Năm Cọp ... Tìm Hiểu Cọp - Tiền Lạc Quan

“Con mèo là dì con cọp”

Tục ngữ có câu “Con mèo là dì con cọp”. Vậy, con cọp là “cháu” con mèo, con cọp có họ hàng bà con với con mèo! Thật vậy, con cọp rất giống con mèo, cho nên con của một người em bà con của tôi, mới khoảng 3 tuổi, lần đầu tiên đi sở thú thấy con cọp liền la lên: “Ý có con mèo lớn quá kìa!”

Phân loại

Nói về môn phân loại học động vật thì các loài cọp, beo, sư tử, … được xếp chung vào giống (hay chi) “Mèo lớn” (Big Cats), có cùng tên khoa học là “Panthera”. Như tên khoa học của cọp là Panthera tigris, báo hay beo: Panthera onca (Jaguar – báo đốm Mỹ), Panthera pardus (Leopard – báo hoa mai), Panthera uncia (Snow leopard – báo tuyết), sư tử: Panthera leo (Lion). Tất cả các giống “Mèo lớn” này lại được xếp chung vào họ “Mèo” (Cats Family - Felidae) cùng với các giống “Mèo nhỏ” (Small Cats - Felis) quen thuộc được đa số các bà, các cô nuôi nấng, cưng chiều.

Loài cọp (Panthera tigris) lại được phân ra làm 9 loài phụ (Subspecies) khác nhau:

1/ Panthera tigris balica (Bali tiger)

2/ P. t. virgata (Caspian tiger)

3/ P. t. sondaica (Javan tiger)

3 loài phụ trên đây hiện nay đã bị tuyệt chủng.

4/ P. t. altaica (Amur, Siberian tiger hay hổ Mãn Châu), sống ở miền đông nước Nga,

đông bắc Trung Quốc và Bắc Hàn.

5/ P. t. tigris (Bengal tiger), sống ở Ấ́n Độ, Nepal, Miến Điện, ...

6/ P. t. cobetti (Indochinese tiger hay hổ Đông Dương), sống ở Thái Lan, Miến Điện, Lào,

Campuchia, miền Nam Trung Quốc và Việt Nam.

7/ P. t. malayensis hay P. t. jacksoni (Malay hay Malayan tiger: hổ Mã Lai), được tìm thấy ở Mã Lai, Thái Lan. Hổ Mã Lai có những đặc tính tương tự như loài phụ Indochinese tiger, nên cho đến năm 2004 mới được phân ra thành một loài phụ riêng.

8/ P. t. amoyensis (South China, Chinese tiger hay Amoy tiger, còn gọi là hổ Hoa Nam), được tìm thấy ở vùng phía Nam Trung Hoa.

9/ P. t. sumatrae (Sumatran tiger), chỉ thấy ở đảo Sumatra, Nam Dương (Indonesia).

Ngoài ra còn có giống “Bạch hổ”, có bộ lông màu trắng. Đây không phải là một loài phụ như đã được phân loại như trên, mà là một dạng biến chủng của loài phụ Bengal tiger. Trong thiên nhiên bạch hổ khó có thể được sống còn vì chúng không có bộ lông màu đậm để ngụy trang. Con bạch hổ đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ. Con này được đem về nuôi để sinh sản những lứa bạch hổ con. Người ta đã cố lai tạo những giống bạch hổ, nhưng sự lai tạo giữa những con cọp có cùng huyết thống không tạo ra được những thế hệ cọp con bình thường và thường có nhiều cọp con bị chết yểu.

Ngoài tên khoa học Panthera tigris (Linnaeus, 1758), cọp còn có nhiều tên khoa học đồng nghĩa khác: Felis tigris (Linnaeus, 1758), Tigris striatus (Severtzov, 1858), Tigris regalis (Gray, 1867).

Cọp, sư tử và các loài beo (hay báo) có “họ hàng bà con với nhau” nên có thể cho lai giống lẫn nhau. Sự giao phối giữa các giống “mèo lớn” này sinh sản ra những thế hệ con thú lai đặc biệt, có cùng những đặc tính của những con thú “cha” lẫn “mẹ”.

Lai giống giữa cọp và sư tử:

Có hai dạng “con lai” tùy theo con thú có cha là cọp hay sư tử:

- Con thú lai có cha sư tử và mẹ cọp, tiếng Anh gọi là “liger”, con cái gọi là “ligress”. Con đực có bờm của sư tử và màu lông có xen kẽ những vằn màu đậm hơn như màu lông của cọp. Con thú này có chiều dài thân mình hơn 3m (10ft), nặng 320kg (705lb) và có thể chạy nhanh đến 80 cây số một giờ (50mph). “Liger” được biết là những con “mèo lớn” to lớn nhất trong số những con thú thuộc họ “Mèo”. Con “liger” to lớn nhất được ghi vào quyển Guiness Book of World Record có tên là “Hercules” sống ở Jungles Island, Miami, nặng đến 410kg (904lb), lúc mới 3 năm tuổi (năm 2005), con “liger” này đã nặng đến 408.5kg (900lb). Tất cả những con “liger” đều có thể sinh sản bình thường.

Bạch hổ cái nếu cho lai giống với sư tử cũng có thể sinh sản ra những con “liger” có bộ lông màu “trắng”.

- Con thú lai có cha cọp và mẹ sư tử thì nhỏ con hơn, chỉ nặng khoảng 18kg (400lb), tiếng Anh gọi là “tigon” hay “tiglon”. Con “tigon” có những đặc tính chung của cọp và sư tử. Bộ lông con thú có những đốm tương tự như bộ lông của sư tử con và cũng những vằn xen kẽ như những vằn ở màu lông cọp. Con đực cũng có bờm như sư tử đực nhưng bờm nhỏ hơn. Những con “tigon” đực không có khả năng sinh sản. Những con “tigon” cái thì vẫn có thể sinh sản bình thường. Những con “tigon” cái này, nếu giao phối với cọp thì sinh sản ra thế hệ những con thú lai khác, tiếng Anh gọi là “titigon”, còn nếu giao phối với sư tử thì sinh sản ra thế hệ những con thú lai gọi là “litigon”.

Lai giống giữa cọp và các loài báo (beo):

Tùy theo trường hợp cha là cọp, mẹ là beo hay cha là beo, mẹ là cọp, và tùy theo loài beo được lai giống mà những con thú lai có những tên gọi tiếng Anh khác nhau: “dogla”, “jagger”, “jagupard”, “tigard”, “tiguar”, v.v...

Những con thú lai giống giữa cọp, beo và sư tử này, không biết tiếng Việt gọi là những con gì?

Một số đặc tính loài cọp

Nếu chỉ nhìn sơ qua thì có thể ta không phân biệt được các giống cọp (loài phụ) vì chúng đều có hình dáng và màu sắc tương tự nhau. Nhưng những giống cọp kể trên khác nhau về kích thước, màu lông cũng như màu sắc, kích thước và khoảng cách của các vằn. Sự khác biệt này chủ yếu do những điều kiện địa lý cách biệt và môi trường chúng sinh sống.

Tùy theo giống (loài phụ), lông cọp có màu vàng đậm, hơi ngả sang màu nâu hoặc màu cam. Xen kẽ có những vằn có màu nâu đậm, xám hoặc đen. Các vằn không chỉ ở lớp lông và da cọp mà còn ăn sâu trong lớp mô cơ dưới lớp da. Kích thước và sự sắp xếp các vằn ở từng con cọp đều khác nhau, giống như các dấu tay khác nhau ở từng người vậy. Màu lông có xen kẽ những vằn màu đậm hơn là một hình thức ngụy trang của loài cọp, nhờ đó chúng có thể dễ dàng lẫn vào những bụi rậm trong rừng hoặc trong những cánh đồng cỏ rậm rạp, như vậy chúng có thể tiến gần đến con mồi mà không bị phát hiện. Lông phía dưới bụng cọp lại có màu trắng.

Trên mặt và hai vành tai có những túm lông màu trắng. Phía sau mỗi vành tai lại có một đốm màu trắng. Đây là một đặc tính tự vệ đặc biệt của loài cọp. Ban đêm trong rừng, những con thú từ phía sau tưởng là hai con mắt của cọp, nhưng thật ra đó là phía sau lưng cọp. Những đốm trắng sau mỗi vành tai còn giúp cho những con cọp nhận biết nhau trong rừng đêm tăm tối.

Cọp có chiều dài thân mình (kể cả đuôi) từ 1,4 mét đến 2,8 mét (4½ - 9¼ ft). Chiều cao đo ở khoảng vai từ 90cm đến 1m (35-39in). Trung bình một con cọp nặng khoảng 220Kg (485lb). Giống cọp lớn nhất là giống Amur hay Siberian (Panthera tigris altaica), con đực có thể có chiều dài thân mình đến 3,30 mét (10.8ft), nặng đến 300kg (660lb). Giống cọp nhỏ con nhất được biết là giống Sumatran (Panthera tigris sumatrae), con cái chỉ nặng đến 110kg (242½lb) và chiều dài thân mình chỉ tăng trưởng đến khoảng 230cm (7.5ft).

Cái đuôi cọp dài khoảng từ 60cm đến 1m (2-3½ft), có chức năng giữ thăng bằng cho cọp khi nó chạy nhanh. Bình thường, đuôi cọp luôn uốn cong lên và khi gặp một con thú khác thì cái đuôi hầu như vươn thẳng lên như là một tín hiệu đề phòng.

Nhờ thân hình thon dài và uyển chuyển nên hầu như cọp không gây tiếng động khi di chuyển qua những lùm bụi hay cây cỏ rậm rạp. Những giống cọp sống ở những vùng đầm lầy ngập mặn ven biển có thân hình thon dài hơn những giống cọp sống ở những vùng rừng núi, thích hợp cho việc bơi lội thường xuyên và len lách qua những cây cối để săn những con mồi tương đối nhỏ. Chúng có thể săn bắt mồi ngay dưới nước.

Trong các loài thú ăn thịt thuộc họ “Mèo”, có lẽ loài cọp là những “lực sĩ” bơi lội giỏi nhất. Cọp có thể bơi qua những dòng sông rộng, nhưng chúng lại không biết leo cây. Trong tất cả các loài thú thuộc họ “Mèo” có lẽ chỉ có loài cọp là thích ngâm mình trong nước hằng giờ cho mát mẻ (những con “mèo nhỏ” được nuôi trong nhà rất sợ nước!).

Chân cọp khá ngắn nhưng có những bắp cơ chân to và mạnh. Nhờ những bắp cơ vai và bắp cơ hai chân trước to lớn và mạnh, cọp có thể quật ngã những con mồi to lớn. Hai chân sau cũng rất mạnh, nhờ đó mỗi bước phóng, một con cọp có thể phóng xa đến 10m (33ft). Bàn chân cọp cũng to lớn và mạnh, có thể đánh ngã tức thì một con mồi. Mỗi ngón chân lại có móng vuốt có móc cong bén nhọn, khi không dùng đến thì được xếp gọn trong bàn chân cọp.

Xương quai hàm cọp to và mạnh. Trung bình một con cọp có 30 cái răng, hàm trên và hàm dưới đều có 2 răng nanh dài và bén nhọn.

Các giác quan của cọp rất nhạy bén. Cọp có thị giác nhạy gấp 6 lần thị giác loài người, ban đêm chúng có thể nhìn rất rõ. Thính giác và khứu giác cũng rất nhạy. Loài cọp dùng khứu giác để săn mồi và để nhận biết và liên lạc nhau nhờ mùi hương đặc trưng của từng con cọp. Cọp cũng dùng mùi hương đặc trưng này để đánh dấu khu vực nó chiếm cứ.

Râu cọp khá dài, có thể dài ra ngang bằng với bề ngang thân mình của cọp. Đây cũng là một bộ phận giác quan của cọp giúp chúng di chuyển xuyên qua cây cỏ rậm rạp.

Nói chung, các giống cọp (loài phụ) sống rải rác khắp nơi trong nhiều môi trường thiên nhiên khác nhau, từ những vùng rừng ngập mặn ven biển, những đồng cỏ cao, rậm rạp, đến những khu rừng tận Tây Bá Lợi Á (Siberia), cho đến những vùng núi cao tuyết phủ. Riêng giống (loài phụ) Bengal tiger có thể thích ứng với nhiều loại môi trường sinh sống khác nhau, từ những đồng cỏ, những vùng đầm lầy, những khu rừng ngập mặn ven biển cho đến những rừng cây thay lá và những vùng rừng mưa nhiệt đới.

Săn mồi

Loài cọp là loài thú ăn thịt (Carnivora). Cọp săn mồi vào buổi tối, từ lúc mặt trời lặn cho đến hừng sáng. Những con mồi cọp thường săn bắt gồm các loài nai, heo rừng, khỉ, ... và các loài bò rừng, trâu rừng, có khi nặng đến hơn 1 tấn.

Cọp tấn công con mồi từ bên hông hoặc từ phía sau. Nó núp lẫn trong những bụi cây cỏ rậm rạp để rình mồi, thường rình ở cuối ngọn gió để con mồi không phát giác được mùi của cọp. Khi đã chọn một con mồi có vẻ dễ bị tấn công, nó tiến từ từ đến gần con mồi một cách nhẹ nhàng, hầu như không gây tiếng động. Đến khoảng cách thích hợp, khoảng 20m (65ft), con cọp thình lình phóng đến vồ con mồi từ bên hông một cách nhanh chóng trong khi con mồi không kịp phản ứng. Hai chân trước có những móng vuốt bén nhọn vươn ra bấu vào con mồi và cọp quật ngã con mồi xuống đất. Hai hàm răng cọp rất mạnh, ngoặm vào cổ con mồi, bốn răng nanh to lớn sẽ cứa đứt cổ họng, động mạch cổ, dây thần kinh cột sống ở cổ con mồi, và như vậy con mồi chết ngay. Đối với những con mồi to lớn hơn thì cọp ngoặm và siết chặt cổ họng cho đến khi con mồi nghẹt thở mà chết. Sau đó cọp tha con mồi đến một nơi an toàn để ăn thịt. Có khi cọp đem giấu xác con mồi ở một nơi an toàn, đợi cho thịt thối rữa một phần mới ăn, vì như thế thịt con mồi mềm hơn và dễ xé ra hơn. Nhiều khi săn được một con mồi to lớn, chúng cũng đem giấu để ăn lần lần trong nhiều ngày. Đôi khi con mồi được cọp để dành bị một số loài thú ăn thịt khác như chó rừng, heo rừng, ... “phát hiện” và “xơi” mất hết trước khi con cọp trở lại.

Một con cọp có thể ăn đến 40kg (88lb) thịt mỗi bữa ăn.

Nhưng không phải lúc nào việc săn bắt mồi cũng thành công. Do đó không phải ngày nào một con cọp cũng được dùng bữa no nê, cũng có ngày nó phải chịu nhịn đói. Nếu là một con cọp cái săn mồi về cho bầy con nó, không săn được mồi thì bầy cọp con hôm ấy cũng phải chịu đói meo. Có lần tôi được coi một phim tài liệu về đời sống thiên nhiên, thấy cảnh một con cọp tấn công một con trâu rừng, bị con này húc lòi ruột, máu chảy ròng ròng ...

“Rừng nào cọp nấy

Loài cọp có lối sống đơn độc. Mỗi con cọp chiếm cứ một khu rừng riêng biệt. Những con cọp khác, cùng giống (cọp đực hoặc cọp cái) với con cọp “chủ” không dám bén mảng tới, hoặc có khi phải đi ngang khu vực ấy thì cố tránh không đụng độ con cọp “chủ” khu rừng.

Một “ông cọp” hay một “bà cọp” đánh dấu khu vực chiếm cứ bằng phân và nước tiểu có mùi hương đặc trưng của từng con cọp. Ngoài ra, cọp cũng đánh dấu khu vực bằng cách lưu lại những vết móng chân cào sướt trên những thân cây trong vùng, và cùng với những vết cào sướt ấy, lưu lại mùi hương đặc trưng của từng con cọp được bài tiết từ những hạch nằm giữa những ngón chân. Mùi hương đặc trưng này được lưu lại cùng với những vết móng chân cào sướt trong vòng vài tuần. Sau đó con cọp “chủ” phải “cập nhật hóa” tức là phải đánh dấu lại khu rừng mình chiếm lĩnh. Sau nhiều tuần, nếu khu vực không được đánh dấu lại, thì khu vực ấy sẽ được coi như là “vô chủ” và một con cọp khác có thể “dọn” đến chiếm cứ.

Một “ông cọp” có thể chiếm lĩnh một khu rừng rộng đến 40 cây số vuông (25 square miles). Những “bà cọp” cũng chiếm cứ một khu rừng riêng biệt, nhưng thường nhỏ hơn những khu vực của những “ông cọp”. Diện tích khu vực của “mấy bà cọp” tùy thuộc vào những điều kiện thiên nhiên thích hợp và cũng tùy thuộc nơi đó có nhiều con mồi hay không, vì đó là nguồn thực phẩm cho bầy cọp con. Khác với những “ông cọp”, một phần đất thuộc khu vực của một “bà cọp” có thể nằm trong khu vực của một “ông cọp”. Trong một khu rừng do một “ông cọp” chiếm cứ có thể có từ 3 đến 4 phần đất thuộc khu vực của 3 hay 4 “bà cọp”. Thường “ông cọp chủ” này là “cha ruột” của những bầy cọp con, con của mấy “bà cọp” trong khu rừng.

Những con cọp già nua hoặc bị thương tật, không thể cạnh tranh lại với những con cọp còn khỏe mạnh, bị đẩy dần ra khỏi khu vực của chúng và chỉ có thể săn những con mồi dễ bị tấn công như gia súc nuôi ở các làng mạc. Chúng còn có thể tấn công cả người để ăn thịt khi bị đói. Như ca dao tục ngữ có câu:

“Hổ ngạ phùng nhân thực

“Nhân cùng khởi đạo tâm

Nghĩa là: Cọp đói gặp người thì ăn; người túng quá sinh trộm cắp.

(“đạo” ở đây là “đạo chích”: tên ăn trộm ăn cắp – “Chích” là tên một giặc cướp đời Xuân Thu bên Trung Hoa, chớ không phải “đạo” có nghĩa là tôn giáo, như “đạo Phật”, “đạo Thiên Chúa”, ...)

“Hổ đói mới ăn thịt người,

“Người cùng túng quá ắt thời trộm gian

Rống to như hùm theo cái

Loài cọp dùng tiếng gầm để liên lạc nhau từ xa. Có nhiều loại tiếng gầm khác nhau dùng để biểu lộ sự giận dữ, nỗi sợ hãi hoặc là một tín hiệu báo cho biết đã săn bắt được một con mồi. Chỉ có những loài thuộc giống (hay chi) “Mèo lớn” - Panthera, như cọp, sư tử và các loài báo (hay beo) mới có thể gầm.

Nhưng đặc biệt, tiếng gầm của loài cọp cũng là “lời kêu gọi tình yêu”. Chúng nó gầm thét dữ dội để quyến rủ con cọp khác giống tới để “bắt cặp”. Câu tục ngữ “Rống to như hùm theo cái ” rất đúng: có lẽ trong các loài thú thì loài cọp là “ồn ào”, “om sòm” nhất khi chúng “bắt cặp”. Thật ra thì “bà cọp” “rống to” trước để phát ra “lời kêu gọi tình yêu” và đồng thời đánh dấu khu vực chiếm cứ bằng mùi của nước tiểu. Khi một “bà cọp” “rống to” thì thường có một “ông cọp” đáp ứng lại với “tiếng gọi tình yêu” đúng lúc, đến với “bà cọp” để “bắt cặp”. Sự giao phối kéo dài trong vòng chỉ có 30 giây đồng hồ, nhưng thông thường có thể được thực hiện đến hơn 50 lần một ngày, trong vòng nhiều ngày liên tiếp.

Trong xã hội loài cọp, hầu như không có cái vụ hai con cọp đực “đánh lộn” để giành nhau một con cọp cái. Một “anh cọp” “xí” được “em cọp” nào trước thì những “anh cọp” khác không đến giành. Một “ông cọp” có thể “bắt cặp” cùng một lúc với nhiều “bà cọp”, thường đã ở cùng khu vực của “ông cọp”, như đã nói ở đoạn trên (mà mấy “bà cọp” này cũng không “đánh ghen”!). Đôi khi cũng có trường hợp một “ông cọp lạ mặt” đến để “ve vãn” một “bà cọp” trong khu vực, nhưng thông thường “ông cọp lạ mặt” này bị “ông cọp chủ” khu vực đánh đuổi đi.

Mấy “bà cọp” cũng “dữ” lắm! Nhưng ít khi có cái vụ mấy “bà cọp” “đánh lộn” với nhau. Đa số mấy vụ cọp cắn lộn nhau là do mấy “bà cọp” đánh đuổi mấy “ông cọp lạ mặt” bén mảng tới khu vực có bầy cọp con. Mấy “bả” chỉ cho con cọp đực “cha ruột” của bầy cọp con ghé thăm chúng thôi. Đó là vì những “bà cọp” đang nuôi con thường không còn “ham muốn” và không thích những “anh chàng cọp” hay những “ông cọp” đến “ve vãn tán tỉnh”. Khi những con cọp con đã trưởng thành và đã tách rời bầy, hoặc khi các con cọp con, vì một lý do nào đó, chết hết, khi ấy mấy “bà cọp” mới tìm những “ông chồng cọp” mới. Do đó mấy “ông cọp” tìm cách giết chết hết mấy con cọp con (trừ bầy con ruột của “mấy ổng”) để “bắt cặp” với “bà mẹ cọp”. Do đó mấy “bà cọp” đang nuôi con phải chống cự lại, đánh đuổi mấy “ông cọp dê” này để bảo vệ bầy cọp con không bị giết hại.

Hổ phụ sanh hổ tử

Tuy những con cọp con cũng giống y như những con cọp “cha”, nhưng câu tục ngữ này có lẽ phần nào không đúng hẳn, vì ngay sau khi các con cọp con được sinh ra thì mấy “ông cọp cha” bỏ đi mất tiêu! Lâu lâu mới ghé qua thăm các “hổ tử”. Việc “chăm sóc và nuôi dạy” các “hổ tử” hoàn toàn do mấy “bà mẹ cọp” phụ trách.

Thời kỳ sinh sản của cọp khoảng từ tháng Mười Một đến tháng Tư trong năm. Thời gian mang thai từ 95 đến 112 ngày. Sau thời gian giao phối trung bình khoảng 103 ngày thì một “bà cọp” hạ sinh từ 2 đến 6 chú cọp con, thông thường là 3-4 chú, đôi khi có thể đến 7 chú. Các chú cọp con được bú sữa mẹ trong khoảng từ 2 đến 3 tháng đầu. Nhưng đến khoảng 2 tháng tuổi thì chúng đã bắt đầu tập ăn thịt. Sau đó “bà mẹ cọp” bắt đầu huấn luyện các chú cọp con cách săn mồi. “Bà mẹ cọp” có thể tập cho các chú cọp con tấn công những con mồi đã bị thương hoặc đã bị yếu đi.

Tỷ lệ tử vong của cọp con trong thiên nhiên rất cao: số cọp con chết yểu trong vòng 3 tháng đầu sau khi sinh có thể lên đến 60%!

Sau 2 hoặc 3 năm sống trong bầy chung với “bà mẹ cọp” và đã được “bà” huấn luyện thành thục để có thể tự săn mồi, những con cọp đã trưởng thành sẽ tách khỏi bầy để đi chiếm cứ một khu rừng riêng và sống một đời sống đơn độc riêng rẽ. Lúc ấy, “bà cọp” mới bắt đầu “bắt cặp” với một “ông cọp” khác để có thể sinh ra một lứa cọp con mới. Như vậy, cứ khoảng từ hai đến hai năm rưỡi, một “bà cọp” mới sinh sản một lần.

Sau khi tách khỏi bầy, nhiều khi các “anh chàng cọp đực mới lớn” đi lang thang từ khu rừng này đến khu rừng khác nhiều năm, có khi đến suốt cả đời, mà vẫn không “định cư” được vì nơi nào cũng đã có một “ông cọp cũ” chiếm cứ. Vì “Rừng nào cọp nấy” nên mấy “anh cọp mới lớn” không thể ở lại những khu rừng đã có “chủ” được.

Tuổi trưởng thành để có thể sinh sản ở cọp đực từ 4-5 tuổi, còn mấy “cô cọp cái” thì trưởng thành sinh dục sớm hơn: từ 3 đến 4 năm tuổi.

Tuổi thọ trung bình của cọp được nuôi trong các sở thú là 25 năm hoặc hơn nữa. Nhưng những con cọp sống hoang dã ít khi sống đến hơn 13 năm tuổi.

Nguy cơ tuyệt chủng

Ngày nay, loài cọp là một trong những loài thú đang bị nguy cơ tuyệt chủng. Người ta ước tính hiện nay chỉ còn khoảng 5.000 con cọp còn sống hoang dã, đa số thuộc giống (loài phụ) Bengal, khoảng từ 3.500 đến 4.000 con, trong đó có 80% sống ở Ấn Độ, số 20% còn lại sống rải rác ở các nước lân cận như Bhutan, Banladesh, Miến Điện và Nepal.

Còn những giống cọp khác thì chỉ còn rất ít, thí dụ: giống cọp Amoy tiger hay South China tiger chỉ còn khoảng 20 tới 30 con! Các giống cọp khác chỉ còn vài trăm con, như Indochinese tiger: dưới 1.000 con, Malay tiger: khoảng 500 con, Siberian tiger: 350 con và Sumatran tiger: 240 con.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài cọp:

- Môi trường sinh sống bị hạn chế: rừng rậm mỗi ngày một ít đi do việc khai thác rừng để lấy gỗ, hoặc do việc khai khẩn đất đai. Do đó, những khu vực sinh sống và sinh sản của loài cọp càng ngày càng bị thu nhỏ lại.

- Nạn săn bắn cọp để lấy thịt, bộ da và lông, xương và một số bộ phận trong cơ thể cọp để làm thuốc, nhất là cao hổ cốt. Mặc dù hiện nay việc săn bắn cọp và nhiều loài thú rừng khác đã bị ngăn cấm trên toàn thế giới, cọp và nhiều loài thú rừng vẫn còn bị săn bắn bất hợp pháp. Mặt dù đã bị nghiêm cấm và kiểm soát chặt chẽ, nạn buôn lậu những sản phẩm từ cọp và từ những loài thú rừng khác vẫn còn tràn lan trên toàn thế giới. Nạn buôn lậu những sản phẩm từ cọp có lẽ là mối nguy hại trầm trọng nhất cho sự sinh tồn của loài thú này.

Hiện nay, loài cọp cũng như nhiều loài thú rừng có nguy cơ bị tuyệt chủng đã được nhiều tổ chức quốc tế bảo vệ.

Ở Ấn Độ có tổ chức “Project Tiger Reserve” quản lý nhiều khu bảo tồn thiên nhiên trong đó có những khu bảo vệ loài cọp. Trang mạng của “Project Tiger Reserve” là:

http://projecttiger.nic.in .

Vào trang mạng của “The Tiger Control Room”, chúng ta có thể tìm thấy những chi tiết về sự phân bố của loài cọp và những khu bảo tồn thiên nhiên ở Ấn Độ.

http://envfor.nic.in/pt/tcroom/tcroom.html

Một số trang mạng khác của những tổ chức quốc tế bảo vệ loài cọp:

www.savethetigerfund.org

www.catsg.org

http://www.worldwildlife.org/fun/

Một số tài liệu tham khảo chính:

- Viết theo quyển Swamp Tigers - Natural Killers, Predators close up.

Natural Killers International Masters Publishers BV 2005

- “Tigers http://www.kidcyber.com.au/topics/tigers.htm

- http://en.wikipedia.org/wiki/Tiger

Một số tài liệu tham khảo trên mạng khác:

http://www.tiger.to/

http://www.nationalgeographic.com/kids/creature_feature/0012/tigers2.html

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%95 (tiếng Việt)

http://en.wikipedia.org/wiki/Malayan_Tiger

http://en.wikipedia.org/wiki/Liger

http://en.wikipedia.org/wiki/Tiglon

http://en.wikipedia.org/wiki/Panthera_hybrid