Thế nào không phải là tình yêu thương?

15. Tính ghen tị là gì, và làm thế nào tình yêu thương giúp chúng ta tránh được cảm xúc tai hại này?

15 “Tình yêu-thương chẳng ghen-tị”. Tính ghen tị có thể khiến chúng ta đố kỵ vì những gì người khác có—tài sản, đặc ân hoặc tài năng. Tính ghen tị là một cảm xúc ích kỷ, tai hại, và nếu không kiềm chế có thể xáo động sự hòa thuận của hội thánh. Điều gì sẽ giúp chúng ta chống lại khuynh hướng hay ghen tị? Ấy là tình yêu thương. Đức tính quý báu này có thể giúp chúng ta vui mừng cùng những người dường như có các ưu điểm nào đó mà chính chúng ta không có. (Rô-ma 12:15) Khi người khác được khen ngợi về khả năng hiếm có hoặc một thành tựu nổi bật nào đó, nếu có tình yêu thương chúng ta không nghĩ rằng mình bị sỉ nhục.

16. Nếu thật sự yêu thương anh em, tại sao chúng ta tránh khoe khoang về những điều đang làm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

16 “Tình yêu-thương... chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo”.Tình yêu thương kiềm chế không cho chúng ta khoe khoang tài năng hoặc những thành quả của mình. Nếu thật sự yêu thương anh em, làm sao chúng ta có thể thường xuyên khoe khoang thành quả trong thánh chức hoặc những đặc ân trong hội thánh? Khoe khoang như thế có thể làm nản lòng người khác, khiến họ cảm thấy thua kém. Tình yêu thương không cho phép chúng ta khoe khoang về những đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong thánh chức. (1 Cô-rinh-tô 3:5-9) Suy cho cùng, tình yêu thương “chẳng lên mình kiêu-ngạo”, hay theo bản dịch khác, tình yêu thương không “nuôi dưỡng những ý nghĩ tự cao về tầm quan trọng của riêng mình”. Tình yêu thương không để cho chúng ta có quan điểm tự cao.—Rô-ma 12:3.

17. Tình yêu thương thôi thúc chúng ta biểu lộ sự quan tâm nào đến người khác, và do đó chúng ta sẽ tránh loại hạnh kiểm nào?

17 “Tình yêu-thương... chẳng làm điều trái phép”. Một người cư xử trái phép khi hành động thiếu tư cách hoặc xúc phạm đến người khác. Cư xử như thế là thiếu yêu thương, vì điều đó bộc lộ thái độ hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc và hạnh phúc của người khác. Ngược lại, tình yêu thương bao hàm lòng̣ tử tế thôi thúc chúng ta tỏ ra quan tâm đến người khác. Tình yêu thương phát huy phong cách cư xử lịch sự, hạnh kiểm đẹp lòng Đức Chúa Trời và lòng tôn trọng đối với anh em cùng đức tin. Do đó, tình yêu thương sẽ không cho phép chúng ta phạm những hành vi đáng xấu hổ—thật vậy, bất cứ hành vi nào gây sửng sốt hoặc xúc phạm đến anh em tín đồ Đấng Christ.—Ê-phê-sô 5:3, 4.

18. Tại sao một người có tình yêu thương không đòi hỏi mọi việc phải theo ý mình?

18 “Tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi”. Một bản dịch khác nói: “Tình yêu thương không khăng khăng theo ý mình”. Người có tình yêu thương không đòi hỏi mọi việc phải theo ý mình, như thể ý kiến mình luôn luôn đúng. Người ấy không thao túng người khác, dùng khả năng thuyết phục để áp đảo những người có quan điểm khác mình. Tính cố chấp như thế bộc lộ một mức độ kiêu ngạo, và Kinh Thánh nói: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau”. (Châm-ngôn 16:18) Nếu thật sự yêu thương anh em, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của họ, và nếu có thể được, chúng ta sẵn lòng nhân nhượng. Tinh thần nhân nhượng hòa hợp với lời của Phao-lô: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.

19. Tình yêu thương giúp chúng ta phản ứng thế nào khi bị người khác xúc phạm?

19 “Tình yêu-thương... chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ[“không ghi nhớ việc dữ”, “Bản Dịch Mới”]”. Tình yêu thương không dễ dàng nóng giận vì lời nói hoặc hành động của người khác. Đành rằng bực tức cũng chỉ là điều tự nhiên khi bị người khác xúc phạm. Nhưng dù giận có lý do chính đáng, tình yêu thương không để cho chúng tatiếp tục căm giận. (Ê-phê-sô 4:26, 27) Chúng ta sẽ không ghi nhớ những lời nói hoặc hành động gây đau lòng ấy như thể ghi vào một sổ kế toán để khỏi quên. Thay vì thế, tình yêu thương thôi thúc chúng ta noi gương Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta. Như Chương 26 cho thấy, Đức Giê-hô-va tha thứ khi có lý do chính đáng. Khi tha thứ, Ngài quên đi, nghĩa là Ngài không phạt chúng ta về những tội lỗi ấy trong tương lai. Đức Giê-hô-va chẳng ghi nhớ việc dữ; chúng ta không biết ơn Ngài sao?

20. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao nếu một anh em cùng đức tin mắc bẫy tội lỗi và gánh chịu hậu quả thảm hại?

20 “Tình yêu-thương... chẳng vui về điều không công-bình”. Một bản Kinh Thánh viết: “Tình yêu thương... không vui mừng khi thấy người khác phạm tội”. Bản dịch của Moffatt nói: “Tình yêu thương không vui mừng khi người khác lầm lạc”. Tình yêu thương không lấy làm vui thú điều không công bình nên chúng ta không dung túng bất cứ hình thức vô luân nào. Chúng ta phản ứng ra sao nếu một anh em cùng đức tin mắc bẫy tội lỗi và gánh chịu hậu quả thảm hại? Tình yêu thương không cho phép chúng ta vui mừng, như thể nói: ‘Tốt! Như vậy là đáng lắm!’ (Châm-ngôn 17:5) Tuy nhiên, chúng ta vui mừng khi một anh em đã lầm lỗi thực hiện những bước tích cực nhằm hồi phục sau khi sa ngã về thiêng liêng.