Tem Sưu Tập Việt Nam - Huỳnh Khánh Tiết

Tôi không nhớ máu chơi tem của tôi có từ khi nào, mà chỉ nhớ khi tôi còn nhỏ, mấy chị em trong gia đình tranh nhau chờ được chia phần mỗi khi ba tôi đi làm về đến nhà, trên tay cầm một cọc thơ quốc tế (Ba tôi vẫn còn sống, hưu trí ở Monaco, đến đầu tháng Ba tới này là sinh nhật thứ 91 của ba tôi).

Lịch sử tem thơ Việt Nam bắt đầu từ thời Pháp thuộc, được phát hành năm 1889 từ một con tem của Pháp in năm 1881, được in chồng lên hàng chữ “Indo-Chine & 5R-D”

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, mở đầu cho một trang sử mới của ngành Bưu Điện Việt Nam, bộ tem “Thống Nhất Quốc Gia” được ra đời. Nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là bộ “Di Cư”, phát hành ngày 11 tháng 10 năm 1955 (sau Hiệp Định Genève).

Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ngoài các bộ tem chính thức phát hành cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, còn có một số bộ tem in sẵn không phát hành được mà các bạn sưu tập tem đã có hoặc nhìn thấy trên mạng nhưng ít có ai biết được là còn có thêm 5 bộ tem Bưu Chính Việt Nam nữa không phát hành (đính kèm phụ bản), tổng cộng 22 con tem (dưới dạng không răng) mà giới sưu tập tem Việt Nam đang săn lùng từ mấy chục năm nay. Cho đến thời điểm này, bản thân người sưu tập cũng chào thua sau hơn ba chục năm tìm kiếm trên từng cây số qua các shop tem ở Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Ý (dĩ nhiên ở Việt Nam cũng trớt quớt). Được một điều an ủi là người sưu tập có được trong tay một carte trình xét duyệt (unique) của 3 con tem trên tổng số 22 con không phát hành, xin chia sẻ với quý Thầy Cô và các bạn sưu tập tem Việt Nam nói riêng. Thêm một điều lý thú nữa là bộ tem “Cái Bình Vôi” (7 con trên cùng trong phụ bản) là do Bưu Chính Việt Nam phát hành. Mượn mẫu tem từ Ông Nhạc nhà sưu tập (chắc quý Thầy Cô và các bạn đã có dịp xem xem pps “Cái Bình Vôi” của báo Xuân Đại Học Khoa Học Sài Gòn mấy năm về trước). Đó cũng là lý do người sưu tập rán tìm cho bằng được các bộ tem không phát hành quý hiếm này.

Để phát hành một con tem, tùy theo yêu cầu có thể là dịp Tết, mùa hoa, hoặc khi Chính Phủ sắp sửa tung ra một chính sách, một chiến dịch thí dụ như sẽ ra luật Người Cày Có Ruộng, Tổng Nha Bưu Điện Sài Gòn sẽ đưa ra đề tài và cho thi vẽ kiểu trên toàn quốc. Người họa sĩ phải tính toán từ nội dung, bố cục, hình thức. Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa việc tuyển chọn và xét duyệt để phát hành thường do sự kết hợp của hai cơ quan là Tổng Nha Bưu Điện (Bộ Giao Thông Vận Tải) và Bộ Thông Tin.

Người chơi tem, tùy theo túi tiền và cơ duyên, cố gắng sưu tập đầy đủ các dạng và phương thức chơi tem.

Có thể xếp hạng từ dễ đến khó sau đây:

    • Tem chết / Tem sống

    • Bộ chết / Bộ sống

    • Bloc chết / Bloc sống

    • Bao thơ “Ngày Phát Hành Đầu Tiên” (FDC: First Day Cover)

    • Tem không răng

    • Bloc không răng

    • Tem in lỗi (variété)

    • Épreuve de luxe

    • Mẫu in thử để trình xét duyệt trước khi phát hành

Ngoài ra, người chơi tem còn rán sưu tầm các loại tem dưới các dạng khác nhau như:

    • Con niêm (có giá hoặc không có giá)

    • Tem quân đội

    • Tem phát động chiến dịch

    • Tem thơ máy bay (Aérogramme)

    • Tem phạt

    • v.v...

    • Đặc biệt, xin được chia sẻ một “unique” Carte trình xét duyệt tem trước khi được phép phát hành.

Các bạn đã thấy trên mạng nhiều tem thơ Việt Nam Cộng Hòa (1951- 1975). Người sưu tập không muốn làm mất thời gian của các bạn, chỉ xin được chia sẻ cùng quý Thầy Cô và các bạn bộ sưu tập “Indochine”, bộ tem không răng Việt Nam Cộng Hòa, con Niêm và một số tem Việt Nam sưu tập được.

Sau đây là một số bộ tem tiêu biểu:

    • Bộ Indochine 1 (con tem rời, trên nền trắng là con tem đầu tiên: Indo-Chine 5 R-D)

    • Bộ Indochine 2

    • Bộ Indochine 10

    • Bộ Indochine 12

    • Tem Fiscal Indochine & Con niêm Việt Nam Cộng Hòa

    • Tem không răng Việt Nam Cộng Hòa (1951-1975)

    • Tem tax, tem phạt, tem chiến dịch

    • Épreuves de luxe

    • Tem chiến dịch, tem Liên Hiệp Quốc (OMS) nói về Việt Nam (1952, 1953, 1954, 1955)

    • Tem quý hiếm, không phát hành (đính kèm bản sao 22 con tem)

    • Carte trình chờ duyệt xét của 3 con tem / 22 con không phát hành. (15/4/1975)

Người sưu tập mong được sự góp ý của quý Thầy Cô và các bạn yêu thích sưu tập tem.

Trước thềm Xuân Giáp Ngọ, kính chúc quý Thầy Cô và các bạn hữu cựu sinh viên Khoa Học Sài Gòn cùng gia quyến một năm mới dồi dào sức khỏe, vạn an và vạn sự như ý.

Người chơi tem tài tử,

Huỳnh Khánh Tiết Hạnh