Phạm Thanh Bình

Prague là một thành phố sôi động, với sự kết hợp của nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ, phim ảnh và kịch nghệ. Viên ngọc quý của kiến trúc nguyên bản Đông Âu, với phong cảnh ngoạn mục, những khu vườn yên tĩnh, những con thuyền lướt sóng, và những lối đi ngoằn ngoèo nằm dọc theo các con đường hẹp lót đá cuội...

Bảo Trâm tách rời khỏi đoàn người du lịch, nàng lang thang thả bộ dọc theo kênh gần cầu Charles ở Mala Strana Prague, nàng chăm chú ngắm nhìn một biểu tượng đẹp của tình yêu trên khắp Châu Âu, những cặp tình nhân đến đây nguyện ước, họ hứa hẹn một tình yêu vĩnh cữu, sẽ ràng buộc với nhau đến cuối cuộc đời, những ổ khóa được khóa chặt vào nhau trên thành cầu Charles, chiếc chìa khóa được thả xuống sông như thầm nhủ không còn cách nào để tình yêu chắp cánh, họ đã lệ thuộc nhau kể từ giây phút này... Bảo Trâm tò mò một cách tinh nghịch, nhìn những ổ khóa với những tên được khắc trên ấy, nàng cười tủm tỉm với trò chơi "Love Locks'' này.

Trong đám đông người qua lại, đa số là khách du lịch, đôi mắt nàng bỗng dừng lại ở người đàn ông có khuôn mặt Á Châu, dưới cặp kính cận thị là đôi mắt sắc nhưng cương nghị, hơi phảng phất một sự quen biết, nàng nghĩ chả nhẽ.....

Cơn gió cuối mùa hạ trên cầu nhẹ thổi, chiếc khăn voan mỏng quấn trên cổ cao gầy của nàng vội bay theo làn gió...

- Excuse me, is that...yours? Người đàn ông nhặt lên.

- Oh, that is mine, thank you!

Bốn ánh mắt nhìn nhau ngờ ngợ...

- Sorry, are you Vietnamese? Người đàn ông khẽ hỏi...

- Yes, I am... and you?

- Có phải cô là.....

- Trời ơi...Anh....Vũ!

"Tình cờ nghe thoáng tiếng ai

Nhưng tìm nào thấy bờ vai năm nào...

Qua dần ngày tháng xôn xao

Trong tâm bỗng thấy nôn nao đợi chờ"

40 năm trước, trên chiếc xe đò trở về Đà Lạt, vì chậm chân, Bảo Trâm phải đứng, không còn chỗ ngồi. Người thanh niên ngồi ở băng ghế cuối thấy tội nghiệp, đứng lên nhường chỗ cho nàng. Họ bắt đầu quen nhau từ ngày ấy.

- Xin lỗi, tôi là Vương Vũ, đang học Y Khoa năm thứ Ba, lên Đà Lạt nghỉ hè và viếng thăm thành phố.

- Dạ, hân hạnh biết anh, Bảo Trâm, lớp 10, học nội trú ở trường Tu Viện của các loài Chim.

- Thích nhỉ, lần đầu tiên tôi được nghe giới thiệu một cách khôi hài về trường Couvent des Oiseaux...

Xuống xe đò, Vương Vũ giúp Bảo Trâm lấy hành lý.

- Khách sạn tôi ở trên đường Trần Hưng Đạo, Đalat Palace.

- Dạ, cũng không xa đường Huyền Trân Công Chúa lắm đâu, trường của Trâm đó.

Họ chờ taxi hơi lâu, Vũ đề nghị táo bạo:

- Hay là chúng mình thả bộ về nhé, thời tiết hôm nay khá ấm.

Ngôi trường nằm trên con dốc cao, trước cổng trường có trồng một cây liễu, vào những hôm trời nhiều gió, Bảo Trâm và mấy nhỏ bạn hay lo lắng cầu nguyện cho những gốc liễu mảnh khảnh qua được những cơn bão chợt đến chợt đi như thế. Cạnh trường học còn có một nhà thờ rất đẹp và trang nghiêm, có lần Bảo Trâm rủ các bạn vào nhà thờ để cầu nguyện, để được ngậm thử chiếc bánh thánh cho biết, vì không có đạo, nhỏ bạn không cho, nói rằng phải rửa tội, vào đạo đã, ừ thì thôi, biết đâu về sau lại có dịp... rửa tội... không muộn mà.

Thế là họ quen nhau mùa hè năm ấy. Khi lá vàng bắt đầu rơi, trời lành lạnh cho mùa Thu về, tình chớm nở trong nỗi nhớ ngọt ngào, những cánh thư tình thật chậm từ Saigon - Đalạt như một sơi dây tơ mong manh trói buộc hai người. Mùa Đông lại về trên thành phố sương mù, cái lạnh da diết của Đà Lạt lại làm con chim non thèm tìm về tổ ấm. Bảo Trâm nhớ Vũ nhiều hơn, cô bé nhớ cánh tay rắn chắc của chàng thanh niên hôm ấy, một lần đã dắt nàng leo dốc để đưa về trường.

Lá thư cuối cùng Bảo Trâm nhận được bằng thư tay do một người bạn của Vũ mang đến khi nàng chuyển về Saigon để theo học ở một trường công lập nổi tiếng (chính phủ bỏ chương trình Pháp).

Một ngày của tháng Tư, Vũ viết: ''... Anh theo gia đình di tản sớm, Saigon sắp mất, gia đình anh có lẽ sẽ sang Pháp, chiến tranh tàn khốc lắm, nếu có bề gì mất liên lạc, nếu em còn yêu anh, mỗi năm mình sẽ tìm cách gặp nhau ở tháp Eiffel, một ngày của tháng Tám. Hãy giữ mãi bờ môi hồng thật xinh cho anh, anh ao ước một lần được hôn lên bờ môi ấy..."

Tơ trời vương vất giăng ngang

Ta mơ dáng nhỏ, ta đan cuộc tình

Hồn say mê một bóng hình

Hỏi ai biết được tình mình ra sao ...”

Chiến tranh kết thúc, vận nước lênh đênh theo dòng đời, kẹt lại trong nước, định mệnh của cô bé trường nữ tu ngày nào cũng nổi trôi theo thời cuộc. Học xong hai chứng chỉ ở Khoa Học, Bảo Trâm nhận lời cầu hôn của một người thầy thuốc đã cứu sống sinh mạng Bố nàng.

Ngày đám cưới, nàng nhìn về khung trời xa vắng như thầm nhủ: ''Anh tha thứ cho em, em không thể nào đến với anh chỗ hẹn hàng năm nữa rồi.''

Ngày tháng lạnh lùng trôi qua trong chế độ mới, may mắn cuộc đời Bảo Trâm không vất vả như bao nhiêu người. Cuộc sống trên nhung lụa, nàng vẫn cảm thấy một sự trống vắng trong tâm hồn. Bảo Trâm chu toàn hơn với bổn phận của một người vợ, người mẹ. Đã hai lần nàng ôm con, tiễn chồng xuống thuyền, vì những tổ chức vượt biên không cho phụ nữ và con trẻ đi theo. Những lần tiễn đưa, hình như không còn nước mắt, nàng không muốn đi, nàng sợ những câu chuyện bỏ mình trên biển cả, nàng lo âu về những cảnh hải tặc, cướp của giết người không thương xót. Lần chót, nghe lời chồng, Khải, nàng phải bỏ lại sau lưng một thời vàng son, bỏ lại cha mẹ già chưa kịp báo hiếu, bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa, may mắn chuyến đi thành công, bến bờ tự do đã rộng mở, tương lai đang hứa hẹn cho một ngày nắng ấm.

Cuộc đời của Bảo Trâm vẫn thầm lặng trôi qua ở một thành phố lớn nơi Nam bán cầu.

Xong đại học, nàng tìm được công việc tương đối thích hợp với nàng, trong khi Khải, còn vất vả với năm cuối của Y Khoa, ngày thi cuối năm, là lúc Khải bị cao áp huyết, phải đưa vào bệnh viện, cả hai lần đều như thế, Khải không còn cơ hội trở về nghề cũ.

Khi cánh cổng Việt Nam bắt đầu mở ngõ, Khải có ý định đưa gia đình về hồi hương. Bảo Trâm và con nhất định không chịu, gia đình rạn nứt, họ chia tay từ đó. Cậu con trai của Bảo Trâm đang theo chương trình đại học ở xa, một năm về thăm mẹ hai lần. Tự nhiên Bảo Trâm được trở về cuộc sống độc thân bất đắc dĩ.

Trong khi đó ở Mỹ, Vương Vũ miệt mài, bằng đủ mọi cách, vượt qua những khó khăn nhất để trở lại nghề, cái nghề cao quý mà Vũ đã quyết tâm, phải đạt được. Ngày ra trường, trong luận án đệ trình, trang đầu tiên dành để cám ơn Hai Đấng sinh thành, trang thứ hai, Vũ dành cho Bảo Trâm, người con gái đầu tiên đã cho anh cái cảm giác mong nhớ, khát khao. Chàng nhủ thầm: có thể em đang yên bình đâu đó, hay đã vùi chôn dưới biển sâu, hay chiến tranh đã cướp đi một kiếp người, bom đạn vô tình…

Cuộc đời Vương Vũ bận rộn hơn bao giờ hết, ngoài giờ làm việc 6 ngày trong một bệnh viện lớn ở Nam Cali, buổi tối, Vũ còn phụ trách giảng dạy cho sinh viên tại môt đại học Y Khoa lân cận.

Vũ mang ơn một gia đình Mỹ giàu có đã cưu mang chàng suốt thời kỳ đi học, chàng nhận lời đính ước với cô con gái của chủ nhà, mắt xanh, tóc vàng, khá xinh xắn và cởi mở. Isabella, đã cho chàng biết thế nào là nỗi đam mê cuồng nhiệt của tình yêu, nhưng trong phút giây mặn nồng đó, Vũ vẫn thèm một mùi hương Mimosa Đà Lạt, vẫn ao ước một thân gầy mảnh khảnh cùa cô bé trường nữ tu ngày nào, hai tâm hồn của hai màu da chưa quyện được với nhau, Isabella cũng cảm nhận một sự xa cách nào đó không hiểu được của hôn phu...

Định mệnh khắc nghiệt, mùa Đông năm ấy, khi tuyết bắt đầu đóng băng ở Thành Phố Tình Yêu (Virginia), trước ngày cưới hai tuần, Isabella đã ra đi trong vòng tay của Vũ, nàng bị một căn bệnh hiểm nghèo, ung thư máu, gia đình dốc hết tiền bạc, với những phương tiện y khoa tối tân nhất mà vẫn không cứu được mạng sống của người con gái dấu yêu.

Cuộc đời Vương Vũ đã rẽ sang một bước ngoặc mới, Chàng dốc hết thì giờ cho sự học hỏi của những tiến bộ y khoa, chàng học thêm về hội họa, trong nhà, ở một góc nhỏ, chàng vẽ theo trí nhớ, sự tưởng tượng, hình ảnh một cô bé với jupe plisse xanh đậm, với chemise trắng, cổ lá sen, vai phồng, và thêm một chiếc áo yếm, sọc careaux cũng màu xanh, ngắn hơn jupe một tí, khoác bên ngoài, mà có lần Vũ trêu Bảo Trâm là, học trò Couvent, mặc đầm, giống đi bán... phở. Vũ yêu cả âm nhạc, sau ngày dài chăm sóc bệnh nhân hoặc mổ xẻ, chàng thường khuây khỏa tìm quên với cây đàn violin, chỉ rất tiếc, chưa có người thưởng thức tiếng đàn.

Mùa hè năm nay Vũ nhất định sang Âu Châu để mang về một cây vĩ cầm vừa ý nhất, tất cả những cây đàn mà chàng có đều làm ở bên Pháp, chàng muốn có một cây đàn vừa ý và nhất là phải làm tại Cremona, nước Ý. Mỗi năm chàng không quên đến tháp Eiffel như lời hứa hẹn năm nào, mà vẫn không tìm được bóng hình thân quen... không lẽ chiến tranh đã……?

Mây trôi theo cung điệu buồn

Người yêu xa quá đoạn trường nhớ nhau

Vàng thu chiếc lá rơi mau

Môi son một thuở ngày sau có còn...?”

Sau giây phút tình cờ tuyệt vời ấy, một cảm giác ấm nhẹ lẫn bâng khuâng thấm vào tim của hai người. Họ nhìn nhau một lần nữa rồi mỉm cười sung sướng.

Riêng Bảo Trâm có vẻ hơi e thẹn, nàng cảm nhận hai gò má nóng bừng, đôi mắt long lanh, nàng nhẹ cắn môi, cúi mặt, mái tóc vẫn dài như hôm nào, che nửa khuôn mặt và đôi gò má hồng. Bảo Trâm chợt tìm lại được cái cảm giác yêu đương say đắm của ngày xưa khi hai người quen nhau. Nàng thầm nghĩ, may quá có tóc che, không biết anh Vũ có thấy mình đỏ mặt hay không, xấu hổ chết được.

Vương Vũ đứng lặng người không nói, trong khoảnh khắc, bao kỷ niệm, bao nhiêu ân tình của mối tình đầu chợt ùa về như cơn lốc. Chàng muốn nói một lời gì đó, nhưng cổ họng khô khát, nói không ra lời, chàng muốn cầm lấy đôi bàn tay xưa ấy, nhưng một cái gì đó cản lại, tay chàng cảm thấy vụng về lúng túng. Thành phố Prague vẫn nhộn nhịp, khu chợ vẫn đông người, phần lớn là du khách qua lại, mua bán rộn ràng, nhưng đối với Bảo Trâm và Vương Vũ, hai người không nghe, không còn thấy gì nũa chung quanh, họ chỉ thấy trước mắt mình là người yêu năm cũ, của một thời đã khá xa, tưởng như không bao giờ gặp lại. Người yêu xưa đứng đó, vẻ mặt có vương vài nét thời gian, nhưng vẫn là những đường nét của người xưa. Đã bốn mươi năm qua, sau cuộc chiến tàn khốc trên xứ sở, họ đã mất đi hoàn toàn niềm hy vọng được trông thấy nhau, giờ đây giữa thành phố Đông Âu cổ kính, họ lại tìm ra người yêu thuở ban đầu. Một luồng gió mát rượi lùa lên từ men sông, rùng mình đánh thức hai người qua giây phút ngỡ ngàng sung sướng đầu tiên, Vũ khẽ hỏi:

- Bảo Trâm, em lạnh không, hay mình vào quán ngồi cho ấm nhé.

Lịch sự chàng đưa tay, Bảo Trâm ôm nhẹ cánh tay rắn chắc quen thuộc ấy, cánh tay mà lần đầu tiên đã đưa nàng lên con dốc nhỏ, để trở về trường, đã bao năm qua, cái cảm xúc nhẹ nhàng len lén trở về tim. Hai người dìu nhau bước theo nhịp cầu, qua sông Vltava, họ đi về hướng khu lâu đài cổ của thành phố Prague Tiệp Khắc.

Gần tới bờ, vẳng theo gió thoảng, tiếng vĩ cầm lả lướt của một chàng nghệ sĩ Bohemian nào đó, tình cờ thay, khéo léo thay, chàng độc tấu bài Czardas, một tấu khúc du mục mà Vương Vũ đã đàn riêng cho nàng nghe năm xưa. Dòng nhạc bất hủ, trái tim tràn đầy yêu thương, lâng lâng hai người nhìn nhau mỉm cười âu yếm, họ tạm ngừng bước để lắng nghe...

Vương Vũ ôm sát người yêu hơn, tiếng đàn réo rắt hòa lẫn hơi ấm mùi hương xưa êm ái, chàng khẽ nói:

- Anh mừng lắm, tình cờ mình gặp lại nhau ở đây. Bao nhiêu năm rồi, không có tin tức, anh cứ ngỡ có chuyện gì xảy ra cho em, mình có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa.

Bảo Trâm xúc động, nàng dụi đầu vào ngực người yêu, giọt lệ long lanh trên khóe mắt...

- Chiến tranh ác nghiệt quá, em cứ ngỡ không bao giờ gặp lại anh.

Hai người khẽ kể cho nhau nghe những biến động trong cuộc đời kể từ khi chia tay.

Bản đàn đang dồn dập, bỗng đổi cung chậm lại trở thành lả lơi thanh thoát, âm hưởng cao vút theo chiều gió, chàng du mục chơi hay quá, không gian gần như ngừng lại, vài cặp nhân tình vì cảm thấy hạnh phúc, họ ôm nhau nghiêng ngả theo tiếng nhạc quyến luyến, kỳ diệu.

Chàng Bohemian dáng dấp phong trần, có vẻ bất cần đời, cao gầy, chiếc mũ đội lệch trên đầu, điếu thuốc lá trên môi, chiếc khăn quàng cổ và khói thuốc bay theo trong gió. Chàng để hết tâm hồn vào cây vĩ cầm, hai bàn tay phù thủy thoăn thoắt cung tơ, tiếng đàn lúc chợt vút cao, lúc xuống thấp, cung dồn dập cung khoan thai. Chỉ có những chàng lãng tử mới lột được hết ý nghĩa của loại nhạc có âm hưởng Gypsie. Chàng nhạc sĩ du mục, người, đàn, và âm thanh quyện lẫn nhau, tạo ra một khoảng thời gian quá sức nhiệm mầu... Tim run rẩy, Vương Vũ và Bảo Trâm chợt nhìn nhau và trao cho nhau một nụ hôn nồng cháy như để quên đi tất cả những màu đen của quá khứ.

Khi hợp âm cuối cùng lắng xuống, đám đông hò reo tán thưởng nhiệt liệt, Vương Vũ theo đám đông thưởng tặng cho chàng nghệ sĩ du mục, rồi hai người dìu nhau bước vào tiệm ăn phía bên kia cầu.

Sau bữa ăn nhẹ, Vương Vũ hỏi:

- Em có muốn đi xem một nhà thờ rất... đặc biệt với anh ngày mai không?

- Nhà thờ? Anh muốn dắt em đi đâu cũng được, miễn có anh thôi...

Sáng hôm sau Vương Vũ đến Hotel thật sớm đón nàng, họ viếng thăm Kutná Hora là một thành phố trung cổ của Tiệp Khắc. Nhờ có mỏ bạc, thành phố rất giàu và trù phú, quan trọng cho kinh tế không thua gì thủ đô Prague.

Tổ chức Unesco chỉ định nơi này là một trong những di tích đáng kể của thế giới để được giữ gìn và bảo vệ. Họ đi bằng xe lửa, Vũ thích được ngồi nhìn phong cảnh, không vướng bận và thích được nghe tiếng con tàu chạy trên đường sắt, ngồi bên người yêu, hỏi còn gì thú vị hơn. Đoàn tàu chạy qua những cánh đồng lúa vàng mênh mông, xen kẽ với những hàng cây cao vút, lác đác đây đó bầy quạ chao cánh ngả nghiêng theo gió.

- Em xem, cảnh ngoài kia y hệt bức tranh cảnh đồng lúa mì và đàn quạ của Van Gogh. Bây giờ anh mới hiểu và nhận thấy ông ta vẽ giỏi và đẹp quá.

- Em thấy ông ta còn nhiều tranh đẹp khác nữa, ông ta ghiền rượu lắm phải không anh?

- Đúng đó em, ghiền một loại rượu độc gọi là Absinthe, rượu này có thể làm cho mình điên loạn, ông ta nhìn đời và màu sắc kỳ lạ lắm, có thể mắt bị hư vì rượu thành ra ông ta vẽ những ngôi sao luôn luôn có quầng sáng, màu sắc lạ lùng. Van Gogh tự tử bằng súng, chết năm 37 tuổi.

Bằng đôi mắt láu lỉnh, Bảo Trâm vờ hỏi:

- Thế anh có ghiền cái gì không hả anh?

Mỉm cười, Vương Vũ ôm chặt lấy người yêu, không quên cắn nhẹ vào tai nàng một cái. Bảo Trâm co người cười khúc khích. Vì mải nói chuyện, họ quên xuống nhà ga ở Sedlec mà đi thẳng tới Kutná Hora xa hơn mất một cây số, đi bộ ngược trở lại mất độ hai mươi phút, nhưng họ quyết định mua vé đi ngược trở lại, chàng ân cần sợ người yêu mỏi chân.

Vui quá, kỳ này xe lửa nhỏ địa phương chỉ có hai toa, rất dễ thương, trên xe có một cái chuông nhỏ làm hiệu kêu leng keng, tài công cũng là người soát vé, khẽ mỉm cười khi thấy hai người tíu tít bên nhau như đôi vợ chồng son.

Khoảng thế kỷ thứ 13, sứ thần của vua xứ Tiệp mang về một bình đất thánh từ Jérusalem và trải trên khu mộ phần của nhà thờ, nhà vua phong cho nơi đó là đất thánh. Khu nghĩa trang thành nổi tiếng, các nhà quyền quý Đông Âu, ai cũng muốn được chôn cất nơi đây, dĩ nhiên phải trả giá rất đắt. Sau thêm vào chiến tranh và bệnh dịch, số hài cốt để lại quá nhiều, hơn 40.000 bộ không biết để vào đâu. Một người thợ mộc làm công cho vị Bá Tước chủ đất mới có ý kiến mang tất cả những bộ xương đó ghép lại thành bàn, ghế, huy hiệu quốc gia, chân nến, chandelier...

Bước vào nhà thờ này, Bảo Trâm cảm thấy ngơ ngác, lạ lùng và hơi sợ, gáy nàng hơi lạnh, nàng phải nép sát vào người yêu cho đỡ run. Nhưng sau một vài phút, nàng bình tĩnh hơn, và bắt đầu cảm nhận sự khéo léo và đầu óc phong phú của bàn tay kiến tạo. Ra khỏi nhà thờ, nàng làm nũng với người yêu:

- Anh làm em... run quá..., ai mà kỳ lạ, dẫn em đi coi nhà thờ gì mà toàn xương người chết.

- Xin lỗi em nhé, nhưng chỗ này anh nghĩ là kỳ quan thế giới, mình phải xem cho biết. Ngày mai anh sẽ đưa em đến chỗ này thơ mộng hơn, Italy... chịu không em?

- Ồ, tuyệt vời! Nhớ dắt em đến Verona để xem balcony, điểm hẹn tình yêu của cô nàng Juliette nha Anh...

Milan là một thành phố lớn của Ý với nhiều kỹ nghệ cũng như những công trình kiến tạo lịch sử, thường vùng Bắc Ý bao giờ cũng trù phú hơn vùng Nam nước Ý.

Trên thế giới có năm rạp hát nổi tiếng về cách kiến trúc của rạp hát khiến âm thanh trở nên sống động tự nhiên: New York, London, Paris, Buenos Aires, và La Scala ở Milan. Sau khi bay từ Prague đến Milan, hai người mướn xe về hotel. Tuy hai người với tình cảm tha thiết từ thuở ban đầu, nhưng họ vẫn giữ kẽ, Vũ đặt hai phòng ở cạnh nhau để chiều ý người yêu và không muốn Bảo Trâm ở trong tình trạng bối rối. Tối hôm đó hai người đi xem một nhạc kịch opera nổi tiếng tựa là Thais của Jules Massenet, một bản nhạc bất hủ trong opera này tên ''Thais Meditation".

Tất cả những tay độc tấu vĩ cầm lừng danh thế giới đều phải biết trình diễn bản này, đặc biệt viết riêng cho độc tấu Violin. Đúng theo truyền thống, tối hôm đó, ban nhạc chơi quá hay, nhất là violinist quá xuất sắc, thêm vào hệ thống âm thanh tuyệt vời, toàn bộ thính giả như bị mê hoặc bởi tiếng đàn kỳ diệu. Khi trình diễn xong, cả rạp đồng loạt vỗ tay vang dội và đứng lên để bày tỏ sự nhiệt liệt hoan nghênh cho phần trình diễn xuất sắc.

- Đàn hay quá anh ơi, không biết ai làm ra cái đàn violin tiếng hay thế?

- Em biết không, cây đàn đó được chính tay Stradivarius làm ra đó. Năm trăm năm trước, ông ta làm việc và sống ở thành phố Cremona cách đây không xa lắm. Hay là ngày mai mình tới đó chơi xem sao em nhé.

- Dạ, thú vị quá anh nhỉ, sao chuyện gì trên đời này anh cũng biết hết vậy?

- Ấy, vậy mà người yêu mình thất lạc 40 năm, anh không tìm ra, cũng may nhờ... chiếc khăn choàng... rớt xuống...

Bảo Trâm âu yếm đặt lên môi chàng một nụ hôn nhẹ, để đền bù...

Cremona là một thành phố ở vùng Bắc nước Ý, nổi tiếng trong thế giới âm nhạc. Đây là chỗ ở và làm việc của nhiều danh tài chế tạo vĩ cầm như Guarnerius, Amati và nhất là Stradivarius. Một cây Violin làm bởi Stradivarius hiện nay có thể bán tới giá bốn năm triệu dollars. Cho tới bây giờ dù với nền khoa học hiện đại và những máy móc tối tân, chưa một ai có thể làm ra một nhạc cụ với âm thanh tương tự.

Sau khi đậu xe, hai người khoác tay nhau đi dạo vòng quanh công trường chính, với nhà thờ và tháp chuông cao nhất nước Ý. Viện bảo tàng của Stradivarius là nơi trưng bày các dụng cụ làm đàn của ông ta khi trước. Vương Vũ dẫn Bảo Trâm đi tới studio của một luthier tại Cremona chàng quen, vì trước đây có mua đàn của ông ta.

Vào đến nơi, mới thấy studio này bằng đá mát lạnh, chung quanh tường treo một vài chiếc đàn chưa làm xong. Vì là khách quen, và có đặt hàng trước, chàng mang về một chiếc đàn mới, thật đẹp với màu cam đậm, tiếng đàn réo rắt với những âm hưởng tuyệt vời, ấm nhưng nhẹ nhàng, cao nhưng không chát chúa.

- Em biết không, đàn sẽ vang tiếng hơn khi chơi một thời gian.

Tay trong tay, đôi nhân tình dạo khắp nơi, hạnh phúc đắm mình trong âm nhạc và nỗi thương yêu.

Lac de Côme, một bản nhạc Pháp rất thánh thót khi được diễn tả trên piano. Hồi ở Saigon, mấy cô cậu nào nếu có học piano, cũng phải học qua bản nhạc này. Lake Como được nhiều người cho là một trong những hồ nước đẹp nhất Âu Châu, hồ này nằm không xa Milan lắm, có thể lái xe tới rất dễ dàng. Những tay vương giả của nước Ý bỏ tiền ra xây cất nhiều biệt thự sang trọng bên bờ hồ. Có tới đây mới thấy nước Ý quá đẹp, phải nói là một trong những thiên đàng hạ giới. Nơi trời nước bao la, sóng biếc lâng lâng cho tới chân mây, có phải chăng dân Ý sống trong một khung cảnh đẹp như thế, cho nên đầu óc họ rất nghệ sĩ, làm cái gì cũng đẹp từ quần áo, xe cộ... cho tới nhạc cụ, nhạc của Ý cũng lai láng trữ tình.

Tòa lâu đài đẹp nhất của Lake Como phải là Villa d' Este, một công trình kiến trúc rất đồ sộ nhưng nên thơ. Nơi đây, trước là chỗ nghỉ hè với tất cả những tiện nghi trần gian và vật chất của vị Hồng Y sở tại, về sau biến thành một khách sạn, khách sạn này được tờ báo Forbes xếp hạng nhất thế giới năm 2009. Đường từ Cremona tới tuy không xa lắm nhưng vì kẹt xe nên lái xe hơi mất công và thì giờ. Sau khi nhận phòng, Vương Vũ và Bảo Trâm xuống ăn cơm tối, nàng chỉ dùng soup nhẹ và salad, trong khi chàng chọn rack of lamb với rượu chát đỏ, tiệm ăn trong khách sạn năm sao này rất ngon, được xếp hạng vào bậc nhất nhì thế giới. Cả khách sạn lẫn tiệm ăn đều được kể đến trong cuốn sách 1000 chỗ phải nên đi tới trước khi... nhắm... mắt.

Trước khi về phòng, Vũ không quên mua tặng Bảo Trâm một đóa hồng nhung đỏ thẫm, chàng bảo:

- Hoa hồng đẹp, nhưng cũng phải thẹn vì không mọng và tươi bằng môi em...

Bảo Trâm đáp lễ bằng một cái nheo mắt tình tứ, lòng thầm nhủ, con giai gốc Bắc cứ ngọt ngào như mía lùi.

Hai người vào phòng của Bảo Trâm, phòng Vũ bên cạnh, được thông với nhau bằng một cánh cửa bên trong. Vũ mang cây đàn mới mua ra thử, tiếng đàn mới chưa mềm và vang, nhưng rất ngọt và thỏ thẻ tựa như cô gái mới lớn. Chàng biểu diễn một tấu khúc bất hủ của Bach ''Air on the G string''... ôi chao sao quyến rủ, âm thanh tuy chậm nhưng nhẹ nhàng, có pha một chút thánh thiện như những tiếng réo rắt trong nhà thờ.

Bảo Trâm say mê trong điệu nhạc, chơi xong cất đàn vào hộp, Vương Vũ ngồi xuống và chợt thiếp đi từ lúc nào có lẽ vì chút men rượu đã ru chàng vào giấc điệp...

Ngoài kia, tiếng mưa tí tách trong đêm vắng, Vũ chợt tỉnh khi thấy ai lay nhẹ bờ vai:

- Anh về phòng ngủ, đêm đã khuya.

- Xin lỗi em, men rượu làm anh... say...

Không muốn làm người yêu ái ngại, chàng bước về phòng mình qua cái cửa nhỏ nối hai phòng. Buổi sáng, sau giấc du miên, chàng khoan khoái vươn vai tỉnh dậy, mặt trời vừa ló dạng, cơn mưa trở hạt nặng nề, mây xám phủ khuất ngọn núi, mặt hồ nước chao sóng tung tóe. Xong vệ sinh cá nhân, Vũ phone cho nàng thay cho wake up call, không nghe trả lời, chắc nàng đang say trong giấc điệp, cơn gió lốc mạnh, làm tung cái màn cửa sổ của Bảo Trâm, Vũ nhẹ nhàng bước sang phòng bên, đóng cửa sổ, kéo màn che, chàng định đánh thức nàng dậy, dự định sau khi điểm tâm, hai người sẽ đi Gondola trên sông nước ở Venice. Ngoài kia mưa vẫn rơi, bóng tối mờ ảo của căn phòng trong ngọn bạch lạp ở đầu giường như đồng lõa, cành hoa hồng chàng mua hôm qua, đã được khéo léo nằm gọn trong chiếc ly trong vắt pha lê, mùi hoa hồng tỏa hương thơm ngát, trên giường drap trắng toát, những cánh hồng rơi rắc theo ý sắp xếp của Vũ dành cho người tình.

Bảo Trâm vẫn ôm gối, ngủ vùi sau chuyến đi dài, chiếc áo ngủ mỏng manh bằng voan trắng không đủ che hết thân thể nàng. Vương Vũ bước nhẹ đến giường, hôn nhẹ lên trán, lên mi, lên mắt người yêu... Bảo Trâm giật mình tỉnh giấc, nàng vươn cánh tay trần gói trọn khuôn mặt của chàng trong vòng tay nhỏ bé... Ánh lửa lập lòe như thách thức, những mảnh vải che thân chỉ là một sự thừa thãi được đẩy xuống chân giường, khi hai người là một, thời gian như ngừng hẳn lại, tiếng thở dồn dập nặng nề, hai người có cảm tưởng như qua môt chỗ trống không, đứng lại rồi không gian chợt nổ tung, để đâu đây tiếng thổn thức, trữ tình khe khẽ vọng lên... Ngoài kia trời mưa to hơn Vũ ôm chặt Bảo Trâm, nàng ngoan ngoãn như con mèo ngái ngủ, đôi tình nhân chìm vào trong cơn lốc xoáy, cả hai say đắm trong điệp khúc của hạt mưa rơi. Rồi giấc ngủ không mộng chợt dâng mau...

“Đèn khuya mờ chiếu lứa đôi

Để tình một phút lên ngôi nồng nàn

Môi thơm quấn quýt môi thơm

Đôi tay mơn nhẹ đỉnh cao cuộc tình”

Phi Trường Charles de Gaulle vẫn đông đúc như mọi ngày, vẫn những ôm hôn thắm thiết cho một lần hội ngộ, hay những cái bắt tay rã rời cho một cuộc chia ly. Sau khi đã xong những thủ tục giấy tờ, gửi hành lý, Vương Vũ và Bảo Trâm bắt đầu bịn rịn cho một nỗi nhớ nhung, chập chờn... Vũ vuốt tóc người yêu, để hé ra những giọt lệ đang chực rơi xuống.

- Mình sẽ không mất nhau nữa em nhé.

- Vâng, em cũng nghĩ thế.

- Hứa với anh cho anh mừng, không được buồn nhé cưng...

Bảo Trâm ghì sát mặt người yêu, khẽ gật đầu...

- Mình sẽ gặp lại nhau một ngày mùa Xuân bên phương trời Nam Bán Cầu, để rồi mùa Hạ ở Cali, anh sẽ dạo lại khúc ''Hương Xưa'', và mình sẽ duo "sealed with a kiss'' cho bạn bè chúc mừng, em nhé.

- Ủa, thế còn mùa Thu thì sao hả anh?

- Mùa Thu, anh dắt em đi đếm lá vàng, rừng bao nhiêu lá, yêu nàng bấy nhiêu.

- Ăn gian quá, làm sao em đếm hết được, chịu thôi... à, còn mùa Đông, lạnh lắm đó...

- Mùa Đông, mình sẽ... yêu nhau... suốt ngày... được không em? Để đền bù cho những tháng năm dài mất nhau...

- Ứ...ừ... chàng của em đa tình quá...

Chỉ còn hơn nửa tiếng nữa là xa vời Paris, mọi người đang xếp hàng qua cửa kiểm soát cuối cùng để vào máy bay. Vương Vũ sẽ bay về Mỹ một giờ sau đó.

Nụ hôn tạm biệt ở cửa cách ly hình như không muốn dứt... Vũ cảm thấy chút vị mặn trên môi, chàng hôn lên những giọt nước mắt của hạnh phúc, để nước mắt thôi rơi, để môi được tìm môi, để sự biệt ly không còn là khoảng cách...

Bảo Trâm bước vào lòng máy bay, ổn định chỗ ngồi. Nàng lấy chiếc ifone và gửi tin nhắn:

"Anh sẽ ở bên em trong hành trình này anh nhé - Yêu và nhớ.''

May mắn chỗ ngồi của nàng sát bên cửa sổ. Bảo Trâm lãng đãng nhìn qua ô cửa kính một lần chót, bầu trời nước Pháp ảm đạm một ngày chớm Thu, giống như tâm trạng của Bảo Trâm lúc này...

Tạm biệt Anh yêu, tạm biệt Paris, nơi đã cho em những tháng ngày thần tiên sau 40 năm. Chiếc ipod như chia sẻ ''Trong nỗi nhớ muộn màng" của NTMiên:

''Tưởng như là tình yêu sống dậy... Bao năm qua đi tìm bóng dáng... Dù trăm năm trôi nhẹ trên phím ngà... Anh vẫn còn tưởng nhớ người yêu xa...''

Chiếc máy bay Air France từ từ cất cánh, trên phi đạo chạy dài, nó mang theo cả một mùa Xuân, cả một mối tình... rất muộn!

VTBV- tháng Chạp 2013

(To my Love, It can’t be done without you...)