Nỗi Nhớ - Nguyễn Thúc Soạn

NỖI NHỚ KHI TẾT LẠI VỀ


Ai xa xứ mà khi Tết đến lại không có những cảm giác bồi hồi, một cái gì để nhớ để thương. Nhớ về những người còn ở lại quê nhà, nào cha, nào mẹ, nào anh chị em, nào những tháng ngày mộc mạc chạy rong trên bờ đê. Năm nay, lại một cái Tết nữa lại về, mùa xuân, mùa hơi ấm, mùa của yêu thương và mùa tiễn đưa những ngày xưa cũ.

Tháng Chạp buồn, nỗi nhớ đọng thật sâu

Ôi, thèm lắm nếu được về bên mẹ

Gặp lại cha, để ấp ôm thủ thỉ

Có được không, con ở lại nơi này?

Ta không muốn làm cánh chim bạt gió

Đừng đưa ta ra biển rộng sông dài

Mà những ngày buồn để đâu cho hết

Còn đường về sao xa quá mẹ ơi ...

Bốn mươi năm xa quê hương là bốn mươi năm tôi khát thèm mùa xuân, khát thèm mùi Tết. Nơi tôi ở, Sherbrooke, người Việt định cư không nhiều, mỗi năm gặp nhau một lần khi tổ chức hội chợ Tết, để được nhận những lời chúc đúc khuôn, những điện gọi thăm hỏi không đầu không cuối. Bởi thế những ngày Tết trôi qua thật bình dị. Tất cả những gì tôi mong đợi là những nhớ thương từ Việt Nam gởi sang.

Tháng Chạp, cuối năm rồi mẹ ạ

Chiếc lá cuối cùng vừa rụng xuống dưới sân

Con ngồi đây thẫn thờ bên khung cửa

Ngửa mặt nhìn trời khóc với mùa đông

Tháng Mười Hai, bão tuyết với mưa giông

Cứ cuộn chảy trong lòng người xa xứ

Không phân chia thời gian và thứ tự

Trước sau gì cũng có tránh được đâu.

Những ngày cận Tết tôi thường gọi điện về quê nhà để hỏi mẹ nồi bánh tét, bánh chưng, mứt gừng, giò thủ đã đến đâu rồi? Và bao giờ cũng thế, mẹ luôn nức nở: "Mẹ nhớ con quá con ơi!" Mẹ ơi, ở phương trời xa ấy con của mẹ cũng xót xa, cũng nhớ hũ dưa chua mẹ muối, nhớ nồi khổ qua hầm, nhớ đĩa thịt đông, rồi sóng mũi cay cay, lòng nuốt lệ. Những ngày Tết xa xưa, những buổi chiều mẹ đi chợ mua nếp, mua đậu, mua dừa, mua bí, những đêm cả nhà quây quần gói bánh chưng, nằm bên bếp củi canh nồi bánh tét, những ngày dọn dẹp nhà cửa, chùi bóng lư hương, giờ chỉ còn lại trong giấc mơ miên viễn.

Mùa đông và tuyết ở Canada

Tết ở Việt Nam bây giờ buồn lắm bản làng ơi!” Không biết người ta mong đợi điều gì ở những ngày Tết. Còn tôi, tôi chỉ ao ước mình có thể “tung cánh chim tìm về tổ ấm”, để ôm vào lòng những yêu thương, chừng đó đã đủ cho tôi lắm rồi. Biền biệt xa nhà gần bốn mươi năm qua, cuộc sống hải ngoại cho dầu sung túc, tràn đầy hạnh phúc nhưng có mấy ai hiểu được rằng để có được cái mà mọi người đang gọi là “hạnh phúc” đó, tôi đã phải đánh đổi nỗi nhớ của mình như thế nào! Làm sao hiểu được giữa đêm trường tỉnh giấc, thèm nghe một giọng nói tiếng Việt, thèm một bữa cơm chiều với nước mắm dầm ớt hiểm, cá lòng tong kho kẹo, đĩa dưa giá hành chua, lẩu cá bông lau, một ly rượu “chó chồm” hay “ông già chống gậy”, làm sao lấp đầy nỗi trống vắng trong lòng. Cuộc sống mới theo dòng đời trôi chảy làm cho quê hương chìm vào nỗi nhớ, chìm vào trong ký ức. Rồi theo thời gian, nỗi nhớ đó cũng tạm lặng yên không còn quay quắt và đớn đau như cái thuở ban đầu cất bước ra đi. Nhưng điều chôn chặt đó quay quắt trở lại khi tuyết rơi, đông tàn, rồi Tết đến, niềm nhớ này mỗi lúc mỗi tăng theo cực đại của thời gian.

Hai thành phố Đà Lạt và Sài Gòn đã cho tôi nhiều giấc mơ và kỷ niệm, nhưng sau ngọn gió mùa ba mươi tháng Tư thổi đến, tôi nương theo gió qua miền đất mới, nơi được mệnh danh là “đất lạnh tình nồng”, cái xứ mà mùa đông ra đường cái gì cũng muốn đóng băng. Tưởng rằng mùa đông được trốn trong nhà khỏi làm việc, nhưng hỡi ôi, càng lạnh càng làm việc nhiều và về đêm càng lạnh thì càng cần làm việc. Từ đó tôi mới hiểu ra hai chữ “tình nồng” khi sống trên xứ Bắc Cực này. Rồi những ngày hè đến, bởi cái tính giang hồ lãng tử tôi đã đứng trên Tour Eiffel để ngắm Paris về đêm, ghé qua Strassbourg - Pháp để ăn món giò heo hầm bản xứ. Lái xe qua 100 cây số đường đèo núi để lang thang trong lâu đài Neuschwanstein - Munich - Đức, ngồi trên “hop on hop off” để dạo thành phố nơi sinh trưởng của Mozart. Chiều đến ngồi trên du thuyền để thả hồn trên dòng sông Danube, được nghe lại bản nhạc Le Beau Danube Bleu (Dòng Sông Xanh) mà một thời Thái Thanh đã réo rắc trên đài phát thanh. Dừng chân ở Prague để thăm lâu đài nổi tiếng Prague, nơi mà những hình cụ tra tấn và chuồng cọp vẫn còn lưu giữ. Tựa lan can của Golden Gate ngắm Vịnh San Francisco để thả hồn về bên kia Thái Bình Dương… nhưng rồi tôi cũng không thể nào quên được quê nhà:

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”...........

...........“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” (Thanh Tịnh)

Tôi nhớ cả tiếng gà gáy ban mai, tiếng xe thổ mộ lộc cộc chở bạn hàng ra chợ sớm, nhớ quê nội với vườn hồng, vườn mận, nhớ chiều chiều cùng đám trẻ con xóm nhỏ ngồi chồm hổm dọc theo cầu ao cá vồ, cá tra, ngồi như những con én đậu dọc theo sợi dây điện để ngắm nhìn đàn cá vượt vũ môn ra khỏi nước mỗi khi có đứa nào “bỏ bom”. Nhớ về quê ngoại mà nồi cơm nếp bắc trên cái kiềng ba chân sau hè, nhớ mùi mắm tôm, mùi cá linh kho tiêu với nồi cơm nguội. Nhớ những lần ở truồng tắm mưa, nhớ trưa hè cùng bạn bắt bươm bướm bên hàng dâm bụt, nhớ chuồn chuồn cắn rún khi tập bơi … Nhớ quá, nhớ ơi là nhớ!

Cầu tiêu trên áo cá tra

Rồi thì còn nào là những nỗi nhớ của người mình yêu, khi ra đi vội quá quên mang theo những mối tình vụn vặt, nào Mai, Lan, Cúc, Trúc, nào Nga, Mỹ, Hoa, Tuyết, nào Hương, Tịnh, Ngọc, Sương. Cái thì ở lưng chừng, cái thì ở cao vút tận ngọn cây, cố nhân ơi, ra đi không một lời tiễn biệt thì làm sao thấm nỗi lòng của Thâm Tâm, nhưng nó vẫn mãi đọng lại trong lòng người đi:

“Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Xa nhà chân thấp, chân cao, khi thì bay bổng trong bầu trời hạnh phúc, khi thì ngụp lặn trong vũng lầy. Mỗi bước chân là mỗi bước phong trần, khi vượt được khi thì lết cho tới lúc tuổi đời nhuộm trắng thì nỗi nhớ nhung là vạn dặm trải dài. Mỗi em, mỗi mối tình được chôn lấp, nhiều khi muốn moi lên để ngắm nhìn thì chỉ có ba ngày Tết mới dám mở lại trang đời. Phải chi đừng có ngọn gió bấc ba mươi thì làm gì có chuyến ra khơi, làm gì có nỗi nhớ triền miên?

Nhớ cái ngày tạ từ mối tình đầu mang đầy hơi hướng tuổi học trò với cô bé mang tên dòng sông Bến Ngự, để lại cơn sóng lăn tăn xao lòng của tuổi thanh xuân đi vào nội trú. Tưởng rằng những cơn sóng lãng mạn xô nhẹ mạn thuyền như xô dạt đời trai trên dòng sông Hương kia sẽ lắng dần theo thời gian, nhưng rồi lại thấy mình ngụp lặn trong dòng sông Hậu, Bến Ninh Kiều, những mảnh tình vá víu hư hao mà đầy mật ngọt lãng du. Có ai sang sông mà không buồn khi ra đi mà không chắc có ngày trở lại thăm thôn xóm, lũy tre, bờ mương, con rạch. Những con sông nhỏ như những con đường làng mà đứng bên này sông có thể hẹn hò gởi thương gởi nhớ qua bên kia sông, có thể gởi nụ hôn, hít trọn mùi thơm chanh, thơm bồ kết trên mái tóc của người em bên kia bờ mộng mị. Rồi người con gái bên dòng sông Hậu sang sông về bên chồng, thêm một lần nhớ nhung, hụt hẫng, lặng câm:

“Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa

Dòng đời lại đưa tôi ôm mái chèo khác, một người con gái đẹp như thơ Hoàng Lộc:

“Ta có yêu đôi người con gái đẹp

Tình như mây một thuở tan rồi

Và cũng là em... là gái đẹp

Nên sợ tình ta còn mây trôi...

Rồi người con gái mang tên một loài hoa thoang thoảng ngọc đến với tôi, tưởng rằng sẽ đưa em sang sông như Nhật Ngân:

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm

Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em

Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa

Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi ........”

Cuối cùng,

“Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa

Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa...

Cô gái Hậu Giang

Lúc không còn chuyến đò ngang nào cả thì trên chuyến phà đêm một tà áo lồng lộng đã cuộn kín đời tôi. Khi nghĩ đến ngày mai tương lai hấp hối, ngày chúng mình còn ngồi trong giảng đường Khoa Học, lòng khắc khoải mà không đứa nào thốt lên những lời hứa hẹn vẹn toàn. Có con sông nào, đồi núi nào, thành phố nào giữ được chân con sáo trẻ mới ra trường, em đã chọn con đường bay heo hút, bỏ bụi phấn trường, đón nhận bụi đời lấp lánh những phù hoa. Cuối cùng chỉ có tôi đơn chiếc sang sông trên chuyến phà Mỹ Thuận, thả chân mình lầm lũi về Nha Trang, ngồi bên biển ngắm trăng trên cát. Sau đó buồn tình vì em đến em đi, tôi mềm môi bên chén rượu cung đàn, lấy Trường Khoa Học gối đầu để ngủ.

Xa quê hương, xa khung trời kỷ niệm, xa khoảng đời bình yên, xa đường xưa lối cũ, xa những bóng hồng chợt đến chợt đi, chuyến đi xa trong đời đã đưa mọi thứ nằm vào ký ức. Chọn quê hương này làm chốn bình yên nhưng nỗi nhớ nỗi quên không phải là điều để chọn. Quê hương xưa của tôi vẫn còn đó, có chờ đợi bước chân tôi trở về hay không? Nếu không, xin gởi về quê hương một tình yêu và nỗi nhớ tận đáy lòng.

Việt Nam ơi, quê hương ơi, em ơi,

Bao năm qua hồn tôi đầy sóng bão

Bởi đời tôi như tựa một dòng sông

Một dòng sông cạn dòng cạn nước

Mong cho yên những cơn sóng xao lòng

Khi non nước thanh bình trào trở lại

Tôi sẽ về để nỗi nhớ trôi đi!!!

Lệnh Hồ Công Tử - Canada 14-12-2013