Xuân Về Nhớ Chuyện Xưa ... Vỹ Khoa Trưởng

Thân tặng các bạn Quang, Thủy, Lộc, Ngọc, Diệp, Tuyết và các bạn Lộc lùn,

Ngọc Anh – Chuyến Tàu PB733 1982

Tưởng nhớ hương hồn bạn Nam (Văn Chung)

Tình hình chiến sự vào cuối năm 1974 bước sang đầu năm 1975 càng ngày càng gia tăng khốc liệt. Cứ đà này chắc lệnh tổng động viên lại được ban hành như mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tôi và một số các bạn học thường lang thang các quán như Năm Dưỡng, để thưởng ly café sữa đá đặc quánh, hay cái quán không tên trong hẻm Bàn Cờ để ngắm nhìn cô bán café bé bé xinh xinh, muốn câu khách thường hay đá lông nheo các chàng trai dại gái mới lớn, rồi bàn tán chuyện thi đậu hay rớt chắc cũng phải nhập ngũ để làm bổn phận người trai trong thời chiến. Kẻ thì chuẩn bị tìm đường xin gia nhập các trường huấn luyện sĩ quan như Không Quân, Hải Quân, Võ Bị Ðà Lạt, Cảnh Sát Quốc Gia, cùng lắm thì vào trường Sĩ Quan Thủ Đức, còn bạn nào có gốc COCC (con ông cháu cha) thì lo đi du học. Trong số bạn Khoa Học có thằng Hai ốm, dân chơi bóng chuyền, người nhỏ con nhưng nó nâng banh khá hay cho các tay đập bóng như Trí Trần Tinh, chắc Trí còn nhớ? Nó thích ngành Cảnh Sát Quốc Gia để sống gần đô thành, nhưng kẹt nỗi hơi lùn, chắc cũng ngang cỡ Phước lùn, nó nói nếu tao không đủ chiều cao, chắc phải nhờ “Ðức Trần Hưng Ðạo” (giấy bạc 500$) phù trợ.

Ngày 30 tháng 4 xảy ra sửng sờ, hoảng hốt, lệnh đầu hàng được ban ra. Nhìn những người lính vất vũ khí, cởi bỏ quân phục, vào nhà dân xin dép, quần áo để thay mà ngao ngán, thấy thương và tội nghiệp họ quá. Sau những ngày hỗn độn, ba tôi quyết định về vùng Cái Sắn, nơi dân Bắc Kỳ di cư 1954 được chính phủ Ngô Đình Diệm cấp cho mỗi gia đình ba mẫu đất để khai hoang lập ấp, nơi mà người ta thường gọi là khu dinh điền Cái Sắn nằm trên trục lộ Long Xuyên - Rạch Giá. Gia đình họ theo chân các cha Cố về sinh sống ở đó ít năm rồi về Sài Gòn ở luôn, nhưng vẫn giữ lại đất, mướn người cày cấy để lấy gạo ăn, cứ như thế mỗi dịp hè hay Tết, họ lại được về quê vui chơi, tha hồ câu cá, đá dế, bắt chim, chạy xuồng tắc ráng thật thoải mái.

Cũng tại nơi này vào dịp hè, sau khi thi Tú Tài hai khóa thi viết cuối cùng, tôi về quê và quen với bà xã tương lai lúc đó đang tuổi ô mai, gia đình cũng mới dọn về sau khi ba nàng, một Thiếu Úy già, giã từ chiến y được giải ngũ về vui thú điền viên sau mấy chục năm phục vụ trong quân ngũ. Những ngày hè êm ả trôi qua, tôi trở lại Sài Gòn, thư từ qua lại với những câu văn ngớ ngẩn, e thẹn của tuổi học trò.

Hơn một tháng sau ngày Sài Gòn thất thủ, theo lời ba, ba tôi và vài người bà con dẫn tôi qua nhà gái để làm đám hỏi. Rất may thời đó ở Việt Nam chứ ở bên Úc, Mỹ hay Âu châu thì tôi đã bị bóc vài cuốn lịch vì tội dụ dỗ gái vị thành niên.

Trong lúc tình hình bất ổn, nhà nào có con gái cũng sợ con mình còn độc thân bị bắt đi lao động, hộ lý. Chả thế mà trong vòng hai tháng ông bà bố vợ gả quách ba đứa con gái đi cho yên chuyện. Cũng một chuyện tình cờ trong lúc qua nhà bố vợ để làm đám hỏi thì tôi lại gặp ông anh vợ tương lai, không ngờ lại là một bạn học cùng lớp năm 1966 ở Châu Đốc. Trong những lần về cua em gái hắn, anh ta đang ở trong quân đội nên không gặp và không biết. Mà biết hắn làm gì, quen với em gái chứ mắc mớ gì tới anh của bạn gái phải không các bạn?

Thế là đám cưới được tổ chức đơn giản trong tình hình đất nước đổi mới, tất cả cái gì cũng phải xin phép. Tôi nhờ Lộc lùn, bạn học thời trung học sau học trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật, vẽ cho cái thiệp cưới. Rất may là trong vùng Bắc Kỳ di cư, lại 100% là Công Giáo, nên các thủ tục hành chính đều do dân đạo làm dưới quyền chỉ đạo của chính quyền mới nên tương đối cũng dễ dãi. Có một thằng bạn cùng tuổi với tôi, ba nó nằm vùng, quen thân với gia đình từ hồi về Cái Sắn nhưng không ai hay biết, sau trở thành đồng chí “tờ răng a vờ rin” (Trente Avril, nghĩa là a dua sau ngày 30/4 theo ngôn từ của Ngô Hồng Lĩnh) và em nó cũng tới dự đám cưới, cao hứng nó lấy súng bắn chỉ thiên thay pháo cũng oai như cóc chết, dựa hơi “cách mạng” mà.

Lệnh được đi học trở lại nhưng phải học chính trị trước khi chọn các khoa. Thế là ta đã có vợ, có người “nâng sách sửa viết ” lại còn được đi học thì còn ai bằng. Ở trường rất ít ai biết tôi ham vui có vợ sớm, trừ lũ bạn bè thân. Trong năm này chị Hà (khoa Hóa nay ở Virgina? Có gặp chị ở đảo Bidong năm 82-83) làm Tổ Trưởng, có đợt tình nguyện đi lao đông giúp các gia đình “cách mạng, liệt sĩ” ở Củ Chi, tôi tình nguyện đi. Tội nghiệp chị Hà, biết tôi có vợ, chị đến nhà hỏi bà xã tôi có đồng ý cho tôi đi lao động hay không? Hình như Ðịnh (ở cư xá Ðô Thành) và tôi được chia vào chung một nhà. Ngày đầu ra ruộng làm chuẩn bị cho cấy lúa, tôi cuốc phải trái lựu đạn nhưng rất may nó không nổ. Nếu trái lựu đạn nổ, chắc tôi đã trở thành “liệt sĩ” và đâu đó trong trường Khoa Học có tên “giảng đường Nguyễn Văn Vỹ ” cũng không chừng.

Quen những sinh hoạt ở miệt vườn, tôi hòa đồng với đám dân địa phương rất nhanh, ở trong nhà có giỗ nên được ăn uống ké. Chính tại Củ Chi, nơi này dạy tôi biết uống rượu vì:

Rượu bất khả từ

Từ bất khả ói.

Ói bất khả say.

Say khỏi lao động.

Say thì ok vì chủ nhà xỉn, mình cũng xỉn thì khỏi phải ra ruộng làm:

“Ðất say đất cũng lăn quay

“Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.

Tôi sợ nhất màn hết rượu phải cụng nước mắm, cái màn này thật là ghê gớm, vừa mặn vừa cay, phải nhắm mắt bóp mũi cố hớp như cụ Phan Thanh Giản bị ép uống thuốc độc.

Rồi ngày từng ngày trôi qua, cuộc sống càng ngày càng khó khăn, bo bo khoai mì, ăn độn dài dài. Trong khi ở vùng quê nơi ba tôi trồng lúa thì nhà nước thu mua theo giá rẻ như bèo, tư nhân không được mua bán. Những người nông dân sản xuất lúa mang xay cho heo, gà ăn để bán thịt lậu. Heo gà được ăn ngon hơn người.

Ðứa con đầu lòng của tôi ra đời vào đêm Noel 1976. Vợ tôi vẫn ở hai nơi, nửa quê nửa tỉnh, cho đến năm 79-80 thì lên Sài Gòn ở luôn.

Sau đợt học tập chính trị, tôi nghe theo lời dụ dỗ của đám lâu la vì “ham vui vì bạn, sang nhờ vợ ” mà, chọn khoa Sinh, đám này học thì ít mà chơi thì nhiều, chỉ khi gần ngày thi mới tụ tập tại nhà Nguyễn Cơ Quang để ôn bài.

Rồi lao động Lê Minh Xuân, ngày đầu ra quân tôi đạp phải miểng chai bị đứt chân nên không phải đi lao động nằm ở lán đối diện quán café. Lộc tóc dài ở nhà phụ giúp, hai thằng tà tà leo qua cầu khỉ lấy gạo đổi café để uống cho tới ngày về. Nhóm tụi này như Lộc tóc dài, Ðỗ Tấn Nam còn có nickname Nam Tôn Tẫn, Lại Tấn Tài (Tài mù), Phó Hòa Khanh, Ðức Bàng Quyên, Thọ, Dũng Angola, v.v... gồm những tay nhất định không vào hội viên, ban đêm tụ tập đánh domino, khiến các anh đoàn viên phải nhắc nhở kết thúc bàn chơi sớm để mai còn đi lao động vì đã khuya và hỏi bàn này sắp hết chưa? Tài mù thong thả trả lời “cũng tùy anh ơi, nếu tụi nó chạy điểm thì chắc còn hơi lâu”, thế là cả đám phá lên cười. Anh đoàn viên cũng hết ý!

Ðến đợt lao động Tầm Vu, Long An, tôi và Ngô Hồng Lĩnh được chia vào nhà chú Tư. Gia đình chú Tư có điểm đặc biệt là cả hai bên Quốc Gia cũng như Cộng Sản đều có người làm lớn. Có lẽ chú cũng dựa hơi nên trong nhà chú nào là chọi gà lậu, nấu rượu lậu, kiêm luôn giết heo lậu. Chú kể cho tôi nghe chú từng chửi mấy anh chàng 30 tháng 4 a dua gọi Nguyễn tông tông là “thằng Thiệu”, chú chửi “ÐM tụi mày, mày gọi ổng bằng thằng hả? Ông ấy là thằng tại sao lại cai trị được cả 17 triệu dân miền Nam”.

Vì đã quen với môi trường sinh sống ở nông thôn, nên một lần nữa Lĩnh và tôi rất được lòng chú Tư. Hễ chú Tư có việc gì là tôi phụ ngay. Chú biết Lĩnh và tôi phải ăn cơm chung với tổ, chú nói : “Hai bạn Cương Lĩnh (chú gọi Ngô Hồng Lĩnh) và Văn Vỹ bắt cá tra ở ao làm để ăn nhưng không được cho tổ ăn”. Lúc ấy Tổ Trưởng của tôi là chị Võ thị Kim Xuyến.

Các bạn có biết không, ao cá tra ở quê được nuôi bằng vitamin C... do chính con người sản xuất. Mỗi sáng tôi thường ví mình như các phi công trong những phi vụ oanh tạc trên đầu địch, nhưng không thấy kẻ địch chết mà chỉ thấy mình sợ ướt cả quần.

Một cục “vàng” rơi nước tóe tung

Cả đàn cá đói tới tranh mồi

Chồm hổm ta trút bầu tâm sự

Gió thổi hiu hiu nhẹ cõi lòng

Màn chót buông rơi vài tấm giấy

Thế mà chú bảo Lĩnh và tôi ăn tươi nuốt sống quân thù, eo ơi sợ quá!

Có lần nhà chú Tư giết heo, tôi báo động cho đám lâu la kéo qua nhà chú ngủ, khoảng nửa đêm là thọc tiết heo. Gạo bỏ vào nồi nấu cháo. Tôi phụ làm lông xong, mổ bụng moi bộ đồ lòng mang xuống ao rửa sạch, bỏ vào nồi cháo. Gần sáng, sau khi thịt đã được cắt ra chuẩn bị đưa ra chợ là có cháo ăn, lúc đó cũng gần 4 giờ sáng chú gọi tụi tui dậy ăn cháo và đưa ra một xị đế bảo uống. Một xị mà sáng sớm cũng phê lắm chứ, mấy thằng cũng rán uống cho hết, nhưng vừa hết xị này lại có xị khác. Tôi nói “tụi con sáng còn phải đi làm”, chú Tư nói “tao đâu có kêu tụi mày uống nhiều, chỉ có một xị thôi”. Vậy mà đến khi mặt mày đỏ như trái gấc, chân trái đá chân phải mới mò ra đi lao động. Lĩnh và tôi tà tà ra đến địa điểm đào kinh thì đã trễ, thấy cả lớp đang tụ họp nghe thông tin gì đó. Tôi bảo Lĩnh chắc lại nghe nghị quyết của Ðảng chứ đâu có biết có đám ăng ten nào báo cáo tụi tui, nên Lĩnh và tôi bị cảnh cáo.

Lao động Tầm Vu với tôi còn có nhiều kỷ niệm, như có buổi chiều không biết Lĩnh đi đâu, cháu chú Tư qua rủ tôi ra chòi vịt nhậu để khỏi ai để ý. Nhậu đế với da trâu phơi khô thì bốc lắm, chỉ có mút mà không cắn được vì quá dai. Cao hứng, hắn rủ tôi ra chợ Tầm Vu nhậu tiếp. Sợ các chức sắc trong lớp biết, tôi phải cởi quần dài máng lên cổ, mặc quần xà lỏn, mượn khăn rằn quấn lên đầu giả dạng thường dân, băng tắt qua ruộng để tránh trạm kiểm soát của các đoàn viên ở lộ chính ra chợ. La cà vài quán xong, tối hôm đó có đoàn cải lương về trình diễn. Hai thằng thả bộ vào xem. Mới mon men tới phía hông cánh gà, có em gái có lẽ đêm tối ánh đèn leo lét nhìn tôi nhận lộn tôi là anh kép hề trong đoàn. Trong lúc tửu nhập hành huyết, máu dê nổi lên, tôi nhận bừa và còn nói có muốn coi chùa tôi dẫn vào coi, nhưng em nói coi rồi tuồng dở ẹc. Hú hồn nói dóc gặp may! Ðến khuya mới mò về lại. Lại một màn băng qua ruộng, nhưng giữa đêm khuya tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ. Vừa đi, nó còn kể chỗ này cố vấn Mỹ bị phục kích chết, chỗ kia du kích bị chết. Hắn thì xỉn mà tôi thì say, đi ngang qua mấy ngôi mộ tim đập thình thịch chỉ sợ hắn không nhớ đường về nhà.

Lúc hết lao động, chú Tư cho Lĩnh và tôi gạo mang về. Một người khác là thương binh của QLVNCH, cũng bà con với chú Tư, cho tôi cặp bồ câu Nhật có đuôi xòe ra như cái quạt. Cơ Quang nói giỡn: “Văn Vỹ dân tặng bồ câu, còn các đoàn viên bà con cho con diều hâu”. Ðúng là dân nông thôn họ đơn sơ và chất phác. Sau này, Ðỗ Tấn Nam và tôi có mang theo ít thuốc lào xuống thăm chú Tư, nhưng tới Long An không có xe về Tầm Vu hai thằng đành quay trở về Sài Gòn.

Ðợt đổi tiền lần thứ hai, nhóm tụi tôi lên đến Thủ Ðức thì bị loại vì hạnh kiểm xấu. Nhưng Trời không hại mấy thằng hiền, khi các bạn đi rồi, được lệnh ai có tiền để ở nhà hoặc mang theo đều phải khai để được đổi. Thoạt đầu chẳng ai có nhưng gần đến trưa do móc nối ai cũng khai là có tiền để ở nhà. Sau đó xe chở tụi tôi về lại trường, mấy thằng đón cyclo về nhà, thấy các bạn đóng quân ở khu Hòa Hưng. Thế là ngay chiều hôm đó, một màn móc nối, móc ngoặc, chạy đổi tiền lại diễn ra rất ngoạn mục. Nhóm xà bát tụi này cũng kiếm chác mỗi thằng được một mớ, chia chác tại bản doanh nhà Ðỗ Tấn Nam.

Trong thời gian này, phong trào đi bán chính thức và vượt biên bắt đầu. Không ai bảo ai, vào trường cứ vài ngày lại thấy mấy khuôn mặt quen thuộc biến mất. Biến mất có nghĩa là đi định cư chính thức hay đã vượt biên thoát khỏi nhưng không biết có đến được bến bờ bình an hay không, như trường hợp Nhã răng vàng khoa Hóa có cái giọng cười bất hủ (nhà có tiệm thuốc tây ở Chợ Lớn) vẫn biệt tăm tới bây giờ.

Sớm bỏ của chạy lấy người như pháp sư Thích Thiện Kế, rồi lần lượt Tâm Bi, Trí Trần Tinh, Quang sún, Quang mỡ, Sơn khùng, Phước lùn, Báu, Hòa đì, Hòa móm, Thọ, Võ Như Nguyện, v.v… và v.v… Có những bạn được may mắn hơn, đi theo diện đoàn tụ hoặc bảo lãnh như anh em Vinh, Hiển khoa Hóa hoặc Trí (Air France).

Thậm chí những người cứ tưởng là “tiên tiến” như anh Lý Hoàng Khâm cũng biến mất, lại còn nhanh chân chạy trước. Bây giờ nghĩ lại mới biết các anh cũng hỏa mù sa mưa “tẩu vi thượng sách”. Mỗi lần thấy anh kêu gọi anh em vô hội viên, đoàn viên, cứ nghĩ anh bạn này “vừa hồng vừa chuyên”.

Còn các chị thì tôi chỉ nghe bọn con trai bàn tán và gọi các nickname như Tuyết xì no họt (snow horse) vì Tuyết Tăng mặc short chạy điền kinh khá nhanh, Dung Chí Thành, Hòa Phan Thiết, Giáng Hương. Còn các bạn nam cũ chuyển qua khoa Hóa thì hay nhắc tên như Châm Bắc Hà, Song Châm, Tú lông, Tú điệu, Tú Văn Hoa, Hà, Dung, ... ôi thôi vô số kể.

Chuyện con trai mà, các chị cũng làm “chết trong lòng một ít” vô số các anh đấy! Có phải không các bác Tâm Bi, Báu, Quang? Riêng bác Tâm Bi, tớ vẫn nhớ những đêm trước 75, bác lấy xe “Bờ ro” chở đám tụi tớ như Quang mỡ, Sơn khùng, Trí Trần Tinh đi ăn nghêu sò ở Nguyễn Tri Phương. Còn Trí Trần Tinh chạy bộ từ Thủ Ðức về Sài Gòn với Lâm Quang Lữ.

Những năm mài đũng quần ở các giảng đường, có rất nhiều các bạn lúc ẩn lúc hiện như bóng ma, nghĩa là đi không lọt, thậm chí bị bắt nhiều lần như Lệ Chi, Cơ Quang được thả ra về học tiếp.

Kỷ niệm khó quên nhất của đám chúng tôi như Cơ Quang, Nam Tôn Tẫn, Tài mù, Lộc là bán sách vụn. Nhóm chúng tôi xin giấy giới thiệu để mua bộ sách Lenin Toàn Tập. Sách này chỉ bán tại nhà sách Khai Trí, ưu tiên cho các người có giấy giới thiệu để học tập chính trị. Sách không có đủ, mỗi bộ vài chục cuốn, chúng tôi phải mua lẻ tẻ mỗi thằng vài cuốn. Mỗi lần đi mua sách về là ghé nhà Lộc tóc dài xé bìa cứng ra còn các trang giấy bên trong xé ra mang ra chợ trời Trần Quý Cáp bán để kiếm tiền uống café. Bán riết người mua giấy vụn sợ bị bắt nên không dám mua. Còn bìa cứng thì má Lộc tóc dài dùng làm củi chụm bếp. Ngoài ra những ngày lãnh nhu yếu phẩm, sau khi chị Ngọc, Tổ Phó đời sống, chia nhu yếu phẩm xong, cả đám gom lại mang đi bán để lấy tiền chi café và nhậu nhẹt huy hoàng.

Sân bóng chuyền ở khuôn viên trường cũng là điểm hẹn của dân chơi như tụi tôi với những bàn cá độ rất hào hứng. Có những tay đánh banh giỏi như Minh đen, một mình chấp ba bốn thằng mà nó vẫn thắng. Cuộc tranh tài đọ sức lôi kéo theo cả những thầy ham dzui như Thầy Sáu Chi, Thầy Quang gà tồ vào vòng chiến. Nếu không cá độ bóng chuyền thì sát phạt domino ngay cạnh giảng đường. Có lúc đám tụi tui kéo nhau ra nhà trọ của Hùng lái heo và Kim (Điạ Chất) để triệt buộc, tụi nó thuê nhà gần trường Đại Học Sư Phạm.

Kim hiện đang ở cùng tiểu bang Adelaide với tôi, còn Hùng có nickname là Hùng lái heo vì nó có tài nhìn heo biết Ngài Trư Bát Giới cân nặng bao nhiêu kg. Lần đầu tiên gặp nó ở Melbourne ăn tối ở nhà chị Dung Chí Thành cùng với vợ chồng Lệ Chi, Bành Hổ Long, nó xức dầu cù là tùm lum giống như mấy bà già sợ gió, đùa giỡn vui vẻ làm mấy đứa con tôi nói “bạn ba funny quá”. Hùng khá lập dị, ở Úc nhưng không chịu học lái xe, hắn kể những ngày nó đi cày ở factory có thằng foreman cho quá giang, nó nói tài xế của tao là boss đó. Sau này nó đi học lại ngành kiểm nghiệm thực phẩm nhưng không có job lại đổi qua sư phạm làm nghề gõ đầu trẻ, cuối tuần dạy thêm tiếng Việt. Hùng mới qua đời tháng Mười 2009 để lại sự thương tiếc của biết bao học trò, bạn bè, đồng hương. Hùng ơi chúc bạn an nhàn trên chốn bồng tiên, nơi đó chắc bạn đã gặp lại bạn bè như Ngọc dẹo, Luân đen, Nam Văn Chung cũng như các thầy cô như Cô Tiếng, Thầy Thủy, Thầy Thạch, Thầy Chuân. Mày nhớ dọn một chỗ cho tao nhé.

Tôi có rất nhiều cơ hội để bỏ nước ra đi, vì quen với vùng biển Rạch Giá. Có lần đưa các anh và em tôi ra tận tàu lớn, nhưng không có ý định vượt biên vì còn cha mẹ và vợ con, rủi có bị bắt thì ít ra cũng còn có người ở ngoài để thăm nuôi, nên lại mướn ghe nhỏ vô bờ.

Năm trường kêu sinh viên đi nghĩa vụ quân sự, tôi bị trúng tuyển cùng với một số bạn trong đó có Nam Tôn Tẫn. Khi kêu đến Nam, hắn đi lên vẻ cái chân khập khiễng của nó làm tụi tôi ngồi cuối cười muốn bể bụng. Cơ Quang nói “Ðảng bị mù mới kêu thằng què đi bộ đội”. Tôi đãi bạn bè một bữa nhậu thịt cầy rượu đế ngâm thuốc tại nhà thật say, nhiều tay gục tại chỗ. Chị Tổ Trưởng mang quà tặng để tôi lên đường. Ngày trình diện tôi cũng vào trường, nhưng các bạn lên xe buýt đi trình diện thì Quang, Lộc chở tôi đi uống café rồi trốn luôn. Vì còn hai chứng chỉ cuối nên trường trả cho về địa phương một năm, phải có giấy chứng nhận mới cho học tiếp năm cuối cùng. Tôi về quê xin giấy dỏm, lao động tốt, về nộp lại và được học tiếp và sau đó lại bị kêu đi nghĩa vụ tiếp.

Thấy tình trạng này không ổn, tôi và bạn của ông anh bàn nhau chỉ có cách mình đóng tàu và tự làm lấy thì có hy vọng thoát nhiều hơn. Trong anh em bà con họ hàng mỗi người gom góp hai cây vàng. Lúc này Cơ Quang biết ý định của tôi nên rủ Tuyết, Diệp và bên vợ của Quang góp vốn. Nhờ bạn của ông anh giới thiệu vụ ghe đóng tàu ở Rạch Ông, gần chân cầu chữ Y, ghe được đóng rất cẩn thận, máy hai lốc Yanma đầu xanh được bác Hoài (hiện đang ở Melbourne) và bác Tư Viết là hai thợ máy Công Binh rã ra làm lại như mới từ nòng xi lanh, xú bắp, miểng dên với sự phụ giúp của thợ máy vịn Cơ Quang. Ghe đã xong và hạ thủy, trên ghe gồm thuyền chủ và sáu tài công xịn như Quang, Diệp, Vỹ, Ðoàn (em trai bà xã), với số đăng ký CN 014 TS (Công Nghiệp Thủy Sản). Số đăng bộ này là của ghe đã vượt biên, các quan chức thủy sản ăn tiền bán lại cho mình coi như ghe vẫn còn hoạt động. Mỗi khi thủy triều lên, trên sông lại thấy các tài công lênh đênh lướt dòng nước đục ngầu từ cầu chữ Y dọc xuống quận Tư Nhà Bè tập dượt chờ ngày ra Vũng Tàu cào tôm.

Hôm đưa vợ vô nhà thương Từ Dũ để sanh cháu thứ ba, vì đã lỡ hẹn, lại yên trí có bà thím là y tá hộ sinh, tôi và hai người nữa đi xe đạp mò qua Cát Lái thăm dò taxi để đổ người. Mới tới nơi có đám vượt biên bị bể, công an đi ngang qua nhà thấy ba chúng tôi tóm cổ liền, đến tối chở lên Long Thành nhốt ở đó. Nhà giấu không cho vợ tôi biết là bị bắt, nhưng ba bốn bữa vẫn không thấy tôi đâu, vợ tôi cứ hỏi mãi, lúc đó mới cho hay là tôi bị bắt.

Ðây cũng là kỷ niệm khó quên. Khi bị tống vô nhà giam, gặp bạn Danh nhà gần ngã ba Tô Hiến Thành và Lê Văn Duyệt (CMTH8), bị bắt vượt biên trước tôi. Mặc dù tối, tôi vẫn thấy mặt nó tái mét. Mắt bạn nháy tôi ra hiệu như bảo tôi không biết bạn. Sau một hồi lâu im lặng, mới mon men lại gần tôi, trong lúc không ai để ý bạn nói đừng gọi tên bạn vì bạn khai tên tuổi giả. Một tuần sau nghe tin sắp có đợt thanh tra, họ gọi hết tù ra điểm danh, mọi người đều có tên. Riêng nhóm tôi bị bắt tống ngục vào tối hôm đó không có tên, tôi nói nhỏ với mấy người ngồi gần “chết mẹ, mình ở tù lậu, không tên biết ngày nào ra”. Nhờ mẹ tôi đút lót, họ thả ba chúng tôi lúc gần 10 giờ đêm, sau hơn một tháng giam ở vườn cao su Long Thành.

Sau khi ra tù, hợp đồng cào tôm với Vũng Tàu cũng đã xong, anh em chuẩn bị lên đường, nhờ người dẫn đường từ Nhà Bè ra Vũng Tàu, tới trạm biên phòng Ðồng Tranh. Cơ Quang trên mũi cầm giấy, khi trình giấy xong tàu de ra, hắn còn trên bờ vội nhảy xuống mũi ghe xuýt rớt xuống nước. Công an đứng trên nói: “đúng là thủy thủ dỏm”, nhưng không sao vì chúng tôi đã lo lót và ca bài “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Ra tới Vũng Tàu, đám ghe Sài Gòn neo gần Thích Ca Phật Đài, đám ghe Mỹ Tho cũng đậu kế, xa hơn nữa là đoàn ghe Phan Thiết, nhưng đám ghe Sài Gòn không lại gần vì ghe mình quá chuyên nghiệp. Sau một ngày nghỉ ngơi lo thủ tục tạm trú, sáng hôm sau xuất quân theo sau ghe Mỹ Tho. Họ là dân chuyên nghiệp, sáng sớm thắp nén nhang cắm ở đầu mũi, rồi con tàu với tiếng máy nổ dòn lao mình trong đêm tối, ra trình giấy tại đồn biên phòng Bến Ðá. Còn ghe mình lẽo đẽo theo sau, mãi mới cặp vào trình giấy được vì sợ nếu không khéo ủi sập trạm biên phòng thì đổ nợ. Cứ thế theo đóm nhang và theo họ ra gần đèn trắng thả cào. Họ đằng kia mình đằng này. Gần sáng, theo những đợt sóng êm ả nhấp nhô, Diệp bám sợi dây cào say sóng ói ra tới mật xanh, mật vàng. Còn anh Tuấn, thuyền chủ, thì tuyên bố một câu xanh rờn: “thả neo, không cào cấu gì nữa”. Tới màn kéo cào mới cười ra nước mắt. Nhìn dân cào Mỹ Tho chỉ có một mụ đàn bà mà nó kéo được cào lên, còn bên này, một thằng lái sáu thằng con trai đang tuổi sung sức kéo bở hơi tai mà vẫn không làm sao kéo cào lên được. Quan sát họ từ xa mới biết, khi họ kéo cào lên thì họ gài số de và cứ như thế chỉ cần một người thu dây cào đến khi gần tới cán cào thì hai người hai bên nhấc nhẹ cào lên. Còn mình thì cứ để số tới, kéo theo cào với sức nước cản như dù hứng gió, thì dù cho mười thằng như Sumo kéo cũng không nổi.

Ở Vũng Tàu được vài tháng, sau này có gặp Minh Ðen khoa Hóa cũng hành nghề cào tôm. Rồi cũng quen dần với biển cả nhưng vẫn không biết vá cào, mỗi lần rách cào đều phải mướn dân chuyên nghiệp họ vá.

Sau hai lần đổ người thất bại, lần đầu do đám Lộc tóc dài nhát quá bị chúng dọa xin tiền thì sợ, mặc dù đã chi tiền bến bãi, tới khi taxi vào không dám ra hiệu, tàu lớn đậu ngoài chờ tới sáng phải đi cào và về không, lần thứ nhì chỗ ém dầu bị ăn cắp không đủ dầu đi. Ghe tiếp tục ở Vũng Tàu thêm một vài tháng nữa, nhưng vì mình là dân cào thứ xịn, cào đâu mà chẳng có tôm để bán cho nhà nước, cứ phải đi mua lại của đám dân Mỹ Tho.

Có lần một ghe trong đám dân Sài Gòn vượt biên bị bể. Công an biên phòng kéo ghe mình về ụ, chút xíu mình bị oan. Công an chửi: “Mẹ cái đám ghe này máy thì to, còn cái cào như cái quần xì líp thì cào với cấu gì”. Còn thầy công an khu vực mỗi lần xin tạm trú thì khuyên sau khi làm thủ tục ÐẦU TIÊN (chi tiền): “Tao nói tụi mày mùa này đi không được đâu, kéo ghe lên khô không hào ăn hư hết”. Chỉ có lần đầu là giấy tờ thiệt, còn những lần sau xin tạm trú đều đóng mộc giả do Lộc lùn (trường Cao Đẳng Mỹ Thuật) design. Cuối cùng Công Ty Thủy Sản đặc khu Vũng Tàu Côn Ðảo cắt hợp đồng, nhưng rất may lại tìm được manh mối khác là về Bà Rịa, Long Hương ký hợp đồng khác.

Cơ Quang lúc này rút lui và cùng Nam Văn Chung cũng muốn làm ghe, sau khi ở Vũng Tàu trước vài tháng trước khi hai chuyến xuất hành của tôi, nên hai bạn hợp tác làm thêm chiếc khác với anh em của Diệp, Tuyết để có cơ hội giúp thêm thân nhân. Tôi giúp đỡ giấy tờ, sau nhiều tháng Quang và Nam vật lộn với cái hộp số tàu và cuối cùng cũng mò ra được tới Bà Rịa.

Sau khi về Bà Rịa, tôi làm quen với đám dân địa phương theo họ đi bắt đùng ban đêm để thăm dò. Ði cào đã có kinh nghiệm hơn, cặp bến cũng rành rõi hơn. Cứ mỗi lần đi cào là thủ sẳn nào dọc mùng, me, khóm, cà chua giá sống. Chuẩn bị bếp xong, mẻ cào đầu là bắt tôm, cá còn sống bỏ vô nồi canh chua ăn thật tuyệt. Ðám ghe Sài Gòn hợp tác với nhau đổi chiến thuật đi ban ngày, ghe này hỗ trợ ghe kia chuyển dầu và người đã hai ba chuyến thành công.

Tôi quyết định phải ra quân, ngày Một tháng Mười Một là ngày xuất hành và phải bỏ lại vợ và con còn nhỏ ở lại. Lúc này Cơ Quang cũng muốn đi theo và nhờ có bà con ở Bà Rịa nên về đưa Thủy, vợ Quang và bà xã tôi với đứa con hơn một tuổi của tôi ra đi. Quang còn vòng qua quán café Xinh Xinh ở Trần Quý Cáp kiếm Tài mù nhưng không gặp, nhưng lại dzớt theo thêm người bạn của tụi tôi là Ngọc Anh đưa đi.

Ðúng là chuyện lạ "người canh me", bạn bè dẫn đi chùa ghe mình, còn mình tổ chức lại phải mất tiền mới đưa được vợ con đi. Má tôi phải trả hai cây vàng cho một ghe khác để chứa vợ con tôi, bỏ lại vợ chồng đứa em gái và bà chị. Nhưng khi chuẩn bị xong, vài người quen họ nói vì là ngày lễ các Thánh nên người Phước Tỉnh, Bến Đá đa số là Công Giáo họ không đi biển, mình kéo ra khỏi đèn trắng rất dễ bị lộ. Hơn nữa thường là có sóng to gió lớn đầu mùa.

Khoảng 6 giờ sáng, cả đoàn hình như cả gần 10 ghe, lâu rồi tôi không nhớ rõ, tuần tự như các tiểu hạm đi từ cầu mới Bà Rịa tiến ra hướng Vũng Tàu. Đến gần trưa, từng chiếc cặp vào sang người và dầu ở gần đèn trắng, cứ như thế từng chiếc từng chiếc một cho đến hết. Những chiếc kia sau khi làm xong nhiệm vụ thì cào tiếp rồi quay đầu về. Còn chiếc ghe của tôi hướng ra biển để lại sau lưng núi Vũng Tàu có tượng Chúa giang tay như ngăn cản: “Các con đừng trở lại”.

Tôi nói với Nam Văn Chung hay là bỏ ghe rồi đi luôn với tụi này, nhưng còn nặng nợ nên Nam quay về. Nghe nói sau này Nam đi nhưng máy hư trôi vào Phan Thiết, bị bắt, bóc vài cuốn lịch. Nam nay đã chết bịnh tại VN. Thôi, chỉ còn biết đốt nén hương lòng để tưởng nhớ người bạn kém may mắn. Cầu mong bạn sống an lành nơi chín suối.

Trên ghe Quang và tôi bắt đầu phá bình accu giả ngụy trang hai tầng, tầng trên làm như thiệt cũng nối với bình accu chính đề máy, nhưng phần dưới là nơi dấu hải đồ, hải bàn để sử dụng, chỉ có hai thằng biết. Hỡi ơi! Vì tụi Chợ Lớn làm giả nên hải bàn M88 bị hư, không sử dụng được. Rất may, còn thủ được chiếc không bàn của trực thăng do anh của tôi là lính Không Quân để lại và chiếc địa bàn (compass) còn sử dụng được. Quang và vài người cùng tàu theo thư hướng dẫn của anh tôi nghiên cứu viết về từ Bidong, căn dặn nếu đi hướng Vũng Tàu thì đi theo hướng nào để không gặp Côn Sơn.

Trời đã xế chiều, chung quanh không có một chiếc ghe nào, chỉ thấy có một chiếc ghe duy nhất chạy về hướng ghe mình. Chúng tôi đoán là ghe quốc doanh đuổi theo, nhưng khoảng cách khá xa nên không bắt kịp. Lúc này gió to sóng lớn nhấp nhô gầm hú lên dữ tợn. Mỗi ngọn sóng đưa con tàu mong manh như lá tre lên cao, tựa như đang ở trên đỉnh Rocky Mountain, rồi lại hạ con tàu xuống, nằm giữa thung lũng tựa như thung lũng ở Grand Canyon, với hai vách nước cao thăm thẳm như muốn chôn vùi con tàu, cứ như thế, theo sóng nhấp nhô lúc trên đỉnh cao của ngọn sóng, lúc xuống tận đáy vực thẳm. Bên trong tàu mọi người mệt nhoài vì sóng. Vợ tôi kể, Thủy, bà xã của Quang mặc dù mới theo Đạo còn kêu bà xã tôi đọc kinh cầu nguyện. Thế mới biết chỉ khi kề cận với tử thần con người mới cần đến Ðấng linh thiêng. Chả thế mà ông Hồ trước khi ngáp ngáp cũng còn tin là mình sẽ gặp cụ Mác cụ Lê.

Mặc dù trang bị ba máy bơm nước nào là bơm cọ, bơm tay nhưng vì bà con ói mửa, các đồ dơ và các bạc đạn cao su lâu ngày bị chai nên hư hết. Tụi tôi phải thay phiên nhau tát nước. Trong buồng máy chật ních, tôi một tay ẵm thằng con trai hơn ba tuổi vừa coi máy vừa coi tổng quát, xuýt nữa thằng con rơi xuống láp máy. Tiếng động cơ vẫn xình xịch nổ dòn. Bỗng dưng nước văng tung toé, Lộc tóc dài hoảng hốt la: “bể tàu”, và đòi quay về.

Anh Hoan người thân gần nhà tôi la: “Thằng nào la lối, lấy tay lái đập cho nó, cái gì cũng phải từ từ. Làm hốt hoảng mọi người sợ". Lộc tóc dài ơi, mày đúng là thằng chết nhát, lần đầu đám tụi mày không dám hó hé, lần này la hoảng, bởi vậy số mày chỉ có chị Ngọc mới trừng trị được mày. Nếu nghe mày quay đầu về thì vừa bị bắt mà mày đâu có diễm phúc lấy được chị Ngọc?

Nói tới các mối tình Khoa Học thì ai cũng biết khoa Hoá có nhiều chất xúc tác tạo ra các cặp Quang sún & Quỳnh, Quang mỡ & Liên, Hồ Sĩ Phước Hòa & Đinh Thị Hòa, Nhân & Thuý Liễu, Long Ánh & Tuấn, Châm & Minh; còn khoa Sinh do cấy mô nên nẩy sinh các đôi Đức & Lục Hà, Đạo & Thủy, Tiết & Hạnh, Diệp & Tuyết, Tôn Thất Trung & Loan , Vinh & Kim Huê, Thanh & Huyền Linh và cặp tình nhân số 10 Thanh ròm & Lan Tin; ngay cả các thầy cô cũng mộng mị ướt át như thầy Công & cô Nguyệt.

Ngoài những cặp kể trên, tôi phải kể đến cặp Lộc tóc dài và chị Ngọc. Số là lúc còn trong tổ, chị Ngọc là Tổ Phó đời sống, chị lo phân phối nhu yếu phẩm cho chúng tôi rất chu đáo, tình cờ lên đảo gặp lại chị, chị lại lo cho chúng tôi những gói mì trong lúc thiếu thốn, đúng là “miếng khi đói bằng gói khi no”. Trên đảo không có chuyện gì làm nên ngoài giờ công tác, chúng tôi thường tụ tập bạn bè, tán dóc, uống cà phê. Cà phê thì có nhưng sữa thì không, rất may con tôi còn bé được cấp sữa bột nên các bác các chú cũng được hưởng lây. Anh Lộc lúc này còn ra tay nghĩa hiệp cấy chị Ngọc cho anh bạn đi cùng tàu, có lúc thì gả bán cho ông sĩ quan cải tạo mới về.

"Muốn ăn gắp bỏ cho người

Gắp qua gắp lại rơi ngay bát mình"

Ấy vậy mà không biết từ lúc nào anh chị đã tò te tí tét với nhau. Ở trại tỵ nạn Mã Lai người ta có câu:

"Tình Bidong có lít thì dông

Tình Sungei Besi có list thì đi"

Cặp này không dông mà cũng không đi, lại còn dính hơn keo super glue. Tôi sang Sungei Besi trễ hơn, nhưng thấy anh Lộc lúc này xâm mình đếch sợ Taskforce, mỗi sáng sớm mò sang thăm chị Ngọc ở chung long house với Diệp Tuyết ngay còn trong giờ giới nghiêm. Theo tin đồn thì trong lúc anh Lộc bị trúng gió chị Ngọc thấy tôi nghiệp cạo gió cho anh Lộc, chẳng may cạo trúng trung tâm gây mê làm anh Lộc chết mê chết mệt. Còn chị Tuyết Tăng thì kể công đã cấy cho anh Lộc và chị Ngọc bằng cách thọc gậy bánh xe, gặp anh Lộc nói “Chị Ngọc thích anh Lộc” còn gặp chị Ngọc thì nói ngược lại thế là tác thành cho đôi trẻ. Chị Tuyết còn đòi ăn đầu heo. Chị Tuyết ơi đầu heo bên này rẻ lắm. Có một điều chính xác 100% là qua Phi, anh Hoan đi cùng tàu viết thư cho tôi, nói là cặp này ăn thua đủ như cặp Romeo & Juliet. Nói chơi vậy thôi chứ cặp này rất hạnh phúc. Tôi tới Florida hai lần được chứng kiến chị Ngọc lo rất chu đáo cho anh Lộc. Chị Ngọc nấu ăn số một. Thằng Lộc này khôn thật, như chuột chui chĩnh gạo. Khi nghe tin Lộc lấy vợ, nhiều chị khoa Sinh ngẩn ngơ tiếc rẻ!!!!

Ông bà ta dạy rằng:

Tam thập nhi lập

Tứ thập nhi bất

hoặc

Ngũ thập tri thiên mệnh

Bởi vậy với tuổi ngũ tuần anh Lộc bây giờ lo việc nhà Chúa giống như thầy sáu Vũ Thành An lo dạy giáo lý, phục vụ trong nhà thờ mặc dù anh chỉ theo đạo khi lấy chị Ngọc. Anh Lộc ơi khi nào vào nước Trời nhớ đến tao cùng.

Tôi coi lại thì không phải, mà do tên nào đó vì nóng quá hắn cởi quần dài và quăng đại đâu đó, quần rớt xuống buồng máy nên quấn vào láp máy làm nước văng tung tóe. Tôi phải lấy liềm cắt lúa cắt bỏ, nước mới khỏi văng lên. Ghe lại tiếp tục lao vào đại dương vô định, nước đen như mực.

Ðêm thứ hai sóng gió đỡ hơn, xa xa thấy ánh sáng đèn rồi từ từ hiện ra một tàu khổng lồ, đèn đuốc sáng trưng đang tiến về hướng mình. Quang bắn hỏa pháo màu đỏ xin cấp cứu, bỗng dưng đèn nó tắt hầu như gần hết rồi biến mất trong màn đêm. Có người nói hay mình theo nó, nhưng ghe mình quá nhỏ làm sao theo kịp. Càng về đêm càng rùng rợn. Biển bao la đen kịt, trên trời nhìn thấy các chùm sao cao thẳm và chỉ còn nghe tiếng máy tàu.

Bước qua ngày thứ ba, tình hình sáng sủa hơn. Tuy nhiên cũng chỉ có mây trên trời và nước mênh mông, không một bóng hải âu, màu nước biển không còn đen như mực nữa. Bà con trong tàu tỉnh táo hơn. Cháo nấu dã chiến pha với nước biển nên gạo không nở lắm. Thiếu Tá Nên nói với tôi: “Anh Vỹ ơi, cháo ngon quá, mỗi tội ít”. Sau khi lên đảo, ông được bầu làm trại trưởng. Tôi lại chọc ông rồi cười, thế mới biết không có gì bằng đói. Hoàng hôn xuống, lại thêm một đêm trôi qua.

Ngày thứ tư lạc quan hơn, nhưng vẫn chưa thấy tia hy vọng. Gần trưa, vì không để ý bình dầu hơi bị cạn, nên lúc sóng gợn bị hụt dầu, không khí vào bec dầu (dân thợ máy gọi nôm na là con heo dầu vì khi bơm dầu nó kêu éc éc như tiếng heo). Cơ Quang, thợ máy dỏm thành thợ chính trong tàu (bác Tư Viết, thợ máy chính giờ chót không đi), gỡ ra xả gíó, máy nổ lại rồi đi tiếp. Khoảng ba bốn giờ chiều, thấy lác đác rác rến, thỉnh thoảng ly giấy nổi trên biển. Lúc này hy vọng đã vươn lên. Rồi xa xa thấy một đốm lửa bé xíu, mọi người hy vọng là giàn khoan đã gần.

Ghe tiếp tục đi theo hướng có đốm lửa gần hết đêm vẫn chưa tới. Khoảng 4 giờ sáng thì lại gần một tàu to đang neo, Cơ Quang lại bắn pháo lửa đỏ lên xin cứu. Tàu này pha đèn lên. Chúng tôi cặp sát mạn tàu mới thấy ghe của mình chỉ bằng cái ghe cấp cứu của họ. Một ít người biết tiếng Anh lên uốn ba tấc lưỡi xin cứu để được đưa vào Singapore. Ðược biết tàu này là tàu của các chuyên viên người Nhật làm việc ở giàn khoan. Họ cho biết họ không đi Singapore nên không vớt tàu của chúng tôi. Sóng biển mặc dù êm, nhưng mỗi đợt sóng, ghe trồi lên thụt xuống, mỏ ghe đập vào thành tàu vài luợt làm mũi ghe muốn banh. Họ tiếp tục soi đèn pha xuống ghe. Chắc có lẽ thấy ba đứa con tôi còn quá nhỏ, đám chuyên viên Nhật vào cabin của họ bàn nhau gì đó. Cuối cùng, họ đồng ý cho lên bong tàu của họ. Tôi cẩn thận xuống buồng máy khóa láp máy lại để nước khỏi vào, leo lên cột ghe vào tàu dầu.

Trên bong tàu, họ hỏi bao nhiêu người. Tôi nghĩ tất cả chừng bốn chục mạng là cao, nhưng người đếm đi đếm lại vẫn dư, cuối cùng phải ngồi hết xuống thành hàng tư mới biết tất cả là 60 mạng, trong đó ba đứa con tôi là nhỏ nhất. Hóa ra các ghe bạn đã đưa thêm người. Theo hợp đồng, họ chở dùm hai người thì họ được đưa một người, nhưng thực tế họ đã đưa thêm người.

Trên ghe đa số là thanh niên, đàn ông, chỉ có Minh Thư bạn gái của Nam Văn Chung, Thủy vợ Quang, Tuyết, bà xã tôi và một chị nữa là phái nữ nên mấy anh Nhật chuyên gia khá to con này nhường cabin của họ cho. Thấy mấy bà te tua như tàu lá chuối rách, họ cho mấy áo thun để thay, mặc vào cứ như mini jupe. Còn đám đàn ông thì họ đưa xuống mũi tàu, nơi chứa đồ, cho ở tạm. Ghe của chúng tôi cột vào thành tàu, sóng dập liên tục nên đứt dây. Sáng ra còn thấy ghe mình đang vật vờ xa xa trên biển, chắc phải cả ngày mới chìm. Ở trên tàu Nhật, họ chụp hình, đeo bảng tên từng người một để xin chính phủ Nhật nhận, nhưng hôm sau họ cho biết chính phủ mới không nhận. Hai ngày sau, chúng tôi được tàu khác đưa vào đảo Pulau Bidong mà dân ta thường gọi là “Buồn lâu Bi đát”.

Cuộc sống mới trên đảo gặp số bạn bè tới trước hoặc sau như chị Ngọc (hiện là nội tướng của Lộc tóc dài), Huỳnh Thành Công, Trần Xuân Nhân, chị Hà (khoa Hóa) v.v… Nguyễn Cơ Quang, mới lên đảo hắn muốn đi định cư trước nên xin đi Thụy Sĩ theo diện “handicap” vì lúc làm máy tàu với Nam Văn Chung hắn bị bánh trớn của máy tàu đập vào tay làm cong xương. Cả tàu ra tiễn hắn và thèm thuồng khen thằng này số may mắn mới lên đảo đã được định cư. Có ai dè hắn là người tiễn đưa các người trong tàu PB733 lần lượt ra đi và nó là người sau cùng rời trại tỵ nạn, sau khi cho chào đời một hoàng tử và một công chúa ở trại Sungei Besi và bóc vài cuốn lịch ở trại tỵ nạn.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đã gần 28 mùa xuân xa xứ. Mỗi lần có dịp ôn lại chuyện cũ thì dường như mới xảy ra gần đây. Ngày 08-08-08 gặp lại số đông bạn bè, đa số tóc đã ngã màu muối tiêu nhưng vẫn nhắc lại:

Cái thuở học trò lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.

Các thầy cô nay đã thành các “cụ Thầy” chứ không còn ông thầy hay bà cô như xưa. Thầy cô và bạn bè cùng lớp có người đã về cõi vĩnh hằng. Nguyện xin vong linh của các Ngài luôn độ trì cho các kẻ còn đang lữ hành nơi dương thế.

Có lẽ quãng đời đẹp nhất là thờì gian đi học. Thôi cũng là thời để nhớ.

Úc thòi lòi - Xuân Canh Dần 2010

Nguyễn Văn Vỹ (Vỹ Khoa Trưởng)