Quê Ngoại ... Nguyễn Chánh Trung

Quê Ngọai

" Chiều chiều ra đứng ngỏ sau

" Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

(ca dao)

Hồi nhỏ, quê ngoai gần với anh em tôi nhiều hơn so với quê nội. Mà thiệt tình, quê nội xa lắc xa lơ, qua mấy con sông, ngồi ê ẩm trên chuyến xe đò chật chội mất cả ngày trời, đi hằng trăm cây số, chờ mỏi mệt qua bắc. Lại nữa, đi xe đò về quê tốn kém lắm, đó mới là cái khó chánh. Mỗi khi nghĩ lại thấy thương ông già, bao năm trời xa xứ, số lần cha tôi về thăm lại cù lao Giêng đếm không hết mấy ngón tay.

Nghe cha kể về quê nội thì tôi có thể hình dung là quê nội nghèo lắm, nhưng chắc là khá hơn quê ngoại. Quê nội may mắn là nằm cạnh sông Tiền, sông Hậu, được tiếng là nhiều cá tôm – ít ra là hồi xửa hồi xưa, khi người ta còn nói “Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm” – Cù lao Giêng, không xa cù lao Ông Chưởng, thành ra được hưởng lây, ít ra cũng là đám cá tôm lơ ngơ, lớ ngớ, lạc bầy.

Quê ngoại thì gần xịu, cách trường đua Phú Thọ (Quận 11, Sài Gòn) chừng 10 cây số, nghĩa là cách nhà cha má chừng 60 phút đi xe ... ngựa.

Kỷ niệm về quê ngoai của anh em tôi thì nhiều, nhưng có lẽ bắt đầu từ chiếc xe ngựa, đúng ra là từ mấy con ngựa.

Trầu này trầu quế, trầu hồi Trầu loan,

trầu phượng, trầu tôi, trầu mình (Ca dao)

Ông ngoại và bà ngoại sanh ra ở Bà Quẹo. Ông mê coi đua ngựa, đánh cá ngựa (đánh cò con) từ khi trò chơi này được người Pháp đem vào Việt Nam, nhứt là từ khi trường đua ngựa Phú Thọ được thành lập, năm 1932. Trước khi có trò đua ngựa, ông ngoai hồi thời trai trẻ thích đua xe ... bò. Hồi đó toan vùng quận 11, Tân Phú, Bà Quẹo, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn là ruộng, rẫy, đường đất, tha hồ mà đánh xe bò, xe ngựa.

Đây là vùng đất của những giai thoại lý thú “18 Thôn Vườn Trầu”, “Gia Định Tam Hùng: Đỗ Thành Nhân, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh”, “Gia Định Tam Gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định”.

Vùng này còn có một đặc sản dành cho lưu linh đệ tử là rượu đế Hóc Môn - Bà Điểm làm bằng lúa nếp mới.

Có ai biết vì sao thi sĩ Chế Lan Viên chọn nơi đây để sống những ngày cuối cùng mà không là Đông Hà, Quảng Trị:

Tạo hóa hỡi ! Hãy trả tôi về Chiêm Quốc !

Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian !

Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt !

Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn !

Những Sợi Tơ lòng (CLV)

Không những thích coi đua ngựa, ông ngọai thích lân la với những người nuôi ngựa, nài ngựa, và không rõ cơ ngơi nào mà ngoai mở lò rèn, chuyên đóng móng ngựa – âu cũng là nơi để anh hùng hội ngộ, trà dư tửu hậu, mạn đàm về những con Xích Thố, Lữ Phụng Tiên, Quan Vân Trường, Phi Mã, Hắc Long, Bạch Long Phi …

Lò rèn gần trường đua Phú Thọ, để ngoai có thể thả bộ từ nhà qua trường đua mỗi cuối tuần. Câu chuyện ông bà ngoai rời quê (Bà Quẹo) lên tỉnh (Sài Gòn) là như vậy.

Ông bà ngoai rất ít học, thích coi hát bội (bộ), những tuồng, tích, nhơn vật tốt xấu, anh hùng hảo hớn trong Tam Quốc, Xuân Thu trở thành những biểu tượng tốt để noi theo, hoặc những cá tánh, nhơn vật, hình tượng xấu phải e chừng, ngăn ngừa – như Đơn Hùng Tín nghĩa khí, Quan Vân Trường anh hùng trung liệt, Lưu Bị yêu nước thương dân (và mít ướt), Tào Tháo mưu mẹo đa nghi - bà ngoai hay gọi đứa hay khóc là “thằng Bị”, hay hỏi tới hỏi lui, đa nghi là “thằng Tháo”.

Một trong những thể hiện đó trong cách sống của ngoai là lúc nào cũng mở rộng vòng tay với mọi người - “tứ hải giai huynh đệ” - nhất là với những người tha phương, những “anh hùng ngã ngựa”. Lò rèn của ngoai từng là nơi đón tiếp rất nhiều người xa lạ, lỡ bước ghé ngang, tạm trú một vài ngày, vài tháng – trong số những người đó, có cha tôi.

Tại lò rèn này, cha tôi, chân ướt chân ráo, với hai bàn tay trắng từ cù lao Giêng, nơi mà ông bà ngoai, má tôi, và có lẽ cả bên ngoại tôi thời đó, không hình dung được nó ra làm sao, chỉ mơ hồ nghĩ đó là cái cồn đất nhỏ, giữa vùng sông nước mịt mùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông bà ngoai, má, và hầu hết họ hàng bên ngoai, đều gọi chung chung vùng đất miền tây Nam bộ là miệt dưới. “Về dưới” đồng nghĩa với về quê nội, “về trển” đồng nghĩa với về quê ngoai.

Đâu đó năm 1952 – 1953, nơi ông bà ngoai, cha, má và các anh tôi sanh sống, hàng xóm láng giềng, kể cả lò rèn, bị thiêu hủy trong trận hỏa hoan còn ghi dấu trong lịch sử vùng đất Sài Gòn xưa. Sau đó nhà cửa được xây cất lại thành phố xá trên các đường Trần Quốc Toan gần trường đua, Lãnh Binh Thăng, khu chợ Thiếc (Phó Cơ Điều).

Sau trận hỏa họan, ông bà ngoai và cha má dời nhà ra gần đường cái hơn (sau nhiều lần thay đổi, sửa chữa, trở thành căn nhà sau này trên đường Trần Quốc Toan – nơi tôi được sanh ra). Dời ra nhà mới gần trường đua ngựa, ông ngoai vui hơn, vì ông có thể tản bộ từ nhà qua quán cà phê uống ly xây chừng, ăn nửa cái bánh tiêu, nửa cái xíu mại (nửa còn lại để cho cháu cưng là các anh, sau này là tôi), uống cà phê xong, ông mua tờ báo Tuyệt Phích chuyên tổng kết, bàn luận về đua ngựa. Kẹp tờ báo vào nách, ông tà tà thả bộ tới cổng trường đua ngựa cách đó không hơn nửa cây số (sau này có khu cư xá Lữ Gia), đi dưới hàng me tây xanh rợp bóng.

Chiều chiều ông sẽ thả bộ về, từ sân nhà nhìn sang bên kia đường, dáng ông gầy gầy trong bộ áo màu trắng ngà, có thể đoan biết được ngoai thắng hay thua trận cá độ ngày hôm đó. Hôm trước ngoai thắng độ ngựa, thì sáng hôm sau thằng cháu sẽ dậy đi học sớm hơn, tấp qua tiệm nước (quán cà phê người Hoa kiều) uống ké cà phê sữa rót ra cái dĩa mỏng nho nhỏ, ăn nửa miếng bánh tiêu có xíu mại trước khi đi học.

Phía đầu Tân Phú, gần Bà Quẹo, thì có ông Năm, là em ruột của ngoai, mở quán cà phê - hủ tiu. Ông bà Năm, các cậu, mợ, lo cho chủ và nài ngựa được no bụng, trước khi họ thả bộ cùng với con ngựa cưng từ trên đó về trường đua cho kịp buổi. Ngoai lo coi chưn, coi bộ vó mấy con ngựa, vậy là đề huề.

Gọi là quán cà phê hủ tiu, nhưng cà phê thì khen khét, chua lòm (cha tôi nói vậy), còn hủ tiu thì nước đi đàng nước, bánh hủ tiu đi đàng bánh, lơ thơ vài miếng thịt, tóp mỡ, hành lá vài đốm xanh. Khách cũng không có tiền mà ăn, thường uống cà phê đen nhỏ, ăn miếng bánh bò. Chỉ những anh nài ngựa đang lên, được chủ cưng thì mới nhâm nhi ly cà phê sữa, ăn tô hủ tiu, miếng bánh mì. Vậy mà anh nài ngựa nào cũng nhỏ xíu, ốm nhom trong bộ quần áo bó chẻn – đỡ khổ cho mấy con ngựa mới còn sức mà chạy.

Ông ngoai mất năm tôi học lớp Nhứt (lớp Năm) trường tiểu học Phú Thọ cách nhà 20 phút đi bộ, còn nhớ là thầy hiệu trưởng lên tận lớp gọi, và cho phép về sớm.

Sau Tết Mậu Thân, 1968, trường đua ngựa đóng cửa, trở thành căn cứ đóng quân của Liên Đoan 5 Biệt Động, xe lam 3 bánh (Lambretta) xuất hiện nhiều hơn, xe và ngựa chen nhau một thời gian, rồi thì bóng dáng mấy con ngựa thưa dần. Ông ngoai mà còn sống chắc là buồn lắm. Tiếng bánh xe lăn lốc cốc, chưn gõ nhịp đều đều, tiếng chuông leng keng bị lấn áp bằng tiếng máy nổ ồn ào, ớn nhứt là mấy chiếc xe xích lô máy – tiếng ồn ào kinh khiếp khi trời chưa kịp sáng, vẫn còn vọng lại trong những giấc mơ của tôi.

"...Tiếng ngựa xe mời chào nơi phố cũ

" Pháo giao thừa còn đọng lại sau lưng...

(Mùa Xuân, Em, và Tôi)

Những năm đầu 1970, quán cà phê ông bà Năm ế ẩm, ông Năm yếu lắm rồi, chỉ còn bà, và mấy mợ lo bán quán. Chuồng ngựa vẫn còn đó, nhưng trống không, mấy con ngựa thật đẹp biến đi tự lúc nào.

Sau 1975, Tân Phú, Bà Quẹo vẫn còn là ruộng rẫy, ao rau muống, đường đất. Bên ngoai tưởng đã nghèo tận cùng, vậy mà vẫn còn chỗ để nghèo hơn. Trước khi mất, dì Ba (em họ của má tôi) mỗi cuối tuần là về trên đó, trước là thăm họ hàng, sau là trông nom ruộng rau muống trên phần đất của ông bà. Dạo đó, tôi và ông anh hay đèo nhau trên chiếc xe đạp về Bà Quẹo, trên đường về lại nhà lúc nào cũng có bó rau muống to tướng.

Rau muống không phải là sản phẩm nguyên thủy của vùng này. 1954, rau muống lênh đênh theo vận nước nổi trôi, theo chân đoan người di cư từ Bắc vào Nam (đâu dè trong đó có gia đình bố mẹ vợ tôi), đậu lại nơi vùng đất lành, bám rễ sanh sôi nhanh chóng. Sau này, nhất là từ 1975 đến 1987, rau muống là món ăn rất quan trọng trong mỗi bữa cơm của những gia đình nghèo vùng đất này, có nghĩa là hầu như tất cả người dân ở đây, trong đó có gia đình tôi.

Sau này nghe cha tôi kể lại, mới biết rau muống ngược dòng Cửu Long trôi về tận cù lao Giêng xa xôi, vào cùng một thời điểm - 1954. Điểm thu hút của cù lao Giêng có lẽ là nhờ vào họ Đạo, nhà dòng, và nhà thờ cù lao Giêng (hồi nhỏ, cha tôi, bác Hai, và các cô bên nội được ru nuôi trong vòng tay xóm đạo hiền hòa này) - nay được coi là di tích lịch sử khá quan trọng.

***

Trở lại chuyện về quê ngoai ăn Tết của anh em tôi.

Hồi đó, ngoai trừ nhưng ngày đặc biệt như cưới, hỏi, giỗ, đám ma, còn không thì nhi đồng chúng tôi được về quê ngoai mỗi mùng Hai Tết.

Sáng mùng Hai, cả nhà dậy sớm, ăn sáng rồi mới thay quần áo, giày dép mới. Sau đó cả đám theo cha, má, hoặc dì Ba, qua đường Trần Quốc Toan, ngang căn cứ sĩ quan Quân Nhu, băng ngang góc đường Lê Đại Hành, ở đó có những hàng me trồng vây kín “bước tường thành” của trường đua Phú Thọ. Thường thì không phải đợi lâu, có khi cả nhà được đi cùng chuyến xe ngựa, có khi phải chia làm hai chuyến xe khác nhau. Chuyến hành trình về quê ngoai bắt đầu như vậy.

Tiếng lục cục, lạc cạc của hành lý chạm vào nhau, bánh xe ngựa gập ghình, tiếng gõ lộc cộc vang đều khi chiếc móng ngựa bằng sắt chạm vào mặt đường nhựa, tiếng lục lạc leng keng từ trên mình ngựa, tiếng bác xà-ích hét vào tai con ngựa, người bộ hành, người đi xe đạp, xen lẫn tiếng pháo tẻ lẹt đẹt từ bên vệ đường. Vậy thôi, mà tụi tôi thấy hào hứng trên quãng đường ngắn ngủi, mà xa, từ nhà về quê ngoai.

Khi nào tới chợ Tân Phú là tụi tôi biết đi được nửa đường. Vừa qua chợ Tân Phú, đô thành chợt lùi lại sau lưng thật nhanh, hình ảnh nhà quê hiện ra trước mặt, hai bên là bờ đất, ruộng rẫy, những cánh đồng rau muống ngập nước mấp mé bên bờ đê, lan xa tít chân trời. Vùng đất này thật lạ, khi mùa mưa tới là nước ngập tràn đồng, nhiều thửa ruộng không trồng gì khác ngoai rau muống. Tụi tôi bắt đầu nhóng mắt về phía trước, bên tay mặt, rồi sẽ thấy nhà ông bà Năm, và nhà các cậu mợ, nhưng trước nhứt là bóng cây me keo thật cao bên lề đường. Cây me keo là điểm mốc ngay trước quán cà phê, tiếp sau đó là bụi tre xanh kéo dài theo con đường đất, chạy dọc cho hết ranh giới đất của ông tôi, bao bọc tới căn nhà cuối cùng là nhà cậu Sáu.

Tôi nhớ hoai cây me keo là vì lúc đám cưới cậu Bảy, tôi được đi dự rất sớm, lần đó chứng kiến người lớn làm thịt con bò. Con bò to tướng bị tròng dây vào cổ, đầu dây kia cột vòng quanh cây me keo, nó đứng yên cho đến khi đứng không nổi mới gục xuống trên hai chưn trước, một hồi lâu sau thì ngã bên gốc cây, máu me tùm lum trong tiếng cười nói huyên náo.

Cậu Sáu hồi nhỏ ở với ông bà ngoai, phụ việc đóng móng ngựa. Cha tôi kể, nhiệm vụ chánh của cậu là ôm chắc bàn chưn con ngựa ngửa lên trên, để người lớn đóng cái đế (móng) bằng sắt lên đó. Không cẩn thận ngựa nó đá một cái là phải biết. Lớn lên cậu Sáu đi lính đóng ở Sài Gòn nhưng thu xếp đi làm thêm với cha, nhứt là khi nào đoan cải lương Kim Chung, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương cần thêm thợ mộc, mà nghề mộc là do cha dạy cho cậu khi không còn đóng móng ngựa. Sau đó cũng chính cha dạy cậu Năm và cậu Sáu lái xe taxi. Do vậy cậu Sáu là ông cậu gần gũi với tụi tôi nhứt.

Chuyện khác mà má tôi kể lại có dính dáng tới cậu Sáu. Hôm đám cưới cha - má, trời xuôi đất khiến gì đó lại có một thiếu nữ đi tìm cha tôi, làm mọi người không biết đâu mà đỡ, thì cậu Sáu nảy ra sáng kiến làm “Lê Lai liều mình cứu chúa” cho cha – cậu lấy chiếc xe mô-bi-lết của cha chở cô kia đi tuốt luốt không thấy về. Nhờ vậy mà đám cưới diễn ra êm thấm, chỉ tội cậu Sáu mang tiếng, hoặc bị nhiễm thói quen “liều mình cứu chúa” như vậy hoai. Sau này khi cưới mợ Sáu về bả ghen quá trời. Được cái cậu cứ cười khì là xong chuyện.

Xe ngựa ngừng bên gốc cây me keo, xuống xe tụi tôi không được đi vào quán, mà phải đi vòng qua cây me keo phía tay mặt, đi giữa hông nhà và bụi tre xanh, lần ra phía sau quán, bước dưới tàn cây mận, ngang qua cái giếng nước rong rêu nằm giữa cây cóc và cây xoai thật to mà trái ít khi chín, và từ đó đi thẳng tới căn nhà lớn nằm sâu phía bên tay trái, trước mặt là cái chuồng ngựa mái tranh, không vách, cột làm bằng những thanh gỗ to nằm án ngữ giữa miếng đất rộng, xa hơn là hàng cây mai, cây chuối, đám bông vạn thọ lúc nào cũng vàng chóe dưới chân mấy bụi bông mồng gà.

Ông Năm hình như lúc nào cũng nằm trên võng, mắc ngang trên bộ ván gỗ phía bên phải, giữa nhà là bộ ván còn to hơn nằm trước cái tủ thờ bằng gỗ mun có chạm xa cừ phải nói là xưa như trái đất (con nít tụi tôi hay nói như vậy). Xa xa phía hai bên hông tủ thờ là hai khung cửa, mỗi bên có một tấm màn đan bằng sợi ny-lông, sau nhiều năm không biết gọi là màu gì. Hai căn phòng đó là thế giới riêng của cậu Út Thanh, tụi con nít phải tránh xa, thành ra tụi tôi ít quan tâm.

Chỉ có cậu Út thì tụi tôi mới được gọi bằng tên là cậu Thanh, còn mấy cậu, dì khác phải gọi bằng thứ, bắt đầu bằng dì Hai rồi tới cậu Tư - chớ không phải “cậu bốn” (4). Dì Hai lấy chồng ra riêng tuốt trong miệt Củ Chi thành ra tụi tôi ít khi gặp. Khỏi nói cũng biết dượng Hai là việt cộng, thành ra bả khua răng với mấy cậu, nhứt là cậu Tư.

Cậu Tư từng là “hiện tượng” trong vùng, ổng là dân chơi từ nhỏ, đẹp trai, biết chưng diện, giữa vùng đất phèn nghèo khó thành ra ít ai mà không biết. Sau này ổng vừa lái xe lam 3 bánh chở khách, vừa làm cảnh sát chìm, lúc nào cũng quần đen áo sơ-mi trắng, giày da đen bóng, trên đầu là cái nón cũng đen, với bộ ria mép giống như tài tử Clark Gable. Từ lúc biết cậu Tư, tụi tôi chưa bao giờ biết cậu ở đâu, ai là vợ chánh thức. Vậy mà lần nào tụi tôi về thăm ông bà Năm, là thấy cậu ghé qua với chiếc xe lam. Tụi tôi thích nhứt là khi cậu Tư cho coi khẩu súng ru-lô (roulotte - pistol). Cảnh sát chìm mà con nít cũng biết như cậu Tư tôi cũng là một “hiện tượng”phổ thông thời ấy.

Theo tuần tự tụi tôi chào ông, sau đó ngược trở lên, ra quán cà phê, phải đi từ cửa sau, để chào bà – và được tiền lì xì – chỉ có bà là lì xì thôi, còn các cậu, mợ, thì miễn. Nội cái màn thưa chào này cũng hơn 30 phút là ít, vì có một lô các cậu, mợ, dượng, người ở nhà, người ngoai ruộng, rẫy, còn người thì đang câu cá, hay tắm mấy … con ngựa.

Tụi tôi thích coi các cậu tắm và chải lông cho mấy con ngựa. Tôi nhớ là mấy con ngựa có vẻ mê tắm lắm, đôi khi chúng hứng chí hí lên từng hồi, nhe hàm trăng trắng nhởn, răng nào cũng to như đầu ngón chân cái. Có lần đứng bên ngoai chuồng coi ngựa ăn cỏ, bỗng đâu có đàn gà con theo mẹ đi ngang qua, con ngựa cần đổi món hay sao mà nó ngoam mất một chú gà con bé tẻo teo như cục bông màu vàng, nuốt chửng, mấy con kia chạy trối chết mà gà mẹ nào có hay (?) Không hiểu sao tôi nhớ hoai hình ảnh đó.

Cá ở quê ngoai cũng lạ. Sau cơn mưa lớn trên ruộng đã đầy nước là tự đâu bầy cá lòng tong kéo về từng mảng, be bé nhiều vô số, dài chừng 4 phân, màu trăng trắng, hầu như ruộng rau muống nào cũng có. Lớn hơn thì có cá rô, cá sặt, nhưng đây là cá rô, sặt nhỏ bằng 2 ngón tay con nít, con nào lớn lắm mới bằng 2 –3 ngón tay người lớn – chỉ mấy con nầy mới ăn mồi câu, còn mấy con nhỏ hơn phải vớt bằng rổ. Có nghĩa là phải nhảy xuống nước, tay cầm cái rổ tre thật to, tay kia cột vào sợi dây dài kéo theo cái thau bằng nhôm còn to hơn, trong đó có ít nước ruộng. Vớt được rổ cá nào, đa số là mấy con cá lòng tong, đổ vào thau, mấy con cá này dễ chết, quần (thường thì không áo) chưa kịp khô là chúng bắt đầu phơi bụng.

Cây trên rừng hóa kiểng

Cá dưới biển hóa long

Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong

Anh đi lục tỉnh giáp vòng

Đến đây trời khiến đem lòng thương em

(Ca dao)

Sau đó phải lựa mấy con cá rô, cá sặt riêng ra. Cá lòng tong chỉ cần rửa lại nước giếng là có thể bỏ lên chảo, cá lớn hơn thì đem kho tiêu. Sau mấy giờ đồng hồ lặn hụp bắt cá, leo cây điều (đào lộn hột) hái trái chín, bẻ hột để nướng, bữa cơm chiều với cá, rau muống, trái điều thật là ngon. Bữa cơm ngày Tết, hay ngày thường, đều tùy thuộc vào số lượng cá mà mấy ông cậu câu, bắt được, cùng với sự phụ trợ của đám con nít tụi tôi. Ít khi tụi tôi ăn thịt khi về quê ngoai.

Hôm nào không lặn hụp dưới nước, hết coi tắm ngựa, tụi tôi thích nhứt là leo lên cây trứng cá trước quán cà phê, nhâm nhi trái chín, nhìn về con lộ phía xa xa, thấy mình trên cao, thật cao. Hết chuyện làm, tụi tôi đi lượm những trái me keo chín rụng quanh gốc. Trái me keo khi chín màu hồng hồng, tim tím, xoắn cuộn lại trông ngồ ngộ, nhai vào miệng thì hơi ngòn ngọt nhưng để lại vị chát ở lưỡi – tụi nhỏ nói là ăn cho sạch lưỡi. Nhưng thích nhứt là những năm cá rô cá sặt khá lớn, chịu ăn mồi câu, tụi tôi leo lên cây điều vương ra ruộng nước thả cần câu cá, trước khi lặn ngụp vớt cá lòng tong.

Sau bữa cơm chiều, tụi tôi chuẩn bị ra về, để kịp chuyến xe ngựa cuối cùng về ngang trường đua Phú Thọ. Quà đem về là bó rau muống, trái xoài xanh, chục trái điều, vài con cá rô, cá sặt, và nồi cá lòng tong đầy ấp vừa mới hấp sả chín còn nóng hổi.

***

Xa quê bao năm, món cá lòng tong hấp sả cuốn bánh tráng chấm nước mắm với rau thơm, trái điều vừa chín tới, lá xoai non, vẫn là mùi vị không thể nào quên từ vùng quê ngoai nay đã không còn. Thay vào đó là những mái nhà san sát vào nhau. Cây me keo cuối cùng trên hương lộ 15 Tân Phú cũng không còn, và có lẽ với người dân Sài Gòn hình ảnh cây me keo, cây trứng cá, đã trở nên xa lạ hơn hình ảnh cây bàng, cây cơm nguội.

Ngày còn bé, trưa về nghe má ru các em với những câu ca dao mộc mạc:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ

Con thơ tay ẵm tay bồng

Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông

Gió đưa gió đẩy

Về rẫy ăn cồng

Về sông ăn cá

Về đồng ăn cua

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo ghập ghình khó đi

Ví dầu thiếp chẳng yêu chàng

Xin đưa thiếp xuống đò ngang thiếp về

Em ơi em ở lại nhà

Vườn dâu em hái mẹ già em thương

Không biết má có nhớ nhiều về quê ngoai gần xịu khi bà hát ru con:

Chiều…í … i .. chiều … ra … a … á … đứng… ứ… ư… ngõ… ơ … ớ … sau … ứ … ơ…

Trông… ứ ... ư… về … ê … quê … ế ... ê … mẹ … a … à … ơi…

mà ruột đau …ứ … ư… chín … ớ ... ơ … chiều…

Tôi biết cha và anh em tôi đều ứa nước mắt khi nghe câu hát đó. Có lẽ má đã thầm hát ru cho cha và anh em tôi. Cho tới bây giờ, má ơi.

NCT, San Diego, 2006