Trong lịch sử Mỹ sau Thế Chiến thứ II, Thiếu Tướng Edward Lansdale là một điệp viên có sự nghiệp đặc biệt – ông là một “kingmaker” vì đã giúp Magsaysay dẹp phiến quân cộng sản và sau đó trở thành Tổng Thống Philippines. Với thành tích này, ông được cử sang Việt Nam năm 1954 với nhiệm vụ xây dựng một quốc gia mới ở miền Nam sau Hiệp Định Genève, và ông cũng thành công khi giúp Ngô Đình Diệm củng cố quyền lực và trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Edward Lansdale sinh năm 1908, lúc nhỏ ông không phải là học sinh giỏi, thường được điểm C ở trung học và khi học college thì bỏ ngang. Ông trở thành một chuyên gia quảng cáo khá thành công, sống bình yên với vợ và hai con trai cho tới khi Nhật tấn công Pearl Harbor năm 1941. Lúc đó ông đã 33 tuổi, không bị bắt buộc nhập ngũ, nhưng ông tình nguyện gia nhập OSS là tổ chức tình báo tiền thân của CIA. Là người thích hoạt động, ông không chịu được cuộc sống bình yên như bao nhiêu người khác.

1. Edward Lansdale tại Philippines (1945 - 1948 và 1950 - 1953)

Sau Thế Chiến thứ II, Lansdale được cử sang hoạt động ở Philippines, giúp người Phi tổ chức cơ quan tình báo, giải quyết vấn đề tù nhân chiến tranh và giúp cho quân đội Phi trở nên độc lập. Ông rất thích công việc ở Phi và xin ở lại đến năm 1948. Khi ông về Mỹ, hàng trăm người Phi ra tiễn ông và tặng hoa, làm cho những người chứng kiến ngạc nhiên không hiểu anh sĩ quan Mỹ này đã làm những gì mà được nhiều người yêu mến như vậy.

Ở Washington, Lansdale tiếp tục theo dõi tình hình Philippines. Sau khi ông ra đi, phiến quân cộng sản Huk càng ngày càng mạnh, họ được lòng dân vì nêu khẩu hiệu “Land for the Landless” đấu tranh cho dân nghèo, còn chính quyền Phi thì có quá nhiều quan chức tham nhũng, bất tài và vô trách nhiệm. Danh tiếng của Lansdale ở Phi vẫn còn, trước đó ông làm việc nhiệt tình để xây dựng nước Phi mới giành độc lập cho nên được ái mộ. Năm 1950 Tổng Thống Phi là Quirino đích thân yêu cầu nước Mỹ cho Lansdale qua giúp chính quyền Philippines.

Cuốn hồi ký của Lansdale (In The Midst of Wars: An American’s Mission to Southeast Asia, Fordham University Press, 1991) đọc rất hấp dẫn, tường thuật những gì ông và Magsaysay sát cánh nhau hoạt động để cải tổ quân đội Phi, chống tham nhũng và tiến hành chiến tranh tâm lý chống phiến quân Huk. Khi Lansdale còn ở Mỹ ông đã quen với Nghị Sĩ Magsaysay, sau khi gặp Tổng Thống Quirino, ông rất hài lòng khi thấy Magsaysay được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Thấy Madsaysay là người trong sạch, là kẻ thù của cả phiến quân Huk với các tướng tá quan chức tham nhũng, Lansdale sợ Madsaysay bị ám sát nên mời Madsaysay vào căn cứ Mỹ ở chung.

Khi nghe Magsaysay than phiền những cuộc thanh tra thường không hiệu quả vì các đơn vị đã được báo trước để chuẩn bị, Lansdale đề nghị thanh tra đột xuất không thông báo. Magsaysay rất thích thú, hai ngưởi bàn luận đến 4 giờ sáng và khi Lansdale mới nằm xuống chưa kịp ngủ thì Magsaysay dựng ông dậy, rủ đi thị sát chung bằng máy bay. Hai người bay tới Nueva Ecija là một thị trấn thiếu an ninh, tới trụ sở cảnh sát thì chỉ thấy một anh trung sĩ đang ngủ gật. Lansdale đánh thức anh trung sĩ, bảo đi mời viên đại úy chỉ huy đến. Cả trụ sở cảnh sát không còn ai, Lansdale và Magsaysay sang phòng bên cạnh thì thấy nhiều súng đạn không ai trông. Hai người bèn lấy hai khẩu súng, khi viên đại úy đến thì gí súng bắt đại úy dơ tay lên rồi Magsaysay khiển trách: “Nếu chúng tôi là phiến quân Huk, giờ này anh còn sống không?” Sau đó ông theo đại úy về nhà, trách vợ đại úy đã chơi mạt chược với chồng gần suốt đêm để ông xao lãng nhiệm vụ. Khi vợ đại úy khóc Magsaysay thấy tội nghiệp, nhưng ông phải cách chức Đại Úy Chỉ Huy Trưởng để làm gương.

Sau một số thanh tra đột xuất như vậy, tất cả các đơn vị cảnh sát và quân đội đều sợ hãi, không ai dám chểnh mảng như trước. Nhiều sĩ quan cao cấp phản đối Magsaysay là dân sự mà can thiệp quá nhiều vào quân đội, nhưng Magsaysay được sự hậu thuẫn của Tổng Thống Phi và người Mỹ nên ông vẫn tiếp tục thanh tra và cải tổ quân đội và cảnh sát, sa thải những người bất tài và tham nhũng, trừng phạt những người cấu kết với nhà thầu để ăn chia tiền chính phủ, cấm quân đội và cảnh sát không được hà hiếp dân chúng. Trong vòng hai năm với sự hậu thuẫn của Lansdale, Magsaysay đã thành công trong việc biến quân đội và cảnh sát Phi thành một lực lượng có hiệu quả và được lòng dân.

Chiến tranh tâm lý hay chiến tranh nhân dân đều có 3 phương diện chính: binh vận, dân vận và địch vận. Về binh vận, Magsaysay và Lansdale đã thành công trong việc cải tổ và xây dựng quân đội, cảnh sát và tình báo. Về dân vận, Lansdale chủ trương không đàn áp những người ủng hộ phiến quân cộng sản mà tìm cách kéo họ về phía chính quyền. Lansdale biết họ chỉ là những nông dân nghèo thù ghét giới địa chủ bóc lột, bất mãn với chính quyền tham nhũng thối nát thả lỏng cho quân đội và cảnh sát hà hiếp dân chúng. Sự cải tổ của Magsaysay làm người dân quê càng ngày càng tín nhiệm chính quyền. Cùng lúc đó, chính quyền Phi cho cải cách ruộng đất, cấp đất cho dân nghèo canh tác, ngay cả những phiến quân Huk đầu hàng và hồi chánh cũng được giúp đỡ. Khẩu hiệu “Land for the Landless” của phiến quân trở nên mất tác dụng, họ càng ngày càng mất đi sự ủng hộ của dân chúng.

Về địch vận, Lansdale cho áp dụng nhiều biện pháp chiến tranh tâm lý để lung lạc tinh thần đối thủ. Có lần Lansdale và Magsaysay khám phá một đường dây ăn cắp vũ khí Mỹ viện trợ để bán cho quân Huk, Lansdale chơi độc bằng cách giả bộ không biết rồi cho một số nhân viên đến đánh tráo hàng xấu vào các lô hàng sắp giao trong kho. Khi phiến quân Huk dùng các lô hàng này, súng thì bị kẹt, lựu đạn thì mới rút kíp đã nổ ngay làm chết người dùng. Điều này làm quân phiến loạn e ngại khi dùng vũ khí Mỹ bán lậu, còn mấy người buôn vũ khí lậu rất tức giận vì họ nghĩ rằng mấy quan chức tham nhũng đã cố ý bán hàng xấu cho họ.

Lansdale cho dùng máy bay bắc loa gọi xuống chỗ có phiến quân Huk ẩn trú, gọi tên những người mà tình báo Phi đã thu thập được, yêu cầu họ hồi chánh và còn “cám ơn” những người đã cung cấp thông tin – để gây chia rẽ trong hàng ngũ địch. Quân Huk giết một số người họ cho là làm phản, còn những phiến quân thấy mình bị nghi oan và sợ bị giết thì họ bắt buộc phải về hồi chánh với chính quyền Phi.

Biết người dân quê Phi rất mê tín, Lansdale tung tin đồn là có ma cà rồng trong một khu rừng có nhiều quân Huk. Sau đó ông cho người rình bắt một phiến quân Huk, treo lên và chích hai lỗ vào mạch máu cổ cho chẩy hết máu rồi thả xác người này trong rừng. Khi quân Huk khám phá ra xác một phiến quân bị “ma cà rồng” cắn cổ hút máu, họ sợ quá bỏ đi không dám trú đóng trong khu rừng đó nữa (The Washington Post, Bart Barnes, Feb 24, 1987).

Lansdale cho những người hồi chánh được cấp đất và giúp đỡ canh tác trở về những vùng họ sống trước đây và nói chuyện với dân chúng, để cho quân Huk thấy nếu họ hồi chánh thì họ cũng được giúp đỡ như vậy. Kết quả là số người hồi chánh càng ngày càng nhiều, đa số dân không còn muốn giúp đỡ quân Huk. Bị kiệt quệ về cả nhân sự và nguồn tiếp tế, các lãnh tụ phiến quân bắt buộc phải đầu hàng. Uy tín của Magsaysay lên rất cao sau khi cải tổ chính quyền và dẹp loạn Huk, cho nên ông không cần gian lận mà vẫn đắc cử Tổng Thống Phi năm 1953.

Một sử gia Mỹ tên Larry E. Cable cho rằng Lansdale không phải thực sự là một chuyên gia chống du kích, rằng Lansdale đã “tự quảng cáo” làm như ông là người duy nhất có công trong việc dẹp loạn Huk và giúp Magsaysay thành Tổng Thống Phi (Conflict of Myths: The Development of American Counterinsurgency Doctrine and the Vietnam War, New York University Press, 1986, trang 58). Cable nghĩ rằng công lớn nhất là Magsaysay cùng với nhiều người Mỹ mà Lansdale đã vờ đi không nhắc đến trong In The Midst of Wars. Quan điểm của Cable có phần đúng vì Magsaysay quả thực là một lãnh tụ vĩ đại rất được ngưỡng mộ ở Philippines, trên thế giới ít người biết ông vì ông chỉ là Tổng Thống một nước nhỏ. Magsaysay là một lãnh tụ Á Châu đặc biệt, KHÔNG THAM NHŨNG VÀ THẲNG TAY DẸP THAM NHŨNG, trong khi nhiều lãnh tụ Á Châu khác NUÔI DƯỠNG THAM NHŨNG ĐỂ CỦNG CỐ QUYỀN LỢI CHO RIÊNG MÌNH. Cao tay nhất trong việc trục lợi từ tham nhũng là vua Càn Long đời Mãn Thanh, ông NUÔI THAM NHŨNG CHO BÉO ĐỂ LÀM THỊT. Ông sủng ái một số cận thần, tạo điều kiện cho họ vơ vét tiền của, sau đó ông bắt tội họ, xử tử và tịch thu tài sản. Như vậy chỉ có bọn quan lại thái giám bị mang tiếng xấu và bị chém đầu, tiền vơ vét của họ lọt vào túi ông và ông còn được tiếng là “minh quân” biết loại bỏ những gian thần hại dân hại nước.

Về phần Lansdale, quả thực ông được nhiều người Mỹ ở Philippines giúp làm nên sự nghiệp mà ông không nhắc đến họ khi viết hồi ký, nhưng không thể phủ nhận công lớn của ông trong việc sát cánh với Magsaysay tổ chức tình báo, cải tổ quân đội cảnh sát, chống tham nhũng và dẹp loạn Huk. Lansdale bị nhiều ganh ghét trong giới quan chức Mỹ và học giả Mỹ vì ông thuộc loại “lone wolf” hoặc “maverick”, thích hành động một mình, không quan tâm đến bọn quyền thế, không tuân theo những quy luật và thích tùy cơ ứng biến. Lansdale hay bị gièm pha một phần vì ông không có bằng đại học, chỉ là một “college dropout” mà lại thành công và được ngưỡng mộ. Nếu phân tích khách quan, sự thành công của Lansdale là nhờ ba yếu tố chính:

(1) Bản thân Lansdale không có tham vọng chính trị, không vì bon chen danh lợi mà bất chấp hậu quả, chỉ thích hành động cụ thể để giúp người. Ông là một người Mỹ đặc biệt vì không kiêu căng ngạo mạn, biết tôn trọng những người Á Châu và biết lắng nghe những ý kiến của họ. Điều này làm nhiều người Phi cảm kích và vui lòng cộng tác với ông, nhiều người Mỹ ở Philippines cũng yêu mến ông, kết quả là sự cộng tác Mỹ – Phi tạo nên nhiều hiệu quả tốt.

(2) Phiến quân cộng sản Huk chỉ là phong trào tự phát của giới nông dân bất mãn, không liên quan đến quốc tế và không nhận được trợ giúp gì từ Moscow hay Bắc Kinh. Sự thành công của Magsaysay trong việc cải tổ quân đội cảnh sát, chống tham nhũng và chia đất cho dân nghèo đã làm dân chúng quay lại với chính quyền, quân Huk càng ngày càng bị cô lập và không có ai giúp đỡ về cả tài chánh lẫn vũ khí nên phải đầu hàng là chuyện tất nhiên.

(3) Lansdale và những người Mỹ ở Philippines được tự do hành động, không chịu sự quản chế của bọn quan chức Mỹ cao cấp. Vào thời 1950, quan tâm của chính quyền Mỹ là Âu Châu và chiến tranh Korea – vừa phải viện trợ Hi Lạp chống phong trào cộng sản vừa phải gởi quân chiến đấu ở Hàn quốc. Mỹ không thể đem quân qua Philippines và cũng không muốn tốn nhiều tiền cho một nước nhỏ không quan trọng, nên giao phó cho Lansdale quyền tự do hành động với ngân sách tối thiểu. Đây là một điều rất may mắn cho Lansdale và nước Phi: Không có viện trợ Mỹ ồ ạt làm phát triển tham nhũng, không có những can thiệp phản tác dụng của bọn quan chức cao cấp ở Washington, không có quân Mỹ thường xuyên bắn phá thả bom và dồn ép dân quê về phe cộng sản, Lansdale và Magsaysay mới có thể cải tổ chính quyền và tiến hành chiến tranh tâm lý thu phục nhân tâm.

2. Edward Lansdale đến Việt Nam lần thứ nhất (1954 - 1956)

Năm 1953, Đại Tá Lansdale bí mật đi thăm Đông Dương 6 tuần để đánh giá tình hình, và chính thức đến Việt Nam năm 1954 sau Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt. Giám Đốc CIA Allen Dulles dặn ông: “Hãy làm ở Việt Nam những gì anh làm được ở Philippines”. Nhiệm vụ của Lansdale là xây dựng một quốc gia mới ở miền Nam chống lại chính quyền cộng sản miền Bắc. Ông tổ chức tuyên truyền lôi kéo nhiều người di cư vào Nam, nhất là người Công Giáo. Ông cho phát hành những truyền đơn “Chúa đi miền Nam” và “Đức Mẹ rời miền Bắc”, tung ra những tin đồn nói rằng hai sư đoàn Trung Hoa đang tiến vào miền Bắc, vừa cướp bóc vừa hãm hiếp người Việt. Ông cho in hàng ngàn truyền đơn ngụy tạo nói về những chính sách đàn áp và đổi tiền sắp được áp dụng – sau ngày rải truyền đơn, đồng tiền Đông Dương sụt giá thê thảm và số người di cư vào Nam tăng vọt (Muốn biết thêm chi tiết, xem Wikipedia về Edward Lansdale và Operation Passage To Freedom). Lansdale cho phụ tá của ông tiếp xúc với các Đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng để thành lập các tổ điệp viên ở lại miền Bắc hoạt động, cung cấp cho họ tiền bạc và vũ khí. Ông cho tổ chức một số đám ma giả, trong quan tài chỉ có súng đạn cất giấu và đem chôn ở nghĩa trang để các tổ gián điệp lúc nào cần thì đào lên sử dụng.

Khi Ngô Đình Diệm được chính quyền Mỹ giúp trở về miền Nam làm thủ tướng, Lansdale ra phi trường xem ông Diệm được ủng hộ như thế nào. Lansdale chưng hửng khi thấy ông Diệm ngồi xe kín không ai thấy mặt, chạy rất nhanh không thèm quan tâm tới những người đến phi trường để đón ông. Lansdale lập tức đi tìm ông Diệm và khuyên ông Diệm đối xử cởi mở hơn với những người ủng hộ mình. Ông Diệm có lẽ không đồng ý với Lansdale, nhưng ông vui vẻ tiếp Lansdale vì biết mình rất cần được Lansdale giúp đỡ. Lansdale trở thành người thân tín của ông Diệm, gặp ông hằng ngày để bàn việc. Thấy ông Diệm không có người bảo vệ thích hợp, Lansdale cho thành lập đội cận vệ để bảo vệ thủ tướng.

Ông Diệm thích nói và không thích bị ngắt lời, với bất cứ ai ông cũng có thể say sưa nói không ngừng suốt mấy tiếng đồng hồ. Những người Mỹ tiếp xúc với ông đều ngán ngẩm với “Diem’s monologues”. Sử gia Phạm Văn Sơn (tác giả Việt Sử Tân Biên, sau làm Đại Tá Bộ Tổng Tham Mưu VNCH) nói rằng ông không phục ông Diệm vì chỉ thích nói mà không muốn nghe. Về phần Lansdale, ông kiên nhẫn ngồi im nghe ông Diệm nói hàng giờ liền, khi ông Diệm tạm ngừng nói để châm thuốc hút ông mới lên tiếng: “Hay lắm! Theo như tôi hiểu thì ý ông là… và ông muốn làm như vậy, phải không?” Lansdale khôn khéo trình bày ý của mình và làm ra vẻ đó chính là ông Diệm nghĩ ra, và ông Diệm thường vui vẻ đồng ý.

Sau 1954, miền Nam gần như không có chủ. Một số vùng vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh, nhiều vùng khác thuộc quyền quản lý của các lãnh chúa mỗi người hùng cứ một phương. Vua Bảo Đại là bù nhìn, Tướng Nguyễn Văn Hinh chỉ huy quân đội thì rất khinh thường ông Diệm và hành động độc lập – ông Hinh vừa là tướng VNCH vừa là tướng quân đội Pháp. Vùng Saigon thuộc quyền kiểm soát của quân Bình Xuyên do Tướng Bảy Viễn làm chủ, ông có quân đội riêng được người Pháp ủng hộ để phá ông Diệm. Miền Tây có hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo cũng có quân đội độc lập, Tướng Trình Minh Thế chỉ huy quân Cao Đài và Tướng Ba Cụt chỉ huy quân Hòa Hảo. Thực lực ông Diệm lúc mới về nước chỉ là số không, đa số người ở Saigon – dù là người Pháp, người Mỹ hay người Việt – đều nghĩ rằng chính phủ ông Diệm không thể tồn tại quá sáu tháng.

Edward Lansdale đã chứng tỏ cho mọi người thấy ông có khả năng xoay chuyển tình thế một cách thần kỳ. Trước tiên, ông dùng tiền CIA để mua chuộc Tướng Trình Minh Thế về phe ông Diệm. Theo Elizabeth Becker (America’s Vietnam War: A Narrative History, Carion Books, 1992, trang 28), Lansdale đã chi cho Tướng Trình Minh Thế và một số người khác khoảng 10 triệu đô, vào năm 1954 là một số tiền rất lớn – quy theo giá vàng năm 1954 là $35.25/ounce và năm 2019 là $1525/ounce thì tương đương với khoảng 400 triệu đô hiện nay. Sau đó ông tìm cách gây chia rẽ trong hàng ngũ những người chống đối để ông Diệm có thời gian củng cố quyền hành, xây dựng quân đội với nòng cốt là những người Công Giáo trung thành. Lansdale tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho nhân tình của những quan chức Việt Nam, để bắn tin là ông Diệm được người Mỹ tin tưởng, nên theo ông Diệm để được hưởng lợi từ viện trợ Mỹ.

Tháng 8 năm 1954, Tướng Nguyễn Văn Hinh công khai chỉ trích ông Diệm và muốn tiến hành đảo chánh, nhưng nhờ Lansdale đã mua chuộc Tướng Trình Minh Thế và chia rẽ những thành phần đối lập, Tướng Hinh không thành công và phải từ chức đi Pháp vào cuối năm 1954 (sự thất bại của Tướng Hinh một phần là do Tướng Lê Văn Tỵ, lúc đó là Tư Lệnh Đệ Nhất Quân Khu, có cảm tình với ông Diệm và không chịu theo Tướng Hinh). Mặc dù thế lực ông Diệm từ từ mạnh lên, giới chức cao cấp ở Washington vẫn bi quan về khả năng tồn tại của ông Diệm. Ngoại Trưởng John Foster Dulles yêu cầu các quan chức Mỹ xem có ai có thể thay ông Diệm được không. Biết tin, ông Diệm mời Lansdale tới hỏi ý kiến. Lansdale nói cần phải dẹp loạn Bình Xuyên và thu phục các giáo phái miền Tây thì mới được Washington tin tưởng. Tháng 4 năm 1955 quân đội VNCH tấn công quân Bình Xuyên và sau một tuần ác chiến trên đường phố Saigon, quân ông Diệm làm chủ Saigon và Tướng Bảy Viễn trốn sang Pháp. Theo một nguồn tin khác (The Spy Who Loves Us, Thomas A. Bass, Public Affairs, 2008, trang 84), cuộc chiến đấu giữa chính quyền Saigon và quân Bình Xuyên không thật sự ác liệt như đã báo cáo – trên thực tế, Lansdale đã dùng 12 triệu tiền CIA để mua chuộc các lãnh tụ Bình Xuyên, để cho họ rút lui qua Pháp. Đại Tá Fletcher Flouty, một người phụ tá của Lansdale, nói rằng CIA còn dùng tiền để dựng nên những chiến trường giả tạo, để báo cáo chiến thắng nhằm mục đích tăng uy tín cho ông Diệm.

Trong vòng ba năm 1954 - 1956, Lansdale đã giúp ông Diệm buộc Tướng Nguyễn Văn Hinh phải từ chức, bình định các sứ quân Cao Đài, Bình Xuyên và Hòa Hảo, trở thành một lãnh tụ quyền uy. Khi ông Diệm tổ chức tổng tuyển cử để truất phế Bảo Đại, Lansdale góp ý làm phiếu bầu ông Diệm màu đỏ (là màu hên) còn phiếu của Bảo Đại màu xanh lá cây, để cho dân quê ít học dễ nhớ và dễ chọn ông Diệm hơn. Lansdale muốn ông Diệm tổ chức bầu cử trong sạch giống như Magsaysay, vì Lansdale biết ông Diệm chắc chắn được khoảng 70% phiếu – đối với người Mỹ thì đây là một chiến thắng “landslide” rất đáng tự hào. Nhưng hai ông Diệm, Nhu lại nghĩ khác, họ cần có đa số tuyệt đối để chứng tỏ uy quyền. Ở vùng quê, các phòng phiếu đều có mật vụ bắt người đi bầu phải bỏ phiếu cho ông Diệm, người nào không nghe sẽ bị đánh đập. Ở thành phố thì người của hai ông Diệm, Nhu vừa đánh tráo các thùng phiếu vừa tự bỏ thêm nhiều phiếu, họ làm việc nhiệt tình đến nỗi ở Saigon ông Diệm được bầu với tỷ lệ 134% – chỉ có 450 ngàn cử tri mà ông Diệm được 605 ngàn phiếu! (The New Yorker, What Went Wrong in Vietnam, Fed 26, 2018 Issue). Tổng kết toàn quốc, ông Diệm được 98,2% phiếu bầu và trở thành Tổng Thống đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hòa.

Sau khi thành Tổng Thống, ông Diệm tránh gặp Lansdale và bắt đầu giao quyền hành cho các thành viên gia đình ông – Ngô Đình Cẩn làm lãnh chúa miền Trung và Ngô Đình Nhu làm cố vấn. Sự trở mặt của ông Diệm là do nhu cầu chính trị, ông đã quá lệ thuộc vào Lansdale để thành công và nếu tiếp tục như vậy người ta sẽ coi ông như là một tay sai của Mỹ mà thôi. Về phần Lansdale, ông không có thì giờ để bất mãn với hai ông Diệm, Nhu – chính quyền Mỹ coi như ông đã thành công trong việc xây dựng nước Việt Nam Cộng Hòa và triệu hồi Lansdale về Mỹ. Sự nghiệp “kingmaker” của Lansdale (một tay gây dựng hai Tổng Thống) đã chấm dứt từ năm 1956 – sự thành công của ông ở Philippines có ảnh hưởng lâu dài, nhưng sự thành công của ông ở Việt Nam chỉ là nhất thời mà thôi.

3. Edward Lansdale, “Người Mỹ Thầm Lặng” hay “Người Mỹ Xấu Xí”?

Edward Lansdale thường được gọi là “Người Mỹ Thầm Lặng” vì là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết The Quiet American của văn sĩ Anh Graham Greene. Mặc dù bối cảnh câu chuyện là Việt Nam thời 1954 - 1955, các nhân vật đều là người Anh, Pháp, Mỹ sống ở Saigon, chỉ có một nhân vật nữ người Việt tên Phượng rất xinh đẹp nhưng không có đầu óc. Dưới mắt Graham Greene, người Á Châu là một giống người hạ đẳng, không biểu lộ tình cảm giống như loài khỉ – ông tả một người đàn bà Việt ôm xác con vừa bị bom nổ chết mà mặt vẫn bình thản lặng yên. Mặc cảm tự tôn của Graham Greene là bình thường đối với người Anh thời 1950, họ rất khinh người da vàng và coi thường người Mỹ không hiểu biết về thế giới mà can thiệp khắp mọi nơi (điều này cũng có phần đúng). Nhân vật The Quiet American của Greene là một sĩ quan tình báo Mỹ ngây thơ tên Pyle, muốn xây dựng một “lực lượng thứ ba” ở Việt Nam để chống lại người Pháp và Communists (ám chỉ hoạt động của Lansdale xây dựng chính quyền ông Diệm, trục xuất người Pháp và làm đồng minh với Mỹ để chống sự bành trướng của cộng sản). Pyle đã cung cấp chất nổ cho Tướng Trình Minh Thế để giết lính Pháp lúc duyệt binh, nhưng người Pháp thay đổi giờ cho nên lúc bom nổ chỉ có một số người Việt bị chết oan. Qua truyện The Quiet American, Graham Greene muốn trình bày sự “ngây thơ chết người” của người Mỹ, có ý tốt muốn giúp những nước nhược tiểu nhưng thật ra chỉ làm hại họ mà thôi.

Trên thực tế, Graham Greene chỉ gặp Edward Lansdale có một lần ở Saigon và ông rất ghét Lansdale. Chuyện Tướng Trình Minh Thế cho nổ bom định giết lính Pháp là có thực, nhưng Lansdale khẳng định rằng CIA không hề giao chất nổ cho Tướng Thế, có lẽ đây là một trái bom tự tạo từ thuốc súng lấy từ đầu đạn đại bác. Mặc dù nhân vật Người Mỹ Thầm Lặng không giống Lansdale ngoài đời, Lansdale vẫn vui vẻ chấp nhận mình là “The Quiet American”. Đã từng là chuyên gia quảng cáo, Lansdale thấy một văn sĩ nổi tiếng như Graham Greene làm cho mình được nhiều người chú ý, quảng cáo không công cho mình như vậy là có lợi.

Edward Lansdale còn là nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của William Lederer, The Ugly American (Người Mỹ xấu xí). Ý của tác giả là những người Mỹ bảnh bao đẹp đẽ thực ra không ai ưa, còn những “người Mỹ xấu xí” ăn mặc giản dị, phong cách bình dân mới là những người được yêu mến ở ngoại quốc. Trong truyện The Ugly American, Đại Tá Hillandale là bạn của Magsaysay ở Philippines (đọc biết ngay đây chính là Đại Tá Lansdale) muốn giúp Magsaysay tăng uy tín để thắng cử, cho nên một buổi trưa thứ bảy ông ra công viên, ngồi xuống vỉa hè và lấy harmonica ra thổi một bản nhạc Filipino. Trong vòng 15 phút, khoảng 200 người Phi hiếu kỳ đã vây kín chung quanh Đại Tá Hillandale. Sau khi thổi harmonica, ông hát một bản nhạc Filipino và mời mọi người hát theo mình. Sau đó ông đứng lên, nói rằng mình đã đói nhưng không có tiền ăn trưa. Mọi người đều ngạc nhiên: “Ông là đại tá Mỹ mà không có tiền? Chúng tôi biết lương ông rất lớn, khoảng 2,000 pesos…” Hillandale cười, “Tôi có một vợ ba con phải nuôi, đời sống bên Mỹ rất đắt đỏ, lương tôi chỉ đủ xài chứ không có dư… Bên Mỹ cũng có nhiều người nghèo, không hơn các bạn đâu.” Nghe vậy, mọi người bèn tranh nhau mời Hillandale đến nhà mình ăn, và mời ông tuần sau lại đến chơi với họ.

Nhân vật Hillandale giống Lansdale ở chỗ biết khiêm tốn và tôn trọng những người Á Châu cho nên đi đâu cũng được yêu mến. Tổng Thống Kennedy thích truyện The Ugly American, nói rằng các quan chức ngoại giao Mỹ nên đọc truyện này để biết chinh phục cảm tình của người ngoại quốc. Tuy nhiên, Lansdale lại phàn nàn rằng truyện The Ugly American làm cho nhiều quan chức Mỹ ghét ông. Thực ra, vì Lansdale nổi tiếng là “kingmaker” cho nên bị tiểu nhân ganh ghét, không phải là những người này đọc truyện The Ugly American xong rồi mới sinh ra ác cảm với Lansdale.