Minh Nhã

Tiếng Chuông Chiều

Tiếng Chuông Chiều


Mặt trời vừa ló dạng sau đám mây

hồng phương Đông. Những tia nắng vàng xuyên lớp sương mù mỏng, như vén màn đêm

đẫm ướt nhạt nhoà, trở nên ngập ngụa ánh sáng. Tiếng chim líu lo trên các cây

cổ thụ, tạo bản nhạc ban mai với âm thanh miền sơn dã.

Bà Nhẫn – một thiếu phụ phúc hậu, ngoài năm mươi – khoác thêm áo ấm, bước ra khỏi

chánh điện. Những giọt sương lạnh còn đọng trên cây cỏ, lấp lánh nhiều màu sắc

rực rỡ. Không khí trong lành vùng núi cao nguyên khiến bà cảm thấy thoải

mái.

Qua những đám mây lững lờ trôi quanh sườn núi, thành phố Đà lạt lúc ẩn lúc hiện, như còn dật dờ trong cơn ngái ngủ.

Trước cảnh thiên nhiên yên tĩnh hiếm có của một hừng đông, bà thấy tâm hồn mình

phẳng lặng, thư thái hơn bao giờ hết.

Lúc còn là thiếu nữ thời Trung học, có lần đọc Hồn Bướm Mơ Tiên, một truyện tình

cảm lãng mạn của Khái Hưng, bà như hoà nhập tâm hồn mình vào chùa Long Giáng,

nơi Lan giả trai xuất gia. Phải mất khoảng thời gian dài, bà mới thoát khỏi cơn

say mộng mơ khi chuẩn bị thi Tú Tài I.

Hôm nay, nơi ngôi chùa cổ kính và thanh tịnh, dấu ấn xa xưa như hiện về khiến bà

mỉm cười một mình.

– Mẹ vui vì nhớ tới ba phải không?

Bà Nhẫn giật thót người. Sau lưng bà, một cô gái trạc đôi tám, ăn mặc cũn cỡn, nhe răng trắng nõn cười khúc khích.

Bà Nhẫn nghiêm mặt:

– Con vào thay quần áo khác ngay đi ! Đây là một ngôi chùa, nơi tôn nghiêm chứ

không phải đi phố mà ăn mặc hở hang như thế này.

Sophia

- tên cô gái – nũng nịu:

– Vừa rồi mẹ dẫn con đi chùa dự lễ Vu Lan, con thấy nhiều cô gái cũng ăn vận quần

“sooc”. và áo 2 giây như con bây giờ. Thậm chí có người mặc mini-jupe ngắn ngũn

nữa.

– Bên Mỹ không ai rầy la vì là xứ tự do. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng mọi

người cảm thấy rất khó chịu. Còn đây là Việt Nam, nhập gia phải tuỳ tục. Vả lại

trong chùa còn các sư và chú tiểu nữa. Con nên giữ kẽ, đừng để người khác cười

mẹ không biết dạy con...

Sophia phụng phịu:

Mẹ lo xa quá à...

Bà Nhẫn không nói gì, dẫn Sophia đến nhà ngang, nơi dành cho khách thập phương trú ngụ, để cô bé thay quần áo chỉnh tề. Nhìn các tấm phản làm giường, chiếu chăn và tấm đắp cũ kỹ, các tủ đứng xiêu vẹo, lòng bà dấy lên một niềm chua xót khó

tả. Tại Mỹ, bà đã đi hành hương nhiều chùa. Chùa nào cũng sang trọng, trang trí

lộng lẫy, vật dụng đắt tiền, hài hoà màu sắc, thu hút thiện nam tín nữ đến lễ

Phật đông đảo. Từ vị trụ trì đến các tăng ni, người nào cũng hồng hào khoẻ mạnh

vì đầy đủ dinh dưỡng, ngày đêm chỉ lo tu học và hoằng pháp.

Sophia nhăn mặt khi biết sẽ trú ngụ nơi đây mấy hôm trong căn phòng sơ xác, thiếu thốn

mọi tiện nghi này. Bà Nhẫn lại phải thuyết phục cô:

Các sư sống suốt đời, quanh năm ngày tháng ở đây được thì mẹ con mình ngụ lại

một vài ngày có làm sao đâu con. Về Việt Nam du lịch kỳ này, hai mẹ con mình

thừa khả năng ở trong các khách sạn “năm sao”, phòng ốc rộng rãi trang nhã lịch

sự, tiếp viên lễ độ, nhã nhặn, đồ ăn thức uống sạch sẽ ngon lành. Có đến viếng

những chùa nghèo nơi hẻo lánh, xa chốn phồn hoa đô thị thì mới có dịp tận mắt

nhìn thấy tường tận sự nghiêm túc trì giới mà tăng ni phải tuân theo đúng như

lời đức Phật răn dạy, mới hiểu rõ được nếp sinh hoạt đơn giản, khắc khổ của các

tăng sĩ.

Hai mẹ con bà Nhẫn đến chùa này tối qua. Hoà Thượng trụ trì – sư Thích Thiện Thường

– là bác ruột ông Nhẫn, chồng bà, xuất gia từ nhỏ. Thoạt đầu sư tu tại chùa

làng ở Thủ Đức như một chú tiểu, sau đó được giới thiệu quy y với Hoà Thượng

Thích Thiện Lâm tại Đà lạt. Nơi này, lúc trước là một cái cốc nhỏ, chung quanh

rừng cây rậm rạp, cỏ mọc um tùm. Hoà Thượng Thiện Lâm cùng các đệ tử cố

công khai quang, mở rộng diện tích trồng trọt, tự túc mưu sinh. Lối tu khổ hạnh

của các sư ngày qua ngày sớm kinh chiều kệ, trải qua một kiếp sống ẩn dật, xa

lánh trần tục. Khi Hoà Thượng Thích Thiện Lâm viên tịch, sư Thích Thiện Thường

lên trụ trì, tiếp tục mở rộng diện tích và thâu nhận thêm đệ tử.


Bà Nhẫn và Sophia ở ngoài chánh điện chờ tới khi chấm dứt khoá lễ buổi sáng mới lại gặp hoà thượng trị trì, cung kính quỳ xuống đảnh lễ, hai tay dâng phong bì

đựng tiền dầy cộm. Bà kính cẩn nói:

Bạch thầy, đây là chút lòng thành của con nguyện cúng dường tam bảo.

Sư cụ từ tốn:

Cảm tạ thí chủ. Xin thí chủ đứng dậy. Thí chủ không nên đảnh lễ như thế, bần

tăng giảm thọ rất nhiều vì công đức tu hành của bần tăng chưa được đầy đủ. Cung

kính thái quá sẽ khiến người xuất gia cống cao ngã mạn, rất hại cho việc tu

hành.

Sư cụ đẩy phong bì tiền lại cho bà Nhẫn và nói:

Bổn tự ở đây trồng bắp khoai, rau đậu, làm tương chao, muối dưa cà, tự lực cánh

sinh, cuộc sống đạm bạc quanh năm đã quen. Thí chủ hãy giữ số tiền này giúp cho

những gia đình nghèo khó để họ có thể no bụng trong cơn ngặt nghèo, mong có

cuộc sống khấm khá hơn trong tương lai hoặc thí chủ tặng các viện mồ côi tư

nhân, các cháu nhỏ có thêm thức ăn dinh dưỡng. Các cháu đã thiếu tình thương

gia đình, cha mẹ, anh em, nếu ăn uống không đủ no nữa thì quá tội nghiệp. A Di

Đà Phật !

Bà Nhẫn nói:

Bạch sư cụ, con xin vâng lời sư cụ. Hôm nay con được học hỏi thêm lẽ sống đạo

hạnh mà sư cụ vừa dạy.

Ngừng một lát, bà Nhẫn nói tiếp:

Tối qua con được dùng một bữa cơm chay thanh đạm với rau lang luộc chấm chao và

măng kho đậu hũ. Con cảm thấy rất ngon miệng.

Sophia liến thoắng:

Ở Mỹ con cũng ăn chay ngon lắm. Nào gà xào lăn, ếch chiên bơ, gỏi tôm đu đủ,

canh khổ qua dồn... dồn cái gì hả mẹ ?

Bà Nhẫn lừ mắt nhìn Sophia:

Con không được hỗn.

Sophia phân trần:

Thì có sao con nói vậy mà. Những ngày lễ lớn, trong chùa biến chế những món chay

thật hấp dẫn. Ai ăn cũng khen ngon...

Sư cụ chắp tay niệm Phật và chậm rãi nói:

Mô Phật ! Những ngày vía Phật, bổn chùa chỉ cúng những món ăn bình thường. Quan

niệm của bần đạo, làm những món ăn có tánh cách ngoài đời như vậy để thu hút

thiện nam tín nữ đến chùa đông đảo mà thôi, vì họ không quen ăn chay thuần tuý

như người xuất gia. Bần đạo ước mong Phật tử đến chùa lạy Phật, tịnh tâm cho

lòng thanh thản, sống những giây phút thiền định. Đến chùa một ngày một bữa,

lắng lòng vào cõi hư vô, thời gian dài không là bao nhiêu. Nếu chúng sanh chịu

đựng khổ hạnh được như vậy mới thật hướng về Tam Bảo.

Bà Nhẫn vái sư cụ:

Những lời vàng ngọc của sư cụ, con xin ghi tâm tạc dạ. Con nghĩ khi con đến

chùa, thâm tâm con muốn hoàn toàn gác bỏ tất cả cám dỗ vật chất. Ở ngoài đời,

con có rất nhiều thời gian và cơ hội làm ra tiền, gầy dựng sự nghiệp và danh

vọng. Nhưng con muốn đi hành hương là để tâm hồn con sống những giây phút an

nhiên tự tại, gạt bỏ những bon chen, giành giật của người đời. Quan niệm của

con đi hành hương không phải để ngoạn cảnh hoặc giải trí.

– Mô Phật. Nếu thí chủ có thiện

tâm như vậy, bần đạo rất mừng, vì có thêm một đệ tử chân chính tìm đến với đạo.

Bà Nhẫn quay qua con gái và nói:

Xin sư cụ chứng minh cho con gái con được quy y.

Sophia giẫy nẩy:

– Con không chịu đâu. Bộ mẹ định cạo đầu con hả ?

Bà Nhẫn cười:

– Không phải vậy đâu con. Quy y đây là quy y Tam Bảo. Con bắt đầu

tìm hiểu tin Phật và học Phật.

Sư cụ vẫn điềm đạm:

– Cháu gái muốn quy y thì rất dễ nhưng có giữ giới được hay không mới là điều

khó. Một người mới quy y phải giữ năm giới, gọi là ngũ giới:

  1. Không được sát sanh.

  2. Không được trộm cắp.

  3. Không được tà dâm.

  4. Không được nói dối.

  5. Không được uống rượu.

Nếu phạm giới thì phải tội.

Sophia lè lưỡi:

– Eo ơi, khó quá !

Sư cụ nhìn Sophia:

– Cháu nên tự xét trong năm giới, giữ được giới nào thì nguyện trì giới đó, cố gắng giữ gìn đừng để phạm giới. Còn giới nào cháu không nguyện giữ, nếu có phạm cũng không bị tội. Một khi đã phạm giới thì phải mau mau niệm Phật sám hối, nguyện sau này sẽ không tái phạm nữa. Quy y là để quay về, nương theo tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Tam bảo ở ngoài đời gọi là trụ trì tam bảo, và tam bảo ở nơi tự tánh của mình, gọi là tự tánh tam bảo. Khi Phật tử quy y thì được đặt cho một pháp danh nhắc nhở mình là con Phật, phải luôn theo lời Phật dạy, làm lành tránh ác...


Tịnh tâm tại chùa hai ngày, bà Nhẫn xin phép sư cụ tiếp tục thăm viếng các chùa lân cận theo chương trình hành hương của bà.

Sư cụ bảo chú tiểu đưa bà Nhẫn và cô con gái đến viếng chùa Pháp Hải, cách đó khoảng 2 giờ đi bộ, theo đường mòn quanh núi. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu đầy cây thông, reo vi vu trong gió. Xa thật xa dưới thấp, hồ Xuân Hương Đà Lạt lấp lánh ánh nước màu bạc, đồi Cù mượt mà cỏ xanh um và phố thị nhộn nhịp theo sự hoạt động của dân địa phương.

Sư trụ trì chùa Pháp Hải là sư huynh của sư cụ chùa mà bà cùng Sophia đã viếng mấy hôm nay. Chùa Pháp Hải quang cảnh đẹp hơn vì nhìn trực tiếp ngọn núi Lang Biang cao vòi vọi, mây trắng thẫn thờ bao quanh ban trưa và sương mù bàng bạc buổi chiều. Cũng nhìn từ chùa Pháp Hải, Dalat và vùng phụ cận như rộng lớn hơn theo tầm nhìn, vì vậy người ngoạn cảnh không bị giới hạn trí tò mò tìm hiểu.

Vượt qua cổng chùa, bà Nhẫn cám ơn chú tiểu dẫn đường, đoạn cùng con gái vào chánh điện lạy Phật.

Sư cụ trụ trì dáng người thanh nhã. Đôi chân mày dài thậm thượt và bạc trắng. Giọng nói của sư cụ trầm trầm, chậm rãi. Sau khi hỏi han vài điều, ngài hướng dẫn bà Nhẫn mọi quy củ của chùa và cho gọi một đệ tử đưa hai mẹ con bà Nhẫn về chỗ trú ngụ của khách thập phương. Nghỉ ngơi một lát, hai mẹ con bà Nhẫn lần mò xuống nhà bếp, nơi đây vài chú tiểu chuẩn bị dọn cơm cho chư tăng thọ trai.

2

Bên ngoài trời nắng lớn, nhưng khí hậu miền cao nguyên mát rười rượi, không nóng gắt như Saigon và miền châu thổ sông Cửu Long, mặc dù thời tiết đang vào mùa hạ.

Bà Nhẫn và Sophia được mời dùng cơm cùng các sư. Sau khi niệm Phật, vài đệ tử cùng thầy lặng lẽ thọ trai, không nghe tiếng nhai cơm, hay tiếng sùm sụp húp canh. Mọi người ăn thật chậm rãi, ăn cơm trong chánh niệm là bài thiền tập an lành và tiếp xúc sâu sắc với sự sống hiện tại. Bà Nhẫn nhận thấy không có chú tiểu nào đứng hầu cơm sư trụ trì và các sư khác như một vài nơi bà đã thấy. Mọi thức ăn đạm bạc đã dọn sẵn và cơm cũng được bới vào các thố lớn.


Thức ăn là vài dĩa rau dền đỏ, đậu bắp, cải bẹ xanh luộc, được hái từ sân sau nhà chùa, chấm với tương hay chao. Đợi khi mọi người ăn xong, sư trụ trì và đệ tử niệm Phật lần nữa. Sư tự mình mang chén đũa ra ảng nước bên ngoài rửa sạch và úp vào sóng chén. Không ai phục dịch ai, cho dù là vị sư già trụ trì.

Đến bây giờ, sư mới lên tiếng mời bà Nhẫn lên phòng trên uống trà. Bà Nhẫn thắc mắc ăn uống như vậy, sao đủ sức khoẻ tu hành. Sư cụ cho biết, cơm và thức ăn rất cần thiết để bồi bổ cơ thể, nhưng không khí và tinh thần cũng rất quan trọng cho con người. Ăn rau quả và các thứ đậu, tránh được mỡ trong máu, cơ thể nhẹ nhàng, tinh thần an nhiên tự tại. Phối hợp với phương pháp thở hít khí trời trong lành, con người sống thoải mái, không căng thẳng bởi ý lực bên ngoài, giữ thân – ý – tâm trong sáng, đó là cách khai nguồn tốt nhất cho sức khoẻ.

Ngẫm nghĩ một lát, sư cụ nói:

– Năm giờ sáng mỗi ngày, sư và các đệ tử tụng kinh một tiếng đồng hồ, sau đó thầy trò ngồi thiền tập khí công tại chánh điện. Nội dung chính của khí công là điều tâm, điều thân, điều tức và điều khí. Điều tâm còn gọi là điều thần, luyện ý, ý thủ với ý nghĩa chủ yếu là tập trung tư tưởng, vận dụng ý thức để điều tiết và khống chế thân thể, tâm lý của bản thân. Đây là nội dung chính của phép luyện khí công, đặc điểm nổi bật khác hẳn với các phương pháp rèn luyện sức khoẻ khác và cũng là phép luyện khó nhất trong khí công, chỉ có thể hiểu bằng ý, không thể truyền bằng lời.

Điều thân còn gọi là điều hình, có nghĩa là điều hoà tư thế sao cho phù hợp với phương pháp tập luyện và thể trạng. Điều thân chủ yếu có 4 cách: đi, đứng, nằm và ngồi, trong đó nằm và ngồi thường được dùng hơn cả, nhưng dù ở trong tư thế nào thì thư giãn cơ vẫn là chủ yếu, thư giãn mà vẫn giữ được sự cân bằng và vững chắc của thân thể, giúp cho điều tức và điều tâm được thuận lợi.


Điều tức còn gọi là thổ nạp, đài tức, điều khí, thực khí... chính là điều luyện hơi thở, là luyện hô hấp. Luyện thở yêu cầu có chủ ý để điều chỉnh hơi thở của mình, khống chế hơi thở của mình, khống chế hơi thở một cách có hiệu quả sao cho phù hợp với thể trạng, có tác dụng cường thân trị bệnh. Thở trong khí công là thở tự nhiên có nhịp điệu rất đều, sâu và êm, phối hợp mật thiết với điều thân và điều tâm, thở chủ yếu bằng cơ hoành hoặc cơ bụng. Khi thiền xong, thầy trò ra sân đi vài bài quyền cho giãn gân cốt, rồi mới bắt đầu sinh hoạt ngày mới...

Đang nói dở dang câu chuyện, ngoài sân thấp thoáng bóng một nhà sư mặc áo quần nâu, đầu nhẵn thín, mồ hôi nhễ nhại, chậm rãi tiến vào chào sư trụ trì.


Bà Nhẫn cũng đứng lên buông lời chào hỏi. Sư trụ trì giới thiệu nhà sư và nữ Phật tử. Nhà sư bạch với sư cụ là đã mua gạo và một vài thức ăn khô, đang được các chú tiểu khuân cất vào kho. Nói đoạn nhà sư xin phép hai người đi xuống nhà sau dọn dẹp.

Chuyện vãn một lúc, bà Nhẫn cáo từ, tạt qua bếp gọi Sophia về phòng nghỉ trưa. Thấy bà, sư cúi đầu chào một lần nữa và yên lặng rửa bát.

Bà Nhẫn đăm đăm nhìn nhà sư chùa Pháp Hải. Đôi mắt một mí khi nhìn xuống có vẻ gì buồn man mác. Nhưng lúc nhìn thẳng, ánh mắt đó ngời sáng, chứa đựng đầy đức tin và sự cương quyết mãnh liệt, khiến người đối diện phải e dè, ngần ngại chuyện trò. Vết thẹo dài vắt ngang trán tạo khuôn mặt thêm phần khắc khổ.


Tự dưng lòng bà Nhẫn lại nghèn nghẹn. Bà đánh bạo buột miệng:

– Ông Quyền...

Ông sư nghiêm nghị nhìn bà Nhẫn:

– Xin thí chủ gọi pháp danh của bần đạo là Thiện Lực.

Ngập ngừng một chút, bà Nhẫn nói nhỏ:

– Thưa, tôi muốn biết... ông... có tục danh là Trần Đình Quyền ?

– Vâng, chính là bần đạo. Nhưng từ ngày xuất gia, bần đạo đã không sử dụng tên này nữa.


Bà Nhẫn nhìn quanh, khi thấy không có ai, bà lắp bắp:

– Tôi là Thuỳ Liên...

Nét mặt nhà sư bình thản:

– Bần đạo đã nhận ra thí chủ từ lúc nãy. Mặc dù mấy chục năm đã qua, nhưng giọng nói và cử chỉ của thí chủ không thay đổi là mấy.

Bà Nhẫn cảm động:

– Cám ơn... thầy vẫn còn nhớ đến tôi...

– Không phải bần đạo nhớ đến thí chủ, mà sự hiện diện của thí chủ tại đây gợi bần đạo nhớ lại những bất hạnh khi xưa...

Bà Nhẫn rươm rướm nước mắt. Bà xá ông sư và về khu nhà khách. Bà không thể nào tiếp tục hầu chuyện cùng sư. Hình ảnh quá khứ quay cuồng, mắt bà hoa lên, chân bủn rủn đi không vững...


Ánh nắng xiên ngang rọi qua khe cửa sổ bằng tre. Tàn cây gõ cao tít trên cao, vượt hẳn mái chùa xiêu vẹo, bung ra một vùng có bóng dâm mát rộng lớn. Lá cành lung lay trong cơn gió ngàn, reo lên những âm thanh vi vu theo từng cơn thổi qua. Bà Nhẫn dần dần hồi tỉnh sau một cơn thiếp ngắn. Chõng tre bên cạnh trống không, có lẽ Sophia đi quanh đi quẩn đâu đó trong khuôn viên nhà chùa. Trí óc bà lung linh hình ảnh sư Thiện Lực, lúc tỏ lúc mờ...

Đầu năm 1970, Thuỳ Liên – nhũ danh của bà Nhẫn – cùng người thanh niên tên Trần Đình Quyền, cư ngụ chung một con hẻm đường Võ Di Nguy Phú Nhuận.


Mỗi lần đi học, Quyền phải đạp xe ngang qua nhà Thuỳ Liên gần đầu hẻm. Có hôm vì mải mê suy nghĩ, Quyền suýt đâm sầm xe đạp vào xe gắn máy của Thuỳ Liên khi cô từ trong sân nhà phóng ra. Quyền gật đầu chào và xin lỗi, thế rồi mạnh ai nấy đi...

Thời gian sau, Thuỳ Liên biết được Quyền cùng học chung trường Trung Học X.Y., Bà Chiểu Gia Định. Mối tình học trò nẩy nở trong những ngày công tác cứu trợ bão lụt tại miền Tây do trường tổ chức. Quyền lầm lầm lì lì, làm nhiều hơn nói. Các việc nặng nhọc tiếp giúp đồng bào nạn nhân, Quyền thường kê vai gánh vác, thậm chí cõng những cụ già đến trạm y tế cấp cứu.



Có lần, Thuỳ Liên thấy Quyền lặng lẽ khóc trước xác một bé trai chết trôi, và chính anh bồng đứa bé đem chôn cất, trong khi mẹ cháu bé ngất xỉu vì đói khát và ngã bệnh. Quyền thường nhường phần ăn ít ỏi của mình cho các cụ già. Thuỳ Liên biết mọi ý nghĩ và hành động của Quyền do bản chất nhân đạo chứ không phải nặng phần trình diễn, lấy lòng mọi người, nhất là các cô gái trẻ đẹp, làm công tác xã hội chung với Quyền.

Ngày cuối công tác, Quyền đang khuân cây đà dài, nặng nề làm cột nhà, bị kiệt sức vì đói khát, Quyền vấp té và ngất xỉu. Trán Quyền va vào tảng đá xanh trên lối đi và máu tuôn xối xả. Y tá trong đoàn cứu trợ phải cấp tốc chuyển anh đến bệnh viện Cần Thơ chữa trị. Từ đó, trên trán Quyền hiện rõ vết sẹo dài.

Tình cảm dần dà chôn sâu vào tâm hồn Thuỳ Liên, tuy chưa bao giờ cô tỏ vẻ lộ ra. Cũng có thể Quyền không hay biết mối tình đơn phương mà Thuỳ Liên dành cho Quyền. Tâm lý người con gái đoan trang thường kín đáo, thà một mình chịu đau khổ chứ không bày tỏ để chuốc hận nghìn thu, khi người con trai ngoảnh mặt từ chối.


3

Thế rồi cái ngày Thuỳ Liên nhận sự đáp ứng tình cảm của Quyền, cũng là ngày cô dâng hiến tất cả cho người mình thương. Tình yêu đã thắng lý trí. Khi yêu, ít khi cô gái nghĩ đến những gì sẽ xảy ra, nhất là tuổi còn trẻ, không tiên liệu được hậu quả đen tối. Trớ trêu thay, cuộc tình vội vã bao giờ cũng đem lại kết quả bất ngờ. Chỉ một lần bên nhau, Thuỳ Liên ôm hận suốt đời.

Khi biết mình có mang, cô bảo Quyền về thưa ba má anh đến nhà cô xin cưới. Tính tình Quyền điềm đạm, khi yêu là yêu vĩnh viễn và cuồng nhiệt. Vả lại khi biết Thuỳ Liên có thai với mình, Quyền chịu nhận trách nhiệm chứ không trốn chạy như những gã sở khanh khác.

Cuộc hôn nhân không thành. Ba má Thuỳ Liên từ chối vì ông bà biết rất rõ gia đình Quyền. Ba má Thuỳ Liên không quan tâm đến môn đăng hộ đối, mặc dù gia đình Thuỳ Liên khá giả hơn. Tuy nhiên, đạo đức con người mới là điểm chính trong lúc chọn lựa chồng cho con gái. Ba Quyền là một công nhân, có tật rượu chè be bét. Sau khi tan sở, ông la cà các quán, nhậu nhẹt say sưa. Về đến nhà ông quát tháo vợ, đánh đập con cái, khiến náo động cả xóm. Má Quyền không chịu tìm việc làm, ban ngày đánh tứ sắc với mấy bà rồi công rỗi việc, bỏ bê nhà cửa. Đôi khi thua bài, phải bán tống bán táng đồ vật trong nhà trả nợ. Chiều bà mới mon men về nhà trước khi chồng về. Cơm nước bà đùn đẩy cho em gái Quyền. Tình hình kinh tế gia đình túng quẫn, nên ngoài giờ học, Quyền phải làm thợ tiện cho một tiệm tư nhân trên đường Võ Di Nguy nối dài để thêm thu nhập.

Quyền và Thuỳ Liên nghe tin cuộc hôn nhân không có kết quả, cả hai rụng rời, biến sắc. Thuỳ Liên bàn bạc với Quyền là cả hai trốn đi xa, khi sanh nở xong mới về xin tội. Quyền không đồng ý. Anh rất yêu Thuỳ Liên, cho rằng khi sanh mà không có cha mẹ, Thuỳ Liên sẽ khốn khổ vô cùng vì người đàn bà đi biển một mình, không gì cay đắng bằng. Quyền khuyên Thuỳ Liên để anh đến năn nỉ ba mẹ cô, mong mỏi sẽ được tốt đẹp hơn.

Quyền chưa đến nhà Thuỳ Liên thì ba mẹ cô, để giấu chuyện bầu bì và tránh xấu hổ với chòm xóm vì con gái chưa chồng mà đã có thai, mẹ Thuỳ Liên đưa cô về quê ngoại tại thị trấn Long An. Quyền như người mất trí, không biết Thuỳ Liên bị đưa đi đâu. Quyền đạp xe đạp tìm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Đức, Biên Hoà, Bình Chánh v.v... Nhưng chim trời cá nước biết đâu mà tìm.

Vài tháng trôi qua, gia đình Thuỳ Liên hé tin khéo cho gia đình Quyền biết là Thuỳ Liên đã lập gia đình với con trai một thương gia, muốn rằng sự hy vọng của Quyền tan biến theo thời gian. Nghe tin này, lòng Quyền tan nát. Mối tình đầu cũng có lẽ là tình cuối trong đời, vì Quyền rất bi quan cho thân thế và gia cảnh. Anh nghĩ anh không thể nào có điều kiện để người con gái khác yêu – hình dáng thô kệch, mặt xẹo, tính tình cục mịch và gia đình tan tác.

“Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Quyền nghĩ sự đau khổ chồng chất ập xuống gia đình anh liên tiếp, có thể do đạo đức suy thoái của bậc cha mẹ. Trong một tổ ấm, cha mẹ biết cách dạy dỗ, chăm sóc con cái, đương nhiên con cái nên người hơn là một gia đình cha mẹ vì sinh kế, vì lo làm giàu, không có thì giờ lưu tâm đến sắp nhỏ. Tuy rằng “cha mẹ sanh con, trời sanh tanh”', nhưng sự quan tâm của bậc cha mẹ bao giờ cũng hơn là không có.

Quyền rất thèm thuồng khung cảnh gia đình ấm cúng, dù nghèo khổ nhưng tràn đầy hạnh phúc. Từ khi biết suy nghĩ, Quyền cảm thấy mình thiếu thốn tình cảm và vật chất. Quan niệm vật chất đối với Quyền không quan trọng, nghèo khổ có thể vươn lên đầy đủ. Tuy nhiên, một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm gia đình, sẽ khắc sâu vào tâm hồn nó một hoảng loạn, kéo dài sự bất hạnh cho đến khi tìm được niềm tin, lẽ sống cho cuộc đời.

Khoảng một năm sau, Quyền nhận lá thư Thuỳ Liên gửi cho Quyền qua đường bưu điện, báo tin đứa con của hai người là gái. Gia đình chồng cô không hề biết cái thai hai tháng khi cô lên xe hoa, mà chỉ nghĩ là cô sanh non. Bây giờ Thuỳ Liên chỉ biết ôm con vào lòng, chôn chặt mối tình đầu dang dở, khóc thầm ngày đêm.

Thuỳ Liên không nói rõ hiện cô đang ở đâu. Cô chỉ mong mỏi Quyền có nhiều sức khoẻ và đủ nghị lực hướng về tương lai. Riêng Thuỳ Liên, ván đã đóng thuyền, làm vợ người ta thì phải lo tròn bổn phận, dù rằng mối tình đầu với Quyền không bao giờ phai nhạt trong tim cô. Thư không ghi địa chỉ. Quyền tìm dấu bưu điện, dự tính tìm cách thăm Thuỳ Liên và con gái, nhưng con dấu chỉ hiện lên chữ Long An. Buồn bã, chán chường, tinh thần Quyền suy sụp hơn bao giờ hết.

Tình yêu tan. Gia đình nát. Quyền phải chịu đựng biết bao nhiêu khốn khổ, phải chăng cha mẹ ăn mặn con khát nước ? Cha mẹ gieo nhân xấu, con cái phải lãnh hậu quả bi thương ? Trong giây phút thoáng nghĩ – con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ – con gái của Thuỳ Liên và Quyền cần rất nhiều phúc đức của người cha để cuộc đời nó được suông sẻ.

Tuy không hiểu cặn kẽ triết lý nhà Phật nhưng những buổi Quyền đến nghe quí thầy giảng tại chùa Xá Lợi và chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn, anh chiêm nghiệm thế nào là “nhân quả”, “ác lai ác bao”'. Càng đào sâu tìm hiểu, Quyền càng ngao ngán cuộc đời ô trọc. Quyền vẫn kiên nhẫn đạp xe xuống Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long tìm Thuỳ Liên và con gái. Mặc dù biết không sao mò ra tung tích hai mẹ con, nhưng Quyền không đành lòng ngồi nhà thở vắn than dài... Có thể một sự mầu nhiệm nào đó – mà hàng ngày Quyền đều cầu nguyện đức Phật – sẽ khiến giấc mơ gặp mặt con gái của anh thành hiện thực...

Sau ngày miền Nam mất, đời sống kinh tế gia đình và xã hội suy sụp, tìm việc làm hết sức gay go. Sự đi lại không dễ dãi như trước. Mỗi lần di chuyển đều phải xin giấy phép đi đường, đăng ký tạm vắng tại địa phương, đăng ký tạm trú địa điểm đến. Cái khó khăn thời cuộc bó chân bó tay Quyền.

Vì nghiện rượu nặng, tuổi già chồng chất, thiếu dinh dưỡng và thuốc men khi đau ốm, sức khoẻ ba Quyền càng lúc càng suy nhược. Gia cảnh đã nghèo túng, Quyền bán dần bán mòn những vật có thể bán được để thuốc thang cho cha, lại càng bi đát hơn nữa. Xóm nghèo muốn đùm bọc lẫn nhau, nay thì ai cũng lo thủ thân, chứ không hào phóng như trước. Ba Quyền vì rượu chè be bét, say lướt khướt và bị tai nạn giao thông trên đường khuya lần mò về nhà. Má Quyền mang nợ cờ bạc, không trả nổi, phải bỏ nhà trốn đi xa. Em gái Quyền buồn tủi gia đình, gặp hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm mướn kiếm sống.

Ngày ba Quyền mất, anh khóc dở chết dở. Nhìn quanh nhìn quẩn, không còn vật gì để bán tống bán táng trang trải ma chay. Tuy vậy, hàng xóm láng giềng cũng gom góp mỗi người một chút ít lo chôn cất ông cụ tươm tất.

Mẹ vẫn biệt tăm biệt tích. Em gái lấy chồng xa. Căn nhà hoang vắng, lạnh tanh. Sau một trăm ngày cúng cha, Quyền xả tang, mang bài vị ông cụ đến ngôi chùa quen của gia đình ở Dĩ An thờ cúng.

Biết hoàn cảnh thảm thương của Quyền, khi Quyền ngỏ lời gửi đời mình vào cửa Phật, vị sư già trầm ngâm suốt buổi. Ông giải thích cho Quyền biết, cạo đầu, mặc áo nâu sồng xuất gia không khó. Cái khó là tư tưởng có quyết tâm giữ vững hàng trăm giới, quyết thắng mọi cám dỗ danh vọng, tiền tài, vật chất, diệt tham sân si, ổn định tinh thần, đi con đường khổ hạnh cho đến hết cuộc đời mà không sa vào hố sâu tội lỗi.

Có nhiều người xuất gia là giải quyết hoàn cảnh khó khăn vật chất hoặc tuyệt vọng tình cảm, nương cửa Phật như tìm sự thư thái tâm linh. Sau đó, nhiều vị không kiềm chế nổi sự cám dỗ hấp dẫn ngoài đời nên rũ áo rời chùa, hoặc vẫn lưu lại chùa mà lòng cứ tơ tưởng vật chất xa hoa, lối sống phù phiếm.

Phật Thích Ca, sinh thời là một vị Thái Tử giàu sang phú quý, quyền uy lẫm liệt, nhưng nhìn rõ cuộc đời tạm bợ nhiều khổ đau nên Ngài rời bỏ tất cả để tìm chân lý, cứu nhân độ thế, hầu mang nhân loại thoát khỏi kiếp trầm luân. Quyền hiểu điều này. Con đường đến cửa Phật của các vị chân tu, phát xuất từ mọi hoàn cảnh, song chính yếu là mình có tự thắng chính mình hay không khi đã quyết định xuống tóc. Quyền nhất quyết phải thắng lấy chính mình. Từ nhỏ, Quyền đã sống trong cảnh nghèo túng mà không hề mơ ước cao sang. Tính an phận đã hun đúc Quyền – cả hai mặt tinh thần và vật chất – trở nên bão hoà lúc nào không hay. Vì vậy, khổ cực thể xác trong chùa Quyền có thể chịu đựng được, miễn sao tâm hồn lắng đọng trong câu kinh tiếng kệ.

Hơn một năm sau, vị sư già đích thân đưa Quyền lên tu tại một sơn cốc tỉnh Lâm Đồng với đồng môn của sư. Với sức trai tráng, Quyền khai hoang, vỡ đất trồng thêm rau quả và trì chí nương cửa Phật.

4

. Quyền – sư Thiện Lực – thâm tâm vẫn vững vàng, không chao đảo đối với dáng dấp người năm xưa. Dù Thuỳ Liên – bà Nhẫn bây giờ – có da có thịt hơn, trắng trẻo hơn, sang trọng hơn và giọng nói không còn thanh tao như thuở còn con gái, nhưng sư Thiện Lực vẫn nhận ra. Từ ngày xuất gia đến giờ, lần đầu tiên đầu óc sư mới nghiêng về dĩ vãng. Sư nhắm nghiền mắt, cố gắng định tâm. Ngoại cảnh vẫn ám ảnh. Sư vào chánh điện, thắp nhang và tụng kinh. Sau thời kinh, sư ngồi kiết già trên bồ đoàn và bắt đầu thiền.

Ngồi thiền, nhưng tâm trí sư Thiện Lực không thoát khỏi nỗi ám ảnh. Càng xua đuổi, hình ảnh và âm thanh xa xưa càng bám chặt đầu óc sư. Nội tâm giằng co, lương tri dày xéo. Sự tranh đấu mãnh liệt giữa đời và đạo là một chuỗi dài ngự trị trong sư cho dù thời gian thực tế chỉ trôi qua trong vài tiếng đồng hồ. Chẳng lẽ công lao tu luyện mấy chục năm trời trôi theo mây khói, tan theo bọt biển ? Sư nhất quyết phải tiếp tục con đường tu khổ hạnh...

Xả thiền xong, mặc dù tâm trí vẫn còn chênh vênh, sư mạnh dạn đến hậu liêu gặp sư cụ trụ trì. Dáng dấp thanh thản của sư cụ phần nào khuyến khích và trấn an sư Thiện Lực.

Nhác thấy sư Thiện Lực, sư cụ nhìn thẳng vào mắt sư một lúc và hỏi:

– Con có điều gì cần bày tỏ ?

Sư Thiện Lực cung kính vái sư cụ:

– Bạch thầy, sao thầy biết con có chuyện muốn thưa với thầy ?

Sư cụ không trả lời câu hỏi mà hớp ngụm nước vối. Những cây vối tươi trồng sau vườn là nguồn thức uống hàng ngày cho các sư. Sư cụ chỉ chiếc ghế tre bên cạnh tràng kỷ và ra hiệu cho sư Thiện Lực ngồi. Sư cụ chậm rãi giải thích:

– Phàm người tu hành, lấy “tinh”. làm căn bản. Dù gặp dầu sôi lửa bỏng, dù gian nan, dù nguy hiểm tính mạng, người xuất gia vẫn thung dung tự tại. Thoáng thấy dáng đi hấp tấp của con, nhìn khuôn mặt mất vẻ bình tĩnh của con, thầy biết trong lòng con có vấn đề, mà từ trước đến nay cử chỉ này chưa từng xảy ra với con.

Sư Thiện Lực niệm Phật. Sư xin phép thầy uống chung nước vối vì cổ họng sư khô rang. Sau đó sư kể đầu đuôi ngọn ngành sự việc. Kể xong, sư ngước mắt nhìn sư cụ và chờ đợi phán quyết của sư phụ.

Sư cụ từ tốn nói:

– Ý định của con bây giờ ra sao ? Con có muốn hoàn tục không?

Sư Thiện Lực sợ hãi:

– Bạch thầy, con không có ý định đó. Nhưng không hiểu sao cảnh đời ngang trái cứ ám ảnh con mãi, dứt bỏ không được, nhất là khi con nghĩ đến đứa bé vô tội.

– Mô Phật ! Thiện tai, thiện tai. Thầy không trách con. Lòng nhân ái của loài người thường có cảm tình với vạn vật, nhứt là với muông thú sơ sinh. Riêng con, với đứa con ruột của con, lại càng thương yêu nhiều hơn. Người tu hành đôi lúc cũng bị chuyện đời xen vào tâm hồn. Nhưng đã là người xuất gia thì phải điều khiển bản ngã vững chắc, không để ngạ quỷ lôi cuốn, phải phạm giới, tội càng nặng hơn... Con có vợ con trước ngày con xuất gia, điều này rất bình thường. Sau khi xuống tóc mà con phạm giới thì rất đắc tội với Đức Phật.

Sở dĩ con bị ám ảnh vì mọi việc chưa được sáng tỏ, chưa tìm hiểu cặn kẽ để đạt mục đích. Điều hay nhất là bây giờ thầy cho phép con gặp lại bà Nhẫn, để nói hết những ấm ức trong lòng hai người, giải toả mọi thắc mắc, u uẩn tồn tại mấy mươi năm qua...

Sư Thiện Lực van nài:

– Bạch thầy, gặp bà Nhẫn lại càng vương vào chuyện đời, điều mà con không muốn dây dưa.

Sư cụ nghiêm chỉnh nói:

– Uẩn ức tồn đọng, muốn giải thì con phải xông vào thực tại mới xoá tan được. Nếu con không gặp bà Nhẫn để nói rõ trắng đen, ám ảnh này sẽ bung rộng ra theo sự tưởng tượng, sẽ thêm thắt đủ điều và con sẽ quay cuồng trong quỹ đạo, không thấy ngõ thoát ra.

Miễn sao, lòng con vẫn trong sạch, không bị bùn nhơ vướng đọng là được rồi.

– Thưa thầy, không hiểu sao con vẫn thường chỉ dạy các chú tiểu, mà đến chuyện của con, con cứ quay vòng vòng.

– Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng. Con muốn giải quyết chuyện của con thì con phải đứng hẳn bên ngoài, nhìn xuyên suốt sự việc, con sẽ thấy một cách khách quan hơn.

– Con muốn thỉnh thầy cùng con gặp bà Nhẫn...

Sư cụ nhắc nhở:

– Đây là việc tế nhị. Con cần phải biết những gì con muốn biết, con cần phải nói những gì con muốn nói, sau đó con sẽ lấy lại thăng bằng tinh thần. Thầy muốn tự con xoá sạch mọi ưu tư. Và đây cũng là việc thử thách bản ngã của con sau mấy mươi năm tu học. Nếu con vượt ra được cái vòng lẩn quẩn, con mới xứng đáng đi tiếp tục trên con đường hành đạo. Còn trái lại, mấy chục năm xuất gia của con sẽ trả về cửa từ bi...

Sư Thiện Lực từ giã thầy, lòng ngổn ngang, rối như tơ vò. Vào cửa Phật, quanh năm kinh kệ, suốt tháng chuông mõ, gác bỏ mọi ưu phiền; tuy vật chất thiếu thốn nhưng tinh thần thanh tịnh, sư thấy cuộc đời mình phẳng lặng như ao nước mùa thu.

Hôm nay nhác thấy người xưa, lòng sư hoảng loạn với dĩ vãng. Tâm khuấy động, trí chao đảo, không vì ham muốn đời thường mà vì tiềm thức dâng trào gút mắc mấy chục năm qua.

Sư Thiện Lực đến phòng khách, nấu ấm nước sôi, pha bình vối tươi. Sư bảo chú tiểu đến nhà ngang mời bà Nhẫn lên phòng khách. Sư phải dứt khoát một lần minh bạch. Sư, mặc dù xuất gia nhiều năm, nhưng vẫn là người trần, xác phàm. Đối với người nữ mà trước đây sư trân trọng, quí yêu hơn mạng sống của mình, không đơn giản như những người nữ khác. Sự dằng co giữa dĩ vãng và hiện tại, sự khuấy động giữa thương yêu và con đường tu hành không ngớt hành hạ sư. Sư phải tranh đấu với chính mình, phải thắng mọi cám dỗ. Trên lý thuyết, chuyện gì cũng dễ dàng. Khi chạm vào thực tế, mới biết xử sự cho hợp tình hợp lý không chút nào đơn giản. Tâm trạng sư trong giây phút này cần phải minh định rõ ràng thắng hoặc thua u mê ám chướng.

Trời về chiều. Tiếng ve sầu văng vẳng từ các nhánh cây, phá tan không gian tịch mịch. Vài cơn gió ập tới, đong đưa ngọn bắp sau chùa, rì rào một khúc nhạc trầm trầm.

Bà Nhẫn bước vào cửa phòng khách, dáng ngập ngừng. Sư Thiện Lực mời bà ngồi, rót nước vối mời bà uống. Cả hai yên lặng. Mỗi người đeo đuổi ý nghĩ riêng của mình, mặc dầu cả hai đều biết mục đích buổi gặp chiều nay. Xa nhau mấy chục năm đăng đẳng, một nam một nữ, trước kia đã từng yêu nhau thắm thiết; nay là một đạo và một đời, phân cách giữa ranh giới tỳ kheo và phật tử, nên khó ăn khó nói, khó mở đầu câu chuyện.

Sư Thiện Lực được sư cụ cho phép gặp bà Nhẫn, sư muốn hỏi đứa con gái của sư thuở trước. Song bây giờ là người tu hành, sư rất ngại ngùng đề cập chuyện riêng tư này. Sư lựa cách mở lời:

– Xin thí chủ cho phép tôi được biết cuộc sống của thí chủ.

Bà Nhẫn lẳng lặng nhìn sư Thiện Lực. Bà hiểu ý của sư. Chẳng gì cũng một thời hai người tâm đầu ý hợp, suy nghĩ hoà chung. Bà hiểu sư rất muốn biết tin tức đứa con gái của hai người, nhưng sư không đề cập trực tiếp vì hoàn cảnh hiện giờ không cho phép sư nói thẳng. Tình yêu của bà đối với sư vẫn một lòng như trước, còn với người chồng hiện tại, nghĩa nhiều hơn tình. Tâm trạng người đàn bà thường khó hiểu, nhưng với tình yêu, khi đã yêu thì khó đổi thay.

Bà Nhẫn nói nhỏ:

– Thưa... Đứa con gái tên Hoài Lan, nay đã 34 tuổi. Hoài Lan đã đậu bác sĩ, có chồng cũng là bác sĩ. Lan đã có 2 con, đều là gái...

Sư Thiện Lực im lặng. Suốt bao năm trời, hôm nay mới được tin tức đứa con gái ruột thịt do chính mẹ nó xác nhận. Chỉ một điều này, sư cảm thấy lòng nhẹ nhõm hẳn. Đúng như ý sư cụ đã nói “Mọi việc chưa được sáng tỏ, chưa đạt được mục đích thì lòng sư vẫn ray rứt”. Bây giờ, tâm trạng sư như chiếc bong bóng căng đầy, khi thoát hết không khí ra thì tâm trạng đó trở lại bình thường.

Sư cám ơn bà Nhẫn, từ giã để ra rẫy sau chùa tưới rau quả và cây cối. Bước đi của sư nhẹ tênh, thân người của sư như muốn bay bổng vì quăng bỏ hết mọi thắc mắc và phiền muộn đeo đẳng mấy chục năm qua...

Trở về Mỹ sau chuyến hành hương dài, bà Nhẫn mường tượng như đã trải qua một giấc mơ sôi nổi. Tuy khí hậu Đàlạt mát mẻ, nhưng về đến nhà, bà vẫn thấy thoải mái hơn. Vùng gia đình bà cư ngụ ở tiểu bang Kentucky cũng có đồi, có núi, có sông, có bãi cỏ xanh mượt mà và rộng mênh mông.

Điều khiến bà yên tâm nhiều nhất là gặp lại người mà bà canh cánh bên lòng suốt thời gian mịt mùng vô tận. Lắm lúc bà nghĩ có lẽ kiếp này không sao gặp lại người đã khắc ghi dấu ấn sâu đậm trong mảnh đời son trẻ của bà. Tuy nhiên, cái khó khăn cho bà hiện tại là có nên cho Hoài Lan biết mọi việc? Có nên nói thật với chồng bà hiện tại – ông Nhẫn – về việc Hoài Lan không phải là con đẻ của ông ?

Ưu phiền của bà sau chuyến đi, không sao qua mắt Hoài Lan được. Bà có tất cả 4 người con. Hoài Lan – con gái lớn – Nhiệm, con trai – Julie con gái kế và Sophia là con gái út. Riêng Hoài Lan sanh ở Việt Nam, tánh tình nhu mì nhưng thẳng thắn. Cô thường thay mẹ dạy dỗ các em. Từ khi có chồng con, cô ra riêng, nhưng cũng ở gần đó để dễ dàng chăm sóc sức khoẻ cha mẹ.

Nhìn nét mặt mẹ có phần tư lự, Hoài Lan ướm hỏi. Mãi về sau, bà Nhẫn mới tâm sự với con gái lớn. Nghe xong, Hoài Lan thút thít khóc. Tuy là bác sĩ, có học thức, nhưng cô cũng như những cô gái khác, hỉ nộ ái ố, tuy có phần nhẹ nhàng hơn. Biết hoàn cảnh éo le của gia đình, của cha, của mẹ, bất giác cô mủi lòng.

Bà Nhẫn phân trần:

– Mẹ không phản bội cha của con. Mẹ gặp ba ruột con trước khi lấy cha con làm chồng. Khi về nhà chồng, mẹ vẫn một lòng chăm sóc gia đình chồng, không giây phút nào sao lãng. Sở dĩ mẹ không tiết lộ thân phận con vì mẹ muốn gia đình êm ấm, con sống trong vòng tay thương yêu của cha con.

– Thế mẹ có ý định cho cha con hay việc này không?

4

Suy nghĩ một lúc lâu, bà Nhân nói:

– Bất luận thế nào mẹ cũng nói cho cha con biết. Nhưng còn tuỳ cơ hội... Nghe mẹ kể sự thật, ý của con ra sao ?

– Hiện giờ thì con chưa có phản ứng gì, vì quả thật sự việc khiến con quá bất ngờ. Sống trong sự thương yêu, chăm sóc và đùm bọc của cha, không có người con nào lại dám nghĩ khác hơn.

– Thú thật, nếu không gặp lại ba ruột của con, mẹ vẫn muốn mọi việc êm trôi như từ trước đến giờ.

– Thế bây giờ mẹ tính sao ?

– Có thể, sau khi cho cha con biết, mẹ sẽ nương tựa vào cửa Phật.

– Sao mẹ lại làm thế ?

– Vì lương tâm mẹ quá cắn rứt đã không nói sự thật với cha con suốt mấy chục năm qua...

Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, Hoài Lan nói:

– Con có ý định về Việt Nam thăm ba ruột của con, mẹ à.

– Đừng con ạ. Ba của con nay đã là một vị tỳ kheo, con không nên quấy rầy nếp sống tu hành của ông ấy.

– Nhưng nếu con không một lần gặp mặt ba ruột con, con sẽ ân hận suốt đời vì sẽ không bao giờ được biết đấng tạo ra mình là ai. Con sẽ mang tội bất hiếu. Trước kia con không biết thì thôi, nay đã biết thì con phải sống đúng với đạo lý làm người.

– Việc này tuỳ con quyết định. Dù sao con đã trưởng thành và con cũng đã làm mẹ...

Một năm sau, theo lời hướng dẫn của mẹ, Hoài Lan dẫn 2 con gái về Việt Nam, mong được gặp mặt ba ruột và để các cháu có cơ hội chào ông ngoại.

Xe đò đến Dalat xế trưa, trong cơn mưa mùa thu, mây mù dăng dăng thấp. Thành phố Dalạt ướt đẫm. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, mang cái rét đậm đà đến với người dân, co ro trong áo lạnh và áo mưa nhiều màu sắc. Dalat mưa thật là buồn. Bầu trời xám ngắt lơ lửng trên phố núi.

Hoài Lan không có thì giờ ngắm nghía cảnh quang. Cô rất háo hức mong sớm gặp ba ruột mà thực sự trong thâm tâm cô chưa có một chút gì ấn tượng. Vách núi, vực sâu, mưa buồn, gió lạnh, chỉ là ngoại cảnh trên con đường tạm bợ cô giong ruổi tìm tình phụ tử. Hoài Lan vào chánh điện lạy Phật. Cô nhờ chú tiểu xin phép hoà thượng trụ trì cho gặp mặt. Cô không dám gặp trực tiếp ba ruột – sư Thiện Lực – tránh sự ngỡ ngàng đôi bên. Vả lại, cô muốn mọi việc đều được phép của sư trụ trì, vì vị trụ trì cũng đã biết hết mọi việc, theo như mẹ cô kể lại.

Giây phút thiêng liêng của người con lần đầu tiên trong đời mong mỏi được gặp ba ruột khiến Hoài Lan hồi hộp. Sự hồi hộp pha lẫn thương yêu, kính trọng, khiến cô muốn kéo dài, khoan gặp sư cụ trụ trì để cô tận hưởng sự rộn rã như làn sóng dâng trào trong lòng. Song, cô cũng muốn gặp mặt ba ruột ngay để thoả lòng mong chờ cả năm trời, từ ngày mẹ cô tiết lộ mối tình bẽ bàng của bà.

Không hình dung được người ba ruột, tuy lòng vẫn chưa thương yêu sâu đậm người tạo ra cô, nhưng trong thâm tâm Hoài Lan dấy lên một cảm xúc thiêng liêng, không sao mô tả được.

Trước mặt Hoài Lan, một vị sư mảnh khảnh xuất hiện tự bao giờ, trong lúc thần trí cô miên man suy nghĩ. Hoài Lan nói hai con gái chắp tay vái nhà sư. Hoài Lan trố mắt nhìn nhà sư, không biết có phải hoà thượng trụ trì hay ba của cô...

Sư tự giới thiệu mình là trụ trì, mời Hoài Lan và hai cháu bé vào phòng khách. Hoài Lan sốt ruột gặp mặt ba cô nên khẩn khoản xin sư cho phép đi thăm.

Hai chân mày bạc, dài thậm thượt của sư hơi nhíu lại. Nét mặt sư thoáng băn khoăn. Hoài Lan nghĩ sư già cả, quên không biết cô là ai nên giới thiệu mình lần nữa.

Sư không nói lời nào, đi trước dẫn đường, theo lối mòn đến dẻo đất ven sườn núi. Hoài Lan mường tượng không lẽ ba cô đang tu trong một cái am hay cái cốc nhỏ gần đó, chứ không sinh hoạt tại chùa Pháp Hải này nữa.

Mưa đã tạnh. Hơi sương núi bốc ra, lan toả, bao trùm cây cỏ, dật dờ bay theo gió nhẹ. Tiếng chuông chiều ngân trong không gian, văng vẳng như lời thì thầm bất tận của gió núi mây ngàn. Âm thanh vang động khắp nơi quanh vách núi, chặp sau mới tan biến vào hư không.

Sư dừng chân, tay ông run rẩy thắp ba nén nhang trên ngôi mộ mới đắp, đất đen ướt lạnh vì cơn mưa chiều.

Tự dưng, Hoài Lan lạnh buốt cả người.

Sư trụ trì nức nở:

– Ba của con đã về với cát bụi hơn tháng nay... Trước khi mất, ba con trối trăn với ta là lòng ba con rất thanh thản ra đi. Thật ra, cuộc gặp gỡ với mẹ con năm ngoái đã xoa dịu bao nhiêu chịu đựng suốt cuộc đời của ba con. Chỉ có một điều tiếc là ba con không được gặp mặt con...

Hai dòng nước mắt lặng lẽ lăn dài trên gò má của Hoài Lan. Điều ước muốn của chuyến đi này là gặp lại người cha xấu số, nhưng không thành. Sư trụ trì cho cô biết ba cô bị tai biến mạch máu não, nằm liệt cả tuần trước khi ông đi vào cõi vĩnh hằng. Là bác sĩ, Hoài Lan nghiệm ra, các sư thường ăn tương chao mặn nên áp huyết tăng cao, cho nên tai biến mạch máu não rất dễ dàng xảy ra. Dù sao, con người và vạn vật vẫn không thoát khỏi vòng luân hồi – sanh lão bệnh tử.

Buổi chiều vùng núi thật buồn, và lại càng buồn hơn khi lòng Hoài Lan tan vỡ một ước nguyện thiêng liêng – gặp lại cha ruột – người mà cô chưa hề gặp mặt, nhưng cũng là người cho cô sự hiện diện trên cõi đời này.

Cô lặng lẽ kéo hai con quì bên mộ, mặc cho quần áo lấm bùn đất. Cô thở dài. Đời là vô thường. Trên trần thế, vạn vật lần lượt tan biến vào hư vô, về với cát bụi.

Tiếng chuông chiều vẫn vang vọng, ngân nga trong không trung, như gởi gắm tâm trạng áo não của một người con hiếu thảo, khi vùng tịch liêu hoang sơ này dần dần chìm vào màn đêm ảm đạm./.


Minh Nhã NTD

Dec 2021