Hối Tiếc - Lâm Viên

Chỉ còn ít ngày nữa thì Tết rồi. Hình như ở hải ngoại thời gian đi nhanh hơn hồi ở Việt Nam. Cuộc sống tất bật làm mình cảm thấy ngày ngắn, đêm cũng ngắn, xoay qua xoay lại thấy trời sáng rồi. Mới ngày nào, bây giờ trắng tóc, gần hết một đời người. Khi tuổi đời len lén lên gần con số bảy, tuổi già xồng xộc bước tới, cảm giác buồn man mác như mình nhìn thấy được. Từ thời tuổi trẻ, cái thuở còn làm học trò cho đến ngày tự lập thân, rồi ra hải ngoại, tôi có nhiều lầm lỗi, đến bây giờ vẫn còn hối tiếc.

Tết, Tết là có đổi mới, nhà cửa sơn phết mới, trẻ con quần áo mới, xem phim mới, nhưng nhiều khi Tết đến nó cũng mang tới những nỗi buồn man mác mới. Tết cho những sinh viên đi học xa nhà, mỗi năm chỉ đủ tiền vé xé đò để đến trường đầu năm khai giảng, và đủ tiền cho một lần trở về quê khi niên học chấm dứt. Tết của những sinh viên mồ côi, ngày Tết không biết về đâu, phải ở lại Đại Học Xá hay phòng trọ thì họ cảm nhận một nỗi trống vắng mới. Làm sao tìm thêm có những cái vui bây giờ.

Tết, năm 1967, Đại Học Xá chỉ còn vài mạng, những sinh viên ở phòng trọ kéo vào Viện Đại Học để cùng những đứa Tết không nhà, không cửa, dựa vào nhau sưởi ấm. Còn ba ngày nữa thì đến Giao Thừa, không bánh, không trái, bao nhiêu cái không để đón Tết, không đứa nào có một xu dính túi.

Đã nói sinh viên là rường cột Quốc Gia, những suy nghĩ, sáng kiến thường là vượt trội thì thế nào cũng có cách biến không thành có.

Chuồng bồ câu của Cha Viện Trưởng có mấy cặp ra ràng, đường đi vô Viện Đại Học như đường Võ Tánh, đường Bùi Thị Xuân, hay ở xa xa hơn, ấp Hà Đông, ấp Đa Thiện, nhiều nhà lập chuồng gà, ít thì năm mười con, có nhà chứa năm bảy chục. Chuồng gà chứa nào gà mái tơ, gà trống thiến, gà mái ấp trứng. Để biến không thành có thì ban ngày phải quan sát, vị trí, cửa nẻo chuồng gà, nhà có chó hay không, địa hình địa thế phải nắm gọn trong lòng bàn tay. Đêm đến, qui định đứa nào nhà nào rành mạch, không tranh giành, không lẫn lộn, bằng tất cả mọi phương tiện đã chuẩn bị đầu hôm, nhiệm vụ phải hoàn thành là hai đứa phải đem về tối thiểu 2 con gà. Chiến lợi phẩm đem về đêm đầu là 9 con gà. Kiểm điểm thành tích thì có 12 thằng mà thu hoạch chỉ có 9, không đạt chỉ tiêu. Không phê bình, kiểm thảo, chỉ lấy quyết định tối hậu là không được ngưng nghỉ, phải xúc tiến hành quân đêm để 12 thằng, thêm những thằng bạn bất ngờ, và tính làm sao từ đêm Giao Thừa cho đến hết ngày mùng bảy Tết có thừa, có đủ cho những thằng mồ côi hưởng Tết. Đêm thứ hai, vũ khí thu lượm được đã ngoài dự tính mong muốn, 38 con cho bảy ngày. Nhốt chứa ở đâu? Nhà thằng Bửu Thọ, nhà nó cũng gần Viện Đại Học, xeo xéo con đường đi vào trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Hai ngày trước, vì bảo mật, không thằng nào bén mảng đến nhà Bửu Thọ, hai anh em nó tay cuốc, tay xuổng, đào cho xong cái hố để nhốt gà.

Sáng 30, 8 con gà được cắt tiết, vặt lông, mổ bụng và lòng mề đều rửa muối sạch sẽ. Chết cha:

- Ai nấu nướng?

- Tao!

- Tiền đâu mua gia vị?

- Tao!

- Rượu đâu để uống?

- Tao!

Tụi mày ở nhà làm sạch sẽ cho tao thêm 2 con gà, 12 giờ tao đem đồ về chung đủ cho tụi mày.

Lấy cái Honda của thằng Bửu Thọ, tui ra nữ Đại Học Xá Trương Vĩnh Ký, gần khu Hòa Bình, vào gặp Soeur Giám Đốc, lấy lý do là mời mấy chị sinh viên không về quê ăn Tết được, đến đón Giao Thừa chung với các nam sinh viên. Hổng hiểu, nhìn vẻ mặt lương thiện và đầy tình người của tui sao đó nên Soeur đồng ý, kêu 8 chị ra gặp tui với một điều kiện: sau khi đón xong Giao Thừa phải hộ tống các chị về lại.

Ai nấu nướng? Các chị, việc thứ nhất biến không thành có, trơn tru hổng ngờ.

Tui xầm xì, to nhỏ với các chị là tui hiện có 10 con gà mái dầu, làm sạch sẽ từ đầu đến chân, tim gan, phèo phổi cũng sẵn sàng. Các chị lên dùm menu cho 20 người ăn, rồi gãi đầu gãi tai nhờ các chị ủng hộ phần gia vị, bánh tráng, rau sống. Tui móc hai túi trống rổng ra khoe, để các chị thông cảm cái thằng nghèo xơ nghèo xác mà bày đặc làm sang. Chị Hoàng Oanh, đã từng đón Giao Thừa với tụi tui năm ngoái, chị Hoàng Oanh là bạn bà chị tui, cái áo sứt nút, cái quần cần lên lai, chỉ việc đưa chỉ, rồi ghé lại lấy thì áo quần đều ủi thẳng băng. Lâu lâu, chỉ có dịp về quê, xách được món gì lên chỉ cũng để phần cho tui. Có điều, tui sợ mỗi lần chỉ thèm tô bún ốc, chỉ bắt tui theo chỉ xuống chợ lồng, ngồi chồm hổm, chờ chỉ ăn. Có lần tui nói, tui kỵ nghêu sò ốc hến và mùi mắm tôm, rồi một phần, con gái bà bán bún ngó tui chăm chăm tui mắc cở, ăn không được, chị đi ăn một mình đi. Chỉ giận tui cả tháng, tui phải ra chợ mua mấy trái xoài tượng, hũ mắm ruốc, đem lại Đại Học Xá, nhờ chị bạn đem dùm vô cho chỉ, chỉ mới chịu nói chuyện lại với tui.

Mấy chị kia, nhao nhao hỏi, làm sao mà tin ông trời đánh này, ổng quậy có tiếng, mê ổng ra đường gặp ổng, cũng lánh chỗ khác, làm sao sáng sớm mà có 10 con gà mái dầu làm rửa sạch sẽ, nhưng biết tui quen chị Hoàng Oanh nên khi chỉ đồng ý, 7 cô kia cũng theo chỉ ra chợ. Điều kiện chị đưa ra là phải thêm người phụ bếp để chặt gà. Tui đưa địa chỉ và hẹn gặp lại các chị 12 giờ trưa.

Tiền đâu mua gia vị? Các chị chi, việc thứ nhì biến không thành có, xong.

Rượu đâu để uống? Cái này khó đa!

Chạy xe lại quán anh Ba Dế, quán cơm tháng cho sinh viên.

- Anh Ba! Cuối năm em nhờ anh Ba chút việc, em cần 5 lít đế, 10 chai xá xị, anh Ba ghi sổ dùm em, ra Giêng, cả vốn lẫn lời em hứa hai tay dâng anh Ba.

Ổng lắc cái đầu, tui bắt bực:

- Lạ đời, thường cuối năm người ta đi thanh toán hết nợ, mày làm ngược đời, 3 tháng tiền cơm chưa trả, tao định thí cô hồn cho mày để năm tới mày không có nợ, mày còn ngóc đầu lên, ai ngờ mày lại chồng thêm nợ.

Nổi máu sùng:

- Thôi, không thèm mượn anh Ba nữa, tui vào gặp chị Ba, tui nói hôm bữa anh nhờ tui dẫn anh tới nhà chị Ngọ, anh ngồi cả buổi.

Tui định dọa ổng chơi chứ làm gì có chuyện đó, ổng lén phén chị Ba cạo trọc ổng luôn. Có điều hổng hiểu cắc cớ gì chị Ba thương tui, nói cái gì chỉ cũng tin, chắc chỉ nhắm tui cho đứa con gái rượu của chỉ. Tiếng chị Ba óng lên:

- Em cần cái gì cuối năm?

- Không chị Ba, em tới năn nỉ anh Ba cho em khất ba tháng tiền cơm, ra Giêng em cầm cái sợi dây chiền của bà Già cho làm kỷ niệm lúc đậu Tú Tài, em đưa tiền cho ảnh, anh la lối em, làm cuối năm buồn quá.

- Sao Tết nhất rồi mà còn ở đây?

- Tiền cơm thiếu chưa có mà trả, lấy đâu ra tiền vé xe đò.

- Nè, cằm vài trăm ăn Tết, đầu năm nhớ lại nhà chị đạp đất nghen, đầu năm cũng nhờ mày đặt chân vô nhà sớm nhất mà năm nay làm ăn thấy kha khá.

Tui nhét tiền chị Ba cho vô túi, quay lại thấy anh ba bưng ra một thùng, nào rượu, nào nước ngọt đủ loại, 2 cái bánh chưng thơm phức, còn kèm thêm 2 gói Bastos xanh. Ảnh nói:

- Tết dẫn vài thằng bạn lại kéo vài cây phé với anh.

- Yên chí anh Ba có ngay.

Nói cho cùng, tui với anh Ba là bạn giang hồ cờ bạc mà, tui hỏi cái gì, ban đầu ảnh hay làm khó dễ nhưng ảnh cho tất.

Việc thứ Ba biến không thành có, tiền hung hậu kiết...

Chưa thấy cái Tết nào vui như Tết 67, đầy đủ hổng thiếu thứ gì, mấy thằng tui cũng quên phén mấy con bồ câu ra ràng của Cha Viện Trưởng. Mấy chị sinh viên vừa ăn vừa thắc mắc, tiền đâu mà tụi tui chơi ngon lành vậy. Tui nói, tiền cờ bạc đó mấy chị ơi, đánh thắng nhưng họ không chung tiền mà chung gà. Chị Hoàng Oanh thì biết tỏng nhưng chỉ thương cái thằng em khi nào có miếng ngon vật lạ đều nhớ chỉ, chỉ cười tủm tỉm và lắc lắc cái đầu nheo mắt với tui.

Biết chuyện này bậy bạ thiệt, trộm gà trộm vịt để ăn Tết còn gạt mấy chị sinh viên, cho nên tui dài dòng. Gần bước sang năm Ngọ, hơn 45 năm rồi không biết, ai còn ai mất, xin có lời để tạ tội với những gia chủ ngày xưa bị sinh viên phá làng phá xóm, mà thủ phạm gốc là tui. Thạch, Thọ, thằng ở Toronto, thằng ở Sacramento, hôm rồi nói chuyện với tui mày, tụi mày cũng đâu có quên chuyện bắt gà, bắt vịt.

Nhắc lại chứ tui chưa hối tiếc bao giờ.

Trong một dịp Tết về thăm gia đình, tình cờ ngang qua nhà có một người vừa chết trận, nó là thằng bạn thân hồi thời còn để chỏm đến xong Trung Học. Nó mất đi để lại vợ và ba đứa con. Tôi đi ngang nhà đó nhằm chiều Ba Mươi Tết, vợ đang xỉu lên, xỉu xuống, ba đứa nhỏ mà đứa con gái lớn nhất mới vừa tám tuổi, nhà nghèo xơ, nghèo xác cho nên hàng xóm giúp lo tang lễ và chôn cất. Nhìn căn là nghèo nàn, mấy chị em thì xác xơ rách nát, cầm lòng không đặng, tui vào thắp nén nhang cho thằng bạn, và định bụng đầu năm đem áo quần, bánh trái, tiền qua giúp tụi nhỏ.

Đêm Giao Thừa, có mấy thằng bạn cũng đi phép về ghé ngang nhà, ăn nhậu suốt đêm sạch túi, sáng hôm sau quên bẵng. Rồi lịnh cắm trại bất ngờ, di chuyển ra tận miền Trung, tới lúc bị thương về nằm ở Bệnh Viện Cộng Hòa, nhìn ra đường thấy đứa con gái đang đi bán vé số, cái mặt quen quen, kêu hỏi mới biết ra là con nhỏ xóm nghèo năm xưa, mẹ nó buồn, đổ bệnh rồi mất hơn một năm nay, thằng em kế đang đánh giày ở góc đường Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Huệ, đứa út đang ở trong viện mồ côi, lòng tôi bỗng nhói lên một cảm giác đau xót khi chợt nhớ chuyện năm xưa. Tôi không dằn được nước mắt, còn vài trăm trong túi, tui móc đưa hết cho nó. Ép mãi nó mới chịu nhận, nó nói:

- Con không muốn nhận tiền của các chú thương phế binh.

Sau này ra khỏi bịnh viện và giải ngũ, tôi tìm lại 3 đứa nhỏ đó, nuôi và lo cho ba đứa ăn học, rồi đưa đi vượt biên. Đứa gái lớn đã trở thành bác sĩ, hai đứa em, đứa thì kỹ sư điện, đứa thì dược sĩ. Con đậu Bác Sĩ, xin tui qua Campuchia làm thiện nguyện, giúp những cô gái bị bán làm mãi dâm.

Tết năm ngoái về thăm nhà, con nhỏ có hỏi tui, trong cuộc đời có cái gì làm ba hối tiếc (ba đứa coi tui như ba).

Một đêm Giao Thừa năm đó, tui đã sử dụng đồng tiền cho thú vui nhục dục, quên hẳn ba đứa nhỏ mồ côi cha, ở xóm nghèo, lại là con của thằng bạn thân. Đó là điều tui hối tiếc và từ đó tui học được một điều: việc gì có thể làm được ngày hôm nay đừng để đến ngày mai.

Nhớ rằng trên con đường đời, mình không đi lại hai lần, tui quyết định nuôi ba đứa mồ côi, và tui không tiếc.

Lâm Viên, viết cho một người bạn, 26-01-2014