Xuân và Tết ...Trần Hữu Chí

XUÂN VÀ TẾT

Mỗi khi nói đến Tết thì ta luôn luôn kết-hợp nó với Xuân. Mùa Xuân trong truyền-thống văn-chương được xem như là thời-gian đẹp-đẽ nhất trong năm qua những cây lá xanh tươi, hoa nở rực rỡ khoe muôn sắc, phong-cảnh thơ-mộng hữu-tình cộng với thời-tiết ấm-áp sau một mùa đông dài lạnh-lẽo.

Mùa Xuân thích-ứng với những sự mong đợi, những hi-vọng tốt đẹp của con người vào năm mới. Nhưng “Tết” theo nghĩa là ngày đầu năm của một loại lịch, thay đổi tùy theo nền văn-minh hay tôn-giáo hay tổ-chức xã-hội của từng xứ.

Tôi không đi sâu vào chi-tiết của tất cả các loại lịch, nhưng các loại đang được áp-dụng hiện nay đều dựa trên thời-gian:

– hoặc là của sự chuyển-động của địa-cầu chung quanh mặt trời. Thí-dụ như “dương-lịch” đang được áp-dụng rộng-rãi trên toàn thế-giới.

– hoặc là của sự chuyển-động của mặt trăng chung quanh trái đất. Thí-dụ như “lịch Hồi- Giáo”.

– hoặc là một sự phối-hợp của cả hai: Thí-dụ như lịch Do-Thái và âm-lịch (ta hay Tàu).

DƯƠNG-LỊCH: Một năm của dương-lịch Grégorien, hiện đang được sử-dụng trên toàn thế-giới và được thiết-lập bởi Đức Giáo Hoàng Grégoire XIII vào năm 1582 dựa trên lịch Julien của Hoàng-Đế La-Mã Jules César, năm 46 trước Thiên-Chúa, gồm có trung-bình là

(365 + 1 / 4 ) ngày.

Nhưng để cho dễ tính, dương-lịch qui-định trung-bình một năm có 365 ngày và cứ 4 năm thêm một ngày, ngày 29 tháng 2, năm nhuận (année bissextile – leap year), để cho mặt trời ở vào đúng cùng một vị-trí cực đỉnh lúc 12 giờ trưa ở hai ngày trong năm. Khi đó ngày và đêm bằng nhau (équinoxe - equinox) trên quỷ-đạo giả-tưởng (apparent) đối với một vị-trí quan-sát từ trái đất.

Đó là ngày 20 tháng 3, ngày đầu XUÂN hoặc ngày 20 tháng 9, ngày đầu THU, ở bắc bán- cầu.

Ngày mà mặt trời ở trên đỉnh đầu vào giữa 12 giờ trưa, đứng bóng, vị-trí cao nhất của mặt trời trên quỹ-đạo giả-tưởng. Đó là ngày đầu HÈ, ngày 21 tháng 6 ở bắc bán-cầu, ngày dài nhất trong năm (quỹ-đạo dài nhất).

Ngày mà mặt trời xuống thấp nhất dưới chân trời lúc 12 giờ trưa, trên quỹ-đạo giả-tưởng.

Đó là ngày đầu ĐÔNG, ngày 20 tháng 12, ngày ngắn nhất trong năm (quỹ-đạo ngắn nhất ở bắc bán-cầu).

Như thế ta có 4 mùa ở bắc bán-cầu :

Xuân : từ 20 / 03 đến 21/ 06 Hè : từ 21 / 06 đến 20 / 09

Thu : từ 20 / 09 đến 21 / 12 Đông : từ 21 /12 đến 20 /03

Ở nam bán-cầu thì ngược lại.

Trong lúc các bạn ở Canada, Bắc-Mỹ và Bắc-Âu đang run lập cập, hốt tuyết cả xuổng, đi trượt té ê mông thì bà con Đại-Học Khoa-Học ở dưới xứ kangourou lo đi tắm biển. Ta thấy rõ cái thực-tế tương-đối chính-xác của dương-lịch, ngày Tết dương-lịch vào lúc đầu mùa đông ở bắc bán-cầu .

ÂM- LỊCH: Căn cứ trên sự vận-chuyển của mặt trăng chung quanh trái đất. Một năm âm- lịch được chia làm 12 tháng và sự chênh-lệch với dương-lịch quá lớn, dẫn đến các ngày tháng đánh dấu cho bốn mùa không còn giống nhau trong những năm kế tiếp nhau. Do đó không thể dùng âm-lịch để xác-định ngày tháng của mùa và tiết trong năm một cách chính-xác được.

1. Lịch Hồi-Giáo:

Lịch căn cứ thuần-túy vào chuyển-động của mặt trăng và có 12 tháng. Một năm có 354 hay 355 ngày. So với dương-lịch thì ngắn hơn 10 đến 12 ngày. Lịch Hồi-Giáo được bắt đầu tính từ 16 tháng 7 năm 622 sau Thiên-Chúa, ngày mà Đấng Prophète Mohamed (Mahomet) ra đi, đến ở Medina.

2. Lịch Do-thái:

Lịch nầy phối-hợp vừa tính theo mặt trăng vừa chỉnh theo mặt trời. Có hai loại năm:

· Năm thường : 12 tháng gồm có 353 , 354 hay 355 ngày

· Năm nhuận : 13 tháng gồm có 383 , 384 hay 385 ngày ( thêm 30 ngày )

Sau 19 năm thì ngày đầu năm của lịch Do-Thái và lịch Grégorien trùng nhau.

3. Lịch ta hay Tàu:

Lịch nầy cũng không thuần-túy dựa vào sự vận-chuyển của mặt trăng vì nó chỉnh sự sai-biệt giữa ngày tháng, mùa và tiết bằng cách cứ 3 năm thêm một năm nhuận và các tháng đủ, tháng thiếu.

Thí dụ: Năm Kỷ-Sửu

Tháng đủ: 1 , 2 , 5 , 7 , 9 , 11 , 12 gồm có 7 x 30 = 210 ngày

Tháng thiếu: 3 , 4 , 5 ( nhuận) , 6 , 8 , 10 gồm có 6 x 29 = 174 ngày

Số ngày trong năm: 210 + 174 = 384 ngày

Nếu ta nhìn lịch Do-Thái thì số ngày của năm nhuận Kỷ-Sửu bằng với số ngày của năm nhuận Do-Thái.

Ngày đầu năm của âm-lịch thay đổi trong giai-đọan từ 20/01 đến 18/02 dương-lịch. Mùa và tiết của lịch Tàu khác với dương-lịch và được chia ra từng nhóm 3 tháng :

Mùa xuân : tháng giêng , 2 , 3 Mùa thu : tháng 7 , 8 , 9

Mùa hè : tháng 4 , 5 , 6 Mùa đông : tháng 10 , 11 , tháng chạp

Do đó mùa XUÂN của lịch Tàu bắt đầu khoảng giữa 20/01 và 18/02 dương-lịch, nghĩa là giữa mùa ĐÔNG dương-lịch ở bắc bán-cầu.

Bây giờ ta xem về phương-diện mùa và tiết trong âm-lịch của ta năm Kỷ-Sửu được nói như thế nào? Căn cứ vào lịch Tử-Vi của chùa Khánh-Anh, ấn-hành ở Paris, so với mùa và tiết của dương-lịch thì từ 21 tháng chạp (04/02 dương-lịch) đến 30 tháng chạp (13/02 dương-lịch) năm Kỷ-Sửu là tiết LẬP XUÂN.

Ta hiểu rằng đó là tiết đầu mùa xuân nhưng ta tự hỏi mùa xuân ở đâu vì chung quanh ta nào thấy đâu “hoa đào cười với gió Đông” và hàn-thử-biểu dưới mái hiên cứ co-ro nằm dưới 0°C! Còn đối với dân Sài-Gòn, Tết dưới ánh mặt trời nóng như thiêu đốt hay các bạn ở Down Under giữa mùa hè thì làm gì có hoa đào nở để thấy “ông đồ già” (mà không dịch!) ngồi viết dùm sớ Táo-Quân? Có lẽ đồng-bào miền Bắc vui Tết đúng với nghĩa vui Xuân hơn. Nhưng không sao, vì:

“Thắc-mắc mà chi, Xuân với Hạ

Tết đến đem Xuân khắp mọi nhà

Chúc mừng năm mới, bao Xuân tá ?

Nắng thiêu, băng giá, vẫn là Xuân.”

Trần Hữu Chí

26 tháng 11 năm Kỷ-Sửu – Tiết TIỂU HÀN

10 / 01 / 2010 mùa đông MASSY

(nhiệt độ -5°C quá ấm đối với các bạn ở CANADA)