Câu Thách Đối Tết ... Khoa Hoc

Lê Học Lãnh Vân

LVân có ý nêu một câu thách đối:

"Tết Nhứt tới nơi, dặn các chị tên Chi cứ chi, để dành làm chi rồi ông xã cũng chi vô mấy thứ chi chi..."

LPG

Từ vài mail trước

………………………………………..

LệChi:

Thầy Soạn ơi, Trần Ngọc Kim là cô bạn ở Atlanta và được giải văn chương bà Thiệu, không phải là Chi Trần.

Ban biên tập có đến 3 CHI ( Mai Chi, Kim Chi và Lệ Chi ), như vậy thì tên CHI cũng không đến nỗi, vậy mà ông xã em nói rằng he có vợ tên CHI ( phản nghĩa với THU) vì thấy em chi nhiều quá hihihihi. Nhưng mà em nghĩ nếu mình chi thì ông Trời sẽ cho mình thu, chứ thu nhiều để làm gì phải không? Bây giờ không chi thì biết đến bao giờ mới chi???

Lê Học Lãnh Vân

LVân có ý nêu một câu thách đối:

Tết Nhứt tới nơi, dặn các chị tên Chi cứ chi, để dành làm chi rồi ông xã cũng chi vô mấy thứ chi chi...

LPG

Lan Hoa

Tết Nhứt tới nơi, dặn các chị tên Chi cứ chi, để dành làm chi rồi ông xã cũng chi vô mấy thứ chi chi...

Năm dài tháng rộng, khen ông xã làm ăn khấm khá, thu vét nhiều cho vợ chi thì cứ thu thu...

Đối vậy đưọc không hử LPG ?

LH

Lan Hoa

A, vợ tên Chi chứ tên khác thì không được, nên LH chữa lại nha Lãnh Vân:

Năm dài tháng rộng, khen ông xã làm ăn khấm khá, thu vét nhiều cho vợ CHI chi thì cứ thu thu...

Lan Hoa

Hi Lệ Chi, bây giờ mới hoàn hảo vì đối đủ số chữ của Lãnh Vân, nhưng chữ CHI có nhiều nghiã hơn chữ THU. Tàm tạm cho vui nha Lãnh Vân.

LH

Năm dài tháng rộng, khen ông xã làm ăn khấm khá, thu vén nhiều cho vợ CHI chi, thu vô được thì cứ thu thu...

Tăng Thị Tuyết

LH ơi, T. cũng mạo muội đối lại 2 câu này của LV nhưng thấy khó wá, khó mà đối chỉnh được.....nhưng thôi cũng chịu khó nghe nè......

Tháng Giêng ăn chơi, nhắc các anh khoa SINH đừng XIN, chớ dòm gái XINH kẻo các bà cũng Xin đi ngắm mấy chàng XINH XINH.....

Ông en chả thì bà cũng en nem đó nghen....hihihi....

Tuyết

Lan Hoa

Tháng Giêng ăn chơi, nhắc các anh Khoa Sinh đừng xỉn, chớ dòm gái xinh; kẻo các bà cũng xỉn đi ngắm mấy chàng xinh xinh...

Chà câu này hăm doạ mấy anh khoa Sinh quá xá, chẳng lẽ chỉ có mấy anh khoa Sinh biết giả bộ xỉn hay sao ...

Đức Diên

Câu của LPG khó đối hoàn chỉnh thật, thôi thì tức lão ấy phải đưa ra để trách lão ta chứ không đối được !!!

"Quanh năm suốt tháng, mọi chuyện đều phải chờ Chi,

Năm cùng tháng tận, không muốn chi mà phải chi

Vì Lão Phật Gia bắt phải nghĩ đến chi ..... chi ơi là chi ...."

Chỉ tìm cách đối lại lão với sáu chi thôi

Diên

KimChi

Còn Chi thì xin đối lại như vầy, cũng chẳng chuẩn gì cho lắm, vui thôi.

" Năm mới sắp về, nhắn với các anh tên Sang, cứ sang, chớ ngại làm sang vì bà xã, lúc xuân sang cũng thích xài những thứ sang sang "

KC

Tiền Lạc Quan

Chữ “Chi” này khó đối chỉnh thật. Vì theo Q. hiểu phàm khi đối, muốn đối chỉnh thì những chữ chính trong câu phải có “thanh” đối ngược lại, thí dụ chữ “chi” này thanh Bằng thì phải tìm chữ đối lại có thanh Trắc, thí dụ “trả” – “chi trả”. Và cũng phải cùng loại từ: động từ đối với động từ, danh từ đối với danh từ, v.v...

Những chữ “Thu”, “Sinh” / “xin” / “Xinh”, cũng thanh Bằng như chữ “chi”, là đối tạm thôi.

Thí dụ câu của Đoàn Thị Điểm “Da trắng vỗ bì bạch”

Có câu đối là: “Trời xanh màu thiên thanh” – chữ “thanh” có thanh Bằng, đối lại với chữ “bạch” có thanh Trắc. Nhưng câu này cũng chưa chỉnh lắm.

Cho đến nay, được biết chưa có câu đối nào thật chỉnh hết.

Cùng các bạn coi cho vui.

Q.

Tiền Lạc Quan

Theo Q. thì chưa được hoàn toàn chỉnh lắm. Câu này khó quá, để từ từ suy nghĩ đã.

Lệ Chi

Cao thủ không mà kêu khó, gặp Chi thì đầu hàng vô điều kiện.

Hồi đó mẹ của Chi khó khăn, không được đọc chuyện chưởng ngoài những sách trong Tự Lực Văn Đoàn, Tuổi Hoa … cho nên bây giờ thấy mấy bạn nói chuyện kiếm hiệp mình như mù chữ vậy, tức ghê, nên đã có lần mua film về tính coi cho nhanh nhưng chưa có thời gian xem nữa đó.

LC

Tiền Lạc Quan

Cái chữ “chi” này nó “chi ... chi ...” khó hiểu và khó tìm chữ đối lại lắm !

Như:

Cái tình là cái chi chi,

Dầu chi chi cũng chi chi với tình ...

Không biết cụ Nguyễn Công Trứ nói “chi chi với tình” nghĩa là sao? Kẻ hậu bối cũng không hiểu nỗi. Không biết cụ Lãnh Vân có hiểu không, cắt nghĩa cho bà con với?

Q.

Nguyễn Thúc Soạn

Hi,

Chi Chi của Nguyễn Công Trứ là như vầy:

Ngày xưa Nguyễn công Trứ đi thì có dẫn theo nàng hầu, giữ trưa trời nắng ông ta bắt nàng hầu xuống bờ đê quạt cho ông ngủ. Sau đó Nguyễn Công Trứ đổ đạc và ra làm quan, quên cô nàng hầu. Vào một buổi yến tiệc, ông ta nhờ các ả đào vào góp vui, nàng hầu ngày xưa cũng trong nhóm ca nhạc nên được ra hát:

"Giữa đường dứt gánh tương tư

Thuyền quyên "ứ...hự", anh hùng nhớ chăng"

Nhờ câu hát này cho nên NCT nhận ra nàng hầu ngày xưa vì vậy chi chi của NCT là từ chữ "Ứ.....HỰ" đó anh Quan à.

TSN

Tiền Lạc Quan

Cám ơn thầy,

Nếu những chữ “chi chi” của cụ Nguyễn Công Trứ từ chữ “Ứ... Hự” mà ra thì như vậy câu của cụ Lãnh Vân, những chữ “chi” trong câu có thể đối lại là “Ứ ... Hự” có thanh Trắc được rồi ! Để thử xem sao. Đối được rồi ha.. ha … ! ha.. ha … !

Không biết cụ Lãnh Vân nghĩ thế nào?

Tết Nhứt tới nơi, dặn các chị tên Chi cứ chi, để dành làm chi rồi ông xã cũng chi vô mấy thứ chi chi...

Đầu năm đầu tháng, nhờ những ai hay “Ứ ... Hự”, mà “ứ ... hự”, thì đừng có “ứ ... hự” để người ta cùng “ứ ... hự” , thì cả năm “ứ ... hự” , “ứ ... hự” ...!

Cám ơn thầy mách bảo những điều hay.

Lãnh Vân

Trật lất, trật lất!!!

1) Chú Quan hiểu như vậy là trật rồi! "Ứ hự" là tiếng rên, tiếng than của một người không vừa ý chuyện gì (từ điển Từ và Ngữ VN, Nguyễn Lân, nxb TpHCM 3/2000) hay đang làm việc nặng nhọc, cực khổ... Sau đó người ta mới dùng chữ "ứ hự" để chỉ: 1) thái độ không bằng lòng (tui cũng ứ hự cái chuyện đó) , 2) thái độ cam chịu (thì tui cũng phải ứ hự với thằng chả chớ biết làm sao?)

Trong "Thuyền quyên "ứ...hự", anh hùng nhớ chăng" ứ...hự" mang cái nghĩa thứ hai.

2) Cho nên anh Soạn nói: "trời nắng ông ta bắt nàng hầu xuống bờ đê quạt cho ông ngủ" thì cũng là "nhân chứng khai gian trước tòa", không đúng với sự thật. Chỉ quạt thôi thì có gì mà phải ứ hự? Anh Soạn làm như vậy là mang tội bất kính, coi khinh khả năng "đội trời đạp đất" của cụ Nguyễn Công Trứ quá đỗi!

Giận thay, giận thay!

Thay mặt cụ Nguyễn Công Trứ: LPG

3) Chi chi trong 2 chữ cuối là trạng từ phiếm định cho nên phải có trạng từ mới đối được.

Thí dụ:

Ba chuyện chi chi

Mấy trò đó đó

Lvân

LệChi

Quan à, tên Chi của người ta đẹp vậy mà đối một hồi ra “Ứ... Hự

Chi phải vô toillet mà cười nãy giờ, vì sợ đồng nghiệp nó nói Chi điên.

Cám ơn Minh Châu đề nghị chuyện giải thưởng, bà con cho nhiều câu trả lời vui quá !

Tuyết cũng rán nặn ra thơ.

Chuyến này chắc thành thi sởi hết đó nhe.

LC

Tiền Lạc Quan

Khó quá, khó quá !

Thì chỉ đối tạm vậy thôi.

T. Loạng Quạng

Tiền Lạc Quan

Câu của cụ Lãnh Vân khó quá ! Chỉ đối tạm cho vui vậy thôi. Để tìm chữ khác.

Khó quá ! Khó quá !

Sorry quý vị tên CHI.

Q.

LệChi

Không có gì sorry hết Quan ơi, được cười là vui rồi, Chi thích vui lắm.

Nhớ đừng chịu thua Lãnh Vân nhe. Nếu không đủ sức thì nhờ Kim và Lan Hoa cứu bồ

LC

Tiền Lạc Quan

Mấy cái vụ đối với họa thơ khó lắm !

Có ai nghĩ ra chữ gì khác không?

Q.

Lan Hoa

Đâu phải đối chỉnh như câu:"Trời sinh ông Tú Cát - Đất nứt con bọ hung" mới là hay đâu, hào hứng thoải mái mới là nhất rồi đấy các bạn a. Nhìn lại thì toàn là dân ban Toán, Lý,Hoá, Sinh, chẳng có ai là ban văn chương hết !!! Hay thiệt đó nha các bạn.

Thân mến

Lanhoa

Trần Hữu Chí

"Thu-ba khoé mắt giữ chặt các cha, ba hoa, la cà các ba (bar) để má ở nhà ba điều bốn chuyện với chú ba (tàu), chẳng kể gì papa."

Lệ Chi

Hi các bạn,

Hôm qua Chi về hỏi ông xã chữ Ứ Hự thì đúng là không phải chỉ bắt nàng hầu xuống bờ đê quạt cho ông ngủ mà là ghê hơn mới có "Ứ Hự"

Đây là câu chuyện về Thuyền quyên “ứ hự”

LC

Thuyền quyên “ứ hự”

TTC - Ngay lúc còn trẻ măng, khi làm kép đánh đàn trong phường hát Cổ Đạm, Nguyễn Công Trứ đã rất thích cô đào Hiệu Thư vừa đẹp vừa hát hay. Lúc nào Trứ cũng cặp kè cùng cô ta.

Một hôm Trứ, cô đào Hiệu Thư và một tiểu đồng sang trấn sở thành Vĩnh (TP Vinh ngày nay) hát hầu một thân chủ. Giữa cánh đồng vắng vẻ, Trứ chợt thấy cái cơ hội “ngàn năm có một” trong tầm tay. Trứ bèn giả vờ hốt hoảng bảo mình quên dây đàn ở nhà. Cô đào vô tình không biết, liền sai thằng tiểu đồng chạy về lấy. Thừa dịp chỉ có anh với ả ở giữa đồng không mông quạnh, Trứ bèn sán lại tấn công cô đào trẻ, ghì chặt nàng vào lòng... Cô đào Hiệu Thư thẹn thùng, luôn miệng “ứ hự” trước những cử chỉ táo tợn của Trứ để cưỡng lại...

Năm tháng trôi qua, khi Nguyễn Công Trứ làm Tổng đốc Hải An, ông có tổ chức một buổi hát ả đào. Tình cờ trong đám đến hát lại có cả Hiệu Thư. Nhận ra “người cũ năm xưa” giờ đã thành danh, nàng bèn hát một câu huê tình để gợi lại chuyện xưa:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên “ứ hự”, anh hùng nhớ chăng?

Nghe câu hát, lập tức Nguyễn Công Trứ nhớ lại tất cả cái “thuở ban đầu” ấy. Khỏi phải nói, kỷ niệm về một tình yêu sôi nổi của tuổi hoa niên đã lay động tâm hồn một khách phong tình như Nguyễn Công Trứ đến mức nào! Ông bèn nối lại mối tình xưa với Hiệu Thư, bất chấp tuổi tác của nàng, và làm một bài thơ “huê tình” mới, ghi lại cảm xúc của ông trong cuộc tái ngộ với nàng như sau:

Liếc trông đáng giá mấy mười mươi

Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.

Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết

Hoa tàn song lại nhụy càng tươi.

Chia đôi, duyên nọ đà hơn một

Mà nét xuân kia vẹn cả mười.

Vì chút tình riêng nên đằm thắm

Khéo làm cho bận khách làng chơi.

Đoàn Xuân Liêm

" Ngày đầu đi học, thầy hỏi Chi biết chi, đi học làm chi những thứ thấp li chi, nào được cái chi chi."

Vỹ Khoa Trưởng

Năm hết Tết đến Lệ Chi bàn chuyện chichi

Cho họp mặt chuyện phải chi

Thu được bao nhiêu mới tính chi

Họp mặt là cái chi chi

Sợ không chu đáo tứ chi rụng rời

Tiền Lạc Quan

Tổng kết như vầy hay và vui lắm.Mặc dù chưa chịu thua nhưng bi giờ phải hợp tác lại để tìm chữ chi để đối lại với chữ “chi”. Bây giờ chưa tìm được chữ chi để đối lại với chữ “chi”, nhiều khi cũng tự mình thấy mình cũng chưa biết chi ! Quý thầy cô và các bạn có biết chữ chi để đối lại được với chữ “chi” thì xin cho biết để tìm một ý chi để đặt ra một câu đối chi có thể đối lại với câu đối có chữ “chi”. Sau đó các các chị Chi cùng các anh chi chi đó tổng kết lại ....... thành một câu chi để đối lại với câu đối có chữ “chi”. Câu đối ra chi mà khó quá, tìm hoài cũng chưa được chữ chi để đối lại với chữ “chi” .....

T. Loạng Quạng

Đặng Tùng Hương

"Cuối năm rồi các chị cứ tính chi thu, chi cho nhiều để rồi hụt năm sau. Cũng chẳng sao vì các chị chì lắm, đâu vào đó phải không Chi?"

Tiền Lạc Quan

Câu đối chi chi của LV nó chi chi ấy ! Khó quá !

Thử lại xem sao.

Tết Nhứt tới nơi, dặn các chị tên Chi cứ chi, để dành làm chi rồi ông xã cũng chi vô mấy thứ chi chi...

Năm cùng tháng tận, nào những người cõi Thế muốn thế(*), cứ làm như thế kẻo người ta đem thế bởi những câu thế thế ...

(*)muốn thế” là muốn thay thế những câu đối khác – không phải hiểu là “muốn như thế”.

Muốn thay thế câu đối khác thì cứ thay thế câu khác đi chớ để người thế câu của mình bằng những câu cũng giống như vậy.

Vậy, người cõi Thế T.Loạng Quạng xin “thế” bằng câu thách đối khác có liên quan đến “Khoa Học” – Xin gởi lại:

Vào Đại Học, ghi danh học đại một khoa gì; khoa Hóa, khoa Sinh đều độc hại mà cũng phải học đại !

TLQ

Lê Học Lãnh Vân

Hay quá ông cụ Quan. Vậy là cụ Quan còn già hơn cụ LVân nữa!

LVân góp sức như vầy cho nó chỉnh hơn được không:

"Bạn Bè họp mặt, khuyên những người cõi Thế muốn thế(*), cứ làm như thế kẻo người ta đem thế bởi những câu thế thế ..."

Đoàn Xuân Liêm

"Năm cũ sắp qua, điểm lại lớp còn ai mất ai, hỏi còn thiếu ai, do người thân thấy ai phai đi tìm những ai ai..."

Đoàn Xuân Liêm

"Mùa hè sắp đến, Nhớ dặn những học sinh mới sinh, đi làm khai sinh, đón những trẻ mới sinh ra khỏi phòng hồi sinh, Sinh."

Đoàn Xuân Liêm

"Ngày đầu đi học, thầy hỏi Chi biết chi, đi học làm chi những thứ thấp li chi, nào được cái chi chi."

Nguyễn Đức Cường

"Giao thừa gần đến, khuyên hai người bạn ấy nên ấy, đừng nhịn vụ ấy bởi bữa sau thèm ấy chẳng ai cho ấy ấy..."

Lê Học Lãnh Vân

Bravo Cuong!!!

Tuyệt cú mèo!!!

LPG có vài đề nghị nhỏ được chăng?

1) "khuyên hai người bạn ấy..." chữ ấy này là trạng từ, cần đổi qua danh từ mới chỉnh với chữ Chi ở trên.

2) "Giao thừa gần tới" chưa chỉnh với "Tết nhứt tới nơi" vì

a) Tết nhứt tiếng Việt, một chữ nghĩa chánh, một chữ nghĩa láy - Giao thừa tiếng Hán cả hai chữ đều có nghĩa chánh

b) "tới nơi", tới là động từ, nơi là danh từ (nghĩa gốc) - "gần tới": gần trạng từ, tới danh từ.

LPG cầu toàn, và cũng thấy câu của Cường hay quá nên muốn cho nó hoàn chỉnh. Thiệt ra các phần còn lại, và là phần chánh, khó đối thì Cường đã đối rất hay

Tuyệt cú mèo!!!

LPG

Tiền Anh Thơ

Hổm rày bận quá, hôm nay mới có dịp thảnh thơi đọc mail và cười hùn, thấy câu đối của anh Cường rất hay, tuy chưa chỉnh 100%, nhưng khó câu toan, Lanh Van nhỉ?

À, câu " da trắng vỗ bì bạch " là của Đoàn thi Điểm hay Hồ Xuân Hương?

Chúc cả nhà vui vẻ

Thơ Brisbane

Nguyễn Đức Cường

"Đồng áng hết việc, khuyên những trai làng Ấy nên ấy, đừng nhín vụ ấy tới mùa gặt đòi ấy chẳng ai cho ấy ấy..."

Lê Học Lãnh Vân

Hay, hay, hay, nhưng coi chừng mắc tội văn tự. Dám phạm thượng đem ấy đối với chi. Chi mà hiểu ấy là chi thì Chi trảm ông lập tức chẳng chờ chi...

Nói chơi chứ hay lắm Cường. Đủ thấy ông bạn bỏ thì giờ với nghề chơi này cũng không ít.

Thân, LVân

PS.: hỏi chơi: ông chịu thay "chẳng ai cho" bằng "với mấy nàng" ấy ấy được không?

Tăng Thị Tuyết

Tuyết cũng đồng ý với Lãnh Vân. Câu của Cường đọc thì thấy vui vui nhưng không được chỉnh vì những chữ "ấy" khi đối lại với chữ "chi" thì không đúng vơí danh từ, đông từ hoặc trạng từ trong câu của LV.

Tuyết muốn đối lại một lần nữa nhen,

"Năm cũ sắp hết, khuyên các anh họ Từ nhớ từ tính lăng nhăng từ nay kẻo bà xã sẽ từ chuyện ái ân từ từ."

Lan Hoa

Tết nhứt tới nơi, dặn các chị tên Chi cứ chi, để dành làm chi rồi ông xã cũng chi vô mấy thứ chi chi...

Giao thừa gần đến, khuyên hai người bạn ấy nên ấy, đừng nhịn vụ ấy bởi bữa sau thèm ấy chẳng ai cho ấy ấy...

Năm mới năm me, khuyên các bác trai đừng nên quá trớn, từ từ lấy trớn kẻo các bà sẽ ớn ớn...

Võ Thu Hương - Germany

Hi các bạn,

Chúc mừng các bạn và cám ơn các bạn đã làm được một mái nhà ấm cúng cho bọn mình, những lúc vui buồn ai cũng có thể vào đây để chia sẻ cùng bạn bè để thấy hạnh phúc chung quanh mình có rất nhiều bè bạn, trái đất hình như nhỏ dần lại, với tay một cái là đã gặp bạn ở bên Mỹ bên Úc bên VN rồi.

Thân thương quá những hình ảnh tụi mình ngày xưa đầy kỷ niệm... ráng lên tiếp tục như vậy đi các bạn nhé.

Để góp câu thách Đối ngày Tết của Lanh Vân mình có ý như vây:

Đau bụng thấy cha, tìm cầu tiêu để tiêu cái cần tiêu, không tiêu được hết nên trong bụng vẫn còn óc ách nhiều thứ muốn tiêu tiêu ...(hahaha)

Tùy các bạn, các bạn muốn đưa vào thì đưa không cũng không sao.

Chúc các bạn nhiều sức khỏe, hạnh phúc.

Thân mến,

Hương Võ ( Tây Đức)