Mấy Bận Du Xuân ... Mỹ Phương

Những ghe dưa hấu đã cặp đầy bến sông. Các lái buôn chuyền dưa từ ghe lên bờ thiệt thành thục. Người dưới ghe thẩy dưa cho người trên bờ chụp, khoảng cách xa như vậy mà không rớt lần nào. Cứ mỗi lần thấy dưa hấu chất hằng đống hai bên đường ra chợ là Hân biết xuân lại về. Kể từ khi được cắp sách tới trường, Hân không còn phải hỏi mẹ: “Tết này con lên mấy tuổi rồi, hả Má?”. Vì Hân đã đếm được tuổi của mình, dù không đếm xuể có bao nhiêu trái trong những đống dưa hấu xanh rì kia.

Chợ búa bắt đầu nhốn nháo hơn lên từ đầu tháng Chạp. Ngả qua chợ tới trường thiệt đông đúc dân mua bán. Vậy mà Hân vẫn thích đi học bằng ngả này, tuy rằng có tới mấy ngả dẫn từ nhà Hân qua trường. Hân ưa cái cảm giác va chạm khi xô lấn, chen chúc trong dòng kẻ ngược, người xuôi. Thể nào Hân cũng rán tìm cho được cái kẽ hở nhỏ xíu giữa hai người trước mặt mà xen vô để vượt qua, và cũng để nghe họ la hoảng:

-Làm gì mà chen lấn dữ vậy!

Trôi giữa đám đông thì chuyện đạp chưn nhau không sao tránh khỏi, đau nhứt là bị các bà mang guốc vông đạp trúng. Lúc đó chỉ biết hít hà, đi cà nhắc, lẹ lẹ cho tới chỗ trống để coi mấy ngón chưn rướm máu cỡ nào.

Những ngày cận Tết mới thiệt là những ngày vui nhứt. Hân chỉ chờ tới hai mươi ba tháng Chạp, cho xong cái tiệc Cây Mùa Xuân của lớp, để được nghỉ học. Không có một ngày nào trong thời gian này gọi là nhàm chán. Hân mở màn cuộc “du xuân” với A Lỉn, con bạn hàng xóm người Tàu, ngay buổi chiều đầu tiên nghỉ tết, rểu rểu qua từng căn phố để coi người ta đưa ông Táo về trời.

Nhiều người đưa ông Táo ở nhà sau, mình không coi được, nhưng cũng có người dọn cúng ngay trước nhà. Tiệm bán đồ gốm cúng bộ tam sên, con tôm càng đỏ lom cong lưng ôm cái hột vịt trắng bóc, nằm cạnh miếng thịt ba rọi luộc nóng hổi, còn bốc khói. Bà chủ tiệm cầm một chùm nhang, xá lia xá lịa, miệng vái lẩm nhẩm, cái gì mà:

- …cầu xin mua may bán đắt …

Tiệm bán bánh kẹo cúng một con cá chép còn lội ngoe nguẩy trong cái chậu sành. Con dâu của chủ tiệm nói:

- Ông Táo cỡi con cá này bay về trời để trình tấu với Ngọc Hoàng Thượng Đế những chuyện trong nhà suốt năm qua, rồi Ngọc Hoàng sẽ phán xét mà thưởng phạt mình. Bởi vậy, trong năm không nên làm điều xấu.

Hân không biết ông Táo có cỡi cá không. Nhưng sau khi cúng xong thì người con dâu đem cá chép vô nhà làm thịt cho bữa cơm chiều.

Ông chủ tiệm vàng tân thời hơn, cúng một chiếc máy bay thiệt bự bằng giấy kiếng đỏ. Đốt nhang khấn vái xong, ông chủ đốt chiếc máy bay thành tro đen thùi. Con bạn hàng xóm khều Hân, hỏi:

-Chiếc máy bay bị đốt ra tro rồi, làm sao mà ông Táo cỡi được, hả mậy?

Hân trả lời đại:

-Mầy có thấy gió thổi tro của nó bay lên trời không? Hồn ông Táo ngồi trên đó, đó.

Ông thợ rèn thiệt đơn sơ, chỉ cúng một dĩa thèo lèo, nhưng ông đốt theo một tờ giấy dài thoòng. Hân ráng liếc coi, thấy có mấy chữ: …cầu đủ ăn …mạnh giỏi …

Đi hết hai dãy phố thì không còn gì để coi. Con bạn của Hân rủ:

-Mình vô xóm trong coi người ta dựng nêu đi.

Vậy là hai đứa cặp kè quẹo qua xóm trong.

Phố chợ không có đất vườn, khá lắm cũng chỉ có một sân xi măng phía trước, nên không thấy ai dựng nêu. Nhưng đa số nhà xóm trong có vườn trước, vườn sau rộng rãi, dựng nêu tha hồ. Hân thích nhứt là mấy khoảnh hàng rào bông bụp mướt mơ xanh lá. Những đóa bông bụp đơn đỏ thắm, thò cái nhụy dài ngoằn như lưỡi chú kỳ nhông lúc le ra đớp mấy con muỗi. Còn bông bụp kép có nhiều cánh dày đặc che kín nhụy bên trong, như người con gái đẹp của cô Hoa y tá hay thập thò sau khuông cửa sổ. Mỗi chiều tan học đi ngang xóm, Hân thường ngắt lén một bông đem về đập dập cho ra màu đỏ, để giả làm phấn thoa má hồng. Nhưng ngày tư ngày tết thì không nên hái trộm bông. Với lại, còn phải để dành cảm tình đặng người ta cho mình đứng coi dựng nêu nữa chớ.

Có mấy nhà, nêu đã dựng tự lúc nào. Hân tiếc rẻ:

- Chắc mình đi trễ nên người ta xong việc hết rồi.

Bỗng A Lỉn giựt mạnh tay Hân:

-Nhà ông Ba câm đem tre về kìa.

Người nhà ông Ba câm đang vác về một cây tre dài ba bốn thước, các nhánh đã được róc trụi, chỉ còn chừa lá ngọn phất phơ. Hân cùng A Lỉn theo sau, mấy đứa con nít khác trong xóm cũng kéo nhau vô sân chờ coi dựng nêu.

Bà Ba đem ra mấy món lỉnh kỉnh để buộc vô ngọn tre. Nào là cái giỏ nhỏ đựng trầu cau, nào là cái khánh bằng đất nung, rồi ống sáo. Xôi chè được bày ra. Ông Ba cầm một bó nhang khấn vái bốn phương tám hướng. Hai người đàn ông trong nhà tiếp dựng cây nêu lên, chôn chưn nêu ở giữa sân, bên trong một hình vòng cung vẽ bằng vôi bột. Cô con gái của ông Ba lấy một mũi tên làm bằng cây dâu tằm ăn để vô vòng cung, hướng đầu mũi tên về phía đông.

Nêu đã dựng xong, mọi người lo dọn dẹp, mấy đứa con nít giải tán. Ông Ba cũng lui mất hút trong nhà. Bà Ba cùng cô con gái lui cui khiêng mấy sàng bánh tráng vô chái bên, kiểm coi cái nào đã khô hẳn thì xếp ra để đếm cho chợ bán Tết. Hân rất thích ăn bánh tráng sữa của Bà Ba, nhứt là bánh chưa khô hẳn. Nó thơm, mềm và béo ngậy.

Cả xóm này ai cũng biết ông Ba câm thuộc nhà dòng dõi, vì giặc giã mà lưu lạc tới đây. Do đó, dù không nói được nhưng ông là người có học thức. Năm nay ông cũng lớn tuổi rồi, mái tóc bạc phơ, hai hàng lông mày dài thườn thượt cũng bạc phơ. Ông Ba ít khi ra ngoài. Mỗi lần Hân đi học ngang nhà, thường thấy ông ngồi cạnh cửa sổ với mấy chồng sách cao nghệu trên bàn “bureau”, ghi ghi, chép chép.

Ông Ba “giữ phong tục” như vậy thì thế nào đêm giao thừa ông cũng treo một dây pháo lên cây nêu để đốt mừng năm mới. Con nít trong xóm sẽ lại bu quanh cây nêu coi pháo nổ, rồi tranh nhau lượm mấy viên pháo tịt ngòi rớt dưới đất.

Ngoài trời vẫn còn tối mịt mà phố xá đã lao xao. Hân giựt mình thức giấc. Dù không ngủ lại được nhưng Hân không muốn ra khỏi mùng, nằm nướng mà nghe tiếng họ bày hàng lộp cộp thiệt vui tai. Mấy con vịt la cạp cạp ỏm tỏi. Mấy bà trong xã ra chợ gọi nhau ơi ới.

Hân mơ màng thưởng thức những âm thanh lộn xộn đó cho tới trời hừng sáng. Khi mọi người trong nhà đều lần lượt thức dậy, Hân mới chui ra khỏi mùng. Mấy người tá điền bên cù lao Mây theo con nước sớm đã qua tới chợ Trà Ôn. Họ tựu lại nhà Hân đông đúc. Đàn ông thì lau chùi nhà cửa. Đàn bà thì lắng nghe Bà Nội của Hân chỉ vẽ để phụ với dì bếp lo nấu nướng. Họ rất vui vẻ, vì thế nào sau khi xong việc, Bà Nội cũng thưởng một món lì xì tết hậu hĩnh, lại cho thêm mấy xấp vải mới.

Hân theo coi Bác Hai Phó Xã đánh bóng lư đồng. Bác lấy một miếng giẻ quấn quanh ngón tay, thấm thuốc chùi lư rồi bôi lên các phần của bộ lư đã tháo rời. Ngón tay thô nhám của Bác đi tới đâu thì đồng sáng lên tới đó. Lư hương đã được dọn sạch chưn nhang từ hôm đưa ông Táo. Trong khoảng thời gian này, những người khuất mặt, khuất mày tạm thời vắng nhà, nên Má Hân sẽ không đốt nhang mỗi tối nữa cho tới giao thừa, khi cúng rước ông bà.

Coi một hồi cũng chán, Hân tìm cách hỏi chuyện:

-Bác Hai, tại sao họ gọi Bác là Phó Xã vậy, Bác?

Bác Hai bập bập điếu thuốc rê, cười hề hề, không nói. Chán phèo! Hân ngó quanh rồi đứng dậy đi xuống bếp. Bà Nội hỏi Hân:

-Con muốn ăn cái gì không?

Hân lắc đầu, nói:

-Con muốn đi chợ.

Bà Nội móc túi lấy tờ giấy hai đồng màu xanh dương đưa cho Hân:

-Con đi chợ muốn mua gì thì mua.

Bà Nội thiệt dễ thương. Hân ôm ngang bụng Bà Nội rồi chạy lẹ ra trước nhà. A Lỉn đang đứng thơ thẩn ở hàng ba, chắc nó có ý chờ Hân. Hai đứa kéo nhau ra chợ.

Bà già bán “cái lung tung” hôm nay có thiệt nhiều cái đẹp, mặt trống dán giấy đủ màu. Hân móc liền hai đồng mua một cái, bà thối lợi tờ một đồng màu nâu. Hân vừa đi vừa vo cán tre cho mặt trống xoay qua xoay lại, kéo theo hai cọng chỉ ở hai bên sườn trống. Hai viên đất nhỏ dán ở đầu hai sợi chỉ đập vô mặt trống nghe “lung tung, lung tung”.

Còn một đồng, Hân mua bánh thuẩn. Hai đứa vừa đi vừa chia nhau cái bánh. Rồi tắp vô coi ông thợ vẽ tranh thủy mặc. Năm nào, gần tới Tết, ông này cũng bày hàng bên đường. Ông xài một cây cọ rất lớn, vẽ mực tàu trên giấy trắng. Khách yêu cầu ông ấy vẽ hàng chữ Tân Xuân Vạn Hạnh. Hân và A Lỉn say mê theo dõi từng nét cọ lả lướt. Cái mà ông ta vẽ không phải là chữ, mà là hình người mặc áo thụng với tay áo thùng thình. Ông vẽ thân mình, cánh tay, cái chưn, đưa ra, đưa vô, đưa xuống, đưa lên, làm sao mà cuối cùng đọc được thành câu chữ. Ông chủ tiệm vàng cũng đặt vẽ một tấm Tài Nguyên Phong Phú, dài cả dang tay, rồi lộng kiếng và treo lên giữa nhà.

Ngồi gần ông thợ vẽ tranh thủy mặc là một ông già mặc áo dài the thâm, bới đầu, râu tóc muối tiêu. Ông cũng xài mực tàu nhưng cây cọ nhỏ hơn, và vẽ trên giấy đỏ. Khách của ông rất lơ thơ.

Hân thúc vô hông A Lỉn:

-Ổng vẽ chữ Tàu kìa. Mầy đọc thử coi.

A Lỉn dòm tới dòm lui một hồi rồi nói:

-Chữ thấy quen quen mà tao đọc không ra.

Hân nhăn mặt:

-Vậy mà mầy cũng đi học trường Tàu.

A Lỉn đang ăn miếng bánh thuẩn, đột nhiên mắc nghẹn, trợn trừng hai mắt, tay vuốt vuốt cần cổ. Hân lôi A Lỉn về nhà cho nó uống nước. Con nhỏ này thiệt là vô dụng. Nhưng không lo! Năm nào Ba Hân cũng đem về một tấm giấy đỏ treo trên cành mai. Hết Tết, Hân sẽ bỏ nó vô bao thơ, gởi về Ông Ngoại Hân ở Cái Bè, để hỏi cho biết mấy chữ trên tờ giấy đỏ là gì mà A Lỉn đọc không ra.

Cơm trưa xong, đợi chợ vãn bớt, Hân mới dám rủ A Lỉn đi coi tranh truyện. Chỉ có vài tiệm bán loại tranh này. Mấy căn nhà ván ở xóm trong hay mua về dán trên vách. Mỗi bộ tranh truyện gồm bốn tờ dài như lịch tháng, trên mỗi tờ có in ba bức tranh. Hân đọc những dòng chữ dưới mỗi bức tranh cho A Lỉn nghe. Hết truyện Phạm Công Cúc Hoa, rồi qua truyện Lâm Sanh Xuân Nương. Đang đọc truyện Thạch Sanh Chém Chằn nửa chừng thì có khách vô mua hàng. A Lỉn lẹ lẹ kéo Hân đi, không thôi ông chủ tiệm đuổi chạy không kịp.

Hai đứa tắp vô chỗ người ta bu quanh ông bán thuốc dạo. Ông ấy đang làm ảo thuật, biến lá bài bích thành lá bài cơ. Sau đó, quảng cáo thuốc hồi sinh bằng cách cắt cổ con gà cho nó chết xỉu, rồi nhét thuốc vô vết thương. Ông lại tiếp tục rao quảng cáo. Sau vài phút, con gà tỉnh lại. Mấy bà già vổ tay hoan hô và xúm nhau mua thuốc hồi sinh của ông ấy. Mấy bà già này trong xã ra nên dễ tin. Còn Hân ở tại quận nên biết rõ là con gà chỉ sống hết chiều nay, ông bán thuốc dạo sẽ đem về chỗ trọ để kho sả ớt. Ngày mai, ông ta lại mua con gà khác. Không biết mấy bà già uống thuốc vô sẽ ra sao, chắc không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Nhưng hề gì! Ông bán thuốc dạo chỉ lưu tại chợ chừng một tuần là đi chỗ khác, biết đâu mà tìm.

Tới xế chiều thì chợ đã thưa hẳn. Những người bày bán ở lề đường lục tục dọn về. Các cửa tiệm cũng dọn hàng ngoài hiên vô nhà. Nhưng các chủ vựa dưa chỉ đậy mấy đống dưa bằng tấm bạt ny lông, rồi chong đèn ngủ kế bên suốt đêm, ngoài trời sương gió, thiệt cực nhọc. Vợ chồng chú Huy tiệm may xeo xéo cửa nhà Hân và mấy người thợ chắc cũng đốt đèn “măng xông” thức thâu đêm để may cho xong hàng của khách đặt.

Riêng với Hân, đây lại là những đêm thần tiên. Hân tha hồ thức khuya mà không một ai nhắc nhở Hân đi ngủ sớm. Ba Hân đi chơi chưa về, Má Hân lo chăm sóc cho em gái út. Mấy người đàn ông xong việc lau chùi đã trở về cù lao. Nhưng mấy người đàn bà vẫn còn phải nán lại thêm một hai bữa nữa. Vài người đang lựa nếp, Bà Nội dặn:

-Lựa cẩn thận, đừng để lộn gạo. Nếp thiệt rặc thì bánh mới dẻo.

Hân cũng nhào vô lựa phụ nhưng chẳng biết hột nào là gạo. Chị của Hân chỉ:

-Em lượm ra mấy hột trong như vầy, đó là hột gạo, còn hột nếp thì đục như vầy nè.

Nhưng một bà lại kêu:

-Sao em lượm bỏ hết mấy hột nếp non vậy.

Khó quá! “Hột trong” nào là gạo? “Hột trong” nào là nếp non? Hân rề qua chỗ mấy bà đang lau lá chuối để gói bánh tét. Một bà nói:

-Khéo chớ em, không thì rách lá hết.

Khó quá! Hân không phụ nữa, leo lên bộ ngựa gõ, lục lọi cơi trầu của Bà Nội:

-Để con têm trầu cho Bà Nội.

Hân cầm cây chìa vôi quệt vôi lên lá trầu xanh, rồi mở cái dao con chó chẻ một miếng cau tươi. Hân đặt miếng cau lên lá trầu và gói lại:

-Xong rồi đây Bà Nội.

Bà Nội đang xắt cơm dừa để làm mứt, nghe Hân nói thì quay lại. Thấy cái dao con chó đã mở ra, Bà kêu:

-Kìa con, chơi phá con dao coi chừng đứt tay.

Hân đưa miếng trầu đã têm cho Bà Nội cùng với một miếng xác giấy. Bà Nội Hân chỉ ăn trầu với xác giấy cho có bã chớ không xỉa thuốc. Còn vợ của ông Xếp Bời bên cù lao Mây mỗi khi ăn trầu thì xỉa một cục thuốc rê bự bằng ngón chưn cái.

Bà Nội bỏ miếng trầu vô miệng nhai nghe rạo rạo. Chớ Bà Tư, em dâu của Ông Nội thì không còn răng, nên mỗi lần ăn phải bỏ trầu cau vô ống ngoái để dầm ra cho nhuyễn.

Hân xích lại gần Bà Nội:

-Bà Nội kể chuyện đời xưa cho con nghe đi, Bà Nội.

Chị Hân reo lên:

-Nội kể sự tích cây nêu đi Nội.

Hân nằm khoanh trên bộ ngựa gõ. Bà Nội vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa kể:

-Ngày xửa, ngày xưa, quỉ chiếm đoạt toàn bộ đất và nước, con người chỉ làm thuê, phải nộp huê lợi cho quỉ …

Hân thiu thiu rồi ngủ mê đi hồi nào không biết. Và Hân lại tỉnh dậy trong tiếng ồn ào của chợ sớm, lại cùng A Lỉn tiếp tục “du xuân”.

Càng cận Tết thì chợ búa càng đông và ai cũng tỏ ra hối hả. Ghe bông vạn thọ vừa cặp bến là người ta đổ xô tới để mong lựa được chậu bông hạng nhứt. Vài người đàn ông từ trong xã ra, tay cầm những nhánh mai đầy bông búp. Thoáng một cái, kẻ chợ đã mua hết. Ông bán bông giả cũng đắt hàng không thua. Ông bày những chậu đất đỏ nung cắm bông cúc, bông vạn thọ bằng giấy màu, ghép chung với lá bồ đề thiệt. A Lỉn hỏi:

-Họ làm sao mà cái lá coi trong suốt như miếng vải the vậy, mậy?

Hân làm ra vẻ rành rẽ:

-Họ phải ngâm nước cả tháng cho thịt của lá rã hết, chỉ còn lại gân lá, rồi phơi khô và nhuộm màu xanh nên mới thành như vậy.

Năm nào Má Hân cũng mua hai chậu bông giả chưng hai bên bàn thờ ông Thần Tài. Dân bên cù lao cũng cắt qua mấy nhánh mai sum xuê. Ba Hân cho mai vô hai cái lục bình xưa lớn, một cái chưng trên bàn thờ ông bà, một cái chưng ở phòng khách.

Tới chiều thì bánh đã được gói xong và các anh chị của Hân từ Sài Gòn cũng về đông đủ. Bánh ít đã được hấp chín. Đêm nay, mọi người chỉ cần thay phiên canh lửa cho nồi bánh tét để ngày mai cúng rước ông bà và biếu xén. Nhưng khổ nỗi, mấy bà bạn hàng bán ế cứ nài nỉ Bà Nội mua mão giùm, nào là cải “tùi xại”, nào là củ kiệu, nào là dưa gang đèo. Vậy là lại thêm việc cho mấy người đàn bà: trụng cải để làm cải chua, cắt râu củ kiệu để làm dưa, ngâm muối dưa gang để làm dưa mắm. Hân cứ lúm xúm theo coi tới khi buồn ngủ rụi.

Vắng teo như chợ chiều ba mươi Tết”. Người ta nói đúng ghê! Chưa có buổi chợ nào vắng hơn buổi chợ chiều hôm nay. Các lái buôn đã lui ghe. Đò ngang cũng tách bến chuyến cuối cùng. Nước sông lững lờ trôi mang theo vô số rác rưới của bao ngày chộn rộn. Con đường ra chợ vắng hoe, chỉ còn vài người bước vội, quang gánh trên vai nhẹ te. Một ngọn gió Tết thổi tốc bụi cát bay mịt mù. Ông quét chợ và đứa con gái nhỏ rán gom lẹ mấy miếng vỏ dưa, mấy chùm bông héo còn sót lại. Nắng chưa tắt mà các cửa tiệm hai bên đường đà khép.

Trong nhà Hân, mọi người phụ việc đều đã về nhà riêng. Các anh chị của Hân đang tiếp Bà Nội và Má Hân cúng rước ông bà. Thức ăn được dọn đầy bàn. Nào là canh khổ qua hầm. Nào là bún miến xào với lòng gà. Nào là thịt heo và cá lóc kho nước dừa. Cá tươi nên gò má của khứa cá vung đầy, ngó mắc thèm. Dưa giá trắng nõn xen lẫn những cọng hẹ xanh. Mấy con tôm càng xanh kho tàu tẩm gạch sền sệt. Má Hân lấy sợi dây lát cắt bánh tét thành khoanh, đơm thêm mấy dĩa tôm khô củ kiệu, rồi xẻ dưa hấu. Chị lớn của Hân sắp bì và nem chua ra dĩa. Hân hỏi xin:

-Cho em một miếng nem đi, chị.

Chị của Hân lắc đầu:

-Cúng xong rồi mới ăn. Đồ để cúng, không được ăn trước, em biết không.

Thức ăn nhiều như vậy mà trên bàn thờ rộng lớn chỉ có hình Ông Cố và Ông Nội của Hân. Má Hân đã xây một dĩa đầy ngũ quả, gồm một trái thơm ở giữa, cuống còn tươi rói. Cam, quít, xoài, lê được đặt chung quanh. Dĩa ngũ quả nằm thiệt chễm chệ trên cái trò bằng gỗ chạm. Cành mai trong lục bình đang nở lai rai mấy bông vàng tươi. Bà Nội và Ba Hân cúng vái trước rồi cả nhà lần lượt bái lạy. Hân chỉ chờ cúng xong để được thưởng thức các món mà mấy hôm nay Bà Nội lụi đụi làm.

Sau khi ăn uống, dọn dẹp xong, Má Hân kiểm soát lại để biết chắc mấy lu nước đã được đổ đầy, mọi nơi trong nhà đã được quét dọn sạch sẽ. Má lấy tiền trong tủ sắt ra đủ để lì xì, rồi khóa tủ và dán lên một tờ giấy đỏ để niêm phong, cho tới ngày khai trương mới được mở.

Hân ráng thức để đón giao thừa nhưng hai mắt cứ nhíu lợi. Hân ngủ quên lúc nào không hay cho tới khi tiếng pháo nổ rền vang. Lúc Hân giựt mình tỉnh giấc thì trên bàn thờ nhang đèn đã sáng trưng. Ba Hân đang cúng giao thừa. Phong pháo anh Hân treo ở bàn thờ Thông Thiên ngoài bao lơn trước nhà cũng đang nổ rộn ràng. Xuân đã về.

X

Xuân tới, Xuân đi, rồi Xuân lại. Quê Hân chỉ có bông mai vàng chớ không có hoa đào, nhưng Hân đã biết ông già mặc áo dài the thâm là ông đồ, qua bài ám đọc:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Ông Ngoại của Hân cũng cho Hân biết chữ của ông đồ viết là chữ Nôm. Hèn chi mà A Lỉn đọc không ra. Và có lẽ không mấy người đọc ra. Ngay cả Ba Hân, có đem giấy đỏ về cũng chỉ là thương cảm ông đồ, chớ Ba Hân cũng không hiểu chữ nào. Có lẽ vậy mà Hân chưa bao giờ thấy cảnh:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

Có chăng chỉ là:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Phố chợ không có cây để lá vàng rơi trên giấy, cũng không có mưa bụi bay ngoài trời vì mùa xuân miền Nam nắng ráo. Nhưng mực của ông đồ đã khô đọng trong nghiên. Giấy để lâu phai màu nên cũng không còn đỏ thắm.

Những năm đi học xa, khi Hân trở về quê ăn Tết thì không còn thấy ông đồ. Xuân như thiếu vắng.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Vì con cái ông đồ làm ăn khấm khá nên không cho ông đồ viết mướn ngày Tết nữa? Hay vì ông đồ quá già yếu, không còn sức ngồi ngoài chợ?

Quê hương ngày càng loạn lạc, chợ đông không còn bình yên. A Lỉn cũng đã lớn, phải phụ việc trong nhà nên không còn cùng Hân đi du xuân. Rồi ai biết phố chợ ngày Tết ra sao. Rồi mấy bận du xuân thành kỷ niệm.

Tết tới biết bao lần nơi xứ người mà xuân luôn thiếu vắng. Không chỉ vì vắng bóng ông đồ, mà còn vì đông giá vẫn chưa đi. Bàn thờ nhỏ bé bây giờ đã có thêm hình Ông Bà Ngoại, Bà Nội và cả hình của Ba Hân, nhưng thức ăn bày cúng quá đơn sơ. Hân nhìn hình Bà Nội xuyên qua làn khói nhang mong manh, lâm râm khấn vái.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

Hân rót trà vô chung rồi chắp tay xá xá. Tiếng pháo đì đẹt từ TV phát ra. Các đoàn thể người Việt hải ngoại đang làm lễ đón giao thừa. Tết lại một lần qua không mùa xuân theo cạnh.

Mộc Hương Ngô Mỹ Phương

Thương tặng các bạn Khoa Học để cùng nhau Tìm Lại Một Mùa Xuân

*Bài ám đọc: bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên

*guốc vông: guốc làm bằng gỗ vông

*hít hà: hít vô rồi hà ra, xuýt xoa

*rểu rểu: rảo rảo

*thèo lèo: loại kẹo làm bằng đậu phộng và đường

*bông bụp: dâm bụt

*nằm nướng: nằm nán lại trên giường

*cái lung tung: cái trống bỏi

*thủy mặc: thủy là nước, mặc là mực, dùng mực tàu pha nước vẽ trên giấy trắng, tranh chỉ có hai màu đen trắng.

*râu tóc muối tiêu: sợi bạc xen lẫn sợi đen, hoa râm

*dao con chó: một loại dao xếp hiệu con chó, rất bén, tiện để các bà bỏ túi dùng cho nhiều việc.

*cải “tùi xại”: tiếng Hoa chỉ loại cải dùng làm cải chua.

*cái trò: cái giá ba chân, có chạm trổ, để chưng trái cây hoặc bánh

*Xác giấy: vỏ cây bông gòn được phơi khô và đập cho tơi ra