Chợ Mọc ở đâu?

Tản mạn về một phiên chợ….

Cận kề ngày Tết cổ truyền, bộn bề nhiều việc nhưng không ít người vẫn nhớ tới, nhắc tới phiên chợ quê mùng 2 Cao Thượng – Chợ Âm dương.

Cao Thượng (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), những ngày này người dân đang hối hả cày bừa, cấy lúa, trồng lạc, nhưng càng gần ngày cuối năm, dư âm của phiên chợ mùng 2 Tết càng rõ nét qua những câu chuyện phiếm của mấy bà mấy chị… . Chỗ rau cần này, nhà tôi đề dành đến phiên chợ mùng 2… Nhà em dành tới cả tạ gạo ngon, cận ngày mới làm bún để đi chợ Đình Cao Thượng…

Ông Nguyễn Văn Đắc, nguyên sĩ quan Quân đội nghỉ hưu giờ cũng đã vào tuổi hiếm, nhà ở thôn Trong – ngay gần nơi họp chợ rất tự hào về phiên chợ độc đắc ở quê mình: Tôi cũng không rõ phiên chợ này có từ bao giờ, chỉ biết nó họp vào mùng 2 tết và mỗi năm chỉ mở đúng 1 phiên. Chợ họp từ 3 giờ sáng đền 7 giờ thì tan. Ngày nhỏ, ông Đắc thường theo mẹ đi chợ, lớn lên tham gia quân ngũ biền biệt vài chục năm đành chịu, chứ ngay sau về nghỉ, chẳng phiên chợ nào là ông vắng mặt. Trong đôi mắt của người cựu sỹ quan chợt trở nên xa xôi, tựa như ông đang thả hồn mình về với tuổi thơ …

Cao Thượng ngày đó còn gọi là Cương Lập, với các làng cổ: Đầu Cầu, Cao Thượng, Bùi, Hạ, làng Giã... bao quanh. Đường làng nhỏ, uốn lượn khuất dạng sau những lũy tre làng, kế đó là những dải ao rộng nước trong xanh, rồi đến các xứ đồng cấy lúa, trồng rau. Miền quê này kể cũng lạ, chất đất như hợp với rau xanh nên rau cần, rau muống trồng trên đất của làng Cao Thượng, làng Đầu Cầu ăn giòn, ngọt và ngon hơn ở những vùng khác, chả thế mà từng có thời kỳ, rau muống Đầu Cầu là thức để tiến Vua và rau xanh là thứ không thể thiếu, xuất hiện nhiều nhất trong mỗi phiên chợ.

Xưa, vào sáng mùng 2 tết, từ 1- 2 giờ sáng, mấy bà mấy chị đã lục tục trở dậy, sắp quang gánh rồi đi ra đồng cắt rau cần. Cây rau cần trồng trên những chân ruộng trũng, nhưng nhiều hơn là những dãy ao tát cạn. Trong đêm, ánh từ những ngọn đèn thấp thoáng trên đồng, nhỏ xíu như hạt đỗ. Sau việc hái rau, rửa rau cũng đã hơn 3 giờ, vậy là lật đật men theo con đường làng đến chợ. Trời vẫn tối đen, đường quê nhỏ, mấp mô nhưng là con đường quen nên các bước chân lầm lụi bước vội trong mưa bay lất phất mà vẫn không vấp. Sau mấy bà hàng rau, là bún, là bánh, rồi cá… được lần lượt chuyên trở đến chợ, chủ yếu bằng cái sự gánh gồng. Trên sân đình Cao Thượng, những ngọn đèn dầu được thắp lên, mỗi quầng sáng chưa đầy m2 và cả khu chợ chợt trở nên lung linh huyền ảo. Trong những phiên chợ quê ngày đó, thấp thoáng hình ảnh của lớp người mà nay đã vào tuổi hiếm.

Không ai nhớ phiên chợ có từ khi nào, và cũng không ai còn rõ nguồn gốc phiên chợ ra sao. Có thể dăm bẩy chục năm về trước, lớp người thời đó còn bề bộn với biết bao công việc, rồi chinh chiến đánh giặc nên ít có thời gian để quan tâm tới những điều giản dị ngay cạnh bên mình. Cũng có thể, chuyện về phiên chợ quê mùng 2 mặc nhiên đã tồn tại nên người ta thừa nhận nó mà không hề đòi hỏi căn nguyên… chính vì vậy mà sự giải thích cũng rất khác nhau. Chuyện rằng, người dân quanh núi Yên Ngựa nằm ở trung tâm của làng Cao Thượng vốn dĩ thờ thần Bạch Hổ, nó liên quan đến tín ngưỡng dân gian thờ cúng tự nhiên và quan niệm “vạn vật hữu linh” những mong thần sẽ phù hộ cho mùa màng tươi tốt, để cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. Hơn thế, Bạch hổ biểu hiện cho sức mạnh của "thế giới Diêm Vương" và để bình ổn vùng đất, hơn 3 thế kỷ trước dân làng đã góp công góp của xây dựng ngôi đình làng bề thế, kiểu thượng con chồng giá chiêng, hạ con chồng cốn – kẻ với tòa đại đình 5 gian, 2 trái. Kết cấu khung chịu lực, gồm 6 hàng chân gồm 48 cột, trong đó có 8 cột cái lớn chu vi 2,15m, đường kính hơn 70 cm. Đình dài 24,8m, chiều rộng 14,1m, diện tích 1 sào Bắc Bộ. Sau đình là chùa với cả trăm gian, nên dân gian còn gọi chùa Cao Thượng là chùa Trăm gian. Cạnh sân đình lại cho dựng một ngôi nhà 7 gian, có sạp gỗ gọi là công quán để mọi người nghỉ ngơi sau buổi làm đồng, hoặc cho người qua đường dừng chân. Vẫn chưa là đủ, nên dân các làng bàn nhau mở phiên chợ đình vào sáng mùng 2. Chợ họp từ lúc nhá nhem đến sáng, chủ yếu là rau xanh, bún bánh, cá, bánh đa quê, nôm na đây là phiên chợ Âm dương, nơi để giao lưu giữa 2 thế giới vào một ngày đầu năm. Chợ đình Mùng 2 Cao Thượng có từ ngày đó.

Lại có ý đồ rằng, phiên chợ này chưa cổ đến như vậy vì nó liên quan đến khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1913). Rằng, chợ Mọc xưa họp tại đình làng Cao Thượng. Trong Khởi nghĩa Yên Thế, nghĩa quân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã có mối liên hệ rất mật thiết với làng Cao Thượng và đình Cao Thượng. Tại đây, Đề Thám cho lập căn cứ ở trên núi Yên Ngựa. Trong năm 1890, thực dân Pháp dò biết ở núi Yên Ngựa có quân của cụ Đề nên đã tổ chức lực lượng tấn công đánh nghĩa quân. Trận đánh diễn ra quyết liệt, giặc Pháp hao binh tổn tướng nhưng do ưu thế về lực lượng và vũ khí nên đã tràn vào làng Cao Thượng đốt phá. Chùa trăm gian bị cháy trụi, đình Cao Thượng cũng bị đốt nhưng dân làng đã cứu được. Để đảm bảo an toàn, giặc Pháp cấm dân làng họp chợ tại đây và chợ làng phải chuyển ra khu chợ Mọc bây giờ, nhưng dân làng vẫn nhớ nơi họp chợ cũ, hàng năm vào ngày mùng 2 rủ nhau về họp chợ phiên, lâu dần mà thành. Chợ Mọc hiện đang nằm trong vùng đất của làng Nhân Mục, tên nôm là làng Mọc, phủ Mọc, không xa đó là làng Chợ. Những địa danh này tồn tại hàng trăm năm nay và dường như đang nói lên một điều: Phiên chợ Âm dương và chợ Mọc vốn dĩ độc lập với nhau. Nhưng, dẫu giải thích thế nào thì phiên chợ Mùng 2 Cao Thượng vẫn là phiên chợ cổ, có dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân sở tại…

Chừng hơn mười năm trước, trong phiên chợ đông đúc nên ít người để ý đến một người đàn ông dáng quắc thước, vẻ mặt phong trần chừng ngoài 60 tuổi đang đứng chắp tay ngắm nhìn chợ Mùng 2 với dáng vẻ mừng vui. Rồi phiên chợ sau lại thấy ông và tới phiên chợ mới rồi vẫn thấy ông về đứng đó, thêm cùng mấy cháu nhỏ líu tíu phía sau. Hóa ra ông là người làng Cao Thượng, lớn lên đi bộ đội, trở thành chỉ huy, được phong hàm đại tá, nhà hiện đang ở thủ đô Hà Nội và năm nào ông cũng về quê vào đúng dịp này. Ông cho biết: Ai đó đã nói, muốn biết quê hương thay đổi thế nào cứ đến chợ là rõ, nhưng ở phiên chợ này nói như vậy có lẽ chưa hẳn đúng. Chợ Phiên mùng 2 có nhiều đổi thay, nhưng vẫn giữ được nét duyên xưa. Quả là một nhận định đáng để suy ngẫm…

Cương Lập xưa, nay đã tách thành xã Cao Thượng và thị trấn Cao Thượng. Nhiều làng cổ phân thành những thôn nhỏ, tuy giữ mối liên hệ mật thiết với nhau về nghĩa xóm tình làng nhưng ngành nghề mỗi nơi một khác. Các thôn Đình, Trong, Chùa vẫn giữ nếp cũ cấy lúa trồng rau và rau cần vẫn mướt khắp đầu xóm cuối làng mỗi khi xuân về. Làng Hạ giờ trở thành làng nuôi thủy sản, góp mặt trong phiên chợ bằng những con cá to nặng. Làng Giã gần chợ Mọc nên có nhiều hộ theo nghề làm bún, tráng bánh, làm bánh gio…Những con đường làng giờ mở rộng 3- 4 m, đổ bê tông, thuận cho người, xe đạp, xe máy. Dọc hai bên đường và trong chợ, những dải đèn điện cấp ánh sáng thâu đêm, bớt đi cái sự huyền ảo nhưng bù lại là sự ấm áp và gần gũi trong ngày họp chợ đầu năm và cũng làm vắng đi cái cảnh những bước chân lầm lụi gánh hàng về chợ trong đêm tối trời.

Chợ Mùng 2 giờ đông hơn, hàng hóa nhiều hơn nhưng vẫn giữ nếp xưa.Bánh, trái thứ hàng tinh sạch vẫn bày bán ở gần chùa, có năm, do quá đông mà hàng bún bánh được ưu tiên vào cả trong sân chùa. Kế đó là hàng bánh đa đỏ, rồi mới đến rau xanh, cà chua, cá tươi, thêm mấy hàng tạp hóa, đồ chơi trẻ con, rồi một vài ba hàng thịt… Dẫu đông đúc, chợ vẫn không quá ồn ào. Người mua và bán đều không mặc cả và không có cái cảnh chen lấn, xô đẩy cãi vã thường thấy ở nhiều phiên chợ khác. Phiên chợ mùng 2 vẫn là phiên chợ cầu may, chúc phúc.

Với ông Đắc hiện đang tại vị ở làng, với ông cựu Đại tá người làng giờ đang sống ở Hà Nội và với nhiều người dân Cao Thượng khác, chợ mùng 2 có thể là phiên chợ trấn trạch, là nơi giao hòa gặp gỡ giữa 2 thế giới. Có thể nó đã xuất hiện từ có vài ba trăm năm trước, cũng có thể mới có hơn 1 thế kỷ nay…điều đó cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc chợ mùng 2 đã và đang thay đổi, phong phú đa dạng hơn về hàng hóa những vẫn giữ được nét hồn hậu vốn có. Nó đã và đang làm cho đất và người Cao Thượng đẹp hơn lên.

Châu Giang