Khi máy bay của hãng hàng không Qantas vừa đáp xuống đường băng của phi trường Sydney, lòng tôi thấy nhẹ nhõm sau hơn tuần lễ đi ra "nước ngoài".

Trở về nhà với bầu trời trong, với Sydney con đường hẹp, im lặng trong những ngày đầu năm mới, tôi cảm thấy mình như đi từ thế giới khác trở về. Thương quá quê hương thứ hai này, đi đâu cũng vậy, cũng thấy nhớ căn nhà nhỏ, với cái giường quen thuộc, với con chó cưng, chờ chủ trở về.

Tôi thường không thích đi đâu trong mùa hè của Úc, vì nắng hạ nơi này làm tôi thấy dễ chịu hơn những mùa đông trời lạnh lẽo u buồn. Tuy nhiên, năm nay có hơi ngoại lệ. Ông xã tôi muốn về thăm Mẹ già, mà ngày nghỉ của tôi thì đã gần cạn vì đã dành cho chuyến đi của Khoa Học vào tháng 6 tới đây. Thôi thì lợi dụng những ngày nghỉ cuối năm, sở làm đóng cửa để đi Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, để thăm gia đình, bạn bè thân mến, cùng những con đường cũ, bây giờ quá đổi thay.

Đây là lần đầu tiên, chúng tôi về Sài Gòn trong những ngày cận Tết Tây. Đường phố càng đông, chật hẹp và ồn ào, mọi người túa ra đường trong đêm Giao Thừa ngày 31 tháng 12 để xem pháo bông.

Đứng trên lầu cao của một hotel ở trung tâm Sài Gòn, nhìn về hướng phía pháo bông đang nổ, mà lòng tôi sao thật ơ hờ, chùng xuống, không một chút rộn ràng, không ôm người bên cạnh để nói "Happy New Year" như mọi lần.

Tôi bỗng dưng nhớ về quê nhà bên trời xa. Nước Úc hiền hòa, chắc mọi người đang ngủ say? Năm nay, tôi không được ngắm cảnh pháo bông ở cầu cảng Harbour, nơi mà hằng năm người địa phương tụ tập để thưởng thức, nơi mà tôi vẫn tự hào rằng Sydney đẹp nhất trong đêm Giao Thừa.

-----

Tết "Tây" qua chưa lâu thì Tết "Ta" lại đến, thời gian trôi qua quá nhanh. Lần nữa thêm một tuổi đời, đón mùa Xuân mới, đón Tết thiêng liêng của người Việt da vàng. Mặc dù nơi tôi ở, mùa này thời tiết ấm áp, với hoa lá nở đua, bánh mứt được bày bán, gần như có đủ thứ, không khác chi Tết ở quê nhà, nhưng sao lòng tôi bây giờ cũng trống không? Không nao nức, không đợi chờ như những mùa Xuân năm cũ nữa.

Tết "Ta" bây giờ đối với tôi không khác như ngày thường. Do đó mà bao nhiêu năm viễn xứ, tôi chưa bao giờ lấy ngày nghỉ để đón Xuân cả, trừ khi nó rơi vào những ngày cuối tuần.

Tôi nghĩ mình cũng không ngoại lệ, vì nhớ lại những ngày còn kẹt ở quê nhà. Những ngày Tết, tôi thường mở đài VOA hay BBC ra để nghe lén tin tức của nước ngoài. Nghe xướng ngôn viên họ phỏng vấn những người "may mắn" như thế nào? Chắc là vui sướng lắm? Tôi nghĩ vì họ đang ở vùng trời tự do! Tuy nhiên, không hiểu sao đa số họ trả lời rằng họ không có ăn Tết mà vẫn phải đi làm.

Sau này đi được qua Úc, tôi mới biết thêm đời sống của những người "may mắn" ấy. Thương lắm bạn ạ! Phải cày ngày, cày đêm, có khi cày 2, 3 jobs, cày bất kể không gian, thời gian, để mong sao có tiền, lo cuộc sống gia đình, cuộc sống mà mọi người phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Đồng thời giúp đỡ lo cho thân bằng quyến thuộc ở quê nhà, giúp đỡ anh chị em, làm sao thoát được vùng trời u tối đó.

Và cũng nhờ qua bên này, tôi mới biết được rằng những thùng đồ nhỏ có, to có, nó to có khi khuân không nổi ở phi trường Tân Sơn Nhất ngày nào. Đó là những món quà mua bằng chính mồ hôi và nước mắt của những người "may mắn", phải cày rất vất vả, và ngay cả ngày mồng một Tết, có người vẫn phải đi làm farm, phải ngồi phơi dưới ánh nắng cháy da, bò dưới những khóm dâu tây, hái cho thật nhiều vào giỏ để đổi lấy tiền, những đồng tiền bằng sức lao động của mình, để gói ghém quà gửi về quê hương.

Mỗi lần nhắc lại những thùng quà, trong cuộc đời lưu vong của chúng ta chắc khó ai mà quên được. Người bên bờ đại dương này, tranh thủ thời gian, chay tới chay lui, mua những món đồ cần thiết cho gia đình, những món đồ sao bán có giá, gói ghém cả tâm tư, tình cảm của mình cho gia đình, cầu mong sao được yên bình để có ngày tao ngộ.

Người bên bờ đại dương kia, khi nhận được giấy báo thì mừng rỡ, như có được cứu tinh, như được trúng độc đắc. Thức dậy sớm ra sắp hàng, chầu chực, lo tiền đóng thuế, có khi phải san sẻ cho hải quan chút quà để được về nhà bình yên.

Những thùng đồ tình nghĩa của gia đình, bạn bè mà cả đời tôi tri ân, không biết sao mà trả cho hết.

Bạn bè Hướng Đạo của tôi, ra đi còn rất trẻ nhưng tình đồng đội tràn đầy. Các cô hà tiện không dám tiêu, vậy mà cũng dành dụm gửi quà về.

Bạn Khoa Học cũng vậy. Vừa đi học vừa đi làm. Không dám sắm xe, dưới cái lạnh rét của Melbourne, nhưng quà cho tôi thì không thiếu. Ngay cả những ngày tôi ỏ trại tị nạn, cũng được kêu tên lãnh tiền của bạn hiền.

Ở đời sao có người tốt quá. Còn có người thì lại đi lừa gạt bạn bè!

Trong những thùng đồ nhận được thì thương nhất là thùng đồ của Ông Bà ngoại tôi. Vì ông bà lớn tuổi, bị mất mát nhiều quá, đành bỏ nước ra đi. Từ một người giàu có, một sớm một chiều trắng tay. Nhưng bà ngoại của tôi không bao giờ đầu hàng cho số phận, bà không quản ngại nắng mưa, trời nóng, trời lạnh mà trồng rau sau vườn, mỗi ngày bó mang ra tiệm bán.

Bà cũng không ngại đường xa, không biết tiếng Anh, tiếng U mà cứ mãi đi tìm, đi càng xa thì càng có nhiều lon bia nước ngọt. Mang về cân ký để bán có tiền, mua đồ gửi về cho các cháu kém may mắn đi hoài không được như tôi, có cơ hội, tiếp tục tìm đường ra đi.

Khi con cháu qua gần đầy đủ, nhưng bà tôi cũng vẫn tiếp tục làm. Tôi nhìn thấy chịu không nỗi, phải khuyên bà đủ điều. Con cháu gửi tiền biếu, bà không nhận, mà có khi nhận thì cũng không xài, lại tiếp tục gom góp, gửi về cho người nghèo và các chùa ở Việt Nam.

Tình yêu người của bà ngoại tôi thật vĩ đại. Đối với tôi bà như Phật sống. Tôi yêu bà ngoại tôi biết dường bao, nhưng không cách nào giữ bà mãi mãi bên cạnh, cho nên khi bà đi, Tết "Ta" của tôi cũng đi theo, tôi không còn hứng thú đi đặt bánh chưng, bánh tét mỗi năm để biếu xén nữa, cũng không muốn ghé thăm ngôi nhà cũ của bà. Vì bà ra đi, mang cả quê hương của tôi đi theo rồi.

-------

Thời gian trôi qua nhanh, mà cuộc đời cứ cuốn theo dần. Tôi bây giờ lấy mùa Xuân của nơi này là mùa Xuân chính thức. Tết "Tây" bây giờ là Tết của tôi.

Tuy nhiên... tôi vẫn mơ và ước ao có ngày được hưởng cái Tết "Ta" ở quê nhà. Nhưng quê hương đó phải thanh bình như năm cũ.

Và tôi sẽ đi tìm lại mùa Xuân xưa, có gia đình đoàn tụ, có Mẹ, Ba, và các em.

Tìm lại hình ảnh Mẹ hiền bận rộn với đàn con thơ dại, quấn quít mấy ngày Xuân.

Tìm lại tiếng pháo xưa giòn dã của đêm Giao Thừa trong căn nhà cũ.

Dẫu biết rằng tìm để mà tìm thế thôi!

Nàng Xuân ơi! Có bao giờ quay trở lại ngược dòng thời gian? Cho ta sống lại dù chỉ một lần.

Lệ Chi