Ai Đem Xuân Đến Để Em Già? ... Thúc Soạn

Ai Đem Xuân Đến Để Em Già?

Mùa xuân năm nay tôi trở lại Sài Gòn. Trở lại thăm những nơi chốn ngày xưa, tôi muốn hình dung ra những ngày còn là sinh viên, những ngày của thập niên 60 - 70, những ngày lang thang trên đường Tự Do (Catinat). Nhớ lại những người bạn cùng thời, từng ngồi uống cà phê ở nhà hàng Thanh Thế buổi ban mai, uống bia ở La Pagode, Majestic, Brodard, Continental, ăn bánh ngọt ở Givral. Không, không còn nữa, thời gian trôi qua nhanh quá, không còn bạn bè, không cảnh cũ, không người xưa, không những thằng bạn lính, bạn học, bạn ... Mấy mùa xuân đã qua đi trên quê hương tôi, tôi không dám đếm ... thay đổi quá nhiều, tôi chợt sợ mùa xuân.

Nhớ thói quen ngày xưa, tôi kêu ly cà phê đen vừa uống vừa nhớ lại chuyện xưa. Sài Gòn của tôi còn đó, còn trong mơ màng, còn trong mộng. Ly cà phê không đường không sữa ngày xưa uống vào thấy ấm lòng, dịu ngọt. Cà phê Sài Gòn bây giờ sao chua chát, xót xa, đắng quá! Hình như người ta thêm nhiều cau khô, hình như người ta thêm thuốc ký ninh. Nhìn xung quanh, tôi không tìm ra vị ngọt của Sài Gòn ngày nào, Sài Gòn bây giờ thiếu đường.

Cũng mùa xuân năm nay, dân Khoa Học ra tờ báo xuân, đầy đủ bánh tét, bánh chưng, dưa hành, củ kiệu, nhưng lại thiếu bánh mứt, kẹo thèo lèo cứt chuột, chắc là họ cũng thiếu “đường” như dân mình ở quê nhà. Các bà ơi, đám đàn ông thì thường “hảo ngọt”, các bà mà không châm thêm đường, thêm mật, những con ruồi đó sẽ lao vào hũ mật khác. Chừng biết ra thì nó đã rũ cánh rồi. Gần đến ngày Tết, để tránh mấy “ngài ruồi” bay xa tìm ngọt, tôi xin gởi biếu các bà một ít đường để các bà dụ ngọt mấy ông chồng, cho vui cửa vui nhà.

Nói đến đường, ở miền Trung VN, tỉnh Quảng Nghĩa, có đường phổi, đường phèn và mạch nha. Miền Nam có đường thốt nốt. Trên thế giới có hai nước sản xuất nhiều đường là Cuba và Ba Tây. Thế chiến thứ hai, Âu châu thiếu đường, người ta chế đường từ củ cải đỏ (sugar beets). Nói chung, người ta sản xuất đường từ mía (sugar cane). Canada, xứ lạnh, không trồng mía được, không phải vùng nhiệt đới lấy đâu ra thốt nốt. Thôi chúng ta làm đường từ gỗ, từ rơm, từ cây bắp, những thứ này thường người ta bỏ, mình sử dụng lại càng tốt cho môi trường.

Đường là gì?

Đường là một hợp chất hữu cơ thành phần hóa học gồm Carbon (C), Hydrogen (H), Oxygen (O). Đường chúng ta dùng hàng ngày là đường trắng, đường vàng và đường thẻ. Đường mà dân hóa gọi là Glucose (C6H12O6), hay đường 6 vì có 6 Carbon. Muốn có đường thì người ta thủy giải Cellulose (đường 6) , hay thủy giải Hemicellulose (đường 5), muốn có Cellulose hay Hemicellulose thì người ta lấy ra từ gỗ, rơm, cây bắp hay cỏ.

Thành phần của cây cỏ, rơm rạ gồm có 3 chất chánh Hemicellulose, Cellulose và Lignin. Sau đây là cách chế biến để các bà nội trợ Khoa Học có đường làm bánh mứt:

Chuẩn bị vật liệu:

- Nếu nhà ở gần trại cưa thì đến xin bột gỗ

- Mùa hè nếu cắt cỏ thì nhớ giữ lại

- Nếu có nông trại trồng bắp thì sau mùa gặt thân bắp đem cất vào kho

- Mỗi lần về VN thì đi về Nam Kỳ lục tỉnh chở về vài bó rơm

- CH3COOH

- CH3COOH 10%

- H2O

- NaClO2

- NaOH 17.5%

- NaOH 8.3%

- HNO3

- EtOH 95%

- (CH3CH2)2O

- H2SO4

Tiến trình lấy Holocellulose (Hemicelluloses + Cellulose):

- 5g gỗ

- 160 ml H2O

- 0.5ml CH3COOH+1.5g NaClO2, nấu ở nhiệt độ 80oC trong vòng 1 giờ. Nấu thêm 2 lần như trên

- Hạ nhiệt độ xuống 10oC. Lọc và sấy khô

Tiến trình lấy Cellulose:

- 2g Holocellulose

- 5ml NaOH 17.5%

- Sau 30 phút, thêm 30ml H2O

- Quậy và chờ 1 giờ

- Lọc và rửa với 100ml NaOH 8.3%,

- Rửa với 200ml H2O

- Rửa với 15ml CH3COOH 10%

- Rửa H2O đến khi pH=7

- Sấy khô

Tiến trình lấy đường Glucose: Thủy giải Cellulose bằng acide H2SO4 ở nhiệt độ 120oC trong vòng 1 giờ.

Cellulose + H2SO4 → C6H12O6

Kết quả đường nhận được:

Gỗ chứa 60% Cellulose, nếu bắt đầu nấu 5g gỗ, sẽ có 3g Cellulose

Từ 3g Cellulose, ta sẽ có 3.375g đường

Các bà muốn có khoảng 3 ký đường để làm bánh mứt thì phải dùng khoảng 5 ký gỗ. Muốn có đường, thường phải chuẩn bị trước 3 ngày.

Công dụng của đường:

Đường sử dụng nhiều trong bếp núc, gia vị cần thiết trong chè. Tùy theo thời tiết đường được dùng nhiều cách khác nhau. Theo sách vở ghi chép lại, đường đã giúp Từ Hi Thái Hậu lúc nào cũng ngọt ngào hấp dẫn ngay khi bà ta ở vào tuổi thất thập.

Vào mùa lạnh, chuẩn bị một bồn nước âm ấm, khoảng chừng 40oC. Bỏ đường vào bồn, quậy cho tan, thêm men, để chừng 10 phút cho đường lên rượu. Thắp hai ngọn nến để tạo thêm không khí ấm cúng. Vào mùa nóng, sau khi chuẩn bị bồn nước như mùa lạnh, thêm đá cục, trái cây cắt nhỏ như hạt lựu, thêm vài giọt rhum. Biến bồn tắm thành bồn cocktail, vào ngâm mình.

Khi ngâm mình trong bồn, phải ngâm cùng với ông, dầu mùa nóng hay lạnh. Lúc nào cũng có sẵn hai trái đào tiên, rượu và đường. Vừa ăn đào vừa uống rượu, các ông sẽ không phân biệt các bà đang độ tuổi mười tám hay tám mươi, không phân biệt được “đào tiên” hay “mướp đắng”. Ngâm trong bồn có nước đường các ông sẽ cũng không phân biệt được các bà ngọt hay đường ngọt, vì toàn thân các bà đều bọc đường.

Cách đây mấy năm bà “Thanh Hải” cho các ngài uống nước bà ta tắm. Nhiều người phải ra tận Hạ Uy Di để thỉnh nước của bà. Đây cũng là một trong những bài thuốc mà các ngự y của Từ Hi Thái Hậu để lại cho bà Thanh Hải. Nhớ là tắm có nước chứ không được tắm hơi.

Chúc các bà có việc làm trong ba ngày Tết và giữ rịt được các ngài ở nhà vì “đường ngọt” chết ruồi các bà ạ. Mình đã qua nhiều mùa xuân thì phải biết dùng chiêu “đường” nếu không thì lên men đấy.

Thúc Soạn Nguyễn

Canada 31December 2009

Tái bút:

- Cách điều chế đường là đúng theo khoa học trăm phần trăm. Tôi đã sử dụng tiến trình này trong nhiều năm.

- Trong kỹ nghệ, đường sản xuất theo phương pháp này “KHÔNG DÙNG ĐỂ ĂN”, mà để từ đó chế ra rượu EtOH, dùng để chạy xe.

- Nếu có dịp tui sẽ chỉ cách lấy vanille từ gỗ, thêm vào bánh thơm lắm bà con ơi.

- Xin mượn một hình trong Wikipedia.

- Các bạn trẻ nên mở hảng chế rượu từ gỗ, đang “hot” đấy.