên cứ thấy hãng xưởng nào đông người Việt Nam thì biết ngay công việc nơi đó hoặc vất vả hoặc đồng lương rẻ mạt, họ đỡ phải cạnh tranh với dân bản xứ. Ai chán thì cứ đi, Việt Nam ta vẫn ở lại, với những người tiếng Anh tiếng u nửa vời cỡ như tôi, tài cán gì mà bon chen cho mệt.


Chị Lộc đã tốc áo lên, phơi cả tấm lưng ra, sẵn sàng cho tôi cạo gió. Tôi bôi dầu một cách điệu nghệ và cạo tới đâu “gió” nổi lên tới đó, mấy bà ngồi bên xuýt xoa:


- Bà Lộc trúng gió rồi!


- Ráng chịu đau một chút là khoẻ liền.


Tôi đang “hành nghề” thì một cô Mỹ đi tới, nó ngồi tuốt đằng xa, chắc thấy bọn tôi chụm lại ồn ào nên tò mò đến xem và ngạc nhiên hỏi một tràng. Tôi đoán chừng và trả lời ngay bằng tiếng Anh ESL ba chớp ba nhoáng của mình:


- She is sick, me “cạo gió”, she no more sick.

Và tôi chỉ vào tấm lưng đỏ ửng của Lộc diễn giải thêm:


- This is “cạo gió”.


Thấy vẻ mặt cô Mỹ vẫn còn ngơ ngác, một chị tên Linh nói khá tiếng Anh bèn trình bày là Lộc bị cảm và tôi đang làm công việc gọi là cạo gió, sẽ làm cho Lộc thấy tốt hơn, thì cô Mỹ mới bỏ đi.Thì ra cô Mỹ tưởng tôi đang làm đau Lộc. Chắc cô Mỹ này mới vô làm, chứ những người Mỹ làm ở đây lâu, họ cũng rành chuyện người Việt Nam cạo gió cho nhau rồi.


Chị Linh quay ra nói với tôi:


- Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cạo gió trong hãng kín đáo hơn một chút, tuy là thói quen của người Việt Nam, nhưng người Mỹ nhìn vào bằng cách khác, có vẻ như không tốt cho chúng ta, khi mà ở ngay nơi chốn công cộng đông người lại tốc áo hở lưng thế kia...


Tôi lẩm bẩm với vẻ bực mình:


- Quyền tự do dân chủ của mỗi người, tôi chỉ giúp đỡ người khác chứ có hại ai đâu.


Chị Linh bỏ đi, tôi tức điên cả ruột mà không làm gì được. Hôm nay là ngày gì mà xui thế? Lúc nãy ăn lunch xong, tôi đang rửa bát trong bồn rửa…tay, đã bị một bà Việt Nam phê bình rồi, bà ta bảo:


- Đây đâu phải chỗ nhà bếp của chị mà rửa bát với đũa?


Nói xong bà ta ngoe nguẩy bỏ đi, không thèm đứng lại cho tôi cãi cố lấy một câu. Sao lại có người lắm chuyện đến thế? Tôi rửa bát trong hãng là để tiết kiệm thời gian, lát về nhà khỏi phải rửa, và nhân thể tiết kiệm nước. Thật sung sướng khi nước nóng, nước lạnh mở thoải mái để rửa bát, tráng bát năm lần bẩy lượt mà không lo đến cái bill nước như ở nhà mình, nhưng tôi xài nước trong hãng, hao tốn nước trong hãng chứ có hao tốn nước của nhà bà ấy đâu mà bà xót ruột, xía vào? Ai bảo “sĩ diện” không chịu bắt chước bọn tôi, rồi ghen tức lên? Mà nhiều người Việt Nam khác cũng làm thế, chứ có một mình tôi đâu? Các bà rửa bát, đũa, thìa, xong còn lấy một đống giấy napkin của hãng, lau khô từng món một trước khi cất vào giỏ.


Thỉnh thỏang có bà sơ xuất để sót lại vài hột cơm trong sink, là “ đám rửa bát” chúng tôi lại bị những người Việt Nam khác nhìn bằng ánh mắt nửa lên án, nửa trách móc, có người còn nói xa nói gần là làm mất thẩm mỹ nơi công cộng, làm họ xấu hổ lây vì cùng là người Việt Nam. Tôi không thèm chấp với những người nhỏ nhặt, ích kỷ đó, cứ để ý từng cử chỉ, hành động của đồng hương mà phê bình, lên mặt dạy đời.

Sang Mỹ được 3 năm, nơi nào có người Việt Nam đông là nơi ấy tôi thấy thoải mái quá chừng, thí dụ như đi chợ Việt Nam, bãi đậu xe hay trước cửa chợ lúc nào chả có rác và những mảnh báo cũ bay phất phơ trong gió đến là vui mắt, nên tôi cũng cho quyền mình được thoải mái xả rác theo, chứ không như những nơi công cộng của Mỹ, cái miếng giấy nhỏ xíu bọc miếng gum, tôi cũng phải ráng giữ trong tay cho đến khi tìm được thùng rác. Đi bác sĩ Mỹ cũng vậy, phải đúng hẹn, bác sĩ Việt Nam thì có hẹn cũng như không, ai đến ghi tên trước thì được gọi vào trước, vậy mà cũng bày đặt bắt người ta phải lấy hẹn. Hẹn một đằng làm một nẻo, hình như người Việt Nam mình quen với những chuyện bất bình thường từ đời kiếp nào rồi, nên chẳng ai buồn thắc mắc. Rút kinh nghiệm, tôi luôn đi sớm hơn giờ đã hẹn và qua mặt luôn mấy ông già bà cả đến đúng hẹn đang lù khù ngồi chờ đợi dài cả cổ. Mấy ông bà già đó có thẻ bảo hiểm miễn phí, nên chỉ hơi thấy mình mẩy đau nhức, hay sổ mũi nhức đầu là thoải mái lấy hẹn đi bác sĩ cho khỏi uổng phí cái thẻ mà xã hội ban cho, thuốc uống không hết thì để dành cho con cháu dùng ké hay gom lại gởi về Việt Nam làm quà vô cùng quý hóa.Tuy đợi, nhưng họ không để hoang phí thì giờ, họ bắt chuyện để nói với nhau rổn rảng trong phòng đợi, ông ngồi ở một góc đầu phòng nói vọng tới bà đang ngồi tận cuối phòng, nên cả phòng đợi coi như đang hội họp, đề tài thường là than thở ốm đau, bệnh tật, về con cháu, về những kỷ niệm quê nhà ngày xưa. Dù bất cứ đề tài nào, bất kể tuổi tác, bất kể trình độ, tôi cũng hăng hái xía vào câu chuyện cho đến khi được gọi vào khám bệnh trước họ.

Tôi lấy Vacation đi Cali chơi một tuần theo lời mời của người chị họ. Vừa bước xuống phi trường John Wayne, tôi đã cảm nhận ngay bầu không khí trong lành, mát mẻ, những cây cọ, cây dừa dọc theo đường phố đã tạo nên một vẻ đẹp riêng của thành phố có biển.


Cuối tháng Mười, chanh, cam chín đầy cành, lấp ló sau những bức tường thấp hay qua hàng rào thưa làm cho tôi thích thú, và càng thích thú hơn khi được chị tôi dẫn đến khu “Little Sài Gòn” vào buổi sáng thứ Bảy.


Chúng tôi vào một cửa hàng food to go để mua chè và bánh trái, để tôi biết mùi quà Calif. như những tin đồn. Hàng chè đông nghẹt người, đang bu quanh quầy chè và chỉ chỏ những món cần mua, ai cũng muốn mua trước, ai cũng muốn mua nhanh, chẳng xếp hàng thứ tự gì cả, cứ chen lấn mạnh được yếu thua, kẻ bán, người mua ồn ào như ong vỡ tổ, làm như sau một đêm ngủ dậy điều quan trọng nhất trong cuộc đời họ là… ra chợ mua chè, hay như họ phải ăn vì chiều nay tận thế.

Chị tôi ngao ngán lắc đầu định đi ra, nhưng tôi hăng hái giữ chị lại:


- Để em. Hồi ở Việt Nam, em từng chen lấn, giành giựt mua vé xe đò, xe lửa nên quen cảnh này rồi.


Nói là làm ngay, tôi xông vào đám đông, cũng xô, cũng đẩy, cũng hò hét và chẳng mấy chốc đã xách ra được một túi những hộp chè và bánh , làm chị tôi, dân Calif. chánh gốc bấy lâu cũng phải ngẩn ngơ:


- Đi ăn mấy nhà hàng nổi tiếng vào ngày cuối tuần cũng đông như thế, nhưng còn xếp hàng thứ tự, còn cửa hàng này họ chen lấn ghê quá, thường thì chị đợi thưa người mới vào mua. Chẳng hiểu sao đi mua chè mua bánh mà họ cũng tranh giành, chẳng biết văn minh, lịch sự là gì cả. Nếu em để ý sẽ thấy mấy nhân viên của tiệm phải đứng cả vòng ngoài để canh chừng kẻ xấu thừa lúc đám đông ra tay ăn cắp vặt những món bánh trái bày la liệt trên quầy đấy. Những người này, có thể họ cũng biết xếp hàng chờ đợi ở chợ Mỹ, lịch sự lắm, nhưng đến chợ Việt Nam, lại …hiện nguyên hình người Việt Nam khi xưa còn ở quê nhà.


- Gặp đồng hương với nhau nên tha hồ thoải mái mà chị. Em cũng thế.


Buổi chiều hai chị em vào một chợ Việt Nam to lớn khang trang, mua đầy một xe chợ, nhãn tươi ở đây rẻ quá, chỉ có $1.99 một pound, vừa đẩy xe ra bãi đậu, tôi vừa ăn nhãn và thoải mái vứt vỏ và hột xuống đất, làm chị tôi dẫy nẩy lên:


- Kìa em, sao em lại xả rác ra đường thế?


Tôi ngạc nhiên:


- Chị xem, trước cửa chợ và bãi đậu xe của họ cũng toàn là rác, thì cần gì phải giữ gìn? Đã thế rác ở đây còn nhiều hơn chợ Việt Nam chỗ em, chắc tại càng đông người thì càng lắm rác, hay Việt Nam mình có truyền thống ở dơ hả chị?


Chị tôi có vẻ không hài lòng:


- Ai bảo em là người Việt Nam mình ở dơ? Vô trách nhiệm thì có. Của mình thì giữ gìn, của công thì mặc xác. Em thử để ý đến những ngôi nhà của người Việt Nam xem, họ chăm sóc sân vườn trước sau, sạch sẽ, đẹp đẽ, lịch sự biết bao, họ khoe đẹp, khoe sang của chính họ, vậy mà đến nơi công cộng thì chẳng thèm ý tứ gì cả.


- Nhưng mà thêm một tí rác của em vừa xả ra cũng chẳng làm trầm trọng thêm, đằng nào cũng dơ sẵn rồi. Tôi cố bào chữa cho mình nhẹ tội.


- Ai cũng nghĩ như em thì đường phố sẽ biến thành núi rác mất.

Chị tôi qua Mỹ đã lâu, chắc sống theo kiểu Mỹ quen rồi. Khi vừa lái xe tới một ngã tư, trong lúc đợi đèn xanh, tôi ngó quanh bốn phía chỉ toàn thấy “ đầu đen” Việt Nam ta, hiếm khi thấy người Mỹ trắng. Quả đúng như lời đồn, từ ngày người Việt Nam về đây mua nhà, mua đất, lập ra khu “Little Sài Gòn”, dần dần Mỹ trắng thấy bơ vơ, lạc lỏng, nên bán xới nhà cửa đi nơi khác hết.


Vào khu “Little Sài Gòn” đúng như tên gọi của nó, là một Sài Gòn thu nhỏ lại, sự sinh hoạt, mua bán, ăn chơi cứ như bên quê nhà thuở nào, khối bà, khối cô còn mặc đồ bộ đi chợ hay ra quán trong khu Phước Lộc Thọ ngồi vắt vẻo ăn tô mì, tô phở, vừa ăn vừa sụt sùi vì nước lèo nóng và ớt cay.


Chị tôi chỉ một bà đội nón lá đang đứng chờ xe bus ở phía xa:


- Khỏi cần đến gần chị cũng biết đó là một bà Việt Nam chính gốc, chắc bà mới đi Việt Nam chơi, mang về Mỹ cái nón lá. Cũng may là bây giờ không còn mấy bà già nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng lại nhổ toẹt một bãi đỏ lòm xuống đất, làm tụi Mỹ hết hồn.


Được dịp gặp cô em mới qua Mỹ chưa bao lâu, nên chị tôi kể thêm vài kinh nghiệm sống trên xứ Mỹ cho tôi học hỏi:


- Nhiều người Việt Nam vô trách nhiệm từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, chị có một bà bạn cũng sống ở Calif. gia đình khá giả, nhưng lòng tham con người vẫn vô đáy, bà ấy chẳng bệnh tật gì cả, nhưng “hợp tác”với một bác sĩ vô lương tâm, giải phẫu nhỏ ở nách, để được chia 5,000 đồng, bác sĩ ăn bao nhiêu của hãng bảo hiểm không biết, nhưng chắc chắn không phải là ít. Sau đó hãng bảo hiểm sức khoẻ tại hãng của bà ta phải tăng giá đồng loạt mọi công nhân, chỉ vì bà đã làm tổn thất cho họ. Bà bạn chị đã ân hận, kể cho chị nghe như một lời thú tội cho nhẹ lòng. Dĩ nhiên dân tộc nào cũng có kẻ tốt người xấu, nhưng người Mỹ thường thì vẫn thẳng thắn và trung thực, không biết những mánh lới, láu cá vặt như một số nhỏ người mình.


Tôi nhớ đến chuyện thằng con trai 8 tuổi của mình, một hôm nó mang về nhà tờ giấy của trường gởi cho cha mẹ học sinh, đọc xong và ký vào. Nhìn lá thư tiếng Anh tôi hoa cả mắt, chẳng hiểu gì, bèn làm bộ quát con:


- Mẹ bận lắm, con đọc rồi ký giùm mẹ luôn đi.


Cu Tí từ chối:


- Cô giáo nói cha mẹ đọc thư và ký vào, chứ không phải con.


- Mẹ đâu có thì giờ mà đọc cái lá thư tiếng Anh đấy? Con cứ ký vào, có gì mẹ chịu trách nhiệm.


Cu Tí vẫn cương quyết:


- Nếu bây giờ mẹ bận thì lát nữa mẹ đọc và ký vào. Mà nếu mẹ không hiểu được tiếng Anh thì con sẽ nói cho mẹ hiểu.

Thằng con sao mà đoán đúng tim đen của mẹ nó đến thế. Tôi đành chịu thua con mình, nó được giáo dục sự trung thực, không biết nói dối, dù sự nói dối vô hại. Và có lần vợ chồng tôi và Cu Tí đi chợ, lúc về qua một bệnh viện, chồng tôi tiện thể ghé vào thăm một người bạn cùng hãng đang nằm trong đó. Mẹ con tôi ngồi ngoài xe đợi, thì Cu Tí buồn đi tiểu, nằng nặc đòi về nhà. Tôi có thể dẫn con vào bệnh viện tìm một cái restroom không khó khăn gì, nhưng lười biếng ra lệnh cho nó:


- Chỗ này vắng, con ra gốc cây kia tiểu đi. Mẹ …canh chừng cho.


Sợ thằng con chưa hiểu hết ý tiếng Việt Nam của mình, tôi lập lại lần nữa:


- Con cứ ra chỗ gốc cây đi tiểu, có gì mẹ …chịu trách nhiệm.


Cu Tí kinh hãi nhìn tôi:


- Không, Con không thể làm điều đó!


Con tôi đâu hiểu rằng chuyện này thường tình ở Việt Nam. Nếu một ngày nào đó tôi dẫn Cu Tí về Việt Nam chơi, đi trên những đường phố Sài Gòn, giữa ban ngày ban mặt, người ta đi tiểu vào bờ tường, vào gốc cây. Không biết nó sẽ kinh hãi đến cỡ nào??. Cũng may, chồng tôi ra tới và thằng Cu Tí được về nhà đi tiểu cho đúng nơi, đúng chốn...


Chị tôi lại kể tiếp:


- Hôm nọ chợ Wal-mart on sale giấy vệ sinh, mỗi người được mua 2 bịch, chị thấy nhiều người Việt Nam hớn hở cả nhà cùng đi chợ để thay phiên nhau vào mua giấy, thậm chí họ còn quay vào đợt hai nữa chứ. Trong khi người Mỹ, họ chỉ thản nhiên lấy đúng 2 bịch, và nếu không có nhu cầu người ta cũng chẳng cần mua dù đang giá rẻ.


Câu chuyện này làm tôi nhột thật sự. Không lẽ người Việt Nam có nhiều điểm giống nhau đến thế? Tôi đã từng mua đồ on sale kiểu đó, mỗi lần chợ Mỹ bán hạ giá đường 99 cents một bịch 4 pounds là tôi có mặt ngay, đường để lâu chẳng hư, chẳng cũ, giá rẻ tội gì không mua để dành? Họ hạn chế mặc kệ họ, chẳng ảnh hưởng gì đến tôi, vì tôi đã có cách, đi ra đi vào chợ mấy lượt để mua đường, dĩ nhiên mỗi lần ra tính tiền ở một quầy khác nhau.Vậy mà hấp ta hấp tấp, tôi đã vô lộn quầy lúc nãy, thằng tính tiền nhận ra tôi và không chịu bán, thế là tôi đành ấm ức bỏ lại bịch đường và lườm nguýt nó mấy cái trước khi rời khỏi chợ với lời thề không bao giờ thèm đến chỗ nó tính tiền cho bõ ghét.

Một tuần lễ sống ở Calif. với gia đình người chị, tôi đã thấy nhiều cảnh đẹp, cảnh xấu, nhiều món ngon và không ngon. Người Việt Nam ở Calif và đất Calif. không phải là thần thánh, là thiên đường mà đôi khi ở những tiểu bang khác người ta bắt gặp trong những lời quảng cáo đầy tự hào và khoe khoang như: “ Tại đây có bán chè Cali, giò lụa Cali, và đầu bếp từ Cali mới về...v.v...”


Ở bất cứ nơi đâu, tiểu bang nào, thành phố nào cũng có người những Việt Nam tài giỏi, món ăn Việt Nam ngon, cứ gì phải ở Cali?


Và tôi đã học được ở chị tôi một điều quan trọng hơn, đó là cách sống và xử thế, dù với người bản xứ hay với chính đồng hương của mình.


Cũng giống như bà bạn thân của chị tôi đã hối hận kể cho chị nghe vụ gian lận tiền bảo hiểm sức khoẻ, tôi cũng huỵch toẹt luôn những chuyện đời tôi, chuyện thi nhau rửa bát trong hãng, chuyện tụ tập trong phòng nghỉ đè nhau ra cạo gió như cơm bữa, chuyện tôi tranh dành vào khám bác sĩ sớm hơn người khác dù họ là ông già bà cả và chuyện xả rác nơi chợ búa….


Chị tôi vừa buồn cười vừa trách:


- Em mới qua Mỹ mấy năm nên chưa quen hết cách sống ở Mỹ, từ giờ trở đi đừng làm thế nữa, mình hãy tôn trọng mình trước, đừng để kẻ khác bất chợt nhìn vào mà coi thường mình và cộng đồng Việt Nam của mình.


Tôi tạm biệt Cali và chị tôi, trong lòng còn mang theo cả một khu “Little Sài Gòn”của người Việt Nam ở California.


Và dù ở nơi đâu trên đất Mỹ này, có cộng đồng người Việt Nam đều có một “Little Sài Gòn” như thế, có những khu thương mại, chợ búa luộm thuộm, dơ bẩn hơn của Mỹ, có một số người Việt Nam láu cá, tham lam vặt vãnh, và sống thiếu văn minh lịch sự ngay tại một nước văn minh hàng đầu thế giới.


Trở về hãng làm việc lại, tôi vẫn làm “bác sĩ gia đình” cho các bà các cô khi cần viên thuốc, lúc cần cạo gió, nhưng tôi không tụ tập nói xấu kẻ khác hay thi đua rửa bát đũa nơi bồn rửa tay làm ngứa mắt những đồng hương nghiêm chỉnh của tôi và của người bản xứ.


Có vài bà cùng phe với tôi trước kia lắc đầu và bĩu môi bĩu mỏ, chắc là cho tôi dở hơi sau một chuyến đi chơi xa về. Nhưng tôi chẳng cần để ý, khi nghĩ rằng rồi đây trong số những người Việt Nam sống thiếu văn minh, thiếu lịch sự sẽ bớt đi một người, và những cửa chợ hay bãi đậu xe sẽ bớt đi một tí rác…nhờ tôi, là đủ vui rồi.


Món Quà Ngày Valentine


Buổi chiều chị Bông đi chợ Kroger tìm mãi mới có chỗ đâu xe. Hôm nay sao chơ đông thế.

Chị Bông thắc mắc và chỉ trong vài phút chị Bông đã hiểu ra. Hôm nay là ngày 14 tháng hai. Ngày Lễ Tình Yêu. Chị đã biết trước ngày này cả tuần lễ, các cửa hàng, chợ búa đã rầm rộ quảng cáo hàng hóa của họ cho ngày Lễ Tình Yêu thế mà chị quên phéng đi.

Chị Bông bước vào chợ, người ta đi chợ đông vui như chợ tết ở Việt Nam. Quẹo phải đi vào trong là rừng bong bóng hình trái tim đủ màu xanh đỏ tím vàng đang lơ lửng với những sợi dây cùng màu sắc tươi vui lòng thòng vừa tầm tay với.

Thấy cảnh người nhộn nhịp chị Bông cũng hào hứng đến chỗ bong bóng , rừng bóng che khuất phần nào ánh sáng từ những ngọn đèn trên cao tạo thành một vùng sáng tối ấm cúng nên thơ. Chị đứng dưới những hình quả tim mà lắng nghe tim mình đập rộn ràng. Chị bỗng mơ màng tưởng như mình đang trẻ lại.

Nhiều người đang níu sợi dây xuống để chọn những quả bóng đẹp.

Sang đến cửa hàng bán hoa tươi càng đông người hơn, chợ Kroger quanh năm bán nhiều loại hoa tươi giá cả phải chăng. Hoa chưng trong nhà, mừng sinh nhật, chúc đầy tháng, đầy năm hay để làm quen, tỏ tình… ôi có cả trăm lý do để người ta mua hoa.

Chị Bông chen chân vô tình đứng cạnh một bà handicap đang ngồi trong chiếc xe dành cho người tàn tật để shopping. Bà đang vươn người ra khỏi xe để cố lựa cho mình một bó hoa vừa ý. Dù chân yếu tay run bà ta cũng có một tình yêu, có thể là chồng hay là… anh hàng xóm.

Chỗ kia một anh Mễ đang hí hửng ôm một bình hoa tím lá xanh chắc anh đang nghĩ đến người mình yêu nên mặt anh mới tươi roi rói.

Chị Bông vừa ngắm hoa vừa quan sát những người xung quanh, ông Mỹ mập bụng phệ kia sẽ chọn hoa gì nhỉ? Còn anh Mỹ đối diện chị vẫn đang mặc bộ đồng phục của hãng xưởng nào đó chắc anh vừa đi làm về ghé vào chợ mua luôn cho đỡ tốn thời gian, anh đang phân vân vì sắc hoa nào sẽ làm vừa lòng người anh yêu?

Hình như hôm nay ai vào chợ cũng không quên ghé vào quầy mua hoa, mua bong bóng, hộp kẹo chocolate và cả rượu nữa...

Chị Bông cảm xúc trước những tâm tình của thiên hạ. Người ta dù thành phần nào, tuổi tác bao nhiêu, ông quý phái sang chảnh hay anh công nhân lãnh lương giờ mỗi pay check lãnh ra là hết vèo. Bà nội trợ sồn sồn đã đẻ mấy lứa đang ở nhà ăn welfare nuôi đàn con mọn hay cô thiếu nữ mới đôi mươi mộng mơ. Họ dù ốm dù mập, dù cao thấp dù xấu dù đẹp... vẫn đang chọn mua quà Valentine cho nhau kìa.

Hôm nay họ đều là những người lịch sự dễ thương và chị chợt chạnh lòng thấy mình không giống họ, cứ làm như chị đang đứng bên lề cuộc đời của ngày lễ tình yêu.

Anh Bông nhà chị cũng thế, giờ này chắc chắn đang ung dung ngồi bên bàn cờ tướng với mấy lão ông trong khu shopping mall Việt Nam rồi, trong đầu óc chỉ toàn là “xe, pháo, mã, tướng, sĩ, tượng...” chứ làm gì biết trân trọng, lãng mạn nghĩ tới vợ trong ngày lễ tình yêu như thiên hạ ngày hôm nay.

Từ ngày về hưu anh mê chơi cờ tướng, ngày nào cũng đến shopping mall nơi có những hành lang sạch sẽ mát mẻ, hội tụ mấy ông già về hưu hay mấy anh trẻ thất nghiệp đến đánh cờ, mỗi bàn chỉ vài đồng cho vui thế mà có khi anh quên cả giờ về nhà ăn cơm, ra nhà hàng trong mall ăn đĩa cơm tấm hay bát bún là xong. Chị đã cằn nhằn hoài nhưng anh vẫn không chừa.

Đã nhiều năm nay anh Bông dường như không mua hoa về nhà dù bất cứ lý do gì.

Vậy thì hôm nay chị Bông sẽ mua hoa, mua món quà ngày lễ tình yêu này tự tặng chính mình và tặng cho ông chồng để đánh thức tâm hồn khô cằn sỏi đá kia và sau là cho đẹp nhà đẹp cửa.

Chị cảm thấy mình cũng đang tươi như hoa, mộng như đang yêu trong ngày lễ tình nhân khi đi qua những dãy hoa để chọn lựa. Ôi, sao mà hoa nào cũng đẹp, cũng xinh, hoa nào cũng có tiếng nói thì thầm yêu thương gởi vào lòng người làm cho ta mê đắm chỉ muốn mua hết về nhà...

Cuối cùng chị Bông cũng chỉ mua hoa hồng đỏ, thứ mà chị yêu thích rồi quành ra chỗ bong bóng chị kéo xuống không phải chỉ một bóng, một trái tim mà cả ba bốn trái tim đáng yêu.

Chị buộc dây bóng bóng vào xe chợ cho nó khỏi bay với bó hoa hồng đỏ để bên cạnh và đi đến chỗ quầy rượu nơi có bán các loai Margarita Cocktail của Mexico, vừa rẻ vừa ngon với đủ mùi vị trái cây của dâu, đào, cam chanh… Chỉ nhìn màu sắc đã thấy ngọt môi rồi. Chị chọn mua một chai màu chanh.

Chốc nữa đi chợ về chị sẽ làm vài món gì đó để ăn mừng ngày lễ tình yêu như thiên hạ... Anh Bông chơi cờ xong trở về nhà sẽ được chị đón mừng bằng tình cảm yêu thương, lời nói dịu ngọt và bằng hoa bánh với một bữa ăn ngon. Cũng là cách chị “tạ lỗi” đã nhiều lần ăn nói gắt gỏng cau có với chồng. Nhất định ngày này chị sẽ hiền hòa dễ thương như thuở ban đầu anh đã từng yêu mến...

Đúng như chị Bông dự tính chị vừa nấu nướng xong thì anh Bông về đến, nghe tiếng chìa khóa chạm vào cửa là chị vội chạy ra nghinh đón với một nụ cười và giọng nói ngọt ngào líu lo:

- Anh đi chơi cờ về đấy hả anh...

Anh Bông quá ngạc nhiên:

- Lần đầu tiên tôi thấy bà ăn nói tử tế, chào hỏi âu yếm, tôi tưởng mình… vào lộn nhà ai chứ.

Chị Bông trìu mến cầm tay anh:

- Vẫn là em chứ ai. Mời anh vào nhà...

Nhưng anh vội rụt tay lại:

- Khoan đã , tôi có… quà cho bà.

- Bộ hôm nay anh ăn cờ tướng và mua quà vặt cho em như mọi lần hả? cái bánh bò, bánh tiêu hay vỉ bánh tầm khoai mì mua trong chợ?

Anh Bông đính chánh:

- Tôi nghe lời bà chiều nào đánh cờ xong cũng mua ủng hộ tiệm food to go luôn ế ẩm tội nghiệp ấy mang về nhà làm quà cho bà. Nhưng hôm nay thì khác, đợi đấy, tôi muốn bà bất ngờ.

Anh ra xe và mang vào nhà món quà. Anh Bông rộn rã:

- Chúc mừng Valentine.

Chị Bông kinh ngạc đến sững sờ kêu lên:

- Ủa… hoa hồng đỏ và bóng bóng trái tim.

Nhìn những thứ này chị biết ngay món hàng từ trong chợ Kroger. Hai vợ chồng bỗng dưng cùng ý nghĩ, cùng nổi hứng mua quà Valentine, cùng đi một chợ mà không đụng mặt nhau. Chị tò mò:

- Anh đi chợ Kroger hồi nào?

- Mới lúc nãy nè, không phải tiền tôi thắng cờ tướng như bà chọc quê đâu, mà trái lại hôm nay tôi thua đậm, đánh ván nào thua ván đấy.

- Và anh… buồn quá ghé vào chợ Kroger ngắm hoa, mua hoa giải sầu hả?

- Thua vài ván cờ tướng với mấy ông lãnh tiền hưu ba cọc ba đồng chứ có thua tiền muôn bạc vạn ở Casino đâu mà buồn. Đang chơi cờ tôi chợt nhớ ra tiệm thuốc tây trong Kroger mấy lần gọi tôi đến refill thuốc cao mỡ cao máu nên tôi đến lấy vì cũng hết thuốc để uống rồi.

- Thì ra thế…

Anh Bông tiếp:

- Vào chợ thấy người ta rần rần mua sắm hoa quả bánh trái cho ngày lễ tình yêu tôi… chợt chạnh lòng và nhớ ra đã lâu lắm tôi chưa mua hoa tặng bà. Biết bà thích hoa hồng đỏ và bong bóng hình trái tim nên tôi mua ngay.

May quá anh Bông vẫn nhớ sở thích của chị, chị Bông cảm động ôm bó hoa hồng đỏ và chùm bong bóng trong tay chưa biết nói lời nào cho đẹp lòng anh thì anh Bông đã nhìn thấy bình hoa hồng đỏ để giữa bàn và bóng bóng của chị mua đang tung tăng lơ lửng nhởn nhơ bay quanh phòng khách.

- Ủa... ủa... bà cũng mua hoa hồng đỏ và bong bóng trái tim hả?

- Em cũng… chợt nhớ và chợt chạnh lòng như anh vậy đó.

Anh Bông bật cười:

- Tôi với bà luôn khắc khẩu trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Thì ra hai đường thẳng song song cũng có lúc…

cong queo và gặp nhau đấy nhỉ...

Chị Bông lườm chồng, tiếc rẻ:

- Nếu biết hôm nay anh mua quà Valentine thì em đã… không mua rồi. Khi không nhà mình có nhiều hoa, nhiều bong bóng thế này thật lãng phí…

-

Anh Bông gạt phăng:

- Bà đừng nổi máu hà tiện, tôi với bà lại… khắc khẩu bây giờ. Coi như ngày lễ tình yêu năm nay vợ chồng mình chơi sang, tôi với bà cùng bỏ qua những bất đồng trong năm để nhà cửa trong ấm ngoài êm mãi nhé.

-

Chị Bông hoan hỉ:

- Em đồng ý. Chúc mừng Valentine hai chúng ta. Em đã chuẩn bị một bữa ăn mừng Valentine nè. Mời anh...

Anh Bông hả hê:

- Hôm nay tuy đánh cờ thua nhưng tôi được hưởng một ngày lễ tình yêu bất ngờ và quá lớn. Nhưng…

- Lại còn “nhưng” cái gì nữa anh? Bữa ăn sẵn sàng rồi...

Anh Bông năn nỉ:

- Nhưng… ngày mai tôi lại đi đánh cờ tiếp để… gỡ lại mấy ván thua hôm nay. Nhân danh ngày lễ tình yêu vui vẻ của chúng ta bà cho tôi đi chơi thoải mái, đừng cằn nhằn tôi nhé. Mỗi người có một thú vui riêng, tôi chỉ mê môn đánh cờ, đấu trí thấp cao, không xài hoang phí tiền bạc, không làm tan nhà nát cửa như những đam mê khác. Bà đồng ý chứ???

-

Chị Bông nũng nịu trách cho đúng nghĩa ngày lễ tình yêu:

- Gớm… anh thương mấy quân cờ “tướng sĩ tượng xe pháo mã…” hơn cả em nữa đấy…!!!



Mẹ... Đừng Yêu Con Quá


Long vừa từ cuộc hẹn với Ngọc Ngà, người vợ sắp cưới trở về nhà, lòng chàng vui vui vì bước đầu gặp thuận lợi. Ngọc Ngà đồng ý đám cưới xong sẽ ở chung với mẹ chồng một thời gian đầu cho phải phép vì Long là con một, sau đó ngày rộng tháng dài hai vợ chồng sẽ mua nhà ở riêng, Ngọc Ngà thích xây dựng một tổ ấm riêng của mình dù nó to nhỏ thế nào nàng cũng vui.

Về nhà Long lên tiếng ngay với mẹ:

- Mẹ ơi, con vừa đi gặp Ngọc Ngà, chúng con bàn về đám cưới…

- Ngày giờ đã định xong hết rồi, còn gì nữa mà bàn hả con?

Long hí hửng:

- Là cưới xong chúng con sẽ ở chung với mẹ đó.

Long tưởng mẹ sẽ vui mừng như mình nhưng bà thản nhiên:

- Tất nhiên rồi, nhà này của con, con không ở thì ai vào đây mà ở chứ.

Long cụt hứng, chẳng lẽ chàng kể công với mẹ là con đã mất bao lời dịu dàng phân bày và cả năn nỉ Ngọc Ngà mới thông cảm đồng ý ở chung. Thời đại này, nhất là ở Mỹ cuộc sống riêng tư là hàng đầu, có nàng dâu nào muốn ở chung với nhà chồng, với mẹ chồng đâu.

Chàng hãnh diện khoe:

- Mẹ sẽ có nàng dâu quý Ngọc Ngà, con cưng cành vàng lá ngọc của nhà người ta về nhà mình…

Mẹ chàng vẫn thản nhiên và cũng hãnh diện:

- Con cũng là kim cương hột soàn của mẹ chứ thua kém gì. Trên thế giới có những viên kim cương nổi danh, vô giá. Con của mẹ cũng vô giá...

Long quen được mẹ yêu mà vẫn cảm động:

- Thế thì mẹ sẽ có cả hai thứ quý trong nhà, con dâu và con trai của mẹ.

Gia đình đến Mỹ được khoảng tám năm thì cha Long qua đời khi Long mới 12 tuổi, mẹ chàng làm công nhân trong một hãng xưởng. Mẹ luôn thương yêu và khuyên nhủ Long hãy ngoan và chăm chỉ học hành.

Mẹ sống rất tằn tiện để tiếp tục trả góp căn nhà cũ rẻ tiền đang ở và nuôi con tới khi khôn lớn.

Mỗi khi nghĩ về mẹ Long đều ngạc nhiên, thấy mẹ thật tài giỏi, thật tuyệt vời, một phụ nữ nhà quê trình độ học vấn thấp, mẹ tự xông xáo tìm việc làm chỗ này chỗ kia mà toàn là hãng xưởng Mỹ (mẹ bảo làm hãng Mỹ giờ giấc và quyền lợi đàng hoàng). Khi bị lay off mẹ đang được hưởng tiền thất nghiệp mà luôn nhấp nhỏm như người ngồi trên đống lửa, lo tìm việc tứ tung. Nếu nhân viên sở an sinh xã hội để ý nhìn vào giấy khai thuế hàng năm của mẹ chắc phải khen thầm bà này chăm chỉ làm việc hết mình.

Dù khi xin việc hay khi ra ngoài xã hội có vốn liếng mấy chữ tiếng Anh mà mẹ cũng đều xong việc, chẳng biết mẹ đã nói tiếng Anh thế nào mà họ hiểu được. Thỉnh thoảng mẹ mới cần nhờ đến Long giúp đỡ.

Long đã học xong kỹ sư và đi làm vài năm, có chút tiền trong tay mới dám tính tới chuyện cưới vợ.

Ngọc Ngà cũng tốt nghiệp đại học, nàng đang làm việc cho một công ty trong cùng thành phố.

****************

Căn nhà nhỏ rất cũ, rộng chỉ 1,350 Sq ft.. Ngày dâu về ở chung mẹ chồng đã hớn hở giới thiệu với con dâu và vẽ ra một tương lai đầm ấm:

- Nhà có những 3 phòng, mẹ ở một, còn 2 phòng tha hồ cho hai con xử dụng, đẻ một hai đứa con ở cũng vừa, nếu đẻ nhiều hơn thì mẹ ngủ chung với cháu hay ngủ ngoài phòng khách cũng được. Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu, miễn là tiết kiệm tiền các con ạ.

Ngọc Ngà đã thở dài nói riêng với chồng:

- Thời nay căn nhà nhỏ cũng từ 2,000 Sq ft. trở lên, căn nhà của mẹ vừa cũ vừa nhỏ mà mẹ tính chuyện lâu dài chúng ta sẽ ở đây tới khi sinh vài đứa con ư?

Long dỗ dành vợ:

- Thì mình cứ tới đâu hay tới đấy, cuộc sống luôn có những thay đổi mà em.

Ngày dầu tiên người mẹ đã nghiêm chỉnh nói với hai con:

- Kê từ hôm nay gia đình chúng ta có 3 người, hai con đi làm tiền bạc để riêng dành dụm mai này lo cho con cái, mọi sinh hoạt trong cuộc sống mẹ… bao hết.

Ngọc Ngà ngạc nhiên kêu lên:

- Chúng con phải đóng góp phần mình cho công bằng chứ.

Long dãy nảy lên:

- Kìa mẹ, đừng lo toan như con vẫn là thằng bé 12 tuổi của mẹ ngày xưa.

Người mẹ dõng dạc:

- Mặc kệ con bao nhiêu tuổi, hai con làm bao nhiêu tiền. Mẹ 50 tuổi chưa già, vẫn đi làm ra tiền, căn nhà này đã trả xong, tiền mẹ làm ra để lo cho các con chứ cho ai? Bao giờ mẹ già yếu hay không đi làm được nữa hãy tính.

Cả nhà cùng rời nhà đi làm buổi sáng, chiều người mẹ về sớm nhất vì chỗ làm gần nhà. (Xin việc làm bà luôn “ưu tiên” hãng nào địa chỉ, zip code gần nhà mới nộp đơn. Nơi quá xa bà miễn dòm ngó vì lẽ bà không dám lái xe đường xa.)

Bà lo bữa cơm chiều xong hai con mới về đến, con dâu chỉ việc dọn dẹp bếp và rửa chén bát khi ăn cơm xong.

Những món ăn mẹ chồng nấu quanh quẩn rau luộc hay rau nấu canh tôm khô, giá rau rẻ theo mùa, thịt kho trứng, cá kho, tôm rim… món nào cũng mặn đối với Ngọc Ngà, nàng chẳng dám kêu ca và luôn tự nhủ “Hãy cố chịu đựng chỉ một thời gian ngắn thôi mà”.

Nàng ngạc nhiên thấy mẹ chồng tự làm đủ thứ, cuối tuần bà hì hục xay thịt heo làm giò, hay xay cá làm chả cá, bà còn biết tráng bánh cuốn bằng chảo không dính, làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện.

Thì ra bà học làm những món này trên youtube, có khi tới khuya còn thấy bà ngồi ngoài phòng khách xem youtube trên ti vi, chắc đang say mê nghiền ngẫm một món ăn mới.

Những món mẹ chồng làm không ngon bằng chợ, bà biết thế nên đã từng phân bua với hai con:

- Tuy mẹ làm không ngon, không hoàn hảo, nhưng bảo đảm vệ sinh an toàn sức khỏe, không dùng hàn the bột ngọt bột nổi và nhất là tiết kiệm tiền. Tội gì để nhà hàng để chợ búa ăn lời khi mình có thể làm được.

Thế là mỗi cuối tuần để vui lòng mẹ, vợ chồng Long phải ăn ở nhà do mẹ đảm đang trổ tài và tiết kiệm ngân quỹ gia đình.

Hôm thì mẹ nấu phở, nấu bún riêu, bún măng, có khi đổi món ăn bánh xèo, bánh cuốn, ăn xôi khúc, xôi vò... đủ cả. Sợ con chưa vừa ý bà còn bảo:

- Hai đứa thích ăn món gì khác thì cứ… order mẹ làm cho, một buổi tối mẹ lên youtube là biết làm ngay.

Ngọc Ngà than thở với chồng:

- Thế này thì mình không có cơ hội bước chân ra hàng quán nữa. Nói anh đừng buồn nhé, những món ăn một buổi tối xem youtube của mẹ thì làm sao ngon cho được, chúng ta thỉnh thoảng phải ăn những món… dở dở ương ương.

Long chỉ biết bào chữa cho mẹ mình:

- Anh biết thế, nhưng được cái mẹ nấu nướng với… tất cả tấm lòng.

Một buổi sáng thứ bảy Ngọc Ngà thức dậy sớm, nàng muốn giúp mẹ chồng dọn dẹp cho sạch cái tủ lạnh mà mẹ đã chất chồng và nhồi nhét đủ thứ trong tất cả các ngăn mát vì mỗi lần nàng mở tủ lạnh cần tìm món gì thì gặp bao nhiêu là chướng ngại vật.

Nàng lôi ra mấy cái hộp nhỏ, hộp đưng tí cá kho không biết của tuần lễ nào còn dư lại, hộp khác đựng vài con tôm, đựng tí nước tương ăn dở dang, mẩu chanh héo vàng, bó xả còn mấy cọng xơ xác, nửa củ hành tây, nửa qủa ớt, nửa qủa dưa leo... Tội nghiệp những “một nửa” này, mẹ giam giữ chúng bơ vơ trong tủ lâu ngày và dường như đã quên mất sự hiện diện của chúng.

Ngọc Ngà thẳng tay vứt bỏ tất cả vào thùng rác, nàng lau chùi lại các ngăn tủ lạnh thoáng mát cho sạch sẽ, chốc thể nào mẹ chồng cũng hài lòng.

Nhưng không, Ngọc Ngà ở trong phòng đã nghe tiếng bà thảng thốt la toáng lên:

- Ối giời ôi… con ôi là con ôi... Sao lại vứt bỏ hết các thứ mẹ đã cất để dành trong tủ lạnh rồi.

Ngọc Ngà chạy ra bếp:

- Có những thứ lặt vặt mẹ để quên trong tủ lạnh lâu quá con mới vứt bỏ thôi.

- Ai bảo con là mẹ quên, con có muốn mẹ nhắc lại các thứ mà con đã đang tay vứt bỏ đi không, hả?

- Những thứ ấy có đáng gì đâu mẹ.

Người mẹ tự ái lên, đay nghiến:

- Phải, với con thì chúng không đáng gì, nhưng với mẹ tất cả đều là tiền, mẹ chắt chiu tiết kiệm như thế bao lâu nay nuôi chồng con ăn học nên người đấy.

Bà cụ thể hơn:

- Quả chanh quả ớt không đáng gì nhưng con có thể mang ra khỏi chợ một quả ớt, một qủa chanh khi chưa trả tiền không?

Ngọc Ngà chạy vào phòng và bật khóc tức tưởi. Long đã chứng kiến tất cả, chàng thương vợ nhiệt tình muốn lấy lòng mẹ chồng lại bị tổn thương, nhìn nét mặt còn giận dữ của mẹ Long như đứng giữa ngã ba đường.

Làm sao Ngọc Ngà hiểu nổi cách mẹ chàng đã sống và tiết kiệm, mỗi khi thịt cá, rau quả sale rẻ mẹ mua chất đầy trong tủ lạnh dù nhu cầu chưa cần đến. Những hộp, những chai lọ không bao giờ mẹ vứt bỏ mà cất đi để dùng lại khi cần đựng chút gì là mẹ có ngay hộp hay lọ đúng kích cỡ, tiện lợi vô cùng. Những bao bịch đi chợ về mẹ dùng đựng rác cũng đủ, có bao giờ mẹ phải mua bao rác đúng kiểu của nó đâu.

Đám mây mờ nào trên bầu trời rồi cũng tan đi, mẹ chồng nàng dâu lại bình thường như cũ, nhất là khi Ngọc Ngà báo tin mang thai, mẹ chồng vui mừng chăm sóc con dâu.

Bà nấu những món ăn có lợi cho thai phụ và baby, bà dặn dò con dâu phải biết nghỉ ngơi và đi đứng cẩn thận cho khỏi vấp ngã.

Bà xôn xao dự tính làm như chính bà sắp đi đẻ, để dành vacation cả năm, bà sẽ có 3 tuần lễ ở nhà chăm sóc con dâu và cháu nội. Hơn thế nữa bà sẽ xin đổi làm ca chiều thay vì ca sáng để chăm sóc cháu nội cho tới khi bố hay mẹ nó đi làm về. Thế là đứa bé luôn được ấp ủ trong vòng tay người thân, khỏi phải đi gởi trẻ và lại… tiết kiệm được bộn tiền.

Cháu nội trai của bà đã ra đời, tên Mỹ trong giấy tờ bà không biết thế nào là hay nên vợ chồng Long toàn quyền đặt theo ý mình, còn tên Việt Nam ở nhà bà gọi nó là Cu Tèo như bố nó ngày xưa là Cu Tí.

Bà gần gũi cháu và thương yêu nó như ngày xưa đã thương yêu cha nó. Cu Tèo là hình ảnh cu Tí ngày xưa của bà.

Bà luôn bồng bế cháu, nựng nịu cháu, nó khóc một chút là bà xót xa dỗ dành, lấy bình sữa cho cháu bú bất kể lúc nào, bà sợ cháu đói, cháu “khổ”.

Vợ chồng Long sốt ruột, họ muốn nuôi con theo kiểu khác, không chiều chuộng quá đáng, không cho bé quen hơi vòi vĩnh.

Mẹ chồng luôn mang kiến thức, kinh nghiệm mấy chục năm về trước của bà nội, bà ngoại hay bà cố nào đó để chỉ bảo con dâu nên mẹ và con dâu thường xuyên có những bất đồng.

Ngọc Ngà mấy lần vùng vằng đòi chồng ra ở riêng, chàng luôn đứng về những lý lẽ chính đáng của vợ, mẹ đã bao che cho gia đình này kỹ quá, vợ chồng Long không thể tự lập sống theo ý mình, kể cả việc nuôi đứa con mình sinh đẻ ra.

Có một người bạn của Long, bà nội ở nhà chăm sóc cháu mới hơn 1 tuổi, bà vừa bế cháu vừa ăn đậu phộng rang, thằng bé chẳng biết gì cũng với tay đòi ăn, bà cưng chiều cháu liền đút cho nó một hai hột đậu phộng, thằng bé đã phải đi cấp cứu trong tình trạng khó thở ho sặc sụa vì mắc kẹt hột đậu phộng trong họng.

Long tưởng tượng ra nét mặt kinh ngạc và thất vọng của mẹ, lẻ loi và cô đơn của mẹ trong căn nhà này nếu Long nói lời ra riêng nên chưa dám nói.

Người mẹ quá thương yêu con, đứa con trai duy nhất mồ côi cha lúc còn bé, bao nhiêu tình thương yêu trên cuộc đời này mẹ đã dành hết cho chàng. Đôi lúc Long lại… trách mẹ, giá ngày xưa góa bụa ở tuổi còn trẻ mới ngoài 30 mẹ đừng ở vậy nuôi con, mẹ cứ tái giá ngay lập tức, sinh liên tiếp vài đứa con nữa và… bớt thương chàng đi một chút có lẽ chàng không lâm vào cảnh khó xử như ngày nay.

Cuối tuần này mẹ chồng than nhức đầu, Ngọc Ngà không bỏ lỡ cơ hội, nàng nói với mẹ chồng:

- Mẹ uống thuốc rồi nghỉ ngơi cho khỏe. Trưa nay mẹ đừng nấu nướng gì nhé, để con lo...

Hai vợ chồng cùng baby ra phố, sau khi mua sắm và đi chợ, vợ chồng Long ghé vào nhà hàng. Thỉnh thoảng lại được ăn những món ngon đúng ý mình thật tuyệt vời, chỉ là món bình thường, tô phở tái nạm gầu gân sách mà Long biết chẳng bao giờ mẹ chàng có thể nấu ngon bằng dù bà cố bắt chước mua đủ thứ như nhà hàng đã làm.

Ngọc Ngà ăn dĩa bánh cuốn nóng sao mà ngon thế, miếng bánh cuốn vừa mỏng vừa dai, miếng chả quế vừa béo vừa thơm. Ở nhà mẹ chồng tráng bánh cuốn chảo cũng nóng đấy nhưng bột bánh không dai, có giò chả đấy nhưng làm tại nhà chưa đạt tiêu chuẩn. Tổng hợp lại là một đĩa bánh cuốn kém chất lượng mà vẫn phải ăn.

Ăn xong Ngọc Ngà order hộp cơm tấm sườn bì chả kèm theo ly chè sương sa hột lựu mang về cho mẹ. Hi vọng về nhà mẹ đã đỡ mệt và ăn ngon lành hai thứ này.

Quả thật mẹ chồng đã khỏe lại, bà ngồi lù lù nơi bàn có vẻ như đang chờ đợi vợ chồng Long về. Vừa thấy mặt là người mẹ trách mắng:

- Sao hai con không để cu Tèo ở nhà với mẹ, đày đọa nó ra ngoài đường nắng gió thế…

Long nói với mẹ:

- Chúng con muốn mẹ nghỉ ngơi nên mang cu Tèo đi chợ luôn, Ngọc Ngà đã mua đầy đủ rau ria cá thịt như mẹ đã từng mua.

Bà bắt bẻ:

- Nhưng hai con đi những chợ nào? Con có biết là cùng một món đồ mà mỗi chợ bán một giá khác nhau và chúng ta có thể tiết kiệm được vài đồng dễ dàng không?

Rồi bà kể kinh nghiệm… ngày xưa:

- Lúc còn ở Việt Nam mẹ đi chợ biết trả giá, kỳ kèo thêm một bớt hai nên luôn mua được giá rẻ.

Liếc nhìn hộp cơm tấm và ly chè sương sa của mình với ánh mắt… lạnh lùng, người mẹ xót xa:

- Hai món này mẹ làm ở nhà được mà, youtube chỉ dẫn hàng đống kìa. Ly chè sương sa giá “cắt cổ” những $4.99.

Long khoe:

- Nhưng là món ngon mẹ thích do Ngọc Ngà chọn mua cho mẹ đấy, ai cũng làm ở nhà như mẹ thì hàng quán dẹp tiệm cho rồi.

Người mẹ lại tự ái lên:

- Con còn cố cãi mẹ à? Đáng lẽ con phải nhắc nhở vợ lần sau đừng phung phí như thế chứ.

Ngọc Ngà xụ mặt xuống và đi về phòng, cả buổi sáng vui vẻ bỗng tan biến mất khi về đến nhà.

Mẹ chẳng hài lòng, vợ thì giận dỗi, Long bực bội thốt lên:

- Mẹ quá đáng lắm, cũng phải để chúng con sống theo ý mình chứ.

Người mẹ sững sờ nhìn con trai trong vài giây và cay đắng:

- À thì ra bấy lâu nay công tôi thương yêu lo lắng vun xới cho cái nhà này là làm phiền con mình đấy.

Lần này Ngọc Ngà nhất định đòi ra ở riêng. Long cũng xiêu lòng theo, mẹ chàng vẫn còn trẻ và còn sức khỏe để sống một mình. Bao giờ mẹ già thì vợ chồng con cái chàng lại về sống chung để lo cho mẹ. Bây giờ chàng phải sống cho chính mình, cho gia đình riêng bé nhỏ của mình và tránh những xung đột, những sứt mẻ tình cảm mẹ chồng nàng dâu có thể xảy ra trong tương lai.

Vài hôm sau Long nói với mẹ quyết định dọn nhà, người mẹ đã ràn rụa nước mắt:

- Nhà này của các con, còn đi đâu nữa?

Nhìn mẹ chồng khóc Ngọc Ngà chạnh lòng, năn nỉ:

- Mẹ ơi, chúng con chỉ muốn tự lập cho quen, dù ở đâu chúng con vẫn là con là cháu của mẹ.

Ngọc Ngà nhất định chọn thuê căn apartment ở thành phố lân cận, chỗ làm ở giữa nhà cũ và nơi ở mới, thời gian đến chỗ làm không thay đổi nhưng từ nhà cũ đến apartment phải mất 1 giờ xe. Nàng biết bà mẹ chồng không dám lái xe đi xa, lại là đến thành phố lạ.

Ngọc Ngà nói cho chồng hiểu:

- Không phải em muốn kẻ đầu sông người cuối sông, nếu ở gần, mẹ thương con nhớ cháu ngày nào cũng đến thăm thì cũng như không, chẳng thay đổi được gì. Chúng ta sẽ chủ động về thăm mẹ khi muốn, chắc chắn là mẹ buồn nhưng mẹ sẽ quen thôi, cũng như cha mẹ em sống ở tiểu bang khác cả năm mới gặp chúng ta một hai lần có sao đâu.

Ngày vợ chồng Long dọn đồ đạc đi, người mẹ cố níu kéo bồng bế cháu nội đến giây phút chia tay, Long phải hết lời hứa hẹn và an ủi mẹ mới cất bước nổi ra xe về nơi kia.

*******

Được sống riêng theo ý mình thật là tuyệt vời, Ngọc Ngà quên những lời mẹ chồng luôn dặn dò chắc nịch như đinh đóng vào cột:

- Chớ bao giờ mua những thứ vô bổ không thiết thực trong đời sống con nhé. Thí dụ như những bức tranh vô giá của danh họa Picasso cho dù có… onsale đại hạ giá rẻ bèo cũng chẳng nghĩa lý gì đối với chúng ta. Muốn treo tranh con cứ treo hình thằng cu Tèo nhà mình là đẹp nhất.

- Chớ bao giờ mua những rau quả trái mùa con nhé. Hãy nhịn đến giữa mùa giá rẻ tha hồ ăn.

Rau muống trái mùa những $3.99 một pound nàng vẫn mua về, chỉ nhặt lấy ngọn rau cho mềm để xào tỏi. Ôi nếu mẹ chồng mà nhìn thấy những cọng rau muống đắt giá này bị nàng bỏ đi chắc chắn bà sẽ đau lòng lắm.

Nhãn tươi Florida, Hawaii đầu mùa $6.99 một pound nàng mua về mấy pound ăn chơi. Bà biết sẽ đau ruột lắm...

Cuối tuần vợ chồng nàng đi phố và ăn tiệm, chẳng tội tình gì nàng phải chui vào bếp nấu nướng trong hai ngày nghỉ cuối tuần.

Ngọc Ngà thấy mình hạnh phúc hoàn hảo nếu không có chuyện gởi cu Tèo cho day care, buổi sáng vợ chồng nàng phải dậy sớm sửa soạn cho con và mang nó đến đó . Buổi chiều cũng vội vã đến day care đón con cho đúng giờ. Hôm nào kẹt xe bụng dạ càng sốt ruột lo âu.

Cu Tèo mới về nơi ở mới vài tháng mà nó cũng hao người đi vì “vất vả” như bố mẹ, sáng nó đang ngủ ngon lành bị mẹ đánh thức dậy “bắt” bú sữa, Ngọc Ngà cho con bú no mới yên tâm chứ trông đợi gì cô nhà trẻ, rồi thay tã lót, thay áo quần và ra ngoài đường phố bất kể sớm mai ấy gió lạnh hay mưa sa.

Chiều Cu Tèo cũng bị cô nhà trẻ bế thốc lên khi đang say sưa ngủ để giao trả cho bố mẹ.

Sau mấy tháng ở riêng vợ chồng cùng tổng kết, được sống theo ý mình thích thật đấy nhưng thêm bận rộn lại hao tốn bộn tiền, nào tiền thuê nhà, tiền gởi trẻ, tiền ăn uống, chợ búa. Muốn mua nhà phải để dành thêm một thời gian nữa mới có tiền pay down kha khá.

Chiều nay về đến nhà Ngọc Ngà lao vào bếp lo cơm nước như mọi ngày, con khóc đói sữa cũng chưa có ngay như bà nội nó phục vụ hầu hạ hôm nào.

Long phải thốt lên:

- Hồi ở với bà nội cu Tèo sung sướng bao nhiêu. Chúng ta đi làm về cơm nước mẹ nấu sẵn, chúng ta chỉ việc thảnh thơi chăm lo cho con.

Ngọc Ngà ỉu xìu:

- Em biết rồi, thế mà trước khi lấy chồng em không hề muốn ở chung, giờ em mới hiểu ở chung với cha mẹ con cháu được đỡ đần biết bao nhiêu, nhất là người thương con thương cháu quá nhiệt tình như mẹ anh. Tâm hồn em cũng đang… giằng co đây, nhưng được cái này thì phải mất cái kia thôi, chả lẽ lại quay về với mẹ? kịch bản cũ tái diễn chán lắm, mà anh đừng ngồi đấy than thở nữa, pha sữa cho con đi...

Long bối rối:

- Mấy thìa sữa, mấy nước hả em?

Ngọc Ngà gắt gỏng:

- Ngày nào anh cũng pha sữa cho con mà còn hỏi là thế nào?

- Nó gào khóc, em hối thúc càng làm anh sốt ruột và quên hết…

Trong nhà đang ầm ĩ tiếng cu Tèo khóc, tiếng Long lẩm bẩm thở than và cả tiếng dao thớt khua thì bên ngoài bỗng có tiếng gõ cửa đồng thời với tiếng chuông cửa không ngừng nghỉ. Ngọc Ngà phán đoán:

- Giờ này chỉ mấy đứa đi phát tờ giấy quảng cáo cho nhà hàng hay bảo hiểm nhà xe, anh khỏi cần mở cửa.

- Anh cũng đoán thế, mà anh có ba đầu sáu tay đâu vừa pha sữa cho con vừa ra mở cửa cho họ được .

Tiếng gõ cửa càng dồn dập, tiếng chuông cửa càng dai dẳng hối thúc, Long quăng mọi thứ trên bàn ra mở cửa để cho kẻ phá rối một bài học, nhưng chàng há hốc miệng ngạc nhiên mãi mới kêu lên:

- Mẹ... thì ra… là mẹ…

- Phải, mẹ đây.

Bà bước vào nhà, một cái liếc mắt rảo quanh là bà biết việc gì cần làm. Bà bế ngay thằng cu Tèo dỗ cho nó nín khóc, một tay bế cháu một tay bà pha bình sữa chỉ trong chớp mắt là xong trong khi Long vẫn ngẩn ngơ tự hỏi làm cách nào mẹ chàng… dám lái xe đường xa đến thành phố lạ này???

Cho cháu bú bình sữa, người mẹ thong thả bảo hai con:

- Hai đứa đừng ngạc nhiên đứng sững như trồng cây chuối thế. Các con tưởng “ngăn sông cách chợ” thế này là mẹ chịu thua không đi thăm con cháu được hả. Mẹ tìm bản đồ trên iphone để lái xe đến đây, mẹ nấu đồ ăn theo youtube dở thì mẹ nấu lại, mẹ đi đường theo bản đồ chỉ dẫn, đi sai thì mẹ đi lại cũng sẽ đến nơi. Cánh cửa nào nỡ khép khi ta quyết tâm đi đến hả con.

Ngoc Ngà cảm động lí nhí:

- Cám ơn mẹ đã đến thăm chúng con.

Long ngợi khen:

- Con từng thán phục mẹ không biết nhiều tiếng Anh mà vẫn nói được tiếng Anh cho thiên hạ hiểu, hôm nay mẹ thêm tài không biết đi đường xa mà vẫn đến một thành phố lạ, đến nhà chúng con được. Mẹ có… bí quyết gì?

- Ối giời, mẹ nói tiếng Anh phải phụ họa khua chân múa tay, “vũ điệu” ngắn dài cho tới khi nào người ta hiểu mới thôi chứ có bí quyết gì đâu… Còn hôm nay lái xe đường xa, con có biết là trên highway mẹ đã đi lộn mấy exit không? vòng mấy lượt U turn không ? chỉ vì không nghe kịp lời chỉ dẫn. Vào thành phố mẹ căng thẳng suýt vượt đèn đỏ mấy lần không? Lái xe loạng quạng vì mải tìm tên đường bị người ta bấm còi xe inh ỏi làm mẹ hết hồn mấy phen không? Nhưng nghĩ đến thằng cu Tèo mẹ lại tỉnh người ra...

Mẹ ngọt ngào tiếp:

- Mẹ không chỉ đến thăm mà còn bàn với hai con chuyện nhà mình. Suốt mấy tháng các con dọn đi mẹ buồn lắm, mẹ đã hiểu ra thương yêu và lo lắng cho con cháu nhiều quá đôi lúc cũng xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Long đã nói đúng, mẹ cám ơn con.

Long ân hận:

- Mẹ ơi con đã lỡ lời.

- Để mẹ nói tiếp, mẹ muốn các con lại về với mẹ. Từ hôm nay mẹ sẽ sống khác, hai con cứ sống theo cách của mình, đường đời còn lại của mẹ đi cùng hai con thôi.

Ngọc Ngà cảm động đến long lanh giọt lệ:

- Chúng con cũng đang tự trách mình đã dọn ra riêng, chúng con muốn về với mẹ cho cu Tèo được bà nội phụ tay chăm sóc.

- Còn điều này nữa, căn nhà của chúng ta đã quá cũ, ngày đó bố mẹ mới qua Mỹ vài năm, đồng tiền eo hẹp nên chọn mua nhà vừa nhỏ vừa cũ cho rẻ tiền. Hôm nay đã khác, chúng ta sẽ bán căn nhà ấy đi và mua căn mới rộng rãi hơn cho thoải mái hai con ạ. Nãy đi trên highway mẹ thấy bảng cắm nhiều builder nổi tiếng, kiểu nhà đẹp lắm, các con hãy đến xem và chọn căn nào thích nhất. Mẹ còn đi làm, sẽ phụ các con tiền trả mortgage hàng tháng, mẹ quyết không để nhà băng ăn lời chúng ta dài hạn đâu.

Ngọc Ngà tế nhị:

- Ngày nào trên đường đi làm con cũng thấy những căn nhà mơ ước ấy, mẹ sẽ giúp chúng con tìm được căn nhà cho gia đình chúng ta mẹ nhé. Con cám ơn mẹ nhiều lắm.

Long hào hứng:

- Phải nhờ mẹ… trả giá kỳ kèo bớt một thêm hai, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy chứ mấy tay bán nhà nhìn theo tâm lý người mua, chúng con không kinh nghiệm bằng mẹ đâu.

Thằng cu Tèo bú no nhoẻn cười nhìn bà nội. Ngọc Ngà đang nhanh tay nấu nướng cho kịp bữa cơm chiều ấm cúng.

Bà vừa hôn cháu vừa nói với hai con:

- Mẹ biết rằng mẹ sẽ đến được đây nhưng… không về được vì trời tối, lạ đường lạ phố, nên mẹ đã lên kế hoạch là tối nay mẹ ngủ lại với thằng cu Tèo, mẹ nhớ nó quá… cu Tèo ơi, cu Tèo của bà ơi…



Lộn Phòng

Tay xách nách mang tôi quàng giỏ vào vai, hai tay nâng niu bưng bình hoa hồng đỏ thắm bước vào cửa chính của bệnh viện, đứng xếp hàng sau ba người theo đúng luật của mùa Covid. Đến lượt, tôi khai:

- Tôi đến thăm bệnh nhân phòng 4103.

Anh nhân viên bệnh viện check nhiệt độ của tôi và hỏi vài câu liên quan đến an toàn Covid rồi ghi tên tôi, ghi số phòng 4103 vào cái Visitor band xong đeo vào cổ tay tôi và chỉ lối đến thang máy lên lầu 4.

Lòng tôi vui vui vì chốc nữa sẽ gặp người yêu của tôi. Anh nằm bệnh viện mấy ngày nay tôi mới có dịp đến thăm anh, mà lại đến bất ngờ chắc anh sẽ ngạc nhiên và vui lắm.

Tôi tìm dãy phòng và số phòng của anh không khó khăn gì. Đứng trước phòng số 4103 tôi sửa lại điệu bộ làm duyên làm dáng và chuẩn bị sẵn một nụ cười tươi như những đóa hồng này và đẩy cánh cửa bước vào. Thấy tấm màn che giường bệnh tôi kéo rẹt một cái cho anh nếu đang ngủ sẽ giật mình thức dậy và thấy tôi anh sẽ…. bàng hoàng tưởng trong mơ.

Nhưng tôi mới là kẻ…giật mình, nghe tiếng động mạnh một anh Mỹ đen to kềnh ngơ ngác nhìn tôi và cố ngồi nhỏm dậy. Tôi cũng ngơ ngác và bối rối:

- Tôi xin lỗi..đây là phòng 4103?

Bệnh nhân đáp:

- Phải, phòng 4103. Nhưng…. cô là ai ?

- Tôi cũng đang tự hỏi…anh là ai mà lại ở đây?. Để tôi xem lại..

Tôi mở túi lớn lục tìm, bới tung mọi thứ vẫn không ra mẩu giấy, lại mở cái bóp nhỏ lục lọi mới thấy mẩu giấy nhỏ gấp làm tư tôi đã ghi số phòng của anh mà người nhà anh đã cho tôi. Số phòng là 4301 Tôi quay ra vô cùng ngượng ngùng:

- Xin lỗi…xin lỗi…..tôi đã vào lộn phòng 4103 thay vì 4301.

Biết đã xong chuyện bệnh nhân từ từ nằm xuống, nhìn anh Mỹ đen to cao đang đau ốm mệt mỏi nằm truyền những ống dịch gì đó dây dợ đầy trên người tôi càng thấy mình có lỗi nhiều. May mà anh ta hiền lành và đang yếu ớt nằm trên giường bệnh với chùm dây dính trên người, nếu bình thường và gặp thứ dữ dằn thì anh ta đã…xông ra cho tôi ăn đòn vì cái tội xông xáo bất ngờ, bất lịch sự này rồi.

Tôi đã làm phiền mà anh ta không hề cau có nhăn nhó bực mình, vẫn cố gắng ngồi đối đáp nhã nhặn với tôi. Tôi cảm động quyết định nhanh chóng để bình hoa hồng đỏ trên chiếc bàn đầu giường của anh và rất chân thành:

- Bó hoa này tôi tặng anh và chúc anh hồi phục sớm .

Bệnh nhân có vẻ ngạc nhiên, tôi hiểu ý anh nói ngay:

- Không có hoa hôm nay nhưng tôi sẽ còn dịp khác thăm và tặng hoa cho người phòng 4301 của tôi. Anh nhận nhé, bó hoa này là của anh.

Anh ta mỉm cười, trong ánh mắt có niềm vui vì món quà tặng bất ngờ:

- Cám ơn cô.

……………………………………….

Dưới cổng chánh của bệnh viện cô Anna đang bước vào . Cô là visitor vài lần nên kinh nghiệm khai nhanh với nhân viên bệnh viện:

- Tôi là Anna, thăm Jacob bệnh nhân phòng 4103.

Nhân viên bệnh viện nhìn vào sổ và từ chối:

- Mỗi lần chỉ một người vào thăm, không tụ tập nhiều người trong phòng bệnh được. Cách đây vài phút có một cô đã ghi tên vào thăm phòng 4103 rồi.

Cô Anna ngạc nhiên:

- Anh nhìn lại sổ xem lầm lẫn gì không?

- Không, không có vẻ gì là lầm lẫn cả, cô ta mang theo một bình hoa hồng đỏ xinh đẹp mà khi tôi đeo cái visitor band ghi số phòng 4103 vào tay cô ấy tôi còn phải đỡ phụ bình hoa nữa mà.

Mặt biến sắc cô Anna hỏi lại:

- Cô gái với một bình hoa hồng đỏ đến thăm phòng 4103?

- Đúng thế. Nên cô phải chờ khi cô ta thăm xong sẽ đến lượt cô. Vì tình trạng dịch bệnh Covid đang gia tăng nên chúng tôi phải có luật lệ này.

Cô Anna cố giữ nét mặt bình tĩnh năn nỉ:

- Bệnh nhân phòng 4103 đang đợi tôi đến với món thịt bò hầm cho anh chiều nay để anh mau phục hồi sức khỏe. Tôi đoán là cô kia thăm cũng sắp xong rồi. Làm ơn, kẻo món súp bò của tôi nguội mất ngon.

Anh nhân viên động lòng:

- Thôi được, cô vào đi..

Anna tất tả đi ra khu thang máy. Cơn giận cô cố kìm nén bây giờ mới được dịp trào ra. Thì ra Jacob của cô đã thầm lén có một người tình, cô ta đã đến thăm Jacob. Hôm nay Anna đến đúng lúc sẽ nhìn mặt tình địch và lột mặt nạ giả dối của Jacob ra, kẻ từng nói yêu cô và sẽ cầu hôn cô nếu không vì tai nạn phải vào bệnh viện cả tuần nay.

Anna đẩy cửa phòng 4103 bước thẳng vào trong, thấy Jacob đang nằm và bình hoa hồng đỏ chình ình trên đầu giường đang nhìn Anna như khoe khoang và khiêu khích. Anna tức giận lớn tiếng:

- Anh vừa tiếp người tình bí mật của anh phải không? Cô ta biến đâu rồi?

- Em nói gì thế, anh đang nằm đợi em đây.

Anna quắc mắt chỉ thẳng tay vào bình hoa vô tội:

- Ở dưới cổng vào bệnh viện suýt nữa người ta không cho tôi vào vì đã có một cô mang hoa Hồng vào thăm phòng 4103, chứng cớ còn đây.

Nàng mở cái giỏ xách tay và lôi ra hộp bò hầm đậu còn nóng:

- Tôi sẽ đổ những thứ này vào thùng rác trước mặt anh đấy. Anh không xứng đáng nhận những công lao tâm tình này của tôi.

Jacob vội cản:

- Khoan..khoan Anna..Hãy bình tĩnh nghe anh giải thích.

Jacob nhanh chóng kể lại chuyện cô gái đi lộn phòng. Nghe xong Anna vẫn khăng khăng:

- Chuyện lộn phòng thì có, nhưng cô ta để lại bình hoa thì khó tin. Anh sáng tác kịch bản chưa hoàn hảo..

- Em yêu ơi. Cô ta muốn chứng tỏ đã biết lỗi và bó hoa là ý đẹp của cô ấy.

Nhưng Anna vẫn đi sồng sộc ra cửa. Jacob hốt hoảng hỏi với theo:

- Em đi đâu Anna?

- Tôi sẽ đến phòng 4301 nếu quả thực cô ta thăm bệnh thì vẫn còn ở đó, mà dù không còn, tôi cũng có cách hỏi cho ra lẽ..

************

Tôi kể cho anh nghe chuyện đi lộn phòng và xin lỗi anh bình hoa đã bất ngờ tặng cho người khác. Chàng trìu mến thông cảm:

- Em đến thăm anh đã là triệu đóa hoa Hồng rồi, anh cần gì một bình hoa.

Và chàng hù dọa:

- Chỉ sợ vợ con hay người yêu của anh ta lát nữa vào thăm sẽ nghi ngờ thắc mắc cô nào đã âu yếm tặng bình hoa hồng đỏ xinh đẹp này thôi. Em tặng hoa kiểu này có khi…mang họa cho người nhận đấy.

Vừa lúc có tiếng gõ cửa và Anna bước vào, thấy một cô gái trẻ đang ngồi chuyện trò thân mật với người bệnh trên giường. Anna hạ giọng thăm dò:

- Xin lỗi, tôi là Anna đã đường đột vào đây. Tôi muốn hỏi có phải cô là người đã đi lộn phòng 4103 lúc nãy ?

Tôi và chàng cùng nhìn nhau, cùng linh cảm sự việc “chẳng lành”, anh nói “linh” thật. Tôi bối rối chưa kịp đáp thì anh đã thay thế tôi:

- Vâng, đúng thế, người yêu của tôi vừa kể tôi nghe và đang xin lỗi tôi vì bình hoa đã để lại phòng 4103 tặng cho bệnh nhân ấy.

Bao nhiêu cơn giận của Anna trong giây phút này tan biến hết, Anna cảm thấy nhẹ lòng, cô bẻn lẻn và cảm kích đáp lời:

- Tôi đến đây để….để …nói lời cám ơn cô đã tặng hoa và chúc Jacob của tôi mau khỏe.

May quá, chàng nói thì cô Anna mới tin, chứ thái độ cô đến đây là biết vì ghen rồi, với gương mặt chẳng mấy hiền lành kia, với vóc dáng to cao kia thì không biết cô Anna sẽ nổi giận thế nào, chắc gì cô để yên cho tôi giải thích minh oan. Tôi vẫn chưa kịp nói gì Anna lại nhanh nhẩu nói tiếp:

- Tôi cũng chúc người thân yêu của cô mau khỏe .

Bây giờ mới đến lượt tôi, thở phào trong lòng và vui vẻ đáp lại:

- Cám ơn Anna. Thế là cả hai bệnh nhân, hai người thân yêu của chúng ta đều nhận được lời chúc lành nhờ chuyện…. tôi đi lộn phòng. Hi vọng các anh ấy sẽ chóng bình phục Anna nhé...



TEXAS NHÕNG NHẼO


Mùa Đông Texas năm này đã có những ngày đẹp như mơ. Bước vào đầu tháng hai năm 2022 mà trời vẫn nắng nhè nhẹ, thời tiết ấm áp loanh quanh 70 độ F, Thế mà bỗng đâu tin thời tiết thay đổi đột ngột: Thứ tư Jan. 02 – 2022 nhiệt độ xuống tháp 40 mấy độ và thứ năm sẽ lạnh hơn 20 độ có tuyết làm…băng giá trái tim tôi ( và chắc là băng giá trái tim cả toàn dân Texas nếu vùng họ cùng chịu ảnh hưởng thời tiết này)


Sáng thứ năm tôi thức dậy vén màn cửa ra. Lạnh và buồn biết mấy vì tuyết phủ trắng những mái nhà hàng xóm, tuyết trắng xóa ngoài vườn, không cao lắm nhưng cũng đủ che lấp cả khoảng sân cỏ, chẳng thấy cỏ đâu tưởng như nơi này là bãi tuyết.


Những năm xưa, những mùa tuyết đầu tiên trong đời tôi đã từng hào hứng với bao cảm xúc, tuyết lạnh thì có tôi áo ấm khăn quàng đi ra ngoài chụp hình. Bây giờ tuyết vẫn đẹp như xưa mà lòng tôi thì thay đổi…chỉ sợ ra ngoài sẽ bị cảm cúm nhất là mùa dịch Covid này.


Vào đọc email bạn bè, một chị ở Austin cũng post lên tấm hình tuyết trắng ngoài vườn với mấy câu thơ than thở. Một chị ở Houston cũng thở than vì tuyết rơi.

Thứ sáu tôi đi chợ, nếu hôm nay không cần mua thêm mấy món đồ tôi…. chẳng thèm bước chân ra khỏi cửa. trời có chút nắng, nhiệt độ tăng lên 32 độ bù cho hôm qua tuyết rơi lạnh lẽo.


Ngoài sân tuyết vẫn còn nằm lì ăn vạ, đường đi thì đông đá trơn trượt tôi vốn lái xe chậm nay có lý do thêm chậm chắc không ai đi sau xe tôi nỡ bóp còi thúc giục.

Đi xe như rùa bò đến chợ Việt Nam, hàng hóa lưa thưa đã đành vì ngày tết âm lịch đã bán nhiều hàng và vì nhân viên còn đang…nghỉ tết.


Đến chợ Kroger thân quen, đậu xe xong tôi lê từng… bước thầm trên lối đi tuyết phủ đóng băng và gió lạnh, từ bãi parking vào được trong chợ chưa kịp mừng thì phát giác ra không có chiếc xe đẩy nào cả, tôi sẽ mua nhiều thứ không thể xách giỏ mỏi cả tay và mất hứng thú thảnh thơi mua sắm. Tôi lại phải lò mò bước trở ra bãi parking để tìm một chiếc xe đẩy. Nhân viên chợ Kroger hôm nay làm ăn lười biếng quá, ngày thường họ đã nhanh chóng thu hồi xe ngoài bãi parking đẩy vào trong phục vụ cho khách hàng rất là chu đáo..


Vào trong chợ Kroger tôi lại… giật mình vì hàng hóa không nhiều, quầy thịt, quầy bánh ngọt close . Hỏi ra vì…nhân viên nghỉ ở nhà tránh tuyết, không dám đi ra ngoài. Người ta mua sắm như sắp đến ngày tận thế, quầy đồ khô lỏng lẻo hàng, quầy bánh mì sandwich xưa nay luôn chất chồng đầy đủ các loại bánh mì hôm nay cũng thưa thớt hẳn ra. Chắc chắn là vì hôm nay thiếu nhân viên, hèn gì những chiếc xe đẩy vẫn nằm mấy đống ở bãi parking và khách hàng phải tự ra mà lấy.


May quá, quầy sữa tươi vẫn có nhân viên làm việc. Tôi thích uống sữa như…baby cần sữa không thể thiếu.


Đi chợ xong lái xe về đến nhà an toàn tôi…thề không ra khỏi nhà cho tới ngày tuyết tan.

Chị bạn cùng xóm Arlington gọi phôn than van, chị….đau khổ vì tuyết vì lạnh hơn cả tôi, chị nói:

- Tao muốn dọn khỏi Texas cho rồi, năm ngoái có tuyết, năm nay lại có tuyết.



Tôi khuyên:

- Chị ơi, Texas mình nổi tiếng là xứ nhiều nắng nhiều nóng rồi, chị còn muốn dọn đi đâu. Đến Las Vegas hả? để tránh tuyết chị phải chịu đựng mùa hè nóng kinh hồn sao !!

Tôi biết chị …giận hờn Texas có tuyết nên nói lẫy thế thôi. Người thân của tôi ở Canada, ở Utah mỗi mùa đông vẫn bình thản đón tuyết, đến hẹn lại lên có bao giờ mùa đông không tuyết đâu. Năm nay bão tuyết lớn đang xảy ra ở vùng Đông Bắc nước Mỹ kìa, Buffalo New York tuyết rơi nhanh và nhiều lên đến 7 inches, City phải khuyên người dân không travel đi đâu hết. Nhiều nơi mất điện, thật kinh khủng.


Buổi chiều thứ sáu thành phố Arlington thông báo ngày mai thứ bảy ngày lịch trình đổ rác nhân viên sở vệ sinh nghỉ làm việc vì …tuyết đông đá. Thế là những bao rác trong thùng rác nhà tôi sẽ không được chuyển đi, rác cũng như chủ nhà… đợi tuyết tan.


Buổi tối tôi gọi phôn kể lể những “vất vả” vì tuyết rơi với em gái ở Canada, cô nàng chẳng một lời chia sẻ an ủi mà bật cười ngon lành:

- Dân Texas nhõng nhẽo quá, chị cũng nhõng nhẽo quá. Mới có tí tuyết, tì đóng băng mà đã nhốn nháo, thổn thức than trời trách đất và làm mình làm mẩy. Cho Canada của em tí tuyết rơi ấy đi, chút thời tiết từ 20 mấy độ đến 30 mấy độ F. ấy đi là em ăn mừng liền.


Trưa nay thứ bảy Jan 05- 2022, khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì ngoài sân trước và sân sau tuyết đã tan gần hết, chỉ còn vài mảng tuyết lẻ tẻ bám trên góc cỏ sau vườn hay trên góc lề đường đi. Tôi bỗng…lưu luyến thương tuyết trắng quá, mới hôm kia mênh mông nay đã …tan chảy về đâu hỡi tuyết ơi ?



Và chị bạn của tôi nữa, hôm qua hờn dỗi đòi dọn đi khỏi Texas chắc chị cũng đang hối hận vì đã …lỡ lời, đã quá nhạy cảm chỉ vì chút đổi thay của thời tiết mà trách móc Texas nơi minh yêu thích và đang an cư lạc nghiệp bấy lâu nay.



Nguyễn Thị Thanh Dương


( Feb.05- 2022)





Phú “heo quay”

Chiều nay, bán hết heo quay vịt quay sạch bách như mọi ngày, Phú sửa soạn đi gặp Quang, bạn cũ thời đại học ở Wichita, tiểu bang Kansas, sau mấy chục năm xa cách. Quang về thăm gia đình người chị tại thành phố Dallas, Texas và gọi phôn hỏi thăm Phú. Hai người hẹn gặp gỡ hàn huyên, Phú sẽ đến nhà chị của Quang.

Phú và Quang cùng khóa kỹ sư cơ khí, sức học ngang nhau, cùng học hành chăm chỉ, cuối tuần không đi chơi không nhảy đầm. Từ năm học thứ ba cả hai xin đi làm part time về cơ khí, kỹ nghệ họa để lấy kinh nghiệm khi ra trường dễ xin việc làm. Trước khi ra trường khoảng một semester, Quang đã được hãng Boeing gọi phỏng vấn và nhận với mức lương lý tưởng hơn 25 ngàn vào thời điểm năm 1986, còn Phú thì chẳng nơi nào nhận dù đã nộp đơn xin việc nhiều nơi, từ hãng tư nhân đến cơ quan chính phủ. Ðiểm tốt nghiệp của Phú và Quang đều 3 chấm.

Nhiều bạn khác cùng khóa, trước sau đều xin được việc làm, thậm chí anh Chung điểm ra trường dưới 3 chấm cũng xin được việc tại một hãng nhỏ. Dù hãng lớn hay hãng nhỏ, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, ai cũng mong được đi làm để kiếm tiền và nhất là cho bằng cấp của mình không bị cũ, không bị lãng quên theo thời gian, uổng phí công học hành và tiền bạc. Theo kinh nghiệm chỉ dẫn của đàn anh đi trước, mỗi lần được gọi phỏng vấn Phú đều chuẩn bị kỹ lưỡng, từ hình thức đến nội dung, quần áo chỉnh tề nhã nhặn, đầu tóc gọn gàng và chàng đã tập ăn nói trước gương cho lưu loát, khiêm tốn nhưng không tự đánh giá mình quá thấp, tự tin nhưng không tự cao… Thế mà lần nào chàng cũng rớt đài. Phú chán nản cho là phần số, có thể những lần Phú được phỏng vấn hoặc người phỏng vấn đang có tâm sự không vui nên… ghét lây Phú hoặc đợt phỏng vấn ấy có nhiều người tài giỏi hơn nên chàng thành lép vế.


Cũng kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước nói rằng, ra trường hai năm không xin được việc là… vĩnh viễn không xin được việc, văn bằng bỏ xó. Phú cần phải học lên Master thì may ra sẽ có cơ hội tìm được việc. Mỗi năm, người ta lại tuyển việc những sinh viên vừa tốt nghiệp, ai quan tâm làm gì đến bằng cấp… năm ngoái năm kia của chàng.

Phú mệt mỏi, không muốn thử thách với học hành nữa, nhưng chàng loay hoay chưa biết làm ăn gì, chẳng lẽ mang văn bằng kỹ sư cơ khí ra xin việc làm lao động hãng xưởng ăn lương giờ. Ðau cho cái bằng đại học lắm.

Cha Phú xưa kia làm công trong lò heo quay ở Bạc Liêu chủ nhân người Hoa, từ lúc ông mới mười mấy tuổi cho đến khi đi Mỹ mới thôi, ông quá rành quá giỏi với nghề quay heo vịt. Cha Phú những ước mong sang Mỹ, các con sẽ học hành thành ông nọ bà kia. Không ngờ có lúc phải dùng đến nghề này, ông bàn với Phú, ông sẽ thuê chỗ trong chợ mở một tiệm heo quay cho Phú, mình làm chủ buôn bán kiếm tiền chẳng việc gì phải đi làm công cho hãng trong khi mình là… kỹ sư.

Hai anh chị của Phú đều tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm ngon lành, còn Phú thì lận đận nên cha mẹ càng thương yêu, muốn đỡ đần thằng út.

Nghĩ tới việc đứng trong quày bán heo quay nơi chợ búa, Phú xấu hổ ngại ngùng nhưng nghe cha khích lệ, công việc tuy mỡ màng mắm muối mà lời bộn. Ðường cùng, Phú đành theo ý cha, trước mắt là kiếm sống rồi sẽ tính sau, tìm công việc làm ăn khác lịch sự hơn, chẳng trông mong xin việc làm theo ngành nghề mình đã học nữa. Bằng tốt nghiệp kỹ sư ai lộng kiếng treo trên tường chứ riêng Phú xếp dưới đáy rương, coi như món đồ kỷ niệm.


Ðúng như cha tính toán, tiệm heo quay vịt quay mở trong chợ dần dần quen khách và đắt hàng hồi nào không hay. Người ta truyền tai nhau, khen heo quay vịt quay ngon mà cả heo xá xíu, dồi heo, phá lấu heo cũng ngon, chẳng những thu hút được mấy bà đi chợ mà người không đi chợ cũng ghé vào mua, rồi người ta đặt hàng những dịp ma chay cưới hỏi hay lễ lạt. Công việc bán heo quay tấp nập một vốn bốn lời, Phú bỏ hẳn ý định sẽ kinh doanh ngành nghề khác, nghề “lịch sự” ngồi văn phòng máy lạnh như bán bảo hiểm, khai thuế đăng quảng cáo quanh năm trên báo, nhiều người ngồi ngáp dài chờ khách kìa.

Vài bạn quen cùng lớp kỹ sư cơ khí với Phú ngày nào, nay họ ăn mặc quần áo lịch sự, làm việc trong văn phòng cũng lịch sự với danh xưng kỹ sư, thỉnh thoảng đi công tác đó đây, giao thiệp với khách hàng được hãng chi trả tiền máy bay, tiền khách sạn thật le lói. Còn nơi làm việc của Phú chỉ là một không gian nhỏ hẹp trong chợ, không tên không bảng hiệu, khách hàng tùy tiện gọi chàng bằng nghề bán heo quay: “Anh heo quay, chú heo quay…”, chẳng ai cần biết tên thật của chàng.


Sau cái tủ kính treo lủng lẳng một con heo quay vàng rộm, những con vịt quay mới ra lò chảy mỡ bóng lộn là Phú mặc tạp dề sẵn sàng với dao thớt. Khách hàng của Phú đủ loại, từ ông già bà cả về hưu hay ăn trợ cấp đến các bà đi chợ, các cô cậu trẻ tuổi thanh xuân, kiểu nào Phú cũng chiều, cũng làm vừa lòng khách hàng

Có lúc, Phú đang cặm cụi lau chùi lại vài thứ trên bàn, lưng quay ra ngoài thì nghe tiếng gọi thân thương:

-Chú heo quay ơi, cho chị “pao” heo quay chỗ này nè. Chặt size nhỏ cỡ này nè.

Có ông bị vợ sai đi mua, ở nhà sợ vợ thế nào không biết, ra chợ, ông ra oai:

-Này, này… anh heo quay, tuần trước anh bán tôi miếng đùi nhiều nạc quá, lần này lựa cho tôi 2 “pao” chỗ sườn non coi. Chặt thêm cho tôi con vịt quay lấy phao câu coi.


Phú răm rắp chiều theo ý khách hàng. Ðôi khi mấy bà mấy cô còn nhờ chàng “cố vấn” nấu nướng nữa chứ:

-Chú biết heo quay kho dưa chua cách nào cho ngon không?

-Vịt quay nấu vịt tiềm thế nào hả anh?

Dù sao những câu hỏi “gia chánh” này cũng liên quan đến món hàng Phú bán nên chàng vui vẻ trả lời, những món này má Phú thường nấu ăn trong nhà nên Phú cũng rành.

Phú lấy vợ, vợ chàng làm kế toán cho một công ty, nàng may mắn hơn Phú là học xong, xin được việc ngay, nàng rất hiểu chuyện và thông cảm Phú tốt nghiệp đại học 3 chấm mà không xin được việc. Số trời!

Phú có hai đứa con, một gái và một trai. Gia đình chàng sống chung với cha mẹ, cha thì lo quay heo quay vịt, má ở nhà lo cơm nước cho con cháu, vợ chồng Phú yên tâm làm việc, buôn bán.


Mấy chục năm qua Phú đã nghiễm nhiên thành ông chủ tiệm heo quay nổi tiếng trong thành phố, chàng chẳng còn tủi thân mỗi khi nhìn thấy tấm bằng kỹ sư dưới đáy rương nữa. Vài bạn đại học xưa biết chàng đang bán heo quay, có bạn gọi phone hỏi thăm và không quên nói vài câu vuốt ve an ủi chẳng làm Phú mủi lòng như thời gian đầu mới làm nghề nữa.

Mấy bạn thân sơ ấy truyền nhau tin “không may” của Phú, học hành chẳng đến nỗi kém cỏi gì mà phải đành đoạn đứng bán heo quay trong chợ. Họ gọi chàng là Phú “Heo Quay” như các bà đi chợ đã gọi “anh heo quay”. Chẳng lẽ cái nghề heo quay đã vận vào cuộc đời chàng từ kiếp nào? Thế thì chàng đã đi lộn đường khi ngày xưa chọn học kỹ sư cơ khí.

oOo

Phú chặt đầy một hộp heo quay và một hộp vịt quay, chàng lựa miếng thịt heo ngon nhất, con vịt cũng ưng ý nhất để làm quà cho bạn, không gì bằng “cây nhà lá vườn”.

Thấy Phú mang theo hai hộp heo quay vịt quay, Quang ái ngại:

-Bày đặt làm chi, để thịt quay bán mà kiếm tiền, buôn bán lời lãi là bao. Tao tính đợi mày đến đây rồi mời ra quán, bất cứ quán nào mày thích.

-Thôi, mình ăn tại nhà cho vui tha hồ nói chuyện.


Hai người bạn gặp nhau sau mấy chục năm vắng tin thật nhiều bồi hồi cảm xúc. Quang ra tủ lạnh lấy vài chai bia. Bia thịt bày ra ê hề cho cuộc hàn huyên tâm sự. Quang đã là kỹ sư kỳ cựu thâm niên đầy kinh nghiệm của Boeing ở Long Beach California, đề án hãng giao một tháng Quang chỉ làm 3 tuần là xong nên luôn được boss tín nhiệm, mấy chục năm qua hãng Boeing những lúc gập ghềnh sóng gió phải lay off kỹ sư và nhân viên nhưng chỗ đứng của Quang vẫn an toàn cho đến giờ. Mãi sau này Quang mới biết tin Phú bán heo quay ở Dallas, Quang đã thất vọng và thương bạn biết bao. Quang lựa lời an ủi:

-Con người ai cũng có số, mày học giỏi nhưng số không may mắn mà thôi

Khi Quang chân tình hỏi cuộc sống của bạn, lợi tức từ cửa hàng heo quay làm Quang giật cả mình khi so với lương kỹ sư hàng top của mình. Ðứa con gái lớn của Phú đang học y khoa một năm nữa ra trường, thằng em thì đang học kỹ sư tin học mà học rất giỏi.

Quang thở phào vui vẻ nói với Phú:

-Trời ơi, vậy mà từ lúc nghe tin mày bán heo quay trong chợ, nghe các bạn thương cảm tao cứ… tội nghiệp và ái ngại, không dám gọi phone hỏi thăm, sợ mày buồn và mặc cảm. Nếu không có cuộc tâm sự ngày hôm nay thì ai mà ngờ cuộc sống mày sung túc nhờ heo quay vịt quay, tiền của đã nhiều lại có một gia đình hạnh phúc, hai đứa con ngoan là gia tài vô giá. Tao tin là hai con mày ra trường sẽ có tương lai, công việc đúng ngành nghề.


Phú cũng tự tin:

-Có lẽ ông trời không nỡ bất công quá đáng với tao, đã bù lỗ cho tao làm ăn khá giả và phần vợ con như ý. Tao cũng tin hai con sẽ gỡ gạc giùm tao những thất vọng năm xưa.

Quang nâng ly bia:

-Nào, tao với mày cùng uống ly bia đầy, mừng ngày tao ngộ và mừng cho Phú “heo quay” luôn. Bây giờ biết đâu bao đứa bạn cùng học với chúng ta năm xưa nếu biết rõ về Phú “heo quay” thì sẽ ghen tị và ước gì được như thế đấy.



Nguyễn Thị Thanh Dương

JAN 2022