Chợ Kế ở đâu?

Đường Lê Lợi, phường Dĩnh Kế, Thành phố Bắc Giang

Từ bao đời nay người dân xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang đã gắn bó với nghề làm bánh đa.

Khi có dịp qua TP Bắc Giang hầu như ai cung ghé lại mua bánh đa Kế về làm quà. Ảnh: TG.

Bánh đa Kế có một hương vị rất đặc biệt, không lẫn với các loại bánh đa khác. Nó là một món ăn rất đỗi bình dị, mộc mạc nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu tâm tình của con người quê hương Kinh Bắc. Ngày nay bộ mặt Dĩnh Kế đã đổi thay nhiều, một phần cũng nhờ có làng nghề bánh đa truyền thống này.

Bánh đa Kế đậm vị, sâu tình

Chúng tôi về thăm làng Kế (xã Dĩnh Kế) vào một ngày nắng nhạt. Quê hương Bắc Giang đang bước vào những ngày mùa bận rộn nhưng không vì vậy mà tại các ngã ba, ngã tư chợ Kế thiếu vắng bóng dáng của các bà, các chị bán bánh đa. Xã Dĩnh Kế có hơn 150 hộ làm nghề này. Nhưng khi hỏi về "lịch sử" ra đời của nghề làm bánh đa thì không ai biết chính xác, chỉ biết rằng: "Do các cụ từ đời trước để lại". Trải qua bao nhiêu năm làng nghề bánh đa Kế càng phát triển thịnh vượng hơn và có chỗ đứng vững chãi trên thị trường. Cho đến ngày hôm nay, bánh đa Kế đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực và thức quà đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.

Ở đất Việt có rất nhiều nơi làm bánh đa như: Thanh Hóa, Lạng Sơn, Sài Gòn, Huế... nhưng bánh đa Kế luôn có một mùi vị rất đặc biệt mà không lẫn với các loại bánh đa khác. Bánh đa nơi đây không chỉ đậm đà hương vị do nguyên liệu và cách chế biến, mà nó còn là tấm chân tình, là linh hồn của người dân đất Bắc.

Nhìn thoáng qua quy trình làm bánh thì thấy thật đơn giản nhưng không phải vậy. Để làm được những chiếc bánh ngon và đẹp mắt cần phải có đầy đủ nguyên liệu: Gạo tẻ, vừng, lạc, khoai lang... Đây đều là những nông sản rất gần gũi, quen thuộc. Nhưng nguyên liệu thôi chưa đủ, để hoàn thiện và cho ra lò những chiếc bánh đa hoàn hảo phải trải qua những công đoạn cực kỳ phức tạp, đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo của đôi bàn tay.

Trước tiên là xay bột thế nào cho nhuyễn, thường thì người ta xay hai lần đến khi bột mịn như nước mới thôi. Loại gạo để làm bánh là gạo tẻ, để cho hết nhựa. Cơm nguội cũng được đem xay cùng gạo để tạo độ nở, phồng cho bánh khi nướng. Khoai lang thường là loại khoai nghệ tạo nên một màu vàng đẹp mắt, lạc và vừng đem rang dậy mùi thơm.

Sau công đoạn này, người dân làng Kế bắt đầu tráng bánh. "Tráng bánh là việc rất quan trọng. Tráng làm sao cho đều tay và biết nhấc bánh ra đúng lúc. Nếu tráng không đều, khi nướng bánh sẽ không ngon, chỗ mỏng thì bị cháy mà chỗ dày thì chưa giòn", anh Hùng - một người làm bánh đa làng Kế chia sẻ. Cách tráng giống như tráng bánh cuốn nhưng phải tráng hai lần cho bánh dày dặn. Khi thấy bánh gần được người làm bánh rắc vừng và lạc lên trên hai mặt của chiếc bánh để tăng thêm mùi vị cũng như tính thẩm mỹ cho chiếc bánh. Sau đó cho bánh ra tấm phên để đem phơi. Bánh đa sẽ ngon hơn khi được phơi vào những ngày nắng bởi chiếc bánh sẽ ngậm trọn cái nắng quê, bánh trắng và thơm tho "vị" nắng.

Nướng bánh là khâu cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng nhất trong quy trình để hoàn thành chiếc bánh. Nhìn những cô gái làng Kế cần mẫn quạt bánh giống như những "nghệ nhân", dù trời có nắng gắt, mồ hôi ướt hai má hồng nhưng đôi tay luôn thoăn thoắt, lật lên, úp xuống làm cho chiếc bánh nở đều, to tròn như chiếc lá sen. Trên mặt bánh có nổi lên những bong bong nhỏ giống như hạt đậu rất hấp dẫn. Khi bánh chín sẽ dậy lên một mùi rất đặc biệt đó là vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh... Khi thưởng thức có thể cảm nhận được hương vị đó cùng với độ giòn tan của bánh. Chính cái hương vị này đã làm say đắm biết bao tấm lòng lữ khách.

Thu nhập khá cao và ổn định

Trước đây người dân làng Kế sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, làm bánh đa chỉ là một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập những lúc nông nhàn. Nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp dần dần bị thu hẹp lại thì người nông dân chuyển sang làm bánh đa. Và cũng từ đó mà nghề làm bánh đa đã trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho các hộ gia đình.

Nhưng người người, nhà nhà thi nhau làm bánh thì vấn đề tiêu thụ lại là một nỗi lo lắng của các hộ gia đình. Muốn bán được hàng, người ta phải cạnh tranh nhau. Ai làm ngon, đẹp và giá cả hợp lí hơn thì sẽ bán được nhiều hàng. Cũng nhờ đó mà chất lượng của bánh không hề kém đi mà thương hiệu bánh đa Kế càng được nhiều người biết đến.

Người dân nơi đây cho biết làm nghề này rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm. Hàng ngày họ phải thức dậy từ 4 giờ sáng để làm việc. Mỗi ngày, gia đình chị Hương (xã Dĩnh Kế) tráng khoảng 300 - 400 chiếc bánh. "Công việc tuy khá vất vả nhưng do cả nhà cùng làm và thu nhập cũng khá nên gia đình vẫn duy trì cái nghề này", chồng chị Hương tâm sự.

Đi một vòng chợ Kế và ngã ba Dĩnh Kế, chúng tôi được biết các loại bánh đa với những giá bán khác nhau. Giá bánh giao động từ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc tùy vào chất lượng của bánh. Phương thức bán cũng rất đa dạng, bán buôn và bán lẻ. Giá bán lẻ như trên, còn bán buôn vì khách mua nhiều nên bán rẻ hơn một chút và chấp nhận ăn lãi ít, giá giao động từ 5.000 - 7.000 đồng/chiếc.

Nói đến thu nhập của người làm bánh đa, chị Nguyễn Thị Dung (xã Dĩnh Kế) cho biết: "Gia đình tôi đã 30 năm làm nghề này, thu nhập cũng đủ chi tiêu và sinh hoạt. Trung bình mỗi ngày tôi bán được 300 cái bánh, thỉnh thoảng có người mua buôn thì lại bán được nhiều hơn". Bán được nhiều hay ít cũng tùy vào khả năng và cái duyên bán hàng của mỗi người. Nhưng nghề làm bánh đa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, thậm chí nó cũng mang tính thời vụ. "Bánh đa cũng mang tính thời vụ, những mùa đắt hàng thì mỗi ngày bán 400 - 500 chiếc bánh, nhiều khi không có để bán. Còn những lúc bình thường hay trời mưa ế hàng chỉ bán được 200 - 300 chiếc/ngày là nhiều. Mùa đông bánh bán chạy hơn mùa hè nhưng việc bảo quản bánh lại phức tạp hơn", chị Cúc chia sẻ.

Như vậy trung bình một ngày người dân làng Kế có thu nhập từ 250.000 -300.000 đồng. Nếu trừ chi phí và tiền công thì mỗi tháng thu về gần chục triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ và là niềm mơ ước của biết bao người nông dân nơi khác. Nhờ thu nhập khá ổn định cho nên đời sống vật chất cũng như tinh thần người dân được nâng lên đáng kể. Với số tiền đó họ có thể trang trải cuộc sống và thêm thắt cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. "Nếu không có cái nghề này, vợ chồng tôi không biết lấy đâu ra tiền để nuôi hai con hiện đang học đại học ở Hà Nội", chị Dung bộc bạch.

Nghề làm bánh đa vẫn đang tồn tại trên mảnh đất Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang như muốn khẳng định vị thế vững chãi trong lòng du khách. Chúng tôi chia tay với mảnh đất này mà tâm hồn như vẫn còn vương không muốn rời. Có lẽ chiếc bánh đa đã khiến chúng tôi cảm thấy gắn bó với nơi này hơn, nó giống như tấm chân tình của người Dĩnh Kế nói riêng và người dân đất Bắc nói chung. Những người nông dân ấy đã góp phần gìn giữ và làm nên một nét đẹp truyền thống trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.