Nghe âm thanh trong trẻo vang vang thật sinh động của đứa bé vừa chào đời, lòng cha mẹ hân hoan tràn trề hạnh phúc. Từ đây trong nhà có thêm một thành viên mới, nhộn nhịp bao niềm vui.

Về giai đoạn đầu của sự phát triển cơ thể, vào năm 1961 hai nhà khoa học Jacob và Monod giải thích rằng việc kiểm soát các kích thích tố biểu hiện di truyền (gene) trong các tế bào là việc điều chỉnh phiên mã của các chuỗi DNA (Deoxyribonucleic Acid). Các ý tưởng và thí nghiệm của hai nhà khoa học này là động lực thúc đẩy việc hình thành lãnh vực “Sinh Học Phát Triển của Phân Tử”, nhất là sự điều chỉnh phiên mã (transcriptional regulation). Khởi đầu, khi nhân của cha và nhân của mẹ kết hợp thành đơn phân tử nguyên thủy, thì ngay sau đó tín hiệu được phát ra liên tục để kết hợp sinh trưởng thành thai nhi, khi đã có một tín hiệu rồi thì những tín hiệu y hệt sau liền bị ức chế ngay. Kết quả là từng bộ phận sẽ đảm nhiệm một phận sự để thành hình thai nhi có cơ thể hoàn hảo.

Âm thanh được phát ra từ sợi dây thanh âm (vocal cord) có hình tam giác nơi cổ họng. Sợi dây thanh âm nằm trên thanh quản, ngay sau trái cổ trước xương cổ số 4. Trái cổ phái nam có góc độ khoảng 45o nhô ra phía trước. Trái cổ phái nữ có hình phẳng, vì góc khoảng 180o nên thoạt nhìn tưởng là phái nữ không có trái cổ. Thật ra hai phái đều có trái cổ với hình dạng không giống nhau.

Sợi dây thanh âm này được chuyển động nhờ hơi gió và tạo nên tiếng nói, giống như tương tác vật lý của dây đờn vậy. Tiếng nói được kiểm soát từ não bộ liên quan với sự suy nghĩ. Mọi đứa bé vừa chào đời chưa thông thạo ngôn ngữ nên chỉ truyền thông ngôn ngữ duy nhất: “Oa! … Oa! …”.

Những nhà sinh lý cơ thể học đã phân tích và lý luận, giải thích rằng từ môi trường nước vào môi trường không khí, những đứa bé sơ sinh dùng một ngôn ngữ giống nhau để kêu gọi, báo cho mọi người là cần sự bảo bọc chở che. Khi lớn lên đứa bé sẽ được hòa nhập vào sự truyền thông bằng ngôn ngữ ngoài xã hội. Cơ Thể Học giải thích sự chuyển động vật lý để tạo âm thanh là nhờ đôi dây thần kinh vận động não số 11.

Dây thanh âm rung động tạo thành tiếng nói nhờ gió từ phổi đẩy ra, với sự hỗ trợ của đôi dây thần kinh não số 12 để tạo chuyển động từ thân của lưỡi, liên đới trực tiếp với đôi dây thần kinh não số 9 và số 10 ở vùng cổ và đôi dây thần kinh não số 7 tạo chuyển động của cơ môi, gò má, cùng dây thần kinh cổ, và lưng, góp phần vào chuyển động hơi gió từ phổi ra vào, kết hợp đắc lực với cơ hoành cách mô phình lên hạ xuống. Hơi gió chạm qua sợi dây thanh âm tạo chấn động phát ra tiếng nói…

Âm thanh trìu mến được phát ra, tạo giọng hát hay khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi, cơ bản là do ơn sinh thành mà tạo hóa đã đặt để cho mình.

Bác Sĩ Trần Văn Diên

Khoa Hóa, Khoa Học Sài Gòn 1973-1978

Ngày 25/05/2009