Chợ Hoa Xuân - Lâm Viên

Hàng năm Xuân về Tết đến, từ trong nước cho đến hải ngoại, người người tấp nập ra chợ hoa để tìm mua chậu hoa, cành mai, cành đào về chưng trong nhà lấy hên ba ngày Tết.

Nói đến Sài Gòn, Việt Nam xưa, 38 năm về trước, chợ hoa nằm ngay trung tâm thành phố, trên đường Nguyễn Huệ, trải dài từ bùng binh Lê Lợi cho đến Bến Bạch Đằng. Những cành hoa anh đào, đào lông, mai tứ quí, mai vàng, hoa hồng, địa lan, phong lan, cúc, thược dược, vạn thọ, glaïeul, v.v..., ngập hết lối đi. Đa số những hoa này thường được cung cấp bởi những nhà chuyên nghiệp trồng hoa ở Đà Lạt, về sau nhiều loại hoa được đem từ các tỉnh phía Nam như cúc, vạn thọ hay từ Nam Trung Phần như Phan Rang, Bình Tuy, Long Khánh với những cành mai vàng chặt từ rừng sâu, có những nhánh hoa mai 7 cánh rất quí (thường hoa mai chỉ có 4, 5 cánh).

Những sinh viên trong Nam ra Đà Lạt học, về nhà ăn Tết thường đem theo những nhánh anh đào hay cành đào lông làm quà cho gia đình. Tiền lính (sinh viên) tính liền, trả tiền vé xe đò cộng vài hộp bánh, mứt mận, mứt hồng, vài chai rượu dâu kẹp nách, phần đông đều cháy túi, cho nên những cành hoa anh đào mang về thường được chính quyền thị xã Đà Lạt ngầm biếu ủng hộ, chỉ việc ban ngày thả rong đánh dấu cành anh đào nào ưng ý, chạng vạng tối, lận lưng con dao hay cưa tay, 2 sinh viên, 1 chiếc Honda, thế là yên chí có quà đem về. Nhiều tay còn ngon, muốn làm quà cho ông bà nhạc tương lai, hay cho người tình thành đô yêu dấu, chịu khó đi đến các vườn đào lông, xa xa ngoài thị xã, vùng Trại Hầm, Trại Mát, ấp Đa Thiện, Du Sinh, Thái Phiên, tuyển chọn những cành đào lông được chủ nhân chăm nom cẩn thận, đêm hôm khuya khoắc, sương lạnh, mượn tạm vài cành để về làm lộc thầy, phước chủ cho gia đình bên ngoại. Nói ra sợ làm buồn lòng bạn bè Thụ Nhân, Viện Đại Học này, đại đa số sinh viên theo học ngành Chính Trị Kinh Doanh, mỗi lần sinh viên về nhà ăn Tết thì những cây hoa anh đào tiêu điều như các nàng ca kỹ khi màn nhung rủ xuống:

Khi biết em mang kiếp cầm ca

Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người đời bỏ tiền mua vui...” (Kiếp cầm ca, Nhạc sĩ Huỳnh Anh)

Giống hoa anh đào này là quà biếu của chính phủ Nhật Bản, được bắt đầu trồng dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Ông Tỉnh Trưởng lúc bấy giờ là Ông Trần Văn Phước. Thế nhưng hoa anh đào cũng như mận Đà Lạt là loại cây cần phải cắt tỉa hàng năm thì năm sau sẽ sinh nhiều tược mới, nhiều bông và nhiều trái.

Nhớ có năm, người yêu Mai bé nhỏ Khoa Học của tui, muốn khoe sắc của mình với hoa, tui đành làm người đi “mua hoa”, dẫn cô nàng đi xem chợ hoa Nguyễn Huệ. May ơi là may, vừa tới đường Tự Do, trước Givral, hoa Mai gặp bạn hoa Lan, hai cô nhả tui ra, tui vào Givral dzớt một ly cà phê, quá đã.

Vừa cà, vừa phê, vừa ngắm hoa đã con mắt, tui thả bộ qua đường Nguyễn Huệ, ôi hoa muôn màu, muôn sắc, hoa trong chậu, hoa dựng xung quanh trụ đèn, hoa biết đi, hoa biết cười, môi đỏ mọng còn hơn màu hoa đào. Đúng là không phí của khi đi ngắm hoa, hoa muôn hình vạn trạng, nhưng thích nhất vẫn là hoa biết nói, hoa móng đỏ.

Đang mải miết thả hồn theo hoa, một anh chàng tóc húi cua hỏi chị bán hoa:

- Cô ơi, cô có bán hoa mồng gà, hoa khế không? Tôi đi từ đầu dãy đến cuối dãy, không tìm ra 2 loại này.

Cha này chắc là bạn Hùng Cường rồi, Hùng Cường thường tặng hoa sinh nhật cho Mai Lệ Huyền:

Không có gì cho em, tặng ngày sinh nhật, chỉ có đem cho em hoa khế....ư....ư...., với hoa mồng gà....ư...ư.... ”.

Ngứa miệng, tui chỉ dùm chả:

Anh theo đường Lê Văn Duyệt, qua khỏi đường Trần Quí Cáp, qua chợ Đủi, quẹo phải là đường Hồ Xuân Hương có tiệm bán hoa, hai loại hoa anh muốn đầy rẩy ở đó, sáng nay đi ngang qua tui thấy họ chưng nhan nhản ra đầy sân, anh đến đó chắc tìm được vài chậu ưng ý. (Đia chỉ bán hoa này bây giờ vẫn còn chổ cũ, cổng vào bên đường Hồ Xuân Hương họ bít lại, họ trổ cổng ở số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông).

Anh chàng quay qua vỗ vai tui, cười, rủ uống cà phê. Tui đi tìm hai bông hoa biết nói, báo tin, 2 thằng thả bộ vô Brodard dzớt nhẹ mỗi thằng một chai con cọp in hình bông lúa.

Hỏi ra mới biết chàng ta là lính mang huy hiệu “Cọp Ba Đầu Rằng”, về ba ngày phép thành đô. Chiều, tui, và dĩ nhiên có 2 nàng mang tên hoa, qua quán Chim Xanh bên Khánh Hội thưởng thức lẩu đầu cá bông lau. Anh chàng Đại Úy Điệp sau này là nửa mảnh hồn thương đau của hoa Lan.

Trong nước, năm nay, xuân Giáp Ngọ, Sài Gòn, đường Nguyễn Huệ, cũng có trưng bày hoa, vì tiền không nhiều cho nên chính quyền chỉ bỏ ra vài chục tỉ (tiền nhựa dẻo đấy nha) để có nơi cho khách du lịch và dân thành phố có chỗ quên đói, ngắm hoa.

Ngoài này, không sống thời “bao cấp” thì sao? Tin hành lang cho biết cộng đồng người Việt ở Little Saigon, California, Mỹ, cũng tổ chức chợ hoa Tết Giáp Ngọ. Nào là hoa xuân, câu đối, trái cây. Chợ này do bà con tự biên tự diễn, để có đồng vào đồng ra gởi về giúp quê hương, chùm khế ngọt.

Nếu không về Sài Gòn ngắm hoa hay qua Cali mua hoa thì về các tỉnh cũng tàm tạm. Không mua hoa thì vòng chợ hít thở mùi bánh chưng, hay nghỉ ngơi chờ Giao Thừa đi Chùa hái lộc. Trẻ con sáng mùng Một còn có thú tiêu khiển là lượm xác pháo, những bạn lưu linh, phá mồi cả đêm thì cũng có chỗ “vô tư thư giản”.

Chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ Sài Gòn, 2014, quá đẹp, quá sang, xứng đáng với đồng tiền bát gạo của người dân đóng góp, xứng đáng là một công trình to lớn mà thành phố Sài Gòn bỏ công theo dõi và xây dựng. Nó phô trương tất cả cái hào nhoáng, cái chịu chơi, cái lãng phí của chính phủ cho người dân trong nước và thế giới nể phục. Chợ hoa này cũng nói lên cái tương phản giữa dư thừa và nghèo đói khi khách xem hoa, bước ra khỏi chợ hoa này.

Kẻ hèn này cũng là dân thích xem hoa, bẻ hoa và chơi hoa, nhưng chưa từng ra chợ mua cành đào, cành mai đem về chưng trong nhà ba ngày Tết, bởi điều đơn giản, trong nhà của kẻ hèn này lúc nào cũng có sẵn hoa, hoa lúc nào cũng tươi mát suốt ngày tháng, một loài hoa kẻ hèn này đã vun xới trong nhà hàng chục năm qua.

Thành phố Đà Lạt, không gian và khí hậu cao nguyên rất thích hợp cho tất cả loài hoa đẹp phát triển. Hy vọng, một ngày nào thành phố này tràn ngập nắng ấm, những áng mây đen bị đẩy đi xa thật xa hay sương mù biến mất, được trở về ngắm hoa mới nở, ngắt cánh hoa tươi, và được chơi hoa thả giàn.

Cao Nguyên, Ông Táo về Trời, 23 tháng Chạp 2013 (23 Jan. 2014)