Lụa Đào ... Lan Hoa

Không ai gặp tôi mà bảo rằng tôi thuộc loại người hủ lậu, nghiêm túc...nhưng đối với chuyện tình cảm thì có lẽ tôi là như vậy vì suốt đời tôi chỉ yêu có một người con gái mà thôi!

Câu chuyện bắt đầu năm tôi đang chuẩn bị thi vào đại học Y Khoa, vào lúc ấy những người Bắc di cư vào miền Nam hầu hết đều đã ổn định, an cư lạc nghiệp. Gia đình tôi dọn về cư xá này được khoảng hơn năm thì gia đình nàng mới bắt đầu dọn đến căn nhà ngay đối diện. Đặc điểm của gia đình mới đến này khiến mọi người trong khu phố đều chú ý là họ đông con quá, nhất là 9 cô con gái san sát nhau năm một, cô nào cũng xinh xắn, dễ nhìn. Cậu út Thịnh nhà bên đó học cùng lớp với thằng em của tôi nên không bao lâu thì tôi biết gần hết tên của các cô hàng xóm, chỉ là biết tên chứ chưa chắc đã biết rõ từng người, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm quà với bạn bè trong những lúc họp nhau tán chuyện gẫu . Từ hôm nghe tôi kể chuyện về các cô hàng xóm mới dọn đến cùng dãy phố thì nhà tôi đột nhiên đông đúc hẳn lên, mấy thằng bạn cứ viện cớ học thi, ôn bài mò đến nhà tôi như cơm bữa.

Ông cụ nhà tôi là thầy giáo nên tinh ý lắm, vào một hôm cụ bước lên ban công lầu bắt quả tang mấy thằng đang dàn hàng ngang vọng sang nhà hàng xóm thám thính, còn thằng Toản thì cứ ôm cây đàn tình tang, tang tình ảo nảo thì cụ hiểu ngay ẩn số của phương trình nằm ngay bên kia đường. Cụ thủng thỉnh ngồi xuống, sai chị tôi đi rót nước trà:

- Các anh dấu thì tôi cũng biết vì chúng tôi đã từng trải qua, nhưng các anh đừng quên tham vọng của con người! Điều kiện càng nhiều thì sự đòi hỏi càng cao. Theo tôi nhận thấy cái kiểu nhìn người bằng nửa con mắt ấy thì chắc chắn là "Phi khoa bảng bất thành phu phụ" rồi đấy. Các anh cứ tiêu phí thì giờ như thế này, chẳng mấy chốc thì cử nhân, tiến sĩ người ta đi đón dâu - còn Đồng Đế, Thủ Đức với các anh tuy xa mà gần đấy!

Lời khuyên can nhẹ nhàng làm bọn con trai đỏ mặt, tía tai! Chúng nó không dám bén mảng đến nhà tôi vì sợ ông cụ một thời gian, và ngay cả bàn học của tôi cũng bị dời lui vào bên trong góc sau nhà, không có một khe hở nào để nhìn ra bầu trời tươi sáng ngoài hiên tây nữa.

Chỉ vài tháng đầu bỡ ngỡ thì láng giềng cũng bắt đầu có cảm tình với gia đình mới đến. Với bối cảnh "Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung": Bố là công chức, mẹ buôn bán, tất cả con cái còn đi học trường công lập là những điều kiện không cao, không thấp để hoà đồng với bà con hàng xóm. Hàng ngày khi trời vừa tờ mờ sáng mặt trời còn chưa lên, tôi đã phải bò ra khỏi màn để học thi thì vừa lúc nhà bên kia cũng đã lên đèn sáng trưng. Bà U già (có lẽ là món của hồi môn cho theo với tiểu thư khi đi lấy chồng, rồi theo chủ di cư vào Nam và trở thành người thân cận ruột thịt của gia đình) cũng vẫn lối ăn mặc của người miền quê ngoài Bắc quanh năm không thay đổi: yếm trắng, áo nâu, quần đen, vấn khăn the. Khi tiết trời trở lạnh thì bà chít thêm cái khăn mỏ quạ trùm bên ngoài để che đỉnh đầu, khoác thêm cái áo len sẫm mầu huyết dụ và đeo thêm một món trang sức là chuỗi hạt bằng mã não. Tôi cũng bắt chước chị tôi gọi theo nhẹ nhàng là "U" cho gần gũi. Sáng nào cũng vậy, khi U kéo thùng rác ra cửa thì bên này chị tôi cũng làm cùng một công việc như thế. Cả hai cất tiếng chào nhau trong tiếng cười vui vẻ, thỉnh thoảng U còn hỏi thăm đến cả tôi:

- Cậu Giang hôm nay thức sớm quá! Chắc ôn bài phải không cô Thúy?

- Dạ thưa U, hôm nay em cháu đi thi đấy ạ!

- Thế đấy, thảo nào mà tôi thấy cậu ấy miệt mài học ngày, học đêm...

U mà còn để ý biết tôi học ngày, học đêm đến thế kia ? Tôi mỉm cười nhớ đến câu nói của ông thân tôi hôm nào "Phi khoa bảng bất thành phu phụ." Từ hôm gia đình này dọn đến thì ngay cả cây đàn guitar của tôi cũng không được phép lên tiếng trong nhà, ông cụ cấm tuyệt khiến tôi phải đem nó di cư qua nhà Toản để nhờ, nó phải kinh ngạc kêu lên:

- Gớm ông cụ nhà mày khó đến thế thì thôi!

- Ừ, ông cụ sợ tao biến thành anh Trương Chi...

Mỗi buổi sáng ngày nào cũng như ngày nấy, sau khi U kéo thùng rác ra ngoài cổng thì cùng với bà chủ đi ra chợ mở cửa hàng. Bà mẹ của các cô có dáng người cao và đẫy đà với nết đi khoan thai, đủng đỉnh yên lặng bước với khuôn mặt thường ngước lên và đôi mắt ít khi nhìn xuống đất. Rồi sau khi mặt trời vừa hé chiếu ra những tia nắng dịu của buổi bình minh thì mọi người bên đó lần lượt ra khỏi nhà, trừ mấy cô be bé và cậu út quý tử Thịnh chắc còn ngủ nướng vì học lớp chiều. Hai cặp chị em đèo nhau trên xe gắn máy vì họ đều học cùng một trường. Đợi khi những tà áo trắng vừa khuất sau ngã tư đường lộ thì tôi mới được phép dắt xe ra cửa, lúc nào cũng chạm mặt với ông bố nhà bên ấy đang khoá cổng nhà.

- Cháu chào bác ạ!

- Không dám, chào anh đi học.

Ngày nào cũng chào mà ngày nào ông ấy cũng không dám ... khiến tôi thấy ngại quá. Phải chi ông cụ tôi ừ một tiếng thì tôi đã chạm mặt với các nàng mỗi ngày, và có lẽ đời tôi cũng thay đổi khác tươi vui hơn nhiều! Nhưng cho dù các cụ có rào đón đến đâu cũng không thể lường trước được có một ngày tôi và cô nàng hàng xóm tình cờ gặp gỡ. "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau bởi bố đứng rình hai bên." Vậy mà cái ngày không hẹn mà gặp nhau ở nhà sách Khai Trí vẫn xảy ra như một giấc mơ đẹp, khi trong dòng người đứng chen chúc nhau giữa những dẫy kệ sách thì tay tôi và bàn tay nàng tình cờ chạm vào chung một quyển sách. Thuở ấy, các cô gái Sài Gòn thường ưa chuộng những đôi mắt bồ câu ngây thơ to tròn khi chớp mắt thì riềm mi cong khép lại như rủ hồn người chìm xuống, thậm chí các cô nào không có được tự nhiên thì phải học cách trang điểm sao cho có được! Quan niệm này đối với tôi trong ngày hôm ấy hoàn toàn bị đánh đổ vì đôi mắt nhung dài lá răm của nàng mới thật gợi cảm làm sao! Nàng tỏ vẻ e lệ cúi đầu chào vì nhận ra tôi, có lẽ nàng vừa tan buổi học và ghé thẳng vào đây tìm mua sách:

- Thưa anh Giang cũng chọn quyển sách này sao?

- Phải, có người nhờ tôi mua dùm. À cô ...

- Thưa vâng em tên Phương Tần.

Tôi không dám nhìn thẳng nàng lâu, nhưng thật ra hình ảnh nàng dường như đã được đóng lên khung trong tâm tưởng của tôi. Nàng có một thân hình mảnh mai cân đối, mái tóc xoả dài vừa chấm lưng đen mượt, cắt ngang thẳng mái trên trán và lơi dần xuống hai bên gò má, ôm gọn khuôn mặt thon nhỏ đầy đặn như một búp bê Nhật Bản mặc áo dài Việt Nam. Tôi đưa quyển sách cho nàng cầm và hỏi lại:

- Phương Tần đang học luyện thi tú tài II hả, ban gì vậy?

- Dạ vâng, em học ban A.

Nàng cúi đầu ngập ngừng một chút rồi nói:

- Em nghe nói anh mới thi đậu vào trường thuốc. Chúc mừng anh nhé.

- Cám ơn cô. Kỳ vừa rồi cũng nghe chị tôi nói lại là có cô nhà bên đó đậu tú tài I, hôm nay mới biết là Phương Tần.

Tôi để ý đến đôi bờ môi hồng tươi tắn dường như mủm mỉm cười sau khi nói xong một câu gì trông thật duyên dáng! Có những người chỉ được gặp thoáng qua một lần trong đời là sẽ in sâu vào tâm khảm. Trăng rằm 15 là vầng trăng vừa đúng độ tròn, nhưng trăng sáng tuyệt mức phải là khuôn trăng 16! Phương Tần đúng là khuôn trăng 16, là hoa đương độ xuân thì toả hương êm dịu làm ngây ngất hồn người, và hồn tôi cũng choáng váng kể đi từ ngày hôm ấy! Ai bảo em là giai nhân, cho lòng anh đau khổ? Và dù có đau khổ đến đâu cũng không thể bê trễ việc học hành, không những thế tôi lại càng chăm chú học dữ dội hơn nhiều! Ông cụ tôi thường ngắm nhìn tôi gật gù dưới cặp mục kỉnh với vẻ hài lòng: "Con trai thì phải thế chứ lị! Làm trai cho đáng nên trai, sau này đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa mấy chốc!" Thế là một hôm cụ đi Bình Dương sắm về một bức tranh sơn mài phong cảnh dân gian nổi tiếng "Ngựa anh đi trước - võng nàng theo sau" trịnh trọng treo trên tường phòng khách nhà tôi. Tôi vốn chẳng mấy để ý mấy loại nghệ thuật này nhưng sự thật đôi lúc nhìn lên tường và ngắm nhìn nó cũng làm tôi rất mơ ước, một ngày nào cô dâu trên kiệu hoa được tôi đón về nhà là Phương Tần.

U già thỉnh thoảng ghé qua nhà tôi chào hỏi và gửi cho mẹ tôi ít vôi trầu biếu bà nội của tôi mà U nhân tiện ra chợ mở cửa hàng từ ban sáng mua về. Cả hai người đều xơi trầu cắn chỉ nên quí hoá nhau lắm, vả lại U cũng thích hỏi thăm mẹ tôi và chị Thuý cách nấu vài món ăn cỗ thịnh soạn nên hai bên đều tương đắc. Khi tình cờ gặp tôi trong nhà, U ân cần chào hỏi, và rồi U lại hướng về phía các gia trưởng mà phân trần với một giọng tràn đầy thán phục:

- Thế đấy học hành đỗ đạt chẳng phải là việc dễ dàng như lấy đồ trong túi đâu ạ! Thấy cậu Giang là như thấy sách; các cô bên nhà cháu cũng thế đấy ạ!

Bà nội tôi nghễnh ngãng nên hỏi thăm các cô bằng một giọng to tiếng, thế là U được dịp thưa cụ về các tiểu thư nhà mình. Trong phòng ngồi học, tôi thường chú tâm lắng nghe, nhưng ngoài những lời ca tụng Phương Nga, chưa bao giờ U nhắc về cô gái lớn Phương Tần cả? Nếu có ai hỏi, U thường nói qua loa rồi đánh trống lảng. Nỗi thắc mắc này đã ám ảnh tôi thật nhiều, cho đến một hôm thu hết can đảm, tôi sửa soạn sẵn và làm như tình cờ dắt xe ra cổng cùng lúc U đứng dậy chào để đi về. Có lẽ tôi đã quá sỗ sàng làm U giật mình, nhưng tôi đã không thể nào kiềm chế được lòng mình nữa.

- Thưa U, cho cháu hỏi thăm cô Phương Tần có khoẻ không ạ?

- !?!?

- Cháu xin lỗi U, cháu chỉ muốn hỏi thăm vì dạo này thấy cô ấy xanh xao quá.

- Cám ơn cậu Giang, cô Tần chúng tôi cũng mãi lo học thi nên quên ăn biếng ngủ gầy ốm đến thế đấy!

U đột ngột biến sắc mặt, gượng gạo chào tôi rồi rảo bước về nhà, và từ hôm đó tôi biết ý, tránh không gặp U nữa. "Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên - Tôi đã đày thân giữa xứ phiền - Không thể vô tình qua trước cửa..." Tôi đột nhiên nhớ mấy câu thơ của Xuân Diệu và thầm trách ông tại sao lại viết một câu cuối rất đau cho một mối tình vừa chớm nở : Không thể vô tình qua trước cửa - Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên? Chi Thuý tôi thỉnh thoảng đùa vui những câu vô tình khi tôi tiếp đón đám bạn thời trung học thỉnh thoảng vẫn ghé nhà tôi chơi mặc dầu nay đã chia nhau đeo đuổi chí hướng riêng của mình: thằng kiến trúc, thằng thì học luật, thằng theo sư phạm...

- Các cậu chấm cô nào để chị làm bà mai lãnh đầu heo cho nhé!

- Tiên chủ hậu khách, chị Thuý ơi! Giang mày nói đi, cô nào thuộc phần mày chấm rồi thì anh em nhất định sẽ kính nhi viễn chi?

- Làm gì dám, ông cụ tao đặt đâu thì tao ngồi đó.

Cả bọn rũ ra cười. Toản bất chợt ngâm nga làm tôi điếng người sợ bố tôi nghe được :"Mây Tần ơi!...cho Giang nhắn vài câu..." Thế là chị tôi biết tôi yêu Phương Tần, nên chị bắt đầu giúp tôi làm cánh nhạn đưa tin. Hôm chị nhắn tôi ghé trường đại học văn khoa đón chị thì được giới thiệu với một người bạn gái của chị sắp lên xe hoa cuối tháng, lại có em gái là bạn cùng lớp thân với Phương Tần, nên hai cô sẽ là phù dâu trong tiệc cưới. Được gặp nhau bằng những duyên cớ tình cờ như thế ai lại dám bảo rằng chúng ta vô duyên với nhau nhỉ? Hôm đó Phương Tần đẹp như một đoá phù dung ngát hương dưới ánh bình minh, tươi mát như giòng suối, và dịu dàng như một cành liễu thướt tha bên hồ gió thoảng. Nếu ai hỏi tôi làm sao cắt nghĩa được tình yêu thì quả là một điều thừa thãi, nhưng bảo tôi tỏ tình với nàng thì tay chân tôi chính là sự thừa thãi! Dù sao thì tôi cũng được nhìn thấy nàng cho thoả niềm mơ ước và ngây ngất choáng ngợp giữa những cô thiếu nữ yêu đời trong những mầu áo dài hồng phấn phù dâu, tìm kiếm đôi má ửng hồng, đôi mắt đen dài ánh lên lời tình tự khi tia nhìn của tôi và nàng tình cờ chạm vào nhau. Giá mà dòng đời cứ êm đềm như thế, cho đến khi tôi được đại đăng khoa để có điều kiện nộp đơn xin làm rể đông sàn nhà nàng thì hàng xóm, láng giềng sẽ được dịp rước dâu qua nhà hai họ cùng một khu phố thì tiện biết mấy...!

Thế mà trời ơi!...Thu đi cho lá vàng rơi, lá rơi cho đám cưới về... cô phù dâu mới hôm nào đã trở thành dâu người ta ngày hôm đó khi sách vở vẫn còn thơm nồng mùi mực tím. Ai đó bảo rằng "Đệ nhất buồn là cái hỏng thi!" nhưng đối với tôi thì mất người yêu còn đau hơn nữa, hỏng khoa này ta còn có thể thi lại, có thể đậu khoa sau! Nhưng biết bao uất ức - chua xót - bàng hoàng không nói được nên lời... khi nhìn thấy thiệp hồng báo tin đặt cạnh gói bóng kính cặp bánh cốm, trà sen đặt ngay ngắn trên bàn như nhoà đi vì nước mắt! Chị Thuý biết tôi khổ lắm, nhưng biết được rồi sao đây khi dòng đời của tôi và Phương Tần bắt đầu đi đến ngã rẽ... Sự phân ly của định mệnh như nhát dao cắt vào tim khiến tôi như đột ngột muốn ngã quị, muốn cầu xin thượng đế hãy giữ dùm tôi tất cả những cảm giác dù là vui sướng lẫn u buồn! Hay xin cho tôi thành kẻ vô tri để không còn có thể ghi nhớ được bất cứ một hình ảnh nào của nàng nữa...

Ngày Phương Tần lên xe hoa về nhà chồng là ngày tôi trốn khu phố chung, bỏ học đi lang thang mà không biết đi đâu... Cứ đi cho đến tận cùng của thế giới, đi cho đến khi có thể quên... , nhưng bầu trời hôm ấy thật đẹp quá! Nắng vàng tươi như đang cùng gió hoan ca những lời tình tự trong khi tôi lại rất cần một chiều mưa lướt thướt để an ủi cõi lòng ấm lạnh! Người xung quanh nào biết tôi buồn, vẫn cặp kè dìu nhau đi trên hè phố đông ... nào biết được hôm nay trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi? Tội nghiệp em tôi...

Bước chân nào đưa tôi dừng lại trước cửa tiệm của ông phó nhòm nổi tiếng chụp hình chân dung cho các cô gái Sài Gòn. Bức hình mà ông đang lui cui chưng bày trong lồng kính khiến tôi loạng choạng! Phải chăng là hình ảnh của Phương Tần - người tôi yêu dấu đang sắp sửa đổi tên thành phu nhân của một sĩ quan? Tôi dừng lại như bị chôn chân xuống đất, mắt nhoà đi, quay cuồng trong hụt hẫng, chơi vơi... Sao định mệnh còn có thể tàn ác trêu ghẹo tôi cho đến giờ phút này? Không biết bao lâu thì nghe tiếng trầm ấm bên tai:

-Anh buồn lắm phải không? tôi biết thất tình khó chịu lắm. Anh vào tiệm ngồi một lát nhé.

Tôi gạt nước mắt líu díu theo ông phó nhòm vào tiệm và ngồi xuống chiếc ghế khách bên cạnh bàn làm việc của ông. Ông vào phòng rửa phim một lát thì bước ra trao tặng tôi một phong bì đựng bức chân dung của Phương Tần. Ông kéo ghế ngồi cạnh tôi, lẳng lặng châm thuốc hút một hơi dài, rồi từ từ nhả ra những cụm khói vòng lãng đãng trong không khí:

- Cách đây vài hôm, có một thiếu nữ trẻ đứng tần ngần trước cửa tiệm tôi y như cậu vậy! Tôi công nhận cô ấy là một người con gái rất duyên dáng, một người mẫu rất lý tưởng cho những người làm nghệ thuật như tôi. Tôi cứ ngồi ở trong ngắm mãi, dường như cô ấy đang có chuyện buồn, đôi mắt u ẩn như băn khoăn, như thất vọng ... khiến tôi không thể yên tâm làm việc của tôi được! Cho đến một lúc cô ấy dợm bỏ đi thì tôi vội vàng đứng dậy chạy ra chào và ngỏ ý muốn chụp hình cho cô ấy không lấy tiền công, chỉ xin cô ấy cho tôi chưng hình trong cửa tiệm mà thôi. Suy nghĩ một lúc thì cô ấy bằng lòng theo tôi vào để bà xã tôi trang điểm sơ sài thôi ấy mà... gớm tưởng đâu xa lạ, tôi biết gia đình bên nhà chồng cô ấy vì có chút dây mơ, rễ má - danh giá, nhân đức lắm chuyên cứu người sa cơ, lỡ vận - cho vay để người ta có cơ hội làm lại cuộc đời, có điều hơi nặng lãi thôi!... Cái khoản này thì lại khác, nghe đâu họ ra hẹn giạm ngỏ từ lâu, vừa xong tú tài toàn phần là họ đón dâu liền... con gái học nhiều chỉ để chửi chồng chứ ích lợi gì đâu. Cô ấy cứ ôm mặt khóc... kể cũng lạ, sao cậu lại tình cờ đi ngang qua đây ngày hôm nay nhỉ... thần giao cách cảm chăng? Cũng nhờ vậy mà tôi lại nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ đấy. Nhưng xin lổi cậu, tôi lại lẩm cẩm mượn câu của thiền môn nói với cậu nhé... không cũng là có mà có ccũng là không, chi bằng gió thổi mây tan cậu ạ...!

Tôi thẩn thờ cầm phong bì đi ra cửa... Tôi sẽ đi hết ngày hôm nay rồi thôi! Con người phải tự hiểu lòng mình, nàng đã phải bỏ cuộc đời tươi đẹp để trả nợ ân tình của gia đình - còn thân tôi thì sao, nào phải của riêng tôi! Hơn tháng nay, người thân trong nhà đã phải yên lặng chịu đựng theo tôi, bố mẹ tôi đã nén bao tiếng thở dài lo lắng tôi không vượt qua được cơn bão tình - huỷ bỏ đi một tương lai sáng lạn! Tôi phải cố gắng trở về đời sống cũ, nhưng hỡi ơi ... hình bóng của Phương Tần có lẽ là ... sống để dạ, chết mang theo chứ còn làm gì hơn được nữa?

Không biết cách nào đã giúp tôi đi qua những ngày tháng u buồn sau khi Phương Tần không còn ở bên kia đường thân quen nữa! Tôi vẫn âm thầm ngày ngày mở cổng nhà đi học sớm hơn các cô hàng xóm để không còn nhìn thấy những tà áo thướt tha khuất sau góc phố; để không còn nghe thấy tiếng chào của ông bố đáng thương; hay trông theo dáng đi chậm rãi của mẹ nàng ra chợ! Có hôm tình cờ tôi vừa dắt xe ra cổng thì gặp phải U già đang kéo thùng rác ra ngoài, mặt U buồn rười rượi khiến tôi không dám lên tiếng chào - Nhưng tôi bất chợt cảm thấy đau nhói trong tim khi thấy U lén giơ tay chùi nước mắt khi hỏi thăm tôi:

- Cậu Giang lên trường sớm quá nhỉ?

- Thưa Vâng ...!

Tôi ngần ngừ, tên người yêu dấu của tôi đã đến trên bờ môi - mà tôi cố dằn lòng không nói. Còn có tư cách gì để hỏi khi cuộc đời nàng đã thuộc về người khác? tôi chỉ còn có thể gọi được trong giấc chiêm bao mà thôi! Thế mà U đột ngột nắm cánh tay tôi và sụt xùi:

- Tội cô Tần nhà tôi... giá mà đợi được cậu Giang thì đã không khổ!

Thế nghĩa là Phương Tần của tôi đang rất khổ - họ hành hạ nàng ra sao?... Một thiếu nữ mười tám thơ ngây ngày

Một thiếu nữ mười tám thơ ngây ngày ngày cắp sách đến trường cho đến khi xuất giá nào biết gì về tình đời gian ác bên trong! Tôi cố nén tiếng thở dài chào U rồi quay đi để U không nhìn thấy những giọt buồn đang thánh thót rơi trong lòng tôi u uất. Ai đã từng thực sự yêu một người khi mộng không thành - mới biết được rằng quên đi là rất khó! Nỗi sầu dâng đầy vơi trong lòng và nỗi nhớ nhung cứ giá buốt trong tim mà không thể tâm sự cùng ai ngoài những tìm quên trong sự bận rộn với những buổi thực tập nơi nhà thương hay những lần gác trực đêm trong phòng chứa xác. Bên cạnh những thây người lạnh tanh nằm bất động, chỉ có một mình tôi là cái xác còn chứa đựng một linh hồn. Những động mạch chủ trong cái xác người nằm đây ngày nào còn đưa máu về tim; luân chuyển cùng khối óc cho bao cảm giác hạnh phúc lẫn khổ đau, nay đã đoạn lìa sinh khí nằm bất động - mà sao những người còn đang sống đó không biết bao dung cho đời bớt đi nhiều thảm cảnh! Sao người ta có thể lạnh lùng dang tay hành hạ một thiếu nữ cô đơn giữa những tị hiềm, ghen ghét của nhân tình thế thái? Nàng có tội gì đâu ngoài những lần trốn về thăm nhà, họ cũng cho người tìm ngay đến cửa mời về ngay lập tức mặc cho những em thơ chạy theo níu áo chị, những giọt lệ tủi hờn ân hận của đấng sinh thành đã lỡ đưa con mình vào chốn lầm than mà cứ tưởng là gửi gấm được vào ngã đường hạnh phúc!

Cuộc sống nàng cơ cực thì đời tôi cũng rất tịch liêu, niềm vui của lứa tuổi thanh niên hầu như đã không còn nữa cho dù son phấn lụa là vẫn còn bao quanh trước mắt. Gia đình tôi muốn tôi hướng về Phương Nga khi danh tiếng hoa khôi của nàng được lên đầy trên khuôn các báo chí thủ đô tường thuật về ngày lễ hội Hai Bà Trưng do chính bà cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ đạo trên công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng. Hai cô nữ sinh của hai trường nữ trung học lớn nhất Sài Gòn được tuyển chọn làm Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi thảo cầm viên biểu diễn cho dân chúng xem là những tấm hình đắt giá mà báo chí đua nhau đăng tải, khiến cả khu phố vui lây và có thể cũng mang được nỗi buồn về Phương Tần của gia đình nàng đi nơi khác! Tôi có thể đọc thấy sự hãnh diện trên những lời cám ơn nhũn nhặn để đáp lễ sự khen tặng của lối xóm dành cho Phương Nga của bố mẹ nàng - với tiếng cười ra tiếng mà chưa bao giờ tôi được nghe. Phương Nga tốt số bao nhiêu thì tôi lại càng se thắt khi nghĩ đến sự hẩm hiu của Phương Tần bấy nhiêu.

Cho đến một ngày tôi vừa đến đầu ngõ, thì thấy mẹ của nàng đang hớt hơ, hớt hãi đón xe - tóc bà xổ bung ra mà bà không màng chải lại, U già lếch thếch xách giỏ chạy theo sau nước mắt ràn rụa khiến tôi kinh hoảng như linh tính một chuyện chẳng lành, tôi tưởng rằng bố nàng xẩy ra chuyện nên vội vàng rồ máy xe chạy theo U gọi với:

- Thưa U, bác định đi đâu cho cháu giúp ạ?

- Cô Tần tự tử rồi cậu Giang ơi! Người ta mới chạy qua cho hay họ đưa và bệnh viện Sài Gòn nên chúng tôi đang đón xe đến đó!

Tôi choáng váng như vừa bị một cú nốc ao, thảng thốt kêu lên:

- Bác lên xe cháu ngay, cháu đưa bác đến nhà thương chứ đón xe thì lâu lắm! U đến sau nhé.

Người mẹ đáng thương như người đang bị đắm vớt được phao, không khách sáo như mọi ngày "Cám ơn cháu, nhờ cháu đưa bác đi ngay cho.." bà nghẹn lời xanh tái cả người khiến tôi phải cố gắng bảo bà ngồi vững để tôi phóng xe chạy càng nhanh càng tốt. Bao lời cầu nguyện rối rắm của tôi không biết trời phật có thể nghe được không, nhưng nó cũng làm tôi giữ được bình tĩnh đưa bà đến phòng cấp cứu của bịnh viện! Tôi khoác áo choàng trắng đeo thẻ sinh viên thực tập nên dễ dàng đưa bà thẳng vào phòng của Phương Tần đang nằm điều trị. Lần đầu tiên tôi được trông thấy gia đình bên chồng của Phương Tần tuy không đầy đủ, chỉ có một bà già chải chuốt và ba thiếu nữ đứng thờ ơ bên cạnh. Tôi vừa nhìn thấy họ là hiểu ngay cái địa ngục mà Phương Tần đang sống thê thảm như thế nào, đến nỗi tuyệt vọng phải tự tử! Mẹ nàng hét lên:

- Taị sao con tôi ra nông nỗi này? Mấy người đã làm gì hả?

Bà già kia thấp giọng trả lời với hàm răng nghiến kèn kẹt:

- Chi dậy con chị thế nào mà đi làm dâu nhà người ta bất hiếu như thế? Nó muốn làm mất danh giá của gia đình tôi, bêu xấu chúng tôi để mấy đứa con tôi ế chồng phải không?

Mẹ Phương Tần như người mất trí lên không còn biết sợ gì nữa, bà chồm lên gào to trong tiếng khóc làm mấy mẹ con nhà nọ hoảng hồn nép vào nhau:

- Mấy người về lấy gương soi mặt xem mình là người hay là dạ xoa hả... Khi con bà muốn lấy con tôi thì bà ngon ngọt đủ điều, khi lấy về rồi thì đua nhau hành hạ nó, đầy ải nó khiến nó đành chết đi cho xong... Tần ơi! Con có mệnh hệ nào thì mẹ làm sao sống hả con...

Tôi ôm người mẹ đau khổ trong vòng tay, trợn mắt nhìn họ giận dữ. Chắc tôi có dáng vẻ oai phong nên bốn mẹ con đang khinh bạc bỗng nhũn ra như con chi chi! Họ rỉ tai nhau thì thầm rồi kéo nhau đi dạt về một góc hành lang. Một cô ngồi xuống dựa vào băng ghế với một tư thế bắc chéo chân, xoè áo đầm rất điệu - hình như cô ta đã quên mình đang ở nhà thương chứ không phải trên sân khấu trình diễn! Lúc đó U già đến, U bước thấp bước cao lúp xúp chạy theo chân ông y tá dẫn đường vì tôi đã nhờ ông giúp hộ. Tội nghiệp, chắc U đã khóc suốt dọc đường nên hai mắt đỏ ngầu và xưng húp! Tôi nhờ U chăm sóc mẹ Phương Tần để cùng ông y tá đi tìm bác sỹ trực, khi tôi quay trở lại thì cả nhà nàng đã đến đông đủ đứng ngồi chật hết một khoảng hành lang bịnh viện. Gia đình chồng nàng thì vẫn chỉ có bốn mẹ con ngồi một chỗ với vẻ bẻn lẻn khác hẳn lúc ban đầu. Bác sĩ trực săn sóc cho Phương Tần là người điềm đạm, ông đứng thẳng giữa đám người của hai nhà nói bằng một giọng rất ôn tồn:

- Thưa các ông bà yên tâm vì tình trạng của cô Phương Tần đã qua giai đoạn nguy hiểm; hiện tai chúng tôi vẫn tiếp tục truyền nước biển, có lẽ cô sẽ tỉnh dậy trong vòng 24 đến 48 tiếng đồng hồ. Cô đã uống một lượng thuốc an thần khá cao trong lúc cơ thể của cô đang suy yếu, may là có người kịp thời phát giác. Chúc mừng ông bà, ái nữ của ông bà nhờ trời phù hộ đã được hồi sinh.

Ông ngừng lại nhíu mày vì trông thấy cái trề môi của bà mẹ chồng khi bà khinh khỉnh quay mặt đi chỗ khác. Ông im lặng một thoáng rồi nói tiếp trước khi bước đi:

- Chúng tôi phát hiện trên mình cô Phương Tần có nhiều vết bầm như roi vọt. Khi cô ấy tỉnh dậy chúng tôi sẽ lập biên bản.

Mấy người biết chết rồi nhé - tôi chăm chú nhìn bọn người độc ác khiến họ biến sắc mặt lúng túng muốn rút lui. Mẹ nàng đột ngột lên tiếng:

- Bà đứng lại đó cho tôi! Tôi hỏi bà tại sao anh Đôn không đến. Một người làm chồng có thể như vậy được sao?

- Anh Đôn nhà tôi đến để làm gì? Con gái của chị không biết giữ phụ đạo, làm chồng mang tai tiếng xấu hổ như thế mà chị còn dám hỏi đến tên con trai tôi hay sao?

- Vậy bà bảo với anh ấy từ nay sẽ không có cơ hội đến nhà tôi nữa. Sau khi con gái tôi khoẻ lại, tôi sẽ đưa nó về nhà, bà bảo anh ấy ký giấy ly dị đi.

- Chị đừng có mà nằm mơ, ai đã bước vào cửa nhà tôi thì đừng hòng bước ra khỏi bàn tay tôi. Bộ rằng tôi rước nó về suông đấy? Cái đám cưới linh đình bộ ở trên trời rơi xuống hay sao?

- Thế sao bà không rước người đàn bà dắt con đến cửa nhà bà đòi cha đấy? Nếu anh ấy không muốn to chuyện bẽ mặt thì buông tha con gái tôi ngay đi.

Bà kia nín thinh lập tức không còn trả cheo nữa, khuôn mặt đanh lạnh và xám ngoẹt lẳng lặng theo mấy người con gái đi về hướng cổng ra. Bố nàng ghé vào tai vợ thì thầm vài câu khiến bà run rẩy ngồi phịch xuống băng ghế thẩn thờ với hai dòng nước mắt từ từ lăn xuống:

- Thà mang tiếng xấu gì cũng cam, cứu được lần này chưa chắc có lần sau... Tôi nuôi con được thì nuôi cháu được, không thể để nó khổ mãi... may mà họ chưa biết!

Tôi thở ra nhè nhẹ như được cất xuống khỏi vai một tảng đá vô hình. Em tôi đã thoát khỏi cái gông cùm hôn nhân man rợ thì còn nỗi vui mừng nào có thể so sánh bằng cho được? Cho dù em có mang đầy thương tích thì cũng chóng lành mà thôi... Trong lúc Phương Tần còn hôn mê thì tôi xin được ông bà gửi gấm ở lại với U già để săn sóc nàng suốt đêm hôm ấy, tôi chính tay thay từng bao nước biển cho nàng khiến U cảm động than van:

- Khổ thân cô Tần chúng tôi quá... không biết sau này có được phước phần gì không?

Tôi im lặng ngắm nhìn khuôn mặt người thiếu nữ đang nằm thoi thóp trên giường bịnh, đôi mắt nhắm nghiền với hơi thở thật mong manh. Lần đầu tiên tôi được ngắm nàng với tấm lòng thanh thản. Nếu em không chê bai thì tôi quyết sẽ dìu em đi đến tận góc biển, chân trời - quên lãng hết những đau thương bi hận của cuộc đời! Nếu chúng ta có thể chờ nhau được... nếu chúng mình có thể đợi chờ cho đến ngày ấy...

Qua một đêm thức trắng, tôi vội vàng về nhà sửa soạn đến trường. Có lẽ bố mẹ của nàng đã qua nhà xin phép cho tôi, nên gia đình tôi đã biết Phương Tần đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Bà nội tôi cứ xuýt xoa niệm phật trong lúc bố tôi đăm chiêu không nói một lời. Mẹ tôi gọi với khi tôi định dắt xe ra cửa:

- Vào ăn một chút gì rồi hẵng đi, Giang ạ!

Tôi tươi tắn mỉm cười:

- Thưa mẹ con phải đi vội kẻo trễ, con sẽ ăn ở trường.

Chi Thúy nhìn tôi âu yếm nói đùa:

- Lâu lắm rồi không thấy cậu cười vui như thế... thôi lái xe đi cẩn thận nhé. Chút nữa chị sẽ đưa mẹ vào nhà thương thăm Phương Tần.

Chị tôi đã nhận xét không sai, làm sao tôi không vui được khi trong lòng đang tràn đầy hy vọng? Những gì tưởng đã bị mất đi vĩnh viễn chợt trở về cho dù đã trải qua những đắng cay, đau khổ! Những con đường đời chia trăm ngã rẽ cũng có những lúc hội tụ ở vòng tròn. Một niềm tin về duyên phận mơ hồ và vô căn cứ lúc nào cũng ám ảnh trong lòng tôi, nên sự gẫy đổ của cuộc hôn nhân chưa được tròn năm ấy của Phương Tần khiến tôi mơ mộng đến những điều hạnh phúc của một cuộc sống lứa đôi giữa tôi và nàng sẽ không còn trắc trở nữa.

Chiều tối hôm ấy, khi tôi trở lại bịnh viện thăm nàng thì Phương Tần đã tỉnh dậy! Nàng ngồi trên giường với các em gái vây quanh, có lẽ các cô bé đi học về thì được đưa thẳng vào thăm chị, nên cô nào cũng xúng xính trong những tà áo dài trắng. Phương Nga đang gọt cam, trông thấy tôi vào thì e lệ chào với hai gò má đỏ hồng, hai cô khác đang chải đầu và bím tóc cho nàng, còn mấy cô be bé quấn quýt lăng xăng nhưng những tiếng cười rộn rã chợt im bặt, vội núp sau vai của các chị lớn, đưa những cặp mắt ngây thơ hướng về tôi như những chú nai vàng ngơ ngác. Bố mẹ nàng đang ngồi với cậu út Thịnh cũng vồn vã ngỏ lời cám ơn tôi, mẹ nàng nhìn tôi thật cảm động:

- Thật lòng hai bác không biết nói sao với nghĩa cử của cháu hôm qua! Lúc nãy bà và chị Thúy bên nhà có ghé thăm mà còn đem đến nhiều quà cáp quá... thật là ái ngại!

Tôi trả lời với vẻ ngượng nghịu làm các cô dúi vào nhau khúc khích che miệng cười, chỉ một mình Phương Tần ngồi bất động, đôi mắt buồn nhìn xa xôi, câm nín! Bố nàng chợt lên tiếng bảo các con:

- Chúng ta về nhà đi thôi, để U còn đem cháo lên cho chị nữa. Anh Giang nán lại về sau nhá!

Bầy thiếu nữ khoanh tay chào từ tạ tôi rộn rã khiến tôi không biết nói sao để đáp lễ. Khi căn phòng trở lai sự im vắng, tôi vẫn ngồi yên cho đến khi nàng lên tiếng nói. Ôi! giọng nói nhẹ nhàng đến mơ hồ làm tim tôi quặn thắt:

- Anh Giang ạ! Tần cám ơn anh đã săn sóc Tần hôm qua với lương tâm tận tuỵ của một người thầy thuốc; nhưng có lẽ từ nay Tần sẽ cố lánh không gặp anh nữa để tránh những chuyện không hay cho hai nhà sau này!

Tôi nghẹn lời, buồn bã cúi đầu suy nghĩ rồi ngẩn lên nhìn thẳng vào nàng nói quả quyết:

- Nếu sau này Tần chọn anh để đi bước nữa thì xin cho anh thời gian để học hành đến nơi, đến chốn... chúng ta có thể chờ đợi nhau được mà, phải không?

Hai giòng lệ từ từ lăn xuống đôi gò má xanh xao, nàng không nói thêm gì nữa. Sự yên lặng của bao lời không thốt lên trong lúc này khiến tôi cảm giác được sự đau khổ đang dày vò trong lòng người thiếu nữ đã đánh mất tuổi xuân thì. Tôi cũng không thể ép nàng một lời hứa trong khi tôi cũng chưa thể chứng minh cho nàng một lời thề chung thuỷ! Cao xanh ơi, nguyệt lão ơi! Xin hãy giữ chặt hộ tôi sợi tơ hồng này cho dù biển cạn, núi mòn. Xin hãy vẽ cho chúng tôi hai con đường song song cho dù cheo leo hiểm trở; hay xin cho dù năm tháng có phôi pha - chúng tôi vẫn còn một điểm hẹn ở một vòng tròn tương ngộ...!

Phương Tần đã được đưa về nhà, nhưng hầu như nàng không bước ra khỏi cửa. Tôi yên tâm học để lấy cho xong mảnh bằng bác sĩ. Cuộc đời chúng tôi quả thật đang bước song song cho đến một hôm, tình cờ tôi đi về nhà thì thấy bên đường nhà nàng có tiếng ồn ào, phố xá hai bên lối xóm chụm nhau đứng xem bàn tán. Tôi giật mình nhìn kỹ lại thì thấy bà già chồng và mấy cô con gái bà đang đứng trước cửa phân bua với mọi người bằng một giọng hung hãn:

- Các ông, các bà nghĩ dùm chúng tôi xem họ làm như thế có được không nhé! Tôi tốn bao tiền của làm đám cưới rình rang để họ nở mặt, nở mày; trong khi họ gả con không có một món của hồi môn nào đáng giá!... Ngày này họ bắt con gái về, tôi cũng cam chịu, nhưng đến cháu nội đích tôn của tôi mà họ không cho khai sanh họ bố nó thì có còn là người nữa không hở quý ông, quý bà?

Một người hàng xóm lên tiếng:

- Bà tiếc của thì sao lại để cho người ta bắt dâu của bà về được? Ai cũng khổ đủ rồi, muốn gì thì bà lên ông liên gia trưởng mà thưa kiện, chứ bà làm ồn ào như thế này còn ra thể thống gì nữa chứ; tôi nói có phải không các bác?

- Phải đấy, ai lại tự đi bôi tro trét trấu vào mặt mình như thế nhỉ... bà đi về đi đừng làm mất sự yên tĩnh của khu phố chúng tôi nữa!

Mấy mẹ con tẽn tò, chưng hững nhìn lối xóm nhà nàng mà không biết đối đáp ra sao thì bố nàng mở cổng bước ra vòng tay chào mọi người rồi ôn tồn nói:

- Gia đình chúng tôi thành thật xin lỗi các chú bác lối xóm vì sự việc ngày hôm nay. Tuy rằng duyên phận giữa hai nhà từ nay đoạn tuyệt, chúng tôi cũng hiểu đạo lý cây có cội, nước có nguồn! Bà về bảo anh Đôn đến phòng khai sinh điền tên cha cho cháu như vậy là ổn thoả rồi. Anh ấy đã có vợ thì trước sau gì bà cũng có cháu đầy đàn, xá kể gì đến một đứa trẻ lạc loài thưa bà?

- Ông nói cái gì thế? Con gái ông là dâu chính thức có tiền cheo, có sính lễ cưới hỏi của tôi. Thằng bé này là cháu đích tôn của tôi mà ông không cho chúng tôi nhìn mặt, ông lừa con trai tôi ký đơn ly dị để chúng tôi mất cháu phải không?

Bố nàng đứng yên rồi quay vào đóng cửa lại không nói thêm một lời nào mặc kệ bà già bù loa lên khóc! Mấy cô con gái bà ta xấu hổ kéo tay bà lôi đi:

- Mình đi về thôi mẹ, có gì thì để anh Đôn tính xem sao...

Tôi lẳng lặng dắt xe vào nhà và khựng lại khi thấy cả gia đình tôi đang ngồi đông đủ ngoài phòng khách. Bố tôi nghiêm nghị bảo tôi ngồi xuống ghế rồi chậm rãi nói từng chữ:

- Chắc con đã được chứng kiến đầy đủ rồi phải không? Câu chuyện xảy ra tuy rằng ngoài ý muốn của ông bà ấy, nhưng ta muốn nhắn cho con biết một điều là cho dù cho con có một lòng một dạ với Phương Tần, con cũng phải cố mà quên vì ta cũng không bao giờ chấp nhận cô ấy là dâu trưởng của gia đình ta! Trừ phi con ưng Phương Nga thì chúng ta mới cậy người mai mối trước..

Tôi lặng đi không nói được một câu nào, ngồi yên một lúc tôi mới cố gắng trả lời:

- Thưa bố, con còn hơn ba năm nữa mới ra trường, xin bố để thư thả...

- Với Phương Nga thì khối gì đám đang ngắm nghé, thôi được tùy con định liệu vậy.

- Nhưng Phương Tần...?

- Đừng nói đến Phương Tần trước mặt ta. Ta rất thương hại con bé ấy, nhưng gia đình ta không thể lấy cháu đích tôn của người về làm của mình để thiên hạ dèm pha được!

Thế là hết, dẫu biết rằng tôi không thể cãi lời ông cụ, nhưng bảo tôi quên nàng đi thì chắc tôi làm không được! Tôi chưa bao giờ nhìn rõ Phương Nga, nên bảo tôi làm tính để so sánh hơn thua về nhan sắc của hai chị em thì tôi cũng đành bó tay. Nhưng tôi vẫn nuôi một sự tin tưởng trong lòng rằng thời gian sẽ đem đến nhiều đổi thay tốt đẹp nếu mình vẫn cương quyết giữ vững lập trường.

Một hôm chi Thuý đến bên cạnh tôi, chị đặt trên bàn chén chè hạt sen và nhìn tôi âu yếm:

- Em không sao chứ? Những lời bố nói về Phương Tần có làm em buồn không?

- Em không buồn đâu chị ạ, nhưng em lo lắng vì cô ấy rất tự trọng, em sợ sẽ tan mất nếu cô ấy biết được ông cụ mình nghĩ như vậy!

Chị cầm xâu chìa khoá lắc leng keng trước mặt tôi, mỉm cười hỏi:

- Em nhìn xem có khéo không?

Trên xâu chìa khoá có treo một con búp bê nhồi bông nho nhỏ mặc áo đầm ren, tóc kết bằng len sợi loăng quăn, tay chân mang găng và giầy rất gọn ghẽ, đặc biệt đôi mắt và miệng được vẽ rất xinh xắn. Tôi bật cười nhìn chị:

- Sao tự nhiên lại điệu thế này, đi chơi búp bê nữa?

- Tác phẩm của Phương Tần đấy, em xem có tài hoa không, cô ấy tự làm từ đầu đến cuối!

Tôi kinh ngạc nhìn lại con búp bê được tạo nên bằng những ngón tay dịu dàng của Phương Tần, không ngờ nàng lại khéo đến thế. Chị Thuý đặt một cái hộp đựng một con búp bê khác vào lòng bàn tay tôi:

- Giữ cẩn thận đừng đánh mất nha em!

Tôi bồi hồi xúc động hỏi khe khẽ:

- Cô ấy chắc khoẻ phải không chị?

- Rất khoẻ, chị nghe kể rằng lúc ban đầu tha thẩn trong nhà hoài không có việc làm, bố mẹ lại không cho ra chợ phụ bán hàng. Phương Tần xem tranh hình hoạt hoạ rồi nghĩ cách làm ra búp bê như thế. Mấy em gái đem vào trường bán thử cho các bạn, không ngờ được ủng hộ nhiều quá, nên bây giờ cả nhà phải phụ cô ấy. Chị nghe vậy hôm qua cũng lấy vài kiểu đem vào Văn Khoa giới thiệu không ngờ cũng bán được hết ngay. Chợ Sài gòn cũng đã có vài chỗ đặt hàng nên Phương Tần nói với chị rằng ngày mai cô ấy sẽ đi với bác trai lên Chợ Lớn kiếm nguyên liệu mua tận gốc cho rẻ hơn. Em xem học trò mua làm quà tặng cũng vừa túi tiền mà ngộ nghĩnh nữa phải không?

Một niềm vui như nước vỡ bờ dâng trong lòng tôi khiến một lần nữa vì nàng mà tôi không cầm được nước mắt! Một người thiếu nữ từ cõi tuyệt vọng trở về đã mang nguồn sống thiết tha tạo thành sức mạnh của hy vọng cho mọi người thân yêu. Em tôi đã trưởng thành trong nghịch cảnh nhiều đau khổ như đoá hoa sen ngoi lên từ vũng bùn lầy; hướng về ánh thái dương trải cánh dài toả hương thơm ngát cho đời. Để rồi mai sau gặp lại, những cố nhân ngày xa xưa biết tiếc thương thì đã quá muộn màng!

Cơn mưa đầu mùa chợt đổ xuống thành phố buồn sau bao ngày nắng hạn; rửa sạch bụi bặm và đem lại một bầu không khí tươi mát bao trùm khắp nơi. Cây cối như được hồi sinh dưới những giọt nước mưa còn trĩu nặng trên cành lá thắm, thi nhau thánh thót rơi xuống mái hiên. Tôi gấp sách lại, ngã người dựa vào thành ghế để có thể nhìn ra bầu trời qua khung cửa sổ thư viện, đang ửng rực sắc cầu vồng xuyên qua cành lá của những hàng cây cao bên vệ đường. Không biết cơn mưa này vì ai mà rơi đổ, vì ai mà rán chiều đang nhuộm thắm đám mây trời một mầu ngũ sắc tinh khôi? Đời sống là một dòng trôi chảy, chuyển động từng giây phút không nguôi mang bao cảm nhận vui buồn đến rồi đi, hay vẫn còn ở lại với những niềm nhung nhớ vấn vương bên cạnh những nhịp nhàng sinh hoạt hàng ngày. Một khoảng khắc vừa chợt nghĩ về Phương Tần thì điều kỳ diệu như trong truyện cổ tích bỗng xảy ra lập tức - khi tôi trông thấy nàng đang đi thơ thẩn trong sân thư viện và nàng cũng dừng chân lại nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên! Một phút sau thì chúng tôi đứng đối diện nhau mà lòng rất bàng hoàng.

- Phương Tần vẫn khoẻ chứ?

- Thưa Vâng ...!

- Công việc của Tần vẫn tiến triển trong chiều hướng thuận lợi phải không?

- Thưa anh hiện tại bây giờ thì đang khá lắm, Tần có nhiều mối đặt hàng nên phải khoán người làm thêm để các em có thì giờ học hành; nhưng tương lai nếu Tần không phát triển thêm được thì sẽ nguy mất vì nghề của mình vẫn còn thô sơ quá!

- Chẳng lẽ người khác có sản phẩm đẹp hơn sao?

- Thật ra thì chưa có ai để ý, nhưng nếu có người muốn bắt chước theo mình cũng không khó - khi họ nhìn ra một nguồn lợi tức mới thì mình sẽ bị cạnh tranh, anh Giang ạ!

- Nên vì thế Phương Tần phải vào thư viện để kiếm sách tham khảo thêm hả?

- Thưa không, Tần đi giao hàng về ngang qua đây thì thấy trời sắp đổ mưa nên vào đây trú tạm, nhân thể tìm sách về nghệ thuật để xem thôi.

Nàng chợt thở dài với hàng mi rủ xuống suy tư khiến lòng tôi dâng lên một niềm thương cảm! Đột nhiên tôi nhớ ra một việc nên bảo nàng:

- Dạo trước có lần tôi được xem một tờ báo tường trình về hội chợ thủ công thế giới, trong đó chụp hình mấy gian hàng Nhật Bản trưng bầy nghệ thuật cắm hoa và búp bê rất đẹp. Tôi có thể tìm lại cho Phương Tần xem được!

Một niềm hy vọng tràn đến làm khuôn mặt nàng sáng lên rực rỡ. Phương Tần đúng thật là một người biết nuôi hoài bão và rất nhiều đam mê nghệ thuật. Khi tôi tìm được những trang báo đó để gửi cho nàng thì Phương Tần nhận thức ngay vấn đề phải học hiểu ngôn ngữ và văn hoá Nhật Bản; là yếu tố để có thể thông cảm được với một giống người đang sinh sống trên những quần đảo xa xôi kia - lại có thể diễn đạt một nguồn tâm linh phong phú qua những bàn tay khéo léo đến thế!

Hôm nàng gửi chị Thuý đem về cho tôi một cái hộp khác hẳn với những hộp đựng búp bê bình thường thì tôi hiểu được mộng ước không bình thường của nàng bắt đầu khởi điểm. Trong hộp, một con búp bê vải của Nhật Bản mà nàng mua từ gian hàng bán đồ chơi nhập cảng trong Chợ Lớn, đã được nàng tháo bung ra từng mảnh như tôi mổ xẻ trong bịnh viện để học về cơ thể học. Từng đường may của y phục đều bị gỡ ra một cách tỉ mỉ không rách đến một đường chỉ. Sau những lớp xiêm áo kimono rườm rà là một hình nhân độn rơm, cũng bị Phương Tần chia từng phần để làm bản sao lại và cho tôi biết phần khuôn mặt của búp bê mới là bí quyết then chốt, biết làm được phần này thì coi như mọi chuyện đều xong xuôi, nhưng vẫn không làm sao hiểu được!!!

Định mệnh của đời người luôn luôn là một cái gì rất khó hiểu, rất khó giải thích được. Đôi khi trong sự tình cờ dun rủi xảy ra bất chợt lại chính là những ngã rẽ của dòng đời đưa con người đi qua một số mệnh khác biệt hẳn. Mới hôm nào đây Phương Tần chỉ là một thiếu nữ thơ ngây trong tà áo học trò đứng trước tình yêu đầu đời mà không dám nhận, để rồi phải chịu bao bất hạnh khổ đau! Giờ đây nàng như một con chim đang khao khát muốn tung bay, tìm phương định hướng để đến một khung trời bao la đầy hoa thơm cỏ lạ.

Mỗi lần đi lên Chợ Lớn mua hàng thì Phương Tần lại ghé qua cửa hàng bán quà tặng nhập cảng. Giá tiền một con búp bê Nhật rất cao khiến lòng hâm mộ của Phương Tần càng thêm tha thiết. Trong lúc đang say mê ngắm nhìn, nàng lỡ đụng vào một người đàn ông đứng tuổi, nàng bối rối định nói vài câu xin lỗi thì ông ta mỉm cười hỏi nàng bằng một giọng nói tiếng Việt không rành rẽ của người ngoại quốc:

- Mấy con búp bê này có đẹp không?

- Thưa vâng, người Nhật Bản khéo tay quá!

- Cô muốn học làm chúng nó không?

Thấy câu hỏi lạ lùng, Phương Tần không biết trả lời sao vì không biết ông khách nói đùa hay thật. Ông khách vẫn điềm nhiên nói:

- Tôi là mục sư đạo Tin Lành người Nhật, tôi quen với ông bà chủ tiệm người Hoa này qua việc truyền giáo. Mấy lần đến đây, tôi đều gặp cô đứng nhìn đám búp bê này một cách say mê. Bên nước của tôi, gần nhà thờ mà tôi phụng sự có một cơ sở chuyên môn làm hoa bằng lụa và búp bê vải còn đẹp hơn như thế này nữa.

- Thưa mục sư, tôi làm cách nào đây khi tôi không có cả điều kiện để học tiếng Nhật, đừng nói đến việc sang nước của ngài để học hỏi cho dù tôi rất yêu thích.

- Ai cũng có giấc mơ và thượng đế sẽ giúp để biến nó thành hiện thực! Nếu cô thật lòng muốn học tiếng Nhật, cứ đến tìm tôi tại trung tâm Tin Lành. Tôi sẽ viết thư giới thiệu về bên đó, nếu họ bằng lòng thâu nhận cô làm việc thì cô sẽ có cơ hội học nghề thôi.

Thế là cơ hội đã gõ cửa với Phương Tần bất ngờ như vậy! Sự may mắn ít khi nào đến hai lần nên nàng rất chịu khó, ánh đèn bên lầu nhà nàng thường sáng lên rất khuya, vậy mà bình minh vừa đến thì tôi đã thấy nàng chỉnh tề đợi ông bố dắt xe ra cửa chở nàng đi học. Mỗi lần gặp gỡ, đứng bên này đường tôi thường kín đáo bắt chéo hai ngón tay chúc may mắn mà tôi học được trong xi-nê Âu Mỹ, và nàng đáp lại bằng nụ cười tủm tỉm. Hình như nhan sắc của nàng cũng có thay đổi, sự tự tin của một người đã biết chắc mình muốn làm gì đã biến Phương Tầnthành một thiếu nữ hoạt bát và nhanh nhẹn. Mái tóc nàng đã dài hơn xưa nhưng không còn buông thề theo gió nữa mà được cột thành bím cao, nàng cũng ít mặc áo dài mà thay vào đó là những bộ y phục tây phương tràn đầy sức sống! Không son phấn mà Phương Tần vẫn rất xinh tươi, khoé mắt của nàng mỗi lần tôi trông thấy thì dường như đang ẩn chứa một lời tình tự dịu dàng và tha thiết!

Mặt trời lúc nào cũng mới cho mỗi buổi bình minh, hôm nay đã khác hôm qua thì ngày mai còn khác nữa. Dòng đời của Phương Tần đang lặng lẽ trôi bên cạnh bước chân đời tôi đi qua bao buổi thu tàn, đông lạnh - nhưng tôi vẫn hồi hộp chờ đợi một sự đổi thay bất chợt đến. Mặc dù biết trước như vậy, thế mà tim tôi vẫn se buồn khi U già sang nhà xin phép bà nội và bố mẹ tôi cho Phương Tần có dịp chào từ giã tất cả lối xóm thân quen - để đi Nhật Bản trau dồi nghề nghiệp! Thân sinh tôi tiếp đón Phương Tần bằng một thái độ ân cần đầy xúc động, ông khuyến khích và ngợi khen tinh thần quả cảm khác nhi nữ thường tình của nàng - đã khiến ông phải tán thưởng và thương mến. Mùa xuân đã trở về trong ánh mắt long lanh. Chia tay ngày hôm nay đã được gieo lên mầm hy vọng; không giống như ngày nắng thu nào xa xưa lịm chết cõi lòng.

Bóng hoa huyễn ảo nghiêng vầng trán,

Chưa ngát ân tình hương đã bay.

Sóng biển nào nghe thấu nỗi niềm?

Sóng đâu cồn khoé mắt thâm nghiêm?

Lòng ơi! Hoài vọng bao giờ nói

Thăm thẳm trùng dương một tiếng "em"

...

Phương Tần đi một thời gian không lâu thì những biến động chính trị trong nước trở nên sôi xục với những cuộc biểu tình đẫm máu của giáo hội Phật giáo và sinh viên từ thủ đô Sài Gòn lan rộng khắp nơi; như hồi chuông báo động sự cáo chung của nền Đệ Nhất Cộng Hoà! Cuộc sống tràn đầy lo lắng và bất an nhưng tôi cũng không có thì giờ suy nghĩ vì những phiên trực đêm gần như liên tục ở bịnh viện lúc nào cũng đầy người đến, mang thương tích rên la vì đau đớn! Có lẽ đời sống của Phương Tần cũng bận rộn nên nàng ít khi viết thư; nhưng tình thân của hai nhà đã chuyển qua một giai đoạn gần gủi hơn xưa rất nhiều. Thỉnh thoảng trái gió, trở trời hay thằng bé Tâm của nàng nóng sốt vì mọc răng, U già thường bồng qua nhà nhờ tôi chăm sóc. Thằng bé ngộ nghĩnh và giống tạc mẹ với nụ cười mủm mỉm! Nét hồn nhiên, lanh lợi của nó làm gia đình tôi rộn rã tiếng cười đầy sinh khí vì lâu ngày không có bóng dáng trẻ thơ. Chị Thuý tôi cũng sắp sửa đi lấy chồng, nên mấy người lớn tuổi lại thấy sự hiện diện của thằng cu Tâm là quý hoá, chỉ cần nghe tiếng nó bi bô ngoài cửa là niềm vui đã tràn vào tận tới trong nhà. Mẹ nàng đang sửa soạn sang bán cửa hàng tạp hoá ngoài chợ để bắt đầu một sự nghiệp mới của Phương Tần gửi về. Cuộc sống phấn đấu đầy gian nan của nàng trên đất khách được U kể đi, kể lại cho bà nội tôi nghe một cách say mê như một câu chuyện huyền thoại:

- Thưa cụ, cô Tần bên ấy vất vả lắm. Cô cháu làm ngày, học đêm mà người Nhật họ dấu nghề nên cứ mò mẫm mãi như người đi trong đêm tối, như xẩm sờ voi đấy ạ!

- Thế thì cô ấy ăn đâu, ở đâu hở U?

- Thưa cụ, cô Tần trọ ở nhà thờ của ông cố đạo Tin Lành ạ. Cô cháu ngoài việc làm ở hãng hoa lụa ra, còn phụ giúp trang trí nhà thờ mỗi buổi lễ nên họ quý cô cháu lắm đấy ạ!

- Vậy thì cô Tần đích thị là bận lắm rồi! Thế nhưng bao giờ thì cô ấy mới về nước U biết không?

Câu trả lời trọng yếu mà tất cả mọi người đều muốn nghe thì U lại tịt mít.

Câu chuyện kể về Phương Tần thường hay đứt đoạn lưng chừng ở đó; cho đến một hôm U hớn hở ghé qua nhà thông báo:

- Thưa cụ và ông bà, độ tháng sau thì cô Tần về thăm nhà rồi ạ!

- Thế cô ấy chỉ về thăm nhà rồi phải đi nữa hay sao?

- Thưa vâng ạ! Cô ấy về để khai trương cơ sở làm búp bê, hoa vải và huấn luyện công việc cho gia đình rồi lại phải đi vì có nhiều việc chưa học xong ạ.

- Tội nghiệp, con bé vất vả quá nhỉ?...đi lâu dễ đến cả năm rồi đấy!

Vất vả ra sao thì tôi chưa rõ, nhưng khi gặp lại Phương Tần lúc nàng trở về lần đầu tiên và mang quà qua chào thăm gia đình tôi thì chắc không phải riêng một mình tôi bỡ ngỡ vì phong thái lịch lãm của nàng. Không biết có phải vì xứ người có tuyết lạnh pha mầu mắt thêm huyền hay vì hoa anh đào Nhật Bản đã tô thắm làn môi mà mỗi sự chuyển động của tiếng nói, nụ cười như có ngầm nam châm thu hút? Bà nội tôi niềm nở bảo nàng ghé đến phản ngồi để bà có dịp ngắm cho thật rõ làm khuôn mặt nàng bỗng ửng hồng như mận chín, đôi bàn tay ngà nhẹ nhàng nâng tách trà đạo vị thiền môn với kiểu ngồi quỳ bẹp trên đầu gối của các phụ nữ Nhật khiến Phương Tần càng lộ rõ nét trâm anh, khuê các. Tôi tránh vào trong để nàng được tự nhiên trò chuyện với cả nhà, lòng chao động vì cảm thấy hình như bố mẹ tôi đã thay đổi hoàn toàn thành kiến của ông bà đối với người thiếu nữ đáng yêu này!

Cơ sở hãng búp bê và hoa vải mang tên nàng chính thức được đăng ký và cầu chứng trên thương trường bắt đầu một sự nghiệp lẫy lừng, độc nhất vô nhị ở Sài Gòn của một thiếu nữ chỉ mới vừa tròn hai mươi ba tuổi! Cùng thời điểm đó, một sự bất hạnh lại xẩy ra cho bên gia đình oan gia ngày xưa của nhà nàng, khiến chính bản thân tôi cũng thấy buồn cho cảnh đời dâu bể! Bố của thằng bé Tâm bị tử trận trong lần đi kinh lý chiến trường. Bên nhà nội của bé Tâm sang van xin Phương Tần cho bé về chống gậy cho cha vì nó là đứa con trai duy nhất của ông Đôn! U già là người đưa thằng bé về nhà tổ phụ, đích tay mặc cho nó áo vải sô, mũ gai để nó lễ mễ lạy cha giữa hai chị em cùng cha khác mẹ mà đứa lớn nhất đã cao hơn nó một cái đầu! Cuộc đời như gió thoảng, như mây trôi, như nước chẩy qua cầu - nếu biết trước thì có lẽ đã không có những niềm bi hận tràn đầy như thế.

Mùa mưa lại trở về mang sương mù giăng giăng trên thành phố của những buổi sáng tinh mơ hay những buổi chiều chập choạng nhạt nắng hoàng hôn; Phương Tần luôn luôn là người thức rất khuya và dậy rất sớm trong khu phố nhỏ của chúng tôi! Nàng làm việc không ngừng nghỉ với một sự đam mê mãnh liệt trong tâm hồn. Chỉ một thời gian ngắn ngủi, Phương Tần đã huấn luyện được cả trăm người thợ nữ - Không có cơ sở cho thợ làm, Phương Tần cho giao khoán thợ lãnh về nhà tạo thành công ăn, việc làm cho bao gia đình phụ nữ đang ăn không ngồi rồi cho đến khi bố mẹ nàng mua được một ngôi biệt thự dưỡng đường cũ của một thầy thuốc nam thì con đường phát triển sự nghiệp của nàng thênh thang rộng mở. Thời gian tôi đang bù đầu với luận án tốt nghiệp thì Phương Tần xuất ngoại thêm lần nữa vì bí quyết ép mặt búp bê của người Nhật, Phương Tần chưa nắm được nên vẫn phải nhập cảng phần đầu về lắp ráp khiến cho lợi nhuận thâu nhập chưa được vừa ý! Mối tình giữa tôi và Phương Tần tuy thưa mà chặt vì cho dù hoàn cảnh của gia đình nàng ngày nay đã khác xưa; nhưng lòng trọng vọng của bố mẹ nàng đối vối gia đình tôi thì càng ngày càng thêm sâu đậm. Ngày chị Thuý lên xe hoa về nhà chồng, là ngày thật huy hoàng của đời chị với những kiểu áo cưới do chính tay các cô em gái nàng may và kết theo mẫu của Phương Tần gửi về. Những lẵng hoa thật và giả chen lẫn nhau không phân biệt được trong ngày vu qui trải khắp đường đi; do các cô gái xuân thì của nhà nàng xếp hàng đôi theo thứ tự lớn nhỏ đưa dâu làm phố xá hai bên đường túa ra xem như trẩy hội. Cả thằng bé Tâm cũng xúng xính áo dài khăn đống như ông cụ non đi nhập với hai cậu út trong đoàn người hớn hở, lượt là hương phấn - tạo thành một quang cảnh vui tươi và ngộ nghĩnh! Khiến trong lòng mọi người đang chung hưởng hạnh phúc ở đây không khỏi nén tiếng thở dài - ngậm ngùi thương nhớ đến hình dáng người thiếu nữ đoan trang đang còn miệt mài sự nghiệp nơi đất khách, quê người!

Khi những lá me bắt đầu đổi sắc vàng rơi rắc trên không gian lả tả xuống phố phường là mùa hội của bánh cốm, rượu nồng - của trầu cau cưới hỏi rộn rã của trai tài, gái sắc nên duyên cầm sắt. Cũng là ngày mà tôi trở thành tân khoa bác sĩ với một nỗi quạnh hiu xa vắng trong lòng vì thiếu ánh mắt, nụ cười của người yêu dấu! Đám cưới của Phương Nga thật tưng bừng với một chàng bác sĩ quân y hào hoa, thế mà Phương Tần của tôi vẫn biền biệt như một bóng chim phi xứ. Mỗi lần đi qua cửa của căn nhà khi xưa nhộn nhịp tiếng nói cười vui tươi của bầy thiếu nữ, bây giờ chỉ còn một mình U già trông nom chờ đợi cô tiểu chủ trở về - tôi không khỏi thấy sầu dâng trong dạ! U nay đã không còn vất vả như thuở nào vì đã có người giúp việc hầu hạ. Cả gia đình Phương Tần đã dọn về căn biệt thự mới để tiện việc kinh doanh nhưng vẫn thường xuyên vào trông nom người nhũ mẫu. Riêng thằng bé Tâm thì bám chặt U như bà cháu, nó ở luôn với U không chịu rời căn phòng của mẹ nó và chạy qua nhà tôi chơi hàng ngày. Ông cụ tôi lại không nghiêm với nó như đối với chúng tôi dạo nào. Ông dậy nó tập đọc, tập viết với nụ cười khoan dung, cởi mở và bù lại nó cũng biết đấm bóp - thoa dầu cho ông cụ, ôm cổ ông hỏi han bằng thứ ngôn ngữ chấc phác thơ ngây của con trẻ khi ông than nhức mỏi xương cốt mỗi khi trời đổ mưa rỉ rả.

Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, tôi thường đưa đám con trai ra sân vận động Hoa Lư đá banh, đều phải dặn dò hai cậu Thịnh và em trai tôi nhường cho thằng bé Tâm đá banh lọt lưới để nó khỏi phải lăn ra khóc. Nhường mãi cũng phát chán, mấy lần sau hai ông cậu hóm này thoái thác không đi chơi chung nữa, chỉ còn tôi và bé Tâm đèo nhau đi lang thang khắp phố phường - khiến bạn bè tôi trông thấy cứ diễu đùa tôi là gà trống nuôi con! Gì thì gì, thương một người là yêu tất cả cuộc đời cho dù có ra sao cũng vậy mà thôi.

Tin của Phương Tần sắp về làm lòng tôi bừng sáng như ánh thái dương vừa chiếu vào màn đêm u tối. Nàng đã hoàn thành bao điều tâm niệm sau bao tháng ngày lặn lội làm một người thợ siêng năng tận tuỵ với nghề nghiệp nơi một xứ sở khép kín và đầy lòng kiêu ngạo. Có lẽ Phương Tần là người duy nhất đã đem được tận gốc rễ một ngành thủ công nghệ quốc tuý của con cháu thần Thái Dương về nước Việt, là người tiền phong biến những khuôn mặt trắng như vôi của những nàng kỷ nữ Nhật Bản thành những hình dáng hồng hào của những búp bê cô gái Việt Nam mặc áo dài ôm đàn tỳ bà, đàn tranh hay đội nón lá bài thơ duyên dáng!

Từ ngày Phương Tần về nước và lo phát triển sự nghiệp lớn lao đi khắp miền Nam Việt và xuất cảng đủ kiểu loại búp bê, hoa vải sang các nước láng giềng - Tôi lại càng thấy xa nàng còn nhiều hơn thời kỳ nàng đang lận đận trên xứ người! Khi nền Đệ Nhị Cộng Hoà đăng cơ trên đất nước thì giới thương gia Sài Gòn cũng chào đón một ngành tiểu công nghệ của một nữ doanh nhân trẻ tuổi lạ mặt trên thương trường trong niềm kinh ngạc - Phương Tần đứng cùng bố mẹ dám đặt bút ký giấy tờ sang lại căn tiệm ngay góc thương xá bậc nhất thủ đô trên đường Nguyễn Huệ với giá xấp xỉ bằng hai căn biệt thự chỉ để bán búp bê và hoa cưới! Ngày khánh thành và khai trương cơ sở kinh doanh trực tiếp đến khách hàng mới này, tôi nhận được thiệp mời nhưng ngại ngần không muốn đến. Đã từ lâu xa cách, biết đâu chim xanh đã không còn nhớ về khu rừng cũ thì sao đây? Tôi định lãng tránh viện cớ bận trực ở nhà thương để thoái thác thì U già đã chờ ngoài cửa để mời tôi qua nhà U hỏi thăm chút việc. Không ngờ vừa bước vào phòng khách là tôi chạm mặt ngay bố mẹ Phương Tần ngồi đợi sẵn, ông bà đón tôi niềm nở bằng lời trách cứ thân mật:

- Anh Giang từ ngày ra trường đến giờ hiếm khi hai bác được gặp mặt, chắc đang có ý trung nhân phải không?

Tôi giật mình trước câu hỏi đột ngột nhưng ráng mỉm cười:

- Thưa hai bác, gần đây cháu thường bận việc ở bịnh viện nên thất lễ...

Mẹ nàng dịu dàng ngắt lời:

- Nhớ ngày xưa khi gia đình bác lâm vào cảnh túng quẩn phải gả Phương

Tần đi vội vàng khiến em nó bị bước dở dang. Sau bao nhiêu năm miệt mài với sự nghiệp; cho đến hôm nay cũng có thể kể là công thành danh toại cho cả hai bên rồi thì lẽ ra cũng phải nghe tính đến bề gia thất. Lại nữa thời gian gần đây có nhiều đám cậy người mai mối cho Phương Tần nhà bác, nhưng em nó lại bảo rằng bao giờ anh Giang đi lấy vợ rồi thì mới tính tới! Hai bác chẳng hiểu sao cả nên mời cháu sang đây để hỏi cho ra lẽ?

Tôi giật mình trước câu hỏi đột ngột nhưng ráng mỉm cười:

- Thưa hai bác, gần đây cháu thường bận việc ở bịnh viện nên thất lễ...

Thì ra Phương Tần đang nhắc khéo tôi lời ước hẹn thời gian dạo trước đây mà! Khó một điều là tôi không biết trả lời sao cho phải với bố mẹ nàng vì có thể ông bà cũng không biết được mối tình chân thật mà tôi đã dành cho nàng từ bao năm nay! Bố nàng bỗng lên tiếng giải thoát cho tôi:

- Thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thật, tình thân hai nhà từ nhiều năm đậm đà hơn tình lối xóm bình thường cũng là vì chúng ta trông thấy ân tình của cháu đối với Phương Tần, nếu hai bên đều đang đợi nhau thì hai bác cho phép tiến tới, chỉ cần ông bà bên nhà chấp nhận thương con gái bác như thương chị Thuý thì không có gì trở ngại nữa...

- Ơ hay ông này sao ăn nói kỳ lạ thế thì còn gì danh giá con gái mình. Xin lỗi cháu ... tính ông nhà tôi vẫn cứ bộc trực như thế đấy.

Tôi chẳng dại gì mà bỏ lỡ cơ hội:

- Thưa bác, cháu đã mến Phương Tần từ lâu chỉ ngại hai bác không bằng lòng nên cháu chưa dám nói mà thôi ạ!

Mẹ nàng tủm tỉm cười vui vẻ:

- Gớm, khổ thân tôi trông mỏi trông mòn - một bên thì nhút nhát, một bên thì cứ im ỉm chẳng biết đâu mà lần ... không gọi cháu sang thì không biết đến bao giờ!

U già tự nẫy giờ đứng yên cũng góp lời:

- Cô Tần nhà mình khổ tận cam lai! Bao nhiêu năm nay tôi cứ nơm nớp lo sợ cái duyên nợ này không thành, bây giờ thì không lo mất nữa rồi.

- Lại thêm U nữa nhé, nói năng làm giảm giá trị người nhà mình hết sức! Như vậy thì anh Giang cứ về thưa với ông bà bên nhà, hai bác đây chỉ xin mớ trầu cau giạm ngỏ để em nó đền ơn U nuôi nấng, ẵm bồng nó từ tấm bé là đủ rồi.

...

Mãi đến hôm nay tôi và Phương Tần mới thật sự là một cặp tình nhân hạnh phúc! Mới chính thức được hẹn hò để cùng nhau kề vai, tay trong tay dìu nhau đi trên hè phố đông. Những ngày u ám đã trôi xa vào dĩ vãng để nhường lối cho nắng xuân hồng chiếu sáng hai ngã dòng đời của chúng tôi đang cùng nhau hoà nhập song đôi. Bước chân chúng tôi dừng lại trước tiệm sách mà ngày nào xa xưa tôi và nàng tình cờ gặp gỡ lần đầu. Phương Tần thẫn thờ suy nghĩ rồi bảo tôi bằng một giọng bùi ngùi:

- Nếu mình có duyên nợ với nhau sao ông trời lại bắt mình chờ đến nhiều năm như thế anh Giang nhỉ?

- Có gian nan mới biết quý, phải không? Mà Tần còn nhớ lúc ấy mình đã cùng cầm quyển sách gì không?

- Làm sao mà quên được, là quyển sách toán dành luyện thi tú tài II ban A đó mà.

- Nhưng sao anh lại muốn mua quyển sách đó nhỉ, Tần nhớ không?

- A, em nhớ rồi ... có người nhờ anh mua hộ.

Tôi mỉm cười ngắm nàng một lúc để thấy đôi má đỏ hồng mới trả lời:

- Thật ra lúc đó anh tính mua gửi U đem về tặng cho cô hàng xóm để làm quen, nhưng thấy cô ấy mua rồi thì lại thôi.

Phương Tần giơ tay dụi những giọt nước mắt đang chực lăn xuống rồi dịu dàng quàng tay tôi bước đi. Tiếng nói của nàng êm đềm vang lên trong gió thoảng:

- Hôm ấy lần đầu tiên gặp anh thì em đã biết lòng mình yêu, nhưng hôm nay em mới chắc chắn rằng mình yêu thật ...

-