Kinh doanh cá nhân

Chính sách thuế đối với cá nhân kinh doanh

Cá nhân kinh doanh và hộ gia đình chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm nhất định, sử dụng không quá 10 lao động, phải nộp các loại thuế, phí theo quy định. Nếu sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, phải chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.

Các loại thuế, phí phải nộp

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh (CNKD) thực hiện đăng ký thuế tại chi cục thuế nơi đặt trụ sở của CNKD, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD, hoặc thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu đối với CNKD thuộc diện không phải ĐKKD.

Theo quy định hiện hành, CNKD có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Với CNKD có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp: Lệ phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (BVMT) (nếu có), phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).

Mức lệ phí môn bài cụ thể như sau: doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn phí môn bài, từ 100 - 300 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 300 nghìn đồng, từ 300 - 500 triệu đồng/năm là 500 nghìn đồng, từ trên 500 triệu đồng/năm là 1 triệu đồng.

Cách xác định thuế theo phương thức khoán

Với trường hợp CNKD nộp thuế theo phương thức khoán, việc tính thuế GTGT, thuế TNCN như sau: Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ (%) thuế GTGT; số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ (%) thuế TNCN.

Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm cả doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn (đối với CNKD sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế- CQT).