Chợ Mía ở đâu?

Tân Mỹ có chợ Bãi Mía

Hơn chục năm trước, ai đi qua khu vực Ngọc Lâm, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang (quốc lộ 1A cũ) cũng bị níu chân trước sức hấp dẫn của những dãy mía chất ngàn ngạt hai bên đường. Người dừng chân mua làm quà, người mua để bán lẻ, cũng có nhiều tư thương tìm đến đặt điểm tiêu thụ nên lúc nào chợ cũng tấp nập. Tên chợ Bãi Mía có từ ngày đó. Nay không chỉ có mía mà mỗi ngày có hàng trăm tấn hoa quả từ các vùng miền trong cả nước tập kết về chợ, được tư thương, người buôn bán nhỏ lẻ đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố.

Từ xóm nghèo...…đến phố chợ

Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Lê Xuân Tuyết (hiện là tổ trưởng tổ dân phố Bãi Mía) là một trong những người đầu tiên khơi nguồn cho phong trào buôn rau quả ở vùng đất Ngọc Lâm. Ngày đó, Ngọc Lâm đất chật, người đông, đời sống vô cùng khó khăn, kỳ tháng Ba ngày Tám đói kém, nhiều nhà phải bán lúa non, ăn cơm độn với sắn mốc là chuyện thường. Cả xóm vài chục hộ nhưng chưa có đến một nóc nhà kiên cố. Trong lúc túng khó, một số gia đình đứng ra thu mua rau của bà con mang đi các tỉnh xa tiêu thụ. Một lần đưa rau lên Hoà Bình, ông Tuyết thấy ở đó nông dân trồng nhiều mía, rau bán hết, chẳng lẽ về xe không phí quá. Nghĩ thế ông rủ bạn mua mía về chợ quê bán. Mía Hoà Bình thân tròn, to, ít đốt, khi ăn có vị ngọt mát, mềm, giá lại rẻ nên bán rất chạy. Lần khác, ông Tuyết cùng một số người bạn lên Hà Giang thấy bà con trồng nhiều cam, vườn cam nào quả cũng sai lúc lỉu, căng mọng, tươi ngon. Không lâu sau, cam sành cũng đã có mặt ở chợ Bãi Mía. Những năm sau, do tích luỹ vốn và kinh nghiệm, ông Tuyết và một số hộ lân cận vào các vựa xoài, thanh long, dừa, bưởi ở Cam Ranh (Khánh Hoà), Tánh Linh (Bình Thuận), các tỉnh miền Tây xây dựng cơ sở đặt điểm thu mua, góp phần làm đa dạng các sản vật của ba miền trên đất Ngọc Lâm.

Như để minh chứng cho lời giới thiệu, ông Tuyết đưa tôi đi "mục sở thị" tại một số đại lý trên địa bàn. Vừa kết thúc cuộc điện thoại với khách, chị Lương Thị Nụ, chủ một đại lý hoa quả lại quay sang cân hàng, ghi các mã cân vào sổ rồi thoăn thoắt bê thùng xoài 50 kg lên ô tô. Chị Nụ cho biết, số hàng gần một tấn này gồm: xoài, dứa, dưa hấu chuyển cho một tiểu thương bán hàng tại chợ Mẹt (Lạng Sơn). Làm ăn lâu ngày lấy "chữ tín" làm đầu nên chỉ cần giao dịch qua điện thoại buổi sáng là chiều hàng chuyển về tận nhà. Thời điểm đầu vụ, mỗi ngày chị nhập về 5 đến 7 tấn hoa quả, tương đương 120-150 thùng, còn chính vụ số hàng lên tới vài chục tấn nên phải thuê thêm từ 5 đến 7 lao động. Vừa rải rơm ken đầy xe để bảo đảm hoa quả không bị giập nát khi vận chuyển, anh Lĩnh lái xe cho một tiểu thương ở Hải Phòng chia sẻ: So với hàng chợ đầu mối hoa quả Long Biên, hoa quả ở đây không kém phần đa dạng, rẻ hơn từ một đến hai giá, lại tiện đường nên thương nhân từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hải Dương… hay tìm đến. Trời chuyển nhanh về chiều, trên khu phố vài trăm mét vẫn còn khoảng hai chục ô tô đang chờ "ăn hàng", kế đó là hàng trăm lao động nhanh tay chuyển những thùng xoài, dưa hấu, dứa, thanh long… lên xe kịp bán vào sáng hôm sau.

Mong ước về chợ văn minh

Được biết, tổ dân phố Bãi Mía hiện có 63 hộ, một nửa trong số đó làm nghề kinh doanh hoa quả, trung bình mỗi hộ thu lãi từ 70 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/năm. Công việc buôn bán thuận lợi, xóm nghèo ngày nào nay đã lên phố, hai bên đường nhà cửa khang trang, trẻ em được đến trường học tập đầy đủ. Đặc biệt, trong các đợt vận động ủng hộ xây dựng quỹ phúc lợi, từ thiện, nhân đạo bao giờ các hộ kinh doanh cũng đóng góp số tiền gấp đôi, gấp ba so với các hộ làm nông nghiệp. Lợi ích từ chợ đã rõ nhưng cũng còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng đường giao thông xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại. Vào thời điểm chính vụ hoặc những lúc xe hàng về tập kết (sáng sớm hoặc chiều muộn), nơi đây thường xảy ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, an ninh trật tự khá phức tạp do diện tích kinh doanh chật chội, tình trạng tranh chấp hàng hoá hay lao động nơi khác đến quấy nhiễu diễn ra phức tạp trong khi khu phố chưa có đội dân phòng hay tổ bảo vệ. Được biết, năm 2011 chợ đầu mối Bãi Mía đã được Công ty cổ phần Quản lý các công trình đô thị TP Bắc Giang đặt thùng chứa rác, giải quyết đáng kể lượng rác thải xả ra môi trường mỗi ngày. Tuy nhiên, người dân sống quanh khu vực chợ Bãi Mía vẫn mong chính quyền, cơ quan chức năng sớm xúc tiến đầu tư xây một khu chợ đầu mối hoa quả bảo đảm sạch sẽ, văn minh, vừa góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động lại bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị cho khu vực cửa ngõ thành phố.

Mai Toan