Thương hiệu cá nhân: làm từ đam mê, đi từ chính mình

Chủ đề “Thương hiệu cá nhân” tại không gian Toong Co-working space. Chương trình có sự tham gia của anh Nguyễn Đức Sơn – giám đốc chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates, cùng gần 70 học viên tới từ các lớp “Xây dựng thương hiệu dẫn đầu” của học viện Sage. Một chủ đề tưởng như khô khan nhưng đã được anh Sơn cùng các học viên chia sẻ trong không khí thân mật, vui vẻ dưới góc nhìn gần gũi với đời sống.

Thương hiệu cá nhân là gì?

Trong suốt quá trình từ khi biết nhận thức, chúng ta đem theo bên mình câu hỏi: “Tôi là ai?”. Một câu hỏi rất đơn giản nhưng câu trả lời lại hết sức khó khăn. Mỗi người có một cách nghĩ về bản thân. Nhưng dù thế nào, cách nhìn của bạn về bản thân bên trong cũng luôn phản ánh cách thức bạn đối xử với thế giới bên ngoài. Thương hiệu cá nhân là hình ảnh mà thế giới tiếp nhận, là kết quả của những suy nghĩ/ứng xử của bạn tác động đến thế giới. Jeff Bezos, CEO của Amazon có một nhận xét rất thô mộc mà sâu sắc: “Thương hiệu cá nhân chính là những gì người khác nói về bạn, khi bạn không ở trong căn phòng này”.

Có 3 loại hình thương hiệu chính: thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm và thương hiệu cá nhân. Nếu như thương hiệu công ty/sản phẩm được sử dụng trong hoạt động marketing tới thị trường, phục vụ kinh doanh, thì thương hiệu cá nhân có tác dụng không chỉ trong công việc mà còn tác động tới đời sống hàng ngày. “Thương hiệu cá nhân là cách ta làm marketing bản thân đến với những người khác.” Anh Đức Sơn cho rằng, cách thức xây dựng cá nhân trong cuộc sống sẽ khác với trong công việc nơi có những nguyên tắc và chuẩn mực khắt khe. Hơn nữa một trong những nhu cầu lớn nhất của con người là được những người xung quanh thừa nhận. Đây chính là động lực để con người có thể hi sinh hoặc dung hòa một phần đời sống cá nhân riêng tư, trở thành một thương hiệu cá nhân có tác động mạnh mẽ.

Tổng thống Barack Obama cùng phu nhân Michelle Obama chấp nhận chia sẻ một phần cuộc sống riêng tư ra với giới truyền thông, nhằm củng cố mạnh mẽ thương hiệu cá nhân.

Thông thường, chúng ta luôn hi vọng về một cuộc sống hạnh phúc, được sống thoải mái và được là chính mình. Chúng ta cũng muốn những người bên ngoài nhìn nhận về chúng ta đúng như vậy. Nhưng bao giờ giữa hai góc nhìn từ bên trong và bên ngoài cũng xảy ra độ vênh. Hình ảnh ta trong mắt người khác thường không giống với hình ảnh ta nhìn chính mình. Do vậy, ở góc độ quản lí thương hiệu cá nhân, ta không nên quá kì vọng rằng hình ảnh bản thân tạo ra được mọi người tiếp nhận hoàn hảo như những gì ta mong muốn. Anh Đức Sơn cho rằng, “Thương hiệu cá nhân không nên là một hình ảnh quá đối lập với bản thân. Hình ảnh thương hiệu cần làm ta thấy đủ thoải mái. Dù sao đi nữa, hãy luôn thành thật với chính mình.”

Thương hiệu cá nhân trong tập thể

Đối lập với con người Tây phương luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, con người châu Á có tính cộng đồng cao. Do vậy, khi xây dựng thương hiệu cá nhân, cần lưu ý rõ mình đang ở môi trường nào, để có cách thức tạo hình ảnh thích hợp. Thêm vào đó, một trong những giá trị cốt lõi nhất của thương hiệu cá nhân chính là xuất phát từ năng khiếu, thế mạnh của bản thân. Nhưng không phải ở trong môi trường nào, thế mạnh đó cũng được cộng đồng đánh giá cao. Anh Đức Sơn lấy ví dụ về một nhạc công nổi tiếng có tên Joshua Bell. Tiền vé xem một buổi diễn violin tại nhà hát có giá hàng ngàn đô la. Thế nhưng khi Joshua Bell đóng giả một người vô gia cư, đứng kéo đàn ở một vị trí gần nhà hát, thì ông chỉ nhận được vài xu lẻ từ những người đi đường. Cùng một tài năng, cùng một tiếng đàn, nhưng số tiền thu về từ địa điểm diễn lại vô cùng chênh lệch. “Bạn có năng lực, bạn có khả năng, nhưng để được công nhận đúng thì vấn đề lại nằm ở việc: bạn có chơi đúng sân chơi không mà thôi.” – anh Đức Sơn kết luận.

“Hãy luôn là chính mình”

Xây dựng thương hiệu cá nhân có thể hiểu là quản trị hình ảnh bản thân mình trong mắt những người xung quanh. Trong bất cứ thuật quản trị nào, việc kiểm định và đánh giá lại kết quả (trong trường hợp này là hình ảnh cá nhân) là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, con người ta lại có bản năng tự đánh giá cao bản thân hơn thực tế. Ngay cả những người khiêm tốn nhất, trong thâm tâm họ vẫn có một sự tự tôn lớn. Càng thành công, càng dễ sa vào bẫy tự ảo tưởng, huyễn hoặc. Do vậy, “Khi tạo dựng hình ảnh thương hiệu, một trong những việc khó nhất mà ta cần vượt qua là cái tôi của chính mình”, anh Đức Sơn cho biết.

“Hãy xây dựng thương hiệu cá nhân từ đam mê. Đam mê là sự chịu đựng, là dám hi sinh. Nếu không có đam mê, bạn sẽ không chịu đánh đổi để làm cho tới cùng

Kết thúc buổi workshop, anh Đức Sơn gửi gắm thông điệp: đích đến cuối cùng của xây dựng thương hiệu cá nhân chính là để sống hạnh phúc – chứ không phải là thành công. Bởi thành công chỉ là một tiêu chí, không đủ khiến cuộc sống của ta trở nên trọn vẹn. Do vậy, hãy luôn “Enjoy your life and be yourself!”. Anh Đức Sơn cũng nhấn mạnh, “Be yourself” ở đây là sống với mong muốn của bản thân, với suy nghĩ và tính cách của mình, nhưng cũng cần biết hạn chế những thói quen và suy nghĩ xấu.

Cám ơn anh Đức Sơn, cùng các anh chị học viên các lớp “Xây dựng thương hiệu dẫn đầu” của học viện Sage đã cùng nhau tạo nên một buổi workshop hết sức bổ ích và ý nghĩa. Cảm ơn Toong Co-working Space đã hỗ trợ địa điểm tổ chức sự kiện. Hi vọng rằng, sẽ có nhiều những thương hiệu cá nhân mạnh được tạo nên từ các học viên khóa Brand tài năng!