Cư dân số

Đô thị thông minh là một bài toán phức tạp, cần phải hiểu đúng và có những giải pháp phù hợp với từng đô thị. Thế giới đang hướng đến phát triển đô thị thông minh và để giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, tại Việt Nam đã có hơn 20 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau đang là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh bền vững. Chính vì thực tế đó, giải pháp cho phát triển đô thị thông minh cần được hiểu một cách đúng đắn và cặn kẽ để đưa ra những thiết chế phù hợp tránh tình trạng làm theo phong trào và tránh gây lãng phí. Phát triển đô thị thông minh cần phải cấu thành từ 6 yếu tố cơ bản.

Trong các yếu tố đó, con người là yếu tố đầu tiên và chi phối mọi yếu tố khác. Bởi trí tuệ, ý thức của con người có thông minh thì mới có thể kiến tạo được thành phố thông minh. Một đô thị thông minh rất cần những cư dân đô thị thông minh phải có trình độ học vấn và trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ hiểu biết nhất định nào đó. Vì rõ ràng muốn đô thị thông minh, chúng ta bắt buộc phải sử dụng công nghệ, không có trình độ nhất định, không khai thác được công nghệ đó thì đô thị sẽ không thông minh. Thêm vào đó, tính đa dạng về văn hóa và sắc tộc, tính sáng tạo, tính năng động của công dân, sự tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng cũng góp phần tạo nên một đô thị thông minh và văn minh.

Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng đó là nền kinh tế thông minh. Trong đó, các nhà lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp sẽ là nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng về kinh tế, tài chính của đô thị bằng những suy nghĩ thông minh. Sẽ phải có những ngành kinh tế mới mà đô thị truyền thống không thể có. Đó là những ngành tận dụng công nghệ, tận dụng sự kết nối để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế đô thị. Bên cạnh đó, kinh tế thông minh còn là các giải pháp hợp tác, đầu tư, sản xuất, tinh thần khởi nghiệp, tính sáng tạo, tính linh hoạt thích ứng với biến đổi thị trường, khả năng hội nhập quốc tế, khả năng chuyển đổi số, du lịch, trang trại thông minh…

Yếu tố thứ ba đó là sự quản trị thông minh hay nói cách khác là chính quyền thông minh. Để quản lý con người và nền kinh tế thông minh thì phải có những cách thức, công cụ, quan điểm quản trị theo một cách khác thay vì phương pháp thủ công. Quản trị thông minh là cách quản trị mà chúng ta cần phải đáp ứng được nhu cầu trong thông minh hóa thành phố. Chính quyền điện tử với quyết sách thông minh, giám sát, dự báo ngập lụt và điều phối phương tiện giao thông tránh ùn tắc bằng hệ thống ITS; các kết nối thuận lợi và quốc tế bằng năng lực của hạ tầng công nghệ thông tin với băng thông lớn, thu thập số liệu tự động; theo dõi tức thời bằng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến RFID… đã giải quyết tốt các vấn đề nhằm tăng cường hiệu quả, cải thiện tương tác trong quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ cho người dân cũng như tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính.

Yếu tố thứ tư là môi trường thông minh. Thành phố thông minh phải là một thành phố kiểm soát được các vấn đề về môi trường. Cần bảo vệ môi trường, xử lý rác theo công nghệ thông minh, biến rác thành năng lượng cũng như tìm kiếm các dạng năng lượng sạch và thông minh khác. Môi trường thông minh phải ứng phó hiệu quả với ngập lụt, giao thông thuận lợi, phòng cháy chữa cháy từng bước bằng công nghệ hiện đại, hiệu quả và thân thiện môi trường, quản lý tài nguyên bền vững.

Sự dịch chuyển thông minh cũng là yếu tố cần được quan tâm trên con đường tiến tới đô thị thông minh. Sự dịch chuyển thông minh chính là vấn đề giao thông, hướng đến xây dựng và phát triển một hệ thống giao thông, vận tải đồng bộ, kết nối bảo đảm an toàn, xanh và sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải. Hiện tại, chúng ta đang mất quá nhiều thời gian để di chuyển ngoài đường do chưa giải quyết được các vấn đề về giao thông.

Yếu tố thứ sáu là cuộc sống thông minh với hệ thống giao thông an toàn, hữu hiệu, tiện lợi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, tiện ích văn hóa – giáo dục – y tế, an toàn cá nhân, chất lượng nhà ở, sinh hoạt, tính kết nối chặt các bên liên quan với cộng đồng, môi trường làm việc an toàn, an ninh mạng được bảo đảm.

Với xu thế phát triển của khao học công nghệ, những dịch chuyển để hướng tới phát triển thành phố thông minh là giải pháp tất yếu cho những vấn đề đô thị. Để hình thành và phát triển có hiệu quả đề án đô thị thông minh, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải thông qua các công nghệ ICT hiện đại như mạng lưới IoT và điện toán đám mây, đi kèm big data… đó là các công cụ giúp cho chính quyền đô thị cung cấp tốt dịch vụ và tiện ích cho các cộng đồng dân cư. Trong xây dựng đô thị thông minh thành công, rất cần sự minh bạch và chia sẻ thông tin, tham gia của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp, kể cả các định chế tài chính trong và ngoài nước cùng các tổ chức xã hội. Đặc biệt là người dân có ý thức góp sức cùng chính quyền xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại hơn trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.