Truyện Kiều là một tuyệt tác trong văn học sử Việt Nam, điều này ai cũng công nhận. Theo Phạm Quỳnh, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”, nhưng ông và nhiều học giả khác không phân tích rõ Truyện Kiều hay như thế nào và tại sao tác phẩm này đặc biệt. Dù sao thì Truyện Kiều cũng có ảnh hưởng rất rộng với đại chúng, đa số người Việt biết thưởng thức thơ hay và ít quan tâm đến những phân tích phê bình của những nhà nghiên cứu.

Lãng Nhân có nhận xét về một điểm vô lý trong Truyện Kiều: Khi mấy chị em đi chơi lễ Thanh Minh và thấy một nấm mồ hoang, em trai Thúy Kiều là Vương Quan chỉ là một cậu bé học trò 14-15 tuổi, vậy mà kể rành rẽ tiểu sử người kỹ nữ quá cố giống như một tay ăn chơi lão luyện:

Vương Quan mới dẫn gần xa,

Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì,

Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh.

Phận hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng xuân, thoắt gẫy cành thiên hương!

Nhận xét của Lãng Nhân đúng, tuy nhiên đây chỉ là một trong vài khuyết điểm nhỏ của một kiệt tác, không ảnh hưởng đến giá trị văn chương Truyện Kiều.

Thơ lục bát là thơ dân gian Việt Nam, dễ làm nhưng khó hay. Truyện Kiều có 3.254 câu thơ trong đó mấy trăm câu xuất sắc, còn lại đa số là thơ hay dễ nhập tâm người đọc. Nhiều câu dùng tiếng Việt rất điêu luyện, trôi chảy tự nhiên, trích dẫn điển tích rất khéo, Việt hóa thơ Đường một cách tài tình, dù là tả người, tả tình hay tả cảnh đều chính xác và gây ấn tượng. Từ xưa đến nay chưa có thi sĩ Việt Nam nào khác làm được như vậy, kể cả những tài năng cận đại về thơ lục bát như Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận và Phạm Thiên Thư.

Truyện Kiều đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Nga, Hàn, Nhật, Ả-Rập, Hy Lạp, Ba Lan, Thụy Điển, Hungary, … Trong website Khoa Văn Học - Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM có đề cập đến 13 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp và 12 bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Về phần tiếng Anh thì có 5 bản dịch của người ngoại quốc và 7 bản dịch của người Việt. Tuy nhiên, các bài viết này chỉ giới thiệu các bản dịch Anh Pháp chứ không so sánh sự chính xác và giá trị nghệ thuật. Đây là một việc khó thực hiện, cần một ủy ban học giả nghiên cứu chung chứ nếu chỉ có một người làm thì dù mất cả chục năm vẫn còn nhiều thiếu sót vì kiến thức cá nhân bị giới hạn.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập đến một bản dịch tiếng Anh phổ biến nhất ở Mỹ, đó là The Tale of Kieu của Huỳnh Sanh Thông (Random House, 1973). Ông Thông sinh năm 1926, sau khi học xong Lycée Trương Vĩnh Ký thì du học các trường Ohio University và Cornell University (New York). Ông giảng dạy về văn hóa Việt Nam tại nhiều trường đại học Mỹ, trong đó có đại học danh tiếng Yale University. Vì ông giỏi tiếng Anh và hiểu biết nhiều về văn chương Anh Mỹ, bản dịch The Tale of Kieu của ông là một bản dịch hay và có giá trị, nhưng đáng tiếc là sự hiểu biết về Việt văn và Hán văn của ông bị giới hạn (vì du học sớm) cho nên có một số câu dịch không chính xác. Sau đây, chúng ta thử so sánh một số đoạn hay trong Truyện Kiều với các đoạn dịch tiếng Anh tương ứng để hiểu rõ hơn giá trị và giới hạn của The Tale of Kieu.

1. Kiều cự tuyệt việc ái ân với Kim Trọng

Sau khi Thúy Kiều và Kim Trọng bày tỏ tình yêu, hai người không có cơ hội gặp nhau trong mấy tháng. Tới ngày lễ mừng sinh nhật bên ngoại, cả gia đình đi ăn tiệc chỉ có một mình Kiều ở nhà – truyện không nói rõ, nhưng có lẽ nàng đã giả vờ cáo ốm để có cơ hội đi gặp người yêu. Sau đó Kiều về nhà nhưng thấy gia đình vẫn chưa về, nàng bèn quay lại với Kim Trọng lần thứ hai. Sau khi đàn cho Kim Trọng nghe, thấy Kim Trọng có ý muốn “làm tới” nàng bèn cự tuyệt “lời đề nghị khiếm nhã” của người yêu.

Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

Thưa rằng: đừng lấy làm chơi,

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu

Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Phải điều ăn xổi ở thì,

Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày!

Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai đẹp lại tày Thôi Trương.

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

Trong khi chắp cánh liền cành,

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng

Lý do chính Kiều đưa ra là sợ bị coi thường, như Thôi Oanh Oanh đã chiều lòng ham muốn của Trương Quân Thụy làm tình yêu tan vỡ. Chuyện tình Thôi Trương được thuật lại trong Hội Chân Ký của Nguyên Chẩn, sau đó Vương Thực Phủ viết thành vở kịch Tây Sương Ký được xem là một trong bảy tác phẩm hay nhất của văn học cổ điển Trung Hoa. Trong truyện Hội Chân Ký, Trương Quân Thụy sau khi ân ái với Oanh Oanh đã nghĩ nàng là loại đàn bà đáng sợ vì quá đẹp và quá đa tình, anh nói “đức của tôi không đủ để thắng yêu nghiệt, cho nên đành phải dứt bỏ”. Sau khi Oanh Oanh đã lấy chồng, chắc Quân Thụy vẫn còn tiếc rẻ người đẹp nên đến thăm nàng với tư cách là anh họ. Vì Oanh Oanh từ chối không ra gặp, anh bèn để lại một bài thơ:

Rẻ rúng âu đành phận,

Thân yêu nhớ buổi đầu.

Xin đem tình ý trước,

Thương lấy kẻ về sau!

Trong danh tác Tây Sương Ký, Trương Quân Thụy là người đàng hoàng hơn, yêu Oanh Oanh thật tình và không hề coi thường nàng. Tuy nhiên, vở kịch này kết thúc lửng lơ, không rõ cuối cùng hai người có lấy nhau hay không. Nói chung thì việc ân ái trước khi kết hôn (tiền dâm hậu thú) vẫn bị lên án trong văn hóa cổ truyền Á Đông. Thời nay thì chuyện này khá bình thường, nhưng dù sao thì người con gái khôn ngoan vẫn nên làm khó và làm cao một chút để giữ giá trị. Báo Macleans ở Canada có một bài viết về tình yêu thời Internet, trong đó có chuyện một anh đã tìm được bạn gái vừa đẹp vừa dễ thương và có giáo dục, không có điểm gì để chê trách, nhưng anh vẫn bỏ nàng vì đã được nàng quá dễ dàng – anh nghĩ rằng vẫn còn nhiều cơ hội để kiếm được người khác tốt hơn.

Trong lời cự tuyệt của Thúy Kiều, mấy câu hay nhất là nhận xét của nàng về Thôi Trương: “Mây mưa đánh đổ đá vàng, quá chiều nên đã chán chường yến anh. Trong khi chắp cánh liền cành, mà lòng rẻ rúng đã dành một bên. Mái Tây để lạnh hương nguyền, cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”. Trong The Tale of Kieu, mấy câu này được dịch như sau:

And yet excess destroyed their plighted troth:

she humored all his whims and killed their love.

As wing to wing and limb to limb they lay,

contempt already lurked in their hearts.

In time love’s fire went out. They broke the vows

that in the Western Chamber both had sworn –

their love, unblessed with wedlock, died in shame.

Trong những câu thơ dịch này có một số sai sót. Chữ MÂY MƯA là do sự tích Sở Tương Vương đến Cao Đường nằm mơ gặp một người con gái và ân ái với nàng, người con gái nói rằng nàng là thần nữ Vu Sơn buổi sáng làm mây buổi chiều làm mưa. Như vậy, MÂY MƯA có nghĩa là MAKING LOVE, không phải là EXCESS (sự quá đáng). Còn ĐÁ VÀNG là chỉ sự bền vững (đá) quý giá (vàng), đó là tình nghĩa vợ chồng (something stable and precious, such as marital union and husband-wife loyalty). Nếu dịch theo nghĩa đen thì phải giải thích dài dòng, tốt hơn là dịch thẳng ý nghĩa chính “And yet lustful desires destroyed their would-be blessed union”. GS. Thông dịch ĐÁ VÀNG là PLIGHTED TROTH (sự nguyện ước trung thành) cũng đúng, cho nên câu này có thể viết văn hoa hơn: “And yet lustful desires destroyed their plighted troth”.

Câu kế tiếp “Quá chiều nên đã chán chường yến anh” mà dịch là “she humored all his whims and killed their love” (nàng đã chiều tất cả những cao hứng tai quái của chàng và giết chết tình yêu của họ) là không đúng. Oanh Oanh chỉ chiều ý Quân Thụy cho chàng ân ái trước khi cưới, làm cho chàng thỏa mãn và sau đó có phần chán nàng mặc dù nàng rất đẹp. Ý nghĩa chính câu này là “She easily acquiesce his sexual demands and thus making him tired of her.” GS. Thông đã dịch sai có lẽ vì ông chưa đọc qua Hội Chân KýTây Sương Ký, nên không biết rõ về chuyện tình Thôi Trương.

Trong hai câu tiếp theo, CHẮP CÁNH LIỀN CÀNH là nhắc đến lởi thề của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi trong đêm Thất Tịch, 在天願作比翼鳥 , 在地願為連理枝 (Tại thiên nguyện tác tỉ dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi). Hai người đã thề đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng, trên trời như chim liền cánh, dưới đất như cây liền cành. GS. Thông dịch là “As wing to wing and limb to limb they lay, contempt already lurked in their hearts”. Người Âu Mỹ không rành văn hóa Trung Hoa chắc cảm thấy kỳ cục, và họ phải đọc thêm chú thích mới có thể miễn cưỡng chấp nhận. Tốt hơn nên dịch theo nghĩa chính: “As they made vows to stay side by side forever, contempt already lurked in his heart.” Nên viết “his” chứ không phải là “their” vì chỉ có Quân Thụy coi thường Oanh Oanh chứ Oanh Oanh vẫn yêu Quân Thụy và không ngờ chàng lại coi thường mình.

Hai câu cuối trong đoạn này (Mái Tây để lạnh hương nguyền, cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng) rất hay nhưng không thể dịch chính xác vì tiếng Anh không có những từ tương đương với HƯƠNG NGUYỀN, DUYÊN, ĐẰM THẮM, BẼ BÀNG. Tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch quốc tế, rất mạnh về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại, … nhưng nếu nói về tình cảm thì tiếng Việt phong phú hơn nhiều. Vì vậy, những lời dịch không sát nguyên văn của GS. Thông là chấp nhận được, khó mà tìm cách dịch hay hơn. Trên Internet có một bản dịch Truyện Kiều tiếng Anh (wattpad.com) nhưng không nói rõ tên dịch giả, cách dùng chữ đặt câu đơn giản nhưng có ưu điểm là ngắn gọn và khá chính xác. Mấy câu Thúy Kiều nói về chuyện tình Thôi Trương được dịch như sau:

Sexual pleasures aborted their golden pledge,

Over-indulgence made him tired of her.

Even when they were side by side together,

He harbored in his heart a somewhat contempt.

As a result their western roof oath cooled down,

And their happy idyll turned to bitterness.

Nếu so với bản dịch này, bản dịch của GS. Thông văn hoa hơn và có giá trị nghệ thuật cao hơn. Tuy nhiên, nói về độ chính xác thì The Tale of Kieu lại có nhiều lỗi dịch sai hơn.

2. Kiều ở lầu Ngưng Bích

Sau khi Mã Giám Sinh mua Kiều, nàng tưởng rằng mình sẽ thành vợ bé của ông ta chứ không biết ông cộng tác với Tú Bà mua nàng về làm “call girl” loại cao giá – mua Kiều với giá hơn 400 lạng vàng là rất đắt, nhưng Mã Giám Sinh biết nàng có thể đem lại cho họ món lời cao hơn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là vì Thúy Kiều quá đẹp, Mã Giám Sinh không kềm lòng được nên đã làm ẩu mặc dù biết trước làm mất giá món hàng như vậy sẽ bị Tú Bà chửi rủa. Về phần Thúy Kiều, nàng rất đau khổ nhưng chấp nhận số phận vì nghĩ rằng chuyện này sớm hay muộn cũng xảy ra. Nhưng nàng cũng thủ sẵn một con dao trong tay áo để xem nếu tình hình quá tồi tệ thỉ nàng sẽ tự sát.

Khi Tú Bà biết nàng đã bị Mã Giám Sinh phá trinh, Tú Bà nổi điên lên và nhục mạ nàng “Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!”. Phẫn uất không chịu nổi, Thúy Kiều lấy dao ra tự sát nhưng vì sức yếu nên chỉ đâm mình bị thương bất tỉnh chứ không chết. Tú Bà sợ quá vì không ngờ nàng dám liều – nếu nàng chết thì Tú Bà không những bị mất toi 400 lạng vàng mà còn bị quan nha tới điều tra làm khó dễ, có khi phải đút lót mấy trăm lạng nữa mới được yên thân. Vì vậy Tú Bà phải thuê lương y chữa trị cho Kiều, cho nàng ờ lầu Ngưng Bích và dỗ ngọt nàng, hứa không bắt nàng tiếp khách mà cố gắng tìm một chỗ tử tế gả nàng để gỡ lại số vốn đã mua Kiều.

Đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích có 18 câu được nhiều chú ý vì có giá trị nghệ thuật cao:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm?

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ dàu dàu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Sau câu giới thiệu “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” là 8 câu tả tình và 8 câu tả cảnh. Trong phần tả tình, trước tiên Kiều nhớ tới Kim Trọng lúc hai người uống rượu nguyện ước dưới ánh trăng, bây giờ chàng vẫn luôn mong chờ mình. Kiều chua xót nghĩ đến thân phận mình đang bơ vơ nơi đất khách quê người, không biết tình yêu và lòng chung thủy nàng dành cho Kim Trọng có bị những biến cố cuộc đời làm cho phai nhạt?

Sau đó Kiều thấy thương xót mẹ. “Người tựa cửa hôm mai” là một điển tích trong Quốc Sách – mẹ của Vương Tôn Cổ nói với con rằng “Nếu con sớm đi chiều về, mẹ đứng tựa cửa trông ngóng, nếu con chiều đi mà không về, mẹ ra đầu xóm trông ngóng.” Mặc dù theo điển tích “người tựa cửa” là người mẹ, đa số những người chú thích Truyện Kiều nói rằng NGƯỜI TỰA CỬA là CHA MẸ. Điều này không đúng nhưng không quan trọng lắm, muốn nghĩ rằng Kiều “xót cả cha lẫn mẹ” cũng không sao. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu đúng ý tác giả thì nên hiểu là Kiều “xót mẹ” trước rồi mới nghĩ đến cha trong hai câu cuối: “Sân Lai cách mấy nắng mưa, có khi gốc tử đã vừa người ôm?” Theo Nhị Thập Tứ Hiếu, Lão Lai Tử lúc 70 tuổi bố mẹ vẫn còn sống, mặc dù ông đã già nhưng vẫn làm bộ như trẻ con trước mặt bố mẹ để làm họ vui lòng. Người Hoa thường trồng cây tử ở thôn quê, cho nên chữ “gốc tử” là chỉ ý Kiều nhớ quê hương.

Như vậy Kiều nhớ tới người yêu trước tiên và buồn cho mối tình dang dở, sau đó mới xót mẹ và không biết ai thay mình để săn sóc mẹ. Mặc dù Kiều đã hy sinh cho cha nhưng đó là nàng làm bổn phận, trái tim nàng vẫn dành cho người yêu và mẹ mình. Khi nghĩ đến cha và quê nhà thì nàng chỉ bâng khuâng tự hỏi: xa cách mấy năm nay, chắc cha đã già lắm rồi, và quê nhà chắc có nhiều thay đổi? Tóm lại, tám câu tả tình này diễn tả đúng tâm trạng con gái, lời hay ý đẹp và dùng điển tích chính xác tế nhị, xứng đáng được coi là những vần thơ tuyệt tác.

Sau 8 câu tả tình là tới 8 câu tả cảnh. Đọc qua một lần là thấy đây là cảnh nội tâm chứ không phải là cảnh thực. Mặc dù Kiều đang ở huyện Lâm Truy thuộc tỉnh Sơn Đông sát bờ biển, lầu Ngưng Bích phải rất cao để Kiều có thể thấy những cảnh như vậy, mà nếu ở lầu cao như thế thì làm sao nhìn được “hoa trôi man mác” và nghe “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Tuy nhiên, đa số những người chú giải Truyện Kiều đều cho rằng đây là những cảnh thực chung quanh lầu Ngưng Bích, theo tôi biết thì chỉ có một người đoán “có lẽ đây là cảnh nội tâm” nhưng không dám khẳng định. Theo Lê Văn Hòe (Truyện Kiều Chú Giải, 1956, trang 278-279), “Nhận thấy những cánh hoa trôi trên mặt nước, thì ngọn nước mới sa phải gần chỗ Kiều lắm. Hay đó chỉ là cảnh tưởng tượng?” Nhưng ông Hòe vẫn nghĩ rằng đó là những cảnh thực, và ông giải thích “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” nghĩa là tiếng sóng rất to nên Kiều có cảm tưởng ở chung quanh nàng. Đây là giải thích gượng ép, vì chỉ có ngồi trên thuyền giữa biển mới nghe được như vậy mà thôi.

Thực ra, nếu hiểu ý nghĩa các cảnh được mô tả, đây chính là những biểu hiện nội tâm Thúy Kiều. “Buồn trông cửa bể chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?” Kiều muốn thoát ly, nhưng nàng cảm thấy cơ hội quá xa vời. “Buồn trông ngọn nước mới sa, hoa trôi man mác biết là về đâu?” Kiều cảm thấy thân phận mình như bèo giạt hoa trôi. “Buồn trông nội cỏ dàu dàu, chân mây mặt nước một màu xanh xanh”. Kiều thấy nỗi buồn của mình mênh mang không giới hạn. “Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh, ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Những biến cố chấn động, những nguy hiểm đầy dẫy chung quanh Kiều mà nàng không có cách gì trốn tránh.

Tổng kết, 8 câu tả tình và 8 câu tả cảnh đều là những vần thơ tuyệt tác và có ý nghĩa sâu sắc. Bây giờ, chúng ta thử xem những vần thơ dịch trong The Tale of Kieu để xem dịch giả có chuyển được những cái hay sang tiếng Anh hay không.

She dully spent her days in watching clouds,

Her nights in staring at the lamp – her soul

Half sick for love, half sorrowed by the views.

She thought of him who once, under the moon,

Had shared with her the cup of plighted troth –

Now, day by day, he longed for her in vain.

Cast up and stranded on a foreign shore,

When could she ever free her heart of love?

She missed her parents so. These days and nights,

They leaned against their door, awaiting her.

Who now in summer fanned them cool, who now

In winter covered them with warming quilts?

In the home yard, as sun and rain took turns,

The old capata must have grown so large

That it would take both arms to go around.

She sadly watched the harbor in gray dusk –

Whose boat was that with fluttering sails far off?

She sadly watched the river flow to sea –

Those flowers adrift and lost, where would they end?

She sadly watched the sweep of wilted grass,

The pale-blue haze where mingled earth and sky.

She sadly watched the wind play with the waves

That roared and rolled about, beneath her seat.

Câu “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?” mà dịch “When could she ever free her heart of love?” là không đúng. Thúy Kiều không tự hỏi khi nào mình hết yêu Kim Trọng, nàng chỉ băn khoăn không biết tấm lòng son (tình yêu nồng nàn và sự chung thủy) dành cho Kim Trọng có thể bị dần dần bị nhạt phai hay không. Cần hiểu ý chính của câu thơ là “She wondered if her ardent love and loyalty for Kim Trong could be diminished or washed away over time”, sau đó mới tìm chữ và đặt câu thích hợp.

Như nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều, GS. Thông đã hiểu “người tựa cửa” là cả cha và mẹ. Điều này không quan trọng lắm, nhưng GS. Thông đã dịch là CẢ CHA VÀ MẸ HẰNG NGÀY ĐỨNG TỰA CỬA CHỜ KIỀU. Điều này vô lý vì gia đình Kiều biết nàng đã đi xa không về nữa, có nhớ Kiều thì nhớ nhưng không ai lại ra đứng tựa cửa để chờ một người không thể trở về. Thực ra chữ “người tựa cửa” chỉ là một điển tích chỉ mẹ Thúy Kiều, chứ không nói bà thực sự ra đứng tựa cửa chờ con.

Cũng giống như đa số các nhà chú giải Truyện Kiều, GS. Thông tưởng rằng những cảnh ở Lầu Ngưng Bích là cảnh thật mà Kiều nhìn thấy. Những câu thơ dịch tả cảnh của GS. Thông khá hay, nhưng không đúng hẳn với nguyên tác và không gợi ý cho độc giả tiếng Anh biết đây chỉ là cảnh tưởng tượng trong nội tâm Thúy Kiều.

Nếu tiếp tục so sánh, chúng ta sẽ thấy thêm nhiều sai sót trong The Tale of Kieu. Nhưng điều này không thực sự cần thiết. Bài viết này không phải để bới lông tìm vết, mà để nêu ra những giới hạn không thể tránh được trong việc dịch thuật. Truyện Kiều rất khó dịch, tất cả các bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp đều có nhiều sai lầm hoặc thiếu chính xác, không phải chỉ riêng bản dịch của GS. Thông.

3. Kiều xử tội Hoạn Thư:

Mặc dù The Tale of Kieu có hàng trăm câu dịch sai và mấy trăm chỗ dịch thiếu sót, GS. Thông cũng dịch được hàng ngàn câu có giá trị nghệ thuật trong số 3.254 câu thơ Truyện Kiều, thí dụ như đoạn Kiều bắt Hoạn Thư đem về xử tội:

Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra,

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Thoạt trông nàng đã chào thưa:

Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca.

Rằng: Tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,

Nghĩ khi cho các viết kinh,

Vừa ra khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng, riêng những kính yêu;

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai!

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?

GS. Thông đã dịch đoạn này như sau:

Swords were unsheathed and raised beneath the flags.

The chief culprit came in – her name: Miss Hoan.

Kieu greeted her as soon as she appeared:

“Your Ladyship! You, too, have deigned to come?

One seldom finds a woman of your stamp!

How many in the past could boast your face?

How many now can beat you in sheer gall?

A woman, though, should wield a gentle hand –

The more evil she sows, the more she reaps!

Miss Hoan’s spirit and soul were taking flight.

She knocked her forehead on the earth and cried:

“I’m but a woman with a woman’s faults!

And jealousy is human, after all!

Yet please recall that I did let you stay

And copy Scriptures at the Kuan-yin shrine.

When you fled from my house, I let you go.

In my own heart I felt esteem for you,

But what woman would gladly share her man?

I’m sorry I cast thorns before your steps –

May I implore your mercy on my fate?

Đoạn này GS. Thông dịch hay và đúng nghĩa, tôi đọc rất tán thưởng. Nguyên văn sự bào chữa của Hoạn Thư là những vần thơ hay, quan trọng nhất là câu “Vừa ra khỏi cửa dứt tình chẳng theo”. Ý Hoạn Thư giống như GS. Thông đã dịch (When you fled from my house, I let you go – khi bà trốn khỏi nhà tôi, tôi để cho bà đi), nhưng Hoạn Thư không thể nói thẳng như vậy. Bà phải nói lịch sự để tránh xúc phạm Thúy Kiều đang ngồi xét xử bà. Hoạn Thư muốn nhắc cho Thúy Kiều nhớ là bà không phải thực sự độc ác, ngay từ lần đầu tiên bà không sai người giết Thúy Kiều mà chỉ bắt nàng về hành hạ cùng với ông chồng trăng hoa để trả thù những lúc bà đau khổ vì ghen tuông. Sau đó bà nể tài Kiều và cho Kiều ra Quan Âm Các viết kinh chứ không bắt Kiều làm gia nô nữa. Khi Kiều bỏ trốn và còn lấy theo một số đồ vàng bạc trong nhà bà (để nếu cần thì bán lấy tiền tiêu dọc đường), bà cũng tha không cho người đuổi bắt – miễn là Kiều không còn dính dáng với chồng bà nữa là bà để cho Kiều yên. Khi Hoạn Thư nhắc lại chuyện bà “dứt tình chẳng theo” lúc Kiều trốn đi, lời lẽ lịch sự nhưng trong đó có sự đe dọa ngầm là sẽ nói ra chuyện Kiều lấy cắp vàng bạc của bà để làm Kiều mất mặt trước ba quân. Vì vậy Thúy Kiều phải tha Hoạn Thư, vừa để trả cái nợ Hoạn Thư đã tha nàng trước đó, vừa để Hoạn Thư khỏi nói ra một chuyện không hay nàng đã làm.

KẾT LUẬN:

Bản dịch The Tale of Kieu, mặc dù có một số khuyết điểm, là một bản dịch hay và có giá trị nghệ thuật. Thi ca là tinh túy của ngôn ngữ, khi dịch sang một ngôn ngữ khác thì chắc chắn mất đi nhiều ảnh hưởng. Theo thiển ý, dịch văn xuôi có thể truyền đạt 90-95% giá trị nguyên tác, nhưng khi dịch văn vần thì những dịch giả giỏi nhất cũng chỉ truyền đạt được khoảng 60% cái hay của nguyên tác là cùng.

Tóm lại, muốn thưởng thức trọn vẹn thơ hay thì phải đọc nguyên tác: Đọc Truyện Kiều bằng tiếng Việt, đọc Đường thi bằng tiếng Hoa (hoặc tối thiểu phải biết từ Hán Việt), đọc thơ Rimbaud hay Beaudelaire bằng tiếng Pháp, đọc thơ Shakespeare bằng tiếng Anh, đọc thơ Pushkin bằng tiếng Nga, … Nếu không biết nhiều ngoại ngữ, có thể đọc thơ dịch sang tiếng mẹ đẻ, nhưng phải chấp nhận mình chỉ tiếp cận được khoảng 40-60% cái hay của nguyên tác mà thôi.

Đôi khi có những vần thơ dịch hay không kém thơ nguyên tác, thí dụ như mấy câu thơ Việt dịch đoạn mở đầu Romeo and Juliet mà tôi tình cờ đọc được nhưng không biết tên dịch giả:

Two households, both alike in dignity,

In fair Verona, where we lay our scene,

From ancient grudge break to new mutiny,

Where civil blood makes civil hands unclean.

From forth the fatal loins of these two foes

A pair of star-cross'd lovers take their life;

Whose misadventured piteous overthrows

Do with their death - bury their parents' strife.

Ngày xưa, ở thành Verona xinh đẹp,

Có hai nhà dòng thế phiệt trâm anh,

Mối thù xưa bỗng gây cảnh bất bình,

Máu vô tội khiến tay người lành nhuộm đỏ.

Số phận éo le, thâm thù hai họ,

Lại khiến xui sinh hạ đôi tình nhân.

Chuyện yêu đương bi thảm muôn phần,

Bên cừu hận, chỉ còn đành một thác.

Tình lứa đôi thảm thương tan nát,

Bên xác con cha mẹ mới quên thù.

Dịch được mấy câu Prelude hay và sát nghĩa như thế này đã là đáng nể, còn nếu dịch trọn vở kịch Romeo and Juliet sang tiếng Việt mà hay không kém nguyên tác của Shakepeare thì chắc không ai làm nổi. Do đó, khi đọc những bản dịch thi ca ngoại quốc sang tiếng Việt, hoặc là đọc những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng ngoại quốc, nên thông cảm với những dịch giả – đa số họ đã làm hết sức mình nhưng không thể truyền đạt tất cả những cái hay trong nguyên bản, và những sai lầm thiếu sót thường không thể tránh được.