Sự Chay của Đạo


Sự Chay của Đạo

Trich Thánh Giáo Vô Vi Hiệp Thiên Đài

Ngọc Hư Cung Chưởng Giáo Thiên Tôn

Đàn đêm 14 rạng 15 tháng 10 năm Giáp Tuất (1934)

Đạo nào có cấm sự Ăn Chay! Đạo nào có buộc sự Ăn Chay! Đạo là sự Sống. Sự Sống là Đạo. Có Đạo thì Người mới Sống. Có Người thì Đạo mới Sống.

Đạo không phân biệt Chay Mặn, vì Chay Mặn không phải là Đạo, vì Chay Mặn là vật nuôi cho sự sống xác thân loài người mà thôi. Đạo không phân biệt Chay Mặn, cũng như Đạo không phân biệt Gái Trai, Đạo không phân biệt nhỉ ngã, Đạo không phân biệt chủng tộc, Đạo không phân biệt điểu thú thảo mộc, vì đều là con cái của Đức Chí Tôn cả thảy. Nếu Đạo phân biệt Chay Mặn, thì Đạo cấm giết điểu thú mà lại cho hại thảo mộc sao? Chay là chi? Mặn là chi? Chay Mặn đều là món ăn của các con tùy thích cho hạp khẩu, cho hạp với sự tiêu thụ của phần vật chất. Đạo có biết nó mà chi, mà các con phòng phải tranh đua với nhau về miếng ăn mà mích lòng nhau cho đau đớn lòng Đại Từ Phụ? Cái miếng ăn của các con dùng, là để dành nuôi lấy xác thân, miễn sao cho các con đừng quá Tham Mê Khẩu Phúc, đặng làm cho đến đỗi hại lấy sự Sống của mình. Phải cho biết vệ sanh là hơn. Có Sống có mạnh mới giúp Trời hành Đạo. Có Sống có mạnh mới giúp Đạo làm ra thêm sự Sống khác, chớ nào phải sống đặng ăn uống, đặng tranh cao thấp phải quấy, hoặc làm hại sự Sống cùa nhau đâu. Bổn Sư có một lời khuyên các con hãy lo lắng chăm nom cần mẫn về sự học Đạo đặng cho trưởng dưỡng tinh thần mà mau về với Thầy là hay hơn, vì Đạo là món đồ ăn quí hơn hết để nuôi sống cho Linh Hồn, hãy lo nêm nấu chả gỏi đồ ăn ấy cho thiệt tinh khiết hơn là các món đồ chay mặn chi của thế gian bày điều để hại cho vật chất; nếu ai mê mang sự ngon của vật chất này mà quên sự ngon nuôi Linh Hồn, thì hóa ra mất tình hòa nhã thiêng liêng, vì Đạo chuộng về sự Thiêng Liêng. Đức Chí Tôn cũng đã nhiều phen cấm rượu thịt chơi bời, mà cũng có nhiều phen châm chế cho đứa dùng Trường Trai theo cách của nó tưởng, ấy là tùy thời biến diệc trong ba thời kỳ, theo lệ Tam Thừa và vận Lục Long đặng dìu dắt con cái Người đó. Mà Người cũng có chỉ rõ cho con cái của Người rằng: Trường Trai Khổ Hạnh ngày đêm theo kẻ hành Đạo ngày nay, ấy là một Đạo luật hóa Chơn Lý ra thành ngụy lý, chớ Đạo nào có biết tới sự ăn là chi. Bổn-Sư cũng đã có giải cho các con hiểu rằng: Thủ Giái Trì Trai là sự răn lòng đừng cho có Tà Vọng, dầu cho Động, Ngôn, Thị, Thính, mỗi việc chi đều phải Chay Sạch mới thật gọi là sự Trường Trai của Đạo đó, mà sao không thấy con nào chịu đem lòng xét đến cho rõ, lại vẫn cứ theo tập tục hoài, đặng cãi lẫy tranh giành miếng ăn với nhau cho mất niềm hòa khí?

Nay muốn cho các con hiểu rõ cái tục Trường Trai khổ hạnh của thế tục đua chen với nhau mà gọi rằng Luật Đạo, Luật giái cấm cho kẻ tu hành ấy nó là thế nào, gốc bởi đâu mà ra, cho các con hiểu thấu, đặng dứt bỏ sự tranh cạnh với nhau, thì Bổn Sư còn phải thất công giải thêm một phen nữa cho kỹ lưỡng đem để vào kỷ luật mà chỉ dạy cho nhau.

Con người chớ khá mê ăn, chớ khá tưởng đến sự ăn là Đạo. Ăn và Chay là hai điều khác nhau, Ăn là Ăn mà Chay là Chay, nào phải ăn rau cỏ mới gọi là Ăn Chay đâu. Chẳng luận cây cỏ chi nó cũng đều có một cái lõi mà thôi, không hề thay đổi, nên loại thảo mộc mới được Nhứt Tâm. Được Nhứt Tâm mới được trong sạch ngay thẳng. Chay là trong sạch ngay thẳng đó. Người học Đạo cũng phải sửa mình cho được Nhứt Tâm, ví như loại thảo mộc trước sau như một không thay đổi, vậy mới được gọi là người Chay Sạch, chớ nào có phải điểu thú là vật Mặn mà thảo mộc là vật Chay sao? Vật nào lại không có sự Sống riêng của nó! Vật nào cũng có sinh mạng riêng của nó. Nếu cấm sát sanh mạng của điểu thú mà lại đành sát sanh mạng của thảo mộc, vậy sao được gọi là cấm sự sát sanh. Cả vạn vật sống ở trong võ trụ chẳng có một vật nào mà chẳng hôi tanh, mà không có một vật nào mà chẳng trong sạch, đừng phân biệt mới gọi là biết Đạo.

Trường Trai mà phải Khổ hạnh vốn chẳng phải Luật của Phật Đà, ấy là luật của Bà La Môn giáo. Những người tuân theo luật nầy, ngày nay vẫn còn rải rác ở miền Ấn Độ và nơi miền núi Tuyết Sơn. Thích Ca Mâu Ni lúc mới xuất gia cũng theo luật này, đến khi biết vậy là không trúng Chơn Lý mới tự mình sửa theo Đạo Trung cho phù hạp với Lý tự nhiên mới được biết Đạo. Lúc biết Đạo rồi đi hành Đạo, thì Thích Ca đã chấn chỉnh lại, không còn dạy tuân theo luật ấy nửa, nhưng những đứa Bà la môn cũ mà theo về Giáo Lý của Thích Ca cũng còn quen theo lệ quen của nó mà Thích Ca cũng để tự do chẳng nói chi. Kịp đến khi Thích Ca qua đời, thì nội năm ấy đã thấy Giáo Lý của Thích Ca bị tín đồ của mình sửa đổi ra ít nhiều rồi, chẳng nói chi đến 400 năm sau, chẳng nói chi đến khi rải rác ra cả nước ngoài, chẳng nói chi đến khi đến nước Trung Hoa, mà cũng chẳng nói chi cho đến ngày nay.

Bên Trung Quốc, khi Lão Đam đã qua đời rồi, thì cũng có nhiều chi phái học Trường Trai và phải Khổ Hạnh vậy, song khác hẳn với cách của Bà la môn giáo. Ấy là những phái gọi là Đạo Gia. Phái này ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc ăn ròng những trái cây hay là rau cỏ, đặng luyện hống thiêu đơn, bỏ hết thú vị trần gian, tập mình theo một cảnh riêng an nhàn, cũng có đứa tưởng vậy là đến bực Thần Tiên, ấy là một mối khác mà Chơn Lý gọi là Tả Đạo dị đoan đó.

Kịp đến khi Phật Giáo đến Trung Quốc, cũng hiếm đứa hiệp cách Trường Trai khồ-hạnh của hai phái này nhập một và châm chế tùy theo chỗ ở của mình cho phương tiện cách thế thâu dụng môn đồ cho dễ, cho đông, mà khoe danh với đời, nên mới có một phái pha lộn, gọi rằng tu Phật mà sự hành vi pha theo Lão, hoặc tu Lão mà pha trộn sự hành vi của Phật, ấy là một phái thứ ba nữa.

Cách trên 300 năm nay, Trung Quốc đại loạn, chẳng còn biết làm sao phân biệt được Đạo nào là Đạo nào, mỗi đứa mạnh một phương diện nào, thì chia nhau hành Đạo một cách riêng nấy, ngoài miệng mượn tiếng Trường Trai khổ hạnh coi rất nghiêm ngặt, mà trong lòng dối trá trăm bề, chẳng còn biết có Trời có Đất chi nữa, miễn cho mạnh sức phe đảng của mình mà thôi. Ngọc Kinh cũng phải vì mấy phái nầy mà mây đen giăng phủ mù mịch tối tâm vậy. Ấy là một phái thứ tư nữa đó.

Đến lúc những phái này tràng đến cõi Việt Nam, thì chúng nó lại tổ chức theo một cách Trường Trai khổ hạnh khác nữa, đem cả các màu sắc nhuộm lại một giống Đạo gọi là Đạo chi cũng được, mà lại đặt tên ra một giống Đạo quái gở, tiếm xưng là Đại Đạo. Ôi thôi! Đại Đạo mà đến đó là cùng!!

Bởi thấy các con của Thầy biết có một lòng kỉnh Phật thờ Trời, mà bị giống Đại Đạo quái gở ấy lường gạt đã đến cực điểm, nên Đức Chí Tôn mới phế Ngọc Kinh, ngự đến phàm trần, bổn thân dìu dắt chỉ bảo, đặng đem con cái của Người về đường ngay lẽ chánh, Người nào có công dư đâu mà dạy đến sự ăn là chi đâu. Rất đổi Thích Ca xưa kia còn chẳng biết đến món ăn là gì, ai bồ thí cho chi thì ăn nấy, là vì để lòng trống đặng tìm lấy Sự Sống Thiêng Liêng, nào có để tâm vào lo nấu nướng, lo ăn cách này, cách kia đâu.

Các con phải biết rằng trăm việc có chi ở tại thế, nếu muốn biết cho rõ, thì phải đi tìm cho đến nguồn cội mới được, huống chi Đạo? Đạo gốc ở nơi Trời, mà các con cứ tìm mãi vào sự ăn, thì làm sao gọi rằng người học Đạo? Ăn là một sự tự nhiên phải có, hễ có xác thân ra rồi thì phải có ăn mới sống; nấu nướng là một sự của xác thân bày đặt ra đặng làm cho vừa miệng mà ăn, bởi muốn làm cho vừa miệng mà ăn, nên mỗi người bày ra một cách, vậy thì sự ăn ấy nào phải tự Trời có ra đâu, mà sao các con đua cãi với nhau cho mất ngày giờ? Sao chẳng để ngày giờ ấy mà lo tìm kiếm học hỏi vì làm sao mà xác thân nầy có ra đây? Có ra đặng làm chi? Nó có sống hoài hay không? Nó sống hoài đặng làm gì? Nếu nó không sống hoài, vậy thì người muốn cho nó sống đặng làm gì? Làm sao cho nó đặng sống hoài? Nếu nó phải chết, vậy thì có nó ra làm chi rồi phải chết? Làm sao gọi rằng sống? Làm sao gọi rằng chết? Sống thì ở đâu? Chết lại ở đâu? Sống chết có quan hệ chi cho xác thân nầy hay không? Nếu có quan hệ cho xác thân, thì sao người không trân trọng nó? Bằng không quan hệ, thì sao không vứt bỏ nó đi? Làm sao gọi rằng là trân trọng? Làm sao gọi rằng vứt bỏ? Những bài học đầu bài về bổn phận của kẻ học Đạo phải biết như vậy, sao không thấy ai để ý đến mà tìm, cớ chi lại mãi cứ châm nôm hoài nơi miếng ăn?

Nếu gọi rằng ăn đồ rau cỏ cho nhẹ nhàn trong sạch Linh Hồn, còn ăn đồ thịt cá, thì Linh Hồn phải bị nặng nề nhơ uế, vậy thì sự nặng nhẹ của Linh Hồn ấy nó là bao nhiêu? Có ai cân trước nó rồi đặng sau gióng lại coi nó thể nào, thì so sánh nó mới đưọc chớ! Mà đã gọi rằng Hồn, thì nó cũng phải có ăn uống như xác vậy sao? Chẳng trách kẻ trọng nơi sự ăn cho xác thịt, mà cho đến Linh Hồn cũng còn phải cho nó ăn như xác thịt, vậy thì nó sống mới được! Mà cũng còn có kẻ biết cân sự nhẹ nặng của Linh Hồn nữa mới lạ chớ?

Bổn Sư nay khuyên các con: Nếu muốn học Đạo, thì hãy tìm Đạo mà học, để công dư cho nhiều mà tìm mới gặp. Hãy bắt chước Thích Ca Mâu Ni, giao việc nấu nướng ấy về phần người khác phải làm cho mình dùng, chớ chê mặn lạt, đừng nếm ngon vụng, chẳng định vật nào phải ăn, vật nào chẳng nên ăn, chớ tính trước sự thèm muốn. Hãy để Tâm vào sự tìm Đạo cho được, cho biết, cho thấy, cho gặp, cho thông suốt mà thôi. Làm được như vậy, thì Linh Hồn mới được khỏe, được no, được trong sạch, được nhẹ nhàng thơi thới. Nếu chẳng được như vậy, thì dầu cho có tịch cốc là Linh Hồn cũng không nhờ cậy vào đâu.

Bổn sư cũng chỉ cho các con biết sự Chay của Đạo là chi, đặng các con có thể dùng mà ăn mới được.

Sự Chay của Đạo là: chẳng đặng phép để một chút nhơ uế tanh hôi dính đến mình và phạm tội lỗi. Những vật tanh hôi nhơ uế ấy là vật nào chẳng phải của mình mà tay chơn mình động đến, con mắt mình xem đến, lỗ tai mình nghe đến, lỗ miệng mình nói đến, lỗ mũi mình ngửi đến, cái lưỡi mình nếm đến, trí tự mình để ý lo đến và thân mình mình gần gũi đến. Những vật như vậy đều là vật tanh hôi nhơ uế nhớp nhúa lắm, nó làm cho các con phạm tội lỗi vô cùng. Tránh xa dứt bỏ những vật ấy đi, vì nó đều chẳng phải vật gọi là Đồ Chay.


Hễ tránh xa được những vật ấy rồi, thì những vật chi chẳng phải là những vật ấy, thì đều là vật đáng gọi là đồ chay sạch cả thảy. Các con đã tránh được khỏi những vật chẳng phải vật gọi là đồ chay đó rồi, mà các con lại tìm được những vật đáng gọi là đồ chay sạch thì các con phải Nhứt Tâm Nhứt Định để trọn lòng trọn dạ vào nơi đó, đặng tiếp tục tìm kiếm thêm lên mà dùng, được vậy mới đáng gọi là Chay đó. Chay là vậy đó. Chay là để trọn lòng dạ của mình vào nơi một vật nào thiệt trong sạch, không bợn nhơ, không nhơ uế, không nhớp nhúa, không trái với Lương Tâm, không xấu hổ với Thần Minh dòm ngó xét, không hề thay lòng đổi dạ. Chay là vậy đó.

Nếu chay được vậy rồi, thì cả châu thân của con không còn một chỗ nào mà không chay sạch tinh khiết. Không một nơi nào mà chẳng tinh khiết, rồi dùng sự chay sạch tinh khiết ấy đặng để trọn vào lòng cho đầy đủ, đừng cho khiếm khuyết một chỗ nào, ấy gọi là ăn đó. Ăn được cái sự chay như vậy mới gọi là Ăn Chay. Làm được cái sự chay như vậy mới gọi là Làm Chay. Rồi dùng cái sự chay của mình đã ăn đã làm đó đặng dưng lại cho chư Thần xem xét, ấy gọi là Dưng Chay Cúng Chay đó. Làm được Chay như vậy hoài, Ăn được Chay như vậy hoài, Cúng được Chay như vậy hoài ấy là Trường Trai đó; trường trai như vậy thì Hồn và Xác của các con đều được thơ thới, đều dược nhẹ nhàn, đều được thong dong tự tại, thì nào có khổ bao giờ mà gọi là trường trai khổ hạnh. Các con hãy ghi chép sự Trường Trai của Bổn Sư dạy đây vào lòng các con cho khắn khích và làm theo cho được mỉ mảng rồi sẽ có người thay mặt cho Bổn Sư dạy cách Hành Đạo cho các con rõ và khuyên các con hãy ráng mà nghe theo. Chớ tưởng Đạo là dạy sát sanh hay cấm sát sanh. Phải nhớ rằng: không một vật nào hiện tại ở thế gian này mà không có sanh mạng. Đừng binh vật này mà bỏ vật kia. Các con hãy tìm lấy sanh mạng của các con đặng nuôi nó cho có Sống hoài là hay hơn.

Đức Chưởng-Giáo Sư Phụ Đại Thiên Tôn