Một Kỷ Niệm ... Cẩm Vân

Lại một năm nữa trôi qua. Tóc lại bạc dần theo năm tháng. Bạn bè trong Khoa Học Sài Gòn rủ nhau làm báo xuân và chủ đề là "Tìm lại một mùa xuân". Một chủ đề quả là nhiều ý nghĩa, bởi lẽ mùa xuân hàng năm vẫn lặng lẽ hay ồn ào đến và đi, tùy theo tâm trạng vui buồn của mỗi người trong những ngày xuân đến.

Và khi nói “tìm lại một mùa xuân” là như thể nói rằng chúng ta đã mất rất nhiều mùa xuân từ những ngày tháng cũ, hay nói khác đi là chúng ta đã có những khoảng thời gian không cảm nhận được những mùa xuân đã lặng lẽ đi qua theo chu kỳ của nó, và quả thật vẫn còn có nhiều người trong chúng ta, trong đó có tôi, vẫn còn đang tìm lại một mùa xuân cho chính bản thân mình.

Với tôi mùa xuân chỉ còn có trong ký ức xa xôi những ngày còn bé, khi những tối Giao Thừa háo hức xem mọi người đốt pháo và bản thân thì rất nhát, để có thể tự mình châm một que diêm. Và trong giấc ngủ chập chờn của những đêm Giao Thừa đó, tôi vẫn mong trời mau sáng để được mặc những bộ đồ mới nhất đầu năm.

Những ký ức xa xôi đó dù không phai mờ theo năm tháng nhưng nó đã nằm thật sâu trong mớ ký ức hỗn độn khác nhau, mà cái mớ hỗn độn đó hình như chẳng mang một chút gì hơi hám của mùa xuân.

Dù đã hứa với các bạn là khi trở về từ chuyến nghỉ hè ở Mỹ, tôi sẽ cố gắng góp phần thêm vài bài viết mới, nhưng một tuần, lại một tuần, suy nghĩ mãi mà cũng không thể nào chấp bút. Có lẽ đó cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ tự bản thân tôi chưa bao giờ có thể làm nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp cả. Vì nếu chuyên nghiệp tôi sẽ không khó khăn khi có một đề tài rõ ràng để viết như vậy. Và chỉ thỉnh thoảng năm thì muời họa, tôi mới mang chút tài lắp ghép chữ để đùa vui hay để trút hết nỗi buồn mà tự thân vẫn không hiểu tại sao mình có thể viết được như thế vào lúc ấy. Thôi thì chỉ còn cách là kể lại một câu chuyện có thật thời sinh viên để nhớ lại một thời tuổi trẻ cũng biết chọc phá, cũng biết hồn nhiên dù câu chuyện cũng chả có gì là đặc biệt để vui hay để buồn, mà chỉ là một kỷ niệm mà thôi.

Ngày buớc chân vào đại học, ở chứng chỉ MPC, tôi có nhóm bạn thân là Hoa, Hường, Loan, Phi và Gái. Chúng tôi quen nhau vì có lẽ cùng chung nhóm thực tập.

Hồi đó người coi phòng thực tập hình như có thầy Chi (ở Úc), một vài thầy cô mà tôi không nhớ và cô Trương Thị Kim Dung (Vợ của thầy Hà Thúc Huy bây giờ).

Cô Dung hồi trước là sinh viên ở Đại Học Đà Lạt cùng thời với thầy Soạn, sau đó cả hai đều về Sài Gòn học tiếp cử nhân và cao học. Hồi đó thầy Chi to con nên tụi tôi chả ai dám hỏi thầy khi có vấn đề trong thực tập. Cô Dung ngược lại hơi gầy, tóc dài, nước da ngâm đen, và đặc biệt có giọng nói Bắc kỳ hiền hòa và nhỏ nhẹ.

Mặc dù các thầy cô giảng nghiệm viên ngày xưa cũng chỉ lớn hơn chúng tôi vài tuổi, chúng tôi vẫn thường vô cùng kính trọng, luôn gọi bằng thầy cô và xưng con, chứ chẳng phải như sau này sinh viên chỉ gọi các giảng nghiệm viên là anh chị và xưng em.

Nói thế để biết rằng việc chúng tôi làm ngày đó cũng có thể gọi là hơi phá phách chứ chẳng đơn giản như các bạn nghe tôi kể bây giờ và sẽ nghĩ là có gì là phá đâu.

Câu chuyện bắt đầu từ một buổi trưa sau tiết giảng Toán, chúng tôi rỗi rảnh ngồi nán lại trường tán gẫu. Nhìn sang phía đối diện thấy cô Dung đang coi thực tập ở cái phòng thực tập nhỏ cạnh phòng thực tập Hóa Vô Cơ. Tôi không biết đó là ý kiến của tôi hay các bạn mà tôi nảy ra ý định làm một bài thơ giả danh một nam sinh viên để tặng cô Dung. Sau khi làm xong cả bọn chúng tôi đề nghị Gái sẽ đưa đi, vì Gái trông vẻ rất hiền lành nên có làm con nhạn đưa tin thì cô Dung chắc chắn sẽ không nghi ngờ là thơ giả mạo. Và cả đám còn lại sẽ theo dõi coi cô phản ứng thế nào.

Gái thì đúng là dân Nam bộ thật thà hiền hậu, nhưng cũng sẵn sàng đứng mũi chịu sào chơi trò giả trá này. Hăng hái đi qua phòng thí nghiệm, gặp cô Dung, Gái vội vả chào rồi đi thẳng vì quá sợ, cô Dung thì chỉ mĩm cười và gật đầu chào lại. Trở về chỗ chúng tôi, chịu một trận cười vì tội nhát gan, Gái lại hăm hởđi sang lần nữa. Lần này thì cũng hối hả chào cô rồi lủi đi một nước, chẳng kịp chờ cô chào lại. Phải chờ một lúc lâu sau cho Gái bình tĩnh lại, cô nàng mới mạnh dạn xuất quân lần thứ ba. Và lần này cũng vì sợ quá nên Gái chẳng kịp chào cô, chỉ trao tờ giấy gấp tư cho cô rồi chuồn thẳng, chẳng dám quay đầu lại chỗ chúng tôi.

Ở phía đối diện chúng tôi tò mò theo dõi phản ứng của cô, chỉ thấy cô đọc xong, mĩm cười và bỏ tờ thơ vào túi áo trắng thí nghiệm của cô. Vì ở xa chúng tôi không biết má cô có hồng vì e thẹn hay trong mắt nhìn cô có ánh một niềm vui.

Phải lâu lắm, sau này khi tôi gặp cô lại ở phòng thí nghiệm Hoá Lý 1, Hoá Lý 2 và Hóa Lý Hữu Cơ, tôi mới kể cho cô nghe chuyện đùa ngày ấy, còn các bạn khác đa số học ngành Vật Lý nên ít gặp lại cô.

Cho đến tận bây giờ cô vẫn giữ bài thơ ngày đó của tôi. Và tôi, sau này khi sang tận Na Uy, đã được cô giúp đỡ viết lại dùm tất cả những tóm tắt nội dung những bài học của mọi chứng chỉ, và nhờ các thầy ngày xưa chứng nhận vào, nên tôi mới được trường Đại Học ở Oslo công nhận trình độ tương bằng ba năm học của trường Đại Học Na Uy và nhờ đó có thể xin phụ giảng cho học sinh Việt Nam tại các trường tiểu và trung học đệ nhất cấp của Na Uy. Và cũng nhờ đó, ngoài cái nghề dọn dẹp văn phòng chẳng cần bằng cấp, tôi còn có thể sử dụng những kiến thức mà tôi đã vất vả có được ở trường Đại Học ngày xưa, và có tự tin để trở về trường Đại Học, không phải để tìm một nghề nghiệp khác vì tuổi không còn trẻ để thay đổi việc làm, nhưng chỉ để có những giây phút bình an mà tôi chỉ còn có thể tìm thấy trong khuôn viên của trường Đại Học, bởi ở đó tôi có cảm giác mình đang bắt đầu nối tiếp lại một khoảng đời mà tôi đã tạm dừng và từ chỗ tạm dừng đó, những mùa xuân dù đã đi qua nhiều lần nhưng thật ra không hề tồn tại trong tôi.

Xin kết thúc câu chuyện ở đây và gửi một lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy cô, chúc cô thầy và các bạn một mùa xuân tốt đẹp nhất.

Oslo 18-01-10

Cẩm Vân