Sau khi Edward Lansdale rời Việt Nam năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bắt đầu củng cố quyền lực theo truyền thống Việt Nam, khác hẳn những gì Lansdale đã cố vấn. Trước năm 1963, có người bất mãn với sự cai trị của họ Ngô nên sửa hai câu thơ dân gian thời nhà Nguyễn “Nước Nam có bốn anh hùng, Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu” thành “Nước Nam có bốn anh hùng, Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục tham”. Mấy câu thơ này chê trách quá đáng, nhưng trong đó có một phần sự thật. Ông Diệm không phải là một minh quân biết dùng người có tài, ông bị che mắt bởi những nịnh thần mà ông tin tưởng. Ông không thanh tra đột xuất như Magsaysay, cho nên đám cận thần dễ dàng lừa dối ông. Có lần ông đi thăm một “khu trù mật” mà người phụ trách đã ăn chặn kinh phí và chỉ làm cho có hình thức, biết tin ông Diệm đi thăm thì ngày hôm trước cho người chặt những cành cây ăn trái cắm xuống giả như là vườn đang ươm trồng. Ông Diệm đến, vui vẻ ngắm vườn cây ăn trái xanh tươi, không hề biết là sau khi ông về Dinh Độc Lập thì những chiếc cành sẽ được nhổ đi và khu vườn “trù mật” lại trở thành bãi đất hoang.

Mặc dù thiếu cảnh giác trước gian thần, ông Diệm là người can đảm, có lý tưởng và có khí phách làm nhiều người kính nể. Nếu Ngô Đình Nhu có tài trị quốc, ông có thể bổ túc những điểm yếu của ông Diệm và sự cộng tác của hai anh em có thể làm Việt Nam Cộng Hòa vững mạnh. Tuy nhiên, ông Nhu chỉ biết dùng mật vụ để đàn áp đối lập, không biết làm sao cho chính quyền miền Nam trở nên trong sạch và hữu hiệu. Bản thân ông Nhu cũng không biết dùng người có tài và thích dùng bọn tiểu nhân nịnh hót.

Theo một số học giả Mỹ nghiên cứu về Việt Nam, sai lầm đầu tiên của ông Diệm là triệt hạ những người miền Nam kháng chiến chống Pháp. Đa số họ không phải là cộng sản, họ tham gia kháng chiến để đánh đuổi người Pháp – nếu cho họ cơ hội thì họ sẵn sàng phục vụ chính quyền mới ở miền Nam. Nhưng ông Diệm đã đàn áp họ, dồn họ vào cái thế phải theo phe cộng sản. Có người nói rằng ông Diệm đàn áp vì sợ họ không phục mình – họ đã chịu nhiều gian khổ và hy sinh để đánh Pháp trong khi ông Diệm sống yên ổn ở Mỹ, tới khi người Pháp rút lui thì ông Diệm về làm lãnh tụ. Điều này đúng, người kháng chiến không thích thấy ông Diệm “ngồi nhà mát ăn bát vàng”, nhưng nếu ông Diệm là lãnh tụ giỏi biết thưởng phạt phân minh thì đa số sẽ thay đổi thái độ và vui lòng phục vụ ông Diệm. Còn một thiểu số vẫn bất mãn thì thanh trừng sau cũng được.

Thực ra, chuyện ông Diệm đàn áp đối lập không hẳn là lỗi của ông – ông chỉ theo truyền thống chính trị Việt Nam. Hán Cao Tổ Lưu Bang sau khi lên ngôi đã biết dùng một tướng giỏi của Hạng Vũ là Quí Bố, nhưng vua Gia Long không biết thu phục những bầy tôi giỏi của Tây Sơn mà lại trả thù họ rất dã man. Sau thời chống Pháp, cả hai lãnh tụ Bắc Nam là Hổ Chí Minh và Ngô Đình Diệm cùng chọn phương án TRIỆT HẠ CÁC PHE PHÁI ĐỐI LẬP ĐỂ XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI. Có thể họ có lý vì người Việt thường không phục nhau, luôn luôn chia rẽ, kết bè phái vì quyền lợi, không có truyền thống dẹp bỏ các vấn đề cá nhân để cộng tác phục vụ đất nước. Một nhà ngoại giao Mỹ là Alexis Johnson, phụ tá của Đại Sứ Mỹ Maxwell Taylor, có nhận xét rằng người Việt Nam thiếu ba chữ C căn bản để điều hành dân chủ: communication, conciliation, and consensus. Ông thuật lại lời Thủ Tướng Phan Huy Quát nói nửa đùa nửa thật: “Con số lý tưởng của một đảng chính trị Việt Nam là 20 người. Thêm một người nữa là đảng sẽ tan vỡ” (The right hand of power. Prentice-Hall, trang 406-407).

Chế độ “độc tài gia đình trị” của ông Diệm chỉ là sự nối tiếp của chế độ quân chủ Việt Nam: vua nắm quyền cai trị ở kinh đô và giao cho các thân vương quản lý những vùng xa. Edward Lansdale muốn xây dựng chế độ dân chủ ở miền Nam như ông đã làm ở Philippines, nhưng truyền thống độc tài ở Việt Nam quá vững chắc không thể thay đổi. Vấn đề không phải là chế độ gia đình trị, mà vì trong gia đình họ Ngô chỉ có ông Diệm và ông Luyện là trong sạch còn ba ông Thục, Nhu, Cẩn đều không có tài đức, nhất là ông Thục đã làm hại chế độ nhiều nhất.

Ngô Đình Thục muốn làm Tổng Giám Mục địa phận Saigon để sau này có thể thành Hồng Y, nhưng Vatican lại bổ nhiệm ông làm Tổng Giám Mục địa phận Huế. Vào Lễ Giáng Sinh ông Thục cho treo đầy cờ Công Giáo, nhưng lại toa rập với “thân vương” Ngô Đình Cẩn cấm treo cờ Phật Giáo ngày Phật Đản – việc này làm cho người Phật giáo rất bất mãn. Bản thân ông Diệm không kỳ thị Phật Giáo, giống như một ông vua Việt Nam ông không cho phép bất cứ tôn giáo nào can thiệp vào chính trị. Theo Nhật Ký Đỗ Thọ (trang 82-85), trong lần đi kinh lý Vĩnh Bình tới phi trường thấy treo đầy cờ Công Giáo, Đức Cha Thục cười sung sướng (vì ông đã dặn tỉnh trưởng làm như vậy) còn ông Diệm giận dữ la: “Đã nói đừng treo cờ Công Giáo… Treo cờ Việt Nam lên mau.” Ông Diệm quay qua nói với ông Thục: “Đã bảo có đón tiếp thì treo cờ quốc gia… Đi đâu cũng Công Giáo. Đức Cha coi nó làm rứa làm sao được… Ngoại giao đoàn họ nghĩ như ri thì thể thống quốc gia còn chi nữa…” Ông Thục nhếch mép cười gượng: “Có chi khó, bảo dẹp.” Ông Diệm ngồi trên phi cơ, chờ tới khi một số cờ Công Giáo bị hạ xuống và thay thế bằng cờ VNCH thì ông mới chịu bước ra.

Sau vụ này, đúng ra ông Diệm phải cấm ông Thục không được đem chuyện tôn giáo làm xáo trộn quốc gia. Nhưng ông Diệm vẫn kính nể và tin lời ông Thục, chuyện kinh lý Vĩnh Bình là vì ông Thục làm quá đáng nên ông Diệm phải công khai phản đối, sau đó ông vẫn để ông Thục chèn ép Phật Giáo ở miền Trung và làm kinh tài. Lợi dụng danh nghĩa quyên tiền xây nhà thờ, ông Thục và một số nịnh thần đã thu được rất nhiều tiền. Ông Thục còn xin ông Diệm khai thác gỗ ở vùng Định Quán Long Khánh, viện cớ là giúp đỡ Hội Việt Nam Viện Trợ Cao Đẳng Giáo Dục, ông Diệm nghe nói đến việc giáo dục và mở mang dân trí thì rất hài lòng, đồng ý cho Đức Cha Thục khai thác gỗ để “giúp dân giúp nước.” Vùng rừng núi Định Quán Long Khánh là nơi Việt Cộng kiểm soát, Đức Cha Thục bèn nói những người khai thác gỗ cứ đóng thuế cho Việt Cộng để cho công việc được suông sẻ. Như vậy ông Thục đã không đóng thuế cho chính phủ VNCH mà lại đóng thuế cho Việt Cộng (Nhật Ký Đỗ Thọ. Nhà Xuất Bản Đồng Nai năm 1970, trang 92).

Trong khi đó, “thân vương” Ngô Đình Nhu nắm trọn quyền điều hành với chức vụ cố vấn, vợ ông Nhu là Trần Lệ Xuân trở thành Đệ Nhất Phu Nhân vì ông Diệm không có vợ. Ông Nhu cổ vũ thuyết Nhân Vị (Personalism) như là một ý thức hệ đối chọi với Chủ Nghĩa Cộng Sản (Communism), nhưng thuyết Nhân Vị của ông chẳng có ai quan tâm. Việc xây dựng ấp chiến lược để chống ảnh hưởng cộng sản chỉ thành công ở một số địa phương – nhiều chỗ phản tác dụng vì thiếu nghiên cứu, thiếu chuẩn bị, thiếu kiểm soát mà lại tiến hành quá nhanh. Đúng ra phải từ từ áp dụng một số thí điểm chung quanh Saigon, sau đó sẽ áp dụng tiếp cho các tỉnh miền Nam và miền Trung – phải nắm cụ thể đặc tính từng vùng để tạo ấp chiến lược mà không làm xáo trộn quá nhiều cuộc sống miền quê. Tuy nhiên, tay chân thân tín của ông Nhu vừa bất tài vừa tham nhũng, ăn chặn tiền viện trợ Mỹ và tiến hành ồ ạt việc tạo ấp chiến lược, vừa để có nhiều tiền bỏ túi vừa làm những báo cáo gây ấn tượng. Kết quả là công trình ấp chiến lược theo báo cáo thì thành công tốt đẹp trên toàn quốc, nhưng thực ra đã gây nhiều xáo trộn bất mãn và tạo cơ hội cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phát triển.

Ở những vùng thiếu an ninh, nếu tỉnh trưởng hoặc tướng tá hành quân dẹp loạn mà có binh sĩ thương vong thì sẽ bị ông Diệm khiển trách. Nhưng làm sao dẹp loạn thành công mà không chết một người lính? Vì vậy họ bị bắt buộc phải gian dối: mặc kệ tình hình bất ổn, mặc kệ cán bộ cộng sản hoạt động ban đêm, chỉ cần ban ngày có vẻ bình yên là họ vẫn báo cáo mọi thứ tốt đẹp. Ông Diệm rất hài lòng khi nghe báo cáo là các ấp chiến lược đã làm quân cộng sản không hoạt động được nữa. Một ký giả Mỹ kể rằng có lần thấy Tướng Huỳnh Văn Cao cho một số lính của mình cởi quân phục, mặc đồ đen rồi nằm xuống đất giả làm xác Việt Cộng bị bắn chết, sau đó chụp hình và gởi cho ông Diệm để báo cáo chiến công – giết chết mấy chục Việt Cộng mà không có người lính VNCH nào bị thương.

Về phần người Mỹ, họ viện trợ miền Nam vì muốn xây dựng một nước dân chủ giống như Philippines hoặc Nam Triều Tiên, nhưng ông Diệm lại trở thành nhà độc tài đàn áp đối lập, tiền viện trợ Mỹ phần lớn chui vào túi các quan chức bất tài tham nhũng… thì dĩ nhiên người Mỹ không vui và muốn ông Diệm cải cách để miền Nam có thể tồn tại. Còn ông Nhu không phải là một chính khách khôn ngoan, bà Nhu ăn nói bất chấp nhu cầu chính trị làm phật lòng nhiều người Mỹ lẫn người Việt. Khi quan hệ của ông Diệm với người Mỹ mỗi ngày một xấu đi, ông Diệm mới nhớ tới Lansdale và mong được Lansdale trở về để giúp ông.

1. Edward Lansdale qua Việt Nam lần thứ hai (1961)

Sau khi về Mỹ năm 1956, Lansdale được phong Thiếu Tướng và làm việc cho Bộ Quốc Phòng. Ông vẫn quan tâm đến Việt Nam vì đó là quốc gia ông có công xây dựng, nên không muốn thấy miền Nam sụp đổ. Khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara gọi Lansdale đến báo cáo tình hình Việt Nam, Lansdale mang một bao chứa vũ khí cùng với quần áo và dép lốp của Việt Cộng, rồi đổ bao ra trên bàn McNamara. Ông Bộ Trưởng không vui khi thấy những đồ dơ bẩn trên bàn giấy bóng lộn, bèn hỏi Lansdale, “Cái gì thế này?”

Lansdale nói, “Thưa Bộ Trưởng, tôi nghĩ ông nên biết kẻ thù chúng ta trang bị vũ khí như thế nào. Quân Việt Nam mà chúng ta cố vấn và trả lương được trang bị vũ khí Mỹ, mặc quân phục và đi giày Mỹ, có nhiều đại bác, xe tăng và máy bay, trong khi những kẻ thù của họ không có gì hết. Họ chỉ có những súng cũ của Pháp họ bắt được, họ tự làm lựu đạn và mìn, họ chỉ mặc áo đen và cắt vỏ xe ra làm dép. Vậy mà họ đang “beating the shit out of us” (Secrets: A memoir of Vietnam and the Pentagon Papers. Daniel Ellsberg, New York: Penguin, 1993, trang 103-104).

Ý Lansdale muốn nói rằng những vấn đề ở Việt Nam không phải hoàn toàn là quân sự và vũ khí, quan trọng là phải biết đấu tranh chính trị và phản gián, tiến hành các biện pháp chống du kích và dùng chiến tranh tâm lý để bình định nông thôn. Đây quả thực là những điều nên làm ở Việt Nam, nhưng lại là những điều McNamara không muốn hiểu và do đó không bao giờ hiểu. Đã từng làm giảng sư đại học Harvard và Tổng Giám Đốc hãng xe hơi Ford, McNamara không thể chấp nhận một người chỉ học hết trung học như Lansdale mà có thể dạy cho ông nhiều điều ông không biết.

Qua năm 1961, vận xui của Lansdale càng tăng thêm khi người đỡ đầu của ông là Giám Đốc CIA Allen Dulles bị cách chức vì thất bại trong vụ đổ bộ Bay of Pigs. Sự thất bại thảm hại này làm Kennedy vừa mất mặt vừa tức giận, ông tước bớt quyền của CIA không cho tổ chức những điệp vụ bí mật nữa. Tháng 10 năm 1961, Tổng Thống Kennedy cử Đại Tướng Maxwell Taylor cầm đầu phái đoàn qua Việt Nam để đánh giá tình hình Đông Đương. Thiếu Tướng Edward Lansdale được đi theo, nhưng bây giờ ông chỉ là một người cô thế không còn ai đỡ đầu. Hai cận thần thế lực nhất của Kennedy là Dean Rusk và McNamara đều không ưa Lansdale, còn Đại Tướng Taylor cũng ghen ghét danh tiếng “kingmaker” của Lansdale thời 1945 - 1954. Để hạ nhục Lansdale, Maxwell Taylor công bố trước phái đoàn là Lansdale không được tham dự trong buổi họp chính thức với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lansdale cười đáp, “Diệm là bạn tôi, thế nào tôi cũng phải gặp ông ta. Thế ông có cần tôi hỏi Diệm điều gì không?” Đại Tướng Taylor tức quá, quay đi không nói chuyện với Lansdale nữa.

Sau buổi họp chính thức với Maxwell Taylor, ông Diệm cho mời Lansdale đến nói chuyện. Buổi hội ngộ này làm Lansdale thất vọng vì ông Diệm năm 1961 không còn giống như ông Diệm năm 1954. Khi Lansdale nói, ông Nhu thường trả lời thay ông Diệm, làm Lansdale bực mình hỏi ai là người có quyền quyết định? Lansdale cảm thấy lo cho ông Diệm, nhưng cái thế của ông bây giờ không thể làm được gì. Lansdale yêu cầu ông Diệm cởi mở hơn với đối lập, ông Diệm không đồng ý. Có lẽ cả hai ông Diệm, Nhu đều biết Lansdale không có quyền, cũng không còn là người chi tiền giúp ông Diệm như hồi xưa, cho nên họ không coi trọng ý kiến của Lansdale.

Chuyến công du của Maxwell Taylor không có kết quả, những bất đồng giữa người Mỹ và ông Diệm càng ngày càng trầm trọng. Giả sử ông Diệm là minh quân như Magsaysay, biết đi thanh tra đột xuất và cách chức những kẻ bất tài vô trách nhiệm, biết thanh lọc chính quyền, quân đội và cảnh sát, biết làm theo những cố vấn của Lansdale, ông không có gì phải sợ đối lập hoặc sợ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (vào thời đó, miền Bắc chưa có đưa nhiều bộ đội vào miền Nam). Theo phong cách Lansdale, nếu biết dùng tiền và một số mưu mẹo thích hợp thì có thể mua chuộc và chia rẽ những thành phần đối lập chính, chỉ có một thiểu số đối lập không mua chuộc được thì họ cũng không làm được gì, không cần phải đàn áp – như vậy sẽ giữ được bề ngoài dân chủ để làm vừa lòng người Mỹ. Nhưng ông Diệm giao cho ông Nhu trọn quyền, ông Nhu lại không có bản lãnh như Lansdale, chỉ biết dùng cảnh sát mật vụ để đàn áp không khoan nhượng, cũng không biết điều đình để đạt những thỏa hiệp hợp lý.

Khi biến cố Phật Giáo bùng nổ năm 1963 và càng ngày càng trầm trọng vì sự cứng rắn của ông Nhu và những tuyên bố gây căm phẫn của bà Nhu, đa số người Mỹ kể cả Lansdale đều đồng ý là chỉ có loại bỏ vợ chồng ông Nhu mới có thể cứu ông Diệm. Nhưng ông Diệm không thể làm điều này và ông Nhu đang nắm quyền hành chắc chắn không chịu rút lui (American Tragedy: Kennedy, Johnson, and the Origin of the Vietnam War. David Kaiser, Belknap Press of Harvard University Press, 2000, trang 306). Khi thấy mình bị người Mỹ ghét bỏ, ông Nhu đổ thêm dầu vào lửa bằng cách điều đình trực tiếp với chính quyền cộng sản miền Bắc và không thông báo cho người Mỹ biết. Hành động này quả thực điên rồ, ông Nhu đã dồn người Mỹ vào cái thế phải tìm cách loại bỏ ông hoặc không giúp miền Nam nữa. Chính quyền và quân đội VNCH chỉ tồn tại là nhờ viện trợ Mỹ, nay ông Nhu thách thức người Mỹ và điều đình với miền Bắc như vậy thì các tướng tá dĩ nhiên là bất bình, ngay cả những người trung thành với ông Diệm cũng cảm thấy bất an.

Để đối phó với tình hình Việt Nam, Kennedy cử Henry Cabot Lodge qua làm đại sứ, yêu cầu ông Diệm giải quyết vấn đề Phật Giáo và cho ông Nhu đi ngoại quốc, nếu không được thì sẽ tìm cách lật đổ ông Diệm. Ông Nhu sợ có biểu tình vào ngày Cabot Lodge đến, nên đã ra tay trước – cho bố ráp các chùa, bắt nhốt các sư và nhiều người đối lập. Chuyện này làm Cabot Lodge rất tức giận, khi gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm ông còn tức hơn vì ông Diệm không mặc đồ tây mà mặc quốc phục Việt Nam để chứng tỏ mình độc lập với Mỹ. Sau khi đề nghị loại bỏ vợ chồng ông Nhu bị từ chối, Cabot Lodge thấy không còn cách nào hơn là xin phép Washington bật đèn xanh cho các tướng lãnh đảo chánh. Cabot Lodge dùng Trung Tá CIA Lucien Conein (người Mỹ gốc Pháp, trước làm phụ tá cho Lansdale) để liên hệ với các tướng miền Nam, cung cấp tiền và truyền đạt ý định của chính quyền Mỹ. Tướng Tôn Thất Đính, người mà hai ông Diệm, Nhu tuyệt đối tin tưởng, được CIA ứng trước một triệu đô la để theo phe đảo chánh (Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống. Lương Khải Minh & Cao Vị Hoàng, 1970, trang 22).

Có một điều trớ trêu của định mệnh: Trung Tá Conein trước đây (1954) cùng với Lansdale đã dùng tiền CIA để mua chuộc những người chống đối ông Diệm và giúp ông thành lãnh tụ, tới năm 1963 thì Conein lại chi tiền cho những tướng lãnh để lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bản thân Conein không thù ghét ông Diệm, nhưng ông phải tuân lệnh cấp trên và thi hành những chỉ thị của Cabot Lodge. Về phần ông Diệm, sau mấy năm làm lãnh tụ đã trở nên ảo tưởng, tin vào “thiên mệnh” của mình và quên rằng lúc trước người Mỹ đã chi tiền để giúp ông thành lãnh tụ thì bây giờ người Mỹ cũng có thể chi tiền để truất phế ông.

Đại Sứ Cabot Lodge rất ghét ông Diệm và không đặt điều kiện phải để ông Diệm sống sau khi đảo chánh. Tuy nhiên, đa số tướng lãnh miền Nam vẫn kính nể ông Diệm, nhiều người như Tướng Trần Văn Đôn và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ đồng ý tham gia đảo chánh với điều kiện cho ông Diệm đi ngoại quốc. Vợ chồng ông Nhu thì ai cũng ghét, muốn giết thì cứ giết chẳng ai quan tâm. Chỉ có người cầm đầu đảo chánh là Tướng Dương Văn Minh (Big Minh) muốn giết ông Diệm vì sợ ông Diệm sau này có thể trở về. Một số tướng lãnh, mặc dù tôn trọng ông Diệm, cũng đồng ý với Big Minh về chuyện “nhổ cỏ phải nhổ cả rễ”. Khi Big Minh đề cập chuyện giết ông Diệm với Trung Tá Conein, Conein cảnh cáo là đừng bao giờ nghĩ đến chuyện đó nữa. Big Minh giả bộ nghe theo, nhưng ông vẫn nghĩ cách giết ông Diệm sau khi đảo chánh thành công.

Khi Đại Tá Thiệu tấn công Dinh Gia Long, hai anh em Diệm, Nhu dùng đường hầm trốn ra ngoài, rồi đầu hàng quân đảo chánh sau khi được cam kết cho đi ngoại quốc. Trên đường áp tải, Big Minh cho cận vệ của mình là Đại Úy Nhu giết hai anh em Diệm, Nhu trong xe thiết giáp. Đại Tá Thiệu bị sốc khi nhìn thấy xác ông Diệm – sau này, khi đã thành Tổng Thống VNCH, ông Thiệu nói rằng nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm đừng trốn ra ngoài mà đầu hàng ông tại Dinh Gia Long, ông sẽ bảo vệ ông Diệm và sau đó ông Diệm sẽ được ra đi bình yên vì không ai dám công khai ra lệnh giết ông.

Sau sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, tình hình miền Nam càng trở nên tồi tệ. Các tướng lãnh không ai phục ai và cũng chẳng ai có khả năng lãnh đạo, ở Saigon thì các cuộc đảo chánh liên tục tiếp diễn, còn ở thôn quê thì Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tự do phát triển. Hệ thống mật vụ của ông Nhu bị hủy bỏ, thành phố Saigon trở thành một “open city”, cán bộ cộng sản tự do vào Saigon hoạt động tuyên truyền. Lúc bấy giờ, nhiều quan chức Mỹ (có lẽ cả Cabot Lodge) mới hối hận đã cho tiến hành đảo chánh và nhất là không bảo vệ ông Diệm để có thể dùng lại sau này – không có ông Nhu thì ông Diệm vẫn còn nhiều uy tín và vẫn là một lá bài tốt của Mỹ. Nhưng bây giờ tất cả đã quá muộn. Sau khi chết, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn được nhiều người kính phục và hơn 50 năm sau một số người Việt trên thế giới vẫn còn làm lễ tưởng niệm ông.

2. Edward Lansdale và Tổng Thống Kennedy (1960 - 1963)

Khi Kennedy đắc cử Tổng Thống Mỹ năm 1960, Lansdale viết một bản tường trình về Việt Nam và được Kennedy chú ý. Ông mời Lansdale vào White House nói chuyện, nói rằng ông muốn bổ nhiệm Lansdale làm Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam. Lansdale mừng thầm, tưởng rằng mình lại có cơ hội giúp ông Diệm, nhưng thực ra Kennedy không có ý định này – ông nói trước mặt đám cận thần của ông để dò xem ý của họ về Lansdale ra sao. Vì Ngoại Trưởng Dean Rusk và nhiều người khác phản đối, nói rằng Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam cần là một người trung lập chứ không phải là bạn ông Diệm, Tổng Thống Kennedy bỏ ý định bổ nhiệm Lansdale làm Đại Sứ (JFK and Vietnam: deception, intrigue, and the struggle for power. John Newman, trang 5 & 40).

Năm 1960, khi Giám Đốc CIA Allen Dulles tiến hành kế hoạch chống Fidel Castro, ông vừa mới thành công trong việc lật đổ chính quyền ở Iran và Guatemala nên tỏ ra chủ quan khinh suất. Muốn giải phóng Cuba mà chỉ dùng khoảng 15 ngàn quân tuyển mộ từ những người Cuba lưu vong (với hy vọng rằng người dân Cuba sẽ nổi dậy giúp họ) là hoàn toàn không thực tế. Một kế hoạch phiêu lưu như vậy mà không có Plan B: Giả sử những người đổ bộ không thành công thì sao, có nên dùng quân Mỹ can thiệp? Nếu can thiệp, thì nên can thiệp giới hạn (chỉ dùng quân Mỹ để cứu họ về), hay là mượn cớ giúp “lực lượng dân chủ Cuba” để dùng toàn bộ hải lục không quân tấn công Castro? Trong nội các Kennedy, toàn bộ Tổng Thống và tướng lãnh, các bộ trưởng cùng với các cố vấn không ai dự tính trước những điều này. Một số quan chức Mỹ biết kế hoạch này không thể thành công và họ muốn can gián, nhưng đều bị em Tổng Thống là Robert Kennedy ngăn cản, nói rằng Tổng Thống đã quyết định rồi, các anh dù sao cũng phải tuân lệnh (Groupthink: psychological studies of policy decisions and fiascoes. Irving Lester Janis, Houghton Miffin, 1982, trang 17, 35, 134).

Khi quân đổ bộ Cuba bị vây khốn và cầu cứu Mỹ, Allen Dulles và các tướng Mỹ yêu cầu Tổng Thống Kennedy ra lệnh tấn công Cuba, nhưng Kennedy nhất định không chịu vì sợ Liên Xô trả đũa bằng cách gây hấn ở Âu Châu. Có vẻ như Kennedy không biết quy luật “rừng nào cọp nấy” mà đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Liên Xô có quyền can thiệp vào Đông Âu vì đó là vùng của Liên Xô, Mỹ không được xen vào, còn như Cuba ở sát nước Mỹ thì dĩ nhiên Mỹ có quyền đánh Cuba và Liên Xô chỉ có quyền phản đối bằng miệng mà thôi. Vì sự thiếu hiểu biết của Kennedy, các chí nguyện quân Cuba bị bỏ rơi và họ bị bắt buộc phải đầu hàng, sau đó chính quyền Mỹ điều đình dùng tiền để chuộc họ về. Thật là một thất bại nhục nhã không đáng có đối với nước Mỹ đang là siêu cường số một thế giới. Fidel Castro trở thành anh hùng nhờ sự yếu kém của Kennedy – giả sử nước Mỹ lúc đó có một Tổng Thống quyết đoán như Nixon hoặc Bush bố, dám đem quân can thiệp thì Castro gần như chắc chắn tiêu đời và Cuba đã thoát khỏi chế độ xã hội chủ nghĩa ngay từ năm 1961.

Sau thảm họa Bay of Pigs, Kennedy tuyên bố nhận tất cả trách nhiệm, nhưng sau đó ông cách chức Giám Đốc CIA Allen Dulles và rất tức các tướng lãnh vì không ai góp ý khuyên can. Các tướng lãnh thì nói rằng họ không có ý kiến vì Kennedy không hỏi. Khi Kennedy chỉ định Đại Tướng Maxwell Taylor điều tra thất bại Bay of Pigs, Taylor không dám nói thật là Tổng Thống có lỗi nặng nhất vì quá chủ quan và không biết tùy cơ ứng biến. Taylor quy trách nhiệm cho CIA và nói rằng các tướng Mỹ trong Joint Chiefs of Staff cũng phải “chịu trách nhiệm một phần” vì mặc dù Tổng Thống không hỏi nhưng họ cũng phải góp ý nếu biết kế hoạch có sai sót. Thật ra, các tướng Mỹ bị khớp trước sự tự tin của hai anh em Kennedy nên không dám lên tiếng. Ngoài ra, họ tưởng lầm chuyện dùng chí nguyện quân Cuba chỉ là một cái cớ để Mỹ tấn công Castro – họ nghĩ rằng chuyện đánh Cuba chỉ là hiểu ngầm (để Kennedy tránh mang tiếng là hiếu chiến) cho nên không bàn luận chính thức. Có lẽ họ không ngờ hai anh em Kennedy thực sự tưởng rằng chỉ cần dùng 15 ngàn quân Cuba là chắc chắn thành công nên không cần lập Plan B, cũng không ai biết trước là Kennedy lại “đem con bỏ chợ” như vậy.

Các chuyên gia CIA tổ chức đổ bộ Bay of Pigs cũng bị bất ngờ, trước đó ở Guatemala có Tổng Thống Eisenhower can thiệp nên mới thành công, lần này họ nghĩ rằng Tổng Thống Kennedy cũng có bổn phận can thiệp khi quân đổ bộ Cuba gặp khó khăn. Các chuyên gia này không có lỗi, người có lỗi chính là Giám Đốc CIA Allen Dulles đã quá tự tin làm Kennedy tưởng rằng kế hoạch này hoàn hảo. Việc “đem con bỏ chợ” của Kennedy làm cả cơ quan CIA bị sốc, những người bị quy trách nhiệm rất thù hận Kennedy vì không dám cho quân Mỹ can thiệp mà còn đổ hết lỗi cho họ. Nếu Tổng Thống Mỹ là một lãnh tụ giỏi, ông phải biết ngay là kế hoạch Bay of Pigs khó thành công, nhưng vẫn cho phép tiến hành để nếu thất bại thì có cớ đem quân qua giúp “lực lượng dân chủ Cuba” và tiêu diệt Castro, trừ đi một cái gai nằm ngay sát nước Mỹ.

Khi Kennedy bị bắn chết năm 1963, có giả thuyết cho rằng một số nhân viên CIA tham dự vào âm mưu ám sát vì lộ trình của Tổng Thống Kennedy đã bị biết trước và sự tổ chức phục kích giống như được thực hiện bởi những điệp viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra nào chứng minh được giả thuyết này – chuyện ám sát Kennedy tới nay vẫn là một bí ẩn, không biết ai đã thực sự chủ mưu. Những người Việt Nam còn thương tiếc ông Diệm thì nói rằng Tổng Thống Kennedy bị quả báo vì đã ủy quyền Cabot Lodge tổ chức đảo chánh và giết chết Tổng Thống Diệm ba tuần trước đó.

Trở lại thời điểm năm 1961: Sau thất bại Bay of Pigs, Kennedy họp với Giám Đốc mới của CIA là John McCone và Edward Lansdale để bàn luận tiến hành Operation Mongoose nhằm mục đích ám sát hoặc lật đổ Castro. Tổng Thống Kennedy chỉ định Lansdale điều hành Operation Mongoose, nhưng sau 2 năm kế hoạch này hoàn toàn thất bại và danh tiếng của Lansdale bị tổn hại rất nhiều. Đây không phải là lỗi của Lansdale, ông chỉ là nạn nhân của những sai lầm của Kennedy. Sở trường của Lansdale là “kingmaker”, giúp những lãnh tụ mới xây dựng quyền lực và thu phục lòng dân – Lansdale không phải là người giỏi tổ chức ám sát phá hoại. Giả sử Kennedy dám cho quân Mỹ đánh Cuba và lật đổ Castro, sau đó cử Lansdale qua giúp chính quyền Cuba mới lập, Lansdale rất có thể trở thành “kingmaker” lần thứ ba. Nhưng Kennedy đã không dám đánh để cho Castro trở thành người hùng, sau đó lại cay cú muốn ám sát Castro hoặc dùng những đòn ngầm để phá hoại chính quyền Castro. Chuyện này vừa khó thực hiện vừa làm Mỹ mang tiếng xấu trên thế giới.

Tóm lại, Kennedy không biết dùng Lansdale – ông không bổ nhiệm Lansdale làm Đại Sứ Việt Nam mà lại giao cho Lansdale một “mission impossible” khiến Lansdale bị thất bại thảm hại và bị công kích chế riễu. Việc bổ nhiệm Lansdale điều hành Operation Mongoose rất có thể vì Kennedy ganh ghét danh tiếng “kingmaker” và “James Bond Mỹ” của Lansdale nên giao cho ông một việc bẩn thỉu (dirty work), dù thành công cũng vẫn mang tiếng xấu. Nhưng lỗi chính vẫn là do Lansdale thiếu cảnh giác, không nhìn thấy ác ý của Kennedy và nhận làm một việc vừa mất danh dự vừa trái với khả năng của ông. Cho tới cuối đời, Lansdale vẫn còn ân hận: “I think the thing that hurt me the most in the long run was the task that Kennedy gave me on Cuba... I’m sorry I ever got mixed up in those Cuban things.”(Operation Mongoose, The Atlantic. Max Boot, January 5, 2018).

Tới năm 1963, Kennedy lại muốn chơi xỏ Lansdale một lần nữa nên gọi McNamara và Lansdale vào White House, rồi hỏi Lansdale có thể tổ chức lật đổ ông Diệm được không. Lansdale tử chối – không hiểu vì ông đã khôn hơn nên biết tránh cái bẫy của Kennedy, hay là vì ông là người nghĩa khí nên không thể hại bạn cũ. Kennedy giả bộ thông cảm còn McNamara giận dữ trách Lansdale, nói rằng Lansdale không được trả lời Tổng Thống như vậy. Sau đó McNamara buộc Lansdale phải về hưu ngày 1 tháng 11 năm 1963, đó cũng là ngày người bạn cũ của ông là Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết chết.

3. Edward Lansdale qua Việt Nam lần thứ ba (1965-1968)

Năm 1965, Tổng Thống Johnson lại bổ nhiệm Cabot Lodge làm Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam, lần này Cabot Lodge cho Lansdale đi theo với chức vụ cố vấn. Sở dĩ Cabot Lodge dùng Lansdale vì áp lực của Thượng Nghị Sĩ Fulbright, ông cho Lansdale hưởng lương cao nhưng không giao quyền cho Lansdale. Vừa tới Saigon, người phụ tá cũ và bạn thân của Lansdale là Trung Tá Conein báo cho Lansdale biết những kẻ thù của ông là mafia đảo Corse đang hoạt động ở Thủ Đô miền Nam. Trước đây, vào năm 1955 các ông trùm đảo Corse đã tìm cách ám sát Lansdale khi ông cộng tác với Deuxième Bureau chống ma túy ở Âu Châu. Biết tính mạng của mình bị đe dọa, Lansdale nhờ một trung gian giúp ông gặp mấy ông trùm đảo Corse nói chuyện. Lansdale nói thẳng là ông không làm việc với CIA nữa, lần này ông đến Việt Nam chỉ làm cố vấn cho Đại Sứ Mỹ và không liên quan gì đến ma túy – các ông trùm đồng ý bỏ qua chuyện cũ, chấp nhận hưu chiến và hứa không đụng chạm Lansdale (The politics of heroin: CIA complicity in the global drug trade. Alfred McCoy, 1991, trang 249-250).

Chuyện ma túy ở miền Nam Việt Nam đã có từ chế độ trước. Ngô Đình Nhu cần tiền để nuôi mật vụ, nên tổ chức đường dây buôn ma túy từ Tam Giác Vàng và giao cho người thân tín của ông là Trần Kim Tuyến quản lý. Sau khi hai ông Diệm, Nhu bị giết, tổ chức mật vụ và đường dây ma túy của ông Nhu bị giải thể. Tình trạng hỗn loạn từ 1963 đến 1965 ở Việt Nam là môi trường lý tưởng của xã hội đen, giới mafia quốc tế đến Saigon hoạt động công khai, chuyển morphine và heroin từ Tam Giác Vàng qua Cảng Saigon đến các nước Âu Mỹ. Vào thời điểm đó, quân cộng sản đã kiểm soát được khoảng 70-80% các vùng nông thôn miền Nam. Trước tình thế này, Lansdale phải điều đình với các ông trùm để bảo toàn mạng sống.

Sau khi Tổng Thống Johnson quyết định đổ quân Mỹ vào năm 1966 để cứu vãn tình thế, hai nhân vật chính là Thiệu, Kỳ đều có hệ thống kinh tài để tranh giành quyền lực. Sau 1968 ông Kỳ bị thất thế, phe của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm trở thành đối thủ chính của Tổng Thống Thiệu. Mặc dù hai ông Thiệu, Khiêm phải giữ uy tín và tránh quan hệ trực tiếp với mafia, những người làm kinh tài cho hai lãnh đạo phải thông đồng với các ông trùm để kiếm lợi nhuận, đồng thời cấu kết với những quan chức tham nhũng ăn chặn viện trợ Mỹ, tuồn hàng ra bán chợ đen.

Về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, không thấy tài liệu nào nói họ cộng tác với những ông trùm đảo Corse, nhưng chắc chắn họ giúp đỡ phát triển ma túy ở Việt Nam để làm hại lính Mỹ và làm bại hoại chính quyền Saigon. Giới kinh tài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vừa cấu kết với một số tài phiệt Chợ Lớn, vừa thuê in tiền giả ở Hồng Kông để mua hàng chợ đen từ viện trợ Mỹ, họ mua được đủ mọi thứ cần thiết: gạo, thuốc tây, đồ ăn, máy móc, … thậm chí cả đạn dược vũ khí từ các quan chức tham nhũng. Ở Philippines thời 1950s, viện trợ Mỹ không nhiều mà cũng có đường dây bán lậu vũ khí Mỹ cho phiến quân cộng sản. Ở miền Nam Việt Nam, viện trợ Mỹ lên đến mấy trăm tỷ đô la (tương đương với mấy ngàn tỷ theo thời giá 2019), không cần phải quan sát hay tham khảo tài liệu cũng biết giới quan chức tham nhũng đã hưởng lợi như thế nào, và quân cộng sản cũng gián tiếp hưởng lợi rất nhiều từ hàng ăn cắp của viện trợ Mỹ.

Trước tình thế như vậy, một người thông minh như Lansdale phải biết rằng chỉ có phép lạ mới có thể cứu miền Nam sau khi quân Mỹ rút đi và viện trợ Mỹ bị cắt giảm. Mặc dù chính ông là người đã xây dựng nước Việt Nam Cộng Hòa, bạn ông là Ngô Đình Diệm đã bị giết và tới thời Đệ Nhị Cộng Hòa thì các quan chức tướng tá tham nhũng và mafia đã cấu kết thành hệ thống vững chắc. Quân Lực VNCH cũng có nhiều tướng tá giỏi và trong sạch (Đỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh, Ngô Quang Trưởng, Lê Nguyên Khang, …), nhưng họ không có quyền bằng các tướng tá bất tài tham nhũng được bao che bởi giới lãnh đạo.

Chuyện ông Thiệu dung dưỡng tham nhũng cũng không hẳn là lòng tham của của ông mà do nhu cầu chính trị theo truyền thống Đông Á. Tham nhũng hối lộ là một “way of life” của Trung Hoa và Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, dù chế độ nào cũng không thay đổi. Nhiều quan chức Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và cán bộ cộng sản sau 1975 đều làm giàu nhờ thu nhập NGOÀI TIỀN LƯƠNG, còn những người sống nhờ đồng lương chỉ có một thiểu số thực sự trong sạch, đa số là những người yếu thế bị đẩy vào những chỗ KHÔNG CÓ QUYỀN VÀ DO ĐÓ KHÔNG CÓ TIỀN HỐI LỘ. Vào thời 1966-1968, cái thế của ông Thiệu còn yếu, để đương đầu với ông Kỳ, ông Thiệu phải bao che tham nhũng, vừa để tìm thêm vây cánh vừa kiếm nguồn kinh tài. Ông cũng cần thủ sẵn một số vốn ở ngân hàng Thụy Sĩ để đề phòng trường hợp bị Mỹ bỏ và bị mất chức thì sẽ tìm đường sống ở ngoại quốc. Mặc kệ những lời phê phán, ông Thiệu vẫn làm những điều ông nghĩ là bắt buộc hoặc cần thiết, “Gặp thời thế thế thời phải thế”.

Trong thời gian 1965-1968, nếu Edward Lansdale buông xuôi không làm gì cả thì cũng hợp lý. Nhưng Lansdale vẫn tiếp tục cố gắng “còn nước còn tát”. Có lần Lansdale nói với Phó Tổng Thống Kỳ đi cùng với ông qua gặp Tổng Thống Thiệu, ông sẽ cố gắng hòa giải hai người, nhưng ông Kỳ nhất định không chịu gặp “that son of a bitch”. Cả hai ông Thiệu, Kỳ đều không coi trọng Lansdale vì họ biết Lansdale bây giờ chỉ là một “high-priced clerk” (thư ký lương cao) mà thôi. Các quan chức Việt Nam bảo nhau rằng Thiếu Tướng Lansdale là “wonderful man”, nhưng nếu muốn tìm kinh phí thì phải nói chuyện với những người Mỹ khác chứ Lansdale không thể giúp được (The betrayal. William R. Corson, New York: Norton, 1968, trang 54).

Sau ba năm chán nản vì không có đất dụng võ, Lansdale trở về Mỹ và chính thức hồi hưu. Từ năm 1956 cho đến khi ông qua đời năm 1987, Lansdale thường xuyên bị chơi xỏ hoặc làm nhục bởi nhiều quan chức cao cấp, ông không có cơ hội nào để trở thành “kingmaker” lần thứ ba. Tuy nhiên, thành tích “một tay gây dựng hai Tổng Thống” vẫn là đặc biệt, trong lịch sử thế giới chỉ có một người là Edward Lansdale làm được mà thôi.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Ngoài những sách đã trích dẫn trực tiếp, còn có những sách viết về Edward Lansdale đáng chú ý:

- Edward Lansdale: The Unquiet American. Cecil B. Currey, Boston: Houghton Mifflin, 1988.

- The road not taken: Edward Lansdale and the American tragedy in Vietnam. Max Boot, Liveright Publishing Corporation, 2018.

- Edward Lansdale’s Cold War. Jonathan Nashel, University of Massachusetts Press, 2005.

- An American Pie: Lansdale, Lederer, Dooley, and modern memory. Edward F. Palm, CreateSpace Independent Publishing Platform, 2013.

Những tài liệu về Lansdale trên Internet có nhiều, nhưng đa số là thông tin phiến diện và không có những phân tích tổng hợp cần thiết. Thông tin của Wikipedia có chú thích những nguồn trích dẫn để kiểm chứng – tuy nhiên, nếu đọc các tiểu sử trong Wikipedia thì chỉ biết một số chi tiết hành động chứ không biết ai là người có tài và ai là người vô tài bất tướng. Trong số khoảng sáu ngàn sách Mỹ viết về Vietnam War có nhiều sách đề cập đến Lansdale nhưng thường sơ lược và ít thiện cảm, có người còn gọi những hoạt động của Lansdale là “comic” hoặc “dirty tricks”. Những người coi nhẹ sự nghiệp của Lansdale thường là những lý thuyết gia thiếu thực tế, họ chiếm đa số trong những người viết sách nghiên cứu về chính trị quân sự. Sau đây tôi chỉ liệt kê một ít sách viết về Việt Nam & Lansdale tương đối khách quan vả thực tế:

- Vietnam a history. Stanley Karnow, Viking Press, 1983.

- Facing the Phoenix. Zalin Grant, Norton, 1991.

- A bright shining lie, John Paul Vann and America in Vietnam. Neil Sheehan, Random House, 1988.

- In retrospect, the tragedy and lessons of Vietnam. Robert S. McNamara, First Vintage Books, 1996.

- The best and the brightest. David Halberstam, Greenwich, 1973.

- Military incompetence: Why the American military doesn’t win. Richard A. Gabriel, Hill and Wang, 1985.

- CIA and the Vietnam policymakers: Three episodes 1962-1968. Harold P. Ford, History Staff, Center for the Study of Intelligence, 1998.

- Without honor: defeat in Vietnam and Cambodia. Arnold R. Isaacs, John Hopkins University Press, 1983.

- Our own worst enemy. William J. Lederer, Norton, 1968.

- A grand delusion: America’s Descent into Vietnam. Robert Mann, Basic Books, 2001.

- Prelude to tragedy: Vietnam, 1960-1965. Harvey C. Neese, John O’Donnell, Naval Institute Press, 2001.

- Backfire: A history of how American culture led us into Vietnam and made us fight the way we did. Loren Baritz, John Hopkins University Press, 1998.

- Many reasons why: The American Involvment in Vietnam. Michael Charlton, Hill and Wang, 1978.

- The Secret War against Hanoi: Kennedy’s and Johnson’s use of spies, saboteurs, and covert warriors in North Vietnam. Richard H Shultz, Harper Collins, 1999.

- Lyndon Johnson’s war: America’s cold war crusade in Vietnam. 1945-1968. Michael H. Hunt, Hill and Wang, 1996.

- When the domino fell: America and Vietnam, 1945 to 1990. James S. Olson and Randy Roberts, St. Martin’s Press, 1991.

- Major problems in the history of the Vietnam War: documents and essays. Edited by Robert J. McMahon, D.C. Heath, 1990.

- Vietnam reconsidered: Lessons from a war. Harrison Salisbury, 1984.

- US Containment Policy and the conflict in Indochina. William Duiker, 1994.

- The valor and the sorrow. Thomas D. Boettcher, 1985.

Ngay cả các chuyên gia CIA cũng ghen tị với sự nghiệp của Lansdale. William Colby, người tổ chức Chiến Dịch Phụng Hoàng ở Việt Nam và sau đó thành Giám Đốc CIA, có nhận xét rằng Lansdale là một trong mười điệp viên giỏi nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, trong cuốn sách của ông (Lost Victory, A firsthand account of America’s sixty-year involvement in Vietnam. Contemporary Books, 1989, trang 20-31), khi Colby thuật lại thành công của ông Diệm trong việc bình đình miền Nam, Colby vờ đi không nhắc đến những hoạt động của Lansdale giúp ông Diệm và chỉ nói Lansdale là “người bạn tin cậy” của ông Diệm mà thôi.

Sau khi Lansdale mất năm 1987, những sự ganh ghét dành cho cá nhân Lansdale không còn nữa, hậu thế đánh giá Lansdale công bình hơn. Cuốn sách The Road Not Taken (viết với nhiều thiện cảm về Lansdale) của sử gia Max Boot năm 2018 được đề cử giải Pulitzer năm 2019, bán rất chạy và được nhiều độc giả khen ngợi. Mặc dù Edward Lansdale không được nhiều người Việt Nam biết đến, nếu muốn hiểu biết về lịch sử Việt Nam cận đại thì không thể không quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của Lansdale.