Chuyển đổi số

Khái niệm "Chuyển đổi số" là gì và có mức độ bao trùm như thế nào?

Thời gian gần đây khái niệm chuyển đổi số đã bắt đầu được nhắc đến ở Việt Nam, mặc dù vậy vẫn đang có những hiểu nhầm về khái niệm này hoặc chưa hình dung ra hết mức độ bao trùm của khái niệm.

Trong quá trình phát triển của kỷ nguyên số, chuyển đổi số là điều tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Ở Việt Nam, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau buổi làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông, trong đó có trả lời kiến nghị giao chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, với lưu ý thời điểm triển khai thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó trong buổi làm việc đầu tháng 9/2018, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề nghị được chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia; Bộ Thông tin & Truyền thông nhận định, quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo.

Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển, trong đó có thể giúp Việt Nam tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 đến 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Trên thế giới, khái niệm chuyển đổi số đã được nhắc đến như một xu hướng tương lai không thể khác. Trong khi đó thời gian gần đây chuyển đổi số cũng đã bắt đầu được nhắc đến, mặc dù vậy vẫn đang có những hiểu nhầm về khái niệm này hoặc chưa hình dung ra hết mức độ bao trùm của khái niệm.

Vậy "Chuyển đổi số" là gì?

Theo định nghĩa trên Wikipedia, "Chuyển đổi số" không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi mà công nghệ số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống; khi đó mọi người thường ưu tiên giải pháp số thay vì giải pháp truyền thống.

Ở cấp độ chuyển đổi này thì ứng dụng số sẽ mở ra những dạng thức đổi mới và sáng tạo trong cả một lĩnh vực thay vì chỉ nâng cấp và hỗ trợ những phương pháp truyền thống. Theo nghĩa hẹp, chuyển đổi số có thể hình dung bằng khái niệm “văn phòng không giấy tờ”.

Mặt khác, "Chuyển đổi số" cũng có thể được định nghĩa là tác động xã hội toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Bước chuyển công nghệ kỹ thuật số, quá trình số hóa và tác động chuyển đổi số có khả năng tăng tốc và dẫn lối cho quá trình chuyển đổi xã hội toàn cầu.

Theo định nghĩa này thì IoT, Big Data, hay khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn nằm trong cấp độ số hóa; còn chuyển đổi số là cấp độ cao hơn một bậc, giống như một pha hoàn thiện của số hóa.

Trong buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với Tập đoàn Boston Consulting (BCG), ông Vincent Chen - Giám đốc toàn cầu khối tư vấn chính sách công của BCG đã chia sẻ với phía Việt Nam nhiều thông tin quan trọng về lĩnh vực chuyển đổi số, qua đó cũng làm rõ cho khái niệm này.

Theo đó, chuyển đổi số bao gồm 3 cấp độ. Thứ nhất là những thay đổi của chính phủ khi ứng dụng CNTT vào chính phủ điện tử. Tiếp đến là việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của người dân, và của doanh nghiệp. Khái niệm chuyển đổi số sẽ bao hàm cả 3 cấp độ này.

Theo ông Vincent Chen, trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất vẫn là việc chuyển đổi, phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận và ứng dụng thì mới có thể tận dụng được hết lợi ích của việc chuyển đổi số.

Về sự khác nhau giữa số hoá và chuyển đổi số, vị lãnh đạo BCG cho rằng, nhiều quốc gia đã số hoá nhưng chưa phát huy được tối đa các tiện ích và ứng dụng của việc số hoá này nên chưa thể gọi là chuyển đổi số. Điều này cũng giống như việc chúng ta sở hữu một chiếc điện thoại di động đắt tiền nhưng lại không dùng hết được chức năng của nó.

Lấy một ví dụ cụ thể hơn, ông Vincent Chen cho biết một đứa trẻ sinh ở Estonia trước đây sẽ phải đăng ký thông tin với 5 cơ quan khác nhau. Các cơ quan này gồm bệnh viện, bảo hiểm xã hội, số đăng ký công dân, trường học và cập nhật thông tin bố mẹ.

"Sau khi chuyển đổi số, bố mẹ của đứa bé chỉ cần cung cấp thông tin một lần, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải chia sẻ thông tin đó cho nhau để phục vụ người dân được toàn diện nhất", vị lãnh đạo BCG này khẳng định.

Trong khi đó ở hội thảo Vietnam Finance 2018 "Chuyển đổi số trong ngành Tài chính" ngày 26/9/2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng làm rõ hơn khái niệm chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, hiện nay khái niệm chuyển đổi số mới được đề cập trong phạm vi hẹp, được hiểu là số hóa, ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ.

"Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới quốc gia thông minh", Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định.

Về cơ bản, chuyển đổi số sẽ dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh. "Dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu cách mạng 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng, như câu chuyện Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhận định, thách thức đối với chuyển đổi số ở Việt Nam là không ít, bao gồm nguồn lực và kỹ năng, văn hóa và nhận thức, và an toàn an ninh mạng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ICT của Việt Nam đã ra tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT và Techday mới đây, Chủ tịch FPT khẳng định, sứ mệnh của FPT là tiên phong chuyển đổi số; cơ hội này trước hết mở ra một hướng mũi nhọn có giá trị hàng chục tỷ USD cho Việt Nam.

Đối với FPT đây là thời đại Internet của các công ty, tổ chức; xét cho cùng, thế giới này là thế giới của sản xuất, dịch vụ, của ngân hàng, của hàng không... Đây sẽ là thị trường lớn nhất của chuyển đổi số.

FPT đã và đang tiên phong khai phá những thị trường chuyển đổi số này, đứng cùng sân với những công ty lẫy lừng thế giới và hợp tác cùng họ. Với chiến lược đó, FPT có thể một lần nữa mở rộng thị trường công nghiệp phần mềm và đóng góp tỷ đô cho nền công nghiệp mũi nhọn này.

FPT sẽ cung cấp giải pháp cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh để thêm nhiều triệu người được hưởng lợi, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của đất nước.

"Ước mơ của những ngày đầu là mở mang bờ cõi, thì ước mơ của thời đại mới sẽ là trở thành công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới với hầu hết doanh thu đến từ dịch vụ chuyển đổi số", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.

Trước đó, khi Tập đoàn Công nghệ CMC tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ngày 6/5/2018, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: "Thế giới đang mở ra một thời kỳ mới, kỷ nguyên Internet, kỷ nguyên số, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức; cơ hội rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ".

Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ: "Mục tiêu 3 năm tới của CMC là xây dựng thành công doanh nghiệp sáng tạo, theo chuẩn quốc tế World Class, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, tăng gấp đôi doanh số lên 10 ngàn tỷ đồng... CMC quyết tâm đi đầu trong chặng đường chuyển đổi số để chinh phục thế giới số".


Cùng với cách mạng 4.0, Chuyển đổi số được nhắc đến ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Chuyển đổi số càng trở nên tất yếu và là bước đi không thể thiếu mở ra nhiều cơ hội để phát triển xã hội trên tất cả các mặt.

Đứng trước đại dịch Covid-19, những ngày qua cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Giang cũng đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các nền tảng số để tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đồng thời coi đây là một công cụ hữu hiệu trong quá trình dập dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều phần mềm tiện ích đã được đưa vào ứng dụng như: phần mềm phòng chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid 19 theo thời gian thực; phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ tỉnh Bắc Giang; xây dựng cơ sở dữ liệu phiếu xét nghiệm phục vụ CDC và báo cáo UBND tỉnh; phần mềm in phiếu xét nghiệm phục vụ CDC …

Trong đó, phần mềm quản lý và truy vết Covid cho doanh nghiệp là phần mềm do Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xây dựng có chức năng truy vết khi một trong những doanh nghiệp có trường hợp dương tính với Covid-19, đảm bảo khoanh vùng nhanh, kịp thời và có độ chính xác cao. Phần mềm được triển khai cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai cho một số tỉnh bạn như: Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Quảng Nam, Khánh Hòa. Mới đây, phần mềm đang được nâng cấp để phục vụ quản lý và truy vết với đối tượng là cán bộ công chức, viên chức đơn vị hành chính, sự nghiệp, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tính đến 14h ngày 30/9/2021, Sở đã tạo lập 5.158 tài khoản cho các doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự ̣ nghiệp, trường học trên phần mềm, trong đó có 339 đơn vị hành chính, sự nghiệp, 1.099 tài khoản cho các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, 360 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và 3.360 tài khoản cho doanh nghiệp thuộc các huyện, thành phố. Việc tạo lập tài khoản được cập nhật và thực hiện ngày theo đăng ký của doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Sở đã thưc hiện hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp cập nhật dữ liệu trên phần mềm, với tổng số 255.018 người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp được cập nhật; 11.584 cán bộ công chức, viên chức được cập nhật; 21.947 giáo viên, nhân viên và 115.650 học sinh trong các trường học trên địa bàn đã được cập nhật thông tin lên hệ thống.

Trong thời gian dịch Covid diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, hàng trăm hội nghị trực tuyến đã được tổ chức, đảm bảo kênh liên lạc trực tuyến thông suốt giữa chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền trong tỉnh Bắc Giang để triển khai công tác phòng chống dịch khi có yêu cầu. Để đảm bảo tiến độ giải quyết công việc cho tổ chức, công dân trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được khuyến khích thực hiện và tăng mạnh tại nhiều sở, ngành và địa phương. Riêng trong tháng 8, cổng dịch vụ công của tỉnh có trên 11 nghìn hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3,4. Một số cơ quan có số lượng tiếp nhận, giải quyết trực tuyến nhiều, đạt tỷ lệ cao như Ban Quản lý Khu công nghiệp 100%, Sở Tài chính 100%, Sở Công thương 99%. Ngoài ra, các dịch vụ công thực hiện thanh toán trực tuyến đã giúp các tổ chức, cá nhân giảm thời gian, chi phí đi lại. Thanh toán điện tử là bước phát triển tất yếu góp phần giúp Bắc Giang thay đổi hình thức thanh toán cũ của người dân, doanh nghiệp, hướng đến cách làm mới hiện đại, tiên tiến hơn phù hợp với giao dịch trên toàn quốc và trên thế giới.

Cũng nhờ ứng dụng CNTT và các nền tảng số, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được hiện diện và tiêu thụ trên 6 sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost) và Lazada, đồng thời được tiêu thụ mạnh qua mạng xã hội như zalo, facebook. Riêng 2 sàn thương mại điện tử đã giúp Bắc Giang tiêu thụ 8.988 tấn vải thiều (Voso: 4.938 tấn, Postmart: 4.050 tấn). Việc ứng dụng các nền tảng số đưa vải thiều lên sàn đã không chỉ giúp giải bài toán về tiêu thụ vải thiều Bắc Giang mà còn giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh và rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời công nghiệp 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp.

Với việc triển khai sâu rộng Chuyển đổi số tới từng cơ quan ban ngành của tỉnh, thành quả đạt được chính là tiền đề góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh Bắc Giang trong năm 2021 và những năm tiếp theo: Hệ thống phần mềm QLVB&ĐHCV được triển khai đến tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước liên thông 4 cấp, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được chuẩn hoá, nâng cấp và tích hợp liên thông từ 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố với cổng chính duy nhất và các cổng thành phần. Cũng nhờ tích hợp với cổng dịch vụ công Quốc gia, một số thủ tục hành chính cho phép người dân có thể thực hiện liên thông 4 cấp chính quyền. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh hiện nay, còn tích hợp, kết nối chính thức với phần mềm Bưu chính công ích thông qua trục kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương.

Tỉnh bắt đầu triển khai đạt hiệu quả cao việc lắp đặt camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại các tuyến đường trọng điểm; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hạ tầng ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ. Hệ thống đường truyền chuyên dùng được kết nối từ Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn với tốc độ cao để bảo đảm hoạt động cho các hệ thống phần mềm dùng chung. Đặc biệt, trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được xây dựng trở thành hệ thống hạ tầng CNTT cốt lõi, đủ mạnh để quản lý tập trung các hệ thống CNTT dùng chung của toàn tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Ngày 11/6/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng tập trung trên 3 trụ cột chính đó là: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; Ngày 13/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 324/KH-UBND Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện tỉnh đang triển khai thí điểm ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại xã Việt Tiến (huyện Việt Yên) và thị trấn Phồn Xương (huyện Yên Thế); thí điểm Chuyển đổi số mô hình giáo dục cho các học sinh cấp THCS tại trường THCS Việt Tiến (huyện Việt Yên) và trường THCS Tam Hiệp (huyện Yên Thế); thí điểm mô hình Chuyển đổi số cấp xã tại phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang). Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ xếp hạng Bắc Giang thứ nhất toàn quốc về Chỉ số hiện đại hoá hành chính năm 2020… Trong nhưng năm tới, Bắc Giang quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp uỷ, chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội, phấn đấu đến năm 2025 Bắc Giang có chỉ số đánh giá về Chuyển đổi số thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và tạo tiền đề thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chuyển đổi số./.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 5755/KH-UBND ngày 02/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang năm 2022.

Kế hoạch đề ra mục tiêu chung là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt được trong thời gian vừa qua để từng bước thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 433-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện và phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.

Mục tiêu về phát triển Chính quyền số tỉnh trong năm 2022: 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là 90%, 80% và 50%; trên 80% chế độ báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; trên 70% CSDL tạo nền tảng phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ; trên 50% hoạt động kiểm tra được thực hiện thông qua môi trường số.

Mục tiêu về phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2022: 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu về phát triển hạ tầng CNTT và an toàn thông tin trong năm 2022: 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 100% cơ quan nhà nước kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; tối thiểu 70% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ; 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin; 100% cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin; 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ nuôi dưỡng trẻ em được tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn; 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý chuyển đổi số; (2) Phát triển hạ tầng số ; (3) Phát triển các nền tảng, hệ thống; (4) Phát triển các nền tảng, hệ thống; (5) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; (6) Bảo đảm an toàn thông tin; (7) Phát triển kinh tế số; (8) Phát triển xã hội số; (9) Chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, giáo dục và đạo tạo; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và đầu tư;…; (10) Phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, địa phương mình và chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thành công “cơ quan số” tại ngành mình, cấp mình; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của ngành mình, địa phương mình trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử thành phần của cơ quan, đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

Nguồn ngân sách cấp tỉnh cân đối, cấp kinh phí cho các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thành phố chủ động bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022.