Mùa Xuân Vẫn Còn Đây ... Ngô Ánh Tuyết

Chiều 28 Tết, phố phường Sai Gon nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người vội vã xuôi ngược bên các gian hàng bán Tết. Chỉ còn 2 ngày nữa thôi, nên người mua cố chen chân để mua cho đủ đồ trưng bày ba ngày Tết, người bán cố mời chào để hy vọng có thể xong hàng rồi dọn về sớm để còn lo cho gia đình. Giờ này thành phố bình thường đã đông đúc, nay lại càng tấp nập hơn, người xe lẫn lộn chen chúc nhau trên đường.

Người đàn ông, tuổi trạc gần ngũ tuần, gương mặt bình thản, tay dắt một bé trai khoảng 10 tuổi, từ tốn bước đi, không nói lời nào, cũng chẳng buồn chen lấn, để mặc cho đám đông đưa đẩy họ trôi theo dòng người. Hết phố Lê Lợi, rẽ vào cuối phố Tạ Thu Thâu, dừng lại nơi cuối đường, một tiệm bánh chắc là quen thuộc, để chọn mua bánh mứt cần thiết cho ngày Tết. Vài câu nói qua loa cho xong chuyện mua bán, cũng đủ cho thấy anh ta rất bặt thiệp xã giao. Rời hàng bánh, họ trở lại thương xá Tax để mua cho cậu bé vài món đồ chơi.

- Mình đến bác Nghị đi ba.

- Con muốn ăn kem phải không?

- Dạ.

Quán nhỏ café nằm khiêm tốn nơi góc đường Nguyễn Huệ, không sang trọng, không bình dân, nên vừa đủ tạo tình thân để là nơi tập họp của mọi tầng lớp người trong xã hội. Buổi sáng, bên ly café nóng, vội vàng trao nhau vài câu chuyện thời cuộc như là lời mở đầu cho một ngày, rồi buổi trưa buổi chiều, người ra người vào bàn tán chuyện làm ăn, tình hình kinh tế, chính trị, thể thao trên thế giới, đủ làm cho chủ nhân Nghị luôn bận rộn với khách hàng. Lòng anh chợt chùng xuống khi người đàn ông và cậu bé bước vào quán.

- Chào bác Nghị ạ.

- Đi sắm Tết hả con?

- Dạ.

- Cả tuần này sao không thấy mày ghé hả Huân?

- Tao bận, có lần ghé qua lúc trưa mà mày không có đây.

- Dạo này mày và Bảo Chương ra sao?

- Cũng tạm ổn.

- Thôi như thế tao thấy cũng tốt mày ạ.

Rồi Nghị lại chạy đi lo cho các người khách khác. Huân chọn bàn nơi góc nhìn ra đường phố. Bé Chương vô tư mân mê những món đồ chơi vừa mua. Bên ngoài, nắng bắt đầu dịu xuống, thành phố như sống dậy với sắc hoa muôn màu rực rỡ, mọi người nô nức dạo phố Tết. Huân tự mỉm cười, thế là cái cũ sắp sửa phải ra đi, để nhường cho cái mới, chắc cũng giống như tâm trạng chàng vậy. Năm nay là năm con gì chàng chẳng buồn thiết đến, con nào cũng thế thôi.

Ly café, từng giọt nhỏ chậm, như ngày tháng trôi qua trong cuộc đời, mà bây giờ Huân hiểu rằng con người không tự định cho mình được vì nó đã được gắn liền với định mệnh.

Nhìn con đang chơi với chiếc máy điện tử nhỏ trong tay, Huân càng thấy thương thằng bé. Tình thân của cha con ngày càng gần gũi nhau hơn, từ khi Huân được tòa án ký quyết định ly hôn. Cầm tờ ly hôn trên tay, Huân vừa đau đớn não nề vì sự đổ vỡ của gia đình mà anh luôn quý trọng, vừa thoáng vui một chút vì Phụng, người vợ cũ, tình nguyện giao cho Huân quyền được nuôi giữ con. Như thế tốt hơn cho Bảo Chương mặc dù phải sống xa mẹ. Từ ngày đó, tâm trạng Huân lúc nào cũng hoang mang giữa cái vui mừng vì còn có con ở bên cạnh, và sự thất vọng về người mà chàng cho rằng tuyệt vời khi chọn ngày ấy, đã đành tâm dững dưng ra đi để con lại không một chút xót xa.

Cuộc hôn nhân kéo dài gần 25 năm, sự ra đời của hai đứa con cũng không tạo được cái gạch nối, để hai người cùng nắm tay nhau mà đi đến cuối cuộc đời. Mâu thuẫn này tiếp nối với xung khắc nọ tạo nên những rạn nứt, làm tổn thương nhau cho đến lúc phải đương đầu mà chấp nhận sự đỗ vỡ. Cô con gái lớn đã có một gia đình riêng, ở phương xa, cũng chẳng thiết tha gì sự hàn gắn hay một chút vương vấn đến người thân ở nơi đây. Thôi thì, cho dù thế nào đi nữa, Huân luôn mong rằng con mình sẽ tránh được những bước sai lầm của ba mẹ, để có thêm kinh nghiệm mà gìn giữ hạnh phúc, rồi đời sống cũng sẽ bình yên. Một nhà văn nào đó đã nói “vợ chồng có được hạnh phúc là do sự may mắn chín mươi phần trăm, mười phần trăm còn lại là do nỗ lực”. Cuộc sống chung của Huân chỉ thấy hầu như là bất hạnh, ngờ vực lẫn nhau, buồn nhiều hơn vui, còn nỗ lực chắc cả hai đều không đồng tâm, hoặc nếu có cũng không thật lòng nhiệt tình cho lắm. Trước sự mất mát quá lớn này, muộn màng rồi, Huân chỉ biết mình đã quá mang nặng tình cảm và niềm tin cùng với sự độ lượng đặt không đúng chỗ nên trở thành vô nghĩa, dẫn đến tổn thương cho chính mình.

- Trầm tư suy nghĩ gì vậy mậy.

- À, có gì đâu, rảnh rồi hả?

- Tươi tỉnh lên chứ mày, làm gì như chuột mắc mưa thế. Tụi nó nhắc mày hoài, hôm họp mặt liên trường, mọi người thắc mắc lead guitar VTT Bảo Huân mấy năm nay biệt tích giang hồ ở mô, không thấy xuất hiện. Tụi nó tưởng mày đi thăm con.

- Tụi nó có biết chuyện tao không?

- Tao có nói sơ. Ai cũng ngạc nhiên sao mày kín thế, có nghi nhưng không ngờ đến nỗi như thế. Mày cũng biết mà, ai lạ gì bà Phụng, bà ta nói ra cả thế giới biết hết rồi.

- Tao đâu phải bà tám.

- Nhưng ít ra mày cũng phải nói, mới nguôi ngoai, vượt qua được thử thách của dư luận, rồi mới đứng lên mà đi tiếp được. Xưa nay mày nổi tiếng uyên thao gỡ rối tâm lý cho nhiều người mà. Đúng là chuyện người thì sáng chuyện mình thì tối thui. Chán mày thật.

- Mày nói thì dễ lắm. Là đàn ông ai lại lu bu vậy. Còn cái tự trọng của mình nữa chứ.

- Biết thế, tụi mình quen nhau từ nhỏ, ít ra mày cũng nên nói với tao. Trong bọn ba đứa, gia cảnh mày ngon lành nhất, tưởng rằng mày sung sướng hơn, ai ngờ. Thôi, cuối năm rồi những gì cũ không đẹp, không vui cho qua hết đi.

- Mày nói đúng. Nãy giờ, tự dưng ký ức tao như trở về lại, tao nhớ rõ lắm, chắc cũng nên tổng kết lại một lần cuối rồi gấp lại vĩnh viễn, như một trang sách cũ chẳng ai buồn nhớ đến.

Một người khách gọi, Nghị lại phải đi. Nghị nói đúng đấy, nhìn bên ngoài, bạn bè ai cũng cho tôi sướng nhất, là con út trong một gia đình tương đối khá giả, anh chị đi du học và vượt biên, đều ở nước ngoài, tôi ở đây tha hồ mà thụ hưởng phải không. Ngày xưa ba đứa mình thân nhau nhất, như anh em một nhà, từ cái thời tiểu học chiều về còn mặc quần đùi chơi tạt lon, tạt hình. Mặc dù tâm tính mỗi đứa, hoàn cảnh gia đình khác nhau, sau này chọn ngành cũng khác nhưng lúc nào mình cũng ngồi lại được với nhau, tán dóc nhậu nhẹt hay lắng nghe chia sẻ những cái vui buồn trong đời sống, giúp đỡ khi cần. Hồi xong đại học, ông thường hay phải đi xa, nên tôi với Vũ gặp nhau thường xuyên hơn, cái nội tâm và sự điềm đạm của nó đã cho tôi một niềm tin khi cần cố vấn điều gì, vì mọi người thường cho tôi hay để tư tưởng đi lang thang, dùng tình cảm nhiều trong mọi quyết định nên trở thành yếm thế. Vũ là người giúp tôi phải biết đương đầu với thực tế. Tôi với nó thân nhau lắm, cũng tập tành làm ăn như người ta, thất bại nhiều hơn, rồi cũng bắt tay cười khì chẳng trách cứ gì. Cho đến khi tôi gặp Phụng, sự quan hệ với Vũ bớt dần, cảm nhận theo trực giác Vũ thấy có điều gì không ổn, vã lại hai người dường như không hợp nhau. Tôi vì không muốn mất Phụng và cũng không muốn sứt mẻ tình bạn, nên lúc nào cũng áy náy, một việc nhỏ để cho mọi người ngồi lại vui vẻ với nhau, cũng không làm được. Vũ nhận xét về Phụng khá đúng, học vấn dở dang, ra đời đi làm lúc hãy còn trẻ, nên chững chạc và kinh nghiệm nhiều trong cách xử sự giao thiệp với mọi người nhất là bạn khác phái vì cô ta đã quen biết rất nhiều người trước tôi, trong khi tôi mới chập chững bắt đầu bước vào xã hội và vẫn còn sự chăm sóc của bố mẹ, thì làm sao có thể hòa hợp lãng mạn như tôi thường mơ ước khi còn bé. Dưới mắt tôi lúc ấy, Phụng là một cô gái lanh lợi, không đẹp lắm nhưng thu hút tôi một cách dễ dàng, đưa tôi vào một thế giới khác, ồn ào hơn, rồi tôi như bắt đầu xa lạ những gì mà tôi đang có và đã cho rằng không bao giờ thiếu được. Rồi những lần hẹn hò, những buổi đi chơi, tôi lại càng bị lôi cuốn vào Phụng, cuộc đời này chắc sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Phụng bên cạnh. Tôi như con thiêu thân lao vào Phụng, điên cuồng vì nàng, có lúc cũng tự thắc mắc, sao hai đứa tôi chẳng có gì giống nhau về nhân sinh quan, âm nhạc, giải trí, thậm chí đến ăn uống cũng không có cùng một sở thích mà sao lại dễ dàng đến với nhau quá vậy. Phụng thì làm như hồn nhiên chẳng cần nghĩ gì, sự khôn ngoan tinh xảo của cô thể hiện ở chỗ có khi dịu dàng nhẹ nhàng để tôi càng ngày nặng tình hơn, có khi như ngầm cho tôi biết nhiều người theo đuổi cô, coi chừng chẳng đi đến đâu. Bố mẹ và Vũ thất vọng vì cái đam mê nông nỗi của tôi.

- Tao không hiểu làm gì mà mày mê con bé Phụng đến thế, có đẹp gì đâu.

- Mày không biết rằng khi đàn ông thích hay thương đàn bà thì chẳng cần lý do gì, như mày với Trang đấy, gầy như con mắm mà mày cũng chết lên chết xuống, còn nói gì nữa.

- Trang khác hơn Phụng nhiều, tao chẳng muốn tranh cãi với mày làm gì. Mày hãy sáng suốt nhận định, đừng mê muội mà khổ cả đời.

Tôi thì cho rằng không hẹn mà đến, Phụng với tôi rồi sẽ mãi tồn tại. Mọi người từ từ rồi sẽ hiểu và chấp nhận chúng tôi.

Theo thời cuộc, như bao nhiêu người, Vũ vẫn tìm những mối vượt biên với ý định có tôi đi cùng, mặc dù chúng tôi đã hai lần phải trở về, may mắn là không bị ngồi tù. Không được có Phụng đi cùng, tôi chẳng còn thiết tha gì, tôi lo cho sự nguy hiểm và gian khó, vã lại cô ấy không có ý định ra đi. Theo Vũ, mục tiêu của Phụng chỉ muốn vào gia đình tôi rồi hy vọng sau này cùng bố mẹ đoàn tụ với các anh chị, sung sướng và an toàn hơn.

Tôi càng say mê và dành thời gian cho Phụng nhiều hơn, những buổi họp bạn vắng dần, không còn tham gia đàn hát nữa vì nàng không muốn tôi xuất hiện nhiều trước đám đông. Bạn bè vô cùng ngạc nhiên sao tôi lại si tình đến độ bỏ luôn cái ý định thiết lập lại ban nhạc riêng của chúng tôi mà bấy lâu nay tôi và Vũ đã cố liên lạc những ai còn ở lại.

Cuối cùng bố mẹ vì quá thương thằng con út đành phải chấp nhận. Vũ và Nghị làm phù rể cho tôi, ai cũng ngạc nhiên một người nhút nhát ít để ý đến con gái như tôi mà lại can đảm tiên phong dấn thân vào chuyện gia đình. Bố mẹ tặng cho một căn nhà ở quận 1. Ai cũng cho rằng với sự may mắn khởi đầu, chúng tôi sẽ dễ dàng tiến nhanh hơn. Đời sống vợ chồng, tôi thấy thiếu những sinh hoạt không có bố mẹ bên cạnh để nhắc nhở, Phụng chẳng biết gì nội trợ, mẹ mỗi ngày phải đến chỉ bảo, cũng chẳng đến đâu, riết rồi mẹ phải tiếp tục đảm nhận luôn phần này. Nghĩ cũng buồn cười, có vợ rồi mà mỗi ngày vợ chồng phải về bố mẹ ăn cơm. Bố mẹ từ chối không đoàn tụ với anh chị, mẹ giải thích năm xưa đã một lần bỏ Hà Nội vào Sài Gòn, bây giờ mẹ chẳng còn muốn đi đâu, bố mẹ đã sang bên đấy rồi, thì tốt thật đấy nhưng buồn và lạnh, ở lại quê nhà mẹ cảm thấy ấm hơn. Tôi hiểu mẹ nói thế vì chưa thấy tôi thật sự ổn định, tôi càng thương bố mẹ nhiều, Phụng rất bất mãn bố mẹ về quyết định này.

Rồi đứa con ra đời, đặt tên cho con là Bảo Hạnh, không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ hy vọng con mình sẽ có được ít nhất một đức tính của người con gái ngõ hầu sau này cũng còn có cái mang theo khi về nhà người ta. Tôi thầm cám ơn và vui nhiều với sự hiện diện của con tuy rằng cuộc sống bắt đầu trở nên khó khăn, tôi cố gắng nhiều lắm để đừng vấp ngã, nhưng dường như Phụng không làm được như thế, thường xuyên gắt gỏng, tôi băn khoăn không biết phải làm thế nào để nàng có thể suy nghĩ và cảm nhận như tôi để cùng chia sẻ mà vượt qua. Tôi không muốn làm phiền bố mẹ, Nghị bận bịu với phòng tranh, Vũ không còn nữa, chuyến tàu oan nghiệt đã vùi chôn họ vào lòng biển sâu. Ngày được hung tin, mẹ Vũ ôm tôi khóc ngất, nhớ lại lúc chia tay, dường như linh tính, Vũ như nhắn nhủ với tôi:

- Mày ở lại, bỏ qua những lần cãi cọ, bất đồng ý kiến với tao. Cố bình tâm, mới định hướng giải quyết được vấn đề. Đừng bao giờ trốn chạy sự thật, can đảm mà đối đầu với nó. Sau này có khi cần, mày cũng không gặp được tao. Đừng làm gì để ông bà cụ buồn, mày được thương nhiều nhất đó. Thỉnh thoảng nhớ đến thăm hộ me tao nha.

- Ừ, tao nhớ, mày đi bình an. Tao mong rằng mày và Trang được hạnh phúc đi bên nhau suốt cuộc đời.

Họ mãi mãi bên nhau ra đi thật sự rồi, nhưng không phải là nơi tôi mong họ đến. Rồi bố cũng bỏ mẹ và tôi ra đi. Tôi mời người chị họ góa phụ, chồng tử trận Hạ Lào 72 ở vậy nuôi dạy ba con đến ngày khôn lớn, về ở với mẹ. Tôi trở nên trầm lặng và tự chôn nỗi niềm của mình.

Năm tháng trôi qua, vẫn chưa khuyên bảo được Phụng mặc dù tôi đã cảm nhận bấy lâu nay nàng đã bỏ mặc gia đình. Thấy tôi không nói gì, nàng thường vắng mặt ở nhà khi tôi đi làm, trở lại giao thiệp với bạn bè cũ, không màng đến chồng con.

Nghĩ đến những gì mình đã vượt qua để tạo một gia đình riêng, và cũng còn rất yêu Phụng, tôi đã cố dẹp bỏ tự ái, gần như hạ mình để khuyên lơn van xin nàng hãy vì con mà quay trở lại vai trò rất cần thiết của nàng trong chúng tôi. Có lẽ do nàng cũng không tìm thấy được niềm vui bên ngoài, nên chúng tôi đã một lần nữa lại có nhau. Tạ ơn em đã quay về, mong rằng với tình cảm chân thành thiết tha của tôi sẽ cảm hóa được người tôi yêu để cho tôi được bình an mà làm tròn trách nhiệm của mình. Cuộc sống theo nhịp điệu mà trôi, rồi Bảo Chương ra đời, tôi thật sự hạnh phúc thêm một lần nữa, cơn sóng gió đã qua, sự yên lành đang đến. Tôi chấp nhận làm việc nhiều hơn để đáp ứng với tình hình xã hội ngày càng khó khăn, và để Phụng được ở nhà để lo hai con vẹn toàn. Không bao lâu, Phụng lại nhất quyết đi làm trở lại, tôi ngăn cản không được rồi cũng đành chìu theo. Mẹ vì thương cháu nội, nên gửi người giúp việc đến phụ cho chúng tôi. Tôi đã nhận ra có lẽ Phụng không phải là mẫu người của gia đình, việc đi làm của nàng như là trang điểm cuộc đời, để có cơ hội gặp người này, bàn chuyện người nọ. Tôi phân tích giải thích cho nàng hiểu thiên chức người mẹ, người vợ thì nàng lại khóc lóc cho rằng lúc nào cũng thương con, trách cứ vô cớ, lời qua tiếng lại. Tôi đành chịu thua vì không muốn sự ồn ào trong nhà. Mọi chuyện Phụng bỏ mặc cho chị giúp việc, ngay cả ngày bé Chương nhập học lớp Một, tôi còn nhớ, Phụng bảo rằng bận nên nhờ chị dẫn bé đến trường. Tôi nghe, rất khó chịu, đi làm trễ một chút để đưa con đến trường. Tội nghiệp thằng bé mếu máo nắm tay cô giáo vào lớp, liên tục quay đầu lại nhìn tôi cho đến khi cổng trường đóng lại. Tôi cũng chẳng buồn kể lại cho Phụng. Phụng lại vắng nhà nhiều hơn, bắt đầu là những buổi ăn tối họp mặt với bạn từ nước ngoài về, trong khi tôi phải miệt mài công việc, rồi tới những buổi khiêu vũ, karaoke. Phụng thường về khuya hơn, tôi đảm nhận luôn phần đọc sách cho bé Chương trước khi ngủ, vụng về nhưng chân thành đưa con vào với câu chuyện tuổi thơ bình an. Khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa, tôi lo sợ sự giao thiệp quá rộng rãi của Phụng. Người quen bắt đầu bàn tán, tôi cố bỏ ngoài tai những lời không hay về người thương của mình, tha thiết mong mỏi nàng hãy từ bỏ những thú vui không nên có ở bên ngoài, mà trở về với trách nhiệm bổn phận của mình. Suy nghĩ và hành động của tôi khi trước như yêu em, yêu thêm tình phụ hay yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Tôi có ngu dại quá không, ray rứt mỗi khi ở nhà một mình, vợ như một người xa lạ đang làm gì ở đâu? Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện ra trong đầu óc tôi, tinh thần tôi xuống rất nhiều. Trực giác cho tôi thấy sự việc càng bế tắc hơn, Phụng thay đổi nhiều quá từ cách ăn mặc, trang điểm không còn hợp ở cái tuổi gần 50, đã có thông gia, đến cái ngôn từ tôi không thể nào tưởng tượng phát ra từ đầu môi nàng. Tôi tìm mãi không thấy cái ngọt ngào, mềm mỏng, dỗi hờn, nũng nịu … của ngày xưa. Nghị cho rằng Phụng đang để lộ chân tướng. Lời nói không ác ý nhưng làm tôi đau đớn tổn thương vì Phụng đã đùa giỡn quá nhiều với tình cảm. Về nhà, với những bước chân mệt mỏi, niềm lo sợ phải chạm mặt với Phụng vì nàng luôn đưa ra những lời chỉ trích trách móc vô căn cứ đưa đến tranh luận cãi vã vô lý, rồi cả hai đều mất sự kiểm soát, lòng tự trọng sinh ra những câu nói xúc phạm nhau. Chỉ tội cho bé Chương lủi thủi một mình bỏ lên sân thượng, người lớn là như thế đó sao, thôi con chỉ muốn còn bé mãi. Bây giờ tình yêu đã hết trong tôi, chỉ còn lại cái nghĩa hơn hai mươi năm cộng thêm hai đứa con là cái chung. Tôi phải làm gì đây?

Dường như Nghị ngờ ngợ biết nhiều điều lắm nhưng chưa rõ nên không tiện nói với tôi. Cho đến một buổi tối, định mệnh đưa đẩy, tôi bàng hoàng khi thấy Phụng rất thân mật bên người đàn ông lạ, không hiểu sao tôi rất bình tĩnh tiến lại đối mặt. Một thoáng bối rối vì bất ngờ, rồi Phụng lại hiên ngang công nhận sư quan hệ này và xác nhận đang tìm thấy hạnh phúc, trong khi sống với tôi nàng bị giới hạn nhiều quá, cuộc sống đơn điệu đến nỗi chán ngắt, không có thì giờ rong chơi cho riêng mình. Người đàn ông có thể vì mặc cảm tội lỗi, không nói lời nào trong khi Phụng ngoan cố lải nhải bên tai, tôi không còn muốn nghe nữa. Chỉ vài câu ngắn gọn cho họ biết Phụng không còn vị trí nào trong trái tim tôi nữa, để họ yên tâm, rồi lạnh lùng bỏ đi. Tôi cũng không biết sao mình có thể bình thản như thế, chứng tỏ là tôi đã thật sự không còn yêu Phụng nữa và không còn thắc mắc gì nữa. Nhưng nếu chuyện xảy ra 20 năm trước, chắc tôi đã đập cho ông ta một trận. Cuộc tình đã rời khỏi tầm tay, phải chăng những gì tôi chọn ngày xưa chắc không đúng, không là của tôi, nên bây giờ hãy để nó đi.

Sau đó chúng tôi bàn chuyện ly hôn vì không thể tiếp diễn mãi được, tôi ngạc nhiên chính Phụng là người đòi điều kiện tôi phải nuôi dưỡng Bảo Chương mà không nhận sự cấp dưỡng của cô ta, đây là điều mà tôi mong ước và lo lắng không biết phải thương lượng ra sao vì cô ta là người không có tình cảm và không biết tôn trọng tình cảm người khác dành cho. Tình xót xa vừa, 25 năm, chấm dứt một cách nhanh chóng, chỉ cần một vài điều kiện vật chất kèm theo là không đợi mà đi đấy sao.

Thôi thì, chúc người hãy ra đi với tương lai mà người cho là sáng sủa và thích hợp hơn ở phương trời xa gần nào đó không có chúng tôi. Tôi sẽ về thu xếp lại, hai cha con tôi với tình cảm chân thành rồi sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng chúng tôi mà người không còn tư cách để chia sẻ nữa. Tôi xin tự hứa sẽ lo cho con được bình an cho đến cuối đời tôi, và luôn nhắc nhở với con rằng mẹ tuy không ở bên con nhưng trong trái tim con lúc nào cũng có hình ảnh của mẹ dù là một góc nhỏ. Xin người đừng quay lại làm xáo trộn đời sống chúng tôi, con hãy còn quá nhỏ, sự ngây thơ hồn nhiên của con không đủ sức tiếp nhận được, sau này lớn lên rồi con sẽ hiểu.

Tôi dọn về nhà mẹ ở, chị giúp việc quá mến Bảo Chương nên xin về theo. Mẹ bây giờ già hơn nhiều, không còn lanh lợi đi đứng như ngày xưa, mắt mẹ mờ thêm, nhưng vẫn theo dõi nhắc nhở bài học ở trường cho bé Chương. Càng nghĩ tôi lại càng thương mẹ, mỗi lần vấp ngã, mẹ là người nhẹ nhàng nâng con đứng dậy, giờ mẹ lại chăm sóc bé Chương như đứa con thơ dại, mẹ đã hỗ trợ quá nhiều cho con. Đáng lẽ từ bấy lâu nay mẹ phải được chăm sóc sum vầy với anh chị và các cháu.

- Sao ba khóc, con trai không được khóc.

Tiếng con hỏi làm cắt ngang dòng tư tưởng, thằng bé mặt hớn hở, chắc là vừa thắng trò chơi, vụng về múc muỗng kem cuối cùng rồi đưa khăn quẹt sạch vết dính trên miệng, sao mà hồn nhiên quá.

- Ba đâu có khóc, tại nghĩ đến gia đình mình, thấy con vui nên chảy nước mắt.

- Người lớn kỳ lạ, buồn cũng khóc, vui cũng khóc. Ba cười lên đi, ở ngoài phố

vui quá kìa.

- Con muốn ăn gì thêm không?

- Không cần, hôm nay bà nội làm cơm gà rô ti ngon lắm, mình về ăn.

- Đến chào bác Nghị rồi về con.

Lòng Huân như nhẹ hẳn, bấy lâu nay, dường như chàng thờ ơ với cuộc sống quanh mình quá, tại sao mình lại vô tình được đến nhỉ, dù sao cuộc đời này cũng còn nhiều cái đáng yêu, đáng để tâm lắm mà. Thành phố đã lên đèn, khung cảnh rực rỡ hơn, nhạc xuân vang dậy khắp nơi, những bài hát rất quen thuộc từ mấy chục năm nay gợi nhớ chàng những lần tập văn nghệ cuối năm thời còn đi học xôn xao đón Tết, nhắc nhở chàng đừng bỏ quên mùa xuân. Mùa xuân với hoa vàng hướng dương rực rỡ mà Huân luôn có thói quen trưng bày trong những ngày Tết. Hãy là hướng dương để tự nhắc mình dù ở tuổi nào, hoàn cảnh nào, lúc nào cũng đứng thẳng ngẩng mặt nhìn đời, sống chân thật với hiện tại để sau này đừng hối tiếc.

Chở con dạo một vòng chợ hoa, giải thích những câu hỏi về phong tục ngày Tết. Huân chợt thấy ấm lòng khi nghĩ đến tối nay phụ mẹ bày dọn bàn thờ đón ông bà về ăn Tết.

Tạ ơn trời đất đã cho con tìm lại niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống, để tạo thêm sức mạnh mà đi tiếp đường đời.

Từ mấy tháng nay, tôi thật sự một mình trên con đường nhiều gian truân, với đổ vỡ vấp ngã vừa qua, giúp tôi nhận định con người và cuộc sống sáng suốt hơn để vượt qua mọi thử thách mà làm tròn trách nhiệm với chính bản thân mình và cho con tôi. Nhẹ nhàng vuốt tóc con, Bảo Huân như khẽ nói ba sẽ dìu dắt đưa con vào với cuộc đời này bình an để con có một tương lai tươi sáng như mùa Xuân đang bước đến với dân gian.

(Viết theo tưởng tượng. Trong bài có sử dụng ngôn ngữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và lời trích của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn)

Ngô Ánh Tuyết

Tháng Giêng, 2010