Tiểu Vũ

Những Mùa Xuân

Năm Cũ

Thoáng gió Xuân sang, chợt chạnh lòng

Đời còn bao nữa mấy mùa Đông

Năm tàn tháng tận, quê hương hỡi !

Kỷ niệm nào về để tiếc mong


Lại một mùa đông lạnh lẽo, lại thêm một cái Tết nữa đến với chúng ta trong cuộc đời tha hương xa xứ. Bây giờ, vào những ngày lễ cuối năm này, trong chúng ta hẳn cũng có nhiều người được may mắn, hạnh phúc quây quần bên con bên cháu nhưng sao tôi vẫn cứ cảm thấy cái nỗi thương nhớ, thiếu vắng cứ mãi dai dẳng đeo đuổi không cho tôi được hưởng niềm vui trọn vẹn. Những ngày xa xưa, tuy không huy hoàng đầy đủ như ở nơi đây, tuy đất nước vẫn còn vang vọng tiếng súng và không khí chiến tranh vẫn còn hiện hữu khắp nơi. Nhưng tôi nghĩ, tình yêu trong chúng ta vẫn còn đầy đủ, dù không được ở bên cạnh nhau nhưng tình yêu cha mẹ, tình gia đình, bạn bè, người yêu vẫn kề cận, vẫn còn trong tầm tay với. Giờ thì thân xác ở đây mà hồn thì cứ mãi luyến lưu xa vời, cái khoảng không gian, thời gian bốn mươi năm mươi năm về trước, thời học sinh, thời tuổi trẻ với những cuộc tình, những yêu đương nồng nàn, sôi nổi, lãng mạn.

Tôi được sinh ra và trải qua thời thơ ấu ở ngoài đất nước Việt Nam, mãi đến gấn mười tuổi, theo chân cha, tùy theo nhiệm sở bổ nhiệm của cha, tôi sống một vài năm nay nơi tỉnh này, mai nơi tỉnh khác, mãi sau này mới định cư hẳn ở SàiGòn. Từ đó, tôi mới được hưởng những niềm vui, thấy được những tinh nghịch trẻ con, được tiền lì-xì, được đi lượm những cây pháo xì, pháo lép, trút thuốc pháo gom lại rồi châm lửa cho nó xẹt dài ra. Có khi cây nhang còn ngắn quá bị cháy xém vào tay là xuýt xoa chứ chẳng khóc, vì có chơi có chịu. Tôi đã cảm nhận trọn vẹn cái hương vị Tết truyền thống trên quê hương đất nước thân yêu của mình.

Tôi vẫn còn nhớ những chuẩn bị rộn ràng vào dịp cuối năm, khi mà ngọn gió tháng mười hai trở lạnh. Với lũ nhỏ thì chẳng hề gì nhưng với Mẹ tôi thì bà đã phải khoác thêm cái áo len mỏng bên ngoài. Từ đầu tháng chạp, chúng tôi, một nhóm bạn học năm đứa, đã luân phiên đến từng nhà để sơn phết nhà cửa cho nhau hầu chuẩn bị ăn Tết, thật là vui. Đến ngày ba mươi Tết thì năm đứa chúng tôi tụ lại ăn uống cho đến gần giao thừa mới ai về nhà nấy, tránh xông đất cho nhà mình kẻo bị rầy.

Rồi từ giã học đường, xa rời mái ấm gia đình bé nhỏ, chúng tôi nhập vào một đại gia đình to lớn hơn : đại gia đình quân đội của những người trai thời chiến, ôm hoài bão góp phần xây dựng quê hương, mang lại an bình cho cuộc sống người dân. Và hai người bạn thân thưong đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời chưa đến hai mươi lăm, để lại nhớ nhung thương tiếc cho gia đình bè bạn.

Tôi nhớ cái Tết đầu tiên nơi xứ người rất vui là cái Tết năm 1970 ở Lackland, cũng có tổ chức văn nghệ, múa lân, chỉ thiếu pháo (hình như có xin mà không được phép). Sau khi được sự chấp thuận, thì các dụng cụ như trống, đầu lân, đầu ông địa được gửi mua từ San Francisco. Các sĩ quan học viên Việt Nam chuẩn bị tập dợt nhưng chẳng ai biết đánh trống cho lân múa ra sao ? Tôi xung phong dạy cho các bạn, đầu lân thì chắc chỉ hơn đầu lân của trẻ nhỏ chơi tí xíu thôi, thật là cười ngả nghiêng, nó khiến tôi nhớ hoài kỷ niệm những ngày tháng xa quê hương sống vui cùng bè bạn.


Rồi những cái Tết buồn thảm nơi "thiên đường cộng sản", ngồi cùng nhau mà nhắc nhớ chuyện ngày xưa, chỉ mới đó mà tưởng chừng như xa xăm lắm.

Rồi đến cái Tết tự do vui vẻ đầu tiên nơi hòn đảo tạm dung, chỉ với hai thanh cây gõ vào miếng tôle mà cũng nghe vang rền như tiếng pháo.


Và tiếp theo là những cái Tết buồn nhớ quê hương của cuộc đời tỵ nạn tha hương xa xứ lạc lỏng ở trời Âu, khắc khoải mong chờ được nhìn thấy mùa Xuân thật sự về với đất nước Việt Nam thân yêu.


Xuân về, xuân mùa đông xứ lạnh

Nhớ thật nhiều, thuở cạnh người thân

Xuân đi Xuân đến bao lần

Đời viễn xứ, cứ mài dần tuổi trẻ

¤

Theo ngày tháng, lê thê nỗi nhớ

Sầu cuốn trôi, vẫn ngỡ chiêm bao

Những mùa xuân cũ năm nào

Hằn sâu kỷ niệm, khắc vào tâm tư

¤

Thời gian trôi từ từ, lẳng lặng

Bạc mái đầu, nhớ nắng quê hương

Một đời người mãi vấn vương

Một thời tuổi trẻ, vô thường, phôi phai

datu-tieuvuparis

tháng một 2014