Về Quê Ăn Tết - Lâm Viên

- Tết, Cậu Ba có về quê không?

- Tiền đâu mà dìa dì Hai, nội cái chuyện xếp hàng ba ngày cho có cái vé xe đò cũng đủ hụt hơi rồi, thà đi bộ còn hơn. À, mà dạo này đường sá không còn đắp mô, rán lội bộ 3 ngày thế nào cũng về đến nhà, còn hơn ở đây húp gió! Ừ, hổng hiểu sao từ ngày “hoà bình” lập lại rồi mà xe cộ, xăng dầu hụt tới, hụt lui. Mà nói nào ngay, mấy ổng có xăng đặc, dộng nước đầy bình rồi chạy hà rầm từ Bắc chí Nam đó hổng thấy sao. Máy móc xe cộ miền Nam kém chất lượng mới dùng xăng nước ngoài. Xe đò Sài Gòn Bà Rịa, lóng rày còn chạy bằng than, khói tro phun ra như rồng phun lửa, bà con chạy sau mấy xe này sợ thấy bà.

Xưa, sáng nào, nếu quởn thì thả bộ đến ngồi chồm hổm ở quán anh chị Tài, trước phòng thực tập Hóa Vô Cơ, sát hàng rào kẽm gai, bên kia là sân bóng chuyền, bên cạnh là giảng đường SPCN, uống cà phê, ngắm nữ sinh viên ra vào tổ ong. Có hôm, buồn tình, chui xuống dưới gầm Giảng Đường Hai, nhờ Bác Huệ làm cho một đĩa trứng chiên, chả lụa, dưa chua, ly cà phê sữa đá, mang lên trên lầu vừa binh xập xám với mấy đứa trốn học, vừa nghe thầy giảng bài Sinh Lý trên bảng (Chứng Chỉ Sinh Lý Sinh Hóa).

Hôm qua, thức sáng đêm binh xập xám ở nhà ông Sáu Đạo, định kiếm chút cháo lận lưng về quê ăn Tết, binh lủng, thua sạch túi. Đói rã người, mắt mở hổng ra, lết qua quán Dì Hai ở bên kia đường làm đỡ cái “ly nước gạo rang” vừa cho tỉnh người, vừa đánh răng, chờ có các cô nữ sinh trường Bác Ái, nữ sinh viên Sư Phạm, Khoa Học qua lại, mình rửa mặt, rửa mắt luôn.

Con Huê, đứa con gái út dì Hai, vừa để cái “nồi ngồi trên cái cốc” đầy cáu vừa nói:

- Anh Ba, hút thuốc hén, chị Hảo, bữa hổm cơ quan chia lương thực, bốc thăm mua được 2 điếu Vàm Cỏ Đông, 2 điếu Sài Gòn Giải Phóng, nói chừng nào anh Ba qua uống cà phê thì đưa cho anh Ba.

Cái quán cà phê nằm ngay góc ngã tư Cộng Hòa - Nguyễn Trãi, dưới tàn cây trứng cá, lúc nào cũng sai trái, đỏ, hồng, xanh, cái bàn tròn loang lỗ vết trà chỗ vàng, chỗ nâu, dựng sát gốc cây, vài ba cái ghế đẩu, một bình trà mà trong đó nước lợt lạt, hăn hăn như nước rửa chén. Được một cái là quán này là chỗ thân tình, rất tin tưởng nhau, uống cà phê xong là đứng dậy xách đít đi. Lâu lâu, con Hạnh, con gái thứ ba của dì Hai, học Đệ Tam trường Hưng Đạo nằm trên đường Cống Quỳnh, (trường mà thầy Nguyễn Văn Phú, vừa dạy toán, vừa làm Hiệu Trưởng. Nghe đâu muốn làm Hiệu Trưởng thầy Phú phải lấy cho được cái bằng Cử Nhân Văn Chương, ai đời dạy toán, viết sách toán bán chạy như tôm tươi mà thầy thi hoài cũng không lấy được Cử Nhân Toán. Bàng dân thiên hạ, tán vào tán ra là thầy bị Võ Thế Hào, học trò thầy, hổng hiểu trước kia bị thầy Phú trù ẻo sao đó, ổng đi du học về, mỗi lần thầy Phú vào vấn đáp, gặp ngay Võ Thế Hào, Võ Thế Hào chỉ đặt câu hỏi về toán đại cương: thầy muốn đậu không? Thầy Phú ngoảy đít, đứng dậy ra khỏi phòng thi, bằng Cử Nhân Toán, trớt quớt luôn), băng qua lộ sang phòng trọ nhắc chừng:

- Anh Ba, má nhắn anh Ba qua quán “rửa” dùm cái sổ...nợ....

Thường cuối tháng, có chút lương lậu, đem tiền qua nhờ dì Hai xóa dùm tiền ghi sổ cà phê mỗi tháng. Từ ngày N, giờ J.....tui giảm từ từ cà phê vì ngại dì Hai không lấy tiền. Nhớ cái thời vàng son, rủng rỉnh đồng vô, đồng ra, ông Già dũa hoài cái tội:

“Bắt thang lên hỏi ông Trời, có tiền cho gái có đòi được không

Ông Trời ổng bảo rằng không, có tiền cho gái, lấy công làm lời.”

Vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa hái mấy trái trứng cá ăn lót lòng. Giờ thì có thể coi như cuộc đời tui trải qua trang giấy báo, tập làm quen đời sống vô sản, bần cố nông, bỏ tắm hơi, bỏ nhậu, bỏ bịch, bỏ bồ. Phải làm sao khuất mắt phường, như cây kim trong lòng biển cả, giữa hàng chục triệu người tui chỉ là con kiến, con giun, nhưng phải sẵn sàng nắm lấy thời cơ chờ dịp ai cho lủi chùa thì lủi.

- Cậu Ba à, dạo này mấy ổng vô nói toàn ba cái tiếng lóng gì đâu tui không mấy hiểu, cậu “có chút chữ nghĩa”, cậu giải nghĩa dùm tui.

Ha ha, hổng biết mình “xôi kinh nấu sử” bao nhiêu năm mà dì Hai nói như thiệt: cậu có chút “chữ nghĩa”! Phải nói rằng cậu Ba này chữ nghĩa đầy bụng mới phải chứ, nhưng mà dì Hai có lý đấy, cái bụng đói lép xẹp thì chứa chữ nghĩa gì trong đó? “Có chút chữ nghĩa”, chắc dì Hai nghĩ, vì trưa hôm qua xếp hàng ở phường, đong được vài lạng bo bo, bo bo chưa tiêu, còn giữ trong bụng, ha... ha... bo bo là “chữ nghĩa”! Dì Hai thấy vậy mà thâm đáo để!

Hổng riêng dì Hai, mấy chục triệu người miền Nam đêm đêm phải đến phường theo lớp “bình dân học vụ”, học bổ túc văn hóa, để trau dồi thêm ngoại ngữ, nhập từ miền Bắc. Chữ nghĩa miền Nam thiếu dữ đa, rườm rà, rắc rối nữa, chỉ riêng chữ “tốt” mới nhập cảng vào mà đủ chiện dùng, nào là học tốt, ăn tốt, ngủ tốt, cày tốt, bừa tốt, mà cái này hơi ngồ ngộ, bất cứ cái gì cũng tốt, “làm tốt”, “tốt” tuốt luốt, riết rồi ra đường người nào cũng tốt cả, đi đứng thì ra vẻ thánh thiện.

Trí khôn loài người đã di chuyển, không còn ở cái đầu mà di chuyển xuống cái bụng. Càng có cái gì nhét được vào bụng thì trí khôn càng cao, bất kể khoai lang sùng, khoai mì mốc, bo bo, càng lâu tiêu, trí khôn càng giữ được lâu, tốt đấy.....

Hai tiếng “ngày xưa tụi mình”, sao cứ lập đi lập lại mỗi lần bạn bè hai ba thằng gặp nhau “cưa” chung điếu thuốc. Một tình cảm mới, tình láng giềng, tình chung xóm, tình đói, tình tan.... Chắc lại đói thuốc, nên nghĩ quẫn, nghĩ quơ.

Dì Hai ơi, lúc này nói chuyện mình phải cần có thầy thông dịch, dì Hai siêng năng họp phường mỗi đêm, tui nghĩ dì Hai bây giờ làm thông dịch số dách đó nghe. À mà này:

Hôm nọ tui thấy một bà xồn xồn đón xích lô đạp, bả sang trọng thấu đất luôn, trên cổ bả quấn khăn rằn, cái khăn mà từ ngày lên đường đi “B” cho đến giờ chưa giặt, thum thủm, ném cho chó, chó chê, cái áo lụa Hà Đông chắc giữ kín trong rương lâu ngày, màu lá mạ còn tươi rói, bên dưới là cái quần lãnh đen Tân Châu, nhuộm rễ mặc nưa, đen bóng lưỡng, chắc vừa giặt hôm qua, ép dưới đầu nằm cho nên sáng mang ra mặc, sọc ngang, sọc dọc, đầy dấu nẹp tre giường.

Anh “nai” tui đến xưởng đẻ Từ Dũ, “vô tư” ngồi chờ, tui vào công tác hộ lý cho nhân dân gái, trưa anh nai tui về chỗ ban sáng, đói cứ vô tư vài củ khoai lang, bán trước xưởng đẻ. Mụ nội tui, nai là cái quái gì, bệnh viện Từ Dũ sao gọi là xưởng đẻ, có máy móc gì đẻ đâu? Cậu Ba nhắc, tui mới nhớ:

Có thằng cháu lái xe đò Đà Lạt - Sài Gòn, chạy ngang qua Hố Nai - Gia Kiệm, tránh thằng nhỏ bên đường, đụng nhằm con chó, thắng cái rẹt chút xíu đụng thúng bánh gai để sát bìa đường, thằng lơ xe la lớn:

Vô tư chạy tiếp bác tài, ngừng lại, nó thiến chết mẹ, làm bác tài vô tư đạp ga, rồi vô tư về nhà nghỉ 2, 3 tuần hổng dám lái xe ngang qua Hố Nai.

Dì Hai à:

Hôm nào đi học, mình hỏi mấy ổng khi nào thì được vô tư tối ở nhà khỏi họp tổ, họp phường để vô tư nghe Phượng Liên, Út Bạch Lan, Thành Được ca cải lương.

Con Hà, con lớn dì Hai, bỏ học lớp 12, đi làm tổ hợp đan nón bên dưới cầu Chữ Y, địa điểm ngày xưa tụi đồi trụy mở phòng tắm hơi, đấm bóp Thái Lan. Bữa đầu xin việc, cầm tờ khai gia phả ba đời về hỏi mẹ câu:

- Có ai quản lý đời em chưa?

Ai đời độc thân thì hỏi độc thân, chửa chồng thì nói chửa chồng, quản lý đời em thì cha nào nó hiểu, nhất là con nhỏ mới 17 tuổi, chưa xong cái Tú Tài Hai. Đang có người yêu thì chắc phải khai báo là có người quản lý “một nửa” đời em?

Bà Sáu Được, xưa xay bột đổ bánh cuốn cho bà Khải, được xếp vào diện trước đây bị bóc lột, nhà nước cho đi bán ở cửa hàng ăn uống quốc doanh, tới chừng bán tương, bả múc chầm chậm, còn đếm từng hột, lỡ rớt hột nào thì lượm ngậm hột nấy, bà thủ trưởng mà thấy thì bả chắc nát như tương. Xui cho bà Sáu, con nhỏ Hảo, em kế con Hà, bán chè đậu đỏ bánh lọt cho cửa hàng, bắt gặp bà Sáu Được đang lén nuốt trộng hột tương:

- Dì Sáu, “ủng hộ” con vài hột tương chứ nuốt khan ba hột bắp độn bo bo rát cuống họng quá.

Ngầm từ đó, mỗi trưa, Hảo có vài ba hột tương mặn, còn bà Sáu thì được tăng sinh lực nhờ mấy muỗng đường con Hảo lén múc bỏ vào chén khoai lang của bà Sáu. Dì Hai, cười sặc sụa, ba hột đậu lạt (đậu phụng) nhai chưa kip nuốt, văng tùm lum:

- Cậu Ba còn nhớ cái ông đội nón cối hôm bữa hổm vô nhà dì không? Ổng là ba sắp nhỏ đó cậu Ba. Trời, dì Hai thuộc diện gia đình Cách Mạng?

- Diện gì cậu, ổng từ quê Bến Tre, lên tìm tui, ổng hỏi: "Sắp nhỏ đi đâu hết rồi? Cách mạng thành công, tui lên tìm thăm sắp nhỏ, sẵn dịp dẫn sắp nhỏ ra Hà Nội thăm lăng Bác", nói rồi ổng xề cái bản mặt hôi toàn mùi thuốc lào sát sạt mặt tui, mắt ổng lim dim: " Mình ơi, ủng hộ cho anh tí đi mình!!!" Tui tưởng ổng cần tiền cần bạc, tui móc túi, dúi cho ổng 2 ngàn, ổng nói, hổng phải, ủng hộ cái ấy mà, quan hệ ấy mà. Ủng hộ cái ấy, thế chó nào mà hiểu, ổng ra dấu làm tui mặt mày đỏ gay, đỏ gấc, tui đi ngay vào bếp lấy cây chày giã tiêu, đưa lên đưa xuống, lắc qua, lắc lại, rồi hỏi ổng:

- Ông còn ngon như cái chày này không mà đòi ủng hộ. Muốn mần con nái xề này thì thằng chả nói cha nó ra là muốn mần, quan hệ với dân hệ!

Quê tui ở Chợ Gạo, gần cầu Rạch Miểu đó cậu Ba, nói ngay hồi còn con gái mười sáu, tui thương ổng, ổng là thằng chăn vịt cho Ngoại tui, má tui phản đối không gả tui cho ổng, nên tui rủ ổng lén trốn nhà lên Sài Gòn. Hồi đó từ ngã tư Nguyễn Trải này chạy dài đến chợ Nancy, toàn là mả, Bình Xuyên đánh nhau với lính cụ Diệm, chết hằng hà sa số, cho nên bây giờ nhiều nhà xây trên xương cốt người chết. Nhà bà Khải, bên kia đường, làm chuồng heo cạnh chảng nước, trong nhà hết người này bị hành, người kia bị hạ, mời thầy ở Đền Đức Thánh Trần trên đường Hiền Vương về cúng, lên đồng, phá nền chuồng heo, lấy lên hai bộ xương trắng hếu đó cậu Ba. Còn tui, dựng tạm cái chòi, mở quán cà phê bán cho mấy chú đạp xích lô, ổng thì chạy xe ba gác, tối ngày chở bạn hàng bên chợ Nancy, chiều chiều, rảnh rỗi, ổng đem bạn về quán lai rai ba sợi. Hổng biết, tui tốt nái, hay ổng đạp mái chiến sao đó mà tui cứ xoành xoạch, mỗi năm mỗi lứa, tui đẻ một hơi 5 đứa, toàn con gái không. Ổng thì thích con trai, buồn tình đổ ra uống như hũ chìm. Từ ngày tui có Ngũ Long Công Chúa, bà già tui nói nhà mã phát, tốt đa! Má tui có một mụn con gái, bả nói “con hơn mẹ là nhà có phúc”, bả nghĩ lại, tha thứ cái tội rủ rê trai, thỉnh thoảng quá giang xe đò, đem thức ăn tiếp tế sắp nhỏ.

Một hôm nhà chỉ còn vài ba hột gạo, vừa đủ cho một nồi cháo, ổng bắt xe đò về quê đong gạo. Ngày đó, ổng đi luôn không về, tui có con dại không về dưới hỏi thăm được, tui nhắn má tui, má tui đem lên cặp vịt bầu, nửa tạ gạo, trái cây miệt vườn, mận, xoài, ổi, mít, mấy đứa nhỏ ăn một bữa thả giàn, rồi tối ngày quấn quít theo bà ngoại, tui cũng đỡ tay đỡ chân, có thì giờ đem ba cái nồi đồng ra bến nước chùi rửa vì lâu ngày nấu bằng củi đước, đóng đầy lọ nghẹ, đen thui. Tui hỏi là ổng về dưới má có gặp không, bà già hổng chịu nói. Ở đâu chừng 1 tháng, má tui nhớ vườn, nhớ tược, nhớ đàn vịt, bầy gà nên quay về dưới, trước khi về bả kêu tui:

- Hôm thằng Cầu (tên chồng tui) về Giồng Trôm có ghé qua thăm má, má dặn khi nào lên Sài thành, nhớ ghé qua nhà lấy thức ăn. Hai hôm sau, chị Tư, má thằng Cầu, chạy qua nhà má, nước mắt nước mũi, cho má biết thằng Cầu bị bắt vô bưng, đi làm “cách mạng”.

Từ đó tui bặt tin ổng luôn, nghe đâu sau này, đêm đêm ổng có về làng, rồi lấy cô vợ khác tên là Thơm, cũng tội nghiệp cô Thơm không có con cái, một hôm về thăm má bịnh nặng, vướng mìn chết. Ổng cũng đào hoa lắm đó cậu Ba, hết Thơm, ổng lấy cô Thắm, làng bên, có đứa con trai, đặt tên là Kỳ.

- Vậy là dì Hai tên là Phấn phải hôn?

- Sao cậu Ba biết? Mà cũng lạ nè, ông Lê Xuyên có viết cuốn Chú Tư Cầu, ổng nói, ông Cầu đâu có theo bà Phấn lên Sài Gòn, bà Phấn bỏ ổng lại ở bến đò Cần Thơ với con vịt quay, theo thầy Cai lên Sài Gòn làm ăn mà, mà hình như bà Phấn với ông Cầu có với nhau một đứa con trai, cũng đặt tên là Kỳ.

- Ôi, hơi đâu cậu Ba tin mấy ông nhà văn. Ông Lê Xuyên với ông Mai Thảo, từng ngồi đây uống cà phê, nghe chiện đời tui, ông Lê Xuyên về nhà viết cuốn Chú Tư Cầu đó, ổng mà viết y chang đời cô Phấn của tui, tui kiếm ổng, tui dộng thấy mẹ. Vũ Trọng Phụng, người Bắc, viết cuốn Số Đỏ, bộ cậu Ba nói ổng viết chiện thật hay sao? Còn cái ông tác giả viết ba cái chuyện tình lẩm cẩm, cải lương thấy mẹ, bút hiệu là Lệnh Hồ Công Tử đó, bộ con trai Việt Nam hết người hay sao mà con gái theo ổng? Sẵn bữa, cậu Ba ở lại ăn ba hột cơm với tui và sắp nhỏ. Hân, mày lấy cho anh Ba mày cái chén, đôi đũa, thêm chén nước, bỏ muỗng bột ngọt, nhớ dằm thêm trái ớt hiểm.

Trước đây, mấy đứa con dì Hai, cần thầy dạy thêm, dỉ nhờ tui kèm dùm. Chiều tối, tui qua nhà, chỉ tụi nhỏ làm toán, kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung, tụi nó sáng dạ lắm, toán thì biết qua loa vì tui cũng thuộc hạng đội sổ chứng chỉ toán MG của thầy Nguyễn Đình Chung Ngọc mà lị, nhưng làm luận văn, nhờ viết theo văn kiếm hiệp, dẫn đầu lớp đó nghen. Tui thì không tơ hào đồng xu cắc bạc cho nên mỗi lần tui qua nhà, trên bàn học sắp nhỏ, lúc nào cũng sẵn ly cà phê và gói Pall Mall, lâu lâu có gói thuốc thơm Quân Tiếp Vụ, có khi thì gói DunHill.

Nói cậu Ba đừng la mấy em, sáng nay con Hảo, em con Hà, chị con Hạnh, qua nhà bà Khải, mua bánh cuốn, bánh cống để nó đem ra cửa hàng ăn uống quốc doanh bán, nó nói, tối hôm qua anh Ba binh xập xám, thua sạt gạch, chắc là đói sặt máu, tui định bảo tụi nhỏ trưa nay qua kêu cậu Ba qua ăn. Sáng thấy cậu Ba vác cái bản mặt hãm tài qua uống cà phê, tui bảo sắp nhỏ, hôm nay tụi con nhớ nấu cơm không độn, để cậu Ba rửa ruột, cậu Ba chứa thêm chữ nghĩa, chứ lúc rày chắc chữ nghĩa cậu Ba văng tuốt luột hết rồi.

Dì Ba nhớ không? Cô Hương, chị cô Hiệp, cách đây mấy căn, qua khỏi nhà sản xuất bong bóng Châu Tiến đó. Cô ta dạy đâu ở Quốc Gia Âm Nhạc, dạy piano, đờn tranh, đờn cò gì đó. Một hôm, hứng tình, tui nhờ cổ dạy piano, cổ nói hổng được, tay anh quen cầm bút rồi, lại còn là học trò của Út Trà Ôn, thường theo dì Năm (dì Năm là dì ruột cô Cẩm Vân, con ông Châu Tiến, dì Năm là bà bầu đoàn hát Cải lương Sáu Chưởng có đào chánh là Phượng Liên), kéo màn mỗi đêm cho rạp hát, anh nên học đàn tranh để theo nghiệp cầm ca, mấy ngón tay của anh mà móc đàn thì chết người đó. Tui theo cô ta móc được mấy tháng. Một hôm, cô Hương nói nhỏ với tui, anh móc dở ẹc hà, để tui chỉ anh kéo đờn cò. Tui đổi nghề qua kéo cò với cổ cả tháng, chả đi tới đâu.

Hai hôm sau ngày “Tông Tông một ngày”, tuyên bố rã đám, má cổ kêu tui đến nhà, ngồi chưa nóng đít:

- Cậu Ba, mấy ổng vô, nghe nói, con gái chửa chồng, sẽ bị rút móng tay, móng chân, con Hương là dân âm nhạc, rút móng tay thì làm sao nó móc đờn. Cậu Ba thương em, bác cho không nó đó, tiền trầu, tiền cau, hột xoàn, cà rá bác lo hết, cậu Ba điện về trển cho ông Già hay dùm, nói là cậu muốn “móc” con gái tui.

Nói gì chứ mới nghe cái mửng này tui teo cha hết ráo trọi:

- Bác ơi, Má con đã đi hỏi cho con một cô ở quê rồi, bả bỏ trầu cau, bánh trái xong xuôi, chờ con về để cô ta xỏ mũi. Bây giờ, nếu bác nói vậy, con nghĩ, con cũng lỡ móc đàn, kéo đờn cò với em Hương, thôi nếu bác và em Hương đồng ý, con sẽ chịu khó mang luôn 2 cái gông vào cổ ("Trai có vợ như đeo gông vào cổ"), một của má con đặt mua, một của bác tặng không, cô nào ở nhà cô đó, miễn là ra phường con đăng ký là bây giờ con có người quản lý đời trai, đăng ký hai nơi xa nhau hàng trăm cây số, ma nào nó tìm cho ra, con cứ tiếp tục ở nhà trọ, chiều chiều qua nhà bác ăn cơm cho ấm cật, hôm nào phường đội kiểm tra, con qua nhà bác ngủ “chay” thì có ma nào nó mò cho ra.

Nói vậy mà hổng phải vậy, đâu y như rằng hai ba tháng sau, cô Hương lấy chồng làm cán bộ, hình như là thủ trưởng của Viện Quốc Gia Âm Nhạc, hổng biết cổ còn móc, còn kéo, còn đờn nữa không?

Xong bữa cơm tui định dợm chân ra về, dì Hai dúi cho cọc tiền, nói cằm đi mua vé xe đò về quê ăn Tết, còn chút đỉnh dành để ăn hút dọc đường. Tui nhất định không nhận:

- Hay là dì Hai nói con Hà chịu khó đi bộ, đi đan nón vài hôm, cho con mượn tạm cái xe đạp, con đạp về quê. Ai chứ con Hà hồi nào đến giờ, anh Ba mà hỏi cái gì là nó đưa ngay xoành xoạch cái đó.

- Hai bữa nữa anh Ba qua lấy xe, chiều em đưa xe qua trạm sửa chữa lưu động của bác Bảy Ước, bác châm dầu, châm mỡ, căng lại sợi dây xích, siết lại cây căm, bôm cái lốp xe cho anh Ba.

Tới hôm lấy xe, trên porte-bagages, dì Hai ràng đòn bánh tét, lon sữa bò chứa nước máy, cục cơm vắt, gói muối mè. Tui nhét hết vô cái ba lô mua ở khu Dân Sinh, theo gương thầy Ngọc ngày xưa đạp xe đạp đến trường, tui phon phon lên đường về quê ăn Tết. Gần đến Cát Lái, leo được hơn hai phần ba dốc cầu xa lộ, mồ hôi, mồ kê tuôn như suối, hai cặp giò cứng hết nhúc nhích, tui quay đầu xe thả dốc hướng về Sài Gòn. Hú hồn, đạp tới quê chắc cặp giò đem làm củi chụm bánh tét luôn. À, mà tui làm sao về đến quê, ngang Thủ Đức, Biên Hoà, Dầu Dây, mấy ông kiểm tra thuế vụ thương nghiệp chận bắt đồ lậu, phường không cấp giấy đi đường, có giấy đâu mà đưa trình mấy ổng. Nếu có len lỏi đi thoát thì giỏi lắm đến Định Quán hay Phương Lâm cũng bị giữ lại, có nước giăng mùng cho muỗi đậu.

Tui đến nhà dì Hai trả xe, trả cục cơm vắt, trả gói muối mè, giữ lại đòn bánh tét, trước đó đã ghé ngang Bửu Điện, đánh cái dây thép cho ông Già:

Xuân này con không về..........

Lâm Viên

25 Jan. 2014 (Trích trong tập “Những mảng đời không bình thường”)