Sao Mà Lạ Quá (Những Khúc Phim Đời Thường) - Trương Ngọc Thanh

Dù ở xa xôi đến tận chốn trời Âu này, mà cứ mỗi lần chớm Thu, lá vàng khẽ vờn bay trong gió lại làm tôi gợi nhớ đến An Lộc vào Xuân với những cánh rừng cao su khoe sắc vàng trong cái se lạnh của chốn đất đỏ rừng sâu.

Dạo đó vào những năm 1966 - 1967, Bình Long của tôi dù chỉ cách xa Sài Gòn có hơn 110 cây số, mà cứ như cách biệt hẳn với chốn Phố Thị đô hội đến vạn dặm xa xăm. Đêm về, tỉnh lẻ đìu hiu chỉ còn một vài nơi với sinh hoạt ăn chơi muộn màng, để cố như ngăn chiều tắt nắng. Thỉnh thoảng Bình Long cũng có dịp đón những đoàn hát cải lương nổi tiếng đến từ Sài Gòn như Thanh Minh Thanh Nga, … về trình diễn ở Hội Trường Lý Thường Kiệt.

Lúc ấy tôi say mê “Cúc Hoa” thật diễm lệ, với ánh mắt buồn long lanh sầu mộng trong vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa của đoàn hát “Sơn Đông Mãi Võ”. Sân Khấu của họ lúc thì chỉ là bãi đất trống trước trường Trung Học Tư Thục Quốc Tuấn, ở Chợ Cũ, sau phiên chợ chiều, hay ở sân Chợ Mới, cuối dốc, nhìn qua là Công Viên Tao Phùng. Cứ sau mỗi bài hát, cải lương hay tân nhạc, thì những người trong Đoàn Hát Dạo ấy lại mang những loại thuốc trị đau xương nhức mỏi, sâu răng, dầu cao, kẹo, … ra chào bán. Bọn nhỏ chúng tôi tranh nhau ngồi quanh sân khấu lộ thiên, chỉ đợi đến màn cuối để được xem những vở tuồng như “Lưu Bình Dương Lễ”, “Trần Minh Khố Chuối”, “Phạm Công Cúc Hoa”,…. , đã làm khán giả, kể cả bọn nhỏ chúng tôi đẫm lệ thương sầu.

Ngày ấy, tôi chỉ là một chú bé chỉ hơn 10 tuổi đời, đã mê cô Đào bé nhỏ Cúc Hoa tuổi chừng mười sáu, đến nỗi quên cả ăn và bỏ cả những ngày học thi vào lớp Đệ Thất. Rồi cứ thẫn thờ nuối tiếc mỗi đêm ra về, khi Cúc Hoa của tôi xa và dần mất trong tiếng nhạc vãn tuồng. Để đêm về cứ mơ mộng vẩn vơ. Ôi những giấc mơ thần tiên của tuổi biết buồn.

Đến đây vài tháng rồi họ lại ra đi, mang theo nỗi nhớ đong đầy của tôi. Cứ thế, đến rồi lại đi.

Bẵng đi một thời gian, không thấy đoàn hát dạo ấy về lại An Lộc nữa, rồi một hôm được hung tin trên đường trở lại An Lộc từ Bình Dương chuyến xe của cả đoàn hát dạo ấy bị cán trúng mìn. Trong những người vĩnh viễn ra đi có “Cúc Hoa của tôi”,người con gái sầu muộn ấy đã đi về chốn thật xa, xa lắm rồi … Chiến tranh thật là ác độc! Nước mắt tôi tuôn tràn.

1974

Gần ngày thi Tú Tài bọn chúng tôi đến lớp thật lưa thưa. Hôm cuối, trong lớp 12A1 tôi còn gặp Thầy Trần Văn Kỷ dạy toán. Thầy đang cùng Nguyễn Trung Cang, một anh bạn học rất chăm và giỏi trong lớp đang cùng giải những phương trình mà chỉ có Ban B Toán mới học đến. Tôi chỉ lặng lẽ nhìn qua rồi vội lảng đi.

Sân trường Võ Trường Toản lúc ấy cũng buồn vắng và đầy nỗi lo như tâm sự của mấy anh chàng sĩ tử chúng tôi, trước ngày thi.

26.06.1974, Tôi đi thi Tú Tài IBM Khóa 1, ở Trung Tâm Thi Phan Sào Nam, trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Hôm đi thi tôi thấy buồn và hơi tủi thân, đơn thân một mình, không còn được Bố tôi đưa đi thi như trước. Vì chiến cuộc Bố tôi phải đi đi về về đơn vị giữa Bình Long và Hậu Cứ Long Bình. Nhớ lại Kỳ thi đệ Thất ở Trung Học Bình Long được Bố tôi chở đến tận trường thi, còn có những người lính cùng đơn vị đợi ở cổng trường thăm hỏi rồi chở về đến tận nhà.

THÁNG 09 NĂM 1974 THÌ PHẢI ?

Tôi ghi danh vào SPCN Khoa Học với bao ngỡ ngàng và lạc lõng. Cứ mơ và nghĩ rằng, có Tú Tài rồi thế là cứ đi thi vào Trường Y một mạch, khỏí rắc rối chi mô. Dù Bố tôi đã nói, con chỉ mới có được một bước đầu, còn phải học và thi nữa chứ.

Đêm văn nghệ chào mừng các Tân Sinh Viên Khoa Học ở Đại Giảng Đường 2 tôi và Trần Công Thiện cũng vào. Đêm đó tình cờ găp A.H. và V.A. đi cùng, cùng với 2 người đứng tuổi, mặc quân phục ngồi dãy ghế trước. A.H. với vẻ mặt kênh kênh, cười đùa, chắc như cố trêu chọc bọn tôi. Rồi còn rủ xuống ngồi chung. Từ nhỏ tôi vẫn thích những người con gái đẹp mà kiêu, nhưng không chịu nổi chuyện đời ngang trái, “bất công xã hội” diễn ra trước mắt, rán lắm đợi xong phần khai mạc và nghe xong dăm ba bản nhạc là chúng tôi rươm rớm nước mắt bỏ ra về. Khó khăn lắm mới chen chân ra được vì các sinh viên tham dự ngồi chật trên các bậc tam cấp của lối xuống, trước sự ngỡ ngàng và ánh mắt đầy trách móc lẫn ngạc nhiên trông theo. Đêm đó hai đứa chúng tôi lại về khu 57 Pasteur, Quận 1 nhà Thiện, mua phá lấu của ông già Tàu đối diện nhà, bày bán mỗi tối trong một cái khay thật to và tròn bằng nhôm trước tiệm nước mía Viễn Đông ngồi ăn, mà nghĩ chuyện đời đen bạc.

Sài Gòn đêm đó thật dài, thành phố chắc còn buồn cả hơn tôi?

Sáng sau chúng tôi viết một lá thư gửi A.H. trách nàng sao có thái độ khinh mạn như thế với chúng tôi. Cả tuần sau, tôi chẳng muốn đi học làm gì nữa, và chắc cũng để tránh không muốn gặp A.H. nữa. Mà sao như thế thì lại nhớ nhiều?

Ngày khai giảng bước vào Đại Giảng Đường 2, ôi sao mà đông thế, chỉ người là người, xa lạ nhốn nháo, không chỗ ngồi. Phải cố lắm mới nán lại nghe chương trình học đến cuối giờ.

Lúc tan học, ra khỏi cửa A.H. đã chận bọn tôi ở cửa, và bắt giải thích hai chữ “Khinh Mạn” là cái gì, rồi còn trách ngược bọn tôi đi xem văn nghệ lén một mình và không rủ đi cùng, nàng cố giải thích 2 người lính đi cùng chỉ là anh của V.A. mà thôi. Chúng tôi cũng nguôi ngoai được phần nào.

Những tháng ngày đi học là những ngày giận hờn, trách móc vu vơ, như sáng nóng chiều mưa của đất Sài Gòn. Mỗi lần như thế A.H. lại kiếm cớ mượn sách ghi cour của tôi, rồi viết vào đó vài dòng chữ bằng viết chì, lại làm tôi lại đến quên ngủ để sầu thương, đong đầy mộng mị. Không hiểu sao ông trời bắt tội, cứ thấy ai đẹp mà kiêu thì tôi lại đắm trong ánh mắt si tình, trong những khổ nạn ngọt ngào!

****

Vào Khoa Học tôi có được cái may mắn với chút vốn liếng về các danh từ La Tinh Thực Vật, học với cô Huỳnh Thanh Nguyệt trong những giờ Vạn Vật Học lớp 11A ở Võ Trường Toản, như: Rosa chinensis, Mimosa pudica, Coffea arabica, … giúp tôi không bỡ ngỡ lắm với những cái mới ở đây.

Lớp 12A1 tôi học Động Vật Học với cô Phùng Thanh Loan, em gái của Giáo Sư Phùng Trung Ngân, vị thầy đầy đức độ, có lúc đã đảm nhiệm chức vụ Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Sài Gòn trước 1975. Cô Loan và một đồng nghiệp, hình như là thầy Đỗ Danh Tẩm, của Trưng Vương thì phải,đã soạn quyển sách Vạn Vật Học lớp 12A, phần cuối có những tấm hình màu mô tả cơ quan sinh dục nam và nữ giới, là một bước đi mà thời đó chưa ai dám nghĩ đến, đã làm bọn con trai chúng tôi say mê tìm hiểu.

Võ Trường Toản có lẽ là trường Trung Học duy nhất ở Sài Gòn nơi Đức Ngữ là Sinh Ngữ 2 được chọn. Lúc ấy, tôi chưa một lần nghĩ đến việc học cái ngôn ngữ xa lạ này. Thế mà định mệnh đẩy đưa, nào ngờ nơi đây lại chính là quê hương không chọn của mình.

30.04.1975

Hai đêm hôm trước cả gia đình chúng tôi đã bỏ nhà ra đi, qua nhà người Bác với hy vọng sẽ được đón ra Bến Bạch Đằng để được di tản. Bất thành vì người lính lái xe trên đường đến đón chúng tôi bị những người Nhân Dân Tự Vệ hành hung. Sáng ngày 29.04.1975 trong cơn hốt hoảng gia đình chúng tôi chạy đến một nhà người quen ở đường Cao Thắng. Tuân theo lệnh giới nghiêm của chính quyền và sợ sự nổi loạn cướp bóc, đạn lạc tên bay nên chúng tôi đành thúc thủ ngồi trong nhà theo dõi thời sự qua Radio. Đến trưa ngày 30.04.75 thì gia đình cùng những người thân quen lặng lẽ khăn gói trở về lại nhà. Tôi hiểu rồi đây là những tháng ngày buồn gói trọn trong số phận thương đau của chúng tôi, những người Miền Nam còn ở lại.

1979-1980

Những chiếc thuyền mong manh, chòng chành như những chiếc lá trên đại dương mênh mông, lúc diệu hiền như vầng trăng ngà tĩnh lặng, lúc cuồng nộ, đen xám với những đợt sóng gào đã mang tôi đi năm lần bảy lượt, để rời xa miền đất khổ Sài Gòn của tôi vào những năm 79-80. Sóng đại dương cuồng nộ đã làm tôi sợ Biển đến nhiều năm dài sau đó, ác mộng cứ theo về. Cứ nghĩ rồi suốt đời mình sẽ không bao giờ còn dám bước chân trên những chiếc thuyền như thế, hay dù là tàu trên biển cả mênh mông nữa, dù chỉ một lần!

Với Lệ Chi, Trịnh Kim Ngân, Thanh Long, … tôi và Huyền Linh có mối giao tình nhiều lắm trong những ngày còn ở lại Việt Nam. Chúng tôi thường gặp nhau, nhất là vào dịp Tết, kể cho nhau nghe về bạn bè, những tin buồn tin vui của người đào thoát.

2019

Thế mà đến hơn 38 năm sau, chẳng hiểu sao cái tính tò mò lại thôi thúc tôi, mà lần này đi trên một Du Thuyền có đến hơn 3.600 người, vừa du khách, vừa nhân viên hải hành, giữa Dubai, Oman và Abu Dhabi, qua lại trên “Con Đường eo biển Hormus” nơi các con tàu chở dầu của Na Uy và Đức đã bị quân khủng bố tấn công vào tháng 6 năm 2019 vừa qua. Đêm khuya tĩnh lặng, thấy lòng mình lo lo khó tả. Có những ngày hơn 8 tiếng sáng chiều, vừa Conference vừa học, tối đến lại tiệc tùng thâu đêm với các đồng nghiệp. Những buổi chiều lên bờ ở Dubai, Oman, AbuDahbi thì vội vã với phố lạ người xa, đến viếng những đền đài Hồi Giáo thật tráng lệ.

Chẳng biết vì ham học, hay ham chơi, hay có cái số phải thi cử mà cho đến từng tuổi này rồi tôi vẫn còn ôn luyện sách đèn. Rồi tôi cũng có thêm được cái mảnh bằng Maritime Medicine, để mong thỉnh thoảng khi có ngày nghỉ, có thể xin đi trên những chiếc du thuyền phục vụ y tế trong Hospital trên tàu cho hành khách khi họ cần đến. Ngồi trên Du Thuyền “Mein Schiff 5” tráng lệ cao ngất tầng xa mà chạnh nghĩ đến ngày nào năm xưa 1980 lấm luốc, sợ hãi lẩn trốn khỏi quê nhà, ra đi trên những chiếc ghe bé nhỏ, chỗ chỉ đủ ngồi bó gối trên đó, mà chỉ cần cúi xuống đã với tay tới nước. Đêm ở đây không mịt mùng đen xám như những đêm của tháng 4 năm 1980, ánh đèn màu của những ngày trung tuần tháng 11 năm 2019, phố xá phồn hoa tráng lệ lại làm chạnh nhớ đến những tháng ngày buồn năm xưa 1980.

Yên phận với gia đình, với H.L. sau những tháng ngày dài theo đuổi. H.L. của tôi cũng giống như những người con gái hay làm tội tình, ngạo mạn mà dịu hiền.

Không hiểu ông trời còn bắt tội, để tôi còn vướng chân vào những ánh mắt có đuôi, mang đầy sầu nhớ nữa không?

39 năm rồi còn gì nữa. Từ ngày bỏ nước ra đi ký ức thì đong đầy, vui buồn lẫn lộn. Những gợi nhớ như mới hôm nào không xa vẫn theo tôi, người hay mơ mộng, khó quên và hay sống với những ngày xưa … Có lẽ, sẽ đến muôn đời.

Minden, 04 January 2020