Thỏa Hiệp Genève 07/1954 ở Genève về Đông Dương

(Accords de Genève 07/1954 sur l’Indochine )

Trần Hữu Chí

( INDOCHINA : LANDS & PEOPLE )

( ĐÔNG DƯƠNG : ĐẤT ĐAI VÀ CON NGƯỜI )

Từ cuối năm 2013, 16/10/2013, đến đầu năm 2014, 26/01/2014, ở Viện Bảo Tàng Quân Đội Pháp, trong Điện Invalides, Paris có cuộc triển lãm về 100 năm đô hộ của Pháp ở Đông Dương, 1856 – 1956, mang tên:

“ INĐOCHINE : ĐES TERRITOIRES ET ĐES HOMMES”

Cách viết chữ Đ làm người xem nghĩ tới lối viết chữ Quốc Ngữ mà chính quyền thuộc địa đã áp đặt ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 20 trong mọi lãnh vực: giáo dục, thi cử, hành chánh,… bỏ lối viết theo Hán tự.

Các chữ o đều viết hở đầu

tượng trưng các khúc ngoặc của giai đọan lịch sử đó. Khúc quanh cuối cùng của 100 năm đô hộ đã làm lật đổ chiếc xe thuộc địa là sự bại trận của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, dẫn đến Hội Nghị Genève và Hiệp Định Genève về Đông Dương, ký ở Palais de la Société des Nations ở thành phố Genève (Trụ sở Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc) để Pháp rút quân ra khỏi Đông Dương năm 1956.

Tháng 7 năm nay, Giáp Ngọ 2014, đúng 60 năm kỷ niệm việc ký các thỏa ước đó, Giáp Ngọ 1954. Nhưng ở Pháp chẳng ai muốn nhắc đến kỷ niệm nầy và tập trung tổ chức kỷ niệm 100 năm Đại Thế Chiến thứ nhất 1914-1918 kết thúc bằng sự thắng trận của Đồng Minh.

Nhân dịp nầy, tôi xin trích dịch bài viết của ký giả Pierre Viansson-Ponté, báo Express Pháp ngày 19/07 năm 1957, 3 năm sau ngày ký Hiệp Định, về những ngày cuối của Hội Nghị nầy.

Bài báo được viết từ các tài liệu của Pháp giúp ta hiểu thêm các quyết định của Pháp dẫn đến Hội Nghị Genève về Đông Dương.

Các hình ảnh và tài liệu được chụp ảnh từ nơi triển lãm.

TÓM TẮT VÀI SỰ KIỆN LỊCH SỬ TỪ 1940 ĐẾN 1954 Ở ĐÔNG DƯƠNG

- 10 /05/1940 : Pháp bị Đức tấn công. Ngày 14/06/1940 Đức tiến vào Paris bị « bỏ ngõ », Thống Chế Pétain lên làm Thủ Tướng, ký giấy đầu hàng Đức Quốc Xã. Ngày 11/07/1940, Pétain được bầu làm Quốc Trưởng, cộng tác với Đức.

Ở Đông Dương, Toàn Quyền Decoux theo Pétain, như đa số các thuộc địa của Pháp, mở cửa Đông Dương cho lính Nhật sử dụng, và ra lịnh cho dân chúng Việt Nam phải cộng tác với bọn Quân Phiệt Nhật Bản (Xin xem hai bố cáo bên cạnh).

Pétain Ba cô gái Nhật Pháp An-nam nắm tay

nhảy múa dưới ba lá cờ Pháp Nhật An-nam

- Bố cáo 1, ta đọc được:

« Hởi người Pháp và người Nam, không lúc nào bằng lúc nầy phải nên cùng nhau sát cánh – Pháp Việt đồng tâm là điều cốt tử cho cuộc tương lai của Đông-Pháp. »

- Bố cáo 2, ta đọc được:

« Résultat de la Collaboration Nippo-franco-indochinoise.»

xin dịch:

« Kết quả hợp tác Nhật Pháp Đông Dương. »

*Đông Dương: gồm Việt (An-nam), Miên (Campuchia), Lào

Cờ Annam

- 09/03/1945 :

Quân đội Nhật đảo chánh Pháp, tuyên bố chính quyền thuộc địa Pháp chấm dứt. Nhưng chỉ trong vòng năm tháng, ngày 19/08 nước Nhật đầu hàng Đồng Minh, sau khi bị dội hai quả bom nguyên tử. Thừa dịp các lực lượng vũ trang Việt Minh cướp chính quyền ở Việt Nam.

Cờ Việt Minh

- 02/09/1945 :

Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Hà Nội. Vua Bảo Đại thoái vị và được giữ lại làm Cố Vấn.

- 06/03/1946 :

Chính Phủ Hồ Chí Minh ký với Pháp một Thỏa Hiệp ở Điện Fontainebleau, trong đó Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam nhưng phải ở trong Liên Hiệp Pháp (Union française). Đây là một điều kiện để Pháp có cớ can thiệp vào Việt Nam trong tương lai. Cùng lúc Pháp ủng hộ một nhóm muốn tách rời Nam bộ khỏi Việt Nam để thành lập Nam Kỳ Quốc.

- 23/11/1946 :

Tàu Pháp bắn phá và đổ bộ chiếm cảng Hải Phòng thẳng đường tiến chiếm Hà Nội. Cuộc chiến tranh Pháp - Việt Minh bắt đầu. Vua Bảo Đại với tư cách Cố Vấn được đưa sang Hong Kong tị nạn. Pháp đặt lại guồng máy cai trị thuộc địa trên khắp Đông Dương.

- 1948 :

Pháp coi việc thoái vị của Bảo Đại chỉ là một gián đoạn tạm thời không đáng kể nên năm 1948 mời Bảo Đại trở về lên ngôi lại với tư cách Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam được Liên Hiệp Quốc công nhận.

- 1949 :

Ngày 01/10/1949, một sự kiện quan trọng xảy ra ở Châu Á: Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chế độ Cộng Sản làm chủ toàn bộ Trung Quốc ngoại trừ đảo Đài Loan.

Các lực lượng Việt Minh được sự tăng viện của Trung Cộng gây cho quân đội Pháp nhiều thiệt hại nặng trên mặt trận dọc biên giới Việt Trung, như trận đánh Cao Bằng tháng 10/1949 Quân Pháp phải lui về cố thủ các vùng đồng bằng chung quanh Hà Nội.

- 1950 :

- 19/10/1950 :

Nghị Sĩ Pierre Mendès France tuyên bố trước Quốc Hội Pháp, nguyên văn:

« C’est la conception globale de notre action qui est fausse. Cela ne peut continuer ainsi. Il faut choisir entre deux solutions également difficiles :

La première consiste à réaliser nos objectifs en Indochine par le moyen de la force militaire.

L’autre solution consiste à rechercher un accord politique, un accord évidemment avec ceux qui nous combattent…. On peut refuser cette négociation. Mais alors, il faut dire la vérité au pays. Il faut l’informer du prix qu’il devra payer pour faire aboutir l’autre solution. »

Tạm dịch:

« Chính cái quan niệm toàn bộ về hành động của chúng ta nó bị sai lầm. Cái đó không thể tiếp tục như thế. Ta phải chọn giữa hai giải pháp đều khó như nhau :

Giải pháp thứ nhất là thực hiện các mục tiêu của chúng ta ở Đông Dương bằng phương tiện quân sự vũ trang.

Giải pháp thứ hai là tìm kiếm một thỏa hiệp chính trị, tất nhiên một thỏa hiệp với kẻ đang đánh chống chúng ta…. Ta có thể từ chối cuộc thương thuyết đó. Thế thì ta phải nói sự thật cho cả nước biết. Phải thông báo cho họ biết cái giá phải trả để đạt được giải pháp kia. »

- 19/12/1950 :

Tư Lịnh Bộ Binh Pháp, Tướng Blanc, gởi một văn thơ cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Pleven, nguyên văn:

« Depuis 1945, l’Armée Française subit en Indochine une véritable hémorragie. Les pertes sont considérables et constantes. Elles ont atteint actuellement le point de rupture d’équilibre. »

Tạm dịch:

« Từ 1945, Quân Lực Pháp ở Đông Dương phải chịu một sự xuất huyết, đúng nghĩa của nó. Các tổn thất hết sức to lớn và đều đặn. Các tổn thất đó, như hiện nay, đã đạt đến điểm mất cân bằng (giữa hai bên). »

- 1951-1953 :

- 1951 : Để giảm bớt gánh nặng cho chi phí chiến tranh, Pháp tiến hành kế hoạch « Việt Nam Hóa » cuộc chiến. Theo như lời kêu gọi của Tướng De Lattre de Tassigny « thanh niên Việt Nam phải có nhiệm vụ bảo vệ xứ họ ».

Bộ Quốc Phòng Quốc Gia Việt Nam ra lịnh động viên thanh niên và thành lập các trường Võ Bị đào tạo sĩ quan Việt Nam.

- 24/05/1952 :

Thống chế Juin, báo cáo với Thủ Tướng Laniel:

« L’exécution de ce plan (d’entretien du corps expéditionnaire en Indochine) a des conséquences graves sur la situation de nos forces en Europe et en Afrique du Nord. »

Tạm dịch:

« Việc thi hành kế hoạch đó (duy trì đạo quân viễn chinh tại Đông Dương) có những hậu quả

nghiêm trọng trên tình trạng các lực lượng của chúng ta ở Châu Âu và Bắc Phi. »

- 26/05/1952 :

Pleven, Bộ Trưởng Quốc Phòng và Chevigné, Bộ Trưởng Chiến Tranh, quyết định tiếp tục chiến tranh và chấp thuận kế hoạch tìm ra một vị trí chiến lược để dụ lực lượng Việt Minh đến hầu « casser les Viets » (đập tan Việt Minh). Vị trí chiến lược được chọn là lòng chảo Điện Biên Phủ.

THIỆT HẠI PHÍA CÁC LỰC LƯỢNG CỦA PHÁP TỪ 1945 ĐẾN 1954

Trong 91 tháng chiến tranh với lực lượng Việt Minh, về phía Pháp có:

. 92 ngàn người chết,

. 114 ngàn người bị thương,

. 30 ngàn người bị bắt làm tù binh.

. Có tất cả 561 000 lượt người tham chiến.

. Chi phí 3000 tỉ quan Pháp, tương đương với ngân sách một năm của nước Pháp thời bấy giờ.

Phải làm gì đây? Câu hỏi được các chính trị gia Pháp đặt ra. Họ xoay quanh ba giải pháp:

- kêu gọi sự can thiệp của Hoa Kỳ

- thành lập một Ủy Ban Quốc tế để giải quyết

- thương thuyết thẳng với Việt Minh

Giải pháp thứ ba có vẻ được các chính trị gia Pháp chọn, nhưng Thủ Tướng LANIEL cùng các Bộ Trưởng Ngoại Giao Bidault, Quốc Phòng Pleven, và Bộ Trưởng Teitgen thì quyết định triệu tập một Hội Nghị Quốc Tế. Tất nhiên một Hội Nghị Quốc Tế như thế sẽ rất phức tạp vì Hội Nghị sẽ bàn những chuyện do các quyền lợi đối nghịch sinh ra.

1954 HỘI NGHỊ GENÈVE VỀ ĐÔNG DƯƠNG

Tháng 01/1954, cuộc họp các Ngoại Truởng của bốn cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô ở Berlin đã quyết định triệu tập một Hội Nghị Quốc Tế giải quyết các vấn đề còn ứ đọng ở Châu Á: Triều Tiên và Đông Dương.

Hội Nghị được khai mạc ngày 26/04/1954 và Pháp đề nghị mời Ngoại Trưởng Chu Ân Lai của Trung Quốc tham dự, một hành động có tính toán nhằm lấy lòng Trung Quốc hầu hi vọng Trung Quốc sẽ làm áp lực lên phía Việt Minh chấp nhận các điều kiện của Pháp trong Hội Nghị. Trong những ngày đầu của Hội Nghị, Ngoại Trưởng Pháp có vẻ tự tin. Ông ta nghĩ rằng Trung Quốc sẽ bỏ rơi Việt Minh để đánh đổi các quyền lợi kinh tế (Pháp là nước phương Tây đầu tiên công nhận Trung Hoa Cộng Sản) và hứa sẽ vận động để Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Nhưng ông ta cũng lo, nên dự tính nếu Hội Nghị thất bại, ông ta sẽ ra sức lôi cuốn Mỹ vào tham chiến ở Đông Dương.

Tất cả các dự tính của Chính Phủ Laniel tan thành mây khói khi Điện Biên Phủ thất thủ.

- Ngày 07/05/1954 : Hàng ngàn binh sĩ dưới quyền chỉ huy của Tướng De CASTRIES chết, bị thương và bị bắt làm tù binh (11700 tù binh và chỉ có 3300 còn sống sót).

- 29/05/1954 : Ngoại Trưởng Mỹ trả lời cho đặc phái viên của Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp G. Bidault là Mỹ chỉ can thiệp nếu Anh Quốc cũng tham dự (chuyện khó có thể xảy ra) và sẽ chỉ can thiệp bằng không quân. Hơn nữa Mỹ phải cần 2 năm để chuẩn bị nếu cần.

- 18/06/1954 : Chính Phủ Laniel bị Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm và Mendès Franceđược cử lên làm Thủ Tướng. Trong diễn văn nhậm chức Mendès France hứa trễ nhất ngày 20/07/1954 ông ta sẽ đem lại hòa bình ở Đông Dương. Nếu thất bại, ngày 21/07 ông ta sẽ xin Quốc Hội chấp thuận gởi thêm quân tăng viện cho các lực lượng Pháp ở Đông Dương.

- 24/06 : Nguyên tắc chia đôi Việt Nam được sự đồng ý của các Ngoại Trưởng 5 nước.

- 26/06 : Phạm văn Đồng (Ngoại Trưởng Việt Minh) được thông báo và ông muốn lằn phân ranh ở vĩ độ 13° hay 14°.

- 10/07 : Mendès France tới Genève để gặp các ngoại trưởng của 5 cường quốc

- 13/07 : Bedell Smith, Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ, đại diện Mỹ trong các cuộc tranh luận đã báo cáo với Ngoại Trưởng Dulles là “Mendès France kinh thật” (This guy is terrific – Ce gars est formidable).

Các cuộc tranh luận về đường phân ranh và ngày tuyển cử tiếp diễn hết sức gay go.

- 19/07 : Phạm văn Đồng họp riêng với Mendès France, không có thông dịch viên.

Sau cuộc họp đó, Pháp và Việt Minh thỏa thuận các điểm sau đây:

1/ Đường phân ranh sẽ là vĩ tuyến 17

2/ Hà Nội và Hải Phòng sẽ di tản trong 300 ngày kể từ ngày ký

3/ Hai bên trao đổi tù binh trong 30 ngày kể từ ngày ký

4/ Việt Minh rút quân khỏi Campuchia và Lào, cam kết tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ

của hai xứ nầy

5/ Tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Việt Nam sẽ được tiến hành trong vòng 2 năm.

CHẠY ĐUA VỚI ĐỒNG HỒ

8 giờ sáng ngày 20/07 : Khi biết được có Thỏa Hiệp giữa Pháp và Việt Minh, tuy chưa chính thức, các ký giả theo dõi Hội Nghị đã đánh điện tín đi khắp nơi « Xong rồi . Thỏa Ước sẽ ký lúc 14 giờ trong ngày (AFP). » Nhưng các khó khăn khác lại xảy đến. Các trưởng phái đoàn kể cả Chu Ân Lai, dùng cơm trưa với Mendès France, để thảo luận tiếp.

17giờ 10 : Các ký giả lại đánh điện tín loan tin Thỏa Ước sẽ ký lúc 21 giờ ở trụ sở Hội Quốc Liên, Palais de la Société des Nations, tiền thân của Liên Hiệp Quốc ở Genève.

21 giờ : chẳng có gì hết

22 giờ : cũng không ! !

Chuyện gì đã xảy ra ???

Tep Phan, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Cambodge (Campuchia) không chịu ký. Ông ta thêm một số đòi hỏi và một số bảo đảm. Lúc đó hai phe Tư Bản và Cộng Sản nghi ngờ lẫn nhau, bên nầy nghĩ bên kia đã xúi Campuchia đưa các đòi hỏi vào giờ chót đó.

23 giờ : Tất cả các đại diện của 5 nước lớn tới họp ở nơi trú ngụ của Ngoại Trưởng Anh, Anthony Eden. Ông Eden ra sức thuyết phục Tep Phan từ bỏ các điều kiện mới đưa ra đó, nhưng Tep Phan từ chối. Eden nhờ Ngoại Trưởng Liên Xô Molotov can thiệp và Molotov trả lời tỉnh bơ “Chẳng gì quan trọng, ông Tep Phan đòi cái gì cứ cho ông ta cái đó đi.” Nhưng đến phiên Việt Minh không chịu, và ông Phạm Văn Đồng tuyên bố “không có chuyện tách rời Thỏa ước ra để ký riêng cho mỗi xứ: thuận thì ký nhận tất cả cho 3 xứ Việt, Campuchia và Lào, còn không thì không ký gì hết.” và muốn kéo lằn phân ranh xuống vĩ tuyến 16.

24 giờ : Chẳng có ai ký cả; Vậy thì Mendès France đã thua cuộc? Không !

Trong lịch sử các thương thuyết ngoại giao, lần đầu tiên tất cả các phái đoàn nhất trí lấy một quyết định tượng trưng: “Tất cả các đồng hồ đều bị ngưng lại.”

Các cuộc bàn cãi tiếp tục thêm 3 giờ 50 phút nữa, nhưng kim đồng hồ vẫn đứng yên ở 12giờ khuya ngày 20/07/1954.

KẾT QUẢ :

Kết quả là Thỏa Hiệp Genève được ký đúng ngày 20/07/1954 như Mendès France hứa trước Quốc Hôi Pháp và mọi người đều ký vào bản văn cuối cùng.

- Quốc Gia Việt Nam có quyền tự do liên minh và nhận viện trợ của Hoa Kỳ. Đòi hỏi tăng cường sự kiểm soát đình chiến và bày tỏ nghi ngờ về tuyển cử để thống nhất 2 miền vì cho rằng không thể có tuyển cử tự do ở miền Bắc, 2 năm sau ngày ký Hiệp Định.

- Pathet Lào, Lào Cộng Sản, không có đại diện trong thương thuyết, nhưng được phép ký vào bản văn cuối và được phép giữ các phần đất đã chiếm được năm 1953.

- Khmer Issarak, theo Cộng Sản, không được phép giữ một tất đất trên lãnh thổ Campuchia và nếu muốn thì các đơn vị đó có thể tập kết ra Bắc Việt Nam. Thực tế các đơn vị Khmer Issarak đã bỏ súng, tan rã hàng ngũ.

- Vương Quốc Campuchia có quyền cho phép quân ngoại quốc trú đóng trên lãnh thổ của mình.

Thật là lạ lùng khi một quyết định như vậy được các bên chấp thuận vì mọi người đều thấy có lợi cho mình.